Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế yêu cầu: Loại bỏ cây có độc trong trường học; Nhiều dịch vụ y tế tăng giá mạnh với người bệnh tự chi trả; Bộ Y tế quy định về hóa trị, xạ trị ban ngày tại cơ sở khám, chữa bệnh; Bộ Y tế cần điều chỉnh cho hợp lý; ...

 

Bộ Y tế yêu cầu: Loại bỏ cây có độc trong trường học

Sau liên tiếp nhiều vụ học sinh bị ngộ độc do ăn quả ngô đồng tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có công văn yêu cầu các địa phương có biện pháp phòng ngừa, loại bỏ những loại cây có độc trong khuôn viên trường. Gần 100 học sinh tiểu học, trung học cơ sở tại địa bàn tỉnh Nghệ An bị ngộ độc quả cây ngô đồng trong những ngày gần đây. Cụ thể, ngày 21/4 lúc tan trường 37 học sinh Trường THCS Quỳ Châu, huyện Quỳ Châu ăn quả ngô đồng trong sân trường. Ít phút sau, số học sinh này có triệu chứng nôn ói, đau bụng, chóng mặt. Phát hiện sự việc, nhà trường đã đưa các em đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện; ngày 20/4 hơn 50 học sinh trường Tiểu học Nghi Hòa, TX Cửa Lò ăn quả ngô đồng và phải đến trạm xá điều trị. Trong số đó có 20 em bị nặng phải chuyển bệnh viện tuyến trên cấp cứu. Trước đó, vào ngày 10/4, 12 em học sinh trường Tiểu học Tân Giang (TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) ăn quả ngô đồng rồi về nhà có triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng. Các bệnh nhân được đưa đến khoa Cấp cứu – Chống độc BV ĐK tỉnh Hà Tĩnh điều trị.

Trước tình hình trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các địa phương đề nghị rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên nhà trường. Nếu phải trồng với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có biển cảnh báo và các biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp đối với mỗi cây, hoa này. Cục ATTP Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc và thông báo với cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý kịp thời.

Ngày 22/4, Sở GD&ĐT Nghệ An có công văn số 698/SGDĐT-VP gửi các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc sở truyền đạt công văn của Cục ATTP, yêu cầu tuyên truyền thông tin, kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là các loại cây có độc như cây ngô đồng; đề nghị các trường học thay thế cây ngô đồng bằng loại cây khác an toàn hơn (Tiền phong, trang 6; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Nhiều dịch vụ y tế tăng giá mạnh với người bệnh tự chi trả

Theo Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, từ 1.6.2017, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới với hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng tự chi trả, không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám chữa bệnh. Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN), cho biết nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2 - 3 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%. Có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa, gồm: giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện (BV).

Trong đó, 2 nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2 - 4 lần so với giá hiện tại. Cụ thể, tiền khám bệnh tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở BV hạng 1 và hạng 2. Theo quy định mới, tiền khám tối đa ở BV hạng đặc biệt và BV hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt; hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và BV hạng 4/phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã là 29.000 đồng/lượt.

Tương tự, giá tối đa dịch vụ ngày điều trị hồi sức tích cực tại BV hạng đặc biệt cũng tăng gấp đôi, lên 677.100 đồng; BV hạng 1 là 632.200 đồng; BV hạng 2 là 568.900 đồng.

Đối với ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu, chống độc, các mức tương ứng là: 362.800 đồng/ngày, 335.900 đồng/ngày và 279.100 đồng/ngày; tại BV hạng 3 là 245.700 đồng/ngày và BV hạng 4 là 226.000 đồng/ngày... Đây là mức tăng rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày.

Ông Phúc nhấn mạnh, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm. Theo đó, với 1.916 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá từ 1.6 tới, mức điều chỉnh tăng chủ yếu ở khoảng 20 - 30%, một số dịch vụ có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành, nhưng số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ lên tới hàng trăm ngàn, thậm chí đến cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí cao.

Ví dụ, chụp X-quang động mạch vành hoặc thông tim, chụp buồng tim dưới DSA tăng từ 5,1 triệu đồng lên gần 5,8 triệu đồng; chụp và can thiệp tim mạch dưới DSA từ 6 triệu lên gần 6,7 triệu đồng; nội soi ổ bụng từ 575.000 đồng tăng lên 793.000 đồng, nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng có sinh thiết tăng từ 220.000 đồng lên 385.000 đồng... Cũng theo ông Phúc, điều khác nhau cơ bản giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là bệnh nhân BHYT được Quỹ BHYT chi trả từ 80 - 100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng, còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh (Thanh niên, trang 4).

 

Bộ Y tế quy định về hóa trị, xạ trị ban ngày tại cơ sở khám, chữa bệnh

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định việc thực hiện hóa trị, xạ trị, hóa trị kết hợp xạ trị ban ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, hóa trị ban ngày, xạ trị ban ngày và kết hợp hai phương pháp là các hình thức điều trị bệnh nội trú trong thời gian làm việc ban ngày của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, quy trình chuyên môn kỹ thuật y tế và quản lý hồ sơ bệnh án, chi phí khám bệnh, chữa bệnh (trừ tiền giường bệnh) đối với hình thức hóa trị, xạ trị hoặc hóa trị kết hợp xạ trị ban ngày được thực hiện theo quy định đối với hình thức khám bệnh, chữa bệnh nội trú. Việc chỉ định cho người bệnh được áp dụng điều trị bằng các hình thức nêu trên do bác sĩ điều trị quyết định và chỉ áp dụng đối với người bệnh cư trú (thường trú, tạm trú) trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động (Nhân dân, trang 8).

 

Bộ Y tế cần điều chỉnh cho hợp lý

Theo Thông tư 40 của Bộ Y tế năm 2014, nhiều người bệnh “bỗng nhiên” không được BHYT chi trả một số loại thuốc đắt tiền, mặc dù được kê đơn thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế, Sở Y tế và bệnh viện thông qua. Nếu không được BHYT chi trả, nhiều gia đình sẽ rơi vào tình cảnh khốn đốn. Ngay sau Thông tư 40 của Bộ Y tế, chính những người thầy thuốc đang điều trị cho người bệnh cũng thẳng thắn bày tỏ bức xúc. Nguyên nhân chỉ vì bệnh không có trong nội dung chỉ định sử dụng thuốc của nhà sản xuất. Quy định phải dùng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất không chỉ làm khổ người bệnh mà “trói tay” bác sĩ trong việc kê đơn thuốc cho người bệnh.

Trong khi đó, những loại thuốc được BHYT thanh toán 80% trước đây, nay áp dụng Thông tư 40 sẽ không được thanh toán. Bản thân các thầy thuốc cũng không thể giải thích cho người bệnh về quy định này, họ chỉ có thể cảnh báo rằng, nếu không có khả năng mua thuốc điều trị bệnh sẽ nặng hơn, nguy cơ tử vong cao. 

Một số bệnh viện đã chỉ ra sự vô lý và kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi Thông tư 40, đồng thời đề nghị Bảo hiểm xã hội thanh toán BHYT đối với các loại thuốc mà chỉ định đã được ghi rõ trong phác đồ điều trị của bệnh viện, đặc biệt trong các “Hướng dẫn điều trị chuẩn” trên thế giới hiện hành, ngay cả khi các chỉ định này không có trong hồ sơ đăng ký thuốc của nhà sản xuất.

Trước những bất cập của Thông tư 40, trước những phản ứng của người trong cuộc, nhất là bức xúc của người bệnh, Bộ Y tế cho biết sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung thông tư này. Điều này có nghĩa người bệnh thêm gánh nặng trên vai đến khi Thông tư 40 được điều chỉnh cho hợp lý (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Loạn thị trường kính thuốc

Số người bị mắc các tật liên quan đến khúc xạ, phải đeo kính thuốc - bao gồm kính cận thị, loạn thị, viễn thị… - đang gia tăng nhanh chóng. Đi khám mắt, đo thị lực và sắm một chiếc kính thuốc là giải pháp mà đa số người bị tật khúc xạ lựa chọn. Tuy nhiên, do quy trình, kỹ thuật đo thị lực ở nhiều cơ sở cung cấp kính thuốc không bảo đảm cũng như tình trạng loạn sản phẩm nên nhiều người phải chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.

Hệ lụy khó lường

Tại các bệnh viện mắt hay bệnh viện có chuyên khoa mắt, các bác sĩ thường xuyên phải tiếp nhận bệnh nhân là nạn nhân của cửa hàng kính thuốc - nơi mà việc kiểm tra thị lực, kê đơn (số kính) được thực hiện khá tùy tiện. Việc cấp sai số kính, lắp kính không đồng trục, lệch tâm... là điều thường xảy ra. Nhiều trường hợp được cấp kính sai số, phải đeo kính cận số cao hơn mức cần trong khoảng thời gian dài khiến người dùng mệt mỏi, thậm chí bị biến chứng liệt điều tiết.

Có nhiều ví dụ về tình trạng đáng lo nói trên. Chẳng hạn, trường hợp của bệnh nhân Dương Phương K. (9 tuổi, trú tại Hải Phòng) đã được đưa tới Bệnh viện Mắt trung ương trong thời gian gần đây. Cách đây 5 tháng, thấy con kêu khi nhìn bị mờ, bố mẹ cho em đi khám mắt và được cấp đơn mua kính cận 2 đi-ốp. Thế nhưng, khi đeo kính, Dương Phương K. vẫn không nhìn rõ mọi thứ xung quanh. Sau đó một tháng, bố mẹ cho em đi khám lại. Và lần này, người khám chỉ định tăng số kính của K. - với mắt phải là 4 đi ốp và mắt trái là 4,5 đi ốp. Dù vậy, sau đó, sức nhìn của em vẫn kém, thậm chí còn có hiện tượng đau đầu, nhức mắt. Cuối cùng thì K. được đưa đến Bệnh viện Mắt trung ương và được hội chẩn tại Khoa Khúc xạ. Theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Trưởng khoa Khúc xạ, kết quả kiểm tra cho thấy thị lực - cả nhìn xa và nhìn gần - của K. rất kém. Nghi ngờ bệnh nhân bị rối loạn điều tiết, các bác sĩ chỉ định tra thuốc liệt điều tiết để kiểm tra khúc xạ. Kết quả khiến tất cả giật mình: Mắt phải của K. hoàn toàn không bị tật khúc xạ, chỉ mắt trái có dấu hiệu loạn thị nhẹ. Vậy là em đã phải “đeo oan” kính cận 4 đi ốp trong khoảng thời gian khá dài. Đây là trường hợp rối loạn điều tiết quá mức nên rất khó chữa.

Là nhân viên văn phòng, chị Nguyễn Quỳnh Nguyên (42 tuổi, ở Hà Nội) thường xuyên phải tiếp xúc với máy tính. Thấy mắt càng ngày càng kém, nhìn xa rất khó và mờ, chị quyết định đi đo mắt. Tìm đến một cửa hàng kính thuốc trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), chị được khám và được cấp kính cận 2 đi ốp. Sau khi đeo kính một thời gian, chị thấy chóng mặt, nhức đầu. Để cho yên tâm, chị lại đến một cửa hàng kính thuốc trên đường Giảng Võ (quận Ba Đình) để đo mắt. Nhân viên tại đây báo kết quả là mắt của chị vừa bị cận vừa bị loạn thị. “Hai cửa hàng kính thuốc đều quảng cáo là có thiết bị hiện đại, nhân viên được đào tạo bài bản nhưng lại cho ra hai kết quả khác nhau”, chị Quỳnh Nguyên phàn nàn.

Theo bác sĩ Lê Việt Sơn (Khoa Mắt - Bệnh viện Bạch Mai), hiện tượng cận thị giả hay gặp ở những người thường xuyên sử dụng máy vi tính. Phân biệt cận thị thực sự hay cận thị giả là điều không khó đối với thầy thuốc chuyên khoa mắt, nhưng không dễ đối với người chưa qua đào tạo và thiếu thiết bị cần thiết. Việc kết luận sai dẫn đến hệ lụy khó lường bởi sự ảnh hưởng về thị lực diễn ra âm thầm, từ từ, rất khó nhận biết.

Khó kiểm soát thị trường

Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt trung ương, cả nước hiện có khoảng 3 triệu trẻ em mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó, số bị cận thị chiếm khoảng 2/3. Số học sinh mắc tật khúc xạ tập trung nhiều ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (chiếm khoảng từ 30% đến 40%). Trước nhu cầu gia tăng, nhiều cửa hàng kính thuốc đua nhau mọc lên. Thế nhưng, ngoại trừ một số cơ sở có uy tín, có bác sĩ chuyên khoa thực hiện khám, đo mắt và tư vấn cho khách hàng; ở các cơ sở còn lại, nhân viên bán hàng tự đo, khám mắt, ra kết luận và cắt kính.

Theo quy định của Bộ Y tế thì tại các cơ sở cung cấp dịch vụ kính thuốc, người hành nghề phải có bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp y tế trở lên; có thời gian làm công tác chuyên môn tại cơ sở chuyên khoa mắt từ hai năm trở lên, hoặc phải có chứng chỉ đào tạo về trang thiết bị y tế (vận hành, sử dụng các thiết bị đo kiểm, chẩn đoán tật khúc xạ mắt, mài lắp kính). Quy định là vậy nhưng trong thực tế, chất lượng kính thuốc chưa có được độ tin cậy cao do hoạt động của các cửa hàng cung cấp loại kính này chưa được kiểm soát chặt chẽ. Khi thấy nhiều khách hàng có nhu cầu mua kính thuốc, không ít cửa hàng chỉ được cấp đăng ký kinh doanh kính thời trang nhưng đã tự trang bị thêm máy đo khúc xạ, tự học phương pháp đo mắt và lắp kính thuốc.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, một thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trong việc kiểm tra thị trường kính thuốc, khó khăn lớn nhất là lực lượng thanh tra không có đủ người. Hiện nay, toàn ngành Y tế Hà Nội chỉ có 3 thanh tra viên về lĩnh vực khám chữa bệnh và họ phải đảm nhận quá nhiều việc, từ quản lý cơ sở hành nghề y dược tư nhân đến vấn đề an toàn thực phẩm. Khối lượng công việc quá lớn, lực lượng thanh tra “siêu mỏng” nên khó đáp ứng yêu cầu thực tế. Khó khăn là vậy nhưng việc chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở cung cấp kính thuốc là rất cần thiết, mang tính cấp bách bởi “căn bệnh loạn kính thuốc” có thể gây ảnh hưởng xấu tới rất nhiều người và gây hậu quả khôn lường (Hà Nội mới, trang 5).

 

Cần xử lý nghiêm hành vi hành hung cán bộ y tế khi làm nhiệm vụ

Cuối giờ chiều ngày 21/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cùng đại diện các vụ/cục chức năng của Bộ Y tế đã đến Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất thăm, tặng quà và động viên BS Lê Quang Dương- bác sĩ bị bố bệnh nhi đánh trưa ngày 16/4. Trước đó như báo Sức khỏe &Đời sống đã đưa tin, khi đang xem hồ sơ bệnh án cho bệnh nhi, bác sĩ Lê Quang Dương phó khoa Hồi sức cấp cứu- Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất, Hà Nội bất ngờ bị bố bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Nhi của Bệnh viện dùng cốc thủy tinh đập thẳng vào đầu khiến anh bất tỉnh, máu vương dính cả lên bệnh án. Người nhà sau đó còn tiếp tục dùng nhiều lời lẽ hăm doạ nhân viên y tế. Sự việc xảy ra vào trưa ngày 16/4 và chỉ dừng lại khi giám đốc bệnh viện cùng lực lượng công an có mặt và áp tải người hành hung bác sĩ về trụ sở công an.

Bác sĩ Dương sau đó đã được cấp cứu tại chỗ, khâu 7 mũi trên đầu.  Sau khi được cáp cứu, bác sĩ Dương đã tỉnh, nhưng vẫn còn choáng nên được chỉ định theo dõi chấn thương sọ não và cho nghỉ làm. Trò chuyện với Bộ trưởng và các thành viên trong đoàn công tác của Bộ Y tế, BS Lê Quang Dương bày tỏ lòng cảm ơn đến sự quan tâm của Bộ trưởng, Thứ trưởng và các thành viên trong đoàn công tác của Bộ Y tế đối với cá nhân anh, đồng thời cho biết đến thời điểm này sức khỏe của anh đã tốt hơn, tuy nhiên thi thoảng anh vẫn đau đầu, buồn nôn và các bác sĩ điều trị cho BS Dương cũng cho biết khả năng những chấn thương trên đầu sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ của BS Dương.

Chia sẻ với tình trạng sức khỏe đang dần tốt lên của BS Dương, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng động viên BS Dương yên tâm nghỉ ngơi, điều trị vết thương. Bộ trưởng cũng động viên BS Dương sự việc đáng tiếc xảy ra trưa ngày 16/4 là rất đáng tiếc, đây là một tai nạn nghề nghiệp không ai muốn, do đó Bộ trưởng mong muốn BS Dương tiếp tục yêu nghề, nhiệt huyết cống hiến với nghề nghiệp cứu người mà anh đã lựa chọn. Bộ trưởng cũng yêu cầu Bệnh viện đa khoa Thạch Thất tạo mọi điều kiện tốt nhất để chăm sóc, điều trị cho BS Dương.

Tại buổi gặp gỡ cán bộ chủ chốt của Bệnh viện đa khoa Thạch Thất sau đó, qua nghe báo cáo của BSCK II Vương Trung Kiên- Giám đốc Bệnh viện và từ đi thăm trực tiếp một số khoa, phòng của bệnh viện, hỏi chuyện người bệnh đang điều trị và người nhà bệnh nhân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đánh giá cao những kết quả bệnh viện đạt được trong công tác khám chữa bệnh. Bộ trưởng cũng đề nghị bệnh viện tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh để người dân ngày càng hài lòng hơn khi đến khám chữa bệnh tại đây.

Về sự việc đáng tiếc xảy ra với BS Lê Quang Dương, Bộ trưởng nêu rõ: “Sự việc đáng lên án này xảy ra chỉ sau vài ngày Bộ Y tế tổ chức hội nghị về an ninh, an toàn bệnh viện, điều này cho thấy người thầy thuốc luôn đối mặt với những nguy hiểm khi đang làm nhiệm vụ chăm sóc cứu chữa người bệnh. Vì thế, đề nghị ngành y tế Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Thạch Thất phối hợp với cơ quan điều tra để sớm làm rõ sự việc, xử lý nghiêm hành vi hành hung cán bộ y tế khi làm nhiệm vụ để răn đe các hành vi tương tự và để đảm bảo sự an toàn cho người thầy thuốc khi hành nghề”.

Cũng tại buổi làm việc, ông Hoàng Đức Hạnh- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc đáng tiếc này, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi Công an Thành phố Hà Nội đề nghị chỉ đạo Công an huyện Thạch Thất điều tra, làm rõ sự việc, xử lý nghiêm hành vi sai phạm của người nhà bệnh nhân.

Liên quan đến sự việc BS Lê Quang Dương bị người nhà bệnh nhi đánh trọng thương trong khi làm nhiệm vụ, ngày 17/4, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết,Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hà Nội.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hà Nội tổ chức thăm hỏi động viên; Chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất quan tâm công tác cấp cứu, điều trị phục hồi sức khoẻ và tâm lý cho bác sỹ bị của bệnh viện bị người nhà người bệnh hành hung trong khi đang làm nhiệm vụ. Bên cạnh chỉ đạo Bệnh viện phối hợp với Cơ quan Công an điều tra xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật; Sở Y tế Hà Nội tổ chức rà soát, chấn chỉnh công tác an ninh, trật tự tại các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế quản lý, bảo đảm an toàn cho cán bộ và nhân viên Y tế khi cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh tại các điểm nóng trong bệnh viện (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang