Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/4/2023

  • |
T5g.org.vn - Bảo vệ sức khỏe thế nào khi 'sống chung' với Covid-19?; Ma túy ''núp bóng'' thực phẩm - hệ lụy khôn lường; Phát hiện thêm nhiều biến thể phụ mới của Omicron

 

Bảo vệ sức khỏe thế nào khi 'sống chung' với Covid-19?

Không lơ là các biện pháp phòng dịch, giảm tăng nặng và tử vong, tránh quá tải y tế là một trong những ưu tiên phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh này có thể là lâu dài.

Các biến thể phụ phổ biến đều đã ghi nhận tại VN

Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trên thế giới cũng như VN, hiện biến thể Omicron vẫn chiếm ưu thế. Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Một số biến thể phụ phổ biến đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế như BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF. Tại VN, các xét nghiệm giải trình tự gien cho thấy hầu hết các biến thể phụ chiếm ưu thế tại các quốc gia thì VN cũng đã ghi nhận, trong đó biến thể phụ XBB.1.5 ghi nhận tại TP.HCM đã phát hiện tại 95 quốc gia.

Theo một chuyên gia y tế dự phòng của Bộ Y tế, hơn 3 năm xuất hiện, đến nay chưa thể đánh giá được "tương lai" của SARS-CoV-2 về tính chất (khả năng lây nhiễm, độc lực…) cũng như "tuổi thọ". Từng có biến thể của SARS-CoV-2 xuất hiện với độc lực mạnh nhưng sau đó lại hầu như không ghi nhận, hiện chiếm ưu thế lại là Omicron với khoảng 500 biến thể phụ. Với sự biến đổi khó lường, vi rút gây đại dịch Covid-19 có thể tồn tại lâu dài và lây nhiễm trong cộng đồng, do đó các quốc gia cần thích ứng.

Các ca bệnh chuyển nặng đều có bệnh nền

Theo thông báo mới nhất của Bộ Y tế, trong nước các ngày gần đây mỗi ngày có 14 - 20 ca Covid-19 nặng phải thở máy xâm lấn, ngày gần nhất 22.4 có 24 ca.

Trực tiếp tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19, đại diện lãnh đạo Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) cho hay thời điểm tháng 1.2023 BV tiếp nhận điều trị 20 ca bệnh Covid-19, tháng 2 là 21 ca, tháng 3 tăng lên 45 ca. Tháng 4 số ca tăng như sau: tuần đầu có 47 ca, tuần 2 tăng lên 85 ca, gần đây có thời điểm gần 150 ca. Đáng lưu ý, các ca chuyển nặng hầu hết là người trên 70 tuổi, đa phần có bệnh nền kèm theo như tiểu đường, huyết áp, lao, COPD, viêm gan, xơ gan…

Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết các BV vẫn duy trì chủ trương sàng lọc tại các khoa nguy cơ cao như hồi sức tích cực, lọc máu và hậu phẫu. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng Covid-19, cần xét nghiệm sàng lọc ngay để tách bệnh nhân ra khu vực riêng, tránh lây lan dịch bệnh. Cục đang phối hợp các chuyên gia để rà soát, cập nhật lại hướng dẫn điều trị Covid-19 phù hợp tình hình mới. Các BV tuyến trên đang duy trì hiệu quả công tác hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới (đường dây nóng tư vấn, hội chẩn từ xa…) để phân tầng điều trị, chuyển bệnh nhân phù hợp.

2K, vắc xin và các biện pháp khác

Theo nhận định của một số chuyên gia y tế, đến nay các biến thể phụ của Omicron có nhiều điểm chung là đều có khả năng lây truyền cao, gây ra các triệu chứng ở đường hô hấp trên, có khả năng tránh được miễn dịch. Tuy nhiên, các biến thể phụ mới hiện có xu hướng gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đây. Thời gian qua, chủng Omicron xuất hiện thêm các biến thể phụ mới XBB.1.5 và XBB.1.16 dẫn tới sự gia tăng số ca nhiễm ở một số quốc gia, song tỷ lệ nhập viện, tử vong thấp so với trước đó.

GS-TS Phan Trọng Lân cho biết VN là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới, và điều đó cũng là yếu tố quan trọng để VN có thể thích ứng, kiểm soát dịch hiệu quả.

"Với biến thể Omicron, vắc xin vẫn có hiệu quả phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong. Do đó, người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế", GS Lân lưu ý.

Theo đại diện Bộ Y tế, với diễn biến dịch bây giờ, không chống dịch tuyệt đối "zero Covid" mà cần thích ứng, chú trọng giảm các ca bệnh nặng, giảm tử vong và giảm quá tải BV; thực hiện xử lý ổ dịch tại nguồn. Chính quyền các địa phương cần chỉ đạo xử lý ổ dịch nếu phát hiện tại địa phương. "Bây giờ gần như không khả thi nếu áp dụng cách ly, ngăn sông cấm chợ để chống dịch", chuyên gia của Bộ Y tế nhận định.

Theo chuyên gia này, chúng ta không nên cực đoan chống dịch, nhưng cũng tuyệt đối không chủ quan vì có thể sẽ có biến thể khác ngoài Omicron và có thể dẫn sang kịch bản xuất hiện biến thể mới gây tăng nặng, lây lan nhanh khiến thuốc, vắc xin, chẩn đoán không hiệu quả. Chỉ cần một trong các yếu tố này cũng sẽ khiến việc chống dịch rất vất vả, đặc biệt nếu vắc xin không còn hiệu quả.

Vắc xin Covid-19 hiện vẫn giúp giảm nặng và tử vong với các biến thể phụ. Do đó, mỗi người cần tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát cấp độ dịch để khoanh vùng, xử lý kịp thời.

Một số chuyên gia cũng nhìn nhận số ca mắc Covid-19 phụ thuộc vào ý thức của người dân. Nếu mọi người đều có ý thức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch gồm 2K (khẩu trang: đeo khẩu trang ở cơ sở y tế, phương tiện công cộng, môi trường kín, nơi tập trung đông người; khử khuẩn) và vắc xin thì số ca mắc, đặc biệt số ca tăng nặng, sẽ được kiểm soát hiệu quả.

Sắp tới là kỳ nghỉ lễ, người dân đi lại nhiều, lưu ý cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh, đeo khẩu trang nơi công cộng; người nguy cơ cao cần đặc biệt chú trọng các biện pháp bảo vệ khỏi lây nhiễm Covid-19 (Thanh niên, trang 15). 

 

Ma túy ''núp bóng'' thực phẩm - hệ lụy khôn lường

Thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện những dạng ma túy “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử... Các dạng ma túy này đã và đang gây ra nhiều hệ lụy khôn lường, nhất là với giới trẻ, vì chúng gây hại lên cơ thể người sử dụng tương tự như sử dụng ma túy trực tiếp.

Loạn thần, hôn mê…

Qua công tác nắm tình hình, đấu tranh với tội phạm ma túy, mới đây, Công an thành phố Hà Nội đã đưa ra cảnh báo, các đối tượng phạm tội thường pha trộn ma túy trong thực phẩm, đồ uống chủ yếu để thuận lợi trong giao dịch, mua bán, vận chuyển nhằm đối phó với sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng dễ cất giấu mà người thân không phát hiện được. Việc sử dụng thực phẩm chứa chất ma túy cũng gây hại lên cơ thể người sử dụng tương tự như sử dụng ma túy trực tiếp.

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) từng tiếp nhận những bệnh nhân ngộ độc cần sa sau khi ăn một số loại bánh ngọt, chocolate, kẹo… Thậm chí, tại đây đã điều trị cho một nữ bệnh nhân ở Hà Nội bị ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô mua trên mạng.

Tương tự, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) từng điều trị cho 5 bệnh nhân có triệu chứng lơ mơ, khó thở. Qua khai thác được biết, các bệnh nhân sau khi ăn chocolate 20 phút, xuất hiện dấu hiệu bồn chồn, khó thở, sau đó bất tỉnh và được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Kết quả giám sát định mẫu chocolate phát hiện thấy chất ADB-BUTINACA thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp vì tác dụng của nó gây ra ảo giác, kích thích thần kinh trung ương giống như hoạt chất THC có trong cần sa.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sử dụng thực phẩm có ma túy có thể gặp các ngộ độc tức thời như thần kinh bị lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần; loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp... thậm chí gây tử vong. Nếu sử dụng thực phẩm có ma túy lâu dài sẽ gây nghiện và phải đối mặt với nhiều bệnh mạn tính, thậm chí làm giảm kiểm soát nhận thức và hành vi. Đặc biệt, hiện nay giới trẻ có rất nhiều người trầm cảm, mà phần lớn có nguyên nhân từ sử dụng ma túy. Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận nhiều ca tự tử đều có tiền sử sử dụng ma túy, gây ra rối loạn tâm thần, hoang tưởng dẫn đến hành vi tự sát.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, ma trận các loại ma túy mới tiếp cận trẻ vị thành niên được núp bóng dưới vỏ bọc nước xoài, hay kẹo chocolate… được bán với giá vài triệu đồng có khả năng kích hoạt gen gây loạn thần. Hiện tại, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận điều trị cho các trường hợp bị rối loạn tâm thần do nghiện ma túy.

Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, giáo dục

Để ngăn chặn những hiểm họa khôn lường khi ma túy “núp bóng” thực phẩm, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho rằng, vấn đề đưa ma túy vào thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm được giới trẻ, học sinh, sinh viên yêu thích đang trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5) và các hoạt động kiểm tra khác trong năm, cơ quan chức năng của Hà Nội và các quận, huyện, thị xã cần có kế hoạch kiểm soát chặt chẽ hơn nữa thực trạng đưa ma túy vào thực phẩm, trong đó tập trung vào hình thức kinh doanh, bán hàng trực tuyến.

Đồng quan điểm, theo Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn, cơ quan chức năng của quận cũng thường xuyên phối hợp với các trường trên địa bàn tổ chức những buổi tuyên truyền, những chương trình giáo dục về phòng, chống tác hại của ma túy. Qua những buổi tuyên truyền đã giúp các học sinh nhận biết được các loại ma túy, chất cấm được đưa vào thực phẩm. Từ đó, giúp các em nâng cao cảnh giác với thủ đoạn của các đối tượng phạm tội. Thời gian tới, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, cơ quan chức năng của quận sẽ phối hợp với lực lượng công an tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở có hiện tượng kinh doanh các chất gây nghiện trộn vào thực phẩm, trong đó tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh gần khu vực trường học.

Các thực phẩm trộn ma túy thường có giá cao hơn gấp nhiều lần so với thực phẩm thông thường. Do đó, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, mọi người, nhất là giới trẻ, cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ những thứ đồ mình ăn uống, sử dụng. Khi mua hàng, cần đọc kỹ những thông tin, thành phần ghi trên vỏ bao bì. Còn với gia đình, ngay khi phát hiện con em mình sử dụng chất gây nghiện cần tỏ rõ thái độ và đồng hành để thay đổi hành vi của trẻ. Hầu hết trẻ vị thành niên sử dụng chất gây nghiện do stress hoặc muốn thể hiện bản thân. Vì vậy, gia đình cần quan tâm đến những thay đổi về tâm sinh lý của con em mình để trẻ không sử dụng và tái sử dụng chất gây nghiện (Hà Nội mới, trang 5).


 Phát hiện thêm nhiều biến thể phụ mới của Omicron

Ngày 23-4, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, từ các mẫu bệnh phẩm giám sát dịch tễ trong cộng đồng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), Viện Pasteur TPHCM đã phát hiện các biến thể phụ mới của Omicron bao gồm: XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1.

Cụ thể, từ ngày 8-4 đến 14-4, 11/13 mẫu giám sát dịch tễ do HCDC thực hiện có kết quả là biến thể phụ mới, ngoài biến thể phụ mới đã được phát hiện tại thành phố gần đây (XBB.1.5) còn có 7 mẫu thuộc các biến thể phụ mới khác bao gồm: XBB.1.9.1, XBB.1.16, XBB.1.16.1. Những biến thể phụ mới phát hiện tại thành phố cũng là những biến thể phụ đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm (VOI) hoặc biến thể cần được theo dõi (VUMs).

Điều đáng lo ngại là ngoài một biến thể phụ mới thuộc nhóm biến thể đáng quan tâm (XBB.1.5) đã xuất hiện tại 95 quốc gia, còn có thêm biến thể phụ XBB.1.16 vừa được WHO xếp vào nhóm biến thể cần được theo dõi, biến thể phụ này đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia và đang góp phần vào làn sóng ca mắc tăng cao ở Ấn Độ.

“Việc phát hiện đồng loạt nhiều biến thể phụ mới của Omicron đang thịnh hành trên thế giới có thể giải thích hiện tượng gia tăng đột ngột số ca mắc mới Covid-19 trong mấy ngày qua tại thành phố và ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước”, đại diện lãnh đạo Sở Y tế TPHCM thông tin và lo ngại, tình hình thực tế cho thấy số ca mắc mới tăng nên sẽ dẫn đến số ca nhập viện tăng là khó tránh. Mặt khác, hầu hết những ca nhập viện đều là người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có những người chưa tiêm đủ vaccine Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.

- Cùng ngày, cả nước ghi nhận 1.717 ca mắc Covid-19 (giảm hơn 600 ca so với ngày 22-4) và không có trường hợp nào tử vong; có thêm 376 người khỏi bệnh và số bệnh nhân Covid-19 nặng cũng giảm xuống còn 61 ca phải thở máy và oxy. Về tiêm vaccine Covid-19, toàn quốc đã tiêm được trên 266,1 triệu mũi các loại.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, dù từ đầu tháng 4 tới nay, số ca mắc Covid-19 trong cả nước và bệnh nhân nặng nhập viện tăng cao trở lại nhưng tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát. Trong 7 ngày qua (từ ngày 16 đến 23-4), cả nước ghi nhận hơn 14.200 ca mắc Covid-19 mới, trung bình khoảng 1.800 ca/ngày. Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 cho đến nay.

TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết, đối với các biến thể của virus SARS-CoV-2, vaccine Covid-19 hiện còn có hiệu quả trong phòng bệnh, giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo các quốc gia triển khai tiêm mũi nhắc lại tiếp theo dựa trên tình hình dịch bệnh. Do đó, người dân cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ nguyên tắc bảo vệ cho mình và người khác tại nơi công cộng bằng cách đeo khẩu trang và khử khuẩn thường xuyên.

Trong khi đó, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nêu rõ, mục tiêu của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 là giảm tỷ lệ nhập viện, giảm bệnh nhân nặng và tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế và giữ vững thành quả chống dịch. Do đó, người dân cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và tiêm vaccine đúng lịch, đủ liều, nhất là với nhóm nguy cơ cao (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang