WHO đang tìm nguồn thuốc hiếm điều trị ngộ độc Botulinum cho Việt Nam
Trước tình trạng 3 bệnh nhân ngộ độc Botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) chưa có thuốc giải độc BAT, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang khẩn trương liên hệ tìm nguồn thuốc hiếm để hỗ trợ Việt Nam điều trị cho các bệnh nhân.
Ngày 23-5, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thông tin về việc thuốc điều trị ngộ độc độc tố Botulinum.
Theo đó, với các trường hợp ngộ độc Botilinum đang điều trị tại thành phố Hồ Chí Minh sau khi ăn phải chả lụa bán dạo, ngay khi nhận được báo cáo của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ngày 21-5, Cục Quản lý dược đã liên hệ với WHO để hỗ trợ giải quyết. Hiện, WHO đang khẩn trương liên hệ để tìm nguồn thuốc hỗ trợ.
Ngoài ra, Cục Quản lý dược cũng chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với các công ty nhập khẩu, cung ứng để có thêm nguồn cung thuốc.
Theo Cục Quản lý dược, ngộ độc Botulinum là ngộ độc do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum. Ngộ độc này rất hiếm xảy ra ở Việt Nam và trên thế giới. Từ năm 2020 đến nay, nước ta xuất hiện rải rác một vài ca bệnh/năm, gần đây có 3 ca tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng, ăn phải các loại thức ăn bảo quản không tốt.
Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) trên thế giới cũng rất hiếm. Vì vậy, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung. Bên cạnh đó, giá của thuốc này cũng rất cao. BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được bảo hiểm chi trả. Bên cạnh việc cấp phép và nhập khẩu thuốc thương mại thông thường, để đảm bảo tính cấp bách, năm 2020, để phục vụ các ca nhiễm độc tố Botulinum do sử dụng pa tê chay có chứa độc tố, Cục Quản lý dược đã đề nghị WHO hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung thuốc BAT và WHO đã có những hỗ trợ rất kịp thời 10 lọ thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (A,B,C,D,E,F,G) - (Equine). Lô thuốc này đã góp phần kịp thời cứu chữa các bệnh nhân.
Về giải pháp căn cơ, để chủ động hơn với các thuốc chống ngộ độc nói riêng, các thuốc hạn chế về nguồn cung nói chung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý và chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng cơ chế đảm bảo thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Một giải pháp quan trọng là thành lập các trung tâm tồn trữ thuốc hiếm nguồn cung tại các vùng kinh tế - xã hội, đặc biệt là cơ chế để có thể thanh toán các thuốc hiếm về nguồn cung đã tồn trữ nhưng hết hạn do không phải dùng đến vì không có bệnh nhân.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân cần hết sức lưu ý, không bảo quản và sử dụng thức ăn đã được chế biến từ lâu, đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh nguy cơ ngộ độc nói chung, ngộ độc độc tố Butilinum nói riêng. (Hà Nội mới, trang 5).
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 4: “Tìm nguồn thuốc hiếm để hỗ trợ Việt Nam điều trị bệnh nhân bị ngộ độc Botilium”; Thanh niên, trang 4: “Kiến nghị mua thuốc giải độc botilium khẩn cấp”; Sài Gòn giải phóng, trang 7: “WHO tìm thuốc giải độc Botilium hỗ trợ Việt Nam”.
Bộ Y tế cảnh báo giả mạo bác sĩ, dược sĩ bán thực phẩm chức năng
Cục An toàn thực phẩm (ATTP, Bộ Y tế) cho biết hiện trên mạng xã hội xuất hiện một số clip có hình ảnh nhân vật tự xưng là nhân viên y tế tại các bệnh viện (BV) lớn, tư vấn bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe là thuốc chữa bệnh để bán sản phẩm.
Theo Cục ATTP, bất kỳ bác sĩ, dược sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành. Người dân cần lưu ý thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời; tra cứu thông tin liên quan đến công bố và quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn/ và https://nghidinh15.vfa.gov.vn/ trước khi quyết định chọn mua sản phẩm; mua sản phẩm phải có hóa đơn/đơn hàng của người bán để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hóa giữa hai bên…
Trước đó, BV T.Ư Quân đội 108 cũng thông tin về việc mới đây xuất hiện một đoạn clip nhân vật tự xưng là bác sĩ của BV chia sẻ và giới thiệu cuốn sách mang tên "Minh triết trong ăn uống của người phương Đông". Cụ thể, người này khẳng định cuốn sách mới có thể chữa bệnh cho mọi người chứ không phải các phương pháp y học hiện đại. Việc mạo danh, lấy thương hiệu "bác sĩ BV T.Ư Quân đội 108" để trục lợi cá nhân, mua bán thực phẩm chức năng, thuốc, sách… có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
BV T.Ư Quân đội 108 khẳng định BV chỉ có địa chỉ duy nhất tại số 1 Trần Hưng Đạo, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội; BV và cán bộ nhân viên BV không bán thực phẩm chức năng và không bán thuốc ngoài phạm vi BV. (Thanh niên, trang 3).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 5: “Cảnh giác với quảng cáo thực phẩm chức năng có hình ảnh bác sĩ”; An ninh Thủ đô, trang 5: “Bộ Y tế cảnh báo tình trạng giả mạo, tự xưng bác sĩ để tư vấn bệnh và bán thực phẩm chức năng”.
Vụ thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng: Cần chủ động đặt hàng nhà sản xuất
Ngày 23-5, tại TPHCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tiêm chủng mở rộng năm 2022 và kế hoạch năm 2023 khu vực miền Nam.
Gián đoạn cung ứng vaccine
Bà Hoàng Ngọc Mai, Phó Trưởng Văn phòng giám đốc Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia, cho biết, trong năm 2022, Chương trình TCMR quốc gia và khu vực đã cung cấp khoảng 20 triệu liều vaccine trong TCMR tới các tỉnh, thành phố. Do đảm bảo được nguồn dự trữ từ năm 2021, các vaccine trong TCMR vẫn được cung ứng đầy đủ trong các tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, tình trạng cung ứng các vaccine chưa được kịp thời dẫn đến việc thiếu một số loại vaccine trên toàn quốc như sởi và DPT (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván hấp phụ), sởi - rubella (MR), bại liệt (bOPV).
Trước tình trạng đó, Viện Vaccine và sinh phẩm y tế và Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế đã tài trợ cho Chương trình TCMR 328.280 liều vaccine DPT và 200.000 liều vaccine sởi, kịp thời đáp ứng nhu cầu sử dụng khoảng 1 tháng.
Theo bà Hoàng Ngọc Mai, trong năm 2022, hầu hết tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong TCMR không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm và thấp hơn năm 2021, khu vực phía Nam có 14 tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng đạt dưới 80% như: Đồng Nai, Tiền Giang, Lâm Đồng, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang. Tỷ lệ tiêm vét của khu vực phía Nam cũng rất thấp, chỉ có 16/20 tỉnh thực hiện tiêm vét năm 2021 với 338.026 mũi và năm 2022 là 18 tỉnh với 123.498 mũi tiêm vào quý 1 năm 2023.
Trước thực trạng này, bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, cuối tháng 3-2023, đơn vị có đi giám sát một số địa phương và cho thấy, hầu hết các tỉnh đều hết vaccine 5 trong 1 DPT-VGB-HiB (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib); một số vaccine còn rất ít, đủ sử dụng đến tháng 7 như: DPT, lao (BGT), uốn ván (VAT) và sởi rubella; vaccine bại liệt đủ sử dụng đến tháng 8. Chương trình TCMR đã gửi văn bản hỏa tốc gửi các tỉnh, thành về việc dự trù vaccine về cho chương trình để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế.
Bà Dương Thị Hồng cho biết, Bộ Y tế sẽ xây dựng khung giá đối với vaccine nhập khẩu 5 trong 1 và các địa phương căn cứ vào nhu cầu sẽ thực hiện mua sắm, đấu thầu, đàm phán giá.
Cần kế hoạch dài hơi
Theo ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vaccine và sinh phẩm y tế, hiện công ty đang sản xuất và cung ứng 4 loại vaccine, trong đó có 3 vaccine trong Chương trình TCMR gồm bại liệt (bOPV), sởi và sởi-rubella (MR).
Vừa qua, công ty nhận được văn bản của Bộ Y tế về lập phương án giá, trình bộ để phê duyệt; căn cứ vào giá đó, Chương trình TCMR quốc gia ký hợp đồng chung mua vaccine và các tỉnh dựa vào đó để đặt hàng cụ thể với nhà sản xuất. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này, công ty cần số lượng chính xác để quyết định giá vaccine và dự trù được nguyên vật liệu sản xuất.
Ông Nguyễn Đăng Hiền cho biết, những vaccine mà công ty đang sản xuất và cung ứng trong Chương trình TCMR là những vaccine được sử dụng lâu dài, thường xuyên từ khi có chương trình TCMR. Những năm trước không xảy ra tình trạng thiếu vaccine do công ty cuối năm thường sản xuất dự trù cho các năm sau. Tuy nhiên, 2 năm qua có thay đổi từ phía Bộ Y tế nên dẫn tới việc cung ứng vaccine bị gián đoạn.
“Bây giờ, không thể yêu cầu chúng tôi có vaccine ngay vì cần phải chuẩn bị nguyên vật liệu, kế hoạch. Thậm chí mua nguyên vật liệu cũng cần có kế hoạch chính xác và phải có dự toán mua của những năm tiếp theo”, ông Hiền nói.
Ông Trần Thanh Hiếu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), bày tỏ mong muốn Nhà nước, Bộ Y tế và chương trình TCMR chủ động trong công tác đặt hàng để công ty kịp thời cung cấp các loại vaccine trong TCMR.
“Hiện chúng tôi có thể sản xuất đáp ứng trong năm, tuy nhiên còn phụ thuộc vào bộ và các tỉnh có kế hoạch sớm hay không. Mong Bộ Y tế và dự án có đơn đặt hàng sớm để chúng tôi có kế hoạch sản xuất sớm hơn”, ông Trần Thanh Hiếu chia sẻ. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Bộ Y tế yêu cầu phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế
Ngày 21/5, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi đến giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các trường đại học, giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành… về phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế tại bệnh viện.
Bộ Y tế cho biết, thời gian gần đây, thời tiết tại nhiều vùng trên cả nước có nắng nóng diện rộng, ảnh hưởng tới sinh hoạt người dân và môi trường làm việc. Để phòng chống nắng nóng cho người bệnh và nhân viên y tế, bảo đảm an toàn và nâng cao sự hài lòng người bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng đơn vị khẩn trương thực hiện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu tại viện và ngoại viện; tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt và đặc biệt là đột quỵ; sẵn sàng cấp cứu kịp thời người bệnh. Phối hợp với các đơn vị truyền thông, trung tâm y tế dự phòng... trên địa bản tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng chống nắng nóng và thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột.
Bộ Y tế yêu cầu đánh giá lại thật chính xác tiêu chí A1.2 "Người bệnh, người nhà người bệnh được chờ đợi trong phòng đầy đủ tiện nghi và được vận chuyển phù hợp với tình trạng bệnh tật” trong Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam 2.0 để bổ sung, khắc phục ngay cơ sở hạ tầng nếu chưa làm hoặc xuống cấp (các tiểu mục số 4, 6, 10, 18...). Khẩn trương lắp đặt ngay mái che lối đi giữa các khối nhà và tại các khu vực ngoài trời có tập trung đông người nhà người bệnh.
Đồng thời, rà soát thực trạng thông khí tại các khu vực có nhiều người bệnh như sảnh chờ, hành lang... và các khoa điều trị, buồng bệnh, phòng hành chính... Lập kế hoạch bổ sung quạt, điều hòa cho các khu vực cần thiết. Huy động các nguồn kinh phi mua quạt trần, quạt thông gió, quạt hơi nước hoặc máy điều hòa trong khả năng nguồn lực của bệnh viện.
Bộ cũng yêu cầu bảo đảm cung cấp đầy đủ nước uống miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh tại các khoa lâm sàng, sảnh chờ. Bổ sung cây nước uống tại các vị trí còn thiếu hoặc có nhu cầu tăng cao trong ngày nắng nóng như yêu cầu trong tiêu chí A2.4 “Người bệnh được hưởng các tiện nghi bảo đảm sức khỏe, nâng cao thể trạng và tâm lý” tại tiểu mục 5, 11, 12... Duy trì bệnh viện xanh, sạch đẹp theo hướng dẫn trong tiêu chí A3.1 “Người bệnh được điều trị trong môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp" và bổ sung cây xanh nếu cần thiết. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).
Cử tri và nhân dân vui mừng khi bước đầu đã tháo gỡ khó khăn về thuốc, trang thiết bị y tế
Cử tri và nhân dân ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ về công tác điều hành, trong đó có tập trung xử lý kịp thời một số hệ lụy sau đại dịch COVID-19, bước đầu tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc và trang thiết bị y tế, phục vụ khám, chữa bệnh.
Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; vui mừng phấn khởi với kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, nói đi đôi với làm, thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm, trở thành xu thế không thể đảo ngược…
Đồng thời, cử tri và nhân dân hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển KT-XH, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự… UBTVQH đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến sâu rộng của nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Hoạt động chất vấn, giám sát của Quốc hội, UBTVQH thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân vì đã lựa chọn được nội dung trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, đúng những vấn đề nổi lên mà cử tri và nhân dân quan tâm.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cử tri và nhân dân ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác điều hành: quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; trình Quốc hội quyết định các chính sách tín dụng, thuế, hỗ trợ lao động tại các khu công nghiệp; tập trung xử lý kịp thời một số hệ lụy sau đại dịch COVID-19, bước đầu tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc và trang thiết bị y tế, phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, đã chi từ ngân sách nhà nước và vận động xã hội gần 7.000 tỷ đồng, cấp 20.000 tấn gạo cho người nghèo, người yếu thế đón Xuân, vui Tết Quý Mão…
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng cho biết, do những bất ổn của tình hình thế giới tác động vào nước ta, các đơn hàng bị cắt giảm, lao động, việc làm, thu nhập của một bộ phận lao động rất khó khăn. Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không hiệu quả, thua lỗ, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch COVID - 19. Cử tri và nhân dân lo lắng nếu kéo dài tình trạng này thì một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục rời khỏi thị trường, đời sống của người lao động sẽ khó khăn hơn.
Do đó, cử tri và nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID -19 và các bệnh dịch khác để bảo vệ sức khỏe của người dân, an toàn để phục hồi phát triển KT-XH
Cùng với việc đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế, cử tri và nhân dân kiến nghị với Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư thêm để phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Nhiều cử tri và nhân dân mong muốn có được chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng văn hóa để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ tổ quốc. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).
Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 1: “Gỡ vướng mắc nhằm giải quyết thiếu thuốc, trang thiết bị y tế”.
Vụ hết thuốc giải độc Botulinum: Nhà nước cần dự trữ thuốc hiếm
Cả 3 nạn nhân trong vụ ngộ độc Botulinum đang rơi vào tình trạng nguy kịch phải thở máy để duy trì sự sống vì không có thuốc giải độc. Vấn đề dự trữ thuốc hiếm là yêu cầu đang được đặt ra rất cấp bách.
Chờ thuốc hiếm
Ngày 23/5, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhân Dân Gia Định TPHCM cho biết, cả 3 nạn nhân bị ngộ độc Botulinum dù đã được chăm sóc, điều trị tích cực nhưng tình trạng vẫn chưa cải thiện và có xu hướng chuyển biến xấu. Nếu trước đó chỉ có 2 bệnh nhân 18 tuổi và 45 tuổi phải thở máy thì đến nay bệnh nhân 26 tuổi cũng đã phải thở máy. Các bệnh nhân hiện tại đã rơi vào tình trạng yếu liệt cơ mức độ nặng, không thể vận động và tự thở được. Sự sống của người bệnh đang lệ thuộc hoàn toàn vào máy thở.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đây là những trường hợp rất đáng tiếc vì hệ thống y tế vừa sử dụng 2 liều thuốc giải Botulinum cuối cùng tại Việt Nam để cứu 3 cháu bé bị ngộ độc, điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM). “Với tình trạng thiếu thuốc giải như hiện nay, chúng tôi chỉ có thể điều trị hỗ trợ cho người bệnh bằng phương pháp nuôi ăn và thở máy để duy trì sự sống. Chất độc Botulinum đã khiến các bệnh nhân bị tổn thương thần kinh dẫn tới liệt cơ. Việc thở máy chỉ là giải pháp tình thế, nếu không sớm có thuốc giải bệnh nhân sẽ đối mặt với nhiều biến chứng, tình huống xấu nhất là tử vong” - TS.BS Quốc Hùng chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề đáp ứng khẩn cấp thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum, ngày 23/5 trao đổi với PV, BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện đã có văn bản khẩn gửi đến Bộ Y tế trình bày về tính cấp thiết phải có thuốc BAT điều trị cho người bệnh.
“Chỉ có thuốc giải BAT mới giúp trung hòa độc tố Botulinum còn lại trong máu, ngăn không tấn công vào hệ thần kinh và giảm độ nặng triệu chứng cho các bệnh nhân. Những trường hợp được xác định ngộ độc Botulinum thì việc chỉ định sử dụng thuốc giải độc BAT càng sớm sẽ càng hiệu quả. Trong ngành y, việc dự phòng tốt hơn là điều trị nên khi phát sinh ca mới chúng ta cần phải có ngay thuốc giải để cứu mạng người” - BS Thanh Việt nói.
Không thể loại trừ thời gian tới sẽ phát sinh thêm nhiều trường hợp ngộ độc Botulinum vì một chuỗi 6 ca bệnh từ trẻ em đến người lớn đã liên tiếp ghi nhận. Nguồn thực phẩm nhiễm độc tố Botulinum có thể vẫn còn trong cộng đồng nhưng chúng ta chưa xác định được để có giải pháp xử lý nên nguy cơ ngộ độc luôn tiềm ẩn. Do đó, thuốc giải độc BAT cần phải được khẩn cấp mua về để xử trí cho các ca ngộ độc và dự phòng trong điều trị.
“Tôi cho rằng, việc dự phòng - dự trữ đối với các mặt hàng thuốc hiếm nói chung và Botulinum nói riêng là vai trò cấp quốc gia. Nhà nước cần chấp nhận những nguy cơ thuốc hết hạn và sử dụng các nguồn quỹ phù hợp để chi trả. Việc dự trù số lượng thuốc hiếm, thuốc giải độc BAT cần nhập tùy thuộc vào Bộ Y tế. Nếu bệnh viện phải nhập thuốc về dự trữ với cơ chế tự chủ thì sẽ rất khó khăn vì không đủ kinh phí” - BS Thanh Việt nói.
WHO hỗ trợ tìm thuốc hiếm điều trị
Ngày 23/5, tin từ Cục Quản lí dược (Bộ Y tế) cho hay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế đang hoàn thiện các thủ tục để khẩn trương tiếp nhận lô thuốc điều trị cho 3 bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum.
Ngay khi nhận được báo cáo của Sở Y tế TPHCM ngày 21/5 về 3 trường hợp ngộ độc Botulinum, Cục Quản lí dược đã khẩn trương liên hệ, trao đổi và làm việc với WHO để hỗ trợ giải quyết. Ngoài ra Cục cũng đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy liên hệ với các công ty nhập khẩu, nhà cung ứng để có thêm nguồn cung ứng thuốc. Cục Quản lí Dược cho biết WHO có thể cung cấp khẩn cấp một số liều cho nhu cầu cấp bách của Việt Nam. Hiện, WHO và các cơ quan liên quan của Bộ Y tế, các bệnh viện có bệnh nhân cần điều trị ngộ độc Botulinum đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục, khẩn trương tiếp nhận lô thuốc này để điều trị cho các bệnh nhân.
Đại diện Cục Quản lí Dược thông tin thêm, thuốc giải độc tố Botulinum (thuốc BAT) rất hiếm. Vì mỗi năm cả nước chỉ có vài ca bệnh nên các bệnh viện thường không dự trù đủ. Tuy nhiên nguồn cung thuốc BAT vẫn có, các bệnh viện sẽ liên hệ để đặt hàng. (Tiền phong, trang 1).