Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/6/2016

  • |
T5g.org.vn - 668 bệnh viện cam kết thực hiện tiêu chí "Bệnh viện vệ sinh"; Cứu sống bệnh nhi mắc bệnh hiếm gặp; TP Cần Thơ: Số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao

668 bệnh viện cam kết thực hiện tiêu chí "Bệnh viện vệ sinh"

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kết quả đánh giá bước đầu về việc thực hiện công tác vệ sinh bệnh viện (BV) cho thấy, có 668 BV xây dựng kế hoạch, phát động phong trào, ký cam kết thực hiện “BV vệ sinh” và tiến hành tự đánh giá theo các tiêu chí đã xây dựng. Theo kết quả đánh giá của 251 bệnh viện (theo thanh điểm 100), hiện có 61 BV đạt số điểm từ 95 trở lên; 180 BV đạt số điểm từ 74 đến 94; 10 BV đạt số điểm dưới 65… Hà nội mới (trang 5)

Cứu sống bệnh nhi mắc bệnh hiếm gặp

Ngày 23-6, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết BV vừa phẫu thuật thành công cho bé gái tên NTDT (13 tuổi, trú tại Krông Pắk, tỉnh Gia Lai) bị u đảo tụy.

Theo BS Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, bé T. bốn năm qua thường xuyên xuất hiện các triệu chứng ngất xỉu khi đói, gia đình phải cho ăn liên tục cách nhau hơn một giờ đồng hồ. Khi đói, bé T. hay có biểu hiện mặt tái xanh và ngất xỉu, cùng với đó mỗi tháng bé thường bị hai đến ba lần co giật kiểu động kinh.

Trước đó, do bé T. có nhiều triệu chứng như hạ đường huyết, động kinh, ngất xỉu khi đói... Do đó các bác sĩ ở các BV khác không phát hiện được khối u và chẩn đoán bé mắc bệnh liên quan đến vấn đề thần kinh…

Trên người lớn, bệnh này ở Việt Nam mới chỉ ghi nhận ba ca. Cứ một triệu người thì có bốn người bị bệnh lý này. Tuy nhiên, do có sự trùng lắp nhiều triệu chứng của các bệnh lý khác nhau nên các thầy thuốc rất dễ nhầm lẫn. Tiền phong (trang 2)

TP Cần Thơ: Số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 361 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 158 ca so với cùng kỳ.

Dự báo thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp vì vào mùa mưa muỗi thuận lợi sinh sản, phát triển và truyền bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh SXH hiệu quả, ngoài nỗ lực của ngành Y tế, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tại gia đình.

Thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, 5 tháng đầu năm 2016, bệnh viện tiếp nhận và điều trị 793 ca SXH từ các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tăng 565 ca so với cùng kỳ. Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho thấy, năm 2016, số ca mắc SXH toàn thành phố tăng cao, đứng đầu quận Ninh Kiều với 118 ca; kế đến quận Bình Thủy: 63 ca; huyện Vĩnh Thạnh: 6 ca (thấp nhất). BS Bùi Hùng Việt, Trưởng khoa SXH (Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ) cho hay: "Từ đầu năm đến nay, số ca mắc bệnh SXH tăng khoảng 2,5 lần; số ca bệnh nặng tăng tương đương. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tử vong cho bệnh nhi mắc SXH".

BS Bùi Hùng Việt lưu ý, cha mẹ không nên chủ quan, cần theo dõi diễn tiến bệnh trẻ hàng ngày. Nếu thấy có các triệu chứng như: Nôn, sốt li bì, đau bụng nhiều, toát mồ hôi tay, chân, tiểu ít, dùng thuốc hạ sốt mà không hết... thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa nhi để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trường hợp trẻ không có những triệu chứng bất thường như trên, vẫn phải đến cơ sở y tế gần nhất tái khám mỗi ngày một lần, đến khi bác sĩ chẩn đoán hết bệnh hẳn.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, UBND TP Cần Thơ và Sở Y tế triển khai nhiều công văn chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch SXH và bệnh do virus Zika theo Chỉ thị 05/CT-BYT ngày 16/3/2016 của Bộ Y tế về việc tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng và triển khai phòng, chống SXH. Gia đình & xã hội (trang 7)

9 giờ căng thẳng cứu, ghép “bàn tay xi măng”

Nối liền bàn tay, cẳng tay hay bàn chân, cẳng chân đứt rời không còn là việc khó với các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, Bệnh viện (BV) Việt Đức...

Nối liền bàn tay, cẳng tay hay bàn chân, cẳng chân đứt rời không còn là việc khó với các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt, Bệnh viện (BV) Việt Đức, nhưng ghép nối bàn tay đứt lìa, giập nát bị cả khối xi măng đóng đông cứng tại phần đứt rời và phần mỏm cụt thì quả là một ca bệnh đặc biệt vừa được các bác sĩ BV Việt Đức thực hiện thành công.

Tai nạn lao động luôn là thảm họa kinh hoàng

Các công nhân Công ty bê tông Hà Nam hôm 5/6/2016 đã chứng kiến một tai nạn thật thảm khốc. Công nhân Quách Xuân T. (47 tuổi) đang thực hiện nhiệm vụ bên máy trộn xi măng, đột nhiên thấy máy không hoạt động, anh T. đưa tay vào chỉnh, ai ngờ máy chạy hút xoắn tay anh vào ống hút xi măng dẫn vào máy trộn bê tông. Một cảm giác điếng người, tê dại và anh T. không thể rút tay ra được nữa. Cả công ty nhao đến ứng cứu, ngắt điện để máy móc ngừng hoạt động nhưng không thể làm gì nổi. Cánh tay anh T. mắc kẹt vào ống hút xi măng, đau đớn đến lặng người. Mọi người cấp tốc gọi thợ đến cưa cái ống hút đó ra. Đến khi phá được máy (sau đúng 1 tiếng xảy ra tai nạn), rút tay ra thì... cẳng tay anh T. chỉ còn trơ lại một mỏm cụt bám chặt xi măng. Anh T. được cấp tốc băng bó tạm rồi lên xe cấp cứu chở thẳng đến BV Việt Đức. Nhóm khác tìm kiếm bàn tay bị đứt trong hỗn độn mảnh vỡ của máy và xi măng rồi cho vào túi nilon, bỏ vào thùng đá và tiếp tục chuyển đến BV Việt Đức.

Hơn 9 giờ vật lộn ghép nối cẳng tay đứt rời, giập nát,...

Bệnh nhân (BN) T. được đưa đến BV Việt Đức lúc 14h30’ ngày 5/6 trong tình trạng đứt lìa 1/3 cẳng tay trái, da niêm mạc nhợt, huyết áp tụt. Bàn tay đứt rời cũng được chuyển đến BV ngay sau đó. Phần đứt rời và phần mỏm cụt đều được sơ cứu qua loa và bị khối xi măng đông cứng đóng chặt.

ThS.BS. Vũ Trung Trực, người trực tiếp ghép nối bàn tay cho bệnh nhân T. cho biết: “Nhìn tình trạng tai nạn của BN T., chúng tôi thấy rõ những nguy cơ: cẳng tay BN bị đứt trong tình trạng xoắn vặn làm giập nát các tổ chức thần kinh, mạch máu, gân, cơ, xương. Phần đứt rời bảo quản không đúng cách, tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh, bị bỏng lạnh sẽ có nguy cơ phù nề và hoại tử sau khi ghép nối. Cả hai đầu mỏm cụt đều bị xi măng bám chặt, không biết liệu có ảnh hưởng dẫn đến tắc mạch sau khi nối mạch không?! Thêm đó, BN T. có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm rất có ảnh hưởng đến chức năng mạch máu”. Tuy nhiên BS. Trực cũng nhận định BN được đưa đến BV sớm (2 tiếng rưỡi sau khi xảy ra tai nạn) và tay trái là tay thuận của BN, cùng với nguyện vọng thiết tha của gia đình giữ lại được bàn tay nên BV đã cho triển khai ngay ca mổ cấp cứu gồm 4 bác sĩ ghép nối vi phẫu bàn tay cho BN T.

17h cùng ngày, BN T. được đưa vào phòng mổ. Đúng như các bác sĩ nhận định, toàn bộ tủy xương ở 2 đầu mỏm bị xi măng trét đặc vào trong. Xương 2 đầu mỏm bị vỡ, giập nát trên 1 đoạn khoảng 5cm. Khi tiến hành cắt phần giập nát (mỗi đầu 3cm) mà vẫn còn xi măng trong ống tủy. Phần mềm, mạch máu, thần kinh và gân cũng bị giập nát trên một đoạn dài, thậm chí còn dài hơn so với đoạn giập nát của xương. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng chỉ cắt được tối đa 6cm vì không thể làm cẳng tay quá ngắn (khoảng cách giữa bàn tay trái với khuỷu trái đã rất gần nhau và ngắn hơn tay phải 6cm). Khi ghép xảy ra tình trạng bị thiếu chiều dài mạch máu, phải tiến hành lấy mạch máu (tĩnh mạch hiển) dưới đùi lên ghép vào mạch máu cẳng tay cho BN.

ThS.BS. Vũ Trung Trực cũng giải thích: Kỹ thuật vi phẫu nối mạch là BS sẽ nối 2 đầu mạch với nhau. Còn ghép là lấy đoạn mạch ở chỗ khác ghép vào. Mỗi đoạn ghép phải nối 2 chỗ. Cẳng tay BN T. phải ghép tối thiểu 3-4 mạch đồng nghĩa nhân đôi số miệng nối lên, do đó thời gian ca mổ bị kéo dài hơn (cộng thêm cả thời gian lấy mạch máu ở chân để ghép lên). Ca mổ kéo dài đến tận 2h30 sáng hôm sau.

Sau khi ghép nối xong, những ngày đầu bàn tay rất phù nề. Theo BS. Trần Xuân Thạch - người cùng tham gia kíp mổ, hiện tượng này có thể là do bàn tay đã bị bỏng lạnh (do bảo quản không đúng cách) và do bàn tay bị cuốn trong ống quay làm giập nát các tổ chức gây phù nề. Nhưng đến nay, sau hơn nửa tháng, bàn tay đã đỡ nề, nhúc nhích được vài ngón (gân, cơ đã nối thành công).

ThS. BS. Đỗ Thị Ngọc Linh, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt nhận định rằng đây là tai nạn đứt rời bàn tay bởi máy trộn bê tông hết sức hy hữu được nối thành công. Cuối tuần BN sẽ được ra viện nhưng để phục hồi chức năng bàn tay thì BN phải rất nỗ lực và cần một thời gian rất dài. Sức khỏe & đời sống (trang 4)

Giải báo chí toàn quốc về phòng chống HIV/AIDS

Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam vừa phát động “Giải báo chí toàn quốc về phòng, chống HIV/AIDS lần thứ V năm 2015-2016”.

Tác phẩm dự giải phải được các phương tiện thông tin đại chúng trong nước đăng tải, phát sóng từ 1-1-2015 đến hết 30-9-2016. Tác phẩm phải là sáng tạo lần đầu của tác giả. Mỗi bài viết không quá 2.500 từ. Một tác phẩm không quá năm kỳ, mỗi kỳ không quá 2.500 từ đối với báo in và báo điện tử, không quá 60 phút/kỳ đối với báo nói và báo hình… Khoa học & đời sống (trang 8)

Chuyện người bác sĩ “phải lòng” đảo xa

Quyết tâm rời thành phố hoa lệ, BS Luân Thanh Trường đã chọn xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) - xã đảo xa xôi, duy nhất của TPHCM - để gắn bó với nghề thầy thuốc. Tính đến nay, BS Thanh Trường đã có hơn 10 năm “cắm sào” ở Thạnh An, nơi còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Người dân ở đây khi được hỏi, đều trìu mến nói: “Bác sĩ Trường hả? Ông là người nhà của cả đảo này đó!”.

Ca đỡ đẻ lúc nửa đêm

Năm 2008, tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, khoảng 23h đêm, BS Luân Thanh Trường vốn độc thân nên “nội trú” tại trạm, đang xem đá bóng trên màn hình tivi thì nghe tiếng người cầu cứu: “Vợ em đau đẻ quá rồi bác sĩ ơi!”. Chạy nhanh ra cổng trạm, BS Trường thấy anh Tuấn - một ngư dân đang dìu vợ, miệng la oai oái. Tức tốc hai người đưa thai phụ vào phòng. Qua thăm khám, BS Trường nhận thấy người phụ nữ đã có dấu hiệu chuyển dạ, không thể kéo dài thêm thời gian được nữa, nếu chuyển về đất liền sinh nở thì nguy cơ đẻ trên tàu là quá lớn. Lúc đó nguy hiểm, rủi ro còn nhiều hơn là tại Trạm Y tế vốn thiếu thốn đủ thứ. Hội ý nhanh với người chồng, BS Trường quyết định đỡ đẻ. Cũng may hôm ấy có một hộ lý cùng trực tại trạm nên thêm người hỗ trợ. Tiếng khóc oa oa chào đời của em bé không chỉ khiến bố mẹ bé mừng khôn tả mà còn khiến BS Trường thở phào nhẹ nhõm vì sau hai năm ra đảo, đây là lần đầu tiên anh đỡ đẻ.

Sau khi rời quân ngũ (năm 1991), chàng bộ đội phục viên Luân Thanh Trường theo đuổi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM). Đến năm 2005, anh nhận công tác tại Trạm Y tế Lý Nhơn - một xã đất liền thuộc huyện Cần Giờ. Dù là "dân Sài Gòn xịn" nhưng vốn con nhà nghèo cộng với máu lính, nên trăm cái khó ở vùng đất "khỉ ho cò gáy" Lý Nhơn hồi ấy không hề khiến BS Trường chùn chân.

Nhiều cư dân ở Lý Nhơn vẫn nhắc đến BS Trường bởi câu chuyện hết lòng vì người bệnh của anh. Hồi ấy có một sản phụ bị băng huyết. May mắn, em bé sơ sinh thì đã an toàn, đang được chăm sóc tại Bệnh viện Cần Giờ. Theo nguyên tắc, xe cứu thương sẽ đưa bệnh nhân từ Cần Giờ đến bệnh viện tuyến trên. Ấy vậy mà sản phụ này cứ nằng nặc đòi về Bệnh viện huyện Gò Công (Tiền Giang) chỉ vì ở đó có mẹ ruột, vả lại hoàn cảnh quá túng bấn nên chị "không dám" lên bệnh viện ở TPHCM. Song từ Lý Nhơn về Gò Công chỉ có thể đi tàu, vậy là BS Trường xung phong hộ tống.

Tại bến tàu, thấy sản phụ được xe cứu thương vận chuyển vì sức khỏe yếu, nên chẳng chủ tàu nào dám nhận. BS Trường đành nài nỉ "uốn ba tấc lưỡi" nói tình lý, nói chuyện làm ơn hưởng phước… mãi mới có một chủ tàu đồng ý chở. Sang Gò Công, trời chiều tối lại mưa, sản phụ thì do đi đứng vận động nên như lả đi, tìm mãi chẳng có xe ôm, BS Trường chỉ còn cách cõng bệnh nhân. Đến Bệnh viện huyện Gò Công, giao bệnh nhân cho đồng nghiệp xong, BS Trường lại lặn lội đi tìm nhà thân nhân sản phụ để báo tin. Khi được hỏi "Có ngại không?", anh chỉ cười hiền: “Mệt thì có mệt nhưng không ngán. Lúc đó mình vừa là bác sĩ với bệnh nhân, vừa tình người với nhau. Cứu giúp người thì vất vả cỡ nào cũng làm”.

Quyết định "bỏ phố ra đảo"!

Sau 4 năm ở Lý Nhơn, BS Luân Thanh Trường được rút về một bệnh viện tuyến quận trong nội thành. Nhà ở Bình Thạnh còn mẹ già với bốn người em đang phải lao động mưu sinh vất vả thì đây quả là cơ hội tốt đối với BS Trường. Tuy nhiên, anh lại khiến mọi người ngạc nhiên khi chọn xã đảo Thạnh An để đến làm việc. Quyết định của BS Trường đã khiến không ít người bàn tán vì "lấy làm khó hiểu".

Khi trò chuyện cùng anh, chúng tôi mới hiểu, hóa ra đằng sau quyết định gây ngạc nhiên ấy là cả một câu chuyện dài. BS Trường kể, hồi còn công tác ở Lý Nhơn, anh thường có dịp đi ra xã đảo Thạnh An. Cứ mỗi lần đến, anh lại nhói lòng khi chứng kiến cảnh vất vả của người dân lúc đau ốm, cần chữa trị. Nhiều trường hợp đã tử vong chỉ vì những tai nạn, căn bệnh không đáng phải chết nếu được cứu chữa kịp thời. Có trường hợp em bé đi chăn vịt bị rắn cắn mà không được sơ cứu, điều trị kịp thời nên đành bỏ mạng. BS Trường luôn cảm thấy ám ảnh trước những câu chuyện như thế. Anh hiểu người dân xã đảo nghèo khó này rất cần đến mình và "cái tạng" của anh cũng hợp với miền đất này hơn so với chốn phồn hoa náo nhiệt thị thành. Ngày qua ngày, xã đảo Thạnh An càng hiện hữu rõ nét hơn trong tâm trí người bác sĩ, để đến khi có cơ hội điều chuyển thì anh nói ngay: “Tôi xung phong đi Thạnh An”.

Sinh năm 1966, hồi BS Trường chính thức đến xã đảo duy nhất của TPHCM để hành nghề thì đã 39 tuổi. Vì còn độc thân nên anh trở thành “bác sĩ nội trú” tại Trạm Y tế xã luôn. Nào ngờ một cô gái Thạnh An đã khiến anh thay đổi. Mối tình ba năm giữa chàng bác sĩ và cô gái xứ đảo đã khiến anh có thêm lý do để "trụ lại" mãi mãi nơi đây. BS Trường chia sẻ: “Đã có vợ, có con ở đây, tình yêu mình dành cho hòn đảo này đã đơm hoa kết trái rồi, nên mình càng toàn tâm toàn ý ở lại với bà con xứ đảo”.

Là Trạm trưởng Trạm Y tế xã đảo Thạnh An, BS Luân Thanh Trường cũng là người “bao sân” toàn đảo từ chăm lo sức khỏe ban đầu cho người dân đến vận động, thực hiện công tác DS-KHHGĐ. “Mình thấy hạnh phúc vì đang ở đúng nơi bà con cần...”, BS Trường chia sẻ. Gia đình & xã hội (trang 7)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang