Tích cực phòng, chống sốt xuất huyết
Thời gian gần đây, các ca mắc sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng trên địa bàn Thủ đô. Thành phố Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 93 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Mặc dù dịch bệnh đang được kiểm soát, tuy nhiên, dự báo số ca mắc còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới do chu kỳ của dịch thường diễn ra khoảng ba đến bốn năm/lần (đợt dịch cao điểm gần đây nhất là năm 2018). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết thêm, trong vài tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết đã có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, đầu tháng 5/2022, mỗi tuần trên địa bàn chỉ ghi nhận từ hai đến năm ca sốt xuất huyết, nhưng từ cuối tháng 5, số ca mắc đã tăng lên khoảng 15 ca mỗi tuần, phân bố khá rộng tại hơn 10 quận, huyện. Thêm vào đó, thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và có khả năng bùng phát thành dịch trên diện rộng, nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Trước tình hình này, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn đã đồng loạt ra quân triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn nhằm giảm tỷ lệ mắc, khống chế không để xảy ra ổ dịch lớn. Tại quận Long Biên, hệ thống truyền thanh phường mỗi ngày đều đặn phát bài tuyên truyền về phòng, chống dịch sốt xuất huyết một lần và tăng cường phát thanh bốn đến sáu lần trong những ngày triển khai chiến dịch. Tại khu vực đông dân cư như chợ, cổng trường học, công trường… đều treo khẩu hiệu, áp-phích thông tin, tuyên truyền về công tác này.
Hơn 3.300 người dân tại các tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học tại quận Long Biên đã hưởng ứng, cùng nhau tham gia cấp phát 22.571 tờ rơi đến các hộ gia đình; kiểm tra gần 700 khu vực và 85 nghìn hộ gia đình, 120 nghìn dụng cụ chứa nước… Qua đó, đã xử lý hơn 3.500 dụng cụ chứa nước có bọ gậy. Chị Trần Thanh Bình (ở Bát Khối, quận Long Biên) cho biết: "Cứ đợt nào mưa nhiều thì lại thấy nhà xuất hiện nhiều muỗi. Khi được cán bộ y tế hướng dẫn, tôi mới biết do trong sân có nhiều chậu cây, chai lọ tích nước mưa, thành nơi thuận lợi cho muỗi sinh sản. Sau khi xử lý những dụng cụ chứa nước này đã đỡ hẳn muỗi".
Tại huyện Chương Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Dương Mạnh Hùng cho biết, Trung tâm đã yêu cầu các xã có chỉ số bọ gậy cao cần tăng cường kiểm tra, giám sát và tuyên truyền để người dân tham gia công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết. Các đội xung kích, tổ giám sát tăng cường hướng dẫn người dân biết cách tự phát hiện ổ bọ gậy, tự xử lý các dụng cụ chứa nước, loại bỏ các dụng cụ phế thải đọng nước bằng cách lật úp các dụng cụ chứa nước, thả cá vào các bể chứa nước, hòn non bộ… để diệt bọ gậy.
Ðồng thời, huyện Chương Mỹ cũng chỉ đạo các cơ sở y tế, trạm y tế các xã, thị trấn thực hiện giám sát dịch tễ tình hình dịch bệnh, nhất là các xã có ổ dịch sốt xuất huyết lưu hành thường xuyên hằng ngày, hằng tuần, đồng thời giám sát tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện và điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện để kịp thời xử lý ổ dịch phát sinh.
Cùng với công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết, Sở Y tế Hà Nội đã gửi công văn tới các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường triển khai thực hiện công tác điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Theo yêu cầu của Sở Y tế, các đơn vị này phải tuân thủ việc thu dung, điều trị người bệnh theo quy định; nghiêm túc thực hiện chế độ thường trực, thường trú theo đúng quy chế để phát hiện, điều trị kịp thời, chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng. Ðồng thời, củng cố duy trì hoạt động của "Nhóm điều trị sốt xuất huyết" và "Ðường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết" tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đồng thời triển khai mạnh mẽ các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết năm 2022 trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu: UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa nước". Một mặt tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, nhưng cũng kiên quyết xử phạt đối với những cá nhân, tập thể không hợp tác, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định" (Nhân dân, trang Hà Nội).
Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế cho phòng, chống dịch và khám chữa bệnh
Chiều 23/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế.
Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua chúng ta đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị với sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của hệ thống chính trị…, nhờ đó đã kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan tình hình còn diễn biến phức tạp, nhiều nước dịch bùng phát trở lại do vaccine giảm khả năng miễn dịch theo thời gian và việc xuất hiện các biến chủng mới, một số đối tượng chưa tiêm đủ liều theo mục tiêu đề ra. Cùng với đó, các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ xuất hiện. Việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân lúc nào cũng rất nặng nề, cần sự chủ động, lãnh đạo chỉ đạo, cũng như chủ động các phương án y tế, phòng chống dịch bệnh, các biện pháp, phương án thuốc, trang thiết bị sinh phẩm. Ngoài các dịch bệnh đang phải phòng chống thì các loại bệnh khác xảy ra, tác động lẫn nhau khiến tình hình phức tạp hơn.
Thủ tướng cho rằng, vừa qua chúng ta đã nỗ lực nhưng có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và một số vấn đề nhân lực như thôi việc, nghỉ việc của nhân lực ngành y tế trong khu vực công. Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp, đánh giá tình hình, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và giải pháp nhưng tình hình có những diễn biến mới nên Thường trực Chính phủ họp với các bộ ngành để tiếp tục đánh giá sát tình hình, diễn biến không chỉ trong và ngoài nước, việc chuẩn bị, phương án, phương pháp thế nào, trong đó việc rất quan trọng là giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư tại các cơ sở y tế và khắc phục vấn đề nhân lực, thực hiện mục tiêu và phương châm là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết. Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận các giải pháp trước mắt và lâu dài, thuộc thẩm quyền của ai để tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền.
Báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp cho biết, hiện nay có tình trạng thiếu thuốc tại một số địa phương và bệnh viện tuyến Trung ương. Trong đó, các thuốc thiếu bao gồm: một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cũng xảy ra tại một số cơ sở y tế cả tuyến địa phương và Trung ương. Trong đó chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm; một số trang thiết bị y tế chuyên sâu.
Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do tác động của các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt, giai đoạn 2020-2021 là hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn. Đáng chú ý có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế đã chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá trang thiết bị y tế...
Đáng chú ý, thời gian gần đây có tình trạng thôi việc, nghỉ việc của nhân lực ngành y tế trong khu vực công. Nguyên nhân một phần do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; mặt khác do áp lực công việc cao, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Khắc phục tình trạng này, ngoài tiếp tục động viên tinh thần đối với lực lượng y bác sĩ..., ngành y tế tổ chức điều động nhân lực để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế; xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế...
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao công lao, đóng góp lớn của ngành y tế trong thời gian qua. Bên cạnh những thành tựu, vẫn còn những cái chưa được, chúng ta đang xử lý; sai thì phải sửa, không vì một số sai phạm mà sợ sệt, không chịu trách nhiệm, làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của người dân.
Trên cơ sở báo cáo và phát biểu thảo luận của các bộ, ngành, thành viên Thường trực Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng. Chính phủ đã nắm được qua các báo cáo, phản ánh của người dân, các cơ quan báo chí và đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế thống kê, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn, khách quan, trung thực và có hướng khắc phục kịp thời. Thủ tướng cũng đã giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo xử lý vấn đề này. Trước tình hình còn nghiêm trọng, cuộc họp hôm nay tiếp tục đánh giá sát tình hình, diễn biến, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, thảo luận các giải pháp, thúc đẩy các công việc. Thủ tướng đề nghị các bộ ngành địa phương phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để quyết liệt khắc phục tình trạng này, tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cố gắng của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của nhân dân, ủng hộ của bạn bè quốc tế, góp phần vào phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên diễn biến ở một số nước cho thấy, dịch Covid-19 đang trở lại, diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn khả năng bùng phát trở lại, chưa kể có những biến chủng mới xuất hiện. Do đó cần phải tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine, nhất là qua thời gian, vaccine suy giảm tác dụng.
Bộ Y tế cần đánh giá miễn dịch cộng đồng để tiếp tục tiêm chủng. Vừa qua có hiện tượng lơ là, chủ quan, không tiêm vaccine. Các cháu học sinh phải đến trường an toàn, do đó phải tập trung tiêm vaccine cho các đối tượng này. Bộ Y tế cùng các ngành, địa phương liên quan tích cực tiến hành tiêm vaccine cho các đối tượng, nhất là trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, kể cả nghiên cứu tiêm cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Các dịch bệnh mùa đã xuất hiện rất phức tạp như sốt xuất huyết, chân tay miệng… Chúng ta phải hết sức cảnh giác với các dịch bệnh này. Các bệnh như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, xương khớp thường xuyên xuất hiện. Như vậy, cùng với chống dịch, chúng ta phải bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khám chữa các bệnh ung thư, tim mạch, xương khớp, tiêu hóa… chứ không chỉ chống dịch Covid-19. Vì thế, ngoài vaccine, chúng ta phải coi trọng các loại thuốc chữa bệnh khác, các vật tư y tế, các phương tiện, thiết bị để tăng cường năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Trong quá trình này phải chống hai khuynh hướng chủ quan và hốt hoảng, lo sợ.
Thủ tướng nêu rõ cần tiếp tục đánh giá khoa học, thực tiễn, khách quan việc thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra. Điều này có nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan, đó là đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá cước vận tải tăng, nhiều nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát..., nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, tập trung ở phía Bộ Y tế. Chúng ta phải nhận thức rõ điều này để thấy được vấn đề và nâng cao trách nhiệm, cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa.
Việc đấu thầu tập trung thuốc triển khai chậm, chưa thực sự nâng cao trách nhiệm của Bộ Y tế. Ở cấp Trung ương chậm, thì ở dưới cũng thấy “không vội gì”. Chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát thị trường, sát thực tế. Theo Thủ tướng, Bộ Y tế phải tích cực tham khảo, nghiên cứu, lăn lộn thực tế, làm sao để có giá thuốc phù hợp thị trường. Việc gia hạn số đăng ký thuốc chậm, không kịp thời. Công tác kiểm tra thúc đẩy mua sắm chưa được triển khai tích cực. Việc phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương, giữa Trung ương với địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả. Nhiều cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm gì, không dám chịu trách nhiệm. Theo Thủ tướng, vấn đề mấu chốt là động cơ trong sáng, vô tư, minh bạch.
Thủ tướng nêu rõ, mục tiêu của chúng ta vẫn phải là chăm sóc sức khỏe cho người dân là trên hết, trước hết với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trước mắt Bộ Y tế khẩn trương, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể quy định hiện hành có liên quan mua sắm thiết bị, thuốc, vật tư y tế, chủ động, tích cực xử lý; ban hành các văn bản theo thẩm quyền. Cái gì vượt thẩm quyền báo cáo trên tinh thần chỉ ra nội dung gì, ở đâu, ai làm?… một cách rõ ràng. Khẩn trương triển khai chương trình phục hồi giành cho ngành y tế. Các bộ, ngành phối hợp Bộ Y tế khẩn trương triển khai đúng tinh thần Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội.
Thủ tướng yêu cầu rà soát lại, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về đấu thầu tập trung cả ở Trung ương, địa phương trên tinh thần công khai, minh bạch, khách quan, rõ ràng, không được tiêu cực, tham nhũng. Nếu có vướng mắc phải tham khảo ý kiến các bộ, ngành. Bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế, trước mắt là bảo đảm thuốc theo diện bảo hiểm y tế. Rà soát, tăng cường quản lý nhà nước tại các đơn vị liên quan dược, bảo đảm không để chậm chễ trong công tác cấp phép thuốc, bảo đảm đơn giản hóa, phù hợp tình hình; kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định trên cơ sở vẫn tuân thủ các quy định, bảo đảm an toàn cho người dân trên hết, trước hết.
Thủ tướng đồng thời yêu cầu phải có kế hoạch dài hạn để chủ động, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm thuốc. Đẩy mạnh phân cấp, mua sắm các trang thiết bị y tế trên cơ sở ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, nâng cao năng lực quản lý bên dưới để tự chịu trách nhiệm, đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra. Phải dự báo tình hình, nhu cầu để chủ động trong đấu thầu, đấu giá; danh mục mua sắm phải minh bạch, rõ ràng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp Bộ Y tế xem xét, bổ sung các văn bản theo thẩm quyền, quy định của pháp luật; khuyến khích những người dám nghĩ dám làm, cương quyết xử lý những người trục lợi; vận dụng hết công cụ quản lý giá để bảo đảm đúng việc mua sắm, chống tham nhũng, tiêu cực.
Liên quan nguồn nhân lực ngành y tế, Thủ tướng nêu rõ, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về bố trí số người làm việc trong ngành y tế. Hoàn thiện các quy định, chính sách để đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ y tế, nhất là y tế cơ sở, thu hút tư nhân tham gia công tác này nhiều hơn. Củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo hướng trung tâm y tế cấp huyện đa chức năng, quản lý toàn diện, điều phối nguồn lực cho y tế toàn huyện. Xây dựng khung pháp lý, cụ thể rõ ràng hơn về hợp tác công tư, tăng cường nguồn lực xã hội.
Đối với lĩnh vực khám chữa bệnh, khẩn trương thực hiện theo tinh thần Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập; những gì vướng mắc thì tiếp tục rà soát, bổ sung. Về lực lượng y tế dự phòng, sớm rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm quy hoạch, mạng lưới theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ cần chủ động, phối hợp các cơ quan chức năng trong việc thành lập trạm y tế không theo đơn vị hành chính mà theo quy mô dân số. Sớm đánh giá tình trạng mất cân đối nguồn nhân lực, nhất là giữa các địa bàn, giữa các tuyến, chuyên môn sâu về khám chữa bệnh dự phòng, giữa các chuyên ngành trong ngành y tế với nhau, từ đó có phương án giải quyết phù hợp, hạn chế tình trạng quá tải tại bệnh viện. Bộ Y tế phối hợp Bộ Nội vụ có phương án bố trí đủ người làm việc, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho công chức, viên chức ngành y tế, nhưng lưu ý phải bảo đảm phù hợp Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chính sách tiền lương; phải đề xuất hướng giải quyết. Có chủ trương hỗ trợ chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sớm đề xuất chính sách.
Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương cho phép Bộ Y tế xây dựng phương án tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở bảo đảm tính khoa học, thực tiễn.
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế nắm lại tình trạng một bộ phận cán bộ, nhân viên thôi việc để từ đó có giải pháp xử lý; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin đầy đủ cho dư luận; không để xảy ra khủng hoảng truyền thông. Bộ Y tế nhanh chóng kiện toàn các chức danh, kịp thời bổ sung các vị trí, rút kinh nghiệm những vụ việc vừa qua. Thủ tướng nêu rõ, càng khó khăn, phức tạp thì càng phải phát huy dân chủ, đoàn kết, nhất trí và nỗ lực để hoàn thành tốt mọi trọng trách được giao. (Nhân dân, trang 1).
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 7: “Tránh tâm lý lo ngại sợ sai không dám làm”; Hà Nội mới, trang 1: “Khẩn trương xử lý tình trang thiếu thuốc, vật tư y tế và nhân lực y tế nghỉ việc”; Tuổi trẻ, trang 4: “Để thiếu thuốc là trách nhiệm của Bộ Y tế”; Công an Nhân dân, trang 1 : “Quyết liệt khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và nhân lực y tế nghỉ việc”; Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Tháo gỡ khó khăn, không để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế”; Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Đẩy mạnh phân cấp mua sắm thuốc”.
Không nên cực đoan 'buộc' người dân tiêm vắc xin
Mặc dù các chuyên gia cho rằng vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch Covid-19 và người dân cần đi tiêm đúng lịch, đủ liều, tuy nhiên không nên đưa ra các biện pháp hành chính cực đoan bắt buộc người dân không được ra khỏi nhà nếu không đi tiêm hoặc phải ký cam kết.
Không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết
Ngày 23.6, thông tin từ Văn phòng thường trực tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 tỉnh Bình Phước cho biết vừa có văn bản khẩn gửi các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Theo đó, Văn phòng đề nghị UBND các huyện, thị xã, TP chỉ đạo Trung tâm Y tế các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác truyền thông và yêu cầu người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.
Trước đó, ngày 22.6, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, TP và đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên... Tuy nhiên, phát sinh vấn đề khi liên quan đến nội dung chỉ đạo “người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết”. Về việc này, trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Y tế Bình Phước nói đây là chỉ đạo của Bộ Y tế trong cuộc họp trước đó.
Về số lượng 79.000 liều vắc xin đã được phân bổ tại các huyện, thị, TP có hạn sử dụng đến ngày 25.6, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước, cho biết đây là số vắc xin đã được phân bổ từ lâu. Các địa phương vẫn đang thực hiện tiêm cho người dân, tuy nhiên hiện chưa có báo cáo cụ thể việc đã sử dụng bao nhiêu, còn bao nhiêu. “Văn bản nêu là để nhắc nhở các địa phương đã được phân bổ số vắc xin này thì tiêm sớm cho người dân”, ông Tuấn nói.
Các địa phương không thể và không nên làm những gì sai về mặt pháp luật. Thay vì đưa ra các biện pháp hành chính, việc cần thiết nên làm là vận động, khuyến khích người dân tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các mũi như đã khuyến cáo - PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng
Còn tại Sóc Trăng, ngày 21.6, người dân H.Mỹ Xuyên bức xúc khi nhận được Thông báo số 20, do ông Đào Đắc Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Mỹ Xuyên ký, về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 4 ngừa Covid-19. Trong thông báo có nội dung: “Nếu người dân không chấp hành việc tiêm vắc xin mũi 4 ngừa Covid-19 thì đề nghị UBND các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp sau: không cho phép người chưa tiêm mũi 4 đi ra khỏi địa bàn nơi cư trú; không được tham gia các hoạt động công cộng; không giải quyết các thủ tục hành chính; bắt buộc người dân tiêm mũi 4 mới giải quyết các thủ tục hành chính”.
Ngày 23.6, trả lời PV Thanh Niên về nội dung thông báo nói trên của UBND H.Mỹ Xuyên, ông Đặng Văn Phương, Chủ tịch UBND H.Mỹ Xuyên, cho biết qua ý kiến phản ánh của người dân, huyện đã khẩn trương rà soát thì xác định do sơ suất, có quy định một số chế tài xử lý hành chính chưa phù hợp. Ngay sau đó, UBND huyện đã ra thông báo mới, thu hồi Thông báo số 20. Theo đó huyện chỉ tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc xin mũi 4 ngừa Covid-19 chứ không bắt buộc như thông báo cũ, đồng thời bỏ chế tài xử lý hành chính.
Không thể và không nên làm những gì sai về mặt pháp luật
Trước thực trạng nêu trên ở một số địa phương, theo chuyên gia của Bộ Y tế về dịch tễ, chưa có quy định bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19, nhưng đây là dịch nguy hiểm và tiêm chủng đầy đủ là một trong những yêu cầu quan trọng để phòng chống dịch. Tiêm mũi 3, mũi 4 là cần thiết để ngăn dịch bùng phát trở lại khi thế giới vẫn ghi nhận xuất hiện các biến chủng mới.
Chuyên gia này nhấn mạnh “tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch là củng cố miễn dịch cộng đồng”, và nhìn nhận các địa phương tích cực triển khai tiêm vắc xin Covid-19 mũi tăng cường, bổ sung cho người dân là cần hoan nghênh, cho thấy vai trò trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chuyên môn với người dân. Tuy nhiên, chúng ta hiện đã không áp dụng các quy định “ngăn sông cấm chợ” để chống dịch, do đó các địa phương cần có các hình thức truyền thông vận động để người dân hiểu về sự cần thiết tiêm chủng đầy đủ, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Nhắc lại “bài học” cũ về sự thờ ơ với vắc xin Covid-19, chuyên gia này lưu ý: “Dịch vẫn khó lường, khi bùng lên thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta còn nhớ, hồi tháng 2 - 3.2021, hầu hết mọi người đều chần chừ tiêm vắc xin. Rồi tháng 4 dịch bùng lên thì ai cũng cố gắng được tiêm”.
Một lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý, đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quốc gia đều xác định vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch Covid-19. Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân; hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vàmột số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
Theo đánh giá của một chuyên gia về vắc xin và tiêm chủng, hiện chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy vắc xin Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vắc xin giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng VN, cho rằng một số địa phương không nên đưa ra các biện pháp hành chính cực đoan bắt buộc người dân không được ra khỏi nhà nếu không đi tiêm hoặc phải ký cam kết, bởi hiện nay VN đang khuyến cáo người dân tiêm phòng vắc xin Covid-19 chứ không bắt buộc.
Ông Phu nêu quan điểm: “Các địa phương không thể và không nên làm những gì sai về mặt pháp luật. Thay vì đưa ra các biện pháp hành chính, việc cần thiết nên làm là vận động, khuyến khích người dân tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các mũi như đã khuyến cáo.
Vắc xin phòng Covid-19 không phải là vắc xin có miễn dịch bền vững, hiệu quả bảo vệ lâu dài mà dần mất khả năng bảo vệ. Vì vậy, việc tiêm phòng mũi 3, mũi 4 là cần thiết, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao và nguy cơ mắc bệnh dễ chuyển nặng”.
Từng nhiều năm làm công tác phòng chống dịch, PGS Trần Đắc Phu cho hay sẽ có thêm các nghiên cứu tiêm vắc xin hằng năm như với vắc xin cúm hay không. Hiện tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ các mũi là cần thiết. Đặc biệt, trong nước đã ghi nhận biến thể B.A.4; các nước đã ghi nhận biến thể B.A.5 và nguy cơ biến thể này xâm nhập VN rất lớn. Do đó, tiêm vắc xin là để bảo vệ mình và cộng đồng trước diễn biến dịch khó lường do vi rút vẫn liên tục xuất hiện biến thể mới. (Thanh niên, trang 5).
Địa phương không nhận vắc xin nếu xảy ra dịch bệnh phải chịu trách nhiệm
Chiều 23.6, Bộ Y tế cho biết đã có công văn gửi chủ tịch UBND 4 tỉnh, thành: Đồng Nai, Đà Nẵng, Đồng Tháp và Quảng Ngãi về việc tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 và sử dụng hiệu quả vắc xin tại các địa phương này. Trước đó, Bộ đã nhận được văn bản của 4 địa phương trên về hỗ trợ điều chuyển vắc xin phòng Covid-19 chưa sử dụng cho nơi có nhu cầu.
“Nếu không nhận vắc xin hoặc để vắc xin tồn không sử dụng trong khi vẫn còn người dân chưa được tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, công văn Bộ Y tế nhấn mạnh.
Đối với các đối tượng từ 12 tuổi trở lên, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh triển khai tiêm nhắc vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 và hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8.2022; đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. (Thanh niên, trang 5).
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 7: “Sử dụng hiệu quả vắc-xin phòng Covid-19”; Tiền phong, trang 6: “Bốn địa phương xin chuyển vắc xin, Bộ Y tế yêu cầu tiêm”.
Tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu thuốc, thiết bị y tế
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 180/TB-VPCP ngày 23/6/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh.
Thông báo nêu rõ, tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư và sinh phẩm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh đang được nhân dân và dư luận quan tâm, lo lắng.
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, ngành cơ quan Trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tạo môi trường an toàn, thuận lợi thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Bộ Y tế khẩn trương rà soát, ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất, hiệu quả công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên cả nước, trong đó xác định rõ từng đối tượng được tiêm, thời hạn tiêm mũi nhắc lại...
Bộ Y tế cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những nội dung cần phải chỉ đạo, giải quyết nhưng vượt thẩm quyền.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn các địa phương thực hiện việc thanh, quyết toán chế độ cho các tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống dịch COVID-19; nhất là đối với các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục người tham gia bảo hiểm y tế được hưởng.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ tiêm vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế; khẩn trương tháo gỡ khó khăn, xử lý kịp thời tình trạng thiếu thuốc, vật tư, sinh phẩm y tế trên địa bàn. (Tiền phong, trang 2).
Thêm 740 ca mắc Covid-19 tại 37 tỉnh, thành phố
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua (tính từ 16h ngày 22-6 đến 16h ngày 23-6), trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 740 ca nhiễm mới tại 37 tỉnh, thành phố (giảm 148 ca so với ngày trước đó). Như vậy, có 26 tỉnh, thành phố không có ca nhiễm mới và cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong trong 24 giờ qua.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hải Phòng (giảm 82 ca), Đà Nẵng (giảm 21 ca), Bạc Liêu (giảm 16 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là thành phố Hồ Chí Minh (tăng 13 ca), Lai Châu (tăng 11 ca), Hải Dương (tăng 9 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 693 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.740.595 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.422 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.732.828 ca, trong đó có 9.625.107 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.604.530), thành phố Hồ Chí Minh (609.935), Nghệ An (485.458), Bắc Giang (387.718), Bình Dương (383.796).
Về tình hình điều trị, có thêm 5.087 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.627.924 ca. Ngoài ra, có 32 bệnh nhân đang thở ô xy.
Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.084 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. (Hà Nội mới, trang 7).
Tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cùng loại với mũi 1
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh, thành phố về việc sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, căn cứ vào hướng dẫn của nhà sản xuất của vaccine phòng COVID-19 Moderna và vaccine phòng COVID-19 Pfizer đã được Bộ Y tế cho phép, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh/thành phố hướng dẫn các cơ sở tiêm chủng tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1.
Cụ thể, mũi 1 đã tiêm vaccine phòng COVID-19 Moderna, mũi 2 sử dụng vaccine Moderna, liều lượng 0,5ml.
Mũi 1 đã tiêm vaccine phòng COVID-19 Pfizer, mũi 2 sử dụng vaccine Pfizer loại cho người từ 12 tuổi trở lên liều lượng 0,3ml.
Để bảo đảm tiêm chủng an toàn, hiệu quả, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lưu ý cán bộ y tế sử dụng đúng loại, đúng liều lượng để tiêm chủng cho trẻ.
Đến nay, sau hơn 2 tháng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm mới đạt 6.159.698 liều, trong đó mũi 1 là 5.186.849 liều; mũi 2 là 972.849 liều.
Hiện, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 16 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Moderna và Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi bằng nguồn viện trợ. Đến nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ hơn 9,6 triệu liều.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi này còn chậm. Bộ Y tế liên tục có văn bản đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm, khẩn trương tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi bảo đảm an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế; hoàn thành tiêm cho trẻ đủ điều kiện tiêm chủng trong quý II/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, đến nay một số địa phương còn nhiều vaccine tiêm cho trẻ em mà chưa tiêm hết. (Công an Nhân dân, trang 7).
Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh
Ngày 22.6, Bộ Y tế đã quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố trọng điểm trong tháng 6-7.2022. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 62.955 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong, 47.821 trường hợp nhập viện điều trị. So với cùng kỳ năm 2021, số người mắc sốt xuất huyết tăng 97%, số tử vong tăng 24 trường hợp.
Bệnh nhân khốn khổ vì nắng nóng, dịch bệnh
Trong những tuần gần đây, số mắc sốt xuất huyết trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao. Không chỉ vậy, thời tiết nắng nóng làm gia tăng bệnh tật, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh là rất lớn. Tỉ lệ tử vong/mắc sốt xuất huyết hiện là 0,046% so với chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia là 0,09%. Ngành Y tế dự báo thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết, theo dự báo, chu kỳ dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào năm nay. Nguy cơ sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn. “Ngay từ khi có dịch sốt xuất huyết rải rác tại một số địa phương, đặc biệt tại TPHCM và Bình Dương, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các Sở Y tế tăng cường truyền thông, tổ chức phòng, chống dịch tại địa bàn với nhiều biện pháp, trong đó chú ý nhiều biện pháp như phát quang bụi rậm, chú ý nguồn nước sạch” - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Không chỉ dịch sốt xuất huyết, các dịch bệnh khác cũng gia tăng mạnh do thời tiết nắng nóng. Ghi nhận của phóng viên, tại khoa Nhi và đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn, số lượng bệnh nhi đến khám, điều trị tại khoa tăng đột biến, tăng khoảng 150-200% so với 2 tháng trước. Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang cho biết, phần lớn trẻ nhập viện đều mắc các bệnh lý đường hô hấp như sốt cao, ho, khò khè, khó thở, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết... thậm chí co giật.
Nhiều bé mới 2-3 tháng tuổi đã bị ho, viêm phổi nặng phải thở ôxy. Nguyên nhân chính gây bệnh là do virus hợp bào hô hấp (RSV). Đến nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu virus RSV nên các bác sĩ chủ yếu giảm các biến chứng cho bệnh nhi.
Theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, một trong những nguyên nhân khiến nhiều trẻ mắc bệnh là do sau dịch COVID-19, trẻ quay trở lại trường học, thay đổi môi trường và thói quen nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Nếu trẻ ở phòng lạnh, điều hòa quá lâu, không khí khô sẽ khiến niêm mạc mũi dễ tổn thương, virus dễ xâm nhập.
Bác sĩ Nguyễn Hương Giang, khoa Cấp cứu Nội - Nhi cho hay, lượng trẻ bị sốt, nôn, nhiễm khuẩn tiêu hoá, tay chân miệng, cúm A… vào viện tăng. Trong đó, 90% bé đã mắc COVID-19. Các triệu chứng của bệnh nhi đều tách biệt với COVID-19. Trung bình một ngày, khoa tiếp nhận 20-25 bệnh nhi, tăng so với thời gian trước, trong khi đó, khoảng 60% số bệnh nhi này cần nhập viện để điều trị.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Hữu nghị, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu - cho biết, đơn vị này thông thường tiếp nhận khoảng 20-25 bệnh nhân mỗi ngày nhưng trong những ngày nắng nóng, khi nhiệt độ tăng cao, con số này lên tới 30-35 ca. Theo bác sĩ, nắng nóng cực điểm trong những ngày qua là một trong những yếu tố có ảnh hưởng tới việc số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tăng.
Không chỉ trẻ em, người cao tuổi là đối tượng dễ bị ảnh hưởng tới sức khỏe khi thời tiết nắng nóng. Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số lượng bệnh nhân gia tăng mạnh. Trong những ngày nắng nóng như hiện nay, nhất là đầu đợt nắng, số lượng người bệnh phải nhập viện cấp cứu đều tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3, so với thông thường, số bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu đã lên tới 30 trường hợp. Trong đó, hơn một nửa trường hợp là ca nặng, cần can thiệp cứu cứu hồi sức. Các bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng nặng với những bệnh thường gặp là đột quỵ, viêm phổi, rối loạn điện giải...
Các cơ sở y tế tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị
Theo bác sĩ Trần Đình Thắng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, người dân cần tránh thay đổi môi trường quá nhiều. “Khi sử dụng điều hòa, nếu muốn ra ngoài, chúng ta nên tắt điều hòa đi để cơ thể thích nghi với nhiệt độ mới. Tương tự trong các trường hợp trước và sau khi tắm”- bác sĩ Thắng nói.
Ngoài ra, mùa hè là thời điểm một số bệnh truyền nhiễm, liên quan virus như sốt xuất huyết tăng cao. Mặt khác, việc sử dụng điều hòa trong mùa hè, môi trường kín cũng tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh phát triển. Do đó, bác sĩ Thắng khuyến cáo người dân nên cố gắng giữ môi trường thông thoáng, bố trí thời gian mở cửa và sử dụng thêm quạt thay cho điều hòa. “Môi trường, không gian mở, thông thoáng sẽ giúp hạn chế mật độ vi khuẩn. Đồng thời, gió sẽ giúp phát tán ra xung quanh, giảm nguy cơ mắc bệnh” - ông giải thích.
Ngoài ra, với người cao tuổi, cảm nhận khát sẽ giảm đi khiến họ không bổ sung nước, từ đó dẫn đến rối loạn điện giải. Do đó, bác sĩ Thắng cho rằng mọi người cần chú ý bổ sung đủ nước mỗi ngày, tối thiểu khoảng 2-2,5 lít. Với người cao tuổi, gia đình cũng nên chú ý để bổ sung.
Về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế - yêu cầu các cơ sở y tế đặc biệt là y tế tư nhân tuân thủ việc thu dung, điều trị người bệnh sốt xuất huyết theo phân độ tại Cẩm nang điều trị sốt xuất huyết.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết. (Lao động, trang 1).
Số ca mắc tay chân miệng tăng gấp 4 lần
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) ghi nhận hơn 700 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tuần qua, từ 13-19/6, thành phố ghi nhận 135 ca mắc, rải rác ở khắp các quận huyện như Sóc Sơn, Mê Linh, Chương Mỹ, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh, Ba Vì. Hầu hết bệnh nhân nhẹ, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ đến khám vì tay chân miệng cũng gia tăng. Trong tháng 4 và tháng 5, Bệnh viện ghi nhận có 776 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám, tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó. Trong số đó có 114 trẻ phải nhập viện điều trị.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, cho biết số ca tăng là điều tất yếu khi trẻ quay lại trường học. Trong khi đó, tay chân miệng là bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, qua tiếp xúc, giọt bắn. Tuy nhiên, số ca chỉ tăng nhẹ, phân bố lẻ tẻ, rải rác ở nhiều quận huyện, không có ổ dịch lớn.
Ông Tuấn so sánh, giai đoạn năm 2018-2019, số ca tay chân miệng có lúc lên đến 3.000, nhiều ổ dịch phức tạp, nguy hiểm gấp 4 đến 5 lần hiện nay.
Vị lãnh đạo CDC Hà Nội khẳng định mức tăng hiện nay chỉ cao so với với năm ngoái và vẫn trong tầm kiểm soát. Do trong năm 2021, ảnh hưởng bởi việc cách ly diện rộng, học sinh nghỉ học tập trung nên số trẻ mắc giảm mạnh.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra, do hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi.
Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Với Coxsackievirus A16 thường gặp vào mùa hè và lúc giao mùa.
Bệnh có thể kéo dài 3 đến 10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như loét miệng, phát ban phỏng nước, sốt nhẹ, nôn, nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.
Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ 2 đến 5 ngày của bệnh.
Thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày, giai đoạn khởi phát từ 1 đến 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
Hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng thuốc kháng sinh khi không có bội nhiễm).
Ba dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh diễn biến nặng
- Sốt cao không đáp ứng với điều trị: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt.
- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
"Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên chủ quan tự theo dõi ở nhà, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra", TS Đỗ Thiện Hải - Bệnh viện Nhi Trung ương - khuyến cáo. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Ra mắt phần mềm quản lý, điều phối hiến ghép tạng
Ngày 23-6, Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp cùng Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Thống Nhất ra mắt hệ thống phần mềm quản lý, điều phối hiến, ghép tạng.
Phần mềm được kỳ vọng làm gia tăng được sự đồng thuận hiến tạng nhân đạo cứu người, gia tăng được nguồn tạng hiến tặng, quản lý về mặt khoa học và tuyển chọn, điều phối sao cho minh bạch, công bằng; đảm bảo được tính minh bạch, khách quan cũng như tạo được niềm tin của người dân.
Theo TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối hiến mô tạng, các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy, mục tiêu chính của phần mềm là minh bạch hoàn toàn việc tiếp nhận, tuyển chọn, điều phối ghép tạng.
Khi thông tin của người hiến tạng và người chờ nhận tạng cập nhật lên phần mềm đều được mã hóa nhằm đảm bảo tính bảo mật. Các thông số chuyên môn được hệ thống chi tiết, chấm điểm theo từng hạng mục.
Dựa trên thang điểm về độ thuận hợp, tương thích (các xét nghiệm); thời gian chờ đợi ghép, độ tuổi, khoảng cách địa lý, tình trạng bệnh lý…. phần mềm sẽ tự động chọn ra người nhận tạng phù hợp nhất với người hiến.
“Phần mềm sẽ đảm bảo việc lựa chọn người ghép một chính xác, khách quan mà chúng tôi không thể tác động được, do đó, sẽ không có sự ưu tiên hay gian dối trong việc điều phối, lựa chọn người được ghép tạng”, TS-BS Dư Thị Ngọc Thu khẳng định.
Còn theo TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, từ trước đến nay, việc ghép tạng ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đều là từ người cho sống cùng huyết thống, do đó chưa đặt ra các bài toán về tính minh bạch, khách quan như tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tuy nhiên, với số lượng trẻ bị teo đường mật bẩm sinh, trẻ suy thận chờ ghép đang ngày càng tăng lên nên trong thời gian tới, việc huy động nguồn tạng từ người chết não, tim ngừng đập là vô cùng cần thiết.
“Với việc áp dụng phần mềm minh bạch, công khai sẽ dễ tạo nên sự đồng thuận từ thân nhân của người chết não và điều này sẽ giúp nguồn tạng hiến dồi dào hơn, từ đó mang thêm cơ hội sống cho nhiều bệnh nhi”, Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch phát biểu.
TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ năm 2019, Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp cùng Bệnh viện Thống Nhất, Nhi đồng 2 thực hiện Đề án mạng lưới điều phối liên viện về hiến và ghép tạng nhân đạo. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng phần mềm tiếp nhận, quản lý, tuyển chọn, điều phối tạng hiến.
Trước mắt, hệ thống mới chỉ tiếp nhận thông tin những người đăng ký ghép tạng tại TPHCM. Trong tương lai, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ xin phép Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia mở rộng quy mô trên toàn quốc, góp phần giúp cho việc hiến và nhận tạng trở nên công khai, minh bạch, hạn chế được tình trạng buôn bán tạng trái phép.
Bệnh viện Thống Nhất thực hiện thành công 2 ca ghép thận
Cũng trong sáng 23-6, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, vừa thực hiện ghép thận cho 2 trường hợp bệnh nhân 17 tuổi với sự hỗ trợ của ê kíp từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là lần đầu tiên Bệnh viện Thống Nhất thực hiện kỹ thuật này.
Trường hợp đầu tiên là nam thiếu niên 17 tuổi (ngụ TPHCM), được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư, sau đó dẫn đến suy thận. Bệnh nhân được chạy thận liên tục trong 6 tháng. Sau đó, bệnh nhân được mẹ ruột (47 tuổi) hiến 1 quả thận. Hiện, sau khi ghép, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.
Trường hợp tiếp theo cũng là nam thiếu niên 17 tuổi (ngụ TPHCM). Bệnh nhân bị viêm cầu thận và buộc chạy thận liên tục trong 3 năm. Ngày 14-6, bệnh nhân được ghép thận, sau ghép, sức khoẻ bệnh nhân ổn định. Được biết, người hiến thận là cha ruột của bệnh nhân.
TS-BS Nguyễn Bách, Trưởng Khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM cho biết, hiện nay bệnh viện có 200 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, đặc biệt, có 10 - 20% bệnh nhân có chỉ định ghép thận. Để thực hiện 2 ca ghép thận đầu tiên này, bệnh viện đã phải đưa ra những tiêu chí đánh giá về chuyên môn, xã hội, kinh tế sau ghép. Ngoài ra, sau khi đánh giá, Khoa Nội thận lọc máu còn phải trình hội đồng ghép xem các tiêu chí về người cho và nhận tạng rồi mới lên lịch mổ ghép.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Bách, ban đầu có nhiều người thân đăng ký hiến thận cho 2 trường hợp này, nhưng bệnh viện chỉ chọn ra người phù hợp với 2 bệnh nhân nhất để ghép. Hiện nay với số lượng bệnh nhân có nhu cầu ghép thận cao, việc có thêm cơ sở y tế có đủ điều kiện chuyên môn để triển khai kỹ thuật ghép thận sẽ mang lại thêm nhiều cơ hội, rút ngắn thời gian chờ đợi cho bệnh nhân có nhu cầu. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).