Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/8/2016

  • |
T5g.org.vn - Bác sĩ “mổ xẻ” trào lưu detox nguy hiểm đang lan truyền khắp mạng xã hội; Bình Phước tích cực phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; Thu hồi giấy phép hai phòng khám chuyên khoa trên địa bàn Hà Nội; Cho phép nhập khẩu lại nguyên liệu Salbutamol...

Bình Phước tích cực phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước, từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.800 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần năm lần so cùng kỳ năm 2015. Tuy chưa có con số người chết do bệnh sốt xuất huyết, nhưng tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cho nên việc phòng, chống bệnh được ngành y tế Bình Phước tích cực triển khai. Hai tháng qua, chiến dịch diệt bọ gậy được thực hiện tại 16 phường, xã, thị trấn có số ca bệnh tăng cao; phát hiện và xử lý 54 trên 58 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11 huyện, thị trấn bằng biện pháp phun hóa chất kết hợp với diệt bọ gậy. Ngành y tế tỉnh cũng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia vào công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới… (* Nhân dân (trang 4))

Thu hồi giấy phép hai phòng khám chuyên khoa trên địa bàn Hà Nội

Ngày 23-8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, vừa ban hành các quyết định thu hồi giấy phép và yêu cầu ngừng hoạt động của hai phòng khám chuyên khoa. Trong đó, thu hồi Giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh (KCB) số 2091/SYT-GPHĐ cấp ngày 26-9-2014 cho Phòng khám chuyên khoa Nội (địa chỉ: số 93 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) do bác sĩ Nguyễn Thị Học phụ trách chuyên môn. Thu hồi Giấy phép hoạt động KCB số 2318/SYT-GPHĐ cấp ngày 26-2-2015 của phòng khám chuyên khoa Phụ sản - Kế hoạch hóa gia đình (địa chỉ: số 93 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) do bác sĩ Trịnh Mai Thanh chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Lý do thu hồi của hai cơ sở nêu trên, là do không bảo đảm điều kiện về nhân sự; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác KCB; không thực hiện đúng quy chế, quy trình chuyên môn trong hoạt động KCB...

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng ban hành quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề KCB số 2619/HNO-CCHN cấp ngày 7- 11-2012 của bác sĩ Nguyễn Thị Học do không đủ sức khỏe để hành nghề theo quy định. (* Nhân dân (trang 5))

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 7: “Một bác sĩ và hai phòng khám bị thu hồi giấy phép, chứng chỉ”; Báo Công an Nhân dân trang 15: “Thu hồi giấy phép hoạt động hai phòng khám tư nhân”

Cho phép nhập khẩu lại nguyên liệu Salbutamol

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản cho phép tiếp tục nhập khẩu Salbutamol để đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh cho người.

Được biết, trước đó, sau khi có phản ánh về tình trạng sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi, ngày 20/11/2015, Cục Quản lý Dược đã có công văn số 21590/QLD-KD về việc tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol và Clenbutarol. Cục Quản lý Dược cho rằng, Salbutamol là hoạt chất dùng trong điều chế thuốc và được sử dụng trong ngành Y tế nhiều năm nay trong điều trị bệnh về đường hô hấp. Ngành Y tế được tiêu chuẩn hóa từ khâu sản xuất đến sử dụng thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, do đó, việc quản lý nguyên liệu nói chung và Salbutamol nói riêng cũng theo quy trình này.

Tuy nhiên, theo Luật Dược năm 2005, Salbutamol không phải hoạt chất thuộc danh mục kiểm soát đặc biệt và được quản lý về xuất nhập khẩu theo Thông tư 47. Theo đó, các công ty tự chủ về kế hoạch hoạt động kinh doanh và lên dự trù về Salbutamol theo yêu cầu của doanh nghiệp. Sau khi có phản ánh về tình trạng sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi, Cục Quản lý dược ngay lập tức đã có văn bản tới Tổng cục Hải quan yêu cầu tạm dừng xuất nhập khẩu hoạt chất này.

Cục Quản lý dược cũng đã tăng cường công tác hậu kiểm, chấn chỉnh đưa hoạt động kinh doanh nguyên liệu Salbutamol vào kiểm soát chặt chẽ nhằm thực hiện theo đúng các quy định hiện hành. Sau khi kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh, nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol dùng làm thuốc, hiện nay các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện, cơ bản đáp ứng các quy định về sản xuất, kinh doanh nguyên liệu.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc chữa bệnh cho người, căn cứ nhu cầu nguyên liệu Salbutamol đế sản xuất trong nước, Cục Quản lý dược tiếp tục cho phép nhập khẩu đối với các đơn vị sản xuất với số lượng phù hợp với nhu cầu để sản xuất thuốc có số đăng ký còn hiệu lực chứa nguyên liệu Salbutamol của chính đơn vị sản xuất kể từ ngày 10-8-2016. (* Hà Nội mới (trang 7))

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân trang 15: “Cho phép nhập khẩu trở lại chất tạo nạc Salbutamol ”; Báo Thanh niên trang 2: “Bộ Y tế cho phép nhập khẩu trở lại chất cấm trong chăn nuôi”; Báo Sức khỏe & Đời sống trang 2: “Cho phép nhập khẩu lại Salbutamol”

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong các bệnh viện CAND

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT - Thứ trưởng Bùi Văn Thành chỉ đạo.

Ngày 23-8, tại trụ sở Tổng cục Hậu cần- Kỹ thuật (HCKT) CAND , Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đã chủ trì cuộc họp với Cục Y tế, Tổng cục HCKT CAND và các đơn vị chức năng, đánh giá và bàn phương hướng, nhiệm vụ về thực trạng công tác tổ chức; đầu tư trang thiết bị y tế; khám, chữa bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế và xã hội hóa y tế tại các bệnh viện CAND trong thời gian tới. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an…

Theo báo cáo của cơ quan chức năng Tổng cục HCKT, hiện nay lực lượng CAND có 4 bệnh viện loại I  gồm: bệnh viện 19/8, bệnh viện 30/4, bệnh viện 199 và bệnh viện Y học cổ truyền trực thuộc Tổng cục HCKT.

Tính riêng năm 2015, tổng số danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh của 4 bệnh viện loại I được Bộ Y tế phê duyệt 27.154 danh mục; tổng số khám bệnh hơn 1.400.000 lượt; tổng số điều trị gần 74.000 lượt; công suất sử dụng giường bệnh gần 110%. Tổng số khám, chữa bệnh tại các bệnh viện thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt hơn 618.700 lượt bệnh nhân; tổng số điều trị gần 39.000 lượt người.

Việc triển khai bảo hiểm y tế (BHYT) trong CAND được thực hiện tại nhiều đơn vị; tổng số thẻ BHYT của cán bộ, chiến sỹ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện trong CAND lên đến hàng chục nghìn thẻ; trong đó 4 bệnh viện hạng I của Bộ Công an tiếp nhận thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, chiếm tỷ lệ hơn 42,5% số thẻ BHYT phát hành.

Sau khi lắng nghe các ý kiến tham luận, phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Văn Thành yêu cầu các Bệnh viện CAND cần đề cao yêu cầu nhiệm vụ chính trị lên hàng đầu, trọng tâm là chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ.

Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công an và Luật BHYT để khảo sát, đánh giá chính xác hệ thống khám chữa bệnh trong các bệnh viện CAND; xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn cho các đơn vị và cơ sở khám chữa bệnh trong triển khai kế hoạch thực hiện BHYT;

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT.

Tiếp tục công tác đầu tư, quy hoạch xây dựng, nâng cấp các Bệnh viện trong CAND; thực hiện tốt công tác xã hội hóa các Bệnh viện, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ y tế và cán bộ, chiến sỹ đến khám chữa bệnh... (* Công an Nhân dân (trang 3))

Nỗ lực cứu bé gái 8 tuổi ngã từ độ cao 16 mét

Trong 4 ngày qua kể từ khi nhập viện, các bác sĩ Chợ Rẫy đã rất nỗ lực cứu bé thoát khỏi cánh tay tử thần. Ngày 23-8, bệnh viện Chợ Rẫy vui mừng cho biết, bé đã qua cơn nguy kịch.

Theo đó, thông tin từ TS-BS Trần Quang Vinh, Trưởng khoa Hồi sức Ngoại thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, bệnh nhi trên là bé Hoàng Ái V. (8 tuổi, ngụ tại Bình Dương).

Theo lời người nhà, thì ngày 19-8 khi cha mẹ bé đang bận công việc dưới tầng trệt, cháu V. chơi trên lầu 4 trong căn nhà riêng của gia đình. Bất ngờ, người mẹ giật mình bởi nghe một tiếng động lớn, chị vội chạy ra thì tá hỏa phát hiện con gái đã nằm bất động dưới chân cầu thang.

Ngay lập tức bé đã được chuyển đến cơ sở y tế tại địa phương sơ cứu rồi tiếp tục chuyển lên Chợ Rẫy. Bé nhập viện trong tình trạng hôn mê, vật vã, hình ảnh chụp chiếu cho thấy, bệnh nhi bị vỡ, nứt họp sọ nhiều nơi (vùng trán, đỉnh, chẩm); dập não; xuất huyết nội sọ; dập phổi bên trái. Các bác sĩ đã tiến hành hỗ trợ thở ô xy, theo dõi, và điều trị nội khoa tích cực.

Sau 4 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đang từng bước được cải thiện, cháu tiếp xúc khá hơn, tự thở được khí trời. Kết quả kiểm tra CT-Scaner cho thấy, não của bé đã bớt phù, tình trạng xuất huyết không tăng thêm.

Tuy nhiên, tiên lượng điều trị, các bác sĩ chưa thể nói trước. Nếu may mắn qua được cơn nguy kịch, bé vẫn có thể đến trường đi học, song vẫn có những nguy cơ tổn thương não.

Theo nhận định của TS-BS Quang Vinh, cháu bị té từ lầu 4, độ cao khoảng 15 đến 16m. Bình thường, nếu rơi tự do từ độ cao này xuống nền gạch thì cơ hội sống rất mong manh. Có thể, khi bị té bệnh nhi đã bị va đập vào thành của cầu thang nhưng điều đó vô tình lại trở thành may mắn giúp giảm trọng lực của cơ thể khi tiếp đất. (* Công an Nhân dân (trang 7))

Bệnh viện xin xuống hạng: Bộ Y tế lên tiếng

Các bệnh viện không thể “thích” lên hạng hay xuống hạng nào cũng được. Việc xếp hạng do các cơ quan có thẩm quyền quyết định căn cứ vào quy mô hoạt động, phạm vi chuyên môn, cơ sở vật chất… của cơ sở đó.

Ngày 22-8, trước thông tin vì Thông tư 40/2015 của Bộ Y tế mà một số cơ sở y tế công lập (BV Y học cổ truyền tỉnh Đồng Nai, BV Da liễu Đồng Nai) phải xin xuống hạng, Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết như trên.

Theo vụ này, Bộ Y tế đã có ý kiến: Việc một số bệnh viện xin xuống hạng cho thấy các bệnh viện trên chưa hiểu đúng về quy định tuyến và hạng của cơ sở y tế, bởi vì quy định về phân tuyến khác với tuyến chuyên môn kỹ thuật và không phụ thuộc vào hạng của các bệnh viện này.

Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, theo Thông tư 40, các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương không được nhận bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế ban đầu mà phải từ tuyến huyện chuyển lên. Điều này dẫn tới nhiều cơ sở y tế rơi vào tình trạng ế ẩm. Nhiều bệnh viện hạng 2, tuyến tỉnh phải xin xuống hạng để thu hút người bệnh. (* Pháp luật TPHCM (trang 2))

Chưa có kết luận về an toàn cá biển miền Trung

Cơ quan nhà nước sẽ khoanh vùng tọa độ, công bố các vị trí an toàn để người dân tắm biển và đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.

“Dù đã thấy cá nhỏ đến sinh sống nhưng đề nghị Bộ Y tế phải tiếp tục lấy mẫu kiểm định thường xuyên, nhất là ở một số điểm hiện vẫn còn hàm lượng phenol khá cao. Tôi cũng đề nghị gửi mẫu hải sản, mẫu nước ra các nước có công nghệ tiên tiến để phân tích đối chứng, khi đó kết quả sẽ khiến người dân yên tâm hơn về độ an toàn của biển và cá” - TS Friedhelm Schroeder, chuyên gia Viện Công nghệ môi trường biển Đức, nói tại hội nghị đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh miền Trung do Bộ TN&MT và Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 22-8.

Đang phục hồi tích cực

GS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu: Kết quả phân tích từ 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8) cho thấy mức độ ô nhiễm, hệ sinh thái biển và ven biển bốn tỉnh có chuyển biến tích cực. “Các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng, nhóm hợp chất hữu cơ và coliform đều ở ngưỡng cho phép. Chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc nằm trong giới hạn quy định, đạt chuẩn đối với vùng biển bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sản” - GS Nhuận khẳng định.

Theo GS Nhuận, với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ Formosa Hà Tĩnh và cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian. Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi thủy hải sản sau khi bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô nay đã có dấu hiệu phục hồi tích cực.

“Điều này cho thấy chất lượng nước biển và môi trường sinh thái đã phục hồi tích cực. Để đảm bảo sức khỏe người dân, cơ quan nhà nước sẽ khoanh vùng tọa độ, công bố các vị trí an toàn để người dân đánh bắt, tắm biển, nuôi trồng thủy hải sản” - Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nói.

Vẫn còn nhiều mối lo

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng báo cáo vừa được công bố vẫn chưa trả lời câu hỏi đang được nhiều người quan tâm, đó là môi trường biển của bốn tỉnh đã an toàn chưa? Hải sản đã ăn được chưa?

PGS-TS Nguyễn Văn Hợp, ĐH Khoa học Huế, thắc mắc: “Báo cáo nêu độc tố trong thủy hải sản giảm dần theo thời gian nhưng đã giảm đến mức nào rồi? Kết luận chung chung quá. Chất nào giảm thì cần nêu rõ và phải trả lời được câu hỏi là ăn thủy sản vào có sao không”.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch Hội Thiên nhiên môi trường biển cho rằng vấn đề chính mà người dân quan tâm là việc cá và biển đã an toàn chưa. Các cơ quan chức năng cần phải giải đáp được câu hỏi đó của người dân.

PGS Hồi nhận định: Dù có cá nhỏ xuất hiện nhưng vẫn chưa thấy cá kinh tế. "Chỉ khi có các loại cá kinh tế mới đủ để khẳng định khu vực đó đã an toàn".

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết báo cáo này tuy chưa trả lời được hoàn toàn các câu hỏi của người dân bốn tỉnh miền Trung song đã cung cấp những thông số quan trọng về chất lượng nước biển hiện tại. Đây là nền tảng cho các bước nghiên cứu tiếp theo. “Về vấn đề an toàn thực phẩm, Bộ Y tế sẽ giám sát các khu vực đánh bắt để có những đánh giá chính xác, thận trọng hơn” - Bộ trưởng Hà nói. (* Pháp luật TPHCM (trang 4))

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 1: “Cuối tháng 8 công bố’cá ăn được chưa’”; Báo Thanh niên trang 2: “tháng 9 mới công bố cá biển “Formosa”có ăn được hay chưa”

Không tiêm vắc-xin, tăng nguy cơ ung thư gan

Bệnh viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư gan, diễn tiến bệnh phức tạp, điều trị tốn kém. Các chuyên gia y tế dự phòng khuyến cáo nên tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu cho trẻ sau khi sinh.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam là khu vực có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch tiêm chủng. Khoảng 90% trẻ bị nhiễm lúc dưới 1 tuổi sẽ phát triển thành viêm gan B mạn tính và là nguồn lây chủ yếu của cộng đồng; trong khi nhiễm lúc 1-4 tuổi thì 40% trở thành mắc bệnh mạn tính.

Tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ nhằm mục đích phòng chống lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con. Đây là chiến lược của Tổ chức Y tế thế giới, và là chỉ đạo của Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia trong phòng chống bệnh viêm gan B. Việc tiêm vắc - xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con.

Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày. Nếu không triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh thì hàng năm ước tính ở Việt nam có thêm khoảng 54.600 trẻ nhiễm virus viêm gan B mạn tính, sẽ là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng và khoảng 20-30% số trẻ này (tương đương 11.000-16.000 trẻ) sẽ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan sau này. Chi phí điều trị sẽ rất tốn kém.

Kể từ khi đưa vắc-xin viêm gan B vào sử dụng năm 2002, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ lớn trong công cuộc phòng chống bệnh viêm gan B, đưa tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B có HBsAg (+) ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 2% vào năm 2014 và tiếp tục hướng tới mục tiêu giảm xuống dưới 1% vào năm 2017. Để có thể đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ khi mới lọt lòng mẹ và bổ sung các liều tiếp theo theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo sức khỏe của trẻ và bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ lây nhiễm viêm gan virus. (* Tiền phong (trang 6))

Xông vào bệnh viện chém người đang cấp cứu

Khuya 22/8, có 3 đối tượng lạ cầm dao, rựa xông vào phòng cấp cứu trung tâm y tế huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) chém anh Lê Văn Ghi (1988, ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh) đang nằm phòng cấp cứu.

Anh Ghi cùng 2 người nữa đang được các y bác sĩ ở đây điều trị do va chạm giao thông. Trong lúc các bác sĩ đang điều trị thì Ghi bị các đối tượng trên chém vào đầu và tay bị thương nặng phải chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu. Sau khi gây án, các đối tượng bỏ trốn.  (* Tiền phong (trang 6) )

Giảm tải bằng chẩn bệnh từ xa

Thay vì chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị, Sở Y tế TPHCM vừa triển khai hệ thống chẩn đoán từ xa giữa bệnh viện tuyến trên với tuyến dưới giúp người bệnh không phải đi lại và giảm tình trạng đang quá tải hiện nay.

Bệnh nhân Nguyễn Thị M., 79 tuổi ở huyện Củ Chi, TPHCM, mắc chứng tăng huyết áp kèm thiếu máu cục bộ cơ tim được các bác sĩ Bệnh viện huyện Củ Chi chỉ định chuyển lên Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM điều trị. Nhưng trong ngày 25/5, các bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định quyết định chẩn đoán từ xa thông qua hệ thống hỗ trợ Intouch Health do Sở Y tế TPHCM lắp đặt thí điểm kết nối với Bệnh viện huyện Củ Chi.

TS-BS Trần Việt Hồng- Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM cho biết, các bác sĩ nơi đây đã tương tác với các bác sĩ của Bệnh viện Củ Chi, thăm hỏi trực tiếp bệnh nhân, nghe tim phổi, xem hình ảnh điện tim và X - quang thông qua hệ thống hỗ trợ từ xa. “Từ hệ thống này, các chuyên gia của tuyến trên đã xác định bệnh và hướng dẫn các bác sĩ của Bệnh viện huyện Củ Chi thay đổi hướng điều trị có hiệu quả hơn trong việc kiểm soát huyết áp và đường huyết”- bác sĩ Hồng nói. Theo ông Hồng, hệ thống hỗ trợ chẩn đoán từ xa này cho hình ảnh và âm thanh chất lượng tốt, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn trong việc giúp các bệnh viện tuyến trước điều trị các ca bệnh khó, đồng thời góp phần trong hoạt động đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện, giúp giảm tải.

Bác sĩ Cù Tiến Dũng - Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi nói rằng với thiết bị này, các bác sĩ tuyến trên chỉ cần dùng máy tính bảng, máy tính xách tay và điện thoại thông minh có kết nối wifi là có thể xem và đánh giá được tình trạng của bệnh nhân tuyến dưới. “Các bác sĩ có thể đọc kết quả cận lâm sàng qua màn hình, thậm chí nghe được tim, phổi thông qua thiết bị”- bác sĩ Dũng nói.

Cuối năm 2015, Bệnh viện 115 TPHCM đã ứng dụng hệ thống hội chẩn y tế iTeleM, loại thiết bị kết hợp của hệ thống họp trực tuyến Video Conference và hệ thống PACS- lưu trữ và truyền hình ảnh nhằm hỗ trợ cho việc chẩn đoán và điều trị từ xa. Bác sĩ Nguyễn Đình Phú- Phó giám đốc Bệnh viện 115 cho biết, hệ thống Video Conference đóng vai trò tạo phòng họp trực tuyến từ phòng mổ giúp các chuyên viên, bác sĩ có thể giao tiếp với nhau ở khoảng cách rất xa thông qua mạng internet. Trong khi đó, ứng dụng của PACS sẽ cung cấp ảnh chụp CT, MRI, X-quang, siêu âm, kết quả xét nghiệm và thông tin bệnh nhân được lưu trữ trước đó, giúp các bác sĩ nắm bắt được tình trạng bệnh để cùng thảo luận và từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp. “Việc ứng dụng chẩn bệnh từ xa này giúp bệnh viện giảm đáng kể chi phí khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân”- bác sĩ Phú nói.

Mô hình giảm tải bằng chẩn bệnh từ xa cũng đã triển khai ở Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM, Bệnh viện An Bình và Trung tâm y khoa Medic Hòa Hảo. Lãnh đạo các bệnh viện này cho rằng ngoài những mặt tích cực trên, mô hình này đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt khi giúp các bệnh viện tiết kiệm khoảng 60 tỷ đồng/năm để nhập nguyên vật liệu phục vụ in và rửa phim.

Hơn một năm nay, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM đã tiến hành chẩn đoán, chữa bệnh từ xa sau khi ngành y tế Gia Lai phối hợp với TPHCM đầu tư hệ thống kết nối mạng internet.  Lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, sau khi thực hiện mô hình này, những bệnh nhi nặng ở Gia Lai không có điều kiện chuyển lên tuyến trên để điều trị đã được nơi đây điều trị qua hệ thống và cứu chữa thành công. “Nhiều trường hợp chuyển viện từ Gia Lai về TPHCM với tiên lượng nặng đã được chúng tôi hội chẩn từ xa, đưa ra hướng điều trị thích hợp nên kịp thời cứu sống”- lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ nói. (* Tiền phong (trang 13))

Bác sĩ “mổ xẻ” trào lưu detox nguy hiểm đang lan truyền khắp mạng xã hội

Chưa bao giờ các phương pháp giải độc, thanh lọc cơ thể (hay còn gọi là detox, cleansing) lại được dân tình bàn luận rôm rả và bắt tay vào thực hiện rầm rộ như hiện nay. Từ chanh, ớt, mía, café, dầu olive… bỗng chốc biến thành các “thực phẩm vàng” giúp detox thành công. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ lên tiếng cảnh báo mọi người đang tự đầu độc sức khỏe bản thân bởi hiệu quả chưa thấy đâu nhưng đã có trường hợp phải nhập viện cấp cứu sau khi detox.

Detox từ chanh, ớt đến mía, café, dầu olive…

Tìm kiếm từ khóa “detox” trên google cho ra hàng triệu kết quả chỉ trong chưa đầy một giây. Trong đó, nhóm detox để đốt mỡ giảm cân bằng nhịn ăn, uống nước chanh tươi, hay dùng nước mía nguyên chất với nước ớt ngọt, cà phê, bằng nước muối... nhận được nhiều lời bàn tán xôn xao của cư dân mạng. Đối tượng hào hứng nhất với detox phải kể đến là các chị em phụ nữ luôn mong muốn cơ thể vừa thải được cặn bã vừa giảm được cân. Đáng chú ý là có những hình ảnh ‘người thực việc thực’ khi thực hiện phương pháp detox nhận được sự theo dõi của nhiều người. Cách đây không lâu, một nhà thơ khá nổi tiếng cũng đã chia sẻ chi tiết quá trình detox trên trang cá nhân của mình, ông này cho biết đã giảm 10kg; 34cm vòng bụng trong 12 ngày.

Cách làm của đa số họ là thực hiện detox bằng nước mía nguyên chất với nước ớt ngọt mà không ăn thêm bất cứ một thực phẩm hay nước uống nào khác. Cũng có người thực hiện detox bằng nước chanh tươi pha với nước lọc và chỉ uống nước chanh tươi trong vòng 12 ngày. Số khác thì detox bằng dầu olive pha nước chanh... Các phương pháp detox này được truyền tụng là giúp cơ thể đào thải ra các chất có hại cho cơ thể, giải độc gan, ngoài ra còn giúp chữa các bệnh về khớp, đào thải mỡ vùng bụng, cánh tay và đùi rất hiệu quả; đồng thời giảm cân rất tốt, thậm chí phòng ngừa được cả bệnh ung thư (?). Đánh trúng tâm lý số đông, trào lưu detox nhanh chóng lan rộng khiến “người người detox, nhà nhà detox” nhưng hiệu quả của phương pháp này đến đâu thì vẫn khá mơ hồ.

Chưa thải được độc đã nhập viện vì tiêu chảy

Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai vừa cấp cứu một BN tiêu chảy sau khi thực hiện các phương pháp detox. BN nhập viện trong tình trạng tụt huyết áp, chân tay bủn rủn, cơ thể mất nước nặng. Đặc biệt BN cho biết bị đi ngoài nhiều lần trong ngày (khoảng 20 lần).

Qua khai thác tiền sử BN cho hay, thấy mọi người bàn tán nhiều về trào lưu thải độc, thanh lọc cơ thể nên chị cũng nhanh chóng áp dụng bằng cách thực hiện theo hướng dẫn trên. Tuy nhiên, độc đâu chưa thải được thì chị này đã phải nhập viện cấp cứu vì tiêu chảy. Kết quả thăm khám cũng cho thấy, BN có biểu hiện suy thận cấp, rối loạn điện giải nặng và phải điều trị gần một tháng, chi phí tốn kém vài chục triệu đồng.

Theo BS. Ngô Đức Hùng, khi bị tiêu chảy, các mảng tế bào niêm mạc đường tiêu hóa vốn rất mong manh dễ dàng bong ra, kéo theo rất nhiều vi khuẩn sống cộng sinh trong đó giúp tiêu hóa thức ăn cũng bị đẩy ra ngoài. Sau mỗi lần như vậy, cơ thể phải mất rất nhiều thời gian để có thể hồi phục được.

Những ngộ nhận “chết người”

Một cơ thể khỏe mạnh là điều ai cũng mong muốn nhưng liệu chạy theo các phương pháp detox chưa được ngành y khuyến cáo thì có thực sự mang lại lợi ích sức khỏe? Đi sâu phân tích vấn đề này, ThS. Hùng, khoa cấp cứu A9 BV Bạch Mai cho biết:"Nước chiếm 60-70% cơ thể một con người trưởng thành. Hàng ngày, cơ thể nếu không hoạt động gì cũng mất gần 0,5lít qua hơi thở và mồ hôi, đi đại tiện mất 200-300ml, tiểu tiện mất 1,5lít. Cơ thể tự sinh ra 0,2lít do các phản ứng hoá học. Chính vì vậy cần phải cung cấp nước cho cơ thể khoảng 2lít/ngày, nếu nhiều hơn thì sẽ thải ra qua đường đại, tiểu tiện, đó là chưa kể hoạt động thể thao. Với những người làm việc nhẹ nhàng như nhân viên văn phòng thì chỉ cần 2lít nước/ngày là đủ.

Ruột là nơi hấp thu nước chính, mỗi ngày ruột hút đến 10lít dịch, trong đó có 2lít con người uống vào và 8lít dịch đường tiêu hoá tiết ra. Để ý thấy, mỗi lần khát nước, đấy là khi cơ thể đang “kêu gào” thiếu nước, chúng ta chỉ cần uống một cốc nước trong vài giây đồng hồ cảm giác khát sẽ hết, đấy là nước được hấp thu vào máu và “báo hiệu” cho não biết là nước đã vào máu. Thế nên, việc mỗi buổi sáng uống 2lít nước pha lẫn chanh, hoa quả như mọi người lan truyền đó là cung cấp nước sinh lý cho cơ thể chứ không phải để “quét ruột”. Nếu uống quá nhiều nước sẽ gây ra gánh nặng cho quả tim và hai quả thận phải làm việc thêm giờ để đưa nước thừa ra ngoài bằng tiểu tiện. Hoặc thừa quá nó sẽ kích thích đường ruột đưa ra ngoài bằng cách đại tiện. Pha mấy thứ chua chua và cay cay càng kích thích đi đại tiện nhiều hơn.

Với Vitamin C, có thể hiểu nôm na là chất chống ôxy hóa, mặc dù trong y học, nó là một vitamin như bao nhiêu vitamin khác, chỉ ít nguy hiểm hơn, nếu thừa nó sẽ thải qua thận và là một trong những yếu tố góp phần gây sỏi thận mặc dù không nhiều. Tuy nhiên, rất nhiều người lại mặc định Vitamin C có nhiều trong quả chanh, để rồi rỉ tai nhau uống nước chanh mật ong vào buổi sáng sớm. Nước chanh rất chua, thành phần chủ yếu là acid citric. Hàm lượng Vitamin C cũng có trong múi chanh nhưng không nhiều, nó tập chung chủ yếu ở phần…vỏ và cùi trắng. Trong tự nhiên, vitamin C có nhiều nhất ở cần tây và rau ngót, không phải trong múi quả chanh.

Detox bằng nước chanh buổi sáng khi đói là một sai lầm. Nước chanh chứa rất nhiều acid citric rất hại cho đường ruột. Acid citric là acid yếu tham gia vào chu trình Kreb (là một chuỗi các phản ứng hóa học xúc tác bởi enzyme có vai trò quan trọng bậc nhất trong mọi tế bào sống có dùng ôxy trong hô hấp tế bào) trong ti thể của tế bào. Nhưng không có nghĩa là dùng nó thì có thêm năng lượng và tốt cho chuyển hoá. Uống acid kéo dài sẽ làm tăng [H+] nghĩa là cơ thể sẽ phải tìm cách đào thải nó, có thông tin cho rằng nó tốt cho thận, nhưng có tốt thật hay không thì vẫn là "dường như", còn vấn đề xử lý thăng bằng toan kiềm trong máu thì rõ ràng cơ thể phải xử lý [H+] ngoại lai.

Rồi ớt bột pha vào nước, lúc đói nó kích thích niêm mạc dạ dày và kích thích nhu động đường tiêu hoá. Cho nên dùng bột ớt để detox là sai lầm. Mọi người còn rỉ tai nhau ăn hoa quả để detox sau khi uống mấy thứ nước hỗn hợp như trên, bảo để thanh lọc cơ thể. Hoa quả, bản chất chứa đầy Fructose và các đường thuỷ phân khác, khi vào cơ thể thì Fructose dễ chuyển thành Glucose và cung cấp năng lượng nhanh chóng hơn và khi thừa thì không gây ra tác hại gì. Như thế nghĩa là cơ thể chỉ dùng carbonhydrat, không thể giảm cân được trừ khi nhịn đói. Mà giảm cân kiểu nhịn đói là cách phản khoa học.

Cơ thể hoạt động chủ yếu bằng năng lượng lấy từ đốt cháy carbonhydrat, đó là glucose bị ném vào chu trình Kreb vừa nói ở trên, khi hết carbonhydrat nó sẽ dùng đến lipid và protid nghĩa là mỡ và cơ. Vậy muốn giảm mỡ và giảm béo, cách tốt nhất là hoạt động thể lực. (* Sức khỏe & Đời sống (trang 1))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang