Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/8/2017

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội chi hàng chục tỉ đồng, sốt xuất huyết vẫn tăng mạnh; Mỗi năm có 10-12 nghìn trẻ bị tim bẩm sinh ra đời; Bộ Y tế lên tiếng về thông tin "mất trên 14.000 tỷ đồng để cấp công bố thực phẩm"; Kiểm tra việc phòng chống sốt xuất huyết tại gần 1,4 triệu gia đình; ...

 

Hà Nội chi hàng chục tỉ đồng, sốt xuất huyết vẫn tăng mạnh

Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã chi 20 tỉ đồng và dự kiến sẽ chi tiếp 70 tỉ mua thiết bị và hóa chất phòng sốt xuất huyết. Dù đã chi nhiều nhưng thực tế lại cho thấy, dịch sốt xuất huyết vẫn không giảm, thậm chí tăng mạnh. Vì sao? Trách nhiệm của hệ thống y tế dự phòng tại Hà Nội ở đâu?

Phun thuốc… lấy lệ

Ghi nhận của PV Báo Lao Động tại một số phường thuộc quận Hoàng Mai như Thịnh Liệt, Hoàng Liệt, Giáp Bát… về công tác tuyên truyền, phun thuốc cơ bản đã hoàn thiện. Tuy nhiên, điểm dịch thuộc phường Thịnh Liệt vẫn có tổ chưa được phun thuốc. Nhiều tổ theo phản ánh của người dân, các cán bộ đi phun qua loa, chớp nhoáng, thuốc không đảm bảo nên vẫn rất nhiều muỗi. Một số người dân đã phải chủ động mua bình xịt về phun trong nhà để đảm bảo an toàn.

Chia sẻ về việc này, một người dân trong ngõ 1197 đường Giải Phóng (phường Thịnh Liệt) cho hay từ đầu mùa dịch đến nay, việc phun thuốc chỉ diễn ra duy nhất 1 lần. Tuy nhiên, không biết nguyên nhân do thuốc hay do môi trường mà muỗi vẫn nhiều. “Họ mang bình đến phun ở các ngõ ngách, đi vào trong nhà nhưng phun rất qua loa, làm cho có. Để tránh muỗi tôi phải tự mua bình về tự xịt mỗi khi ra khỏi nhà” - người này nói. Bà Trịnh Thị Ánh (tổ trưởng tổ 17, phường Thịnh Liệt) chia sẻ, hiện nay tổ có khoảng 600 đầu người, người dân đã nhiều lần đề xuất lên cấp trên về việc phun thuốc nhưng đến nay tại tổ 17 vẫn chưa được phun. “Tôi có đề xuất và làm đề xuất từ lâu, người dân họ cũng rất mong muốn được phun thuốc nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Theo bà Ánh, lý do chính quyền đưa ra là… chưa đủ thuốc.

Trong khi đó một bạn đọc của Lao Động ở Hoàng Mai - nơi có tỉ lệ người mắc sốt xuất huyết rất cao - cho biết: “Tại khu vực nhà tôi, đội đi xịt thuốc phải đưa thêm tiền họ mới xịt trên tầng 3. Năm nay thuốc xịt cũng kém hiệu quả. Vừa xịt xong lúc sáng đến chiều vẫn thấy muỗi trong nhà. Mình sợ dịch sốt xuất huyết nên lại phải chủ động mua thêm bình xịt muỗi xịt lại”.

Bạn đọc Hoàng Quân nói: “Phường tôi ở thuộc quận Hoàng Mai - là trung tâm của dịch sốt xuất huyết, vậy mà chẳng thấy phun thuốc gì cả, chỉ có vị tổ dân phố và cán bộ y tế phường đi hỏi xem nhà nào có nước tù, nước đọng, thì nhắc nhở và họ mang cá đi thả vào bể cá cảnh vậy thôi. Còn nếu có phun thuốc thì họ cũng không phun những nơi như vỉa hè khe nhà nơi giáp danh các nhà, mặc dù ở đó có rất nhiều cây cối rậm rạp. Họ bảo rằng muỗi ở đó không gây sốt xuất huyết, chỉ có muỗi ở những nơi nước đọng, mới sinh ra sốt xuất huyết thôi...”.

Tốn tiền mà dịch vẫn… tăng

Tính đến hôm qua, Hà Nội đã trở thành địa phương đứng số 1 về các ca mắc sốt xuất huyết (gần 19.000 ca) trong khi cũng là địa phương chi tiền mạnh nhất. Theo ông Hoàng Đức Hạnh - PGĐ Sở Y tế Hà Nội - tính đến thời điểm này, Hà Nội đã chi 20 tỉ để mua hóa chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Sở Tài chính đang đề xuất với UBND thành phố xin thêm khoảng 70 tỉ để tiếp tục mua máy, hóa chất phòng chống dịch. Ngoài ra, các quận, huyện cũng đã lấy nguồn kinh phí dự phòng để phòng chống dịch, ví dụ như quận Đống Đa đã chi 1 tỉ, ký lệnh chi 8 tỉ nữa; Hoàng Mai đã chi hơn 4 tỉ đồng…

Ở một số quận “báo động đỏ”, nhiều người dân tỏ ra nghi ngờ về tác dụng của việc phun thuốc diệt muỗi. Chị Nguyễn Thị H (phường Trung Liệt, Đống Đa) cho biết: “Từ đầu mùa dịch, họ đến nhà tôi phun đến 4-5 lần rồi nhưng không thấy hiệu quả. Mới đây nhất là phun cách đây 5-6 ngày gì đó nhưng hàng xóm sát nhà tôi vẫn có người bị sốt xuất huyết. Phun thì cứ phun thôi chứ ai bị mắc thì vẫn bị”.

Theo tìm hiểu của Lao Động, ngoài lý do khách quan gây khó khăn trong chống dịch như có nhiều công trình xây dựng có nhiều lán trại để công nhân ở, sinh hoạt, địa bàn phức tạp, người dân chưa hợp tác thì một phần là cách chống dịch cũng có vấn đề. Ở một số huyện như huyện Thanh Trì, mức kinh phí phun thuốc được tính theo ca, cụ thể là 200.000 đồng/ca/ổ dịch chính vì vậy đã phát sinh tâm lý là làm nhanh về nhanh. Theo phản ánh của nhiều người dân, có nơi quá trình phun thuốc diễn ra rất nhanh, thậm chí chưa xong, cán bộ đã… rút lui.

Còn đối với công tác tuyên truyền, dù có nhiều cố gắng như lực lượng cộng tác viên chưa làm hết trách nhiệm do thù lao còn thấp. Ví dụ ở Hoàng Mai, Đống Đa và một số quận khác, chi phí cho cộng tác viên chỉ là 10.000 đồng - 20.000 đồng/ngày. Với chừng ấy tiền ít ỏi, các cộng tác viên cũng chỉ “ngó nghiêng” rồi về, việc diệt bọ gậy không thể triệt để được.

Giải pháp nào?

Theo các chuyên gia y tế, đỉnh dịch rơi vào khoảng tháng 9 đến tháng 11, nghĩa là sốt xuất huyết còn tăng mạnh nữa trong thời gian tới nếu không có phương án phòng tránh hữu hiệu.

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, trong tuần ghi nhận 3.524 trường hợp mắc. Một số đơn vị có số mắc cao trong tuần là Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Cầu Giấy, Ba Đình, Nam Từ Liêm… Tích lũy từ ngày 1.1 đến nay toàn thành phố ghi nhận 18.862 trường hợp mắc với 7 trường hợp tử vong. ông Hoàng Đức Hạnh - PGĐ Sở Y tế Hà Nội - cho biết, dịch vẫn tập trung ở các quận nội thành song rất mừng trong tuần qua chưa ghi nhận thêm trường hợp nào tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi: 16.343 (chiếm 86,6%). Hiện còn 2.519 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Số ổ dịch đã được khống chế (qua 14 ngày không xuất hiện bệnh nhân mới): 1.468 trên tổng số ổ dịch cộng dồn từ đầu năm đến nay là 2.112 ổ (chiếm 69,5%). Tuy nhiên, theo như ghi nhận của PV Lao Động, con số mà Sở Y tế Hà Nội phản ánh chưa hẳn đã xác thực với tình hình thực tế. Nhiều gia đình có người bị sốt xuất huyết đã “ngại” đến viện mà lựa chọn sử dụng dịch vụ xét nghiệm tại nhà để kiểm tra. Nhiều người khác mang con em lánh về quê để tránh dịch nhưng về đến quê, con họ vẫn bị sốt xuất huyết.

Tại cuộc họp ngày 22.8 vừa qua, khi được hỏi vì sao Hà Nội chưa công bố dịch, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết “việc công bố dịch thì UBND thành phố ra công bố là xong. Tuy nhiên Hà Nội là thủ đô của cả nước, còn các hoạt động chính trị ngoại giao, do đó mọi hoạt động cần đảm bảo sự phát triển kinh tế xã hội”. Việc Hà Nội đã chi tới 20 tỉ để phòng, chống sốt xuất huyết chứng tỏ nỗ lực của các ngành, thế nhưng nếu như không có cách làm mới, không có sự giám sát chặt chẽ, hệ thống Y tế dự phòng Hà Nội không cố gắng thì 20 tỉ hay 70 tỉ cũng chỉ như “muối bỏ biển” và sốt xuất huyết vẫn hoành hành đe dọa tính mạng người dân (Lao động, trang 2).

 

Mỗi năm có 10-12 nghìn trẻ bị tim bẩm sinh ra đời

Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 10.000 - 12.000 trẻ mới sinh mắc chứng tim bẩm sinh cần phải được chẩn đoán và can thiệp sớm. Thông tin trên được PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư đưa ra tại khóa tập huấn “Siêu âm chẩn đoán các bệnh tim mạch bẩm sinh trước và sau sinh” với sự tham gia giảng dạy của GS Silverman, chuyên gia hàng đầu về siêu âm, chẩn đoán bệnh tim mạch bẩm sinh trẻ em của Mỹ.

PGS.TS Lê Thanh Hải cho biết, chẩn đoán sớm các bệnh tim bẩm sinh ngay từ thời kì bào thai đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cứu sống thai nhi và bệnh nhi ngay từ thời kỳ sau sinh. Thực tế cho thấy tỷ lệ tử vong do tim bẩm sinh vẫn còn cao do không được chẩn đoán, chẩn đoán muộn hoặc can thiệp và phẫu thuật không kịp thời. Hiện lĩnh vực siêu âm, chẩn đoán tim bẩm sinh trước sinh mới chỉ ở giai đoạn sơ khởi, được thực hiện ở rất ít trung tâm và rất ít bác sĩ được đào tạo.

TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, nhiều khi bác sĩ sản khoa trong quá trình siêu âm thai đã phát hiện ra dị tật về tim bẩm sinh của thai nhi, nhưng do chưa có kiến thức đầy đủ về tim bẩm sinh nên chưa tiên lượng được các tình huống liên quan đến hỗ trợ và tư vấn cho sản phụ khi đẻ. Trung tâm Tim mạch đang kết hợp với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để trao đổi về chuyên môn.

Đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật được 1.200 trẻ mắc tim bẩm sinh/năm trong đó có rất nhiều ca tim bẩm sinh phức tạp và đòi hỏi phải can thiệp sớm. Bên cạnh những kỹ thuật cao như chụp cộng hưởng từ tim hay thông tin chẩn đoán thì siêu âm tim vẫn là phương tiện quan trọng, chủ đạo trong chẩn đoán các bệnh tim bẩm sinh. Theo bác sĩ Trường, chẩn đoán siêu âm tim trong thời kỳ bào thai, ngoài tiên lượng về mặt sản khoa, bố mẹ sẽ biết được khả năng sống và phát triển của trẻ.

Ngoài ra, tim bẩm sinh có nhiều thể bệnh khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Mỗi thể lại có tiên lượng khác nhau. Do đó, điều quan trọng là phải kiểm tra và phát hiện sớm nhất mới có thể cứu sống trẻ.

Thông thường với bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em thì có khoảng 30-40 % trẻ phải can thiệp trong 2 tháng đầu đời, do đó khi bác sĩ biết trẻ bị tim bẩm sinh sớm, đang ở giai đoạn nào/mức độ nào thì sẽ cùng gia đình chủ động lên kế hoạch đưa ra phương án điều trị bệnh để đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ. Khoảng 95% trẻ bị tim bẩm sinh được phát hiện, điều trị ở giai đoạn chủ động vẫn phát triển bình thường (Tiền phong, trang 6).

 

Bộ Y tế lên tiếng về thông tin "mất trên 14.000 tỷ đồng để cấp công bố thực phẩm"

Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm tổ trưởng đã có buổi làm việc với 9 bộ ngành về thủ tục hành chính, trong đó có nội dung liên quan đến Nghị định 38 về cấp công bố phù hợp quy định ATTP thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Nhắc đến việc thực hiện Nghị định này từ năm 2012 đến nay, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thực trạng kiểm tra về ATTP thời gian qua quá nhiều nhưng phát hiện vi phạm rất ít, trong khi có hiệp hội doanh nghiệp phản ánh các doanh nghiệp phải mất tới 28,6 triệu ngày công; 14.300 tỷ đồng cùng chi phí không chính thức cực lớn để làm thủ tục công bố phù hợp quy định ATTP.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc đến việc, theo quy định thời gian cấp công bố phù hợp quy định ATTP đối với các thực phẩm bao gói sẵn là 15-30 ngày, nhưng có thực tế mà một hiệp hội doanh nghiệp là “tới ngày 13 thì cán bộ gọi doanh nghiệp lên bổ sung hồ sơ, tính thời gian từ đầu, 3 lần như thế là mất vài tháng”…

Trước thực trạng trên, trả lời phỏng vấn báo chí chiều 23-8, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP – Bộ Y tế cho biết, trong quản lý nhà nước, nếu chỉ phản ánh ở một khía cạnh rằng doanh nghiệp phải mất hàng nghìn tỷ đồng, hàng triệu ngày công để làm thủ tục công bố ATTP thì là bài toán nửa vời.

“Cần phải đánh giá trên hiệu quả, chi phí có thể lớn như thế nhưng hiệu quả đạt được ra sao. Nếu hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực này thực sự tốt, đem lại lợi ích lớn thì dù tốn hơn nhiều lần chúng ta cũng phải chi, cũng vẫn phải làm. PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATTP trước đây từng có nghiên cứu cho thấy, chi 1 đồng cho công tác ATTP thì tiết kiệm được 48 đồng cho công tác điều trị, bảo vệ sức khỏe” – ông Nguyễn Thanh Phong phân tích.

Về thông tin “theo quy định thời gian cấp công bố phù hợp quy định ATTP với thực phẩm thông thường là 15 ngày nhưng tới ngày 13 thì cán bộ mới gọi doanh nghiệp lên bổ sung hồ sơ” gây mất thời gian và phiền hà doanh nghiệp, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, đây là thông tin phiến diện mà doanh nghiệp phản ánh.

Lý do vì hiện việc cấp công bố thực phẩm của Cục ATTP thực hiện toàn bộ trên ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, mức độ cao nhất, chỉ cần vào mạng internet, doanh nghiệp, người dân đều biết được hồ sơ của mình đã được chuyển đến đâu, đang được xử lý ra sao.

“Đúng là thực tế có những hồ sơ không thể cấp được, phải làm đi làm lại nhiều lần vì hồ sơ xin cấp sai, không đạt. Còn cá biệt trường hợp nào do cán bộ gây khó dễ cho doanh nghiệp thì Cục sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm” – ông Phong nhấn mạnh.

Về một số ý kiến cho rằng ngộ độc thực phẩm ở khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, đường phố mới phổ biến còn thức ăn bao gói sẵn thì ít nguy cơ ngộ độc nên thủ tục cấp công bố phù hợp quy định ATTP với thực phẩm bao gói sẵn ít có hiệu quả trong quản lý, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong khẳng định, đây là nhận định hoàn toàn không đúng. Thực tế ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn chỉ là ngộ độc cấp tính, còn ngộ độc trường diễn do các thực phẩm không đạt các tiêu chuẩn, chỉ tiêu chất lượng theo quy định mới đáng lo ngại.

Cục trưởng Cục ATTP cũng bác bỏ thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) về việc doanh nghiệp đề nghị bỏ thủ tục cấp công bố phù hợp ATTP nhiều năm qua nhưng Bộ Y tế không tiếp thu.

Theo ông Phong, khi lấy ý kiến sửa Nghị định 38 của Chính phủ, tháng 9-2016, VASEP có bản góp ý gửi về Bộ Y tế, trong bản góp ý này hoàn toàn không có đề xuất bỏ công bố phù hợp quy định ATTP. Đến tháng 3 năm nay, VASEP tiếp tục có văn bản góp ý gửi về Cục ATTP và lúc này họ mới đưa ra đề xuất bỏ công bố ATTP.

Đặc biệt, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, thông tin Hiệp hội sữa Việt Nam cũng kiến nghị bãi bỏ thủ tục cấp công bố phù hợp ATTP là chưa hoàn toàn chính xác. “Trực tiếp tôi đã nói chuyện với Tổng thư ký Hiệp hội sữa Việt Nam để xác minh thông tin Hiệp hội sữa kiến nghị bỏ công bố thủ tục công bố phù hợp ATTP. Tổng thư ký Hiệp hội sữa nói với tôi là có rất nhiều người đến vận động Hiệp hội ký văn bản kiến nghị bỏ quy định công bố này nhưng do thấy không hợp lý nên Hiệp hội không ký” – Cục trưởng Cục ATTP nói.

Theo ông Phong, hiện tượng kể trên có thể xem là việc lobby chính sách rất nguy hiểm. “Các kiến nghị, đề xuất trong quá trình xây dựng chính sách là cần thiết để đảm bảo chính sách phù hợp với thực tiễn, song các kiến nghị này cũng phải đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Chúng tôi cũng chỉ là đơn vị tham mưu, quyết định cuối cùng vẫn do Chính phủ cân nhắc ban hành” – ông Phong nói thêm (An ninh thủ đô, trang 3).

 

Kiểm tra việc phòng chống sốt xuất huyết tại gần 1,4 triệu gia đình

Ngày 23-8, Sở Y tế Hà Nội cho biết: Tính đến nay, các đội xung kích diệt bọ gậy, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra được gần 1,4 triệu hộ dân, trong tổng số hơn 1,8 triệu hộ (đạt tỷ lệ 73%) về việc thực hiện các biện pháp phòng chống SXH; kiểm tra gần 2,8 triệu dụng cụ chứa nước, xử lý hơn 400 nghìn dụng cụ chứa nước có bọ gậy; thả gần 45 nghìn con cá tại các gia đình, cơ quan, trường học… Mỗi đội xung kích thường phụ trách từ 30 đến 50 gia đình để kiểm tra, hướng dẫn, cùng người dân, cơ quan, đơn vị xử lý triệt để các ổ bọ gậy trong nhà và khu vực chung quanh; tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho người dân về SXH; tham gia với các cơ quan chuyên môn trong hoạt động xử lý ổ dịch tại cộng đồng (Nhân dân, trang 8).

 

Lập Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng phía Nam

Sáng 23.8, trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 3 (SOM3 - APEC) diễn ra tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Thomas Price đã cắt băng khánh thành Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (EOC) khu vực phía Nam đặt tại Viện Pasteur TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết trong bối cảnh toàn cầu hóa, dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng không chỉ đe dọa riêng đối với Việt Nam mà còn là thách thức toàn cầu, dịch bệnh có thể lây truyền xuyên quốc gia, bùng phát nhanh chóng trong vòng vài giờ, vài ngày trên khắp các châu lục như một số dịch bệnh trong thời gian gần đây (SARS, cúm A (H1N1, H5N1, H7N9), MERs-Cov, Ebola, Zika…).

Để chủ động ứng phó hiệu quả với các sự kiện y tế công cộng, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi, Bộ Y tế Việt Nam đã cam kết tham gia Chương trình hợp tác an ninh y tế toàn cầu (GHS). Đây là chương trình do Chính phủ Mỹ, các tổ chức quốc tế và các quốc gia xây dựng và cam kết triển khai. Trong đó, Việt Nam cam kết tham gia một cách tích cực trong việc ứng dụng mô hình Trung tâm EOC vào công tác phòng chống dịch bệnh và các sự kiện, sự cố về y tế tại Việt Nam.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin về hợp tác trong lĩnh vực sức khỏe giữa Việt Nam - Mỹ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết khu vực phía nam khá nhạy cảm với nhiều loại dịch bệnh và liên tục xảy ra nhiều loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A/H5N1. Trung tâm EOC ra đời nhằm theo dõi liên tục để phát hiện sớm, giám sát, đánh giá phân tích và từ đó đưa ra các giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn. Kỳ vọng lớn nhất của Trung tâm EOC là ngăn ngừa kịp thời không để xảy ra dịch bệnh, nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe con người và kiểm soát nhanh chóng các mối nguy hiểm này không lây lan trên quy mô rộng, thông qua triển khai mạng lưới và hệ thống giám sát và đáp ứng.

Bên cạnh đó, Trung tâm EOC sẽ là nơi tập hợp các chuyên gia tại phòng làm việc hiện đại, đầy đủ mọi điều kiện cần thiết để cùng giải quyết 1 sự kiện trong suốt thời gian xảy ra sự kiện y tế công cộng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đồng thời, Trung tâm EOC sẽ là trung tâm kết nối với các chuyên gia, các đơn vị trong khu vực phía nam, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống trực tuyến hiện đại (Thanh niên, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang