Nguy cơ dịch đau mắt đỏ
Thời gian qua tại nhiều bệnh viện gia tăng tỉ lệ người mắc bệnh đau mắt đỏ đến khám, điều trị. Phần lớn bệnh nhân chủ quan, không đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa dẫn đến tình trạng bệnh kéo dài, biến chứng viêm giác mạc, giảm thị lực.
Chỉ trong 1 tháng trở lại đây, khoa Mắt (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp. Trong có 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng như: có giả mạc cần bóc, bị trầy xước giác mạc. Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, Phó Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Nhi Trung ương), cho biết, dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus Herpes, thủy đậu, Poxvirus… Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…). Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài, môi trường ô nhiễm khói bụi kèm theo những đợt mưa giông mùa hè là những yếu tố gia tăng bệnh đau mắt đỏ.
Phòng khám Mắt (Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh) thời gian qua trung bình thăm khám cho khoảng 80 bệnh nhân/ngày. Trong đó bệnh nhân đau mắt đỏ gặp ở mọi lứa tuổi chiếm khoảng 50% trường hợp tới khám. Bệnh nhân Phạm T H (28 tuổi, trú tại TP Hạ Long) khi thấy mắt có biểu hiện sưng nề mi, đỏ mắt, nhức mỏi đã mua thuốc điều trị đau mắt đỏ ở hiệu thuốc. Sau 9 ngày tra thuốc mắt và uống kháng sinh tại nhà không thấy đỡ, mắt đỏ và sưng nề hơn, đau nhức nhiều chị mới đến Bệnh viện Bãi Cháy khám. Tại đây, chị được bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám, chẩn đoán tình trạng đau mắt đỏ biến chứng viêm giác mạc.
Tại Bệnh viện Mắt Ninh Bình, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ phải nhập viện điều trị tăng đáng kể. Mỗi ngày, khoa Khám bệnh tiếp nhận trên 200 người đến khám các loại bệnh về mắt và gần 1/3 bệnh nhân trong số đó bị đau mắt đỏ, khoảng chục bệnh nhân sau khám chỉ định nặng cần phải nhập viện điều trị.
Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng ghi nhận số ca tới viện thăm khám do đau mắt đỏ có sự gia tăng.
Tự ý điều trị, hậu quả nặng nề
Bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Nga, khoa Mắt (Bệnh viện Bãi Cháy), cho biết: “Rất nhiều người bệnh chủ quan với bệnh đau mắt đỏ, tự ý mua thuốc điều trị tại nhà không đúng cách. Đến khi bệnh kéo dài không khỏi hoặc diễn tiến nặng mới đến thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa”. Theo bác sĩ Nga, đau mắt đỏ nếu điều trị đúng cách, kịp thời, người bệnh có thể khỏi trong khoảng từ 10-14 ngày. Tuy nhiên nhiều người bệnh tự ý mua thuốc điều trị không theo tư vấn, đơn kê của bác sĩ dẫn đến bệnh kéo dài không khỏi, tăng nặng, biến chứng viêm giác mạc. Mắt người bệnh có thể bị phù đỏ, có giả mạc, xuất huyết dưới kết mạc, đôi khi hình thành viêm loét trên giác mạc… ảnh hưởng đến thị lực, sinh hoạt hằng ngày. Loét giác mạc có thể gây sẹo trên giác mạc, giảm thị lực vĩnh viễn. “Đặc biệt, người già hoặc trẻ nhỏ là những đối tượng có hệ miễn dịch yếu nên rất dễ mắc bệnh đau mắt đỏ và có nguy cơ biến chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách”, bác sĩ Quỳnh Anh nói.
“Bệnh thường khởi phát đột ngột, rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đặc biệt những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh”, bác sĩ Nga cho biết (Tiền phong, trang 15).
Ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội tiếp tục tăng cao bất thường
Trong tuần qua, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm gần 1.000 ca mắc sốt xuất huyết và 71 ổ dịch mới tại 20 quận, huyện. Thông thường, sốt xuất huyết tăng mạnh vào tháng 10 và 11, nhưng năm nay bắt đầu gia tăng từ tháng 6. Theo các chuyên gia đây là điều bất thường, dự kiến đỉnh dịch sớm hơn, rơi vào tháng 9, 10. So với cùng kỳ năm 2022, sốt xuất huyết ở Hà Nội đã tăng hơn 4 lần, 30/30 quận, huyện có ca bệnh.
Nhiều ổ dịch phức tạp, kéo dài
Hoàng Mai là quận ghi nhận nhiều ổ dịch sốt xuất huyết nhất của Hà Nội trong tuần vừa qua – 13 ổ dịch. Tới phường Vĩnh Hưng, chúng tôi ghi nhận nơi đây có mật độ dân cư đông, nhiều nhà trọ cho thuê, nhiều công trình xây dựng và khu vực đất trống dùng làm nơi chứa phế thải, vật liệu xây dựng, chậu hoa, chai lọ vứt ngổn ngang… Nơi đây cũng còn nhiều bể nước nổi, 3 nghĩa trang, nên muỗi vào đẻ trứng, phát sinh nhiều ổ bọ gậy.
“Nhà tôi năm ngoái có 2 con bị sốt xuất huyết nên rất lo vì phường năm nào cũng có ổ dịch. Khu này có nhiều phòng trọ cho thuê, năm trước một người ở phòng trọ bị, sau đó 3-4 người ở cùng khu cũng mắc. Ngoài phun thuốc diệt muỗi, cả nhà đi ngủ đều mắc màn để phòng bệnh”, ông Đinh Văn Hưng, một cư dân ở đây cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Việt Phương, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Vĩnh Hưng cho hay, từ đầu năm tới nay, trên địa bàn ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết với 14 ca bệnh, trong đó có nhiều ca là sinh viên thuê trọ. Phường đã tổ chức 3 lần diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường, phun hoá chất diệt muỗi ở 3 ổ dịch.
“Từ nay đến cuối năm, với thời tiết mưa nắng như hiện nay, sốt xuất huyết sẽ tăng cao. Vì vậy, hằng tuần phường đều tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch trên loa phát thanh. Điều quan trọng là ý thức của người dân, phải vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại nơi mình sinh sống thì mới phòng được bệnh”, ông Phương nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nơi có diễn biến dịch phức tạp và ca bệnh nhiều nhất của Thủ đô hiện nay là huyện Thanh Trì và Thạch Thất. Riêng tại Thạch Thất 2 xã có ổ dịch phức tạp, kéo dài, ghi nhận nhiều bệnh nhân nhất là thôn Vĩnh Lộc, thôn Bùng (xã Phùng Xá, có 334 bệnh nhân) và thôn Sen, thôn Bàn (xã Hữu Bằng, có 186 ca mắc).
Điều đáng nói là năm 2022, ổ dịch sốt xuất huyết tại thôn Bùng (xã Phùng Xá) diễn biến phức tạp và kéo dài nhất của Hà Nội khi tồn tại vài tháng không dập dịch được. Năm nay, ổ dịch này lại bùng phát và trở thành một trong những ổ dịch phức tạp nhất của Thủ đô. Sự chủ quan của người dân và sự vào cuộc không ráo riết của chính quyền cơ sở ngay từ đầu đã dẫn đến “lịch sử lặp lại” và sốt xuất huyết lây lan nhanh chóng.
Theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, qua kết quả kiểm tra, giám sát công tác xử lý ổ dịch tại xã Phùng Xá cho thấy, ổ dịch không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu do thiếu lực lượng tham gia diệt bọ gậy. Thêm vào đó, kỹ năng diệt bọ gây của đội xung kích chưa tốt, để sót nhiều ổ bọ gậy; ý thức người dân chưa cao, không quan tâm đến các hoạt động phòng chống dịch; chỉ số bọ gậy sau xử lý đều cao vượt ngưỡng nguy cơ. Sau đó, ổ dịch này đã lây lan sang xã Hữu Bằng là xã tiếp giáp với Phùng Xá.
Còn ổ dịch tại thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì) ghi nhận 217 bệnh nhân, Sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, giám sát cho thấy, ổ dịch này cũng không được xử lý triệt để ngay từ ban đầu. Kết quả kiểm tra của CDC Hà Nội đều ghi nhận chỉ số bọ gậy cao vượt ngưỡng nguy cơ.
Đừng chủ quan khi đỉnh dịch sắp đến
Những năm trước, sốt xuất huyết tập trung đông ở nội thành Hà Nội thì từ năm 2022 đến nay, ghi nhận số ca mắc và ổ dịch nhiều nhất lại ở vùng ven, huyện ngoại thành. Theo thống kê, thời gian vừa qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức tiếp nhận điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết nhiều nhất (hơn 100 ca), tiếp đến là Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội 79 ca và Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị 68 bệnh nhân.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày trung bình tiếp nhận 10-20 ca mắc sốt xuất huyết là người Hà Nội vào nhập viện. Trong số đó, có khoảng 5-10% bệnh nhân có biểu hiện nặng.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 326 ổ dịch sốt xuất huyết với 4.058 ca mắc, hiện còn 129 ổ đang hoạt động tại 27 quận, huyện, thị xã. Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, đỉnh dịch năm nay của Hà Nội có thể rơi vào khoảng tháng 9, tháng 10, tương tự như những năm ghi nhận nhiều bệnh nhân: năm 2015 có 15.412 ca; năm 2019 có 12.255 ca; năm 2020 có 19.771 ca.
Lý giải cho sự gia tăng này, ông Cương cho biết, thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-32 độ C, tạo thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch với nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều nơi vượt ngưỡng dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Thời điểm này, sinh viên các trường đại học, cao đẳng từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học làm gia tăng số lượng đối tượng cảm nhiễm với bệnh.
Nguyên nhân bùng phát các ổ dịch phức tạp, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, một số nơi còn lơ là trong phòng chống. Nhiều địa phương cho biết, trước đây hoá chất diệt muỗi do CDC Hà Nội cung ứng, nay đã chuyển về các quận, huyện đấu thầu mua sắm. Vì vậy, còn gặp khó khăn trong công tác đấu thầu mua hoá chất.
Nhiều nơi thiếu nhân lực cho phòng chống dịch, ý thức người dân chưa cao. BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội lo lắng: “Năm 2022, tháng 8 dịch mới gia tăng, nhưng năm nay, ngay từ tháng 7, dịch đã gia tăng, sớm hơn 1 tháng. 5 năm trở lại đây, Hà Nội ghi nhận trung bình 1.000 ca/năm. Năm nay dự báo số ca mắc có thể không dưới 19.000 ca. Nếu không có các biện pháp phòng chống quyết liệt, hiệu quả, nguy cơ dịch bệnh còn gia tăng hơn nữa” (Công an nhân dân, trang 7).
Xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng
Một số nghiên cứu cho thấy, tại nước ta hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, gần 7 triệu người khuyết tật và hơn 4 triệu nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học dioxin. Những đối tượng này rất cần có bệnh viện phục hồi chức năng và các cơ sở phục hồi chức năng khác để chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và hòa nhập cuộc sống.
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh. Phục hồi chức năng là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật và bất kỳ người dân nào có vấn đề sức khỏe, bị khiếm khuyết hoặc chấn thương cấp tính hoặc mạn tính, khiến hoạt động chức năng bị hạn chế, bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu phục hồi chức năng được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục, công bằng để nâng cao sức khỏe và phát triển xã hội bền vững. Hiện tổ chức mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng tại nước ta gồm hai bệnh viện tuyến trung ương; 38 bệnh viện tuyến tỉnh và 25 bệnh viện thuộc các bộ, ngành; 550 khoa phục hồi chức năng thuộc bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến trung ương, tỉnh, huyện; có hơn 9.000 trong tổng số hơn 11.000 xã, phường phân công cán bộ theo dõi công tác phục hồi chức năng; khoảng 25% số xã cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Năng lực chuyên môn kỹ thuật ngày càng được phát triển và nâng cao, dịch vụ phục hồi chức năng được cung cấp ở tất cả các tuyến chăm sóc sức khỏe. Ðến nay, Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh, thành phố đã cấp chứng chỉ hành nghề phục hồi chức năng cho 2.431 cá nhân, trong số đó, có 1.721 kỹ thuật viên; cả nước có khoảng 7.200 người được đào tạo về phục hồi chức năng...
Tuy nhiên, ngành phục hồi cũng gặp nhiều khó khăn: Phần lớn cơ sở vật chất còn chật hẹp, thiếu các trang thiết bị hiện đại, nhiều cơ sở chưa tiếp cận với người khuyết tật: Chưa có lối đi cho người đi xe lăn, chưa có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu; nhân lực phục hồi chức năng còn thấp so với thế giới: 0,25 cán bộ phục hồi chức năng/10 nghìn dân, trong khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là 0,5 đến 1 cán bộ phục hồi chức năng/10.000 dân. Chưa kể hiện nay, có 10 địa phương sáp nhập bệnh viện phục hồi chức năng vào bệnh viện y học cổ truyền làm giảm số bệnh viện phục hồi chức năng.
Thực trạng thiếu phối hợp, liên kết trong hoạt động chuyên môn; thiếu sự kiểm soát chất lượng của các cơ quan quản lý nhà nước về y tế đối với cơ sở phục hồi chức năng thuộc các bộ, ngành khác quản lý còn tồn tại; các kỹ thuật can thiệp bằng dụng cụ phục hồi chức năng chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ, là gánh nặng với người khuyết tật và gia đình; kinh phí phục hồi chức năng cho người khuyết tật của các địa phương hầu như chưa được bố trí hoặc nếu có thì rất ít (Nhân dân, trang 8).
Sinh viên y thành lập công ty công nghệ
"Nếu làm bác sĩ thì cùng lắm một ngày mình khám và chữa cho 100 bệnh nhân là hết mức. Nhưng nếu mình có thể giúp cho 100 bác sĩ giỏi chuyên môn hơn, tiếp cận những cái mới hơn một cách nhanh và hiệu quả nhất thì 100 bác sĩ đó lại có thể chữa cho rất nhiều bệnh nhân", Nguyễn Đình Nguyên chia sẻ về những tác động gián tiếp mà Công ty cổ phần công nghệ Doccen của mình đang làm được.
"Sàn" giảng dạy trực tuyến
Là sinh viên y nhưng đam mê công nghệ và nhận thức được những giá trị mà chuyển đổi số mang lại, Nguyễn Đình Nguyên, sinh viên năm cuối Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đã thành lập công ty công nghệ để đồng hành cùng sinh viên và nhân viên y tế trong quá trình lĩnh hội tri thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và tìm kiếm cơ hội việc làm.
Kể về quá trình từ một sinh viên y nhưng rẽ hướng thành lập công ty công nghệ, Nguyên cho biết xuất phát từ việc học y kiến thức nhiều, nhưng không có công cụ nào để hệ thống hóa và hỗ trợ, nên Nguyên lập ra trang web giúp ôn tập thi trắc nghiệm.
Đây là nơi tập hợp những đề thi mẫu, có phần đáp án và giải thích đi kèm, cũng như trích dẫn các nguồn để sinh viên tìm vào đọc.
"Lúc đầu chỉ giới thiệu cho những bạn quen biết dùng thử web, trong vòng 6 tháng đã lên đến khoảng 7.000 người trên toàn quốc tham gia, có cả sinh viên y Hà Nội, Thái Bình, Cần Thơ, Huế, Tây nguyên…", Nguyên kể.
Nguyên cũng cho biết thêm: "Sau đó không chỉ có sinh viên mà nhân viên y tế tuyến cơ sở ở các huyện vùng sâu vùng xa, có cả những anh chị sau đại học cũng vào trang web để học… Đó là động lực giúp mình lên ý tưởng lập công ty để việc vận hành được bài bản hơn. Nhưng chưa gì thì dịch Covid-19 bùng phát và thế là mình đi "nhập ngũ" (vào tuyến đầu - PV) chống dịch, nên việc vận hành công ty tạm thời phải gác lại".
Khi dịch bệnh được kiểm soát, Nguyên gặp được nhà đầu tư, nhìn thấy nhiều triển vọng phát triển, anh chàng bắt đầu đổi tên công ty thành Doccen và chuyển hướng hoạt động.
"Không phải tự đầu tư tiền, công sức ra để làm nội dung nữa, mà tụi mình tạo nền tảng có đủ các công cụ để dạy học trực tuyến. Cũng giống như các sàn thương mại điện tử, các đơn vị muốn bán sản phẩm sẽ lên đó mở gian hàng để người dùng tiếp cận và mua trực tuyến. Doccen của tụi mình cũng giống như vậy. Tụi mình xây dựng một nền tảng, nơi mà mọi người (giảng viên hoặc các đơn vị về giáo dục - PV) muốn giảng dạy trực tuyến nhưng không có đội ngũ công nghệ thông tin, họ có thể lên Doccen tạo kênh và dạy, cũng như chia sẻ được khóa học trên đây tùy vào mục đích, và người có nhu cầu sẽ lên học", Nguyên chia sẻ.
Dễ sử dụng, an toàn và bảo mật
Giải thích về lý do chuyển hướng hoạt động của công ty, Nguyên cho biết qua tiếp xúc và tìm hiểu, thấy ở các TP lớn bác sĩ rất nhiều, còn ở quê thì ngược lại. Nhưng phần lớn không chỉ do vấn đề về thu nhập, mà nhiều bác sĩ trẻ cho rằng về quê sẽ không phát triển được.
"Không phát triển ở đây là năng lực của bản thân, không cập nhật kịp các kiến thức mới… nên ai cũng cố bám lại TP. Mình hỏi chuyện sinh viên y ở các trường khác ngoài TP.HCM, các bạn cho biết không có giảng viên cơ hữu nhiều, cũng không đa dạng cách học hay tài liệu như ở TP.HCM. Lúc đó mình đã nghĩ tại sao không có cách nào để giảng viên ở TP.HCM cũng có thể dạy được những nơi khác", Nguyên kể.
Nguyên phân tích thêm: "Các hội nghị, hội thảo khi ấy cũng chỉ làm trên Zoom là chủ yếu, nhưng mình thấy nhiều người phải bỏ công ăn việc làm để tham gia ngay trong ngày hôm đó. Vậy tại sao không tổ chức thành một khóa học trực tuyến như các nền tảng nước ngoài, rồi khi nào có thời gian người dùng sẽ vào học, hoàn thành xong thì cấp chứng chỉ cho họ. Và thế là Doccen của tụi mình ra đời".
Nguyên cho biết Doccen tập trung vào mảng công nghệ, tức là phát triển tính năng, thuật toán để làm sao nền tảng dễ sử dụng, an toàn và bảo mật nhất. Sắp tới công ty sẽ tập trung thêm vào tìm đầu ra cho người học trên Doccen. Tháng 9, công ty sẽ thử nghiệm những tính năng liên quan đến tuyển dụng, tìm kiếm cơ hội học bổng du học cho người dùng.
Nguyên cho rằng: "Ngành y là ngành đặc thù, khi có công nghệ mới, đối với các ngành khác sẽ dễ ứng dụng, nhưng ngành y liên quan đến tính mạng của con người nên thường sẽ có xu hướng thận trọng hơn để đảm bảo an toàn. Khi mình tiếp xúc với những ngành khác thì thấy được tốc độ phát triển và cách họ suy nghĩ để giải quyết một vấn đề dựa trên công nghệ khá là hay, cũng như có nhiều cái lạ hơn".
Theo Nguyên đa phần khi nhắc đến công nghệ trong y tế sẽ suy nghĩ đến việc làm sao sáng tạo ra máy móc hay thiết bị phục vụ cho bệnh nhân. Nhưng đầu ngược lại là phát triển cho nhân viên y tế thì chưa được quan tâm đầy đủ.
"Nhân viên y tế nếu được quan tâm và hỗ trợ để phát triển bản thân, gia tăng thu nhập thông qua việc cập nhật kiến thức liên tục, tìm kiếm cơ hội công việc phù hợp thì sẽ có cuộc sống tốt hơn, từ đó chăm sóc cho bệnh nhân cũng tốt hơn. Và tụi mình đang trên hành trình tạo ra những tính năng công nghệ hỗ trợ tốt nhất cho nhân viên y tế", Nguyên tâm huyết.
Hiện tại, Doccen đã lọt top 50 dự án xuất sắc nhất của Startup Wheel 2023 (50/2.000 dự án tham gia), tiếp tục tranh tài tại vòng chung kết trong thời gian tới (Thanh niên, trang 10).
Hôn môi cũng có thể mắc bệnh tình dục?
Nhiều người cho rằng chỉ khi phát sinh quan hệ tình dục mới có thể mắc, lây các bệnh tình dục. Tuy nhiên thực tế các bác sĩ tiếp nhận không ít trường hợp mắc bệnh tình dục khi chưa phát sinh "chuyện ấy".
Hôn người lạ bất ngờ mắc sùi mào gà ở miệng
Mới đây bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, tiếp nhận nam bệnh nhân L.V.K. (30 tuổi, Hà Nội) mắc sùi mào gà ở miệng. Điều đáng nói bệnh nhân chia sẻ chưa từng quan hệ tình dục và không hiểu sao lại mắc căn bệnh này.
Anh L.V.K. đến khám với triệu chứng ngứa họng, cảm giác có vật gì rất vướng mỗi khi nhai nuốt thức ăn, vị trí kẽ chân răng, dây hãm lưỡi mọc u nhú ngày càng to và dễ chảy máu.
Sau thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, anh K. được chẩn đoán mắc bệnh sùi mào gà ở miệng.
Anh K. chia sẻ mình chưa từng quan hệ tình dục, tuy nhiên trước đó hai tuần, trong một lần đi bar cùng bạn bè, do uống nhiều rượu nên anh đã có ôm hôn môi một phụ nữ. Sau đó, anh K. xuất hiện các triệu chứng trên.
Theo bác sĩ Thành, hiện nay đường lây của sùi mào gà rất đa dạng (quan hệ tình dục, da niêm mạc tiếp xúc với dịch tiết chứa vi rút); vị trí mắc sùi mào gà có thể ở vùng sinh dục, hậu môn, miệng, mí mắt... Một số bệnh nhân chưa quan hệ thực sự vẫn có thể mắc bệnh này.
Bác sĩ Thành cho hay sùi mào gà (Genital Warts) là một bệnh lý u nhú ở người lây lan qua đường tình dục, do vi rút gây ra mang tên HPV (Human Papilloma Virus) - một loại vi rút DNA sợi kép, hiện nay đã tìm ra hơn 130 type.
"Sùi mào gà bắt đầu bởi biểu hiện tổn thương sẩn mềm màu da, hồng hoặc màu nâu, đường kính khoảng một vài mm. Sau vài tuần đến vài tháng, các tổn thương có thể hợp lại thành mảng lớn hơn hay còn được gọi "tổn thương dạng súp lơ - mào gà".
Ở nam giới, sùi mào gà thường gặp ở vị trí quanh hậu môn và ít thấy ở thân dương vật.
Ở nữ có thể gặp ở quanh hậu môn, âm hộ, màng trinh, phía ngoài âm đạo và khu vực quanh lỗ niệu đạo. Một vài trường hợp có thể gặp ở bên trong niêm mạc âm đạo và trực tràng.
Ngoài ra sùi mào gà có thể xuất hiện ở vị trí niêm mạc, bán niêm mạc khác: mắt, miệng (lưỡi, kẽ chân răng, niêm mạc má...)", bác sĩ Tiến Thành nói.
Chưa quan hệ vẫn có thể mắc bệnh tình dục
Theo bác sĩ Phan Chí Thành - chánh văn phòng Trung tâm đào tạo, Bệnh viện Phụ sản trung ương, ngoài nguyên nhân thông thường là lây truyền thống qua các tiếp xúc sinh hoạt tình dục, hiện nay có nhiều bằng chứng y học chứng minh vi rút HPV (gây u nhú vùng sinh dục, sùi mào gà) có thể lây truyền qua tiếp xúc da đơn thuần.
Theo bác sĩ Thành, ngoài sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn như sử dụng bao cao su, quan hệ tình dục chung thủy (một vợ một chồng) thì tuyệt đối không nên sử dụng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải, khăn tắm...
Đồng thời cần giữ gìn vệ sinh cá nhân hằng ngày, lưu ý việc rửa tay, rửa bộ phận sinh dục và súc miệng (nếu quan hệ tình dục bằng miệng) sau mỗi lần quan hệ tình dục (Tuổi trẻ, trang 14).
Nữ 50 - 60 tuổi vẫn sinh con, nên không?
Thời gian gần đây, không ít trường hợp sản phụ sinh con thành công ở độ tuổi từ 50 đến 60. Nhiều phụ nữ cho rằng mình đã đến tuổi mãn kinh, không thể mang thai được cho đến khi đi khám và siêu âm thì thai đã to.
Các bác sĩ cho biết phụ nữ mang thai khi lớn tuổi bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản hoặc phương pháp tự nhiên đều tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi.
Làm mẹ khi ở chức... bà nội
Tháng 4-2023, Bệnh viện Quân y 354 (Hà Nội) cho biết đã đỡ đẻ thành công cho một sản phụ sinh thường bé gái nặng 3,2kg ở tuổi 51. Sản phụ này đã là bà nội của hai cháu 11 tuổi và 7 tuổi, mang thai hoàn toàn tự nhiên.
Theo chia sẻ của sản phụ, khi nhận thấy không có kinh nguyệt bà cứ nghĩ là mình đã mãn kinh, cho đến khi thấy trong bụng có em bé đạp mới đi siêu âm, bất ngờ biết mình mang thai ở tuần thứ 22.
Sản phụ có ý định bỏ thai vì tuổi đã cao, cháu nội đã lớn và xấu hổ với mọi người, thế nhưng gia đình vẫn quyết định sinh em bé. Suốt quá trình mang thai, sản phụ thường xuyên thăm khám định kỳ, theo dõi và thai nhi không có gì bất thường. Rất may mắn sản phụ sinh đúng dự kiến và em bé chào đời khỏe mạnh.
Hay như mới đây, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cho biết cũng đã mổ đẻ thành công cho một sản phụ 60 tuổi, sinh con gái nặng 3,1kg.
Khi ở tuổi 59 vì quá khao khát có con nên hai vợ chồng sản phụ này đã tìm đến trung tâm hỗ trợ sinh sản của bệnh viện để được hỗ trợ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Sau khi chuyển phôi thành công, thai kỳ phát triển thuận lợi, bệnh viện mổ đẻ thành công cho sản phụ.
Bác sĩ CKI Vũ Thị Thu - khoa sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết trong quá trình thăm khám và điều trị tại bệnh viện, bác sĩ cũng đã tiếp nhận không ít sản phụ mang thai trong độ tuổi 50 - 60. Điển hình như một sản phụ 51 tuổi, đã có cháu nội cháu ngoại, đến bệnh viện thăm khám vì thấy bụng mình to lên nhưng nghĩ là do khối u.
Tuy nhiên khi siêu âm thì phát hiện mình đã mang thai. Sau khi được các bác sĩ đánh giá các yếu tố nguy cơ, thai nhi không có bất thường, sản phụ này quyết định sinh em bé và may mắn em bé ra đời hoàn toàn khỏe mạnh.
Càng lớn tuổi mang thai rủi ro càng cao
Bác sĩ Thu cho biết trước khi bước vào giai đoạn mãn kinh, phụ nữ trải qua giai đoạn tiền mãn kinh, thời gian có thể kéo dài từ 3-5 năm. Ở giai đoạn này, nữ giới có thể xuất hiện các triệu chứng như cơn bốc hỏa, tâm trạng thay đổi, kinh nguyệt không đều, thưa dần... Do vậy, nhiều người thường nghĩ rằng mình không còn khả năng có thai dẫn đến có thai mà không hay biết.
Thực tế, ở giai đoạn tiền mãn kinh nữ giới vẫn có khả năng mang thai, mặc dù tỉ lệ không cao vì lúc này buồng trứng vẫn còn hoạt động trước khi ngừng hẳn. Trong giai đoạn này, nữ giới không nên chủ quan và vẫn nên có biện pháp tránh thai phù hợp.
Bác sĩ Thu cho hay đối với những sản phụ lớn tuổi khi mang thai nguy cơ em bé gặp phải những bất thường sẽ cao.
Cụ thể, thai nhi có thể mắc một số khiếm khuyết theo hướng lệch bội nhiễm sắc thể như hội chứng Down - đây là hội chứng dễ gặp nhất có liên quan đến tuổi người mẹ, đặc biệt khi đã lớn tuổi. Ngoài ra, sản phụ có thể đối mặt với nhiều nguy cơ khác như sẩy thai, sinh non, tiền sản giật...
"Trường hợp nếu lỡ mang thai trong độ tuổi tiền mãn kinh, thai phụ phải tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của các bác sĩ. Chú ý đến thăm khám đầy đủ để sàng lọc những yếu tố nguy cơ cho cả mẹ và bé", bác sĩ Thu nhấn mạnh.
Một chuyên gia về sản khoa tại TP.HCM cũng cho biết thêm tại Việt Nam hiện nay đa phần các trường hợp mang thai trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh đều nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, nếu mang thai ở giai đoạn này bằng cả phương pháp hỗ trợ sinh sản hoặc tự nhiên, nguy cơ bất thường thai nhi là rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé.
Theo vị chuyên gia này, giai đoạn tiền mãn kinh của phụ nữ thường kéo dài từ 45 - 55 tuổi. Giai đoạn này trứng đã già, do đó nguy cơ xuất hiện các gene xấu rất lớn. Kể cả phương pháp mang thai bằng hỗ trợ sinh sản hoặc tự nhiên đều tiềm ẩn nguy cơ thai nhi bị dị tật.
Ngoài ra, khi lớn tuổi, trứng và tinh trùng sẽ kém chất lượng khiến thai nhi có nguy cơ mắc phải hội chứng Down rất cao.
"Nhiều phụ nữ khi lớn tuổi có thể mắc một số bệnh lý như cao huyết áp, đái tháo đường... nếu mang thai sẽ nguy hiểm tính mạng cả mẹ và bé, sản phụ sẽ khó sinh thường mà phải mổ lấy thai. Sau khi sinh xong, những sản phụ này có độ hồi phục sức khỏe kém, cần nhiều thời gian để hồi phục hơn. Chưa kể, việc chăm con khi quá độ tuổi lao động cũng có thể ảnh hưởng đến tương lai của trẻ", vị chuyên gia này cho hay.
Các bác sĩ khuyến cáo trong giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ trung niên nên tuân thủ các biện pháp tránh thai an toàn như uống thuốc tránh thai, dùng que tránh thai, đặt vòng... tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người, bởi phụ nữ lớn tuổi có nhiều rủi ro khi mang thai và sinh con (Tuổi trẻ, trang 14).