Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/3/2021

  • |
T5g.org.vn - COVAX Facility chậm cung cấp vaccine; Bệnh viện quận đầu tiên tại TP. HCM tiêm vắc xin Covid-19; Các y, bác sĩ trẻ tình nguyện hiến tặng mô, tạng; Tử vong vì bệnh lao cao như tử vong vì tai nạn giao thông…

 

COVAX Facility chậm cung cấp vaccine

Ngày 24-3, Bộ Y tế cho biết, Cục Y tế Dự phòng vừa nhận được thư của COVAX Facility thông báo, việc phân bổ vaccine Covid-19 của COVAX Facility sẽ chậm hơn so với kế hoạch do các nhà sản xuất mở rộng quy mô và tối ưu hóa quá trình sản xuất vaccine. Dự kiến, lô vaccine Covid-19 đầu tiên của COVAX Facility gồm 811.200 liều sẽ được giao trong 3 tuần tới. Số lượng vaccine này thấp hơn số lượng dự kiến theo thông báo trước đó. Để có thêm nguồn vaccine Covid-19, Bộ Y tế vừa quyết định phê duyệt có điều kiện vaccine Sputnik V của Nga. Như vậy, Sputnik V là vaccine Covid-19 thứ hai được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng tại Việt Nam và Việt Nam là nước thứ 56 phê duyệt khẩn cấp sử dụng vaccine này. Trước đó, ngày 10-12-2020, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) thuộc Bộ Y tế đã ký thỏa thuận bảo mật với Công ty cổ phần Quỹ đầu tư trực tiếp (DIRF) của Liên bang Nga với mục đích thực hiện sản xuất và phân phối vaccine Sputnik V tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và các đơn vị cung ứng vaccine, dược phẩm cũng đã làm việc với Hãng Johnson & Johnson và Moderna, các nhà sản xuất của Ấn Độ và các nước khác đề nghị thông báo chính thức khả năng cung ứng vaccine Covid-19. Tuy nhiên đến nay chưa có đơn vị nào trong số các hãng trên cho biết về khả năng cung ứng vaccine trong năm 2021.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã có công văn khuyến khích tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ điều kiện tiếp cận, đàm phán với các đối tác trên thế giới có khả năng cung cấp vaccine Covid-19 cho Việt Nam để nhập khẩu vaccine sử dụng trong nước theo tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ. Hiện có Tập đoàn AMV, Vabiotech, Vimedimec đang tiếp cận với các đối tác khác từ Mỹ và Ấn Độ.

Liên quan tới tiêm chủng, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, đã có thêm 1.829 người được tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca trong ngày 23-3, nâng tổng số người được tiêm lên con số 37.911. Trong tuần này, hai tỉnh Quảng Ninh và Tây Ninh sẽ triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21.
Cùng ngày, Bệnh viện Quận 11 tổ chức tiêm vaccine Covid-19 cho 10 nhân viên y tế ở các khoa phòng có nguy cơ lây nhiễm cao. Đây là đơn vị đầu tiên tuyến quận, huyện thực hiện đợt tiêm vaccine Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Vân, Phó giám đốc Bệnh viện Quận 11 cho biết, theo phân bổ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, bệnh viện sẽ tiêm đợt 1 cho hơn 210 nhân viên y tế từ nay đến hết 19-4. Để chuẩn bị cho công tác tiêm vaccine, bệnh viện đã cử nhân viên tham gia các lớp tập huấn đào tạo tiêm vaccine Covid-19, tập huấn cho nhân viên thực hiện tiêm chủng và theo dõi sau tiêm. Về điều kiện bảo quản vaccine, vận chuyển, thực hiện tiêm, theo dõi sau tiêm, bệnh viện đã đạt các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế.

Cũng trong ngày 24-3, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp tổ chức tiêm vaccine AstraZeneca cho cán bộ, nhân viên đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hồng Ngự, với 350 liều theo phân bổ của Bộ Y tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu trực tiếp giám sát quy trình tiêm chủng, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
BS CKI Nguyễn Văn Hóa, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Hồng Ngự là người được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Trong buổi tiêm vaccine đầu tiên, có 50 người được tiêm, chia làm 5 đợt, mỗi đợt 10 người, cách nhau 30 phút. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, với sự chuẩn bị chu đáo, khoa học, buổi tiêm đầu tiên diễn ra an toàn, sau 30 phút theo dõi chưa ghi nhận trường hợp phản ứng phụ sau tiêm. Dự kiến việc tiêm vaccine đợt này sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 24 đến 26-3. Sau đó, mũi tiêm thứ hai sẽ được tiêm sau 12 tuần.

Bình Phước: Truy vết các trường hợp F1, F2 của ca mắc Covid-19 từ Campuchia
Chiều tối cùng ngày, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày, cả nước không có thêm ca mắc Covid-19. Như vậy, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 6 liên tiếp không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Hiện nay, số ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước vẫn là 1.601 người. 
Ngày 24-3, UBND tỉnh Bình Phước cho biết đang tập trung truy vết các trường hợp F1, F2 liên quan đến vợ chồng người Campuchia mắc Covid-19.  
Trước đó, ngày 23-3, lực lượng chức năng huyện Lộc Ninh phát hiện 1 trường hợp tiếp xúc với vợ chồng người Campuchia mắc Covid-19 và đưa đi cách ly tập trung tại Trường THPT Lộc Ninh (cũ), lấy mẫu xét nghiệm. Qua xác minh có 7 trường hợp F2 (ngụ huyện Lộc Ninh) được cách ly tại nhà và 10 trường hợp F2 cách ly tại kho hàng của Công ty Thái Trân (huyện Bù Đốp).  (Sài Gòn giải phóng, trang 9).

 

Vụ 2 tháng, một bệnh nhân khám BHYT 80 lần: Chuyển hồ sơ sang cơ quan công an

Ngày 24-3, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TPHCM cho biết, liên quan đến thông tin một bệnh nhân nam tại TPHCM đi khám bảo hiểm y tế (BHYT) 80 lần ở nhiều bệnh viện trên địa bàn TP trong 2 tháng, BHXH TPHCM đã chuyển hồ sơ sang Công an TPHCM để điều tra làm rõ vụ việc, nhằm kịp thời cảnh báo để người tham gia chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về BHYT. Theo ông Phan Văn Mến, trong các văn bản pháp luật hiện hành về BHYT, không có quy định nào hạn chế số lần khám chữa bệnh của người tham gia. Trên thực tế, không phải trường hợp nào có số lượt khám chữa bệnh BHYT gia tăng đột biến cũng là trục lợi quỹ BHYT.

Với những trường hợp mắc bệnh mãn tính,… trên cơ sở bệnh lý của người bệnh, theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân có thể gia tăng số lượt khám chữa bệnh BHYT nhiều lần trong năm.

Tuy nhiên, qua Hệ thống Thông tin Giám định BHYT đã phát hiện những trường hợp bệnh nhân có số lượt khám chữa bệnh tăng đột biến; những trường hợp này qua kiểm tra, rà soát cho thấy có dấu hiệu trục lợi quỹ BHYT. Đối với những trường hợp này, cần phải kiên quyết cảnh báo và xử lý nghiêm theo quy định, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia BHYT và sự nghiêm minh của pháp luật.

Trước đó, như Báo SGGP đã thông tin, qua số liệu cập nhật trên Hệ thống Thông tin Giám định BHYT, BHXH TPHCM đã phát hiện trường hợp bệnh nhân N.T.K. đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại Bệnh viện Triều An. 

Từ ngày 1-1 đến 8-3, bệnh nhân này có số lần khám chữa bệnh BHYT lên đến 80 lần, tổng kinh phí quỹ BHYT phải chi trả cho bệnh nhân này là hơn 60 triệu đồng.

Bệnh nhân K. đăng ký KCB BHYT tại 18 bệnh viện khác nhau trên địa bàn TPHCM như: Bệnh viện Gò Vấp (17 lần), Bệnh viện Quận 7 (11 lần), Bệnh viện Thủ Đức (10 lần), Bệnh viện Thống Nhất (5 lần)… (Sài Gòn giải phóng, trang 9; Thanh niên, trang 9; Tuổi trẻ, trang 14; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bệnh viện quận đầu tiên tại TP. HCM tiêm vắc xin Covid-19

Bệnh viện Q.11 (TP.HCM) tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 (vắc xin AstraZeneca) cho nhân viên y tế tại bệnh viện này. Đây là bệnh viện tuyến quận đầu tiên của TP.HCM được tiêm vắc xin Covid-19.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Vân, Phó giám đốc BV Q.11, cho biết BV rất may mắn khi là BV tuyến quận đầu tiên được tiêm vắc xin Covid-19. Trước đó, để chuẩn bị tốt cho công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19, BV chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng, cho nhân viên y tế tập huấn về công tác tiêm chủng và thực hiện công tác tiêm chủng an toàn, theo dõi sau tiêm chặt chẽ…

Trước đó, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiêm vắc xin Covid-19 cho 934 cán bộ nhân viên y tế. BV Quân y 175 tiêm 2.100 liều cho quân nhân tuyến đầu chống dịch.

Đồng Tháp chi 300 tỉ đồng mua vắc xin phòng Covid-19

Sáng cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp tổ chức tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa Covid-19 cho cán bộ y tế làm công tác phòng, chống dịch tại BV đa khoa khu vực Hồng Ngự (TP.Hồng Ngự).

Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết tỉnh được Bộ Y tế phân bổ 350 liều vắc xin AstraZeneca trong chiến dịch tiêm chủng mở rộng phòng, chống dịch Covid-19. Số vắc xin này ưu tiên tiêm cho cán bộ y tế BV đa khoa khu vực Hồng Ngự, thuộc địa bàn giáp ranh biên giới Campuchia, để an tâm phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới. Theo đó, 350 liều vắc xin sẽ được tiêm trong 3 ngày (24 - 26.3).

Ông Bửu cho biết thêm UBND tỉnh đã gửi công văn đến Bộ Y tế hỗ trợ giúp tỉnh mua hơn 800.000 liều vắc xin ngừa Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 50% dân số của tỉnh. Tổng kinh phí mua vắc xin hơn 300 tỉ đồng, được trích một phần từ nguồn của tỉnh, còn lại vận động xã hội hóa. (Thanh niên, trang 4).

 

Các y, bác sĩ trẻ tình nguyện hiến tặng mô, tạng

Những lưng áo blouse trắng ướt đẫm mồ hôi sau ca phẫu thuật giành giật mạng sống cho bệnh nhân, đang lặng lẽ ngồi ở góc khuất của hành lang bệnh viện điền thông tin vào mẫu đơn tự nguyện hiến mô, tạng... Đó thực sự là một nghĩa cử cao đẹp của những thiên thần blouse trắng Bệnh viện (BV) Đà Nẵng... Bởi hơn ai hết, là nhân viên y tế, họ hiểu và cảm nhận rất rõ việc ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng, mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối. Họ đã âm thầm kết nối nhau lại thành một cộng đồng những tình nguyện viên hiến mô, tạng.

Để sự sống được tiếp nối

Bác sĩ Nguyễn Văn Đồng (32 tuổi, Khoa Hồi sức tích cực chống độc) cùng với 3 bác sĩ khác: Hiếu, An, Hùng là những thành viên đăng ký đơn ngay trong ngày đầu tiên hoạt động viết đơn tự nguyện. Bác sĩ Đồng cho biết: “Chỉ cần có tạng hiến để ghép thì sự sống của nhiều người không phải dừng lại khi tuổi đời còn quá trẻ. Điều đó thực sự thôi thúc chúng tôi tạo nên một cộng đồng sẵn sàng hiến mô, tạng. Từ việc hiến tặng này, sự sống sẽ được tiếp nối một cách ý nghĩa ở một cơ thể khác”, bác sĩ Đồng tâm sự. Khi mình đặt bút viết đơn tự nguyện hiến tặng bộ phận cơ thể, hơn ai hết mình hiểu rõ sự cần thiết và ý nghĩa của hoạt động này

Bác sĩ Lê Tuấn Anh

Cũng như bác sĩ Đồng, những nhân viên y tế tham gia hoạt động tình nguyện này đều nhận được sự đồng tình, cổ vũ từ phía gia đình và người thân. Nhiều bạn sau khi đăng ký tình nguyện cho mình, còn xin đăng ký cho người thân, nối dài những tâm nguyện tốt đẹp...

Bác sĩ Lê Tuấn Anh (Khoa Ngoại tiêu hóa), một trong những thành viên tích cực tổ chức hoạt động tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng tại BV Đà Nẵng, cũng là tâm huyết của bác sĩ Tuấn Anh trong nhiều năm liền: “Khi mình đặt bút viết đơn tự nguyện hiến tặng bộ phận cơ thể, hơn ai hết mình hiểu rõ sự cần thiết và ý nghĩa của hoạt động này”.

Chúng tôi thấy trong danh sách tham gia tình nguyện còn có Bí thư Đoàn BV Đà Nẵng Phan Đức Trí, Phó bí thư Lê Gia Lộc và những thủ lĩnh cốt cán đều đăng ký đi đầu. Phó bí thư Lê Gia Lộc cho biết: “Cho đi là còn mãi mãi... Việc để lại một phần sự sống cho những người khác, thì sự sống sẽ liên tục... khi ấy nghĩ về sống chết sẽ nhẹ nhàng hơn. Hy vọng với tinh thần thanh niên, sự am hiểu của các nhân viên y tế về vai trò của ghép tạng, thì việc đăng ký tình nguyện sẽ dễ dàng hơn”.

Lan tỏa hoạt động tình nguyện ý nghĩa

Đăng ký đơn tình nguyện hiến tặng mô tạng sau khi qua đời là hoạt động ý nghĩa được Đoàn BV Đà Nẵng triển khai dịp 26.3. Bác sĩ Phan Đức Trí, Bí thư Đoàn BV Đà Nẵng, cho biết tất cả mọi người trên 18 tuổi có tấm lòng đều có thể tham gia chương trình và trở thành người tự nguyện hiến tặng mô, tạng.

“Bạn chỉ cần mang theo chứng minh nhân dân/căn cước công dân, ảnh thẻ 3x4 và đăng ký vào mẫu đơn có sẵn. Dự kiến sau khi đăng ký thì khoảng 1 tuần sau sẽ được nhận Giấy chứng nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng của Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người”, bác sĩ Trí nói.

Hoạt động này cũng đồng thời chia sẻ quyền lợi của người hiến tạng khi còn sống, đó là được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí. Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế... Đối với thân nhân người hiến tặng giác mạc sẽ được ưu tiên trong khám, chữa mắt và đặc biệt được ưu tiên ghép giác mạc trong trường hợp họ bị mắc bệnh về giác mạc và cần phải ghép thay thế.

Bác sĩ Tuấn Anh cho biết hoạt động ý nghĩa này sẽ không chỉ dừng lại ở Tháng Thanh niên, mà sau Tháng Thanh niên, chúng tôi dự kiến sẽ triển khai hoạt động đăng ký tình nguyện này ở khu khám bệnh, để chia sẻ được nhiều hơn những câu chuyện về hiến tạng, về nhu cầu được hiến tạng để sống của những bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối... (Thanh niên, trang 10).

 

Tử vong vì bệnh lao cao như tử vong vì tai nạn giao thông

Mỗi năm nước ta có 10.000 người tử vong vì bệnh lao, con số này gần tương đương với số người tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) mỗi năm. Trên thế giới, lao là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu, mỗi ngày có gần 4.000 người chết vì bệnh lao và gần 30.000 người mắc căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa khỏi này.

10.000 người tử vong mỗi năm

Đến Bệnh viện Phổi Trung ương, chúng tôi gặp khá nhiều người tới khám bệnh và lấy thuốc chữa bệnh lao. Chị Nguyễn Thị Minh H. (Hà Nội), là công nhân may, sau một thời gian ho dài không khỏi, người mệt mỏi, sút cân, sau khi đi khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn, chị được chẩn đoán mắc bệnh lao giai đoạn muộn. Sau khi điều trị một thời gian, bệnh của chị không thuyên giảm. Tiếp tục làm thêm các xét nghiệm, chị được chẩn đoán mắc lao siêu kháng thuốc.

'Khi nhận kết quả tôi rất sốc và lo lắng. Chữa lao thông thường đã khó, giờ tôi lại bị đa kháng thuốc, trong khi con còn nhỏ. May đây là chương trình điều trị miễn phí, nếu không thì tôi không biết xoay xở ra sao'. Chị H. đến Bệnh viện Phổi Trung ương để kiểm tra sức khỏe tổng thể và xin tư vấn từ bác sĩ về bệnh lao kháng thuốc.

Theo đánh giá của Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam TS Kidong Park, trong những thập kỷ qua, gánh nặng về bệnh lao ở Việt Nam đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao đa kháng thuốc cao nhất trên thế giới. Năm 2019, cả nước có 170.000 trường hợp mắc mới, trong đó có 9.400 trường hợp tử vong do lao. Khoảng 98% bệnh nhân lao và gia đình của họ phải gánh chịu chi phí thảm họa do bệnh lao.

Nhận định về bệnh lao ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 170.000 trường hợp mắc bệnh lao mới, trong đó 63% lao thường, 98% lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với chi phí chẩn đoán và điều trị vượt quá 20% thu nhập hàng năm của hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Miệt mài chống lao nhiều năm nay, nhưng con số tử vong vì bệnh lao luôn khiến GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia canh cánh. Ông cho biết, Việt Nam giữ được điều trị khỏi, điều trị thành công trên 90% người bệnh lao phát hiện được và 70% lao kháng thuốc, nhưng vẫn có 10.000 người tử vong vì bệnh lao mỗi năm.

Theo ông, mặc dù người bệnh vẫn được điều trị trong chương trình miễn phí, nhưng tỷ lệ người bị lao phát hiện muộn vẫn còn nhiều và nếu phát hiện vẫn có thể tử vong. Những người tử vong do lao chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Điều quan ngại là số mắc lao trong cộng đồng lớn (khoảng 50 nghìn người) nhưng chưa được chẩn đoán và điều trị, có thể dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh và có thể làm lây lan cho cộng đồng. Đó chính là lý do bệnh lao vẫn trường tồn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng thời là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao đánh giá, so với 5 năm trước, mặc dù tại Việt Nam số người mắc lao mới đã giảm, nhất là số người mắc chưa phát hiện ra, công tác chống lao của chúng ta đã làm rất tốt, tuy nhiên vẫn còn tới 50.000 mắc lao trong cộng đồng mà chưa được phát hiện. Số ca tử vong vì bệnh lao tương đương với số người chết vì TNGT. Vì vậy chúng ta không thể ngừng nỗ lực chấm dứt bệnh lao.

Huy động hệ thống y tế và người dân cùng vào cuộc

Lao là bệnh truyền nhiễm và lâu nay một số người dân dường như không quan tâm đến căn bệnh này. Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia Nguyễn Viết Nhung cho biết, so với COVID-19, cơ chế lây nhiễm của bệnh lao nguy hiểm hơn nhiều vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài.

Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng, không ai bị mắc bệnh lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát hiện bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

GS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng, muốn chấm dứt bệnh lao, chúng ta phải có sự thay đổi mạnh mẽ và mong muốn tạo ra một làn sóng thay đổi và một làn sóng hy vọng. Phòng chống bệnh lao cũng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cơ sở y tế và sự đồng lòng của người dân giống như phòng, chống dịch COVID-19. Đó là, phải thay đổi từ chính người dân, người dân cần hiểu rõ về bệnh lao và sự nguy hiểm của bệnh lao để tham gia phòng, chống; tăng cường cho hệ thống y tế để chẩn đoán sớm bệnh lao; có những chính sách khuyến khích người dân đi khám phát hiện bệnh sớm.

Chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống bệnh lao năm nay của Việt Nam là 'Việt Nam chiến thắng COVID-19 – Chấm dứt bệnh lao' với mong muốn từ cuộc chiến chống COVID-19, mọi người hãy tích cực hơn trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, bằng kinh nghiệm chống COVID-19, chúng ta thiết lập một hệ thống y tế cơ sở, kêu gọi toàn dân tham gia phòng chống lao, phấn đấu giảm số người tử vong do lao.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Điều đáng mừng nhất là bệnh lao nếu phát hiện sớm hoàn toàn có thể chữa khỏi, bệnh lao kháng thuốc cũng chữa khỏi tới 75%. Vì vậy, cần phải phát hiện ngay, phát hiện thật sớm người mắc bệnh lao và có biện pháp cách ly tương tự như COVID-19, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong nhất để tiến tới chấm dứt được căn bệnh này.

Để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, chúng ta kêu gọi người dân nghèo, cận nghèo khám sàng lọc bệnh lao. 'Khi khám sàng lọc phát hiện ai chưa có BHYT mà có nguy cơ mắc bệnh lao, chúng ta bằng mọi cơ chế giúp người nghèo có BHYT', Phó Thủ tướng chỉ đạo. Còn theo TS Kidong Park, những hành động tăng tốc là cần thiết trên toàn thế giới. (Công an nhân dân, trang 14; Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

Việt Nam tiếp tục phê duyệt thêm vắc xin COVID -19 phục vụ nhu cầu phòng dịch cấp bách

Ngày 24/3, Bộ Y tế thông tin cho biết, COVAX Facility cho hay dự kiến, lô vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên của COVAX Facility bao gồm khoảng 811.200 liều sẽ được giao cho Việt Nam trong 3 tuần tới.

Ngày 23/3/2021, Cục Y tế Dự phòng nhận được thư của COVAX Facility thông báo về việc phân bổ vắc xin của COVAX Facility sẽ chậm hơn so với kế hoạch do các nhà sản xuất mở rộng quy mô và tối ưu hóa quá trình sản xuất vắc xin. Dự kiến, lô vắc xin đầu tiên của COVAX Facility bao gồm khoảng 811.200 liều sẽ được giao trong ba tuần tới.

Số lượng vắc xin này thấp hơn số lượng dự kiến theo thông báo trước đó. Số lượng giao hàng của lô đầu tiên dựa trên tỷ lệ phân chia công bằng nguồn cung ứng hiện có đối với các thành viên thụ hưởng của chương trình COVAX Facility.

Theo dự kiến, trong năm nay, Việt Nam sẽ nhận được 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều từ COVAX Facility, 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua. Tuy nhiên kế hoạch phân phối 60 triệu liều có thể bị đẩy lùi một phần sang năm 2022.

Ngoài AstraZeneca, như Sức khoẻ & Đời sống đã đưa, ngày 23/3 Bộ Y tế đã quyết định phê duyệt có điều kiện vắc xin Sputnik V của Nga cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam. Như vậy, Sputnik V là vắc xin phòng COVID-19 thứ hai được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng tại Việt Nam và Việt Nam là nước thứ 56 phê duyệt khẩn cấp sử dụng vắc xin này. Ước tính vắc xin Sputnik V có thể bao phủ cho 1,5 tỷ người dân trên thế giới.

Để được phê duyệt khẩn cấp chính thức sử dụng vắc xin SPUTNIK V tại Việt Nam, cuối năm 2020 Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) thuộc Bộ Y tế đã liên hệ, trao đổi với đối tác Nga để phối hợp nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu và phân phối vắc xin SPUTNIK V tại Việt Nam phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ngày 10/12/2020, POLYVAC đã ký Thỏa thuận Bảo mật với Công ty Cổ phần Quỹ Đầu tư Trực tiếp (DIRF) của Liên bang Nga với mục đích thực hiện sản xuất và phân phối vắc xin Sputnik V tại Việt Nam. Sau các cuộc đàm phán với sự tham dự của đại diện của Bộ Y tế Việt Nam, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, POLYVAC, RDIF và Viện Nghiên cứu Gamalaya, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác và phía Nga đã ủy quyền cho POLYVAC là đơn vị đăng ký, nhập khẩu, phân phối vắc xin SPUTNIK V tại Việt Nam; sản xuất vắc xin Sputnik V tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu sử dụng tại Việt Nam và xuất khẩu.

Trong những ngày tới, POLYVAC sẽ thương thảo với phía Nga “Thỏa thuận cung cấp vắc xin”, hiện chưa có kế hoạch cụ thể về cung ứng vắc xin Sputnik V trong năm 2021.

Vắc xin Gam-COVID-VAC (tên gọi khác vắc xin “Sputnik V”) là vắc xin được cấp phép đầu tiên trên thế giới do Trung tâm Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya (thuộc Bộ Y tế Nga) nghiên cứu và phát triển. Vắc xin được sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp gồm vec-tơ Adenovirus của người typ huyết thanh 26 (Ad26) mang gen mã hoá protein S của SARS-CoV-2 và vec-tơ Adenovirus của người typ huyết thanh 5 (Ad5) mang gen mã hoá protein S của SARS-CoV-2, không sử dụng virus SARS-CoV-2 gây bệnh cho người. Đây là công nghệ được Trung tâm Gamaleya nỗ lực phát triển từ những năm 1980, công nghệ này đã được sử dụng để phát triển và đăng ký thành công vắc xin vec-tơ phòng bệnh sốt Ebola.

Sputnik V Hiệu quả của Sputnik V là 91,6% được xác nhận bởi dữ liệu được công bố trên Lancet, một trong những tạp chí y khoa lâu đời nhất và uy tín nhất thế giới. Đây là một trong ba loại vắc-xin trên thế giới có hiệu lực bảo vệ trên 90%.

Bộ Y tế cũng cho biết, ngoài ra, Bộ Y tế và các đơn vị cung ứng vắc xin, dược cũng đã khẩn trương làm việc với hãng Johnson & Johnson và Moderna, các nhà sản xuất của Ấn Độ và các nước khác đề nghị thông báo chính thức khả năng cung ứng vắc xin phòng COVID-19. Cho đến nay chưa có đơn vị nào trong số các hãng nêu trên cho biết về khả năng cung ứng vắc xin trong năm 2021.

Để có thêm nguồn cung ứng vắc xin với mục tiêu tăng độ bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân Việt Nam, sớm chủ động đẩy lùi dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác trên thế giới có khả năng cung cấp vắc xin phòng COVID-19 cho Việt Nam để nhập khẩu vắc xin về sử dụng trong nước theo tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Hiện có Tập đoàn AMV, VABIOTECH, Vimedimec cũng đang tiếp cận với các đối tác khác từ Mỹ và Ấn Độ.

Ngoài nguồn vắc xin nhập khẩu, Bộ Y tế đang thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước. Vắc xin Nanocovax do Công ty NANOGEN phát triển đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người từ ngày 26/02/2021. Vắc xin Covivac do IVAC phát triển bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ ngày 15/3/2021. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Những đối tượng nào được cấp thẻ BHYT theo mẫu mới để sử dụng từ ngày 1/4?

Từ ngày 01/4/2021, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mẫu mới sẽ được sử dụng trên toàn quốc. Vậy, những đối tượng nào sẽ được cấp thẻ BHYT mẫu mới?

Sáng 24/3, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề mẫu thẻ BHYT mới.

Theo BHXH Việt Nam, từ ngày 01/4/2021, thẻ BHYT mẫu mới sẽ được sử dụng trên toàn quốc theo Quyết định số 1666/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam về việc ban hành mẫu thẻ BHYT. Hiện ngành BHXH Việt Nam đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị, đảm bảo việc in, cấp thẻ BHYT theo mẫu mới kịp thời, đúng quy định nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân.

Ông Trần Quốc Tuý - Phó Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ của BHXH Việt Nam cho biết, mẫu thẻ BHYT mới có những thay đổi theo hướng mang lại nhiều tiện ích hơn cho người tham gia, đặc biệt trong quá trình đề nghị cấp thẻ, bảo quản và sử dụng thẻ để thực hiện khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Qua đó, đảm bảo tốt nhất quyền lợi về BHYT cho người tham gia theo đúng quy định của pháp luật. 

Thứ nhất, về kích thước thẻ BHYT: Thẻ BHYT mẫu mới có kích thước nhỏ gọn hơn, hình thức đẹp hơn (bằng với kích thước thẻ căn cước công dân và một số loại thẻ ATM của các ngân hàng thương mại) đảm bảo thuận tiện khi cất giữ, bảo quản trong ví, hạn chế các trường hợp bị mất, hỏng thẻ BHYT.

Thứ hai, về chất liệu thẻ BHYT: Giấy của thẻ BHYT cũng dày hơn và được ép plastic để tăng độ bền, độ cứng, đáp ứng được yêu cầu sử dụng lâu dài, tránh thấm nước, ẩm mốc, nhàu nát, rách hỏng, bay mờ mực in trong quá trình sử dụng. Qua đó giảm được thời gian, chi phí cấp lại thẻ BHYT của cả đối tượng tham gia và cơ quan BHXH.

Thứ ba, về con dấu: Trước đây sử dụng con dấu của BHXH các tỉnh, thành phố nay thay bằng con dấu của BHXH Việt Nam, in chức danh, chữ ký, họ tên của Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (hoặc người được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao ký thừa lệnh): Giúp cho việc cấp lại, đổi thẻ nhanh chóng, thuận tiện hơn ở bất cứ cơ quan BHXH nào gần nhất trên phạm vi toàn quốc đối với trường hợp không may bị mất, hỏng thẻ khi đi KCB ngoại tỉnh hoặc đi du lịch, công tác, học tập ở tỉnh khác.

Thứ tư, về mã số in trên thẻ BHYT: Chỉ in 10 ký tự chính là mã số BHXH của người tham gia (thay thế 15 ký tự như trước đây). Giúp người tham gia dễ dàng nhận biết và có thể tra cứu, kiểm tra đầy đủ thông tin quy định về thẻ BHYT trên Cổng Thông tin của BHXH Việt Nam.

Thứ năm, về mã mức hưởng BHYT: Mã mức hưởng BHYT được chuyển xuống cùng dòng in ngày tháng năm sinh, giới tính, mã nơi đối tượng sinh sống: Giúp người cao tuổi, người chưa có điều kiện sử dụng Internet biết thông tin quyền lợi hưởng BHYT.

Thứ sáu, mặt sau của thẻ BHYT in “Những điều cần chú ý”: Chỉ dẫn cụ thể hơn về cách sử dụng thẻ BHYT giúp người tham gia tra cứu thông tin về thẻ BHYT và quyền lợi được hưởng; nắm được cách liên hệ với cơ quan BHXH để được hướng dẫn và giải đáp mọi vướng mắc.

Về đối tượng được cấp thẻ BHYT mẫu mới, ông Trần Quốc Tuý cho biết, theo quy định, những người đang sử dụng thẻ BHYT mẫu cũ còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng thẻ BHYT cũ để đi khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời, khi BHXH các tỉnh, thành phố sử dụng hết phôi thẻ BHYT mẫu cũ, thẻ BHYT mẫu mới sẽ được cấp cho các trường hợp sau:

- Cấp mới thẻ BHYT cho người tham gia;

- Cấp lại thẻ BHYT cho người bị mất thẻ BHYT;

- Cấp lại thẻ BHYT do bị rách, hỏng, thay đổi thông tin trên thẻ.

Quy trình cấp thẻ BHYT mẫu mới vẫn tiếp tục được thực thực hiện theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH, Quyết định số 505/QĐ-BHXH và các văn bản hướng dẫn về thẻ BHYT hiện hành của BHXH Việt Nam.

Người tham gia BHYT, đơn vị sử dụng lao động có thể nộp hồ sơ cấp thẻ BHYT trực tiếp tại cơ quan BHXH hoặc thực hiện thủ tục đổi thẻ BHYT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (tại địa chỉ www.dichvucong.gov.vn)... Lưu ý: Trường hợp thực hiện giao dịch điện tử doanh nghiệp thực hiện thủ tục đổi thẻ BHYT thực hiện lập hồ sơ bằng phần mềm kê khai của BHXH Việt Nam hoặc của Tổ chức I-VAN; Ký điện tử trên hồ sơ và gửi đến Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam hoặc qua Tổ chức I-VAN.

Với việc sử dụng thẻ BHYT mẫu mới từ ngày 01/4/2021, người tham gia BHYT sẽ được hỗ trợ tiện lợi hơn trong quá trình đề nghị cấp thẻ, bảo quản và sử dụng thẻ để thực hiện KCB BHYT. Mẫu thẻ BHYT mới là một trong những giải pháp cải cách hành chính hiệu quả của ngành BHXH Việt Nam, đảm bảo tốt nhất quyền lợi về BHYT cho người tham gia, tạo thuận lợi cho cơ sở KCB BHYT và cơ quan BHXH trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang