Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/7/2022

  • |
T5g.org.vn - Bộ Tài chính đề nghị đánh giá kỹ tác động khi điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Thế giới gấp rút ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ; Hà Nội ghi nhận 2 ca hoại tử xương hàm tử vong…

 

Bộ Tài chính đề nghị đánh giá kỹ tác động khi điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Mới đây, Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Theo dự thảo ngày 12/4/2022 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định việc xây dựng, quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về giá; và dự kiến bổ sung thay đổi về cách tiếp cận giá thành theo quá trình phát sinh chi phí.

Để đảm báo tính kế thừa, thống nhất, khả thi triển khai và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, công tác quản lý nhà nước về giá dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian tới, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của chính sách dự kiến đề xuất, những mục tiêu, nội dung sẽ đạt được, để có cơ sở sửa đổi hoàn thiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Luật Giá (sửa đổi).

Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), những tháng đầu năm, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được giữ ổn định, hiện những nội dung phải điều chỉnh theo lộ trình vẫn đang được Bộ Y tế nghiên cứu để triển khai theo quy định.

Hiện nay, giá dịch khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và giá dịch vụ khám chữa bệnh cho đối tượng không có thẻ BHYT đã thực hiện theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/người/tháng.

Vừa qua, Bộ Y tế đã rà soát, lọc trùng từ 18.589 kỹ thuật trước đây còn 10.415 kỹ thuật thuộc 30 chuyên ngành khác nhau và gom thành 3.240 nhóm dịch vụ kỹ thuật để xây dựng giá.

Hiện nay đang tiếp tục khảo sát 3.240 nhóm kỹ thuật này để đề xuất số nhóm kỹ thuật cần xây dựng giá bổ sung nếu chưa có; hoặc cập nhật lại giá nếu giá hay định mức kinh tế kỹ thuật không còn phù hợp, dự kiến hết năm 2022 mới hoàn thành xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và thực hiện khảo sát xây dựng giá dịch vụ.

Theo quy định của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập thì trong năm 2021 hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá).

Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đang có chủ trương chưa thực hiện điều chỉnh giá để không ảnh hưởng đến tác động của người dân. Bộ Y tế cũng đề xuất trong năm 2022 chưa thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bước 3 (tính chi phí quản lý) và bước 4 (tính chi phí khấu hao và chi phí khác) vào giá dịch khám chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Thế giới gấp rút ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ

Đại dịch Covid-19 còn chưa qua, thế giới đã phải đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm không kém là bệnh đậu mùa khỉ. “Cuộc chiến” này cần sự chung tay của cả cộng đồng quốc tế.
WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Hôm 23-7, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Adhanom Ghebreyesus đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ, mức cảnh báo cao nhất của WHO.

Trước đó, các thành viên của một ủy ban chuyên gia đã họp để thảo luận về khả năng công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, có sự chia rẽ trong việc đưa ra quyết định với 9 thành viên phản đối và 6 người khác ủng hộ. Điều đó buộc ông Adhanom Ghebreyesus phải đứng ra công bố, phá vỡ thế bế tắc.

Đây là lần đầu tiên người đứng đầu cơ quan y tế của Liên hợp quốc có hành động như vậy. Giải thích về quyết định của mình, ông Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Chúng ta có một đợt bùng phát đã lây lan nhanh khắp thế giới thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng ta hiểu quá ít và nó đáp ứng các tiêu chí trong các quy định y tế quốc tế”.

Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành ở Trung Phi và Tây Phi. Do bệnh này khó lây lan hơn Covid-19, chỉ lây khi tiếp xúc gần trong khoản thời gian dài, virus gây bệnh cũng ít đột biến hơn so với SARS-CoV-2 nên lúc đầu, các chuyên gia WHO nhận định bệnh đậu mùa khỉ khó có khả năng trở thành đại dịch toàn cầu.

Nhưng từ tháng 5 vừa qua, bệnh đã xuất hiện ở bên ngoài châu Phi và bắt đầu lây lan nhanh. Đến nay, đã có hơn 16.000 ca được ghi nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ ở 74 nước. Ở Mỹ và châu Âu, phần lớn các ca lây nhiễm xảy ra ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, mặc dù các quan chức y tế nhấn mạnh bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm loại virus này.

Những diễn biến mới đó đã buộc WHO thay đổi quan điểm, coi vụ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là mối đe dọa đủ lớn đối với sức khỏe toàn cầu và cần có một phản ứng quốc tế mang tính phối hợp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan xa hơn và ngăn chặn nó leo thang thành đại dịch.

Bệnh đậu mùa khỉ do virus cùng họ với virus gây ra bệnh đậu mùa ở người và ở bò gây ra. Tác nhân chính gây bệnh là một dạng virus thuộc họ Poxviridae, chúng thường sống ký sinh trong cơ thể vật chủ trung gian là các loài thú gặm nhấm. Đa phần người mắc bệnh đậu mùa khỉ đều sinh sống tại khu vực gần rừng nhiệt đới, cụ thể là các quốc gia ở Tây Phi hoặc Trung Phi.

Căn bệnh này được phát hiện lần đầu vào năm 1958 trên những con khỉ được nuôi nghiên cứu. Ca đầu tiên ở người được ghi nhận ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970. Kể từ đó, các trường hợp trên người đã xuất hiện ở các nước Trung Phi và Tây Phi. WHO ghi nhận hai chủng bệnh: chủng Tây Phi nhẹ hơn; chủng Trung Phi hoặc Congo nặng hơn.

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ sẽ gặp các triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa. WHO cho biết, bệnh nhân thường phát ban bất thường và phát triển một hoặc nhiều triệu chứng sau: nhức đầu, sốt trên 38,5 độ C, sưng hạch bạch huyết, đau cơ bắp và nhức mỏi cơ thể, đau lưng hoặc suy nhược cơ thể bất thường. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày và chứng phát ban thường xuất hiện trong vòng 1 đến 3 ngày sau khi phát sốt. Các nốt ban thường tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mặc dù chúng cũng có thể ảnh hưởng đến bên trong miệng và cơ quan sinh dục. Hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Tiêm vaccine đậu mùa có thể phòng tránh được đậu mùa khỉ, khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn. Theo WHO, tỉ lệ tử vong khi mắc bệnh là khoảng 3 đến 6%.

Việt Nam theo dõi chặt các trường hợp đi về từ 12 quốc gia có dịch

Trong lịch sử, WHO đã có 6 lần ban bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu, đó là dịch Covid-19 (2020), đợt bùng phát Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo (2019), Zika (2016), bại liệt (2014), đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi (2014) và virus gây đại dịch cúm heo H1N1 (2009).

Trong quá khứ, bệnh đậu mùa khỉ đã cướp đi sinh mạng của nhiều người châu Phi. Còn từ đầu năm tới nay, châu Phi đã ghi nhận hơn 1.400 trường hợp nghi nhiễm và 56 ca tử vong. Tuy nhiên, việc đối phó với bệnh đậu mùa khỉ trên quy mô toàn cầu lại gặp nhiều vấn đề.

Trước hết là sự chậm trễ trong việc hoạch định chính sách ngăn chặn dịch bệnh. Theo Tổng giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus, hiện thực đáng buồn ở thế giới mà ta đang sống là người ta chỉ chú ý tới bệnh đậu mùa khỉ khi nó lây lan ở các nước giàu, các nước có thu nhập cao. Ông Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng, người dân châu Phi xứng đáng được quan tâm nhiều hơn. Để khắc phục tình trạng này, hôm 17-6, WHO đã xóa bỏ sự phân biệt giữa quốc gia lưu hành và không lưu hành virus đậu mùa khỉ trong dữ liệu của mình để có thể phản ứng tốt hơn trước làn sóng lây nhiễm mới.

Thêm vào đó, ngay ở các nước phát triển, việc ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ cũng có phần chậm trễ. Bà Angela Rasmussen, một nhà khoa học nghiên cứu tại Tổ chức vaccine và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Saskatchewan (Canada), than phiền: “Chúng tôi xác định rõ đây là sai lầm lớn khiến dịch Covid-19 lan đến Mỹ và lây lan mà không bị phát hiện trong một tháng, bây giờ mọi chuyện lặp lại với bệnh đậu mùa khỉ”. Còn theo tờ New York Times, vào năm 2010, Mỹ ước tính trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công khủng bố sinh học, họ sẽ có đủ vaccine phòng bệnh đậu mùa và đậu mùa khỉ, với 132 triệu liều. Tuy nhiên, 2 tháng sau đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, kho dự trữ chiến lược quốc gia chỉ còn 64 nghìn liều.

Chính vì thế, các chuyên gia đang kêu gọi tăng tường cảnh giác và hợp tác toàn cầu để ngăn chặn sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay. Họ cũng cho rằng các nước đang phát triển cần tập trung nghiên cứu về bệnh đậu mùa khỉ chứ không chỉ quan tâm đến các phương pháp điều trị, bởi thế giới có thể sẽ lại đối mặt với căn bệnh mới trong tương lai, đồng thời đảm bảo các nước có thu nhập thấp cũng được hưởng lợi từ các thành quả nghiên cứu này.

Việt Nam hiện chưa phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ, nhưng theo chuyên gia có thể một thời điểm nào đó sẽ có ca bệnh xâm nhập. Trước số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngay từ tháng 5-2022, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu tăng cường giám sát, phòng chống căn bệnh nguy hiểm này, đặc biệt là tại các cửa khẩu. Theo đó, cần theo dõi chặt các trường hợp đi về từ 12 quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, gồm: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Congo, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Sierra Leone và Nam Sudan.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên lo lắng quá, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là. Khi có các triệu chứng bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám và loại trừ. Với những người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ, cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh, như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ; không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh. (An ninh Thủ đô, trang 6; Tiền phong, trang 13; Công an nhân dân, trang 8).

 

Hà Nội ghi nhận 2 ca hoại tử xương hàm tử vong

Thông tin trên được PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đưa ra tại Hội nghị Kí sinh trùng toàn quốc.

 Theo đó, thời gian qua Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một số ca bệnh nhiễm nấm đen Mucormycosis. Trong số này có hai trường hợp nhiễm nấm đen bị hoại tử xương nặng, không qua khỏi, từng mắc COVID-19.

Hai bệnh nhân có một trường hợp 64 tuổi mắc đái tháo đường nhiều năm và một trường hợp 59 tuổi có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng không điều trị.

PGS. Cường thông tin, bệnh nhân nhập viện với tình trạng hoại tử vùng hàm mặt nghiêm trọng, trong đó một bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu đau răng hàm trái nên đi khám và uống thuốc ở phòng khám tư. Mặt ông này bị sưng nề nhanh, mắt phải gần như mất thị lực và được chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai.

Với bệnh nhân còn lại, 15 ngày trước nhập viện, người này bị sưng đau vùng hàm mặt bên trái, có nhổ răng và đau nhức. Tình trạng sưng đau mặt kèm sốt, đau đầu, khó thở tăng dần, ý thức lơ mơ, CT-Scan sọ có hình ảnh tụ khí nội sọ, tổn thương thùy thái dương.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, kết quả chụp sọ não cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não cấp tính, tắc hoàn toàn động mạch não giữa, kèm theo viêm đa xoang biến chứng áp xe vùng má, lan vào mắt trái và nội sọ, viêm màng não.

Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận nữ bệnh nhân 72 tuổi, nhập viện với tình trạng viêm xoang hàm cấp trên, dù chưa từng mắc COVID-19 nhưng có tiền sử đái tháo đường không kiểm soát tốt.

Bệnh nhân được mổ cấp cứu và được xác định nhiễm Mucormycosis, điều trị bằng kháng sinh, thuốc kháng nấm trong 3 tuần.

“Với 3 ca bệnh nói trên, có thể nhận thấy nấm Mucormycosis chủ yếu gây tổn thương hàm mặt trên người có bệnh lí đái tháo đường. Tất cả bệnh nhân đều đến khám đầu tiên ở chuyên khoa Tai mũi họng và Răng hàm mặt”, TS. Cường nói. (Tiền phong, trang 13; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang