Thủ tướng trao Quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Cuối giờ sáng nay (22/10), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với đồng chí Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với đồng chí Nguyễn Văn Thắng.
Cùng dự buổi Lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ.
Trước đó, chiều ngày 21/10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã tín nhiệm phê chuẩn hai Thành viên Chính phủ cho nhiệm kỳ 2021-2026: Đồng chí Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021 – 2026; đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Chủ tịch nước đã có Quyết định số 1198/2022/QĐ-CTN ngày 21/10/2022 bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Quyết định số 1199/2022/QĐ-CTN ngày 21/10/2022 bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.
Tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà công bố các Quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tặng hoa chúc mừng hai Bộ trưởng.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng đồng chí Đào Hồng Lan và đồng chí Nguyễn Văn Thắng đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó các trọng trách này. Thủ tướng nhấn mạnh đây là vinh dự lớn, song cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng nêu rõ, sau hơn 2 năm phòng chống dịch, đất nước ta đang phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tiếp tục kiểm soát dịch bệnh với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết trong bối cảnh kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, thách thức.
Còn giao thông vận tải là lĩnh vực nhận được đầu tư nhiều nhất trong nhiệm kỳ này để thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông vận tải.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng tiếp tục giữ vững và phát huy đoàn kết cùng các thành viên Chính phủ; là hạt nhân quy tụ, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, vững tay chèo, cùng cán bộ, nhân viên ngành Y tế và ngành Giao thông vận tải nỗ lực, vượt qua các khó khăn, thách thức hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
"Các đồng chí đã quyết tâm rồi, quyết tâm hơn nữa; đã đoàn kết rồi, đoàn kết hơn nữa; đã nỗ lực rồi, nỗ lực hơn nữa; đã cố gắng rồi, cố gắng hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế tập trung vào một số nhiệm vụ như khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế; xây dựng và hoàn thiện thể chế; kiện toàn tổ chức, bộ máy và các công việc khác để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân.
Với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Thủ tướng nêu rõ, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, trước mắt cần tập trung cho nhiệm vụ khắc phục hậu quả do 2 cơn bão và đợt mưa lũ vừa qua gây ra với hệ thống hạ tầng giao thông, giải quyết một số vấn đề tồn đọng kéo dài của ngành.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định sẽ chấp hành và thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành mình tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm, xác định những việc quan trọng, cấp bách, cần giải quyết ngay; bảo đảm thực hiện tốt những công việc thường xuyên; ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh; có lộ trình, kế hoạch và phân công trách nhiệm cụ thể đối với các công việc trong trung hạn và dài hạn.
Hai Bộ trưởng nhấn mạnh nhiệm vụ cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong các lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông; tiếp tục quan tâm kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thật sự bản lĩnh, vững vàng về chính trị, tinh thông về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, hiệu quả trong công tác; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ nhận thức sâu sắc về niềm vinh dự to lớn, cũng như nhiệm vụ nặng nề trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và bộc lộ những vấn đề đặt ra cho ngành Y tế trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ, mặc dù không phải là người xuất phát công tác trong ngành Y tế, song với trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, sau 3 tháng phụ trách nhiệm vụ Quyền Bộ trưởng Y tế, bà đã nỗ lực để khắc phục hạn chế, xử lý kịp thời các công việc thường xuyên, tháo gỡ các điểm nghẽn phục vụ khôi phục, phát triển sau đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết ngành Y tế sẽ tập trung bảo vệ thành quả phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, bám sát tình hình dịch COVID-19 trên thế giới, tiếp tục phòng, chống dịch hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine; tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong mua sắm và khẩn trương triển khai các giải pháp để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, tiếp tục hoàn thiện các quy định về tài chính, cung ứng dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế; động viên đội ngũ cán bộ ngành y tế thực hiện các nhiệm vụ được giao, chăm sóc tốt hơn sức khỏe nhân dân…
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sinh năm 1971, quê ở Hải Dương, trình độ Thạc sĩ kinh tế, là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; đại biểu Quốc hội khóa XV.
Trước đó, ngày 15/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 839/QĐ-TTg giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với đồng chí Đào Hồng Lan - Ủy viên Trung ương Đảng.
Trước khi được bổ nhiệm Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đồng chí Đào Hồng Lan là Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Cơ chế quản lý chưa cho phép các bệnh viện phát huy hết các tiềm năng, lợi thế
Thảo luận tại hội trường về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, nhiều bệnh viện lớn xin thôi tự chủ...
Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, việc các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.
Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.
“Trong điều kiện làm việc như vậy, nếu họ được hưởng thù lao thoả đáng, xứng đáng với công sức, đóng góp của mình, họ sẽ toàn tâm toàn ý dành hết năng lực. bản thân trong công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện mà không phải "chân trong, chân ngoài" tất bật chạy ra phòng khám tư” - Đại biểu Cường nhấn mạnh.
Cũng theo Đại biểu Cường, nhiều bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài hoặc là phải sang khám, điều trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế, chỉ vì một điều kiện là họ thiết bị hiện đại hơn.
Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.
Đại biểu Cường hy vọng rằng những bất cập về cơ chế quản lý như trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám, chữa bệnh lần này. Tuy nhiên những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế vẫn đang là một khoảng trống trong dự thảo luật.
Do vậy, vị Đại biểu này đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi một số nội dung:
Thứ nhất, quy định về tự chủ của bệnh viện công, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu song trong toàn bộ Dự thảo luật chưa có nội dung này.
Do vậy, cần quy định rõ tự chủ là trao quyền cho bệnh viện được quyền quyết định việc khám chữa bệnh, tổ chức bộ máy, các vấn đề về tài chính kể cả nguồn tài chính do ngân sách đầu tư. Đồng thời, quy định rõ những điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ và xác định cấp độ tự chủ khác nhau, quyền năng đi đôi với mức độ tự chủ bệnh viện đã đạt được.
Thứ hai, cần quy định cơ chế xác dịnh giá dịch vụ y tế giữa cơ sở khám chữa bệnh tự chủ với cơ sở chưa tự chủ trên nguyên tắc khám chữa bệnh phải tính đúng tính đủ chi phí trên cơ sở định mức y tế kỹ thuật. Mức giá dịch vụ khám chữa bệnh chỉ khác nhau chỉ dành cho đối tượng có sự lựa chọn khác nhau về điều kiện phục vụ đi kèm, việc lựa chọn thuốc, thiết bị y tế nguồn gốc xuất xứ khác nhau.
Thứ ba, cần xác định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ, để đơn vị này tự quyết định nguồn thu, mức chi, đầu tư mua sắm, trích lập quỹ đầu tư phát triển… Cần tránh quan niệm không đúng về tự chủ là khoán trắng cho bệnh viện tự lo. Bên cạnh đó cần nêu rõ trong luật về việc ngân sách Nhà nước không cấp chi thường xuyên cho bệnh viện tự chủ, dành chi trả cho việc khám chữa bệnh cho đối tượng cần phải chi trả.
Thứ tư, nên quy định rõ cơ chế quản lý tài sản để các bệnh viện chủ động lựa chọn phương thức đầu tư, mưa sắm, liên doanh liên kết; Quy định cơ chế trong quản lý, giám sát hoạt động cho bệnh viện tự chủ như cơ cẩu tổ chức, cơ chế bổ nhiệm, đánh giá người lao động, cơ chế giám sát… (An ninh Thủ đô, trang 2; Thanh niên, trang 3; Tuổi trẻ, trang 3; Hà Nội mới, trang 1; Lao động, trang 1).
Bộ trưởng Bộ Y tế: Lần đầu tiên áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh
Phát biểu giải trình về Dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, do lần đầu Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng y khoa quốc gia để đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, nên Dự thảo luật chỉ quy định về nguyên tắc, vị trí pháp lý của Hội đồng này là phù hợp.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chính là năng lực chuyên môn của người hành nghề.
Tại nhiều nước trên thế giới trước khi cấp giấy phép hành nghề, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế thực tiễn tổ chức hệ thống khám, chữa bệnh, đồng thời kế thừa Luật Khám, chữa bệnh hiện hành, Dự thảo luật lần này quy định Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ vào kết quả này để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ trưởng khẳng định, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng y khoa quốc gia để thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nên Dự thảo luật chỉ quy định về mặt nguyên tắc, về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và do Chính phủ quy định cụ thể là phù hợp.
Về vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh và chữa bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, suy dinh dưỡng là một loại bệnh và có các mức độ khác nhau, trong đó suy dinh dưỡng cấp tính nặng là mức độ nặng nhất của bệnh.
Khi người bệnh bị suy dinh dưỡng căn cứ vào tình trạng bệnh cụ thể và đánh giá tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của mỗi người bệnh, việc điều trị thường thực hiện thông qua việc bổ sung các khoáng chất vi chất. Hiện nay, quỹ bảo hiểm y tế đang chi trả chi phí sử dụng các chất này theo danh mục do Bộ Y tế quy định tại Thông tư 30/2018/TT-BYT.
Bộ Y tế nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có điều khoản quy định về dinh dưỡng là cần thiết. Trong phạm vi của luật này và để đảm bảo cân đối với các điều khoản khác cũng như đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì quy định như Điều 65 của sự thảo luật là phù hợp.
Về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, Theo Bộ trưởng, hiện Dự thảo luật đưa ra ba cấp chuyên môn kỹ thuật với quy định liên quan đến phạm vi hoạt động của mỗi cấp và do Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc phân cấp cụ thể hệ thống.
Phương án này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phân cấp cơ sở khám, chữa bệnh thành ba cấp chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo tính liên thông, liên tục trong khám bệnh, chữa bệnh, trong các cơ sở; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay liên quan đến cách thức, tiêu chí phân hạng bệnh viện, cũng như khắc phục được bất cập liên quan đến vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế giữa các tuyến. (An ninh Thủ đô, trang 3).
Đại biểu Quốc hội: Cần quy định Hội đồng Y khoa có chức năng phân xử đúng sai trong các tai biến y khoa
Về Hội đồng Y khoa quốc gia, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng, đây là quy định tiến bộ trong Luật Khám chữa bệnh, giai đoạn đầu nên quy định Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa, Bộ Y tế cung cấp hệ thống vận hành...
Chính phủ sẽ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa?
Về nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa Quốc gia, Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cho rằng, nếu chỉ để Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ dẫn đến việc sự tập trung một chỗ gây ùn ứ, chậm có kết quả sẽ dẫn đến ảnh hưởng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề.
Trong khi theo thông lệ quốc tế, việc tổ chức đánh giá năng lực người hành nghề sẽ theo hướng của Hội đồng đại diện cho Hiệp hội hành nghề Y khoa Quốc gia và được Bộ Y tế cấp phép giám sát, tổ chức thực hiện. Công tác tổ chức làm sao phải thuận tiện cho người hành nghề khi đăng ký tham gia.
Về chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh của Hội đồng Y khoa Quốc gia trong Dự án Luật, Đại biểu Nguyễn Văn An (đoàn Thái Bình) nhận định, có sự bất cập khi chưa làm rõ quy định về lộ trình, trong khi mốc thời gian đặt ra là sau 5 năm luật có hiệu lực, việc đánh giá năng lực hành nghề mới được thực hiện.
Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc kỹ những quy định liên quan đến nội dung này để đảm bảo khả thi; hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo thuận lợi trong thi hành, áp dụng, đảm bảo hiệu quả thực tế.
Cùng cho ý kiến về nội dung trên, Đại biểu K'Nhiễu (đoàn Lâm Đồng) phát biểu, không nên quy định Hội đồng Y khoa do Nhà nước thành lập, mà nên là một tổ chức độc lập, do Bộ Y tế thành lập và chủ trì để thực hiện đúng chức năng là đơn vị, cơ quan tham mưu cho Chính phủ.
Tranh luận với nhiều ý kiến đại biểu về Hội đồng Y khoa quốc gia, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng, đây là quy định tiến bộ rõ rệt trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo đại biểu, trong giai đoạn đầu tiên nên quy định Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa, Bộ Y tế cung cấp hệ thống vận hành, Hội đồng Y khoa hoạt động độc lập nhưng cần bổ sung chức năng tổ chức giám sát, đào tạo liên tục và đặc biệt là chức năng phân xử đúng sai trong các tai biến y khoa.
Nhiều vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ tại bệnh viện
Về cơ chế tự chủ trong các bệnh viện, Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) nêu quan điểm, dù cơ chế tài chính là vấn đề hết sức quan trọng đối với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh song đây là vấn đề còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập.
Do đó, Đại biểu Thu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập. Trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Cùng cho ý kiến về nội dung trên, theo Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định), việc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đề nghị thôi thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện thể hiện có nhiều vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các bệnh viện Nhà nước.
Đó là những vấn đề thực tiễn đang đặt ra khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính cho các cơ sở khám, chữa bệnh công lập cần thiết phải được luật hóa một cách minh bạch, vừa để nhân dân người bệnh rõ về cách thức vận hành của cơ sở khám, chữa bệnh, vừa để vừa để cơ sở khám, chữa bệnh và người hành nghề yên tâm điều hành hoạt động cơ sở yên tâm và dành nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn là khám bệnh, chữa bệnh.
Trên cơ sở đó, Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội nội dung quy định về vấn đề tự chủ tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh trong Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn mà thực tiễn đặt ra. (An ninh Thủ đô, trang 3).
Bộ Y tế gia hạn thêm nhiều loại thuốc chữa bệnh gan, dị ứng, viêm hô hấp…
Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa gia hạn giấy đăng ký lưu hành thêm 55 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, trong đó có nhiều loại thuốc chữa bệnh gan, dị ứng, viêm hô hấp…
Theo quyết định về việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với 55 thuốc, nguyên liệu làm thuốc sản xuất trong nước và nước ngoài do Cục Quản lý dược vừa ký ban hành, có 14 thuốc được sản xuất trong nước và 41 thuốc nước ngoài. Các thuốc này gồm nhiều chủng loại: thuốc sử dụng cho bệnh nhân suy giảm chức năng gan, hỗ trợ giải độc, chống dị ứng và trong điều trị xơ vữa động mạch; thuốc trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm khuẩn đường hô hấp, thuốc hướng tâm thần, chống loạn thần; trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; Điều trị triệu chứng như buồn nôn và nôn do tình trạng đau nửa đầu cấp tính gây ra…
Đây là đợt công bố thứ 4 của Bộ Y tế về gia hạn hiệu lực số đăng ký, đồng thời đây là số thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế... có giấy đăng ký lưu hành hết hạn ngày 31/12/2022 được công bố gia hạn hiệu lực số đăng ký theo quy định tại Nghị định số 29/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Tổng cộng sau 4 lần gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vaccine và sinh phẩm y tế của Bộ Y tế tính từ tháng 6-2022 đến nay đã có 10.156 giấy đăng ký được gia hạn. (An ninh Thủ đô, trang 9).
Hà Nội tăng hơn 1.400 ca sốt xuất huyết trong tuần qua, tháng 11-12 có thể là đỉnh dịch
Chỉ trong một tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận thêm 38 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH) mới với hơn 1.400 bệnh nhân, nguy cơ dịch tăng mạnh vẫn đang tiềm ẩn...
Ngày 24-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội có báo cáo cho biết, trong tuần qua (tính từ ngày 14 đến 21-10), số mắc SXH trên địa bàn thành phố lại tiếp tục tăng mạnh với 1.420 ca (tăng 386 ca so với tuần trước đó) và có thêm 38 ổ dịch.
Cụ thể, trong tuần qua, có 1.420 ca mắc SXHđược ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã; trong đó bệnh nhân tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Đan Phượng (251 ca), Thanh Oai (142 ca), Phú Xuyên (89 ca), Nam Từ Liêm (79 ca), Đống Đa (63 ca).
38 ổ dịch SXH mới trong tuần qua được ghi nhận tại 16 quận, huyện: Thanh Oai (7), Thanh Trì (6), Bắc Từ Liêm (5), Đan Phượng (4), Đống Đa (2), Thanh Xuân (2), Phúc Thọ (2), Hoài Đức (2), Đông Anh (1), Hà Đông (1), Thạch Thất (1), Nam Từ Liêm (1), Hai Bà Trưng (1), Chương Mỹ (1), Mê Linh (1), Quốc Oai (1).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 8.199 ca mắc SXH (tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 ca tử vong; có 720 ổ dịch SXH đã được báo cáo, hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch cho rằng, theo chu kỳ 5 năm, miền Bắc sẽ xảy ra một đợt dịch SXH lớn. Dự báo, năm nay sẽ có dịch SXH lớn xảy ra, đỉnh dịch có thể rơi vào các tháng 11, 12 tới. (An ninh Thủ đô, trang 9).
Vướng mắc bủa vây thanh toán BHYT
Không chỉ đến khi được đề cập tại Quốc hội vào hôm qua (24.10), mà suốt thời gian gần đây, vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế đang đối mặt nhiều vướng mắc cần giải quyết.
Sáng 24.10, tham gia ý kiến về luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng dù dự thảo đã tiếp thu nhiều vấn đề, song bà vẫn thấy băn khoăn khi những giải pháp đưa ra chưa giải quyết được vấn đề tự chủ bệnh viện (BV) và xã hội hóa.
Loay hoay làm sao để mức thanh toán BHYT thấp nhất!
Trong đó, bà Phong Lan chỉ ra một thực tế là: “Chúng ta đang sa đà, loay hoay làm thế nào để mức thanh toán BHYT thấp nhất. Điều này dẫn đến luẩn quẩn là cứ phải làm sao để giá thấp nhất, từ giá thuốc tới vật tư y tế, trang thiết bị... Và khi thấp nhất thì chất lượng không thể nào cao”.
Những hạn chế bị cho là chưa theo sát thực tế của luật Khám bệnh, chữa bệnh được chỉ ra như những nguyên nhân gây khó cho vấn đề thanh toán BHYT. Điển hình, ông Nguyễn Hữu Thông, ĐB Quốc hội (QH) thuộc đoàn Bình Thuận, cho hay cử tri phản ánh rất nhiều về việc quy định cơ cấu giá khám, chữa bệnh (KCB) hiện nay là chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể, các chi phí hành chính, chi phí vận chuyển thuốc từ đất liền ra đảo, chi phí bảo quản thuốc hay chi phí chuyển tuyến… chưa đưa vào cơ cấu giá. Do đó, họ đề nghị là nên đưa vào luật để thanh toán.
“Thực tế, hiện việc thanh toán đối với BHYT là rất khó khăn. Do vậy, tôi đề nghị nên quy định cụ thể các khoản chi khác nhà nước đảm bảo cho công tác KCB”, ĐB Thông nêu.
Vướng mắc nhiều quy định
Không chỉ có vấn đề của các ĐBQH nêu ra, thực tế việc thanh toán BHYT đang gây ra nhiều khó khăn cho các BV. Trong tháng 9 và 10.2022, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã làm việc với các BV công lập ở TP.HCM về tự chủ tài chính, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao. Trong đó, rất nhiều đơn vị có ý kiến về quy định thanh toán chi phí KCB BHYT và bị xuất toán nhiều tỉ đồng…
Đại diện BV Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay BV ký hợp đồng với cơ quan BHYT theo đơn giá dịch vụ cung cấp. Trong khi đó, giám định chi phí KCB BHYT và thanh tra lại căn cứ trên định mức xây dựng cơ cấu giá. Ví dụ, khi thực hiện dịch vụ siêu âm màu cho bệnh nhân (BN), sau khi in kết quả chẩn đoán mà không kèm in hình ảnh siêu âm màu cho BN thì bị trừ trong đơn giá dịch vụ siêu âm cung cấp. Trong khi đó, hình ảnh siêu âm màu cơ sở có lưu trữ đầy đủ trên hệ thống PACS, khi cần có thể truy xuất.
Nghịch lý khác, việc thanh toán chi phí KCB dựa trên định mức số lượt tối đa được quy ước trong việc xây dựng giá là chưa phù hợp. Như bóng đèn máy CT-scanner khuyến cáo tối đa của nhà sản xuất là chụp 10.000 ca/bóng. Nhưng nếu quá trình sử dụng và khai thác tốt có thể sử dụng thời gian lâu hơn hoặc chụp được nhiều lượt hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ y tế thì bị xuất toán đối với số ca chụp vượt định mức khuyến cáo của nhà sản xuất. Như vậy, thiết bị chưa hỏng mà thay sẽ lãng phí. Nhưng có những cái hỏng sớm hơn thì buộc đơn vị phải thay mới để phục vụ BN thì không được tính thêm vào giá dịch vụ y tế phần chi phí tăng thêm. (Thanh niên, trang 1).
Mỏi mòn chờ… thiết bị y tế!
Trong khi bệnh nhân thiếu máy thở, phải chuyển viện vì nhiều nơi không có máy chụp cộng hưởng từ…thì trang thiết bị y tế được nhập về án binh bất động tại cảng vì vướng thủ tục.
Tại khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long có 30 giường bệnh nhưng chỉ có 20 máy thở, trong đó có một số máy thở đã hư hỏng chưa khắc phục được. Vì vậy, để duy trì việc cấp cứu cho bệnh nhân, khoa này phải mượn máy thở ở một số khoa khác.
Một bác sĩ tại đây cho biết, nhiều bệnh nhân được đưa đến đây cấp cứu phải chuyển viện vì bệnh viện đang thiếu máy chụp cộng hưởng từ MRI. Điều tréo ngoe là máy cộng hưởng từ đã được nhập về và đang “nằm chờ” tại cảng Cát Lái ở TPHCM nhưng bệnh viện thì không lấy được. Theo lãnh đạo bệnh viện này, nơi đây được đầu tư trang thiết bị y tế với 57 chủng loại theo khoản vay vốn ODA của chính phủ Áo có trị giá gần 12 triệu Euro. Những tưởng đầu năm 2022, nơi đây sẽ có đầy đủ thiết bị gồm máy thở, MRI, chụp X-quang, gây mê….phục vụ bệnh nhân. Nhưng sau khi 7 container thiết bị cập cảng Cát Lái thì số thiết bị này không được thông quan do Bộ Y tế chưa cấp giấy chứng nhận lưu hành.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư trang thiết bị y tế cho Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long bằng nguồn vốn ODA của chính phủ Áo, năm 2020, bệnh viện và Công ty ODELGA MED đã ký hợp đồng cung cấp số thiết bị này. Theo đó, Công ty ODELGA MED sẽ cung cấp cho Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long 57 chủng loại trang thiết bị. Ngày 23/1/2022, Công ty ODELGA MED đã giao trang thiết bị đợt 1 với 15 chủng loại đến cảng Cát Lái, TPHCM.
Ngày 25/02/2022, Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long đã phát hành văn bản gửi Vụ Trang Thiết bị và Công trình Y tế - Bộ Y tế để cấp Giấy chứng nhận lưu hành.
Tháng 7/2022, Đại sứ quán Áo tại Hà Nội có công hàm gửi Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu quan ngại về sự chậm trễ trong cấp phép lô thiết bị y tế này. Theo công hàm của Đại sứ quán Áo, tính đến thời điểm này chi phí lưu kho bãi của lô hàng đã lên hơn 42 nghìn Euro và mong muốn Bộ Y tế sớm cấp phép lưu hành. Tìm hiểu của Tiền Phong cho thấy, đến nay Bộ Y tế mới cấp giấy chứng nhận lưu hành cho 3/22 hồ sơ thiết bị y tế mà Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long xin cấp phép.
Doanh nghiệp cầu cứu lên cả Thủ tướng
Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng cũng gặp khó khăn tương tự. Ngày 6/10, Công ty TNHH GE Việt Nam- đơn vị cung ứng Hệ thống chụp cắt lớp vi tính và Hệ thống SPECT CT cho bệnh viện này đã gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ mong được cấp nhanh số đăng ký lưu hành thiết bị y tế. Theo công ty này, Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng với Công ty CP đầu tư Y tế Việt Mỹ và Công ty Armephaco đã ký hợp đồng cung cấp 2 thiết bị y tế loại C gồm: Hệ thống chụp cắt lớp vi tính và Hệ thống SPECT CT đều của hãng GE.
Đại diện Công ty TNHH GE Việt Nam cho biết, hiện nay hai hệ thống trang thiết bị y tế này đã về đến cảng Cát Lái, TPHCM đã 3 tháng nhưng chưa thể làm thủ tục thông quan vì chưa có giấy chứng nhận lưu hành theo quy định tại Điều 47 của Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế. Đại diện đơn vị này cho rằng, công ty đã cập nhật đầy đủ tài liệu gửi đến Bộ Y tế đến nay được 9 tháng nhưng cũng chỉ được phản hồi rằng “hồ sơ đang xử lý” mặc cho công ty và nhà thầu nhiều lần kiến nghị. (Tiền phong, trang 3).
Quay cuồng với dịch sốt xuất huyết
Thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 260.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 102 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,8 lần, tử vong tăng 81 trường hợp. Đáng lo ngại, Bộ Y tế cảnh báo, theo chu kỳ 5 năm thì trong tháng 11 và 12 tới có thể xảy ra một đợt dịch SXH lớn tại nhiều tỉnh thành.
Số ca mắc tăng rất cao
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, chỉ trong vòng 1 tuần, TPHCM ghi nhận 1.999 mắc SXH, số bệnh nhân nặng nhập viện tại các cơ sở điều trị có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 66.699 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021, với số ca SXH nặng là 1.477 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc là 2,2%, tăng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng tuần qua, thành phố ghi nhận 3 trường hợp tử vong do SXH tại quận Bình Tân và TP Thủ Đức, nâng tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 500 ca SXH nặng, trong đó có 2 bệnh nhân tử vong. Trường hợp tử vong do nhập viện quá muộn và chuyển viện trong tình trạng rất nặng mà không có sự hội chẩn trước với tuyến trên. Số ca SXH nhập viện tích lũy giảm nhưng số ca nặng chuyển đến vẫn tăng.
Tại khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, ThS-BS Hà Thị Hải Đường, Phó Trưởng khoa cho biết, đang điều trị cho 5 bệnh nhân mắc SXH nặng, trong đó có 2 ca rất nặng phải thở máy, lọc máu và thay huyết tương. Một số trường hợp nặng khác có biểu hiện sốc, tái sốc, tổn thương gan, rối loạn đông máu, xuất huyết nặng...
“Năm nay số ca mắc SXH có biểu hiện lâm sàng nặng hơn những năm trước. Bệnh nhân bị sốc sớm hơn, tái sốt nhiều hơn. Sốt cao, suy gan nặng, xuất huyết nặng cũng tăng. Mới đây, Sở Y tế TPHCM đã có chỉ đạo phân tầng điều trị SXH nên khoa chỉ tiếp nhận những ca nặng và rất nặng với khoảng 50% trường hợp cần can thiệp hỗ trợ hô hấp và điều trị chuyên sâu”, BS Hải Đường thông tin.
Còn tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) liên tiếp trong những ngày gần đây, bệnh nhân SXH nặng phải nhập viện điều trị liên tục gia tăng, khiến các phòng điều trị đều kín người bệnh. PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho biết, mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nặng trong tình trạng tiểu cầu giảm hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng do SXH.
Cùng với đó, tại nhiều bệnh viện của Hà Nội như: Xanh Pôn, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông…, số ca mắc SXH phải nhập viện điều trị tăng rất cao. Theo Sở Y tế Hà Nội, tích lũy từ đầu năm 2022 tới nay, Hà Nội đã có khoảng 7.000 ca mắc SXH với 5 ca tử vong, so với cùng kỳ năm ngoái số ca mắc tăng gấp 3,2 lần.
Dịch còn diễn biến phức tạp
Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhiều khả năng trong thời gian tới, dịch SXH tại Việt Nam sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc tiếp tục ở mức cao do đang trong cao điểm của mùa dịch hàng năm. Đặc biệt, một số chuyên gia dịch tễ cảnh báo, theo chu kỳ bùng phát 5 năm/lần thì có thể trong tháng 11 và 12 tới sẽ là đỉnh điểm của dịch SXH ở nước ta.
Không chỉ có vậy, nguy cơ dịch chồng dịch cũng rất lớn khi Covid-19 vẫn đang tồn tại, cùng với dịch cúm, sởi, thủy đậu, Adenovirus. Đáng lưu ý, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc SXH. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thì mới đến bệnh viện. Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử.
Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, có nhiều ca mắc SXH nặng bị suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận đã phải lọc máu, khiến việc điều trị gặp không ít khó khăn. Do đó, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như kháng nguyên Dengue NS1 để phát hiện SXH sớm từ những ngày đầu. Nếu đúng SXH, người bệnh sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời.
Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện. Với những trường hợp mắc SXH điều trị tại nhà, người bệnh có thể cặp nhiệt độ và theo dõi các dấu hiệu toàn thân thường xuyên. Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau nhưng phải tránh dùng nhóm thuốc như: Aspirin, Ibuprofen vì có thể gây chảy máu.
Đặc biệt không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như: đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể uống nhiều nước như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống, nghỉ ngơi. Sang ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trước tình hình số ca mắc SXH tử vong gia tăng, Sở Y tế TPHCM đã ban hành quyết định thành lập tổ chuyên gia về điều trị SXH với 15 chuyên gia về nhi; 13 chuyên gia về người lớn; 4 chuyên gia về tiêu hóa và 1 chuyên gia về huyết học. Tổ này có nhiệm vụ tham gia cập nhật bổ sung hướng dẫn điều trị về SXH; xây dựng các đồng thuận về điều trị trong khi chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn điều trị. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân SXH nặng: ngưng tim, ngưng thở đột ngột. Tùy tình huống và năng lực điều trị của bệnh viện để kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, liên viện hoặc cả 2 nhằm đảm bảo kịp thời cứu sống bệnh nhân. (Sài Gòn, trang 1).