Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/11/2015

  • |
T5g.org.vn - Thành lập cộng đồng ASEAN: Ngành y có nguy cơ thua trên sân nhà; TP.Hồ Chí Minh: Thưởng 5 triệu đồng cho người cấp tin về thực phẩm bẩn; Cảnh báo tác dụng phụ ở thuốc trị đau nửa đầu…

Thành lập cộng đồng ASEAN: Ngành y có nguy cơ thua trên sân nhà

Mỗi năm, trung bình có khoảng 40.000 người Việt ra nước ngoài chữa bệnh, tiêu tốn trên 2 tỉ USD. Một trong những thách thức của ngành y tế Việt Nam khi thành lập Cộng đồng ASEAN chính là nguy cơ người dân “đổ xô” sang Singapore, Thái Lan… chữa bệnh, bởi các thủ tục cởi mở, chi phí khám-chữa bệnh có phần rẻ hơn trước. Ở một khía cạnh khác, những cơ sở y tế trong nước sẽ phải chịu sự cạnh tranh khi dự báo, sẽ có làn sóng đầu tư dịch vụ y tế từ các nước ASEAN đổ vào Việt Nam.

Hơn 2 tỉ USD chi phí chữa bệnh chảy ra nước ngoài

Theo một thống kê, mỗi năm có khoảng trên 40.000 người Việt Nam (VN) ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí lên đến 2 tỉ USD, trong đó nhiều người chọn bệnh viện ở Singapore và Thái Lan. Việc tham gia cộng đồng ASEAN sẽ tạo thêm thuận lợi để người dân trong nước đi đến các nước trong cộng đồng.

Một trường hợp điển hình là câu chuyện của chị Trần Thị Cẩm Thuyên phải thuê cả trực thăng riêng đưa em trai Trần Thiên Khoa (ngụ ở TP. Biên Hòa, Đồng Nai) qua Singapore trị bệnh lao phổi. Phát hiện bị bệnh lao từ cuối năm 2013, tuy nhiên dù kiên trì điều trị suốt 8 tháng trời ở 3 bệnh viện lớn ở TPHCM, Khoa không những không thuyên giảm mà còn gặp tình trạng kháng thuốc, nấm hình thành trong phổi, cơ thể chỉ còn da bọc xương.

Trước mạng sống mong manh của em trai, chị Thuyên quyết định đưa em sang Singapore chữa trị. Chị Thuyên phải thuê riêng một chiếc máy bay trực thăng với chi phí 25.000USD đưa em từ VN sang Singapore. Tại đây, Khoa được phẫu thuật cắt bỏ phổi trái. Sau thời gian điều trị, Khoa hồi phục sức khỏe nhưng vẫn phải uống thuốc đặt mua từ Singapore với giá hơn 10 triệu đồng/viên/ngày.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo một bệnh viện lớn ở Hà Nội cho biết: “Việc điều trị trong nước sẽ tiết kiệm ít nhất là một nửa chi phí. Tuy nhiên, lý do quá tải, trang thiết bị chưa đủ để phục vụ bệnh nhân là nguyên nhân chính khiến người người chọn cách ra nước ngoài”.

Vị lãnh đạo này cũng lo lắng, khi tham gia Cộng đồng ASEAN sẽ khó tránh khỏi tình trạng người dân đổ ra nước ngoài khám bệnh. Như hiện nay, nhiều người bệnh muốn lên T.Ư khám khi được đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu khi tham gia bảo hiểm y tế. Điều cần nhất là phải nâng cao trình độ, điều kiện khám chữa bệnh ở trong nước tốt hơn, học tập mô hình các nước láng giềng.

Mới đây, khi thông tin về các vụ tai biến vaccine dày đặc, vaccine dịch vụ trong nước khan hiếm nghiêm trọng, nhiều phụ huynh quyết định cho con qua tận Singapore và Thái Lan chỉ để… tiêm vaccine. Nhu cầu này lớn đến nỗi, các văn phòng du lịch nhanh nhạy mở tour tiêm chủng kết hợp tiêm phòng cho con và du lịch cho bố mẹ từ VN đi Singapore và Thái Lan dù giá không hề rẻ (khoảng 10-20 triệu đồng).

Để cạnh tranh phải tiếp tục đầu tư

Khi thành lập Cộng đồng ASEAN, 8 ngành đầu tiên được dịch chuyển tự do, trong đó có 3 ngành liên quan đến y tế là y tá, bác sĩ, nha sĩ. Liệu có khả năng xảy ra “chảy máu chất xám ngành y” khi lực lượng lao động 3 lĩnh vực này sẽ tìm sang các nước có điều kiện tốt hơn để làm việc? Trước những thắc mắc này, bà Trần Thị Giáng Hương - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế - cho rằng: “Chưa thể xảy ra tình trạng chảy máu chất xám trong ngành y.

Riêng về mặt chuyên môn cần phải có sự thảo luận chi tiết giữa ngành y tế của các quốc gia, sau đó mới bàn bạc thống nhất được, chứ không đơn giản là hình thành Cộng đồng ASEAN rồi cứ chạy từ nước nọ sang nước kia để làm việc được đâu”.

Nhìn từ thực tiễn, TS - BS Võ Xuân Sơn - Giám đốc Phòng khám Quốc tế Exon - lạc quan hơn khi cho rằng, việc mở rộng giao thương về lao động ít nhiều sẽ tác động tích cực lên ngành y ở Việt Nam. “Nếu trong thời kỳ y tế hội nhập, các bác sĩ VN có thể ra nước ngoài và đáp ứng công việc của họ là một tín hiệu tốt, chứng minh được nền y tế trong nước rất tốt. Và ngược lại, nếu chỉ có bác sĩ nước ngoài vào VN chứng tỏ ngành y đang thua kém khu vực.

Tuy nhiên, bài học từ sự hội nhập ở các nước liên minh EU chứng tỏ rằng, việc chuyển dịch như thế nào cũng ít nhiều tác động đến ngành y tế VN và người bệnh sẽ được hưởng lợi. Nếu xảy ra trào lưu bác sĩ VN ra nước ngoài làm việc, ngành y trong nước tự động phải phát sinh các chính sách giữ chân bác sĩ giỏi hoặc nếu ngược lại, ngành y phải tìm cách cải tiến trình độ chuyên môn”.

Còn BS Nguyễn Tiến Quyết - nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Hà Nội - cho rằng: “Các bệnh viện trong nước có thể thua kém các bệnh viện của nước ngoài về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chứ kinh nghiệm lâm sàng thì không. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn chọn đi khám bệnh và điều trị ở nước ngoài là vì họ chưa biết được những tiến bộ y học mà VN đạt được.

Mặt khác, họ chọn ra nước ngoài khám, điều trị vì ngại cảnh đông đúc, chật chội, chờ đợi khi khám chữa trong nước. TS Nguyễn Tiến Quyết khẳng định đầu tư cơ sở vật chất, phòng ốc hiện đại, nâng cao thái độ phục vụ để người bệnh tin tưởng sẽ đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ngày một cao của người dân. Chỉ có làm được điều này, ngành y mới không bị “thua sân nhà” trong quá trình hội nhập.

Nắm bắt được nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao của người Việt, nhiều nhà đầu tư Thái Lan, Malaysia, Indonesia cũng đã tiến hành nghiên cứu thị trường, xúc tiến hoạt động đầu tư trong lĩnh vực y tế ở VN. Bệnh viện Bumrungrad từ Thái Lan, Tập đoàn Lippo từ Indonesia và Tập đoàn IHH Healthcare của Malaysia vừa thực hiện việc khảo sát để đầu tư. Tập đoàn chăm sóc sức khỏe KPJ Healthcare của Malaysia cũng đang có ý định mở dịch vụ tư vấn và quản lý trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở VN.

(Lao động trang 4)

TP.Hồ Chí Minh: Thưởng 5 triệu đồng cho người cấp tin về thực phẩm bẩn

Đó là khẳng định của ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Trưởng chi Cục Thú y TPHCM trong buổi làm việc giữa ba sở: Sở NNPTNT, Sở Y tế và Sở Công thương TPHCM với báo chí, ngày 24.11; nhằm tập trung quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nông nghiệp trên địa bàn TP từ nay đến Tết Nguyên đán 2016.

Theo Sở NNPTNT, tính đến 15.11 đã tổ chức lấy 61 mẫu rau ăn lá và 66 mẫu rau ăn củ, quả ở các chợ đầu mối nông sản Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức và một số hệ thống siêu thị trên địa bàn TP, sau đó gửi đi kiểm tra. Đến ngày 24.11.2015 mới có 97/127 mẫu có kết quả phân tích thì phát hiện 52/97 mẫu có dư lượng thuốc BVTV. Trong đó có 17/52 mẫu lượng thuốc BVTV trong mức giới hạn tối đa cho phép. Vấn đề nóng nhất hiện nay là chất cấm trong chăn nuôi, qua kiểm tra đã phát hiện và phạt hành chính 2.678 trường hợp vi phạm về ATTP; trong đó, đặc biệt là tồn dư chất cấm thuộc nhóm Beta – agonist trong thịt heo, (chất này có thể gây ung thư nếu sử dụng nhiều và dài ngày).

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục Trưởng chi Cục Thú y TPHCM, cho hay, từ đầu  năm đến nay chi cục đã phối hợp với dự án Lifsap kiểm tra lấy tổng cộng 833 mẫu, trong đó có 190 mẫu tại 319 hộ chăn nuôi heo; 641 mẫu ở cơ sở giết mổ; 2 mẫu tại đại lý thức ăn chăn nuôi. Kết quả, có 98 mẫu phát hiện có tồn dư chất cấm Beta – agonist. Ngoài ra, khi lấy 522 mẫu nước tiểu trên 122 lô heo tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn quận, 7, quận 8, huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn... để kiểm tra về tồn dư chất B-agonist cũng phát hiện 97/522 mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm trên.

 Hiện Chi Cục thú y và Sở NNPTNT đã thiết lập đường dây nóng với số điện thoại: 08.39551361, 0838291382 và 0903667735 để tiếp nhận thông tin về thực phẩm không an toàn, thịt thối, thịt bẩn.... Người dân nào cung cấp thông tin có giá trị về sử dụng chất cấm, thịt thối, thịt bẩn, thịt không rõ nguồn gốc sẽ được thưởng 5 triệu đồng/1 thông tin”, ông Thảo cho hay.( Lao động trang 2)

Cảnh báo tác dụng phụ ở thuốc trị đau nửa đầu

Cục Quản lý dược vừa khuyến cáo tác dụng phụ của các thuốc chứa acid zoledronic (điều trị loãng xương), flunarizin (điều trị chứng đau nửa đầu) và ivabradine (điều trị triệu chứng cơn đau thắt ngực) do tắc nghẽn động mạch vành.

Theo Cục Quản lý dược, hiện còn 11 số đăng ký thuốc nước ngoài, 2 thuốc trong nước chứa hoạt chất acid zoledronic, nhưng vừa qua Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu đã khuyến cáo nguy cơ hoại tử xương hàm ở bệnh nhân có sử dụng thuốc này, vì vậy cần trì hoãn điều trị với bệnh nhân có tổn thương mô mềm chưa lành tại miệng; bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như ung thư, vệ sinh răng miệng kém, có bệnh nha chu, răng giả không khớp hoặc tiền sử có bệnh 
về răng miệng.

Với thuốc chứa flunarizin, hiện có trên 51 số đăng ký thuốc nội và ngoại nhập, sử dụng điều trị chứng đau nửa đầu, Cục Quản lý dược khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Với thuốc chứa ivabradine (điều trị triệu chứng cơn đau thắt ngực) do tắc nghẽn động mạch vành hiện có sáu thuốc đang lưu hành, Cục Quản lý dược đề nghị các công ty sản xuất và kinh doanh thuốc này cần cập nhật các thông tin mới vào tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, như thận trọng khi sử dụng kèm thuốc lợi tiểu do có nguy cơ tăng rối loạn nhịp tim; không sử dụng cho người có bệnh tim mạch khác như nhồi máu cơ tim...( Tuổi trẻ trang 14)

Ứng dụng tế bào gốc điều trị chấn thương cột sống

Sáng 24-11, Bệnh viện Đà Nẵng đã ký kết chương trình hợp tác về nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong chấn thương cột sống với Bệnh viện Kitano (Nhật Bản), Trung tâm nghiên cứu 
FBRI (Nhật Bản).

Từ năm 2012, các bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng đã qua Nhật Bản tìm hiểu về phương pháp cấy ghép tế bào đơn nhân tự thân tách từ tủy xương để điều trị chấn thương tủy sống. Đây là một trong những phương pháp trị liệu mới nhưng hiệu quả và độ an 
toàn rất cao.

Bệnh viện Đà Nẵng sẽ hợp tác với Nhật Bản thực hiện thử nghiệm lâm sàng về việc áp dụng tế bào đơn nhân tự thân tách từ tủy xương cho việc điều trị bệnh nhân chấn thương tủy sống. Phía Nhật Bản cũng giúp Bệnh viện Đà Nẵng đào tạo nhân lực, trang bị máy móc, đưa hai kỹ thuật viên tới Đà Nẵng để phối hợp thực hiện.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Thạnh - giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, chỉ riêng trong năm 2012 có 408 bệnh nhân chấn thương tủy sống được tiếp nhận và điều trị, trong đó có 321 người được điều trị bảo tồn và 87 người được điều trị phẫu thuật. Phần lớn bệnh nhân mang các di chứng suốt đời.( Tuổi trẻ trang 14)

Cạn kiệt nguồn tài trợ thuốc ARV

Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu 90% người có HIV được điều trị thuốc ARV. Tuy nhiên hiện chúng ta mới đạt được ½ mục tiêu trong khi tiền tài trợ ARV đã cạn kiệt.

Ngày 24.5, hội nghị khoa học quốc gia về HIV/AIDS lần thứ 5 do Bộ Y tế tổ chức đã thu hút hơn 1.000 nhà khoa học, trong đó có hơn 100 chuyên gia quốc tế. Đây là một trong nhiều hoạt động nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2015 (10.11 đến 10.12) và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1.12).

90-90-90

Đây là mục tiêu về phòng chống HIV/AIDS mà Việt Nam hướng tới vào năm 2020. Cụ thể, tới năm 2020, 90% số người biết được tình trạng có HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán có HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định. Theo TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), thực tế ở Việt Nam vẫn còn xa so với mục tiêu “90-90-90”. Hiện mới có khoảng 78% người có HIV biết được tình trạng của mình, khoảng 45% người có HIV được điều trị ARV và cũng chưa tổ chức xét nghiệm được tải lượng virus thường quy nên chưa có số liệu chính xác.

Kể từ ca có HIV đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam vào năm 1990, tính đến nay, số ca HIV được tích lũy còn sống được báo cáo là hơn 227.000 ca, số bệnh nhân AIDS là hơn 83.500, và đã có 86.250 ca tử vong. Mỗi năm, Việt Nam có từ 12.000-14.000 ca mắc mới HIV và 2.000-3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. “HIV/AIDS gây nên nhiều gánh nặng về bệnh tật, thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên hiện nay mức độ bao phủ chương trình vẫn còn hạn chế, từ dự phòng, can thiệp giảm hại, đến xét nghiệm và điều trị, đều chưa đạt mức có thể khống chế được đại dịch HIV/AIDS” – TS Long cho biết.

Mục tiêu khó khăn

Theo TS Long, nguồn lực phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam chủ yếu dựa vào viện trợ quốc tế, còn nguồn tài chính trong nước như ngân sách, bảo hiểm y tế (BHYT) lại chưa chi trả. Tuy nhiên nguồn lực này lại đang bị cắt giảm mạnh. Đặc biệt, tiền viện trợ mua thuốc ARV giúp người có HIV khôi phục hệ miễn dịch, sống khỏe hơn lại đang bị cắt giảm. Đến năm 2017, ARV sẽ bị cắt hoàn toàn. Ước tính mỗi năm số tiền chi trả cho loại thuốc này khoảng 420 tỷ đồng.

Theo TS Long, người có HIV nếu được điều trị ARV sớm sẽ giảm 96% nguy cơ lây nhiễm sang người khác. Bà mẹ có HIV nếu được điều trị ARV, tỷ lệ lây nhiễm sang con chỉ còn 2%. “Chúng ta mới đi được ½ chặng đường cho mục tiêu 90% người có HIV được điều trị ARV. Tuy nhiên nguồn tài trợ lại đang cạn kiệt” – TS Long cho biết.

Để chuẩn bị cho việc tiền viện trợ ARV bị rút toàn bộ, Bộ Y tế đã ra thông tư “đưa ARV” vào danh mục thuốc được BHYT chi trả. Tiền thuốc ARV và một số xét nghiệm cho 1 bệnh nhân HIV theo phác đồ 1 khoảng 4 triệu đồng/năm. Tùy nhóm đối tượng, người tham gia BHYT sẽ phải đồng chi trả từ 0-20% tiền thuốc ARV và các chi phí xét nghiệm khác. Tuy nhiên đến nay vẫn có đến 70% người có HIV chưa tham gia BHYT.

Chị Phạm Thị Hiền (35 tuổi) - Trưởng nhóm tự lực “Vì ngày mai tươi sáng” tỉnh Bắc Ninh cho biết, nhờ được điều trị ARV miễn phí mà suốt 15 năm nay chị đã giữ được sức khỏe để làm việc, sinh con không có HIV. Nhiều chị em trong nhóm tự lực cũng đã được hưởng lợi ích từ việc uống ARV. “90% phụ nữ trong nhóm có chồng chết vì AIDS, một thân bệnh tật nuôi con, công việc bấp bênh, tạm bợ nên không có tiền mua thẻ BHYT, không dám đi khám bệnh. Nếu không trông chờ vào thuốc ARV được phát miễn phí thì hầu hết chị em đều chịu chết mà thôi” – chị Hiền cho biết.

TS Long phân tích, nếu như người có HIV bỏ thuốc thì sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Đồng thời làm tăng nguy cơ kháng thuốc ARV. Lúc đó điều trị thì chi phí sẽ gấp 8 lần (32 triệu đồng) chi phí điều trị phác đồ 1. Do đó để đạt mục tiêu 90-90-90, tránh bùng phát HIV thì việc đầu tiên là phải có kế hoạch tài chính bền vững mà trước mắt là 420 tỷ đồng mua thuốc ARV cho người có HIV.( Nông thôn ngày nay trang 5)

Cùng chủ đề bài viết còn có các tin, bài sau:

Hà Nội mới (trang 2) 25/11: Hướng tới mục tiêu 90-90-90 về phòng, chống HIV/AIDS

Nhân dân (trang 1) 25/11: Hướng tới mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS

Gia đình & xã hội (trang 7) 25/11: Hướng tới mục tiêu 90-90-90 về phòng, chống HIV/AIDS

Kiên quyết xử lý hộ không hợp tác chống dịch sốt xuất huyết

Chiều 24/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức buổi giao ban báo chí về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin, hiện nay các chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi truyền bệnh tại các địa phương đạt tỷ lệ thấp chỉ từ 50-60% do người dân không hợp tác với lực lượng chức năng. Với những trường hợp này, Sở Y tế sẽ lập danh sách, thông báo với chính quyền địa phương kiên quyết xử lý.( Tiền phong trang 2, An ninh thủ đô trang 3)

8 đoàn kiểm tra đổi mới phục vụ của cán bộ y tế

Bộ Y tế thành lập 8 đoàn kiểm tra công tác triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” do các thứ trưởng Bộ Y tế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế) cùng giám đốc 2 Sở Y tế Hà Nội và TP HCM làm trưởng đoàn.

Theo quyết định của Bộ Y tế, việc kiểm tra này sẽ kiểm tra các cơ sở y tế việc thành lập ban chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; kết quả của việc tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế; việc thực hiện nội dung thành lập đơn vị chăm sóc khách hàng; kiểm tra việc thực hiện trang phục của cán bộ y tế; kết quả triển khai thực hiện “đường dây nóng”; việc duy trì, củng cố hòm thư góp ý; kiểm tra việc tổ chức ký cam kết, thực hiện các nội dung cam kết đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế.( An ninh thủ đô trang 3, Gia đình & xã hội trang 7, Sức khỏe & đời sống trang 2)

Chuyển đổi vaccine cần cân nhắc đến khả năng kiểm soát dịch

Những mối lo ngại về vaccine Quinvaxem dường như vẫn ám ảnh các bậc phụ huynh. Nhiều người cho rằng, chỉ Việt Nam mới xảy ra tai biến sau tiêm chủng.

Tâm lý này gây nên lo ngại về việc tác động xấu đến việc tiêm phòng cho trẻ vào thời gian tới, kéo theo hệ lụy là rất có thể làm bùng phát các dịch bệnh, nếu không cho trẻ tiêm phòng. Đặc biệt, vấn đề vaccine đã bước cả vào nghị trường Quốc hội những ngày qua. Vì thế, để mang đến bạn đọc những thông tin xung quanh vấn đề vaccine ở Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS.Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, một chuyên gia về vaccin.

+ Thưa ông, nhiều người cho rằng, gần đây tỉ lệ phản ứng nặng sau tiêm vaccine  Quinvaxem mới gia tăng, là có đúng?

PGS.TS.Phan Trọng Lân: Với tình huống đơn lẻ, đánh giá quan hệ nhân quả ở cấp độ cá nhân là khó khăn và cần nhiều thời gian. Năm 1974, tại Anh, đã có báo cáo 22 trường hợp trẻ chậm phát triển và động kinh sau khi tiêm vaccine ho gà toàn tế bào, dẫn đến nhiều năm sau đó, tỷ lệ tiêm chủng ho gà ở Anh giảm từ 81% xuống 31% . Hậu quả là 100.000 trẻ mắc ho gà và 31 trẻ tử vong, đồng thời, giảm tỷ lệ tiêm chủng ho gà và tăng số ca tử vong do ho gà ở Nhật Bản, Thụy Điển và Wales. Nhiều nghiên cứu sau này mới chỉ ra tỉ lệ chậm phát triển và động kinh ở trẻ sau khi tiêm vaccine tương tự với trẻ không tiêm vaccine.

Năm 1998, một tạp chí uy tín trên thế giới (Lancet) đăng về mối liên quan giữa vaccine MMR (sởi-quai bị-rubella) và bệnh tự kỷ, khiến tỉ lệ tiêm chủng MMR giảm và dịch bùng phát tại Anh. Nhiều nghiên cứu sau đó đã đi đến kết luận là không có mối liên quan nào giữa bệnh tự kỷ và MMR, còn tác giả bài báo bị kết tội là gian lận dữ liệu và có xung đột lợi ích khi đăng tải thông tin trên.

Trước bất kỳ trường hợp phản ứng nặng sau tiêm nào, cần có điều tra, đánh giá khách quan, khoa học, toàn diện, phối hợp giữa Tổ chức y tế thế giới (WHO) nhà sản xuất, các nước sử dụng vaccine để tìm hiểu nguyên nhân là do vaccine, do bệnh nền hay các yếu tố khác xảy ra trong địa bàn đang dùng vaccine đó. Vaccine ho gà toàn tế bào đã sử dụng trên 70 năm tại 138 nước và Quinvaxem cũng đã sử dụng gần 10 năm, với gần 450 triệu liều, tiêm cho trẻ em tại 94 nước và đã được WHO và các tổ chức quốc tế thẩm định, đánh giá hiệu quả trong sử dụng. Việc tiêm vaccine Quinvaxem đúng lịch và đủ liều sẽ giúp giảm tỉ lệ các phản ứng cho trẻ và hiệu quả phòng bệnh.

+ Sau mỗi tai biến, đều có Hội đồng tư vấn đánh giá các tai biến sau tiêm chủng. Nhưng, nhiều người băn khoăn là liệu Hội đồng có khách quan không, khi đều do ngành y tế “vừa đánh trống, vừa thổi còi”?

PGS.TS.Phan Trọng Lân: Việc điều tra các phản ứng sau tiêm chủng đòi hỏi có chuyên môn cao, nên các thành viên Hội đồng là những chuyên gia về tiêm chủng, lâm sàng, dịch tễ học vv... Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, Theo quy định của Bộ Y tế thì “Những người thực hiện công tác về tiêm chủng thì không tham gia vào thành phần của Hội đồng”. Năm 2015, Việt Nam đã được WHO công nhận Cơ quan quản lý vaccine quốc gia (NRA) đạt tiêu chuẩn, dựa trên các tiêu chí, gồm cả việc kiểm soát mâu thuẫn quyền lợi trong hoạt động của các Hội đồng, đã khẳng định tính khách quan và đúng qui định quốc tế.

+ Đã nhiều năm diễn ra việc thiếu trầm trọng vaccine dịch vụ “5 trong 1”, “6 trong 1” . Có phải do việc dự trù không đúng về nhu cầu tiêm, hay do số trẻ tiêm vaccine dịch vụ tăng cao do thông tin tai biến sau tiêm Quinvaxem?

PGS.TS.Phan Trọng Lân: Tháng 7-2014, WHO khuyến cáo chiến lược sử dụng vaccine có thành phần ho gà toàn tế bào và vô bào tại các nước. Tháng 8-2015, WHO tiếp tục khuyến cáo các nước đang sử dụng ho gà vô bào triển khai mũi tiêm nhắc nhằm ngăn dịch bùng phát theo chu kỳ, do việc sử dụng vaccine cho phụ nữ mang thai ở tuần thứ 27 đến 36 có tỷ lệ mắc và tử vong cao do ho gà. Điều này dẫn đến nhu cầu vaccine tăng rất lớn. Ngoài ra, các nước phải chuyển từ dùng vaccine bại liệt uống sang vaccine bại liệt tiêm và giai đoạn 2015-2016 có 100 nước (kể cả Việt Nam) cam kết sẽ đưa vaccine bại liệt vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Trong khi vaccine phối hợp có chứa thành phần ho gà toàn tế bào và bại liệt tiêm mới đang nghiên cứu, thì nhu cầu đối với vaccine có chứa thành phần ho gà vô bào và bại liệt tiêm càng tăng. Ước tính, đến 2020, nhu cầu tối đa cho vaccine 6 trong 1 trên toàn cầu có thể tới 380 triệu liều, trong khi khả năng cung cấp chỉ khoảng 280-320 triệu liều.

+ Tại sao không thay thế Quinvaxem bằng vaccine thế hệ mới hơn?

PGS.TS.Phan Trọng Lân: Vaccine Quinvaxem hay “5 trong 1”, “6 trong 1” đang sử dụng hiện nay, khác nhau cơ bản là thành phần vaccine ho gà toàn tế bào (Quinvaxem) hay vô bào (vaccine dịch vụ).  Việc chuyển đổi từ sử dụng ho gà toàn tế bào sang ho gà vô bào đã được nhiều nước triển khai, nhưng vaccine này cũng có nhiều hạn chế: Tại Mỹ, từ khi chuyển sang dùng ho gà vô bào vào năm 1990, dịch ho gà đã bùng phát vào các năm sau đó. Báo cáo của WHO năm 2015 cho thấy dịch ho gà ở 19 nước là do giảm hiệu quả bảo vệ khi tiêm vaccine ho gà vô bào dẫn đến tích lũy số ca nhạy cảm và sau đó bùng dịch theo chu kỳ, cho dù tỉ lệ bao phủ vaccine tại các nước này đều khá cao, hơn 85%. Sự bùng phát dịch ho gà chưa thấy xuất hiện tại các nước dùng ho gà toàn tế bào và có tỉ lệ tiêm chủng cao. Do đó, việc chuyển đổi từ vaccine ho gà toàn tế bào sang vô bào cần cân nhắc đến khả năng kiểm soát dịch xảy ra, đảm bảo nguồn cung cấp vaccine, hạn chế tử vong trong trường hợp dịch ho gà xảy ra do việc dùng vắc xin ho gà vô bào. WHO khuyến cáo các nước đang dùng vaccine ho gà toàn tế bào với lịch tiêm chủng không quá 4 mũi, thì không nên chuyển đổi sang ho gà vô bào. Ngoài ra, xu thế trên thế giới sẽ sử dụng vaccine bại liệt tiêm và kết hợp vaccine  thành phần ho gà vào vaccine 6 trong 1, nên việc thay đổi còn phụ thuộc vào sự tiến bộ của khoa học.

+ Cám ơn ông đã chia sẻ!( Công an nhân dân trang 4)

Đưa 5 loại thuốc điều trị ung thư vào danh mục đấu thầu tập trung quốc gia

Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, dự thảo lần cuối thông tư hướng dẫn danh mục thuốc đấu thầu, thuốc đấu thầu tập trung và danh mục thuốc đàm phán giá đã được Bộ Y tế và các đơn vị liên quan họp thống nhất… Riêng danh mục đàm phán giá đều là các thuốc biệt dược gốc đang còn trong thời gian bảo hộ sở hữu trí tuệ, chỉ có một thuốc đang độc quyền cung cấp hoặc tối đa là hai thuốc.Thực tế, thời gian qua khi áp dụng quy chế đấu thầu mới, chi phí mua thuốc điều trị giảm 35%.( Sức khỏe & đời sống trang 2)

Phát hiện hàng trăm lọ thuốc Đông y không rõ nguồn gốc

Ngày 24/11,Thông tin Công an huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, đơn vị đang tạm giữ 3 đối tượng phạm tội buôn bán thuốc đông y không rõ nguồn gốc.

Trước đó, vào lúc 22  giờ, ngày 21/11, trong lúc đang làm nhiệm vụ trên tỉnh lộ 533, ở khu vực xã Thọ Thành, lực lượng tuần tra Công an huyện Yên Thành đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Lê Nguyên Chung  (sinh năm 1969, trú tại xóm Lĩnh Sơn,  xã Đức Thành, Yên Thành) đang trên đường vận chuyển 367 hộp nhựa đựng thuốc Đông Y, không rõ nguồn gốc (mỗi lọ có trọng lượng 1kg).

Tiến hành khám xét nơi ở của đối tượng, CQĐT phát hiện thêm 373 hộp thuốc, 1 cân bàn, một máy dập nắp hộp, 16 tờ nhãn mác có tên Nhà thuốc Đông Y cổ truyền Tiến Hạnh, 1,8 kg bột màu nâu, 2,5 kg giấy bạc hình tròn dùng để dán nắp hộp và 50 hộp nhựa chưa qua sử dụng.

Qua lời khai ban đầu của Chung, số thuốc nói trên, có tác dụng giảm béo và được mua từ tỉnh Hà Tĩnh, về đóng hộp đưa ra Hà Nội tiêu thụ.

Điều tra mở rộng vụ án, Công an huyện Yên Thành đã bắt thêm 2 đối tượng Phan Ngọc Đạo, sinh năm 1993,ở xóm 1, xã Hậu Thành  và Thái khắc Thành sinh năm 1969, ở xóm 7, xã Lăng Thành, thu giữ 68 hộp nhựa đựng thuốc cùng chủng loại, 57 nhãn mác của nhà thuốc Đông Y cổ truyền Phong Nhường- Đức Thọ - Hà Tĩnh, 176 nhãn mác của nhà thuốc bắc gia truyền lương y “ H.Vân thập toàn đại bổ”, 30 tem niêm phong chưa qua sử dụng.

Hiện cơ quan công an huyện tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.( Sức khỏe & đời sống trang 2)

Bệnh viện T.Ư Huế: Mổ nội soi ung thư dạ dày bằng kỹ thuật 3D đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 24-11, PGS.TS Phạm Như Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, đơn vị vừa thực hiện thành công ca mổ nội soi cắt khối u ung thư ác tính ở dạ dày bằng kỹ thuật 3D (hình ảnh nổi) lần đầu tiên ở Việt Nam.

Bệnh nhân là ông Bùi Văn S. (50 tuổi), trú huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), có khối u tại dạ dày khá lớn gần giai đoạn 3. PGS.TS. Bác sĩ Phạm Như Hiệp là người mổ chính cùng ê-kíp các bác sĩ thành thạo của Bệnh viện T.Ư Huế. Ca mổ được thực hiện trong vòng một tiếng đồng hồ thì thành công, từ 10 đến 11h sáng 24-11. Đây là ca mổ nằm trong Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp tỉnh, do PGS.TS. Phạm Như Hiệp làm chủ nhiệm đề tài.

Theo bác sĩ Phạm Như Hiệp, nếu mổ nội soi thông thường chỉ trên màn hình phẳng 2D, các góc nhìn không có chiều sâu tốt thì mổ 3D cho hình ảnh thật, độ phóng đại tốt, giúp phẫu thuật viên nhìn rõ các thương tổn trong cơ thể tại hạch, mạch máu, khối u…

“Nhờ đó, việc mổ cho bệnh nhân bị ung thư dạ dày để cắt bỏ các khối u rất an toàn và kỹ lưỡng. Thời gian mổ nhanh hơn so với mổ nội soi 2D. Các phẫu thuật viên trẻ được đào tạo kỹ thuật 3D chắc chắn sẽ tiếp thu nhanh và hiệu quả. Đây là ca mổ nọi sôi đầu tiên tại Việt Nam dùng kỹ thuật hình ảnh nổi 3D để mổ nội soi cắt khối u cho bệnh nhân ung thư”, bác sĩ Hiệp cho biết.

Bác sĩ Phạm Như Hiệp cho biết thêm, tại Bệnh viện T.Ư Huế đã dùng hệ thống máy phẫu thuật nội soi tiên tiến 3D Spies của hang Karl Storz (Đức) với chi phí tăng từ 30 - 50% so với hệ thống 2D. Thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục áp dụng kỹ thuật mới này đối với các ca mổ nội soi ở các bộ phận khác cơ thể người.( Lao động trang 2, Tuổi trẻ trang 14, Nhân dân trang 5)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang