Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/11/2016

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng máy đo tủy vào phẫu thuật cột sống; Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân: Hết lòng vì người bệnh; Phó giáo sư trẻ tuổi tâm huyết với ngành y; TPHCM: đã có 69 trường hợp nhiễm virus Zika; ...

Bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng máy đo tủy vào phẫu thuật cột sống

Việc ứng dụng máy theo dõi tủy vào phẫu thuật cột sống, giúp giảm nguy cơ tổn thương hệ thần kinh trung ương và giúp các phẫu thuật viên bảo tồn tối đa chức năng của hệ thần kinh, giúp tránh các tai biến có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật...

Các bác  Khoa Phẫu thuật cột sống- Viện Chấn thương Chỉnh hình của Bệnh viện Việt Đức lần đầu tiên ứng dụng máy theo dõi tủy vào quá trình bắt vít của phẫu thuật cột sống cho 3 bệnh nhân, trong đó có một bệnh nhi 9 tuổi phẫu thuật chữa trị vẹo cột sống và 2 bệnh nhân người lớn bị u tủy thắt lưng và u tủy ngực

Với việc đưa máy theo dõi tủy vào quá trình phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức trở thành cơ sở y tế đầu tiên của Việt Nam ứng dụng hệ thống máy này.

Phẫu thuật cột sống là những kỹ thuật rất khó, trong phẫu thuật cột sống chỉ sai số 1mm  là vị trí cần can thiệp đã đi rất xa và lúc đó chiếc ốc, vít nhằm can thiệp vào cột sống sẽ đi vào mạch máu và dây thần kinh, gây tai biến cho bệnh nhân. Trong phẫu thuật cột sống thường liên quan đến tủy sống, rễ thần kinh, mạch máu và cấu trúc xương dây chằng xung quanh, do đó đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo căn bản và có kinh nghiệm. Bởi cột sống là nơi chứa tủy sống và các đám thần kinh quan trọng điều khiển hoạt động của cơ thể, nên chỉ cần thiếu chính xác một chút trong phẫu thuật là có thể dẫn tới tổn thương gây liệt hoặc tử vong.

BS Vũ Văn Cường- Khoa Phẫu thuật cột sống cho biết,  với trường hợp bệnh nhân bị cong vẹo cột sống mới 9 tuổi, nếu tiến hành bắt vít vào cột sống để  đặt nẹp giãn thẳng sẽ rất nguy hiểm cho cháu vì cháu còn nhỏ nên nguy cơ tổn thương tủy, gây liệt rất cao. Do đó,  các bác sĩ - phẫu thuật viên của Khoa Phẫu thuật cột sống đã phải sử dụng máy theo dõi tủy để giúp phát hiện sớm các khu vực có ảnh hưởng thần kinh để qua sự thay đổi các sóng thần kinh biểu thị trên máy theo dõi.

Riêng đối với 2 trường hợp còn lại bị u tủy ngực và u tủy thắt lưng L1, do khối u nằm trong ống sống nên có thể bao bọc, lẫn trong tủy sống, vì vậy ứng dụng máy theo dõi tủy có thể giúp phẫu thuật viên bóc tách chính xác phần bệnh lý, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra cho bệnh nhân.

PGS. TS Nguyễn Văn Thạch- Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, nguyên Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, người đảm nhiệm chính cho 3 ca phẫu thuật nói trên cho biết, máy theo dõi tủy hoạt động trên nguyên lý sử dụng các sóng điện sinh lí như điện não, điện cơ, sóng gợi để theo dõi và bảo tồn chức năng của cấu trúc thần kinh trong phẫu thuật. Máy giúp giảm nguy cơ tổn thương hệ thần kinh trung ương và giúp các phẫu thuật viên bảo tồn tối đa chức năng của hệ thần kinh, giúp tránh các tai biến có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, đặc biệt là đối với phẫu thuật cột sống khi tủy sống vốn có rất nhiều dây thần kinh mà chỉ cần sai sót nhỏ có thể khiến bệnh nhân bị liệt.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, từ trước tới nay, các bác sĩ phẫu thuật cột sống chỉ “làm mò” nên tai biến hoàn toàn có thể xảy ra, như trong quá trình mổ, bác sĩ phải làm căng tủy sống, nên thay đổi dây thần kinh, mà nếu ảnh hưởng đến tủy thì bác sĩ cũng khó phát hiện được. Sau khi nắn vẹo cột sống rồi, phải chờ khi bệnh nhân tỉnh để thăm dò các chức năng thần kinh có bị ảnh hưởng không để tiếp tục có hướng điều trị, và nếu có tai biến xảy ra thì việc tiếp tục can thiệp, điều trị cho bệnh nhân sẽ rất khó khăn, phức tạp.

 “Do đó việc ứng dụng máy theo dõi tủy giúp cho ê-kip phẫu thuật xử lý triệt để quá trình phẫu thuật không gây ra các tai biến, vừa tăng tỷ lệ thành công vừa giảm chi phí và thời gian điều trị cho bệnh nhân. Với việc áp dụng máy đo tủy, thời gian phẫu thuật sẽ rút ngắn. Trước đây, sau khi mổ, bác sĩ phải chờ khoảng 30 phút để bệnh nhân tỉnh dậy, rồi mới kích thích cho người bệnh xem có phản xạ hay không. Còn nay, bác sĩ hoàn toàn yên tâm để tiến hành phẫu thuật vì có sự hỗ trợ đảm bảo tuyệt đối của máy”- PGS.TS Nguyễn Văn Thạch cho hay

Về 3 bệnh nhân đầu tiên được ứng dụng máy theo dõi tủy trong phẫu thuật cột sống, TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống- Viện Chấn thương Chỉnh hình- Bệnh viện Việt Đức, một trong những người tham gia phẫu thuật cho  biết, ngay trong chiều ngày 23/11, các ca phẫu thuật đều đã thành công tốt đẹp.. (Sức khỏe & Đời sống, trang 13).

 

Những việc làm vì dân - Những việc làm phiền dân: Hết lòng vì người bệnh

Gần 25 năm miệt mài với công việc, Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Lạng Sơn luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Lương y như từ mẫu. Trải qua nhiều cương vị khác nhau, dù làm việc gì bác sĩ Nguyễn Ngọc Trọng cũng được đồng nghiệp và người bệnh quý trọng.

Ông thổ lộ: Là tỉnh miền núi, biên giới, đời sống của bà con các dân tộc thiểu số còn khó khăn, trình độ dân trí còn thấp. Nhiều người dân khi bệnh đã nặng mới đến bệnh viện điều trị. Đặc biệt là bệnh lao phổi và bệnh phổi thường tiến triển rất nhanh, cho nên để giúp người bệnh các bác sĩ, y tá phải có trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao.

Sau nhiều năm nghiên cứu, bác sĩ Nguyễn Ngọc Trọng và các thành viên trong Hội đồng khoa học của bệnh viện đã nghiên cứu cải tiến và ứng dụng thành công thủ thuật “Thông khí nhân tạo không xâm nhập” cho bệnh nhân suy hô hấp viêm phổi tắc nghẽn. Nếu như trước đây bệnh nhân khi khó thở phải tiến hành đặt ống nội khí quản xâm nhập, mất nhiều thời gian, khả năng biến chứng, nhiễm trùng nguy hiểm, thì nay với phương pháp thông khí nhân tạo không xâm nhập đã giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục… Trong nhiều năm qua, với phương châm “Hết lòng vì người bệnh, lo nỗi lo của người bệnh…”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Trọng đã cùng với Hội đồng khoa học và lãnh đạo các khoa, phòng xây dựng kế hoạch, nghiên cứu cải tiến lề lối làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng bộ phận; tổ chức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; nghiên cứu ứng dụng đưa công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành bệnh viện và triển khai hàng loạt các kỹ thuật mới vào khám, chữa bệnh… Đáng chú ý, từ khi ứng dụng triển khai mạng tin học vào quản lý, bệnh viện đã rút ngắn thời gian chờ đợi, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám, chữa bệnh. Do vậy, rất đông người bệnh đến bệnh viện khám và yên tâm điều trị, không vượt tuyến.

Là một bác sĩ tận tâm, tận tụy với công việc khám, chữa bệnh cho bà con các dân tộc trong tỉnh, sau gần 25 năm công tác, bác sĩ Nguyễn Ngọc Trọng đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và cấp tỉnh, trong đó có ba đề tài được nghiệm thu và đang triển khai thực hiện, được đồng nghiệp đánh giá cao cả về ý nghĩa, tính khách quan khoa học và giá trị ứng dụng trong thực tiễn chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trọng đã được tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, nhiều năm được tặng bằng khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và cơ sở. (Nhân dân, trang 8).

 

Phó giáo sư trẻ tuổi tâm huyết với ngành y

Được công nhận phó giáo sư khi mới 32 tuổi chính là “trái ngọt” mà giảng viên Trần Xuân Bách (trong ảnh) nhận được sau những ngày tháng miệt mài học tập, nghiên cứu và giảng dạy. Với tâm huyết đào tạo, hỗ trợ và nâng bước cho thế hệ đàn em, Trần Xuân Bách là người thầy, người bạn được các sinh viên Trường đại học Y Hà Nội yêu mến, cảm phục.

Trong danh sách 683 người được công nhận chức danh phó giáo sư (PGS) năm nay, Trần Xuân Bách là cái tên gây chú ý vì tuổi còn trẻ nhưng đã gặt hái hàng loạt thành tích "khủng". Có thể kể đến như giải thưởng Nghiên cứu quốc tế về lâm sàng và dự phòng của Trung tâm nghiên cứu AIDS (Trường đại học Johns Hopkins, Mỹ); giải thưởng dành cho Báo cáo nghiên cứu tiến sĩ xuất sắc nhất tại Hội nghị Khoa học Y tế công cộng INSIGHT (Đại học Alberta, Ca-na-đa); được phong PGS dự khuyết (Assistant Professor) tại Trường đại học Johns Hopkins; tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên của nhiều chương trình lãnh đạo trẻ về y tế của quốc tế, tham dự Đại hội đồng Y tế thế giới của Liên hợp quốc tại Thụy Sĩ; viết sách và hàng chục bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín...

Bảng thành tích ấn tượng là thế nhưng khi gặp Trần Xuân Bách, mọi người lại cảm nhận được sự khiêm tốn, dễ gần của một chàng trai trẻ. Sinh năm 1984, Xuân Bách vốn là học sinh chuyên Toán - Tin Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Được gia đình hướng theo ngành kỹ thuật nhưng anh lại lựa chọn và say mê với ngành y. Miệt mài, chăm chỉ học tập, anh đã tốt nghiệp thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Y tế công cộng, rồi được làm giảng viên tại Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng (Trường đại học Y Hà Nội). Vừa bắt đầu với công việc giảng dạy, Xuân Bách vừa tiếp tục con đường học tập, nghiên cứu, theo học tiến sĩ tại những trường đại học hàng đầu thế giới về y tế của Ca-na-đa, Mỹ. “Trong thế giới học thuật, không có đường tắt mà đòi hỏi mỗi người phải thật sự phấn đấu và rèn luyện. Công việc nghiên cứu luôn đi cùng với rất nhiều khó khăn nhưng tôi coi đó là tất yếu, là thách thức để rèn luyện bản thân”, Trần Xuân Bách chia sẻ.

Những nghiên cứu của PGS Trần Xuân Bách tập trung nhiều vào vấn đề kinh tế y tế và chính sách y tế tác động tới quá trình vận hành hệ thống y tế, đưa ra các nhóm giải pháp chính nhằm giảm chi phí, tăng cường hiệu suất của hệ thống y tế và đáng chú ý là huy động nguồn lực đầu vào. Đồng thời, nghiên cứu các mô hình bệnh tật với các thách thức mới về sức khỏe toàn cầu, bảo hiểm y tế và viện trợ quốc tế, các vấn đề y tế bức xúc như HIV/AIDS, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống bệnh mãn tính... Không chỉ phân tích, đánh giá thực trạng, các nghiên cứu của anh còn đưa ra các giải pháp đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, được sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng y tế thế giới.

Trở về Trường đại học Y Hà Nội để tiếp tục công việc giảng dạy, Trần Xuân Bách đã đào tạo, trau dồi và nâng bước nhiều sinh viên giỏi thực hiện ước mơ du học, nghiên cứu chuyên sâu về y dược. Những bài giảng mới, hấp dẫn, thú vị của thầy Trần Xuân Bách luôn thu hút đông đảo sinh viên đến lớp, truyền cảm hứng và niềm say mê nghiên cứu tới các em. Anh còn tổ chức nhiều nhóm nghiên cứu, phụ trách triển khai các dự án đào tạo nghiên cứu viên trẻ, tư vấn, hỗ trợ các em trong học tập ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Đến nay, đã có hơn 50 nghiên cứu viên trẻ được đào tạo trong các chương trình nâng cao của anh. Vừa làm thầy, vừa làm bạn với sinh viên cho nên không mấy ai bất ngờ khi anh được Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội gửi thư khen dành cho “Giảng viên được nhiều sinh viên bình chọn” năm học 2014-2015.

PGS Trần Xuân Bách chia sẻ: “Qua những giờ lên lớp, những bài giảng, tôi mong muốn có thể khơi gợi, truyền cảm hứng học tập và tình yêu nghề tới các bạn sinh viên trẻ, giúp các bạn định hướng, đặt mục tiêu phấn đấu cho riêng mình. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng các hướng nghiên cứu và đào tạo một cách chuyên sâu, trọng tâm là giải quyết các vấn đề mà ngành y tế trong nước đang gặp phải, cũng như tăng cường liên kết, hội nhập với đồng nghiệp trên thế giới, tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho ngành y”. (Nhân dân, trang Hà Nội)

 

Nhận biết và điều trị thai phụ nhiễm Zika

Trường hợp thai phụ được chẩn đoán xác định nhiễm Zika phải siêu âm tiền sản mỗi 2-4 tuần.

Sau ca mắc virus Zika thứ 65 tại 17/24 quận, huyện tại TP.HCM, ngày 23-11, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành quy trình thu dung điều trị thai phụ bị nhiễm virus Zika.

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, bên cạnh việc toàn ngành y tế tập trung nguồn lực đẩy mạnh hoạt động phòng, chống dịch bệnh do virus Zika, nhóm điều trị thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và Zika của TP cùng các chuyên gia đầu ngành các bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới, Từ Dũ, Hùng Vương biên soạn quy trình thu dung điều trị thai phụ bị nhiễm virus Zika.

Chẩn đoán thai phụ nghi nhiễm Zika

Thai phụ được nghi nhiễm virus Zika khi có đủ các triệu chứng sau: Hồng ban da, xuất hiện hai trong ba triệu chứng: Sốt thường nhẹ trên 37,5oC, đau đầu, đau mỏi cơ khớp hoặc viêm kết mạc mắt. Nếu có đủ các triệu chứng nêu trên bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm chẩn đoán tại BV, sau đó gửi mẫu cùng phiếu thông tin về khoa Xét nghiệm - BV Bệnh nhiệt đới ngay trong ngày.

Trong vòng 48 giờ kể từ khi nhận mẫu bệnh phẩm (BV đến nhận tại khoa Xét nghiệm - BV Bệnh nhiệt đới), đối với những trường hợp kết quả dương tính, khoa Xét nghiệm - BV Bệnh nhiệt đới thông báo ngay kết quả theo địa chỉ email ghi trong phiếu thông tin bệnh nhân cho BV gửi mẫu và trả phiếu kết quả xét nghiệm theo quy trình thông thường.

Mọi thai phụ nghi ngờ nhiễm virus Zika đều được điều trị, theo dõi, tư vấn dù xét nghiệm âm tính hay dương tính. Ảnh minh họa: TL

Cách xử trí khi dương tính với Zika

Giai đoạn bệnh cấp tính: Mọi thai phụ nghi ngờ nhiễm virus Zika đều được điều trị, theo dõi, tư vấn dù xét nghiệm âm tính hay dương tính.

Bệnh nhân ngoại trú được nghỉ ngơi, hạ sốt bằng Paracetamol. Lưu ý không sử dụng aspirin và các thuốc thuộc nhóm chống viêm không Steroid. Bù nước và điện giải: Uống đủ nước (nước chín, nước trái cây hoặc Oresol). Vệ sinh mắt bằng nước muối (NaCl 0,9%). Đồng thời theo dõi các biểu hiện tổn thương thần kinh như yếu, liệt cơ…

Trong quá trình xét nghiệm, thai phụ được tư vấn những hậu quả có thể xảy ra khi nhiễm Zika trong thai kỳ. Các biện pháp cần thực hiện để phát hiện bất thường thai do nhiễm Zika. Các biện pháp để phòng, chống lây nhiễm Zika cho người khác.

Khi người bệnh sốt cao trên 39°C hoặc có triệu chứng tổn thương thần kinh cần nhập viện điều trị hoặc chuyển tuyến đến BV Bệnh nhiệt đới ngay lập tức. Đối với thai kỳ của thai phụ, các BV có chuyên khoa phụ sản thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc thai kỳ đối với những thai phụ trên hoặc có thể chuyển tuyến đến BV Từ Dũ, BV Hùng Vương nếu vượt quá khả năng.

Trường hợp thai phụ nghi ngờ nhiễm Zika nhưng xét nghiệm Zika âm tính, cần theo dõi và siêu âm định kỳ theo quy định tại hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản: Chú ý siêu âm đánh giá hình thái học thai nhi để kịp thời phát hiện những dấu hiệu của hội chứng Zika bẩm sinh. Hoặc tư vấn thêm cho thai phụ về những vấn đề liên quan đến nhiễm Zika trong thai kỳ.

Trường hợp thai phụ được chẩn đoán xác định nhiễm Zika phải siêu âm tiền sản mỗi 2-4 tuần (khoảng cách giữa các lần siêu âm tùy thuộc tuổi thai) để đánh giá cấu trúc giải phẫu và tăng trưởng thai.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ tư vấn thêm cho thai phụ về những vấn đề liên quan đến nhiễm Zika trong thai kỳ. Khi siêu âm phát hiện hoặc nghi ngờ có các bất thường thai của hội chứng Zika bẩm sinh, BV chuyển tuyến người bệnh đến BV Từ Dũ hoặc BV Hùng Vương để được thực hiện các xét nghiệm thăm dò, chẩn đoán trước sinh khác và xử trí tiếp theo. Hai BV này có trách nhiệm thực hiện việc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và xử trí trước sinh đối với thai phụ theo quy định để phát hiện, điều trị, xử trí các bất thường, dị tật của bào thai. (Pháp luật TPHCM, trang 13).

 

TPHCM: đã có 69 trường hợp nhiễm virus Zika

Theo Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong ngày 24/11, tại thành phố đã có thêm 4 ca dương tính với virus Zika. Như vậy tính đến thời điểm này, số trường hợp nhiễm Zika được xác định tại TPHCM đã lên 69 ca.

Đây là báo cáo số trường hợp được chẩn đoán xác định qua hệ thống giám sát trọng điểm bệnh Sốt xuất huyết Dengue - bệnh Chikungunya - bệnh do vi rút Zika và đã điều tra dịch tễ.

Đến nay, chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh. Tuy nhiên mọi người, đặc biệt thai phụ, cần chủ động phòng tránh muỗi đốt. Mọi nhà tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh Sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika. (Tiền phong, trang 2).

Cùng chủ đề: 

Báo Thanh niên, trang 2: “Đã có 69 người mắc vi rút Zika tại TP.HCM”;

Báo Gia đình & Xã hội, trang 6: “69 ca mắc, 17 quận, huyện của TP.HCM lưu hành virus Zika”

 

Trời lạnh đột ngột, trẻ nhập viện tăng

Ngày 24/11, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, nhiệt độ hạ thấp đột ngột sẽ khiến gia tăng số lượng bệnh nhi trong những ngày tới. Phần lớn bệnh nhân nhập viện do các bệnh viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

Trong ngày đầu tiên của đợt rét này, Đơn nguyên Hồi sức Hô hấp đã tiếp nhận 37 bệnh nhi nặng, trong đó có tới 30 bệnh nhân phải thở máy. Những trường hợp này phần lớn dưới 1 tuổi, là đối tượng chưa hoàn thiện hệ miễn dịch nên dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi đột ngột. Trẻ mắc các bệnh như viêm phổi, viêm tiểu phế quản nặng phải thở oxy từ các khoa khác chuyển vào.

Anh H.M.A có con trai 3,5 tháng tuổi bị suy hô hấp đang nằm điều trị tại Đơn nguyên Hồi sức Hô hấp cho biết, ngày 23/11, bé bắt đầu khò khè, hơi sốt, nghĩ con chỉ bị nhẹ nên không đưa đi viện khám. Đến đêm khi trời chuyển lạnh, bệnh trở nặng, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Có trẻ mới 1 tháng tuổi không có biểu hiện gì nặng ngoài ho, sổ mũi thông thường, nhưng chỉ 1 ngày sau trẻ sốt cao, nôn mửa, gia đình đưa vào viện ngay nhưng trẻ đã bị viêm phổi.

Tình trạng cha mẹ không đủ khả năng phát hiện sớm bệnh viêm phổi khiến trẻ nhập viện khi bệnh đã quá nặng là khá phổ biến. Tại khoa Hô hấp, số lượng bệnh nhi nhập viện vì viêm phổi luôn chiếm tỷ lệ cao, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.

PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, trong những ngày giá rét, đường hô hấp của trẻ rất dễ bị viêm nhiễm do hệ miễn dịch và cơ hô hấp của trẻ chưa hoàn thiện. Ngoài ra cấu trúc đường thở nhỏ nên rất dễ khó thở khi bị viêm nhiễm. Một sai lầm các phụ huynh hay gặp phải dẫn đến bệnh của trẻ nặng lên là việc tự ý dùng thuốc cho con, đến lúc bệnh tiến triển nặng mới đưa đi viện.

Bác sĩ khuyến cáo, thời tiết lạnh, nên tránh cho trẻ chạy ra chạy vào giữa trong nhà và ngoài sân để phòng các bệnh viêm tai mũi họng, viêm đường hô hấp. Trong gia đình có người bị hắt hơi, sổ mũi cần phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… để không lây bệnh sang các thành viên khác. (Tiền phong, trang 6).

 

Cần sớm có nhà máy sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp

Chiều 24.11, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về việc tự chủ sản xuất vắc xin trong nước. Tham dự có lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng cho rằng việc tự chủ sản xuất vắc xin trong nước có ý nghĩa quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân và đây cũng là vấn đề khó, nhất là việc sản xuất vắc xin phối hợp và sản xuất ở quy mô công nghiệp. Giải bài toán khó này, cần phải có một đơn vị chủ trì, cơ quan quản lý để chịu trách nhiệm trước nhà nước, bên cạnh đó là xác định các đơn vị phối hợp. Trước hết, tập trung vào quá trình nghiên cứu, làm chủ về công nghệ sản xuất, nhằm sớm có nhà máy hiện đại, sản xuất vắc xin với chất lượng tốt, có hiệu quả cả về mặt xã hội và kinh tế với tinh thần theo cơ chế thị trường, không bao cấp.

Thủ tướng đồng ý nhà nước sẽ đầu tư để có công nghệ lõi sản xuất vắc xin, đồng thời kêu gọi xã hội hóa mạnh mẽ trong thời gian tới. Cùng với việc nghiên cứu này, phải có chính sách đồng bộ, trong đó có chính sách xuất nhập khẩu vắc xin trên cơ sở phù hợp với quy định quốc tế và điều kiện của VN. (Tuổi trẻ, trang 2; Thanh niên, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang