Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/1/2016

  • |
T5g.org.vn - Những nghiên cứu khoa học đã cứu sống hàng ngàn người bệnh; Ngành Y tế: Hướng tới chất lượng, hiệu quả và công bằng…

Những nghiên cứu khoa học đã cứu sống hàng ngàn người bệnh

Chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XII, kỷ niệm 105 năm thành lập Bệnh viện Bạch Mai, ngày 21-1, tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức Hội nghị Khoa học lần thứ 30.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS- TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau 105 năm xây dựng và phát triển, ngày nay Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên của Việt Nam, một trong những Trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước.

Hội nghị khoa học lần này là dịp để các nhà khoa học Bệnh viện Bạch Mai trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong nghiên cứu khoa học phục vụ chuẩn đoán và điều trị với các đồng nghiệp.

69 đề tài nghiên cứu được đăng trong kỷ yếu khoa học và 64 đề tài nghiên cứu được báo cáo trong Hội nghị là những công trình khoa học tiêu biểu được chắt lọc từ hơn 400 nghiên cứu của bệnh viện được thực hiện trong hai năm qua đại diện cho mọi lĩnh vực chuyên môn của bệnh viện.

Tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh khẳng định, trong những năm qua khoa học, công nghệ nói chung, đặc biệt khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực y tế đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng. Chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao thông qua các hình thức hợp tác song phương, đa phương với các nước về lĩnh vực y tế đã đem lại những kết quả quan trọng trong chuẩn đoán và điều trị, từ đó giúp người dân thụ hưởng ngày càng nhiều các công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến về y học. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng thành công trong chuẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh ở người như ghép đa tạng, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị, phẫu thuật nội soi, chuẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch, sản xuất vaccine phòng bệnh ở người, phẫu thuật nội soi tuyến giáp,… Nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ như ghép tạng, sản xuất thuốc sốt rét Artemisinin, sản xuất vaccine, sản xuất thuốc từ dược liệu…

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá cao những kết quả mà Bệnh viện Bạch Mai đã đạt được. Thứ trưởng khẳng định sự hiệu quả và tính bền vững của các công trình khoa học này đã cứu sống rất nhều người bệnh, đồng thời cũng nâng cao năng lực chuyên môn của các bác sĩ, nhà khoa học Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng bày tỏ mong muốn các nhà khoa học của ngành y tế tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, xây dựng kế hoạch nghiên cứu trung hạn, dài hạn, góp phần nâng cao trình độ khoa học – y học của Việt Nam.

“Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai để tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học ngành y tế phát huy khả năng của mình, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời nâng cao vị thế của trình độ khoa học – y học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết. (Nhân dân (trang 7), Công an nhân dân (trang 6):

Ngành Y tế: Hướng tới chất lượng, hiệu quả và công bằng

Công cuộc đổi mới toàn diện trong 30 năm qua ở Việt Nam đã tạo ra những thành tựu to lớn trên nhiều phương diện, trong đó có y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tiến một bước dài, với chất lượng phục vụ cao hơn, hiệu quả khám, chữa bệnh tốt hơn.

Tín hiệu tích cực...

Đánh giá kết quả 30 năm đổi mới hệ thống y tế nước ta, GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, trong những năm qua, các nghiên cứu khoa học về y học đã được đẩy mạnh ở tất cả các địa phương, đặc biệt ở các viện, trường đại học và bệnh viện (BV) đầu ngành. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng và đưa vào thực tế chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Nghiên cứu khoa học trong y học cũng như việc áp dụng thành công các kỹ thuật mới của y học không chỉ diễn ra ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mà còn được thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhờ đó, y học nước nhà đã có những thành tựu hết sức to lớn, làm thay đổi khả năng phát hiện bệnh tật và điều trị bệnh tật cho con người. Thành tựu y học nổi bật nhất trong suốt quá trình đổi mới của y tế nước nhà, phải kể đến kỹ thuật ghép tạng. PGS - TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Hữu nghị Việt - Đức cho biết, ghép tạng là kỹ thuật công nghệ cao, chỉ thực hiện được ở những nước có nền y học tiên tiến. Ngành Ghép tạng Việt Nam đi sau thế giới đến gần nửa thế kỷ và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm. Tuy nhiên, với những nỗ lực của các thầy thuốc, nhà khoa học, Việt Nam đã dần rút ngắn được thời gian tụt hậu, từng bước vươn đến đỉnh cao y học. Hiện các bác sĩ nước ta đã hoàn toàn làm chủ tất cả kỹ thuật ghép tạng phức tạp nhất, tiệm cận với trình độ ghép tạng thế giới. Cả nước cũng đã có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật ghép mô, tạng phức tạp với những "cánh chim đầu đàn" như: BV Hữu nghị Việt - Đức, BV Chợ Rẫy, BV 103...

Có lẽ ca ghép tạng "xuyên Việt" được các y, bác sĩ BV Hữu nghị Việt - Đức thực hiện thành công và cũng là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Y tế trong năm 2015 một lần nữa khẳng định trình độ chuyên môn và "tay nghề" của các thầy thuốc nước nhà. Lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam ghi nhận ca ghép tạng thành công, mà tim và gan của người hiến được vận chuyển hơn 1.700km từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng máy bay với sự tận tâm cũng như nỗ lực hết mình của các y, bác sĩ.

Xây dựng hình ảnh đẹp của người thầy thuốc

Không chỉ phát triển kỹ thuật cao ở BV tuyến trung ương, ngành Y tế còn chuyển giao các kỹ thuật đó xuống tuyến cơ sở thông qua việc triển khai đề án BV vệ tinh. Đến nay, ngành Y tế đã triển khai được 48 BV vệ tinh thuộc 5 chuyên khoa, gồm: tim mạch, sản, nhi, chấn thương chỉnh hình và ung bướu ở 38 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phấn đấu trong năm 2016, có 100% các tỉnh, thành phố phải thực hiện BV vệ tinh.

Bà Phạm Thị Kim Yến (52 tuổi ở xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) từng bị suy tim và phải phẫu thuật năm 2001 tại BV Việt - Đức. Sau một thời gian, bà bị huyết áp cao trên nền bệnh cũ, nên từ năm 2012 đến nay bà đã 5 lần bị đột quỵ. May mắn, trong thời gian này, BV Đa khoa Phố Nối (tỉnh Hưng Yên), được BV Bạch Mai chuyển giao nhiều kỹ thuật mới, đã nhiều lần cấp cứu kịp thời cho bà Yến, không phải vượt tuyến lên BV trung ương. Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoằng, Phó Giám đốc BV Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên) chia sẻ, dù chỉ là BV hạng 2 nhưng sau khi trở thành BV vệ tinh của BV Bạch Mai, chất lượng khám chữa bệnh tại đây đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên của BV đã giảm 34,6%. "Thực tế có nhiều trường hợp cấp cứu, nếu di chuyển xa, bệnh nhân có thể tử vong trên đường, nếu được cấp cứu điều trị ở tuyến dưới, bệnh nhân sẽ có cơ hội sống. Hơn nữa, khi tuyến dưới thực hiện được các kỹ thuật cao thì sẽ giảm tải cho BV tuyến trên, đồng thời đỡ gánh nặng ăn ở, đi lại cho bệnh nhân..." - bác sĩ Nguyễn Hữu Hoằng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, những kết quả mà ngành Y tế đạt được trong thời gian qua là rất quan trọng, tạo tiền đề cho việc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong những năm tiếp theo. Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Y tế sẽ tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm quá tải ở các BV trung ương và thành phố lớn, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, ngành Y tế sẽ triển khai ổn định mô hình, hoàn thiện hệ thống y tế theo quy hoạch đến năm 2025, định hướng tới 2035 theo hướng thu gọn đầu mối để nâng cao hiệu quả hoạt động, đầu tư; đồng thời nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, giảm sự chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền; xây dựng hình ảnh đẹp về người thầy thuốc.

 Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều tiến bộ, hệ thống cơ sở y tế được hình thành rộng khắp trên cả nước; số bác sĩ, số giường bệnh trên một vạn dân tăng nhanh. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2015, các chỉ số sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 vào năm 2010 lên 73,3 vào năm 2015; tỷ số tử vong mẹ giảm từ 68/100.000 trẻ sinh sống trong năm 2010, xuống còn 58,3/100.000 trẻ sinh sống vào năm 2015; tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 23,8‰ trong năm 2010, xuống còn 22,12‰ năm 2015; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 17,5% năm 2010, xuống 14,1% năm 2015. Số giường bệnh trên một vạn dân đã tăng từ 21,5 vào năm 2011 lên 24 giường vào năm 2015. (Hà Nội mới (trang 7).

Gia hạn thẻ BHYT năm 2016 cho người dân vùng đặc biệt khó khăn

Người dân đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được tiếp tục gia hạn thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2016 để được hưởng các quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh BHYT năm 2016 theo quy định của pháp luật, là điểm đáng chú ý trong văn bản do UBND tỉnh mới ban hành.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh có văn bản thông báo đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh về việc gia hạn thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng: người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn; người sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người sinh sống tại vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo tiếp tục được hưởng các quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh BHYT đến khi có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền theo chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Trên cơ sở danh sách đã được phê duyệt và cấp thẻ BHYT năm 2015, Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH rà soát, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách gia hạn thẻ BHYT năm 2016 cho các đối tượng nêu trên. (Gia đình & Xã hội (trang 6).

Chủ nhật Đỏ lần thứ VIII: Hòa chung một dòng máu

Chủ nhật Đỏ tỉnh Đắk Lắk năm 2016 do báo Tiền Phong phối hợp với Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) tỉnh Đắk Lắk tổ chức tại 3 điểm: trường CĐSP Đắk Lắk thu được 458 đơn vị máu; Nhà Văn hóa Trung tâm huyện Ea Kar 1.112 đơn vị máu và trường Đại học Tây Nguyên 867 đơn vị máu; Tổng cộng Chủ nhật Đỏ Đắk Lắk đã quyên góp được 2.437 đơn vị máu để phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân dịp tết Nguyên đán Bính Thân.

Chủ nhật Đỏ tại trường Đại học Tây Nguyên (ĐHTN) mở màn tưng bừng như ngày hội lớn với tiếng trống múa lân giòn giã, nhanh chóng thu hút hàng nghìn sinh viên, khách mời, công chúng từ bên ngoài vào xin tham gia hiến máu.

Thạc sĩ Vũ Nhật Phương, Phó Bí thư Đoàn, phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐHTN cho biết: Các thông tin về Chủ nhật Đỏ được Đoàn trường phân công CLB HMTN tổ chức vận động, truyền thông từ 1 tháng trước, soạn tờ rơi phát cho 184 chi đoàn của 9 khoa. Hơn 12.000 sinh viên hệ chính quy thuộc nhiều dân tộc khác nhau vừa thi học kỳ xong, nhiều lớp sinh viên đã được nghỉ về quê nhưng có em vẫn nán lại chờ tham gia Chủ nhật Đỏ. Trong số hơn 1.000 lá đơn tình nguyện hiến máu trong dịp này, có cả đồng chí Bí thư đoàn trường Bùi Ngọc Tân.

Trên ghế nằm hiến máu, nữ SV năm 2 khoa Giáo dục chính trị H’Phố Êban, người dân tộc Ê Đê vui thích kể: Hồi học phổ thông, có lần H’Phố đã đi hiến máu nhưng bước lên cân lại không đủ ký. Lần này để cho chắc, cả tháng qua H’Phố đã ráng ăn rất nhiều cho mập, nên sức khỏe tốt lắm rồi.

Cách ĐHTN hơn 3 cây số, thầy Chu Minh Huy bí thư Đoàn trường PTTH Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng dẫn một nhóm học sinh đến đăng ký tham gia Chữ nhật Đỏ, kết quả 12 em đủ tiêu chuẩn được hiến. Trường Nơ Trang Lơng hiện có 564 học sinh thuộc 16 dân tộc khác nhau, đã 2 lần được Ban vận động HMTN tỉnh tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào HMTN.

Nữ sinh K’sơr H’Nuyn dân tộc Ja Rai, nhà ở buôn Điêt xã Ea Sol huyện Ea H’leo, đang học lớp 12A5, nặng 56 ký, từng là vận động viên kéo co đoạt huy chương bạc toàn quốc trong Hội thi Văn hóa Thể thao các trường Nội trú toàn quốc tại Cần Thơ kể lần đầu được hiến máu nên... hơi sợ, nhưng trải qua rồi thì thấy rất nên tham gia. Nữ sinh H’El Mlô lớp 12 A1 nhà ở buôn Kô xã Cư Né huyện Krông Buk, xa nhà học nội trú đã 7 năm, thì lại thấy rất tự hào với cảm giác lần đầu tiên được cống hiến đích thực cho cộng đồng.

Ngoài học sinh, sinh viên, còn có một số cán bộ nhân viên ngành Điện lực tham gia hiến máu. Đứng lẫn giữa đám đông rất lâu, anh Trần Trung Hiển, giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Đắk Lắk cũng vui vẻ chờ tới lượt gọi tên. Đây là lần thứ tư vị lãnh đạo cấp Sở trẻ tuổi nhất của tỉnh Đắk Lắk tham gia HMTN, hưởng ứng Chủ nhật Đỏ.

Ban tổ chức Chủ nhật Đỏ tại Đắk Lắk đã trao tặng 10 sinh viên xuất sắc trong phong trào HMTN của trường ĐHTN 10 phần thưởng, mỗi suất 1 triệu đồng; tặng Câu lạc bộ HMTN ĐHTN bằng khen, kỷ niệm chương pha lê Chủ nhật Đỏ, và 7 triệu đồng hỗ trợ các phong trào thiện nguyện đầy ý nghĩa mà CLB thường xuyên tổ chức. Tại buổi lễ, Đoàn trường cũng đã phát động quyên góp giúp Thẩm Thị Nga, sinh viên năm 3 khoa Nông lâm bị tai nạn giao thông được hơn 6 triệu đồng.

Thầy Y Tru Aliô phó Bí thư Đảng ủy, hiệu phó trường ĐHTN từng nhiều năm làm công tác Đoàn, “giọng ca vàng” một thời của tỉnh Đắk Lắk đến dự lễ và trao thưởng cho các sinh viên, thân tình chia sẻ với đại diện báo Tiền Phong: Nếu lần sau báo Tiền Phong tiếp tục chọn nơi này làm điểm chính tổ chức Chủ nhật Đỏ, lãnh đạo trường sẽ tạo mọi điều kiện cho đông đảo hơn nữa sinh viên và các giảng viên trẻ tham gia chương trình đầy ý nghĩa nhân văn này.

Tích cực hỗ trợ Chủ nhật Đỏ lần thứ 3 tại Đắk Lắk có Ban An toàn Giao thông tỉnh, Điện lực Đắk Lắk, kỹ sư Nguyễn Đăng Phong Cty Sản xuất Bơm chìm Đăng Phong, thầy thuốc Khăm Phết Lào, bà Kim Cúc - Việt kiều Australia, Cty CP tập đoàn Cà phê Trung Nguyên, Cty In Công Nghệ Việt, Cty cổ phần quảng cáo và tổ chức sự kiện Pro, lực lượng bác sĩ - kỹ thuật viên xét nghiệm của Bệnh viện ĐK tỉnh và Trung tâm HHTM tỉnh Đắk Lắk.

Đà Nẵng thu về 892 đơn vị máu

Chiều 24/1, anh Nguyễn Trần Thuần, Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng cho biết: “892 đơn vị máu được thu về sau khi kết thúc Chủ nhật đỏ. Lê Thị Ái Như (SV năm ba, ĐH Kinh tế) chia sẻ: “Mỗi người cho đi một giọt máu hồng là giúp đỡ biết bao sinh mệnh. Sau lưng em còn hàng trăm bạn chưa tới lượt vẫn kiên trì đội mưa đứng đợi, có đứng ở vị trí này mới hiểu được điều bọn em đang làm thật sự ý nghĩa”.

Đợt này, Thành đoàn, Hội LHTN thành phố đã tuyên dương khen thưởng 33 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện tuổi trẻ Đà Nẵng năm 2015. (Tiền phong (trang 9).

Thanh Hóa: 592 đơn vị máu cứu người bệnh

Sáng 24/1, mặc dù thời tiết giá rét (6 độ C), nhưng hơn 1.000 đoàn viên thanh niên tại các trường học vẫn có mặt rất sớm tại Khu nhà đa năng (Trường Đại học Hồng Đức) để tham gia ngày hội Chủ nhật Đỏ. Năm nay, tham gia ngày hội Chủ nhật Đỏ tại Thanh Hóa có hơn 1.000 cán bộ, giáo viên, sinh viên các trường: Đại học Hồng Đức, Đại học Công nghiệp TPHCM, Cao đẳng nghề công nghiệp Thanh Hóa.

“Thành công chung của chương trình có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh Đoàn, báo Tiền Phong; đặc biệt là sự góp sức không nhỏ của Đoàn thanh niên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, sự hưởng ứng tích cực của các bạn tình nguyện viên”, ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu.

Để đảm bảo sức khỏe cho các tình nguyện viên tham gia hiến máu, ban tổ chức chương trình đã huy động nhiều quạt điện để sưởi ấm khu vực lấy máu; mua bánh mì, nấu nước ấm, chăn đắp cho các tình nguyện viên trước khi vào hiến máu... Ban tổ chức chương trình Chủ nhật Đỏ còn trao mỗi tình nguyện viên hiến máu 1 lốc sữa TH true milk do nhãn hàng này tài trợ.

Tham dự ngày hội Chủ nhật Đỏ tại Thanh Hóa, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong chia sẻ: Câu chuyện cổ tích Mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, sinh thành những người con, người lên núi, người xuống biển. Điều này có ý nghĩa trong mỗi chúng ta đều có mối quan hệ tốt đẹp như anh em, người thân trong một gia đình. Với ý nghĩa đó, mỗi giọt máu tình nguyện tại chương trình Chủ nhật Đỏ mang lại cơ hội sống cho chính đồng bào, người thân của mình. Cảm ơn các tình nguyện viên đã bất chấp thời tiết giá lạnh đến để tham gia hiến máu, mang lại thành công của chương trình… Theo thông báo của ban tổ chức, số đơn vị máu thu được là 592 đơn vị máu, vượt so với đăng ký ban đầu là 92 đơn vị máu. * Tiền phong (trang 9).

Chủ Nhật Đỏ 2016 lập kỷ lục mới: 20 nghìn đơn vị máu!

Tính đến chiều nay, 24/1, Chủ Nhật Đỏ lần thứ 8 năm 2016 đã xác lập kỷ lục mới với 20 nghìn đơn vị máu.

 Như vậy mặc dù còn 4 điểm hiến máu khác sẽ triển khai từ nay cho đến 28/1 (tại Thái Bình, Hải Dương và Quảng Bình) nhưng con số cao nhất mà Ban tổ chức đặt ra là từ 18 đến 20 nghìn đơn vị máu đã đạt được sớm hơn dự kiến!

Riêng trong ngày 24/1, ngày hội Chủ nhật đỏ tiếp tục diễn ra tại 8 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm: Đại học Y dược Thái Nguyên (284 Lương Ngọc Quyến, TP Thái Nguyên),  ĐH Tây nguyên (567 Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột), ĐH Hồng Đức (565, đường Quang Trung, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá), ĐH Quảng Bình (312 Lý Thường Kiệt, TP Đồng Hới), ĐH Thái Bình (xã Tân Bình, TP Thái Bình), Cung Văn hoá thiếu nhi Quảng Ninh (176 Lê Thánh Tông, TP Hạ Long, Quảng Ninh), ĐH Kinh tế Đà Nẵng – ĐH Đà Nẵng (71 Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng).

Như vậy so với năm đầu tiên triển khai vào mùa đông năm 2009 đạt được gần 100 đơn vị máu đến nay Chủ Nhật Đỏ lần thứ 8 đã có bước tiến vượt bậc, lan tỏa rộng khắp trong cả nước và thu hút hàng vạn người tham gia, trở thành chuỗi ngày hội của tuổi trẻ cả nước… (Tiền phong (trang 9).

Xây dựng nền y tế Việt Nam hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển

Chiều 22/1, tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đại hội làm việc tại hội trường thảo luận về các văn kiện.

Chiều 22/1, tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đại hội làm việc tại hội trường thảo luận về các văn kiện. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phát biểu tham luận về chủ đề “Vận dụng ba đột phá chiến lược để xây dựng nền y tế Việt Nam hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển”.

Ba đột phá trong y tế

Tham luận nhìn nhận qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó tập trung thực hiện 3 đột phá gồm: Đổi mới toàn diện cơ chế tài chính theo hướng giá dịch vụ phải tính đúng, tính đủ gắn liền với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, kịp thời hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo, người thuộc diện chính sách, người dân tộc thiểu số, đồng bào sống ở vùng khó khăn. Thực hiện đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng để nâng cao năng lực hệ thống y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Thực hiện đột phá về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực y tế.

Năm 2012, sau 17 năm, Bộ Y tế đã ban hành được Thông tư liên tịch điều chỉnh giá 447 dịch vụ, bước đầu điều chỉnh 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp vào cơ cấu thành giá. Chính sách này đã giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, có điều kiện nâng cấp khu khám bệnh khang trang sạch sẽ gắn với cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh, giảm bớt thời gian chờ đợi, phiền hà. Bộ Y tế cũng là đơn vị đầu tiên có nhiều đơn vị sự nghiệp trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong đơn vị sự nghiệp, trong đó xác định các đơn vị thực hiện cơ chế đó xây dựng lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, tăng quyền tự chủ, phát huy tính năng động, sáng tạo của các đơn vị.

Thực hiện Kết luận 63 của Ban chấp hành Trung ương và Nghị định 16 của Chính phủ, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công, năm 2015, Bộ Y tế và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc, trong đó tính chi phí trực tiếp vào tiền lương. Thông tư này sẽ được thực hiện vào quý I/2016.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc tính đúng, tính đủ chi phí giá dịch vụ y tế, chuyển ngân sách nhà nước cho các bệnh viện sang hỗ trợ cho nhân dân tham gia BHYT là bước đột phá trong cơ chế tài chính của ngành, đưa giá dịch vụ y tế về đúng giá trị thật, là điều kiện then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực y tế, đồng thời để thực hiện định hướng XHCN nhà nước dành ngân sách để ưu tiên cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, mua thẻ bảo hiểm và hỗ trợ người dân tộc thiểu số, người nông lâm ngư nghiệp, người có mức sống trung bình, người nghèo, người cận nghèo, người dân sống ở biển đảo và vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn tham gia BHYT, góp phần thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN và bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Tự nghiên cứu sản xuất và cung ứng đủ 11/12 loại vắc-xin

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ năm 2008 đến nay, ngành y tế đã được bố trí gần 55 ngàn tỷ để đầu tư 766 bệnh viện Trung ương, tỉnh, huyện và hàng trăm phòng khám đa khoa khu vực, bộ mặt cơ sở khám chữa bệnh từ tỉnh, huyện, cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa đã được thay đổi rõ rệt. Thực hiện đột phá về khoa học công nghệ, Việt Nam là một trong 39 nước làm chủ được công nghệ sản xuất vắc-xin, tự nghiên cứu sản xuất và cung ứng đủ 11/12 loại vắc-xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Sau 14 năm triển khai thực hiện, hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin (NRA) đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận, đảm bảo hành lang pháp lý để vắc-xin Việt Nam xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép đa tạng, ngoài các kỹ thuật thường quy về ghép tim, ghép gan, ghép thận, ghép tủy, giác mạc,... năm 2015 thực hiện thành công ghép đa tạng; làm chủ và chuyển giao nhiều kỹ thuật nội soi can thiệp cho các nước (như nội soi can thiệp trong bệnh mạch não, bệnh tim mạch, bệnh gan mật, bệnh lý cột sống, nội tiết, nhi khoa,...). Công tác nghiên cứu phục vụ bảo tồn, khai thác bền vững nguồn gen dược liệu quý hiếm với gần 4.000 loại, khai thác lợi thế dược liệu, sản xuất thuốc từ dược liệu có hiệu quả điều trị cao thay thế thuốc nhập khẩu, bước đầu xuất khẩu đạt giá trị cao.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về chăm sóc sức khỏe nhân dân và nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới; Quốc hội, Chính phủ bố trí nguồn trái phiếu trung hạn, ưu tiên đầu tư cho tuyến trung ương, tuyến tỉnh ở vùng khó khăn, kể cả bệnh viện tuyến huyện chưa được đầu tư trái phiếu Chính phủ và các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa. Chính phủ cho phép xem xét thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên và lương khởi điểm cho cán bộ y tế theo Nghị quyết là một ngành tuyển chọn đặc biệt, đào tạo đặc biệt, sử dụng đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt. (Sức khỏe & Đời sống (trang 3):

Bộ trưởng Bộ Y tế: Kỹ thuật mang thai hộ tại nước ta đã ngang tầm thế giới

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ: Ngành Y tế và người dân Việt Nam rất vui mừng vì chúng ta đã thực hiện thành công trường hợp mang thai hộ đầu tiên. Điều này cũng cho thấy rằng, Nghị định của Chính phủ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã đi vào cuộc sống.

Cuối giờ chiều ngày 22/1, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm hỏi và chúc mừng Bệnh viện Phụ sản Trung ương và gia đình cháu bé đầu tiên ra đời nhờ phương pháp mang thai hộ tại Việt Nam.

Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao nỗ lực của các thầy thuốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia đã thực hiện thành công trường hợp mang thai hộ đầu tiên của cả nước. Đồng thời ghi nhận kỹ thuật mang thai hộ tại nước ta đã ngang tầm thế giới. Thay vì đi Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ  nhờ mang thai hộ rất tốn kém và phiền toái, các cặp vợ chồng hiếm muộn ở nước ta hoàn toàn có thể thực hiện ước mơ có con tại 3 bệnh viện lớn là Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ- TP Hồ Chí Minh

Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ: Ngành Y tế và người dân Việt Nam rất vui mừng vì chúng ta đã thực hiện thành công trường hợp mang thai hộ đầu tiên. Điều này cũng cho thấy rằng, Nghị định của Chính phủ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã đi vào cuộc sống. “Khi xây dựng Luật Hôn nhân và Gia đình (Sửa đổi), đến mục mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hay không, đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn luôn giữ quan điểm cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bởi đã có rất nhiều cặp vợ chồng đau khổ vì không thể có con, trong khi thành tựu y học, hỗ trợ sinh sản nước nhà có thể giúp họ thực hiện nguyện vọng đó” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ. Chính vì thế, trường hợp đầu tiên thành công nhờ mang thai hộ này đã đi vào lịch sử hỗ trợ sinh sản nước nhà. Thăm hỏi và tặng quà gia đình bé gái đầu tiên ra đời nhờ phương pháp mang thai hộ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bày tỏ vui mừng trước những đóng góp của ngành cho nguyện vọng chính đáng của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Trước đó, vào hơn 7 giờ sáng nay, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia đã trực tiếp thực hiện ca mổ đẻ, đón bé gái đầu tiên ra đời nhờ phương pháp mang thai hộ. Cháu bé được đặt tên là Đinh Quỳnh Anh, nặng 3,6kg, được Bệnh viện Phụ sản Trung ương miễn phí hoàn toàn viện phí. Ngày mai, sản phụ và cháu bé được xuất viện. Vợ chồng người nhờ mang thai hộ quê Ninh Bình, cưới nhau gần 20 năm, nay mới có con. Người mang thai hộ 46 tuổi là chị họ của bố cháu bé. (Sức khỏe & Đời sống (trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang