Tiêm chủng lưu động sai quy định: Phòng khám Gia đình Hà Nội nhận án phạt
Trao đổi với Lao Động sáng 24.12, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Đã ký quyết định xử phạt đối với Phòng khám Gia đình Hà Nội về việc phòng khám này thực hiện tiêm chủng lưu động sai quy định. Mức phạt là 20 triệu đồng”. Theo Chánh Thanh tra Sở Y tế, sau khi nhận được thông tin phản ánh của Báo Lao Động về việc Phòng khám Gia đình Hà Nội sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng do Sở Y tế Hà Nội cấp để thực hiện tiêm chủng ngoài cơ sở đã đăng ký, Thanh tra Sở đã tiến hành kiểm tra hoạt động của phòng khám này và đã ra quyết định xử phạt hành chính. Theo đó, Phòng khám Gia đình Hà Nội bị xử phạt 20 triệu đồng.
Trước đó (ngày 16.12), Báo Lao Động có đăng tải bài viết “Phòng khám Gia đình Hà Nội tiêm chủng lưu động: Sở Y tế Hà Nội chưa cấp phép”. Nội dung bài viết khẳng định việc phòng khám đa khoa trực thuộc Cty TNHH Phòng khám Gia đình Hà Nội (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) thực hiện tiêm chủng ngoài địa bàn đã đăng ký khi chưa có sự đồng ý của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.
Trong vai doanh nghiệp tại Nghệ An có nhu cầu tiêm chủng trao đổi với đại diện của phòng khám này, người đại diện đã thừa nhận với PV đã từng thực hiện tiêm chủng ở Nghệ An, Thanh Hóa. Điều này hoàn toàn trái với Thông tư số 12/2014/TT-BYT ban hành ngày 20.3.2014 về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng vaccine trong tiêm chủng của Bộ Y tế.
Anh Nguyễn Thành Quân - chuyên viên Phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế Hà Nội cho biết: Phòng khám Gia đình Hà Nội đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng nhưng giấy chứng nhận đó là áp dụng cho việc cơ sở đó được phép thực hiện tiêm chủng tại địa chỉ đã đăng ký chứ không phải dùng giấy đó để đi tiêm ở những địa điểm khác, như thế là sai quy định.
Anh Quân cho biết thêm, cơ sở y tế chỉ được phép thực hiện tiêm chủng lưu động khi có sự đồng ý của Giám đốc Sở Y tế trong trường hợp tiêm chiến dịch, chống dịch, hoặc tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thạc sĩ Vũ Cao Cương - Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế Hà Nội khẳng định: “Hiện tại, Sở Y tế chưa cấp phép cho một đơn vị nào đi tiêm chủng dưới hình thức lưu động. Thông tư số 12/2014/TT-BYT ban hành ngày 20.3.2014 về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng vaccine trong tiêm chủng của Bộ Y tế cũng quy định rõ, đơn vị được phép thực hiện tiêm chủng lưu động là trạm y tế xã đã được cấp phép đủ điều kiện tiêm chủng. Tức là hiện tại, cơ sở y tế tư nhân không được phép thực hiện tiêm chủng lưu động” (Lao động trang 2).
Brazil 'hoãn đẻ' vì dịch Zika
Dân số Brazil có thể sẽ tạm ngừng tăng sau khi giới chức khuyến cáo “tạm hoãn có con” để tránh nguy cơ em bé mắc chứng đầu nhỏ do nhiễm vi rút từ muỗi. Trong một khuyến cáo bất thường, giới chức y tế Brazil cảnh báo các gia đình, đặc biệt ở khu vực đông bắc, nên tạm ngưng kế hoạch sinh con để tránh nguy cơ thai nhi mắc chứng đầu nhỏ có thể gây tổn hại não thậm chí tử vong.
Theo CNN ngày 24.12, giới hữu trách tin rằng nguyên nhân bùng phát các ca đầu nhỏ nằm ở dòng vi rút mang tên Zika, lây lan qua vật trung gian là muỗi Aedes aegypti vốn cũng là tác nhân truyền bệnh sốt vàng da, sốt xuất huyết và sốt chikungunya.
Ám ảnh đầu nhỏ
Patricia Compassi, sống tại Sao Paulo, là một trong những bà mẹ gặp phải thảm cảnh đau lòng do vi rút Zika. “Ban đầu kết quả siêu âm đều bình thường. Đến giai đoạn cuối, tin dữ lại ập đến”, Compassi nói trong nước mắt. Theo Đài Globo TV, trong suốt giai đoạn đầu và giữa thai kỳ, người mẹ trẻ chỉ có dấu hiệu bất thường duy nhất là nổi mẩn và đau nhức khớp trong một thời gian ngắn. Lúc đó, bác sĩ cho rằng cô bị dị ứng thực phẩm, nhưng giờ đây họ liên hệ tình trạng đó với Zika. Đến giai đoạn cuối của thai kỳ, bác sĩ xác định thai nhi sẽ sinh ra với chứng đầu nhỏ.
Hội chứng đầu nhỏ là tên đặt cho rối loạn bẩm sinh về thần kinh hiếm gặp khiến trẻ sinh ra với bộ não bị teo dần do phát triển không hoàn chỉnh, biểu hiện bên ngoài là kích thước vòng đầu nhỏ bất thường. Hậu quả nghiêm trọng nhất là chết non. Nhưng nếu sống sót, trẻ thường gặp vấn đề nghiêm trọng về thần kinh trong quá trình phát triển. Tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 2.400 ca bị nghi mắc chứng đầu nhỏ xảy ra ở 20 bang của Brazil, tăng mạnh so với 147 ca vào năm ngoái. Tính riêng tại bang Pernambuco, giới chức y tế đã ghi nhận hơn 900 trường hợp với hàng chục ca tử vong.
Trong quá trình theo dõi, các bác sĩ nhận ra tình trạng tăng mạnh các ca đầu nhỏ xảy ra song song với sự xuất hiện của vi rút Zika tại Brazil. Theo tờ The Washington Post, hầu hết các bà mẹ bị ảnh hưởng đều xuất hiện các triệu chứng nhiễm vi rút Zika trong giai đoạn đầu của thai kỳ như sốt nhẹ, phát ban và đau nhức. Chưa hết, Bộ Y tế Brazil cho biết các chuyên gia đã tìm thấy vi rút Zika ở trẻ tử vong vì bệnh đầu nhỏ cũng như trong dịch màng ối của 2 phụ nữ mang thai.
“Đây là quyết định hết sức riêng tư và khó khăn, nhưng trong giai đoạn chưa rõ ràng này, chúng tôi đề nghị các gia đình nên hoãn kế hoạch sinh con”, CNN dẫn lời Angela Rocha, chuyên gia về nhiễm trùng nhi khoa thuộc Bệnh viện Oswaldo Cruz tại Pernambuco, nói.
Tình trạng khẩn cấp
Vi rút Zika được phát hiện lần đầu ở loài khỉ rừng châu Phi trong thập niên 1940, là một chủng vi rút tây sông Nile mới, từng lây lan sang nam Thái Bình Dương cũng như một phần châu Á và đến giờ là Nam Mỹ. CNN dẫn lời một số bác sĩ tin rằng du khách từ châu Á hoặc nam Thái Bình Dương có thể đã mang theo mầm bệnh khi đến Brazil trong mùa World Cup năm 2014. Điều nguy hiểm là đối với đa số người, nhiễm vi rút Zika chỉ gây ra các triệu chứng thông thường, không có biến chứng nặng nề gì. Vì thế việc phòng ngừa và phát hiện điều trị sớm khá khó khăn.
Trước mắt, đã có 6 bang ở Brazil tuyên bố tình trạng khẩn cấp, còn Bộ Y tế Brazil đang nỗ lực tiến hành chiến dịch tuyên truyền về phòng chống muỗi và đề cao cảnh giác trước mọi biểu hiện bất thường ở thai phụ. Giới hữu trách cũng triển khai đưa hóa chất larvicide chuyên dùng xử lý hồ bơi đến các tỉnh thành để phòng muỗi đồng thời bổ sung 266.000 nhân viên y tế cộng đồng cho công tác tuyên truyền. Tại Rio de Janeiro, thành phố đăng cai Thế vận hội 2016, chính quyền thiết lập các đội kiểm tra hơn 9 triệu hộ gia đình để xử lý các hồ bơi, bồn chứa nước... có thể là môi trường sinh sôi của muỗi.
Trong khi đó, dù chưa chính thức xác nhận sự liên hệ giữa vi rút Zika với chứng đầu nhỏ, tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát khuyến cáo liên quan đến dịch Zika tại Brazil và các quốc gia Mỹ La tinh khác.
Theo The Washington Post, tại Mỹ cũng phát hiện một số ca nhiễm, nhưng là người nhập cảnh từ nước ngoài.
VN chưa từng ghi nhận bệnh do vi rút Zika
Liên quan đến thông tin báo chí đưa về việc Bộ Y tế Brazil cho biết đã phát hiện vi rút Zika được cho là nguyên nhân gây chứng đầu nhỏ ở trẻ, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, theo thông tin ban đầu, vi rút này có thể lây qua đường muỗi truyền. Hầu hết gây bệnh cảnh thông thường nhưng một số trường hợp có thể gây nguy hiểm cho thần kinh. Vi rút này chưa từng ghi nhận tại VN. Tuy nhiên, trước mật độ giao lưu đi lại giữa các vùng địa lý cao, VN vẫn cần có biện pháp ứng phó nguy cơ xâm nhập.
Ngày 24.12, Cục Y tế dự phòng đang tiếp nhận thông tin chính thống từ WHO về căn bệnh này và mức độ lưu hành; loại muỗi có thể truyền vi rút cũng như mức độ cảnh báo bệnh xâm nhập vào VN. Trong hôm nay 25.12, Cục sẽ có khuyến cáo chính thức đến người dân trong nước (Thanh niên trang 23).
Vắcxin dịch vụ vẫn căng thẳng
Ngay ngày 23 và 24- 12 khoảng 10.000 liều vắc xin 5 trong 1 dịch vụ (vắc xin Pentaxim) được chuyển đến các cơ sở tiêm chủng. Nhận được vắc xin nhưng phòng tiêm chủng của Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) chưa thể triển khai tiêm, dù số người ghi danh đợi lên đến hàng nghìn. Ông Đỗ Tuấn Đạt, giám đốc công ty, cho biết với 400 liều Pentaxim được nhận lần này, ông phải “nghĩ cách” không thất hứa với khách hàng.
Về ồ ạt vẫn lo
Thông báo mới nhất của ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược, cho hay đến ngày 24-12 đã có 137.000 liều vắc xin Pentaxim cập cảng VN. Ngày 30-12 này sẽ có 34.000 liều nữa. Nhà sản xuất vắc xin Pentaxim cũng cam kết đến tháng 2-2016 có thêm 40.000 liều được cung cấp về VN. So với số Pentaxim đã về trong gần cả năm 2015 chỉ khoảng 20.000 liều, thì hơn 200.000 liều vắc xin ồ ạt về trong ba tháng quả là “chuyện trong mơ” với các gia đình có con nhỏ đang mỏi mòn chờ đợi vắc xin 5 trong 1 dịch vụ. Tuy nhiên theo ông Đỗ Tuấn Đạt, ước tính thị trường vắc xin dịch vụ chiếm 10% tổng số trẻ mới sinh hàng năm, tương đương khoảng 170.000 trẻ (Tuổi trẻ trang 14).
Hà Nội bắt đầu tiêm vắc-xin dịch vụ 5 trong 1
Ngày 24/12, tại Hà Nội đã có 2 cơ sở bắt đầu tiêm vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim cho trẻ. Cơ sở tiêm tại Viện kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), số 1 Nghiêm Xuân Yêm, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai những ai có nhu cầu đều phải xếp hàng lấy số. Tại Phòng tiêm chủng và dịch vụ Polyvac cơ sở 1, số 418 Vĩnh Hưng, Hoàng Mai và cơ sở 2 số 182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội sẽ bắt đầu tiêm từ hôm nay (25/12).
Mọi người phải xếp số tại quầy lễ tân, số thứ tự buổi nào sẽ phát vào giờ làm việc buổi đó, ưu tiên cho trẻ chưa hoàn thành 3 mũi cơ bản. Phòng tiêm chủng và dịch vụ Polyvac mỗi buổi chỉ tiêm cho 30 trẻ, giá là 720.000 đồng/liều. Tại những cơ sở này không nhận đăng ký tiêm đặt trước dưới mọi hình thức. Những cơ sở tiêm chủng khác tại Hà Nội cho biết sẽ triển khai tiêm vắc-xin 5 trong 1 vào tuần sau. TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết, Trung tâm đã nhận 3.200 liều vắc-xin 5 trong 1 nhưng đang xây dựng kế hoạch triển khai thật minh bạch, công bằng. Dự kiến đầu tuần tới trung tâm mới bắt đầu tiêm và không nhận đặt trước (Tiền phong trang 15).
Trường đại học Y Hà Nội bổ nhiệm 15 giáo sư và phó giáo sư
Chiều 24-12, Trường đại học Y Hà Nội tổ chức bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2015. Theo đó, có ba giáo sư và 12 phó giáo sư của nhà trường được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận đã được bổ nhiệm lần này.
Các giáo sư, phó giáo sư được bổ nhiệm thuộc các chuyên ngành: Y học cổ truyền; Nội - Tiêu hóa; Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực; Ung thư; Răng - Hàm - Mặt; Nội - Nội tiết; Kỹ thuật Y học; Nội - Hô hấp, Huyết học, Ngoại Nhi, Ngoại khoa .
Theo PGS- TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, chính các giáo sư, phó giáo sư là những người quyết định chất lượng và danh tiếng của trường. Một trường đại học muốn hoạt động, tổ chức tốt buộc phải có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, thầy giáo ưu tú để có thể dẫn dắt các học sinh giỏi. Chính vì vậy, Ban giám hiệu nhà trường và các đơn vị có nghĩa vụ và tạo điều kiện để các giáo sư, phó giáo sư có thể đóng góp tối đa sức lực, trí tuệ cho trường.
PGS-TS Nguyễn Đức Hinh cũng mong muốn các giáo sư, phó giáo sư mới được bổ nhiệm và đội ngũ giáo sư, phó giáo sư đã được bổ nhiệm trước đây sẽ là những ngọn cờ đầu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Là những người tiên phong trong đổi mới, lựa chọn có đường phù hợp cho nhà trường tiếp tục phát triển.
Trường đại học Y Hà Nội hiện là một trong 15 trường đại học trọng điểm quốc gia; là đơn vị chủ lực của Bộ Y tế trong nghiên nghiên cứu khoa học - công nghệ và đào tạo đại học sau đại học.
Tính đến tháng 12- 2015, số lượng giảng viên của Trường đại học Y Hà Nội được bổ nhiệm giáo sư là 32 người (21 cơ hữu và 11 thỉnh giảng) và 228 phó giáo sư (153 cơ hữu, 75 thỉnh giảng) ( Nhân dân trang 5).
Chung tay chăm sóc người cao tuổi
Năm 2010, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ) triển khai mô hình “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” tại 29 tỉnh, thành phố. Sau 5 năm, mô hình bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan, người cao tuổi (NCT) được xã hội quan tâm, chăm sóc tốt hơn và bản thân họ đã phát huy giá trị tuổi già, từng bước nâng cao chất lượng sống, khỏe về thể chất, vui về tinh thần... Đó cũng là mục tiêu mà Ngày dân số Việt Nam (26-12) năm nay đặt ra. |
Niềm vui tuổi xế chiều 19 giờ, sau khi “bàn giao” đứa cháu nội cho vợ chồng người con trai cả, bà Vũ Thị Loan lại chuẩn bị đến tập văn nghệ tại Hội NCT phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông (Hà Nội). Bà Loan chia sẻ: Từ khi được tham gia hoạt động Hội NCT và tham gia câu lạc bộ văn nghệ, tôi thấy thoải mái hơn. Hồi mới về hưu, tôi chẳng đi đâu, suốt ngày chỉ loay hoay chăm sóc đứa cháu nội, tâm lý bức xúc sinh cáu giận. Từ khi cháu nội lớn hơn, con cái làm ăn khấm khá thuê được người giúp việc, tôi mới rảnh rang tham gia hội. Đã ba năm nay, bà Loan đều đặn đến với các buổi sinh hoạt của Chi hội NCT phường Nguyễn Trãi. Buổi sáng, các hội viên còn tập dưỡng sinh giữ gìn sức khỏe... Bà Loan tâm sự, nhiều người cũng có hoàn cảnh giống bà, đã tích cực tham gia sinh hoạt hội. Vì vậy, ban đầu cả phường chỉ có 10 người tham gia hội, bây giờ đã tăng lên 30 người. "Bổ ích lắm, bởi qua các buổi sinh hoạt, mọi người không chỉ được cập nhật thông tin tìm hiểu về các chính sách mới của Đảng và Nhà nước mà còn biết nhiều về kiến thức phòng, chống dịch bệnh như tiểu đường, hô hấp, dịch sởi để chủ động giữ sức khỏe cho bản thân và phòng, chống dịch bệnh cho con cháu" - Bà Loan nói. Nhiều địa phương đã ý thức được trách nhiệm trong việc chăm sóc cuộc sống NCT, coi trọng tổ chức hội và có nội dung sinh hoạt phong phú. Tại Hải Phòng, Hội NCT thôn Hàm Dương, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo đã phát huy vai trò hội viên NCT trong việc vận động con cháu thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, không sinh con thứ ba, không “trọng nam, khinh nữ”, và không lựa chọn giới tính khi sinh. Ông Hữu Tịnh, Trưởng ban liên lạc dòng họ Hoàng Hữu chia sẻ: Dòng họ Hoàng Hữu là một trong những dòng họ lớn của huyện Vĩnh Bảo. Trước đây tồn tại quan niệm thành viên dòng họ phải là đinh (nam), “mừng lão, thăm hỏi, kính viếng chỉ cụ ông”. Các hoạt động của dòng họ đều đề cao nam giới, từ họp giỗ tổ đến tiết thanh minh hằng năm, chỉ nam giới mới được tham dự, vì thế nhiều gia đình cố sinh bằng được một suất “đinh” để “mở mày mở mặt”. Nhưng từ khi tham gia Hội NCT thôn Hàm Dương, nhờ sự vận động, tuyên truyền của cán bộ dân số huyện, những NCT của dòng họ đã vận động con cháu thay đổi nhận thức, bỏ dần hủ tục trọng nam, khinh nữ. Bây giờ điều lệ của dòng họ Hoàng Hữu đã được thay đổi từ việc hiếu, hỷ, giỗ tổ đến khuyến học... đều không phân biệt trai hay gái. Ông Nguyễn Văn Tân, Quyền Tổng cục trưởng DS - KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết: Mô hình “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng” thật sự phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa, tạo sự chuyển biến trong công tác DS - KHHGĐ. Trước đây, ngành dân số chỉ quan tâm các đối tượng là phụ nữ và trẻ em mà chưa quan tâm đúng mức đến NCT. Mô hình “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng” là giải pháp tích cực trong giải quyết nhiều vấn đề xã hội, đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực như: tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng tư vấn và chăm sóc NCT cho hội viên NCT, cung cấp được thông tin, kiến thức về DS - KHHGĐ. Qua đó, bản thân NCT không những được hưởng lợi mà còn phát huy hiệu quả vai trò của mình đối với gia đình và xã hội trong giải quyết các vấn đề dân số. Họ chính là những tuyên truyền viên tích cực vận động con cháu thực hiện chính sách dân số của Đảng và Nhà nước. Nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe NCT Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tân cho rằng: Đề án Tư vấn và chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc vì đã triển khai được nhiều nội dung thiết thực như: tổ chức tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng tư vấn và chăm sóc NCT cho đội ngũ tình nguyện viên và hội viên NCT trên toàn quốc. Hướng dẫn NCT phương pháp chăm sóc sức khỏe, chế độ sinh hoạt, khuyến khích NCT sống khỏe, sống có ích, phấn đấu là tấm gương để con cháu học tập noi theo. Tuy nhiên, một số địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể vẫn chưa nhận thức đầy đủ, khách quan về vị trí, vai trò của NCT. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả chăm lo và khai thác tiềm năng về tri thức, kinh nghiệm quản lý, sức lao động, khả năng đóng góp của lực lượng này ở địa phương. Kinh phí cho các hoạt động của Hội NCT còn hạn chế. Thực tế, hiện nay đời sống vật chất và tinh thần của NCT vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Nội dung hoạt động ở một số hội NCT còn đơn điệu, thiếu sức hấp dẫn, cho nên chưa thu hút hội viên. Trong khi đó, Việt Nam là một trong mười nước có dân số già hóa nhanh nhất khu vực và thế giới. Số lượng NCT tăng nhanh đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với chất lượng dân số, đó là làm thế nào để bảo đảm an toàn, ổn định các quỹ hưu, quỹ bảo hiểm y tế. Số lượng NCT và tuổi thọ tăng lên kéo theo sự thay đổi của mô hình bệnh tật, do tỷ lệ mắc bệnh ở NCT cao hơn so với lứa tuổi khác và thường gặp tình trạng mắc bệnh tật kép, nhất là các bệnh mãn tính. Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết: Quốc hội và Chính phủ có chủ trương khuyến khích xã hội hóa chăm sóc sức khỏe NCT. Tuy nhiên, mô hình chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng chưa nhiều. Để nâng cao chất lượng sức khỏe NCT cần đưa vấn đề già hóa và nhu cầu của NCT vào tất cả các chương trình, chính sách phát triển quốc gia, nhất là các chính sách, chương trình an sinh xã hội; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc NCT. Các cấp chính quyền cần tích cực khuyến khích, tạo điều kiện để NCT tiếp tục tham gia các hoạt động đoàn thể phù hợp sức khỏe và kinh nghiệm. Đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, chăm sóc ban đầu, tăng cường các hướng tiếp cận chăm sóc thân thiện, chuyển hướng từ dự phòng các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mạn tính như: tiểu đường, huyết áp, tim mạch... Các chính sách, chương trình về NCT cần bảo đảm và thực thi đầy đủ quyền của NCT tạo điều kiện để họ tiếp tục tham gia đóng góp vào đời sống xã hội, được tiếp cận các dịch vụ cơ bản của đời sống xã hội. Xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe và giảm chi phí bệnh tật, hướng tới già hóa thành công là phải khỏe mạnh. Duy trì và từng bước mở rộng địa bàn triển khai mô hình “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng” nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe NCT và giúp họ “sống vui, sống khỏe và sống có ích”. Các chính sách ban hành trong tương lai cần nêu rõ định hướng các biện pháp phát huy vai trò NCT tạo điều kiện cho NCT tham gia và tiếp tục đóng góp tích cực vào đời sống xã hội, có cuộc sống tốt hơn, tuổi thọ cao và an hưởng thảnh thơi những năm tháng tuổi già (Nhân dân trang 4). |
Tạo hình lưỡi cho bệnh nhân ung thư
Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) vừa thực hiện ca phẫu thuật điều trị ung thư và tạo hình lưỡi từ vạt da - cơ đùi cho bệnh nhân Đỗ Ngọc T (57 tuổi, ở Hà Nội). Ca mổ dài hơn 9h đồng hồ đã thành công và sau 1 tuần điều trị, phần lưỡi mới của bệnh nhân đã sống, hồng hào. Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình hàm mặt cho biết, sau khi phục hồi hoàn toàn, bệnh nhân có thể nuốt, nói, ăn bình thường, cảm giác và vị giác tương đối ổn định (An ninh thủ đô trang 2, Nhân dân trang 5, Sức khỏe & Đời sống trang 2).