Sinh con một bề là gái sẽ được hỗ trợ
TP.HCM sẽ triển khai thử nghiệm chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái và có hính sách cho các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Đây là nội dung đáng chú ý trong dự thảo kế hoạch thực hiện đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020, vừa được Sở Y tế trình UBND TP xem xét ban hành.
Theo đó, trong thời gian từ 2016-2020, TP.HCM sẽ triển khai thử nghiệm chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội; Chính sách cho các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo (lồng ghép với chính sách giảm nghèo đa chiều của TP); chính sách cho các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái đang sống tại xã đảo Thạnh An và huyện Cần Giờ; chính sách cho cha mẹ sinh con một bề là gái khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Để thực hiện nghiêm quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, kế hoạch trên cũng yêu cầu thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, xây dựng mạng lưới cung cấp, thu nhận và xử lý thông tin tố giác, tố cáo vi phạm ở cộng đồng dân cư.
Đưa nội dung về mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình học tại các trường chính trị, trung học phổ thông, các tường có đào tạo mã ngành y tế và dân số.
Trong 10 năm qua, TP.HCM không còn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Năm 2015, tỉ số giới tính khi sinh đạt 105,2 bé trai/100 bé gái. TP.HCM đặt mục tiêu tỷ số này không vượt quá mức 110 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2020. (Tuổi trẻ, trang 2).
Chủ nhật Đỏ 2017 chính thức khởi động
Ngày 24/12, hơn 700 học viên Học viện Hải quân và đoàn viên ở tỉnh Khánh Hòa tham gia “Chủ nhật Đỏ” lần thứ IX năm 2017 với chủ đề “Hiến máu cứu người - sinh mạng của bạn và tôi”. Chương trình do Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện tỉnh Khánh Hòa phối hợp báo Tiền Phong, Học viện Hải quân và Tỉnh Đoàn tổ chức. Sau lễ phát động, các học viên, đoàn viên tham gia hiến máu tình nguyện với hơn 650 đơn vị máu. Chương trình “Chủ nhật Đỏ” do báo Tiền Phong khởi xướng năm 2009. Qua 9 lần tổ chức, chương trình đã thu được hàng trăm ngàn đơn vị máu, góp phần phục vụ công tác cấp cứu và điều trị. Năm 2016, có 22 tỉnh, thành tham gia chương trình; tổng lượng máu hiến thu được là 22.455 đơn vị.
Dự kiến, ngày 8/1/2017, chương trình sẽ đồng loạt được tổ chức tại 40 điểm ở 25 tỉnh, thành với số lượng máu hiến thu được khoảng 25.000 đơn vị. Riêng tại Khánh Hòa, đây là năm thứ 3 tham gia chương trình. Qua 3 đợt, tổng lượng máu hiến thu được ở tỉnh là 1.500 đơn vị. (Tiền phong, trang 2).
Chửa trứng và biến chứng ung thư nhau thai
Là một bất thường thai nghén nguy hiểm, chửa trứng không chỉ khiến bạn mất con mà nếu không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người mẹ.
Khó phát hiện sớm
Chửa trứng là một bất thường thai nghén nguy hiểm. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do một phần hoặc toàn bộ gai nhau (lớp màng đệm bao quanh phôi thai) bị thoái hóa biến thành các túi dịch với nhiều kích thước lớn nhỏ. Chúng kết lại từng chùm như trứng ếch và xâm chiếm buồng tử cung. Nhiều người thắc mắc rằng chửa trứng đơn thuần là trong bụng thai phụ chỉ toàn là các túi dịch hay vừa có túi dịch, vừa có tổ chức thai?
Theo Thạc sỹ Lê Lan Anh, chuyên gia tư vấn sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số thì cả hai trường hợp này đều có thể xảy ra. Khi tử cung thai phụ chỉ chứa túi dịch, người ta gọi đó là chửa trứng toàn phần. Ngược lại, nếu nó vừa chứa túi dịch vừa có tổ chức thai thì được gọi là chửa trứng bán phần. Trên thực tế, nhiều tổ chức thai của chửa trứng bán phần còn có thể sống đến tháng thứ ba, thứ tư của thai kỳ.
Không giống như nhiều bất thường thai nghén khác, chửa trứng khó phát hiện bởi các dấu hiệu nhận biết bệnh thường không điển hình, chẳng hạn như nghén nặng (giống với nhiễm độc thai nghén), rong kinh (hay bị chẩn đoán nhầm là dọa sảy ở giai đoạn đầu), phù chân tay, bụng to… Với chửa trứng toàn phần, bất thường có thể được phát hiện ra vào khoảng tuần thứ tám khi siêu âm không thấy tim thai. Tuy nhiên, với chửa trứng bán phần, nhất là trong trường hợp tổ chức thai phát triển song song với túi dịch thì nhận biết bệnh sẽ khó hơn. Thông thường, đến giữa thai kỳ, các bất thường này mới nhìn rõ bằng siêu âm. Đặc biệt, khi xét nghiệm nước tiểu sẽ thấy nồng độ HCG ở mức rất cao, trên 3.000 đơn vị quốc tế.
Chỉ nên mang thai lại sau đó 2 năm
Chửa trứng có thể tự vỡ, tuy nhiên, trong trường hợp đó nó sẽ vô cùng nguy hiểm vì dễ dẫn đến băng huyết. Do vậy, ngay khi phát hiện chửa trứng, bạn cần phải tiến hành nạo hút ngay lập tức.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là biến chứng xấu nhất mà chửa trứng có thể mang lại. Các nghiên cứu cho thấy, chửa trứng còn có thể biến chứng thành ung thư nhau thai. Lúc đó, bệnh sẽ phát triển rất nhanh và mau chóng lan rộng đến các cơ quan khác như não, phổi… Mặc dù tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 2-3%, song vẫn cần đề phòng. Sự thực là chửa trứng có thể gây ra nhiều nguy hiểm, nhưng không nên quá lo lắng. Bởi lẽ, nếu thai kỳ được theo dõi thường xuyên, chửa trứng có thể phát hiện kịp thời và hơn 80% số đó là lành tính.
Có một điều cần lưu ý đó là, dù đã được xử lý nhưng những thai phụ từng bị chửa trứng vẫn cần phải theo dõi các biến chứng sau đó. Trong thời gian theo dõi này (do bác sĩ quyết định), bạn không nên có thai ngay mà tốt nhất hãy chờ khoảng 2 năm sau đó. Người từng bị chửa trứng hoàn toàn có thể sinh con khỏe mạnh ở những lần sau, song nếu mang thai lại cần được theo dõi chặt chẽ, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Ước tính, tỷ lệ mắc thai trứng lần nữa chỉ khoảng 1-2%.
Cho đến thời điểm hiện tại, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra chửa trứng. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng tuổi tác (ngoài 40 tuổi), đẻ nhiều, thai phụ thiếu chất dinh dưỡng (chủ yếu là đạm) là các lý do chính dẫn tới tình trạng này. Vì thế, nếu muốn bảo vệ bản thân, bạn cần đảm bảo rằng mình không rơi vào những trường hợp kể trên.
Chửa trứng nếu để lâu, các túi dịch sẽ ăn sâu vào cơ tử cung, gây thủng lớp cơ tử cung, chảy máu ổ bụng. Thực tế có khoảng 10-15% các ca chửa trứng vì chủ quan mà rơi vào tình huống xấu này. (An ninh Thủ đô, trang 8).
Sản xuất xà phòng dành cho bệnh nhân HIV
Từ mong muốn của các bệnh nhân HIV về một loại xà phòng vừa đảm bảo an toàn giúp tắm rửa cả những chỗ có vết thương vừa có tác dụng chữa bệnh... Sau nhiều đêm trăn trở, anh Nguyễn Trung Đức quyết tâm nghiên cứu và đã cho ra đời xà phòng Cocosavon từ dầu dừa tinh khiết.
Sản phẩm 100% Việt Nam
Trước khi bước sang lĩnh vực sản xuất xà phòng thiên nhiên, Nguyễn Trung Đức từng làm cho một công ty xuất khẩu. Một lần gặp gỡ đối tác nước ngoài vào đầu năm 2009, nghe chia sẻ từ phía đối tác về lợi ích của dầu dừa nguyên chất đối với sức khỏe, anh vô cùng thích thú và nhận thấy tiềm năng to lớn với sản phẩm làm ra từ những quả dừa của Việt Nam.
“Ban đầu tôi chỉ xem dầu dừa có công dụng chính là chữa bệnh nên thường gửi tặng các bệnh nhân nhiễm HIV tại một số trung tâm hỗ trợ cộng đồng. Sau đó, phản hồi từ một số bệnh nhân cho biết, nhờ uống đều đặn dầu dừa mà sức đề kháng của họ trở nên tốt hơn, các chỉ số xét nghiệm chuyển biến tích cực mỗi tháng. Khi nhận biết được lợi ích rất lớn đối với người bệnh, những người cần tăng cường sức đề kháng, đặc biệt là người có HIV, mình đã quyết định nghĩ đến việc về làm dự án riêng. Tuy nhiên, lúc đó dầu dừa nguyên chất không thông dụng như bây giờ nên lên mạng tìm hiểu cũng không có nhiều thông tin”, anh Đức nhớ lại.
Lúc đầu Đức gặp rất nhiều khó khăn. Số tiền tích góp được trước đây khoảng 200 triệu đồng được đổ hết vào để sản xuất dầu dừa tinh khiết nhất từ đó mới sản xuất xà phòng. Đúng là vạn sự khởi đầu nan, những bánh xà phòng đầu tiên “ra lò” chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cơ bản. Khi đạt được độ trắng thì bánh xà phòng lại quá mềm. Còn khi đạt được chuẩn độ cứng thì bánh xà phòng lại chuyển sang màu vàng và không còn trong suốt. Mất khá nhiều thời gian mày mò, điều chỉnh, Đức mới tìm được công thức cho sản phẩm đạt tới sự ổn định.
Sau nhiều lần thử nghiệm không thành công, Đức rút ra được kinh nghiệm. Xà phòng dừa có các thành phần đông cứng trộn với dầu dừa thành dạng bột. Sau khi hỗn hợp này được đưa vào máy trộn lên thì phải đổ ngay vào khuôn. Khâu tiếp theo là chờ đợi để bánh xà phòng cứng lại rồi mới có thể đóng gói. Tính tổng thời gian thì Đức và nhóm bạn phải mất 4 tháng mới cho ra được sản phẩm hoàn thiện.
Đức cho biết, một mẻ có thể cho ra 2.000-3.000 bánh xà phòng, trọng lượng 100 gram một bánh, trong đó dầu dừa chiếm hai phần ba thành phần. Ưu điểm của loại xà phòng dừa là ít bọt, xối nước nhanh sạch, không có hương liệu tổng hợp mà chỉ có hương thơm nhẹ tự nhiên của dừa, không bị cay khi vào mắt. Đặc biệt với hiệu quả kháng khuẩn mạnh mẽ, xà phòng dừa rất thích hợp với các bệnh nhân HIV luôn phải đối mặt với nguy cơ nhiễm khuẩn cao...
Sau khi sản phẩm định hình thành công, Nguyễn Trung Đức cùng các chuyên gia đã đánh giá kỹ về độ an toàn, kiểm định đăng ký sáng chế và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Từ đó, cứ mỗi tuần ở các Trung tâm y tế điều trị cho bệnh nhân HIV, vị giám đốc trẻ lại khệ nệ bê từng thùng xà phòng đến tặng. “Ai sử dụng cũng đánh giá cao và thích sản phẩm của tôi. Đó là điều động viên lớn nhất với tôi khi mang lại món quà thiết thực cho các bệnh nhân HIV”, Đức tự hào chia sẻ.
Không bao giờ nản chí
Là một người đã từng làm nhiều công việc khác nhau, Đức cho rằng, để thành công cần luôn học tập để hoàn thiện bản thân. “Tôi hay nhẩm trong đầu, bao nhiêu doanh nhân và người nổi tiếng dù có xuất phát điểm kém hơn người khác, không được học hành đầy đủ nhưng bằng quyết tâm đi con đường riêng của mình, họ vẫn thành công. Đó cũng là động lực rất lớn mà tôi luôn nói với chính mình và nhân viên ngay từ lúc đầu cũng như mỗi khi gặp khó khăn”, chàng giám đốc 8X nói.
Các chuyên gia về mỹ phẩm đánh giá, về mặt sản phẩm, loại xà phòng từ dầu dừa của Nguyễn Trung Đức đã vượt qua một thử thách lớn, vì công nghệ sản xuất của Việt Nam khác với công nghệ đùn phôi như máy công nghiệp. Đối với xà phòng công nghiệp chỉ cần trộn phôi với hương thơm và màu sắc là có thể tạo ra một sản phẩm theo ý muốn và sở thích hương thơm của người dùng. Còn xà phòng thiên nhiên thì phải trải qua rất nhiều công đoạn với đôi bàn tay khéo léo. Bên cạnh đó, khó nhất là áp dụng từ quy mô thí nghiệm sang thực tiễn sản xuất. Nguyễn Trung Đức cho hay, một cái khó nữa là tại Việt Nam chưa có ai từng làm loại xà phòng này nên kinh nghiệm để có thể học hỏi là số không. Sản phẩm thành công là cả quá trình dài của thử nghiệm, của thất bại và cũng có không ít những giờ phút nản lòng...
Đức nhớ lại: “Ngày sản phẩm kiểm tra đạt chất lượng, cũng là lúc vốn đã cạn. Lúc đó bỗng có đối tác Hàn Quốc ngày trước làm về dầu dừa gọi điện hỏi thăm sức khỏe và tin tưởng vào uy tín của tôi nên đã đề nghị hợp tác. Ban đầu là đơn hàng sản xuất xà phòng với số lượng lên tới 20.000 bánh. Sau khi hàng tới nơi, đối tác phản ánh chất lượng có vấn đề vì quá trình vận chuyển khiến hàng bị móp méo. Vừa mất tiền vận chuyển hàng trả về, vừa phải điều chỉnh lại công thức và phải kịp tiến độ giao hàng cho đối tác khiến tôi không khỏi nản lòng”.
“Lúc đó áp lực rất nhiều, trong khi tiền đầu tư chưa thu về được, rất nhiều chi phí chờ trang trải. Trong tình cảnh đó, để đảm bảo uy tín, tôi phải động viên anh em trong công ty làm việc tối đa công suất để có thể đảm bảo đủ hàng gửi lại cho đối tác với chất lượng tốt hơn. Khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó, khi khách hàng nhận được họ lại phản ánh sau khi dùng thì ra rất ít bọt, không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Dù đã giải thích rằng sản phẩm của tự nhiên là sẽ ít bọt vì không thêm chất tạo bọt, nhưng đối tác vẫn nhất quyết trả lại hàng để làm lại”, Nguyễn Trung Đức nói.
Một lần nữa, anh cùng các thành viên trong công ty lại trắng đêm suy nghĩ để thay đổi công thức làm sao cho bọt nhiều hơn theo đúng phương pháp tự nhiên. Sau khi điều chỉnh lại, đến lần thứ ba, xà phòng đã đạt chất lượng như khách hàng yêu cầu... “Chính sự khắt khe của khách hàng giúp công ty càng ngày càng hoàn thiện sản phẩm. Dễ dãi sẽ làm chúng ta chủ quan và không chăm chút được sản phẩm của mình”, Đức chia sẻ bài học kinh nghiệm của chính anh đã trải qua.
Nguyễn Trung Đức cho biết, công ty định hướng phát triển thị trường nội địa trong 3 năm tới với mục tiêu phát triển chiều rộng và chú trọng phục vụ các bệnh nhân HIV. Bên cạnh đó, Đức cũng dự tính phát triển sản phẩm ra thị trường thế giới. Bởi thực tế, sản phẩm đặc biệt này đã được xuất khẩu nhiều sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Khách hàng tại các thị trường này đều nhận xét tích cực và cảm thấy thú vị về sản phẩm “Made in Viet Nam”. Công ty của Nguyễn Trung Đức đang xúc tiến sản phẩm tới thị trường EU và Bắc Mỹ thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. “Vì đặc tính kỹ thuật đặc biệt của sản phẩm nên không thể cho ra số lượng lớn cùng một lúc. Vì thế chúng tôi đang nghiên cứu để tăng năng suất, đảm bảo đáp ứng sản phẩm cho các hợp đồng lớn”, Nguyễn Trung Đức tự chia sẻ về dự định lớn của mình.
Xà phòng với tinh chất dừa tinh khiết rất hiệu quả trong việc chống lại nhiều loại bệnh nhiễm trùng; có khả năng kháng nấm, kháng virus và kháng khuẩn. (An ninh Thủ đô, trang 9).
Mùa dịch bệnh rình rập
Cùng với dịch bệnh do virus Zika diễn biến phức tạp với số người mắc không ngừng gia tăng ở khu vực các tỉnh phía Nam thì tại miền Bắc đang vào thời tiết của đông - xuân nhưng lại khắc nghiệt, nhiệt độ thay đổi thất thường đã tác động tiêu cực tới sức khỏe người dân. Đáng lo ngại hơn khi đây cũng là môi trường thuận lợi cho nhiều dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát như: sốt xuất huyết, cúm, tay chân miệng, sởi, rubella, viêm não.
Zika tung hoành, cúm đe dọa
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện nay, Zika đã trở thành virus lưu hành tại nước ta nhất là tại khu vực phía Nam do thời tiết nóng ẩm gây ra, đặc biệt là muỗi vằn truyền sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền virus Zika có mật độ rất cao. Thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 12-2016, cả nước đã ghi nhận khoảng 150 trường hợp nhiễm virus Zika tại các địa phương: TPHCM, Bình Dương, Khánh Hòa, Phú Yên và Đồng Nai. Trong đó số ca mắc tại khu vực TPHCM chiếm tới trên 90% trong tống số ca mắc. Nhiều chuyên gia dịch tễ cảnh báo, hiện nay, tại khu vực phía Nam, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm không khí cao sẽ khiến số người mắc virus Zika còn tiếp tục tăng cao do muỗi vằn truyền bệnh gây ra.
- See more at: http://sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/12/444878/#sthash.AEKEfMIF.dpufTrong khi đó, tại khu vực miền Bắc, thời tiết đông - xuân nhưng nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn khiến cho cơ thể con người giảm sức đề kháng, làm nhiều dịch bệnh đe dọa. TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo, dịp cuối năm, dịch bệnh cúm, nhất là cúm A/H5N1, H1N1… rất dễ bùng phát và lan rộng vì đây là thời điểm mà nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm thực phẩm từ gia cầm tăng cao, trong đó không tránh khỏi nguy cơ gia cầm nhập lậu qua biên giới. Bên cạnh đó, hiện nay, tại một số quốc gia ở châu Á như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... dịch cúm gia cầm cũng đang gia tăng và phức tạp. Ở trong nước từ đầu năm tới nay đã phát hiện 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 với trên 6.000 con gia cầm phải tiêu hủy. Mặc dù các ổ dịch cúm gia cầm đã được khống chế nhưng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) vẫn cảnh báo các địa phương cần chủ động phòng chống cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng virus cúm có thể lây sang người như H7N9. Trước việc virus cúm đang đe dọa sức khỏe con người, một số chuyên gia y tế cảnh báo, khi bị nhiễm virus cúm thường có các biểu hiện như: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho… nhưng lại rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh trong giai đoạn mùa đông xuân. Vì thế, khi cơ thể có các biểu hiện trên cần phải rất cảnh giác và nên tới các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời.
Cẩn trọng dịch bệnh từ động vật
Mặc dù có số ca mắc không nhiều như các dịch bệnh thường gặp, nhưng bệnh liên cầu khuẩn lợn lại rất nguy hiểm khi số người mắc và tử vong thường tăng cao vào mùa đông - xuân. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay cả nước đã có 17 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn với 2 ca tử vong. Theo TS Trương Đình Bắc, dù không gây thành dịch, nhưng bệnh liên cầu khuẩn lợn lại chủ yếu xảy ra vào mùa đông - xuân vì đây cũng là thời điểm cuối năm, người dân tại nhiều địa phương có phong tục giết mổ heo ăn tết và lễ hội. Trong khi đó, không ít người lại có tâm lý cho rằng heo nhà nuôi không sợ bệnh nên nhiều người đã ăn tiết canh heo. Tuy nhiên, thực tế trong một đàn heo khỏe cũng có một tỷ lệ nhất định các cá thể mang vi khuẩn liên cầu. Đó là lý do tại sao có những gia đình tự nuôi heo, thấy heo rất khỏe mạnh nhưng khi ăn tiết canh vẫn mắc liên cầu khuẩn và tử vong.
Mùa đông - xuân với sự thay đổi thất thường của thời tiết cũng khiến cho các dịch bệnh như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, viêm màng não bùng phát. Thống kê cho thấy, tính đến nay, cả nước ghi nhận hơn 27.000 người mắc tay chân miệng tại 62 tỉnh, thành, tập trung nhiều tại TPHCM, Đồng Tháp, Hà Nội, Hải Phòng. Bên cạnh đó, số ca mắc sốt xuất huyết cũng tăng rất cao lên tới hơn 72.000 người, với 21 ca tử vong. Tệ hơn khi một số bệnh từ lâu không xuất hiện, hay đã được khống chế thì lại đang có chiều hướng quay trở lại như: bạch hầu, ho gà. Bên cạnh đó, các dịch bệnh mới nổi như: Ebola, Mers-CoV cũng có nguy cơ xâm nhập cao vào nước ta.
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng, dịch bệnh gia tăng là do gia tăng sự giao lưu đi lại, đô thị hóa mạnh mẽ, biến đổi khí hậu, gia tăng kháng thuốc của vi sinh vật gây bệnh, môi trường ô nhiễm và cả sự chủ quan của người dân trong phòng chống dịch bệnh. Do đó, để phòng tránh các dịch bệnh nguy hiểm thường xuất hiện vào mùa đông - xuân, người dân cần phải thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của ngành y tế về việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không ăn tiết canh, nội tạng heo và các sản phẩm từ thịt heo chưa được nấu chín, cũng như không sử dụng gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc. Thường xuyên vệ sinh môi trường sống, nguồn nước sinh hoạt, không tự ý sử dụng các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, nhất là với trẻ em. (Sài Gòn Giải Phóng, trang 7).
55 NĂM NGÀY DÂN SỐ VIỆT NAM (26-12-1961 - 26-12-2016): Chặng đường tự hào của ngành dân số Việt Nam
55 năm qua là một chặng đường đầy cam go, thử thách nhưng cũng đáng tự hào của ngành dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Việt Nam khi đạt những thành tựu quan trọng, tạo tiền đề để đất nước phát triển kinh tế - xã hội.
Khi bắt đầu thực hiện chương trình DS-KHHGĐ (năm 1961), tỷ lệ tăng dân số hằng năm của Việt Nam là 3,6%, nhưng nhờ sự nỗ lực của toàn ngành, tỷ lệ này từng bước giảm xuống và hiện còn 1%/năm. Mức sinh của Việt Nam khi đó cũng rất cao, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 đến 49) có 6,4 con, đã giảm còn 2,9 con vào năm 2006 (đạt mức sinh thay thế) và được duy trì ổn định trong một thập kỷ qua. Nhờ những thành công trong việc hạ thấp tỷ lệ tăng dân số, giảm mức sinh, số người gia tăng hằng năm cũng giảm xuống và quy mô dân số nước ta hiện nay khoảng 93 triệu người, dự kiến đạt 100 triệu người vào năm 2026.
Mức sinh giảm, số người sinh ra giảm đã làm cho tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam giảm từ 42% (năm 1979) xuống còn 25% (năm 2015). Ngược lại, cũng trong khoảng thời gian đó, tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15 đến 64) tăng từ 53% lên 68,4%. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động, là nền tảng cơ hội cho Việt Nam có thể thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tỷ trọng nhóm dân số dưới 15 tuổi giảm cũng mang đến các cơ hội lớn cho việc tăng nguồn lực đầu tư y tế, giáo dục, phát triển. Chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Trong 55 năm qua, tuổi thọ người Việt Nam đã tăng 33,3 tuổi từ 40 tuổi (năm 1960) lên 73,3 (năm 2015), trong thời gian này thế giới tăng trung bình 23 tuổi.
Thành công của công tác dân số cũng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm tăng GDP. Kết quả giảm sinh đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội để dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục và làm tăng GDP, cải thiện đời sống nhân dân. Khi quy mô dân số quá lớn, tất yếu GDP tính bình quân đầu người sẽ giảm. Theo tính toán, kết quả chương trình dân số chỉ riêng giai đoạn năm 1991-2010 đã trực tiếp làm tăng 0,38 lần GDP bình quân đầu người, bình quân tăng khoảng 2%/năm. Theo kinh nghiệm của quốc tế, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội.
Thành công của công tác DS-KHHGĐ cũng đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015 và Việt Nam cũng đã được lựa chọn là một trong những nước tham gia xây dựng hoạch định Mục tiêu Phát triển bền vững sau năm 2015 (SDGs), đồng thời góp phần nâng cao sức khỏe bà mẹ (MDG5) và giảm tử vong ở trẻ em (MDG4). Hằng năm, Việt Nam giảm khoảng 900 nghìn phụ nữ không tham gia quá trình sinh đẻ, không có nguy cơ tử vong do thai sản. Các chỉ số tử vong bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi, dưới 1 tuổi của Việt Nam đều giảm rõ rệt, như tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 42,3 phần nghìn (năm 1989) xuống còn 14,73 phần nghìn (năm 2015). Việc “tránh sinh” hàng chục triệu người trong những thập kỷ qua là một thành công và đóng góp rất lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước có nhiều thay đổi, công tác dân số cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới phát sinh. Điều đó đòi hỏi công tác dân số tập trung thực hiện chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số (duy trì mức sinh thay thế, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số) bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của MTTQ; các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội trong công tác dân số. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đưa công tác dân số và phát triển thành một nội dung trọng tâm công tác, hoạt động thường kỳ; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số và phát triển vào nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm tử vong, tăng tuổi thọ và số năm trung bình sống khỏe mạnh; thực hiện tốt các chương trình, biện pháp để nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp; bảo đảm quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020 và tạo cơ sở vững chắc để tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115 đến 120 triệu người từ giữa thế kỷ 21.
Tận dụng giai đoạn cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước; thích ứng với thời kỳ già hóa dân số thông qua việc phát huy vai trò và tăng cường chăm sóc người cao tuổi; đồng thời can thiệp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, từng bước tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức tự nhiên. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng dân số và phát triển, phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm văn hóa vùng, miền. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số; tích cực tranh thủ viện trợ quốc tế cho lĩnh vực này. (Nhân dân, trang 5).