Xử lý nghiêm hành vi mua bán trái phép thuốc mê, thuốc ngủ trên mạng
Hiện nay, tình trạng mua bán trái phép các loại thuốc mê, thuốc ngủ trên mạng xã hội diễn ra công khai. Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng đã mua những loại thuốc này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp giật… Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, thuốc mê, thuốc ngủ là loại thuốc phải được kê đơn và có chỉ định của bác sĩ thì mới được mua hoặc cấp, phát.
Vừa qua, Công an phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu, Đà Nẵng) lập hồ sơ ban đầu liên quan đến nghi phạm chuốc thuốc mê là N.Đ.P. (52 tuổi, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) để điều tra, làm rõ về hành vi trộm cắp tài sản. Nội dung sự việc như sau: Bà N.T.M. (53 tuổi, trú phường Hòa Thuận Tây) đi bán vé số thì gặp ông P. đang ngồi uống nước. Ông P. đã mời bà M. uống một ly nước ép và nói sẽ chở bà về vì thấy chân bà M. bị đau. Sau khi chở bà M. về phòng trọ, lúc này nạn nhân mê man và ngủ ly bì. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, bà M. tỉnh dậy và phát hiện bị mất trộm khoảng 6 triệu đồng, còn ông P. đã bỏ đi.
Ngay khi tiếp nhận thông tin trình báo, Công an phường Hòa Thuận Tây đã vào cuộc xác minh và xác định nghi can là N.Đ.P. Khi lực lượng công an đang điều tra sự việc, ông P. đã đến đầu thú và khai nhận do nợ nần, thiếu tiền nên nảy ra ý định chiếm đoạt tiền của bà M. Để thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, ông P. đã bỏ thuốc ngủ vào cốc nước để bà M. uống và ngủ mê man. Sau khi lấy được tiền, ông P. đã trốn vào Quảng Ngãi. Tuy nhiên, sau đó ông P. đã ra đầu thú và nộp lại phần lớn số tiền đã lấy trộm.
Trước đó, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo của chị H. (tạm trú tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) về việc bị chuốc thuốc ngủ và mất tài sản. Cụ thể, thông qua mạng xã hội chị H. thuê một người phụ nữ tự xưng tên Nhung (tên thật là Trần Thị Thắng) về làm giúp việc cho mình. Sau khi uống nước cam do Nhung pha thì cả chị H. và bạn đã ngủ thiếp đi. Chỉ khi được hàng xóm gọi, chị H. và bạn của chị mới tỉnh dậy và phát hiện bị mất trộm điện thoại iPhone XR, 1 ba-lô bên trong có gần 500.000 đồng. Người giúp việc tên Nhung cũng đi khỏi nhà trọ trước khi chị H. tỉnh dậy...
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ Công an quận Nam Từ Liêm xác định các cốc nước cam có thuốc ngủ và thủ phạm gây án là Trần Thị Thắng đã bị bắt khi đang lẩn trốn tại thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang… Tại cơ quan công an, Thắng khai nhận, đã bỏ thuốc Lexomil 6mg (thuốc ngủ) vào cốc nước cam để cho chị H. và bạn chị H. uống nhằm lấy trộm tài sản.
Qua tìm hiểu, hiện nay chỉ cần có nhu cầu là người mua có thể dễ dàng mua các loại thuốc mê dạng xịt, khí và nước trên mạng xã hội, kèm theo đó là những lời quảng cáo như: “Thuốc mê loại mạnh-mê sâu không biết gì”, “Thuốc mê không mùi vị”...
Để thu hút người xem, một số trang web còn hướng dẫn chi tiết các bước điều chế ra thuốc mê tại nhà. Chỉ cần gõ cụm từ “mua bán thuốc mê” hoặc “các loại thuốc mê” vào Google hoặc Facebook sẽ cho rất nhiều kết quả về các loại thuốc này. Trong vai một người muốn mua thuốc mê trên mạng, click vào trang web “shopyeu24h. com”, hiện ra trên giao diện là rất nhiều loại thuốc mê dạng xịt, nước của các nước như Nhật Bản, Mỹ... với các mức giá từ 450.000 đến hơn 1 triệu đồng/sản phẩm.
Liên hệ với người bán hàng khác thông qua số điện thoại 0947.48x.xxx chúng tôi được tư vấn rất nhiệt tình từ công dụng, cách dùng sao cho đạt hiệu quả cao nhất với ẩn ý “tiền nào thì chất lượng thuốc như vậy”. Điều đáng nói là, ngoài sự tư vấn nhiệt tình thì các shop không bao giờ hỏi khách hàng mua thuốc mê để làm gì. Để khách hàng yên tâm, nhiều shop còn cam kết “giao hàng kín đáo, nhận hàng gửi tiền và không cần đặt cọc...” hoặc “hàng của shop sang, xịn được xách tay từ nước ngoài về nên không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng”.
Theo Thượng tá Quách Minh Điệp (Công an tỉnh Yên Bái) đánh giá, thời gian qua, một số đối tượng xấu đã sử dụng thuốc mê, thuốc ngủ để thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên tại Yên Bái, tình trạng này chưa xảy ra. Để thực hiện trót lọt các hành vi phạm tội, các đối tượng thường lựa chọn những người có tài sản, người ở vùng khác đến để làm quen. Sau khi tiếp cận và tạo sự tin tưởng, những người này sẽ ngỏ ý mời nước hoặc đi mua hộ đồ ăn, sau đó lén bỏ thuốc mê vào đồ uống, thức ăn. Các địa điểm mà đối tượng xấu thường lựa chọn để “đánh” thuốc mê “con mồi” là khách sạn, nhà trọ hoặc nhà riêng, bến xe, nhà ga… nhằm tránh sự để ý của lực lượng công an và dễ dàng tẩu thoát khi bị phát hiện.
Sau khi “con mồi” dính thuốc mê, các đối tượng sẽ thực hiện hành vi cướp tài sản. Do vậy, người dân không nên giao dịch với người lạ ở những nơi vắng vẻ; không nên uống nước, đồ uống pha sẵn để tránh việc bị đánh thuốc mê. Nếu phát hiện đối tượng khả nghi, có biểu hiện xấu thì báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan như y tế, quản lý thị trường, thông tin và truyền thông… cần đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn việc mua bán, tàng trữ trái phép các sản phẩm thuốc mê, thuốc ngủ, nhất là trên không gian mạng (Nhân dân, trang 4).
Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức: Tích cực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng
Góp phần chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, năm 2023, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nâng cao chất lượng điều trị tại bệnh viện, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò quan trọng của sức khỏe tâm thần, nhất là đối với trẻ em.
Nhiều người bị ảnh hưởng mà không biết
Ngày nay, cuộc sống hiện đại mang lại cho người dân nhiều tiện ích, niềm vui, song cũng tạo ra những áp lực, căng thẳng, thậm chí có biểu hiện rối loạn tâm thần. Biểu hiện phổ biến là lo âu, trầm cảm, ám ảnh, stress, rối loạn hành vi ở người trẻ, tăng động, giảm chú ý tuổi học đường, mất trí nhớ ở người già...
Theo số liệu công bố mới nhất, tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần thường gặp ở nước ta chiếm gần 15% dân số, tương ứng với khoảng 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng, rối loạn tâm thần chỉ có tâm thần phân liệt (thường gọi là điên). Thực tế, tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao hơn, với 5,4% dân số; còn lại là các rối loạn tâm thần khác, như chậm phát triển tâm thần (0,63%), rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên (0,9%), lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%)... Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. So với tỷ lệ dân số, thì số lượng người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Hà Nội khoảng 1,5 triệu người, trong đó có trẻ em.
Đáng quan tâm hơn, không ít trẻ hiện mắc chứng tự kỷ hoặc tăng động, giảm chú ý, nhưng do không phân biệt rõ hai chứng này, dẫn đến điều trị chưa đúng. Cụ thể, rối loạn tự kỷ là một tình trạng ngôn ngữ, nhận thức, cảm giác cùng với hành vi bị rối loạn suy yếu, từ đó gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tăng động giảm chú ý là một hội chứng, biểu hiện rõ nhất là không chú ý, hiếu động, bốc đồng, có đặc trưng là khởi bệnh sớm trước 7 tuổi. Người mắc chứng tăng động giảm chú ý thường có những hoạt động quá mức, kém kiềm chế, thiếu chú ý rõ rệt, thiếu kiên trì trong công việc. Những biểu hiện này thể hiện qua nhiều tình huống, trong đó sự thiếu chú ý là nét trọng tâm…
Nói cách khác, chứng tự kỷ có những biểu hiện gần giống như khuyết tật trí tuệ, còn tăng động giảm chú ý là chứng bệnh ảnh hưởng đến cách não phát triển. Trẻ em mắc chứng tăng động giảm chú ý, nếu không được điều trị sớm, thì đến tuổi vị thành niên có thể gặp khó khăn trong quá trình học tập.
Do chưa hiểu rõ, đầy đủ về sức khỏe tâm thần, nên nhiều người bị ảnh hưởng mà không biết. Họ thường nghĩ đơn giản, đó là biểu hiện lúc căng thẳng, mệt mỏi, nên không đi khám, điều trị kịp thời. Đối với trẻ em, khi có biểu hiện rối loạn hành vi, tăng động, giảm chú ý tuổi học đường, không ít người xung quanh cho rằng, đó là hành động nghịch ngợm theo lứa tuổi của trẻ, lớn lên sẽ hết. Song trên thực tế, việc để tình trạng này kéo dài, thì bệnh của trẻ ngày một nặng hơn, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ người trẻ sử dụng, lạm dụng các chất kích thích gây nghiện…
Giảm thiểu nguy cơ
Để giảm thiểu nguy cơ bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần, trước hết mỗi người cần được quan tâm chăm sóc sức khỏe cả về thể chất và tinh thần từ gia đình, cộng đồng. Xác định rõ điều này, những năm gần đây, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần, giúp mỗi người hiểu rõ để chủ động phòng, chống. Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức khám sàng lọc tại cộng đồng; điều tra về rối loạn trầm cảm ở nhiều địa phương. Với những bệnh nhân điều trị tại cộng đồng, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức tiến hành sinh hoạt câu lạc bộ, hướng dẫn các gia đình cách chăm sóc bệnh nhân.
Thông qua mô hình sinh hoạt câu lạc bộ, năm 2023, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức đã tổ chức được 40 buổi sinh hoạt tại 8 câu lạc bộ, với khoảng 2.000 người bệnh và người nhà bệnh nhân tham gia. Đối tượng tập huấn được nghe các bác sĩ truyền đạt những nội dung liên quan đến sức khỏe người tâm thần; việc chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng, trợ giúp tâm lý cho người bị bệnh tâm thần tại cộng đồng. Cùng với đó, người tham gia được trang bị biện pháp chăm sóc, điều trị bệnh động kinh; tâm thần phân liệt; rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu; bệnh sa sút trí tuệ tuổi già; rối loạn lo âu, trầm cảm…
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức Nguyễn Đăng Xuất, việc duy trì sinh hoạt mô hình các câu lạc bộ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân; rút ngắn khoảng cách giữa thầy thuốc, nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà của họ. Vì thế, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức tiếp tục duy trì, phối hợp tổ chức chương trình câu lạc bộ dành cho bệnh nhân định kỳ mỗi tháng một lần.
Bằng kinh nghiệm chuyên môn và sự tận tâm, tận tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ, Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức đã, đang có những đóng góp không nhỏ trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, nhất là với trẻ em độ tuổi học đường (Hà Nội mới, trang 7).
Gần 1.000 người tham gia hiến máu tại Thanh Hoá
Với thông điệp “Hiến máu cứu người – Sinh mệnh của bạn và tôi”, ngày 24/12, gần 1.000 tình nguyện viên đã có mặt ở Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) để hưởng ứng, tham gia hiến máu tại ngày hội Chủ Nhật Đỏ lần thứ XVI.
Các đơn vị đăng ký tham gia hưởng ứng, hiến máu chương trình Chủ Nhật Đỏ tại Thanh Hoá, gồm: Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 150 sinh viên; Trường Đại học Hồng Đức: 300 sinh viên; Cao đẳng Y tế Thanh Hóa: 100 sinh viên; Đoàn khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá: 100 người; Thành Đoàn thành phố Thanh Hóa: 100 người; Đoàn thanh niên Công an tỉnh Thanh Hoá: 100 người; Huyện đoàn Quảng Xương: 50 người; Đoàn thanh niên Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa: 50 người; Đoàn thanh niên Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa: 50 người. Dự kiến ban tổ chức sẽ thu nhận khoảng 500 đơn vị máu do các tình nguyện viên hiến tặng.
Trước khi vào hiến máu, các nguyện viên đã có mặt tại hội trường lớn của Trường Đại học Hồng Đức thực hiện các bước ghi thông tin, kiểm tra sức khoẻ, thực hiện các bước để hiến máu. Thượng tá Hoàng Thị Chung - Trưởng Ban Thanh niên - phụ nữ Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết: Cùng lan toả thông điệp "Hiến máu cứu người - sinh mệnh của bạn và tôi", nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an đã có mặt hưởng ứng, cổ vũ, tham gia hiến máu tại ngày hội Chủ Nhật Đỏ. Chúng tôi hy vọng Chủ Nhật Đỏ tiếp tục lan toả, mang những giọt máu ấm đến với những nạn nhân tai nạn giao thông cần cấp cứu, bệnh nhân nghèo thiếu máu điều trị trong dịp Tết Nguyên đán... Chương trình Chủ Nhật Đỏ là một trong các hoạt động cộng đồng có sức ảnh hưởng lớn tới xã hội, mục đích cao đẹp, mang giọt máu ấm đến với những nạn nhân tai nạn giao thông cần cấp cứu, những bệnh nhân nghèo thiếu máu điều trị trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Bên cạnh đó, chương trình còn mang thông điệp, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp xã hội về phong trào hiến máu tình nguyện.
Tính đến ngày 22/12, chương trình “Chủ nhật Đỏ” lần thứ XVI đã tổ chức tại 6 tỉnh, thành phố với 12 điểm hiến máu. Tổng lượng máu ban tổ chức tiếp nhận được là 5.230 đơn vị (Công an nhân dân, trang 1).
Lương y vận động trồng dược liệu chữa bệnh cho người nghèo
Hơn 10 năm qua, lương y Phạm Văn Hiểm (50 tuổi, ngụ xã Tân Lộc, H.Thới Bình, Cà Mau) không chỉ chữa bệnh miễn phí mà còn vận động mọi người trồng dược liệu để giúp đỡ bệnh nhân nghèo.
Lương y Phạm Văn Hiểm hiện là Chủ tịch Hội Đông y xã Tân Lộc. Ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề y, từ nhỏ đã được truyền nghề và có niềm đam mê với cây dược liệu. Niềm đam mê lớn dần, ông Hiểm quyết tâm theo học y sĩ và lớp chuẩn hóa lương y tại Trường CĐ Y tế Cà Mau. Năm 1996, ông tốt nghiệp rồi làm việc ở nhiều phòng khám trong tỉnh.
Đến năm 2013, ông Hiểm trở về quê nhà, thành lập Phòng thuốc nam Phước Thiện nằm trong Hội quán Hưng Lộc Tự (ấp 5, xã Tân Lộc, H.Thới Bình), khám chữa bệnh, bốc thuốc miễn phí cho người nghèo. Hằng ngày, có rất đông người dân đến nhờ bắt mạch, bốc thuốc, chủ yếu là người có hoàn cảnh khó khăn. Những trường hợp bệnh nặng không thể đi lại, ông đến tận nơi thăm khám hoặc tạo điều kiện cho bệnh nhân được điều trị tại nhà trong thời gian dài. Mỗi năm, phòng khám Phước Thiện khám chữa bệnh và bốc thuốc miễn phí cho từ 500 - 800 lượt người. Khi người bệnh đến khám và bốc thuốc ngày một nhiều, nguồn dược liệu không đủ đáp ứng, ông Hiểm dành thời gian đến từng nhà vận động bà con trồng và giới thiệu cặn kẽ công dụng từng loại dược liệu, như mọi lựu, dành dành, bùm sụm, bông trang, mật gấu… Nhờ sự kiên trì của ông, bà con nhiệt tình ủng hộ, chủ động xin giống về trồng. Dần dần, những dãy hàng rào dược liệu xanh tốt được hình thành, lượng thuốc nam đủ cung ứng cho phòng khám, vừa chủ động được nguồn thuốc vừa tạo cảnh quan xanh sạch ở thôn quê.
Đến nay, ngoài hàng rào thuốc nam dài hơn 5 km, tại xã Tân Lộc còn có thêm 3 vườn thuốc lớn, tổng diện tích hơn 6.000 m2, với hơn 60 dược liệu các loại. Hiện có hơn 800 kg dược liệu được thu hoạch mỗi năm từ những vườn thuốc này. Ngoài sử dụng tại địa phương, dược liệu còn được Hội Đông y xã Tân Lộc chia sẻ với các xã lân cận, thậm chí cho các huyện khác, sau đó đổi lại những dược liệu còn thiếu.
Phong trào trồng hàng rào thuốc nam tại xã ngày càng lan rộng và được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Khoảng nửa tháng các hộ sẽ cắt tỉa thu hoạch dược liệu, sau đó lựa chọn, vận chuyển về kho để phân loại, phơi khô dự trữ. Ông Hiểm sắp xếp, ghi chép để thống kê số lượng, chủng loại của các vị thuốc.
Ông Lê Văn Út (55 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tân Lộc) cho biết khoảng 7 năm trước ông được lương y Phạm Văn Hiểm vận động trồng cây thuốc nam tại nhà. Thấy nhà còn nhiều đất trống, ông nhiệt tình hưởng ứng với mong muốn góp phần giúp bà con chữa bệnh và đã nhận hàng chục cây giống mọi lựu, dành dành về trồng. Sau 2 năm, hàng rào thuốc nam dài hơn 30 m trước nhà ông đã hình thành và duy trì đến nay.
Ông Trần Hải Phong, Chủ tịch Hội Đông y H.Thới Bình, cho biết những năm qua lương y Phạm Văn Hiểm đã đóng góp rất lớn trong việc phát triển và nhân rộng các vườn thuốc nam tại địa phương. Nhờ đó, nguồn dược liệu luôn dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân (Thanh niên, trang 12).
Phải đặt lợi ích và an toàn của người bệnh lên hàng đầu
Vừa qua, Bộ Y tế dự thảo Thông tư thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trực tiếp cho người tham gia bảo hiểm y tế. Theo dự thảo, việc thanh toán chi phí trực tiếp cho người tham gia bảo hiểm y tế được thực hiện khi người bệnh (hoặc thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp) mua thuốc, vật tư y tế tại nhà thuốc bệnh viện hoặc đơn vị cung ứng đã trúng thầu tại các cơ sở khám, chữa bệnh và hợp đồng trúng thầu còn hiệu lực.
Để được thanh toán, người bệnh xuất trình với cơ quan Bảo hiểm xã hội đơn thuốc, vật tư được bác sĩ chỉ định kèm hóa đơn đã mua hợp lệ để làm căn cứ, chứng từ.
Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đề xuất này hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập do theo quy định, cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có trách nhiệm phải cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật cho người bệnh đúng quy định để bảo đảm người bệnh được điều trị hiệu quả, an toàn và được phục vụ tốt nhất, nhanh nhất. Việc người bệnh phải ra ngoài mua thuốc, vật tư y tế sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bất cập…
Bởi với đề xuất đó, người bệnh không chỉ tự “bỏ tiền túi” để mua thuốc mà còn dễ gặp các rủi ro như: chất lượng thuốc khó bảo đảm, giá thuốc bất hợp lý... có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và an toàn điều trị của người bệnh.
Đồng thời, dù cơ quan Bảo hiểm xã hội có cố gắng đến mấy thì vẫn không thể thanh toán trực tiếp ngay cho người bệnh được, vì trên thực tế người bệnh sau khi kết thúc đợt khám, chữa bệnh mới nộp hồ sơ đề nghị thanh toán, cơ quan Bảo hiểm xã hội phải có thời gian để giám định xác định chi phí thuộc phạm vi thanh toán của quỹ Bảo hiểm y tế thì mới thực hiện thanh toán được cho người bệnh. Quy định này đã phá vỡ ý nghĩa về chia sẻ rủi ro của bảo hiểm y tế, dễ gây mất niềm tin của người tham gia bảo hiểm y tế.
Mặt khác, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã được các cấp, các ngành tập trung vào cuộc tháo gỡ, đặc biệt là Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản như: Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong việc lựa chọn nhà thầu, tháo gỡ điểm nghẽn về đấu thầu trong lĩnh vực y tế.
Luật cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân.
Theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, cơ sở khám, chữa bệnh phải bảo đảm việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn.
Ngoài ra, để có nguồn kinh phí hoạt động cho cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan Bảo hiểm xã hội đều thực hiện tạm ứng từ đầu mỗi quý và sẽ thực hiện thanh quyết toán chi phí cho cơ sở khám, chữa bệnh vào quý sau.
Từ nguồn kinh phí này, trách nhiệm của cơ sở y tế phải cung cấp đầy đủ thuốc và vật tư y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế theo đúng quy định, không để người bệnh tự đi thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế, sau đó cơ sở khám, chữa bệnh sẽ quyết toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Để tạo thuận lợi cho người bệnh được bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế ngay tại cơ sở khám, chữa bệnh, đồng thời để bảo đảm an toàn điều trị của người bệnh, Bộ Y tế cần chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm, bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế đầy đủ theo quy định.
Mặt khác, thay vì áp dụng chung với tất cả các trường hợp, Bộ Y tế cũng cần xác định đâu là trường hợp đặc biệt để thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo đúng quy định tại Luật Bảo hiểm y tế (Nhân dân, trang 4).
Nên chăng cứ lạnh là đi tầm soát đột quỵ?
Mùa lạnh, có nên đi tầm soát đột quỵ? Thực hư các gói tầm soát chuyên sâu như chụp cộng hưởng từ (MRI), CT-scan rao rằng có thể phòng ngừa được đột quỵ?
Thời tiết các tỉnh phía Bắc những ngày qua liên tục trở lạnh khiến số bệnh nhân nhập viện do đột quỵ gia tăng. Cùng với đó là dịch vụ tầm soát đột quỵ ào ạt "nở rộ" với mức giá từ vài triệu đồng đến chục triệu đồng.
Rầm rộ quảng bá tầm soát đột quỵ
Mới đây, một người nam 34 tuổi bỗng dưng đột quỵ não khi đang chơi bóng bàn với đồng nghiệp sau giờ làm việc. May mắn, anh được đồng nghiệp kịp thời đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Thời gian vừa qua, cũng không ít những trường hợp thanh niên chưa đến 40 tuổi bị đột quỵ. Chính vì đột quỵ xảy ra nhanh, khó nhận biết trước nguy cơ cảnh báo, do vậy nhiều người lo ngại mình cũng sẽ gặp cơn đột quỵ bất kỳ lúc nào.
Đặc biệt thời gian gần đây, khi thời tiết trở lạnh, số người nhập viện do đột quỵ gia tăng làm nhiều người lo lắng hơn.
Đánh vào tâm lý người dân có nhu cầu tầm soát đột quỵ, các nơi nở rộ dịch vụ tầm soát đột quỵ với đủ các gói khác nhau. Nhiều phòng khám quảng cáo ba gói tầm soát đột quỵ cho người dân có nhu cầu với giá dao động từ 3 đến 12 triệu đồng.
Cụ thể, một phòng khám tại TP.HCM quảng cáo gói tầm soát đột quỵ cơ bản thường gặp dành cho mọi đối tượng với giá hơn 3 triệu đồng, gói tầm soát đột quỵ nâng cao dành cho người có yếu tố nguy cơ (hơn 5 triệu đồng) và gói tầm soát đột quỵ chuyên sâu (giá hơn 12 triệu đồng).
Các hình thức tầm soát này có thể thực hiện ngay tại nhà hoặc phòng khám bằng cách làm các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp MRI não, đo điện tim, đo khí hô hấp…
Một bệnh viện tại Hưng Yên cũng quảng cáo có thể tầm soát đột quỵ cho người dân với lời nhắn: "Đột quỵ hay tai biến mạch máu não dễ xuất hiện và tái phát hơn khi trời lạnh bởi khi nhiệt độ xuống thấp. Đây chính là lúc hệ tim mạch hoạt động khó khăn hơn, mạch máu co thắt, cơ thể giữ nước… từ đó có thể làm huyết áp tăng cao đột ngột gây nên các tai biến".
Đơn vị này khuyến cáo nên đến bệnh viện để tầm soát đột quỵ, trong quá trình tầm soát người bệnh sẽ được xét nghiệm máu, nước tiểu, các chỉ số tổng quát và bệnh lý, đường huyết, mỡ máu, chức năng gan - thận, acid uric, siêu âm tim mạch, điện tim, điện não... và chụp cộng hưởng từ MRI não - mạch não nhằm "giúp khảo sát toàn bộ sọ não, mạch máu não tầm soát và phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ".
Giá cả tùy thuộc vào từng bệnh lý mà người bệnh mắc phải.
Từng chứng kiến cảnh người thân trong gia đình đột quỵ, anh Chiến (35 tuổi, Hà Nội) luôn sợ hãi và lo rằng mình cũng sẽ gặp cơn đột quỵ như vậy.
"Sau sự cố đến với gia đình, vừa rồi tôi cũng tự đi tầm soát, kết quả sức khỏe bình thường", anh Chiến chia sẻ.
Có thực sự hiệu quả?
Theo các chuyên gia, những người khỏe mạnh "bỗng dưng" đột quỵ có xảy ra nhưng con số này là rất ít. Trong khi đó, các chuyên gia nhận thấy người đột quỵ thường có bệnh lý nền kèm theo như huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu…
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến - phó viện trưởng Viện thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), người dân quan tâm đến tầm soát đột quỵ là sự quan tâm đến sức khỏe một cách tích cực.
"Tuy nhiên, đây không phải bệnh lý mà tất cả mọi người đều cần tầm soát. Việc thực hiện các xét nghiệm, kỹ thuật không cần thiết sẽ gây tốn kém tiền bạc. Việc tầm soát đột quỵ nên do bác sĩ chuyên khoa chỉ định, dựa trên từng cá thể cũng như việc đánh giá nguy cơ của từng người bệnh", bác sĩ Tuyến nhận định.
PGS Nguyễn Huy Thắng - chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM - cho rằng người nên thực hiện tầm soát đột quỵ là người trên 50 tuổi hoặc trẻ hơn nếu đang có yếu tố nguy cơ kèm theo.
Việc tầm soát nhằm tìm các yếu tố nguy cơ mà người bệnh không phát hiện trước đó như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol máu, hút thuốc lá hoặc sử dụng chất gây nghiện, béo phì...
"Việc làm quá nhiều các gói tầm soát gây tốn kém, không mang lại hiệu quả, đặc biệt khi áp dụng trên phổ rộng những người khỏe mạnh hoàn toàn. Bên cạnh đó, chụp MRI sọ não chỉ nhằm vào nhóm nguy cơ cao, nếu áp dụng sàng lọc rộng rãi sẽ không cần thiết.
Ngoài ra, hầu hết trường hợp đột quỵ đều có nguyên nhân do có bệnh nền trước đó. Rất hiếm khi đột quỵ xảy ra trên một người không có bệnh lý nền nào trước đó", bác sĩ Thắng cho hay.
Với những người lo ngại bị đột quỵ sẽ được các bác sĩ thăm khám, tùy từng đối tượng, phân loại nguy cơ mà chỉ định tầm soát ở mức độ như thế nào, phụ thuộc vào từng người.
Ví dụ có bệnh nhân chỉ cần tầm soát ở mức độ cơ bản nhưng có những bệnh nhân cần tầm soát chuyên sâu, chứ không phải tất cả mọi người đều cần thực hiện một gói tầm soát đột quỵ như nhau.
Coi chừng tầm soát bị đánh giá sai
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến, tầm soát đột quỵ cần được thực hiện bởi cơ sở có đủ trang thiết bị, đồng thời có chuyên gia về đột quỵ. Đối với những cơ sở không có chuyên môn có thể đánh giá sai nguy cơ, bỏ qua các dấu hiệu, gây tốn kém cho người bệnh.
Theo các bác sĩ, đột quỵ có thể dự phòng bằng cách ngăn ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Như điều trị rối loạn lipid máu, kiểm soát đường huyết, kiểm soát trị số huyết áp...
Bên cạnh đó, mỗi người cần duy trì tập luyện, vận động nhẹ nhàng, xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế chất kích thích để cơ thể khỏe mạnh (Tuổi trẻ, trang 14).