Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 2/5/2016

  • |
T5g.org.vn - Hỗ trợ y tế từ xa với một ngư dân bị nạn trên biển; Zika có thể “tái phát” vì trùng với mùa dịch sốt xuất huyết; Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Vi phạm về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tù...

Hỗ trợ y tế từ xa với một ngư dân bị nạn trên biển

Ngày 1-5, thông tin từ Hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam cho biết: Tàu cá BĐ 99017-TS do ông Mai Xuân Tiến (phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, Bình Định) làm chủ đang trên đường vào bờ khẩn cấp. Nguyên nhân là do trên tàu có một ngư dân bị lên cơn động kinh.

Trước đó, khoảng 21h ngày 29-4, qua tần số 7903 kHz Đài Thông tin duyên hải Hồ Chí Minh tiếp nhận thông tin trên tàu cá BĐ 99017-TS có ngư dân tên Hòa bị động kinh, chưa rõ nguyên nhân bệnh.

Tàu yêu cầu trợ giúp y tế khẩn cấp. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên, Đài Thông tin duyên hải Hồ Chí Minh đã yêu cầu tàu giữ liên lạc với Đài trên tần số 7903 kHz để được kết nối thông tin trực tiếp tới bác sĩ của Viện Y học biển Việt Nam để hỗ trợ sơ cứu ban đầu.

Các bác sỹ đã hướng dẫn cho bệnh nhân nằm trên sàn tàu và nằm nghiêng một bên, nhưng bệnh nhân vẫn có hiện tượng co giật nhiều, giật tay chân và miệng, hiện tại còn mê man, mỗi cơn co giật khoảng 40 phút. Do lo lắng cho sức khỏe thuyền viên, thuyền trưởng tàu cá này đã quyết định cho tàu quay vào bờ để đưa ngư dân này vào bệnh viện cứu chữa. (*Công an Nhân dân (trang 1))

Zika có thể “tái phát” vì trùng với mùa dịch sốt xuất huyết

Cả TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa đều đã công bố hết dịch do virus Zika nhưng nhằm đánh giá đúng thực trạng cũng như  nguy cơ dịch tại Việt Nam, Văn Phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) của Bộ Y tế đã họp để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Thông tin này được Cục Y tế dự phòng cho biết vào ngày 1-5.

Tại cuộc họp có đại diện của nhiều Trung tâm y tế dự phòng, các bệnh viện cùng với các tổ chức quốc tế, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, đến nay, dịch bệnh do virus Zika  đã xuất hiện ở 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ  tiếp tục ghi nhận có sự lây truyền của virus Zika do muỗi.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, sau 2 ca mắc ở Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh, đến nay, cả nước chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới kể từ ngày 4-4.

Tuy nhiên, sau khi phân tích các thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc điểm sự phân bố, lưu hành muỗi Aedes, một loại muỗi vừa truyền bệnh sốt xuất huyết, vừa truyền bệnh do virus Zika, các chuyên gia nhận định có thể do đặc điểm virus Zika tại Việt Nam thuộc phân típ khu vực châu Á, không hoàn toàn giống với phân típ virus Zika khu vực châu Mỹ la-tinh, nên không bùng phát thành dịch lớn với mức độ lây lan nhanh.

Nhưng, thời gian tới hoàn toàn có thể tiếp tục ghi nhận  thêm các trường hợp bệnh mới rải rác tại một số địa phương nơi lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết cao, đặc biệt có thể gia tăng trùng với mùa dịch sốt xuất huyết sắp đến gần.

Liên quan đến nỗi lo của nhiều người về việc thai chết lưu, sẩy thai với bà mẹ mang thai nhiễm virus Zika, Cục Y tế dự phòng cho biết: Thai lưu là tình trạng thai bị chết mà còn lưu lại trong tử cung trên 48 giờ, là một bệnh lý phức tạp, thường gặp ở các nước trên thế giới.

Tại châu Á, tỷ lệ thai lưu chiếm 25 –40/1.000 trường hợp đẻ sống, còn ở Việt Nam tỷ lệ này chiếm khoảng 10/1.000 ca đẻ sống. Đặc biệt cao ở phụ nữ nhóm tuổi 20 –30 (59,9% trường hợp) và các phụ nữ chưa sinh lần nào (39,7% số trường hợp). Thai lưu do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có một số nguyên nhân chính từ bệnh lý của người mẹ, nhiễm trùng hoặc nhiễm độc thai nghén trong quá trình mang thai, tuy nhiên có từ 20-50% số trường hợp thai chết lưu không tìm thấy nguyên nhân.

Về các trường hợp nhiễm virus Zika, WHO và Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã thống nhất về mặt khoa học: Virus Zika là một trong các nguyên nhân gây ra chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên có rất ít thông tin ghi nhận về các trường hợp xảy thai hoặc thai chết lưu ở những phụ nữ nhiễm virus Zika.

Tại Mỹ năm 2016 ghi nhận 2 trường hợp xảy thai, tại Brasil trong năm 2015-2016 ghi nhận 235 trẻ chết trong thời gian mang thai hoặc sau sinh (gồm sảy thai hoặc chết non) trong số 7.015 trường hợp có chứng đầu nhỏ, hoặc biến chứng thần kinh.

Ước tính trong từ cuối năm 2015 đến nay Brasil có khoảng 400.000 đến 1.300.000 trường hợp nhiễm virus Zika). Ở Việt Nam hiện đã xác định hai trường hợp nhiễm virus Zika, vì thế để phòng chống cho các bà mẹ có thai bị nhiễm virus Zika hoặc xảy ra những dị tật đáng tiếc cho thai nhi, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo phụ nữ có thai chú ý thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi đốt, đi khám thai định kỳ, nếu có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm virus Zika cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị kịp thời. (* Công an Nhân dân (trang 2))

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Vi phạm về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tù

Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đang trở thành mối quan tâm lớn nhất của mọi người, khi liên tục các vụ việc mất ATTP được phát hiện, như chất tạo nạc Salbutamol tồn dư trong thịt lợn, hay măng tươi nhuộm chất vàng ô, xúc xích có chất cấm… Điều này đòi hỏi sự ra tay của các cơ quan chức năng phải mạnh mẽ hơn bao giờ, cũng như người dân cũng cần phải trở thành “người tiêu dùng thông minh” để biết được quyền của mình trong việc chống lại thực phẩm không an toàn. 

Nhân “Tháng hành động vì ATTP” năm 2016, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế):

PV: Thưa ông, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP Quốc gia và Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra các quy định xử phạt mạnh tay hơn với những người vi phạm về ATTP. Nhưng làm thế nào để xác định thực phẩm không an toàn mà xử lý?

Ông Nguyễn Hùng Long: Mỗi loại thực phẩm có một tiêu chuẩn, quy định riêng về ngưỡng an toàn. Thực phẩm được đánh giá là không an toàn khi nó chứa các chất gây hại cho sức khỏe. Tiêu chí đánh giá thực phẩm an toàn hay không dựa vào việc nó có sử dụng vượt ngưỡng cho phép các chất gây hại hoặc chất cấm hay không.

Danh mục các chất cấm đã được Cục ATTP thông báo công khai. Một thực phẩm, ngoài những thành phần dinh dưỡng còn có các thành phần về hóa học, vi sinh, tiêu chí về nấm vv… để chúng ta căn cứ vào đó xác định có an toàn hay không. Ví như măng ngâm chất vàng ô (Auramine O - chất cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm) là không an toàn.

Bộ NN&PTNT đã quy định vàng ô là chất cấm, nên không cần biết sử dụng bao nhiêu, mà cứ sử dụng chất đó là vi phạm. Nhưng những trường hợp tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong rau, củ thì phải xác minh xem mức độ tồn dư là bao nhiêu, đã vượt ngưỡng an toàn hay chưa, mới xử lý được. Nếu là tồn dư kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản thì chỉ cần xác minh có tồn dư là có thể xử lý, vì theo quy định, việc tồn dư kháng sinh là không được phép.

Thực phẩm không an toàn không thể chỉ nhìn bằng mắt thường mà biết được. Kinh nghiệm của người tiêu dùng có thể dựa vào màu sắc, độ đàn hồi để phòng ngừa phần nào, còn muốn biết chính xác, phải kiểm tra kỹ càng.

PV: Theo ông, hiện nay thực phẩm nào có khả năng tồn dư kháng sinh hay thuốc bảo vệ thực vật nhiều nhất mà người tiêu dùng dễ phải đối mặt?

Ông Nguyễn Hùng Long: Thuốc bảo vệ thực vật thường dùng phun vào rau, quả, còn thuốc kháng sinh thì dùng trong chăn nuôi gà, lợn, thủy sản… Vì thế, rau, củ, quả có khả năng tồn dư chất bảo vệ thực vật và các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản thường có khả năng tồn dư kháng sinh, nhất là tôm - loại thủy sản thường được phát hiện có lượng tồn dư kháng sinh cao.

Người tiêu dùng nên nêu cao tinh thần cảnh giác, tố giác kịp thời các trường hợp biết chắc người sản xuất, kinh doanh có sử dụng chất cấm, tồn dư kháng sinh hoặc thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Hiện tại đã có que thử nhanh độc tố của thực phẩm và chúng tôi khuyến khích người tiêu dùng nên sử dụng chúng để kịp thời nhận biết thực phẩm không an toàn.

PV: Thời gian qua, Cục ATTP đã phát hiện ra dư lượng hóa chất trong rau quả, thực phẩm. Cục đã có nghiên cứu gì để đưa ra các khuyến cáo cần thiết cho người dân không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Long:  Bộ NN&PTNT đã nghiên cứu về vấn đề này và có kết quả là có dư lượng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Theo tôi được biết, vừa qua Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng có một chương trình phối hợp với Đại học Osaca (Nhật Bản) để triển khai dự án về dư lượng kháng sinh liên quan đến thực phẩm.

PV: Lượng kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật tồn dư bao nhiêu là vượt quá mức cho phép để có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Long: Mỗi loại thuốc bảo vệ thực vật có mức giới hạn khác nhau và có những quy định về hạn mức theo chỉ định. Còn kháng sinh, theo nguyên tắc là không được có tồn dư, nếu có tồn dư, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ bị kháng thuốc kháng sinh. Vì thế, chỉ cần xác minh có tồn dư kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản là xử lý được, vì theo quy định, việc tồn dư kháng sinh là không được phép.

PV: Bộ Y tế đã xây dựng mức phạt như thế nào để xử lý với những đối tượng vi phạm sử dụng chất cấm và bán thực phẩm không an toàn, thưa ông?

Ông Nguyễn Hùng Long: Hiện nay chúng ta đã có khung xử phạt về vi phạm ATTP. Nghị định 178 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP đã quy định chi tiết những hành vi vi phạm và mức xử phạt tương đương. Đồng thời, để chống lại nạn buôn bán, sản xuất thực phẩm bẩn, mới đây, Bộ Luật Hình sự được Quốc hội thông qua sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1-7, quy định cụ thể việc bỏ tù người sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

Theo đó, người sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Mặc dù chúng ta đã xử lý và hành động quyết liệt những vụ việc liên quan đến mất ATTP, nhưng gần đây vấn đề nổi cộm trong mất ATTP như dư lượng của các chất cấm, dư lượng kháng sinh, chất bảo quản trong nông sản thực phẩm, trong rau, củ, quả… vẫn rất nóng trong xã hội. Chính vì vậy mà Chính phủ vẫn quyết định đẩy mạnh những nội dung này trong “Tháng hành động vì ATTP” năm nay.

PV: Cảm ơn ông! (* Công an Nhân dân (trang 4))

Không ai được bao che thủ phạm gây ô nhiễm

Chiều 1.5, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp bàn phương án khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển, hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại.

Tham dự cuộc họp có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các bộ Công thương, KH-CN, NN-PTNT, TN-MT, Tài chính, Thông tin - Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Chiều 1.5, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh, bàn phương án khắc phục sự cố cá biển chết và phương án hỗ trợ ngư dân.

Dân hỏi không biết trả lời thế nào

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết thảm họa môi trường khiến cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung đã làm 12.570 tàu đánh bắt phải ngừng hoạt động và 63.000 lao động phải tạm ngừng việc.

           

Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân cá chết và sớm công bố cho dân biết khi nào ăn cá biển thì an toàn. Ông Quang cũng đề nghị sớm có chính sách đảm bảo đời sống nhân dân ổn định; khẩn trương giải quyết các vấn đề hỗ trợ ngư dân như thu mua cá, khai thác gần bờ, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh hải sản và các chính sách ưu đãi vay vốn cho dân chuyển đổi nghề. “Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần sớm công bố vùng an toàn để dân khai thác vì hiện dân hỏi chúng tôi không biết để trả lời”, ông Quang nói.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng hiện nay người dân muốn đi biển, không muốn nhận gạo hỗ trợ. Vì vậy, đề nghị bộ, ngành liên quan sớm có kết luận và công bố nguyên nhân để người dân ra biển đánh bắt trở lại.

Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đề nghị sớm công bố chất lượng nước biển, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nước biển. Cần thông tin rõ ràng cho người dân biết, không úp mở gây nghi ngờ cho người dân.

70 nhà khoa học vào cuộc

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, sau khi sự cố ô nhiễm xảy ra, Bộ đã tập trung xác định một số nguồn có khả năng gây ô nhiễm, trong đó có các nhà máy của Formosa đang trong giai đoạn vận hành chạy thử. Bộ trưởng Hà thừa nhận việc lấy mẫu phân tích để tìm nguyên nhân gây ô nhiễm của cơ quan chức năng chưa kịp thời, đây là một điểm yếu.

Đến nay, kết quả phân tích mẫu nước biển cho thấy, tại vùng biển Vũng Áng hàm lượng ni tơ và phốt pho cao hơn mức cho phép, còn các thông số môi trường khác không phát hiện ra điều bất thường. Ngoài ra, trong mẫu nước biển lấy tại bè cá nổi tại vịnh Vũng Áng của một hộ dân địa phương, nơi người dân phát hiện có dòng triều màu nâu tràn vào bè gây cá chết, có mật độ tảo nghi là tảo độc với số lượng khoảng 350 triệu tế bào/lít, là cao bất thường. Đây là dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện cục bộ ở một thời điểm cụ thể của tảo có khả năng gây chết cá, không đại diện cho toàn bộ vùng biển Vũng Áng.

Theo Bộ trưởng Hà, việc xác định nguyên nhân ô nhiễm nước biển là rất phức tạp, nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản cũng phải mất nhiều thời gian mới tìm ra. Riêng hệ thống xả thải của Formosa, Bộ trưởng TN-MT cho rằng, họng xả đặt trong khuôn viên nhà máy là không hợp lý, Bộ đã yêu cầu phải đưa ra ngoài, đồng thời phải lắp đặt hệ thống camera, hệ thống đấu nối với cơ quan quản lý nhà nước để giám sát.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cũng cho biết bộ này đang phối hợp với các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu xem xét các mẫu vật cá, nước, san hô… để tìm nguyên nhân. Để xác định được nguyên nhân là rất khó và phức tạp, hiện Bộ KH-CN đã mời 70 nhà khoa học vào cuộc và sẽ có câu trả lời sớm nhất.

Xử lý nghiêm không loại trừ tổ chức, cá nhân nào

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hiện tượng cá biển chết hàng loạt là sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ngay sau khi nhận được thông tin, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào kiểm tra, chỉ đạo khắc phục sự cố. Thủ tướng cho biết, dù sự cố này xảy ra lần đầu tại nước ta và việc xử lý ban đầu còn bất cập nhưng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các ngành, địa phương vào cuộc xử lý. Các bộ, ngành và địa phương đã có cố gắng nhưng một số địa phương còn chậm trễ trong việc giải quyết tình hình tại địa phương mình. Công tác quản lý về môi trường còn nhiều bất cập, thụ động, việc quản lý quan trắc nước thải một số nhà máy liên quan, chúng ta cần quan tâm hơn nữa.

Thủ tướng yêu cầu phải có các biện pháp đảm bảo đời sống người dân, nắm bắt nguyện vọng chính đáng của người dân để đáp ứng kịp thời. Trước hết, hỗ trợ gạo cho ngư dân vùng bị ảnh hưởng.

Thủ tướng giao Bộ KH-CN và ngành chức năng nếu cần phải mời các nhà khoa học nước ngoài để xác định nguyên nhân, tìm thủ phạm gây ô nhiễm. Quan điểm của Chính phủ là sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật, không loại trừ tổ chức, cá nhân nào, không ai được bao che. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an điều tra, sớm công bố kết luận. “Phải làm rõ để giải thích cho nhân dân hiểu rằng chúng ta không bao che cho ai, nhưng phải làm một cách thận trọng, trên cơ sở khoa học”, Thủ tướng nói.

Liên quan đến hiện tượng cá chết hàng loạt ở biển miền Trung, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành độc lập kiểm tra nguồn xả thải xuống biển của các doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp ven biển. Dù chưa có cơ sở khẳng định thủ phạm, nhưng Bộ TN-MT phải có báo cáo về ống xả thải của Formosa đúng sai thế nào, cơ sở pháp lý nào và kiểm điểm trách nhiệm. Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT phải khẩn trương công bố cho người dân biết vùng biển nào được đánh bắt, vùng nào được ăn cá. Bộ Công thương chỉ đạo thu mua sản phẩm đánh bắt xa bờ cho ngư dân.  (* Thanh niên (trang 1))

Hội chẩn sức khỏe cho bệnh nhân ở đảo Trường Sa

Chiều 1-5, tại đảo Trường Sa, thị trấn Trường Sa, thuộc quần đảo Trường Sa đã diễn ra ca hội chẩn sức khỏe cho bệnh nhân trên đảo giữa các bác sĩ của bệnh xá và hội đồng các bác sĩ đầu cầu TP.HCM của Bệnh viện Quân y 175.

Đây là một trong những hoạt động của đoàn công tác do Trung ương Đoàn, Quân chủng Hải quân, Bệnh viện Quân y 175,  báo Tuổi Trẻ và bạn đọc báo Tuổi Trẻ tổ chức đến thăm hỏi động viên và tặng quà cho chiến sĩ, người dân đang chiến đấu, làm việc và sinh sống tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Phía đầu cầu TP.HCM có đại tá, tiến sĩ Trần Quốc Việt - phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - chủ trì hội chẩn, chủ nhiệm khoa tim mạch, khoa chẩn đoán hình ảnh cùng nhiều bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện.

Phía đầu cầu Trường Sa là thiếu tá Lê Thanh Liêm - chuyên khoa tim mạch bệnh xá Trường Sa và bệnh nhân cùng đại diện đoàn công tác.

Thiếu tá Lê Thanh Liêm cho biết bệnh nhân T.T.L., 46 tuổi, là trung tá đang công tác tại đảo Trường Sa được chẩn đoán hở van động mạch chủ dạng vừa, suy tim cấp độ hai, biểu hiện lâm sàng mệt mỏi đã được bệnh xá siêu âm tim và các xét nghiệm...

Sau khi được các bác sĩ đầu cầu TP.HCM tham vấn, hỏi các thông số, tiền sử của bệnh nhân và thảo luận với các bác sĩ chuyên khoa ở Bệnh viện 175, đại tá - tiến sĩ Trần Quốc Việt chẩn đoán đây là ca suy tim mức độ trung bình đến nặng, đề nghị giảm tối đa làm việc để tránh làm tim mệt, điều trị, theo dõi mỗi ba tháng/lần. Đại tá Việt cũng đề nghị vào Quân y vùng 4 theo dõi điều trị đảm bảo lâu dài.

Trước đó, sáng 30-4, đoàn công tác của báo Tuổi Trẻ và bạn đọc Tuổi Trẻ cùng các cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông làm lễ chào cờ kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hôm nay, đoàn công tác đến dâng hương đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, viếng đền thờ Bác Hồ, thăm chùa trên đảo Trường Sa, thắp hương tại nghĩa trang Trường Sa và thăm, tặng quà các đơn vị, người dân sinh sống trên đảo. (* Tuổi trẻ (trang 4))

Siết kê đơn thực phẩm chức năng

Từ ngày 1-5, Bộ Y tế yêu cầu tuyệt đối không kê đơn thực phẩm chức năng (TPCN). Thật ra lệnh cấm này được ban hành từ năm 2008.

Nhưng theo khảo sát của chúng tôi, 8 năm qua chưa có trường hợp nào bị xử phạt, nhắc nhở hay chế tài vì kê TPCN vào đơn thuốc, trong khi hành vi này rất phổ biến.

Theo một chuyên gia, để “lách” quy định cấm kê TPCN vào đơn thuốc, có bác sĩ kê TPCN và lời dặn dò bệnh nhân vào đơn riêng, thành ra TPCN vẫn được kê mà vẫn tránh được lệnh cấm. Vì lý do này, 8 năm nay Bộ Y tế cấm kê đơn TPCN, nhưng TPCN vẫn có mặt trong đơn thuốc.

Không muốn 
vẫn phải mua

Cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Khoa (74 tuổi, ở Thuận Thành, Bắc Ninh) ra Hà Nội khám bệnh. Bà Khoa bị đau vai phải gần một năm, đi khám và điều trị bằng y học cổ truyền nhưng không thấy đỡ.

Tháng 3 vừa rồi bà đau quá nên con trai bà đưa mẹ ra một phòng khám trên đường Giải Phóng, Hà Nội. Bà Khoa được bác sĩ chẩn đoán bị viêm nhị đầu gân và kê đơn thuốc.

Khi mua thuốc xong, gia đình phát hiện trong ba thuốc viên có một loại TPCN, giá đã trả cho sản phẩm là 280.000 đồng. Bà Khoa kể: “Tôi là nông dân, bác sĩ chỉ gì thì mua đấy chứ làm sao biết được, nhưng uống rồi vẫn thấy không đỡ đau”.

Theo ghi nhận trong ngày 30-4, tại nhiều nhà thuốc ở TP.HCM đều bày bán nhiều loại TPCN được sản xuất dưới dạng viên, nước hoặc bột.

Theo giới thiệu của nhân viên bán thuốc, có nhiều loại TPCN có tác dụng hỗ trợ chức năng các bộ phận trong cơ thể như não, gan, xương khớp, mắt... Giá bán các loại TPCN từ vài trăm nghìn đến tiền triệu một hộp (chai, lọ...).

Nhiều nhân viên nhà thuốc cho biết ngày càng có nhiều người đến hỏi mua TPCN. Đa số đều nghe hoặc quảng cáo trên truyền hình, báo đài hoặc được nhân viên y tế, người quen giới thiệu sử dụng.

Nhân viên của một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng (Q.3) kể dù Bộ Y tế quy định bác sĩ không được phép kê đơn TPCN nhưng khi bán thuốc hằng ngày cho người bệnh, nhân viên này vẫn thấy bác sĩ kê thêm vào đơn thuốc các loại TPCN.

Để tránh vi phạm quy định, một số bác sĩ còn “lách” kê đơn TPCN bằng hình thức khác: khi khám cho người bệnh bác sĩ thường gợi ý, giải thích hiệu quả, công dụng của TPCN loại A, B, C nào đó rồi chỉ nhà thuốc cho bệnh nhân đến mua.

Có bác sĩ ghi cụ thể tên loại TPCN cần dùng, địa chỉ nhà thuốc vào mẩu giấy rời, bấm dính vào đơn thuốc và hướng dẫn người bệnh đi mua.

“Các bác sĩ ở các khoa kê mỗi loại khác nhau, chủ yếu là các loại TPCN tăng cường sinh lý nam, nữ; giảm đau khớp; bổ não, gan, mắt; bổ sung canxi...” - một nhân viên bán thuốc nói.

Không cần đưa vào 
đơn thuốc

PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên - Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), chủ tịch Hội Tiết niệu - thận học VN - bày tỏ sự lo lắng khi cho rằng thị trường TPCN đang loạn, thật - giả khó phân biệt và không sao lường được về chất lượng. Trong khi đó, các cơ quan có trách nhiệm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực này lại chưa thể hiện được khả năng quản lý của mình.

PGS Vũ Lê Chuyên nhấn mạnh vai trò của Bộ Y tế trong vấn đề này, bởi chính Bộ Y tế biết rõ hơn ai hết TPCN có công dụng thực sự thế nào, quản lý ra sao nên cấm bác sĩ kê toa TPCN là đúng.

“Tại Bệnh viện Bình Dân có những bệnh nhân khi đến khám bệnh cục sỏi ở thận đã rất to, gây hư hại hết thận do thời gian dài nhưng không đi điều trị mà chỉ uống TPCN được người bán quảng cáo làm tan sỏi không cần phải mổ” - PGS Chuyên chia sẻ.

Chất lượng TPCN thực hư tới đâu thường khiến các bác sĩ băn khoăn, như ý kiến của GS Trần Ngọc Ân, chủ tịch Hội Thấp khớp học VN. GS Ân cho hay thuốc phải trải qua thực nghiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng và được hội đồng đánh giá có hiệu quả mới cho phép sử dụng điều trị. Trong khi đó TPCN chỉ được kiểm soát qua tiền kiểm, chất lượng khi lưu hành chưa kiểm soát được.

Nói về chuyện siết kê đơn TPCN, ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), phân tích đơn thuốc có hàm ý là dành kê các thuốc phòng, chữa bệnh, trong khi TPCN là hàng bán tự do, như rau, củ, quả, bán cả ở siêu thị cho những người có nhu cầu thì không cần đưa vào đơn.

Đồng tình quan điểm này, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP.HCM) - cũng bày tỏ: “Do TPCN không phải là thuốc nên Bộ Y tế quy định không cho bác sĩ kê đơn TPCN là đúng. Ở nước ngoài họ cũng bán TPCN tự do ở các siêu thị, nhà thuốc mà không cần đơn của bác sĩ.

Xét ở góc độ nào đó TPCN cũng có một phần chức năng hỗ trợ sức khỏe nhưng do các đơn vị bán hàng quảng cáo thổi phồng quá mức nên gây ngộ nhận cho người sử dụng về công dụng, chứ bản chất TPCN 
không xấu”.

Tuy nhiên, cũng có người muốn sử dụng thực phẩm chức năng lại ủng hộ hình thức kê đơn vì như thế sẽ an tâm hơn nếu chỉ nghe quảng cáo từ các phương tiện truyền thông.

Để dung hòa nhu cầu của người bệnh và chức trách của người làm nghề y, ông Trần Quang Trung, nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, gợi ý rằng tuy quy chế không cho phép bác sĩ kê TPCN vào đơn thuốc, nhưng người dùng có thể chọn và sử dụng theo các hướng dẫn ghi ngay trên sản phẩm.

Trong một số trường hợp có bệnh lý, đang dùng các thuốc khác, người bệnh có thể báo cho bác sĩ để được tư vấn xem phối hợp của thuốc và TPCN đang dùng có gây tác dụng phụ hoặc làm giảm công hiệu của thuốc hay không.

Hoặc bác sĩ có thể hướng dẫn người dân dùng TPCN với mục đích hỗ trợ điều trị và phòng bệnh.

Muốn siết, 
vẫn lúng túng!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Ngọc Khuê cho hay quy định cấm TPCN và mỹ phẩm theo quy chế kê đơn có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-5 không phải là mới, quy định này đã có từ năm 2008.

Tuy nhiên, trong quy chế kê đơn thuốc ngoại trú mới được Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-5, chúng tôi tìm đỏ mắt cũng không thấy chế tài kèm theo lệnh cấm kê đơn TPCN và mỹ phẩm.

Trong nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, nơi quy định cụ thể và đầy đủ nhất hình thức chế tài với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế, quy định cụ thể hành vi kê đơn biệt dược đắt tiền nhưng không cần thiết với người bệnh (nhằm mục đích vụ lợi) sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, vẫn không có quy định chế tài hành vi kê TPCN và mỹ phẩm vào đơn thuốc.

Một chuyên gia của Bộ Y tế nhận định: dường như ban soạn thảo quy chế kê đơn đưa việc cấm kê TPCN và mỹ phẩm vào đơn thuốc vì áp lực xã hội.

Theo chuyên gia này, nhiều ý kiến cho rằng TPCN không có tác dụng, nhưng thực tế đó là những ý kiến sai lầm, TPCN có tác dụng hỗ trợ nhất định, vấn đề chỉ là giá quá cao và muốn có tác dụng thì phải dùng liên tục số lượng lớn.

“Hàm lượng hoạt chất trong TPCN thấp, muốn có hiệu quả thì phải dùng nhiều. Tôi cho là có điều kiện kinh tế thì dùng, không thì thôi. Muốn cấm TPCN trong đơn thuốc thì phải có chế tài kèm theo” - chuyên gia này cho biết.

Khi chưa có quy định về chế tài, sẽ rất khó cấm bác sĩ kê đơn TPCN. Nhưng theo ông Đặng Văn Chính, chánh thanh tra Bộ Y tế, tới đây khi kiểm tra bệnh viện sẽ đưa mục kiểm tra xem có TPCN trong đơn thuốc không vào nội dung kiểm tra. Nhưng vậy có đủ cho một lệnh cấm chưa? (* Tuổi trẻ (trang 14))

Bé gái vùng cao mang khối u lớn được ra viện

Ngày 1-5, GS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đã cho bệnh nhi Ly Thị Lúa (10 tuổi, ở bản Giàng Trù A, xã Du Già, huyện Yên Minh, Hà Giang) xuất viện sau khi được các bác sĩ phẫu thuật thành công, cắt bỏ hoàn toàn khối u ở vùng xương cụt, tạo hình lại màng cứng, phần xương khiếm khuyết và chăm sóc hồi phục sức khỏe cho bệnh nhi. Tuy nhiên, trước mắt, cháu Lúa vẫn cần tiếp tục tập vận động phục hồi chức năng để có thể sớm đi lại bình thường.

GS-TS Trần Minh Điển cũng cho biết, toàn bộ chi phí điều trị của bệnh nhân Lúa đã được Quỹ BHYT chi trả. Riêng về chi phí ăn uống, bệnh viện đã hỗ trợ toàn bộ suất ăn của bệnh nhi và người thân chăm nom trong suốt quá trình nằm viện. Ngoài ra, người thân chăm nom bệnh nhi cũng được bệnh viện bố trí chỗ ở miễn phí.

Trước đó, sau khi báo chí phản ánh về việc cháu Ly Thị Lúa bị mang trên mình khối u quái ác từ khi sinh ra, cùng với cuộc sống của gia đình cháu rất khổ cực, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có ý kiến chỉ đạo Bệnh viện Nhi Trung ương tạo điều kiện phẫu thuật cắt bỏ khối u, hỗ trợ kinh phí để bệnh nhân Ly Thị Lúa được chăm sóc y tế tốt nhất. (* Sài Gòn Giải phóng (trang 11))

Virus Zika ở Việt Nam khác biệt với khu vực Châu Mỹ

Virus Zika tại Việt Nam thuộc phân típ khu vực châu Á, không hoàn toàn giống với phân típ virus Zika khu vực châu Mỹ la tinh nên không bùng phát thành dịch lớn với mức độ lây lan nhanh. Tuy nhiên trong thời gian tới, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới Zika rải rác tại một số địa phương nơi lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết cao...

Ngày 1-5, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi Việt Nam nhanh chóng khống chế thành công dịch bệnh do virus Zika gây ra tại TPHCM và Khánh Hòa, Văn Phòng đáp ứng khẩn cấp (EOC) Việt Nam đã có cuộc họp với các đơn vị chức năng và đại diện các tổ chức quốc tế nhằm chia sẻ thông tin và đánh giá nguy cơ dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, theo báo cáo từ các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur, các địa phương, kết quả giám sát trọng điểm và tại cộng đồng chưa phát hiện thêm trường hợp mới nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, sau khi phân tích các thông tin về tình hình dịch bệnh trên thế giới, đặc điểm sự phân bố, lưu hành muỗi Aedes- loại muỗi vừa truyền bệnh sốt xuất huyết, vừa truyền bệnh do virus Zika, các chuyên gia nhận định có thể do đặc điểm virus Zika tại Việt Nam thuộc phân típ khu vực châu Á, không hoàn toàn giống với phân típ virus Zika khu vực châu Mỹ la tinh nên không bùng phát thành dịch lớn với mức độ lây lan nhanh.

Tuy nhiên, đại diện của WHO và các chuyên gia dịch tế trong nước và quốc tế cũng nhận định, trong thời gian tới, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới Zika rải rác tại một số địa phương nơi lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết cao, đặc biệt có thể gia tăng trùng với mùa dịch sốt xuất huyết sắp đến gần.

Bộ Y tế cho biết, mặc dù đã khống chế được dịch bệnh Zika nhưng cả nước vẫn đang áp dụng mức cảnh báo cao, nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, không chủ quan trước tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra bất kỳ thời điểm nào.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chức năng và địa phương đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm xác định virus Zika để phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch. Thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động truyền thông cho cộng đồng, thực hiện các chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng (bọ gậy) để phòng bệnh. (* Sài Gòn Giải phóng (trang 11))

Lặng lẽ thầy thuốc nơi bệnh viện “siêu đặc biệt”

Chúng tôi tới Bệnh viện 09 (đường 70, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) vào một buổi sáng tháng Tư. Khác với vẻ tấp nập, đông đúc thường thấy tại các bệnh viện Hà Nội, nơi đây lặng lẽ tới mức có cảm giác nặng nề. Thấp thoáng bóng áo blouse dọc hành lang khoa phòng bệnh viện. Rất hiếm để thấy cảnh người nhà ngóng chờ kết quả khám bệnh, hay tay dìu bệnh nhân, bởi đây là bệnh viện đặc biệt chuyên điều trị cho những người nghiện, nhiễm HIV/AIDS...

Kỷ niệm từ tiếng gọi: “Thầy ơi!”

Đón chúng tôi tại phòng làm việc chừng 24m2 khoa Nội tổng hợp, ThS.BS Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng khoa cười hiền: "Chỉ vậy thôi!

30 con người chung nhau gian phòng này, không cách ly với dãy buồng bệnh lúc nào cũng khoảng 50 - 60 bệnh nhân. Cửa chính căn phòng quay hướng Tây, trời này còn đỡ, vài tháng nữa thì chỉ thở thôi cũng mồ hôi ròng ròng. Góc làm việc mà bệnh viện dành cho người “to nhất khoa” vẻn vẹn chỉ là chiếc bàn vương màu xưa cũ, kêu cót két, ọp ẹp”.

BS Nguyễn Ngọc Hưng tóc húi cua, gần như trọc lốc, thoạt nhìn khi anh không cười trông vẻ “bặm trợn”. Nếu không khoác lên mình chiếc blouse, chắc chẳng ai nghĩ anh là bác sĩ. Có lẽ làm việc ở nơi đặc biệt, khi bệnh nhân xăm trổ rồng phượng đầy mình, nhiễm HIV/AIDS, nghiện ma túy nặng, 20% mắc chứng rối loạn tâm thần, nên nhân viên y tế ở đây cũng có vẻ ngoài “đặc biệt”. Như đoán được ý chúng tôi, BS Nguyễn Ngọc Hưng cười và kể: “Làm ở bệnh viện này rất đặc biệt nên ít ai nhận ra bác sĩ ở ngoài. Thế mà có lần tôi đi trên phố, nghe có tiếng ai đó gọi mình: “Thầy ơi!”, nhìn đi nhìn lại, phát hiện ra đó là một bệnh nhân cũ. Bệnh nhân này mắc AIDS, được công an đưa vào viện khi đang hôn mê. Ngày thứ ba, bệnh nhân tỉnh dậy, luôn miệng chửi bới, đòi chết, không để ai động vào người. Nhờ kiên trì chăm sóc, bệnh nhân hồi phục, 4 tháng được xuất viện. Hiện bệnh nhân duy trì sử dụng thuốc điều trị ARV nên sức khỏe tốt. Đến khi chào tạm biệt, tôi đi rồi mà bệnh nhân còn chạy theo cố dúi bằng được bao thuốc lá dở vào tay dù tôi từ chối không hút trước đó khi anh ấy mời. Có lẽ, đó là tài sản quý nhất trên người bệnh nhân lúc đó. 20 năm làm điều trị HIV, ba lần tôi được gọi như vậy đó”.

Cái chết chực chờ tấn công

BS Nguyễn Ngọc Hưng làm việc ở nơi đặc biệt này đã gần 20 năm, có thể coi là một trong những người gắn bó lâu nhất tại đây. Chuyện “chiến đấu” sinh tử là thường ngày bởi theo anh, đây là nghề nguy hiểm, từ chính những hành vi bạo lực của người bệnh hoặc từ môi trường nghề. Anh cho biết, các bệnh nhiễm trùng cơ hội như lao, viêm gan B, C, A, hay nhiễm trùng cơ hội từ bệnh về nấm cứ… bay lơ lửng.

Điều khiến các nhân viên y tế ở Bệnh viện 09 lo lắng nhất là nhiễm lao, bởi lao ở môi trường này là lao kháng thuốc, không có thuốc điều trị, trực khuẩn lao có trong một lần hắt xì chứa tới 5 triệu vi khuẩn. Nhiễm lao sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và cuộc sống. Đối với người phụ nữ thì càng khó khăn, vì họ khó tách khỏi gia đình và con cái. Ở đây, anh em không chỉ giành giật sự sống cho bệnh nhân mà còn cho chính mình.

“Trước đây, để đi xét nghiệm HIV phải có chứng minh thư, công an đi cùng. Hồi đó, hiểu biết về HIV/AIDS của chính thầy thuốc và người dân còn hạn chế nhiều. Trong một lần cấp cứu cho bệnh nhân sử dụng ma túy, vật vã không thể cho uống thuốc được, phải tiêm giải độc nghiện, nhưng bệnh nhân này giãy đạp, rút luôn kim tiêm cắm vào tay tôi. Lúc đó tôi thật sự không hoảng loạn, một phần vì… chủ quan, nghĩ bệnh nhân khỏe, việc xét nghiệm HIV cho bệnh nhân ma túy khó nên không để ý. Hai tháng sau, em trai bệnh nhân đến báo tin, bệnh nhân chết vì AIDS. Tôi thoáng giật mình, nhưng rồi nghĩ, cũng là một kiếp người, chỉ là mình ra đi hơi sớm thôi. Tôi luôn thường trực tinh thần lúc nào cũng có thể bị lây nhiễm”, BS Hưng nhớ lại.

Một lần khác, có bệnh nhân nghiện ma túy đá nặng, đòi ra ngoài “chơi đá” nhưng không được nên mài đầu đũa thành nhọn hoắt, bọc sau áo, chờ bác sĩ vào khám rồi lao đến đâm. Có bệnh nhân mở nhạc to ầm ĩ, nhằm đánh động bác sĩ đến rồi trùm chăn đánh. Một lần đáng nhớ khác, một bệnh nhân đứt động mạch bẹn, máu chảy ồ ạt, vì phải cấp cứu ngay nên BS Hưng dù tay đang bị xước măng rô, cũng “quên luôn” chuyện đeo găng tay để kịp bọc bông gạc vào vết thương của bệnh nhân, sau đó mới đi rửa tay.

Bệnh viện của tình thương

Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV có nhiều đặc thù và thiệt thòi hơn so với các lĩnh vực y tế khác, nhưng như “mắc phải duyên, phải nợ” nên nhiều lần định “dứt áo ra đi”, BS Hưng lại không đành, một phần vì anh nghĩ, bệnh nhân và đồng nghiệp ở đây vẫn rất cần anh. “Nhân viên ở đây 80 - 90% phải thuê nhà, đồng lương ít ỏi, không có thu nhập phụ, một số ít phải oằn mình kiếm việc làm thêm. Nhưng ngại nhất là sự kỳ thị của xã hội. Một số người có chuyên môn ở đây muốn đi làm phòng khám ngoài, nhưng trót khai làm ở Bệnh viện 09 nên cũng rất khó…”, BS Hưng trầm ngâm.

Có thâm niên gắn bó hơn 20 năm với bệnh nhân nhiễm HIV nên BS Hưng thấu hiểu sâu sắc nỗi niềm của người bệnh. Nhiều mảnh đời, nhiều số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng đa số người nhiễm HIV vào bệnh viện điều trị đều chịu sự ghẻ lạnh, xa lánh của cộng đồng, thậm chí của chính người thân. Với nhiều người bệnh, bệnh viện chính là điểm dừng chân cuối cùng, là nơi nương tựa cuối đời của họ. Đau xót hơn, có những bệnh nhân điều trị 5 năm tại viện đã ổn nhưng không chịu ra viện, bởi ra rồi, họ biết đi đâu về đâu khi gia đình xa lánh, vợ con bỏ rơi, có khi lại tái nghiện chỉ vì cô đơn.

Nhưng tái tê nhất vẫn là những bệnh nhân HIV/AIDS sắp chết, bác sĩ gọi về cho gia đình nhưng người nhà chẳng những không đến thăm mà còn ráo hoảnh: “Để khi nào nó chết hãy gọi”. Họ có nguyên cớ riêng, bởi có cha mẹ nào không thương con. BS Hưng chia sẻ: “Phải thông cảm bởi có gia đình cả 3 con trai đều chết do ma túy, HIV. Họ khuynh gia bại sản khi có đứa con nghiện hút ma túy nên quá mệt mỏi, đau khổ, kiệt quệ cả kinh tế, sức chịu đựng rồi. Có trường hợp, đến cả người thân cũng không có mặt khi bệnh nhân qua đời, bệnh viện phải lo toàn bộ chi phí tang lễ. Lại có bệnh nhân vào viện, nhất định không nói địa chỉ gia đình. Quá trình điều trị, bệnh nhân luôn muốn tìm đến cái chết và có thái độ cực đoan. Đến khi được bác sĩ động viên, người bệnh đã hợp tác thì lại không qua khỏi do bệnh quá nặng”.

BS Hưng bùi ngùi: “Khi bệnh nhân yếu và có dấu hiệu khó qua khỏi, chúng tôi đã hỏi thêm lần nữa thông tin về gia đình để báo với mong muốn cho gặp người thân lần cuối, nhưng bệnh nhân lắc đầu từ chối. Đôi mắt dần khép lại với hai hàng nước mắt chảy dài... Chúng tôi thấy rất day dứt, không hiểu bệnh nhân không muốn gặp hay bị gia đình chối bỏ”. (* Gia đình & Xã hội (trang 11))

Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống dịch bệnh mùa nóng

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa đưa ra các khuyến cáo đối với người dân để phòng chống các dịch bệnh dễ xảy ra trong mùa nắng nóng.

Theo đó, trong thời tiết nắng, nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải; đồng thời nếu bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ gây bị nhiễm lạnh; việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp.

Ngoài ra môi trường nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như sốt do vi rút, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu…

Để chủ động phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp.

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... (* Sức khỏe & Đời sống (trang 2)

87 gương lao động sáng tạo ngành y được tuyên dương

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động 1-5, ngày 27-4, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), Công đoàn ngành y tế TPHCM đã tổ chức ngày hội công nhân ngành y.

26 đơn vị trong ngành đã tham dự hội thi bữa ăn giữa ca do công đoàn ngành y tế phát động. Nội dung thi tập trung vào vấn đề nâng cao dinh dưỡng bữa ăn và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người lao động. Ngày hội còn diễn ra các hoạt động như: liên hoan ẩm thực 3 miền, thi kéo co, tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Thông qua hoạt động liên hoan ẩm thực 3 miền, các đơn vị đã đóng góp vào Quỹ Mái ấm công đoàn, Quỹ Vì công nhân viên chức lao động bị bệnh nghề nghiệp hơn 36 triệu đồng. Trong ngày hội, công đoàn ngành y tế cũng đã trao 50 triệu đồng hỗ trợ xây mái ấm công đoàn tặng công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Dịp này, công đoàn ngành y tế đã tuyên dương 87 gương lao động giỏi, lao động sáng tạo, có nhiều sáng kiến, công trình cải tiến trong công việc.

 

* Sức khỏe & Đời sống (trang 3) 2/5: Ghi chép từ chuyến thị sát đột xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế

“Ðòi hỏi của người bệnh, bắt buộc chúng ta phải kiên quyết đổi mới” - đó không chỉ là chỉ đạo mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại cuộc họp ngay sau khi Bộ trưởng đi kiểm tra đột xuất...

“Ðòi hỏi của người bệnh, bắt buộc chúng ta phải kiên quyết đổi mới” - đó không chỉ là chỉ đạo mà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại cuộc họp ngay sau khi Bộ trưởng đi kiểm tra đột xuất tại một số bệnh viện tuyến Trung ương về công tác khám chữa bệnh, thay đổi phong cách, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh mới đây, mà đó còn là mục tiêu mà tư lệnh ngành y yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn ngành cần phải thay đổi để ngày càng làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng như để người bệnh thêm hài lòng về ngành y...

“Gỡ rối” từ những tồn tại thực tế

Trước khi làm việc với ban lãnh đạo của Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ và Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi khảo sát thực tế tại khá nhiều khoa, phòng được coi là “điểm nóng” như khoa khám bệnh, khu vực xét nghiệm, siêu âm, khoa xạ trị, khu vực làm thủ tục hành chính: vào/ra viện, nộp tiền các thủ tục cận lâm sàng... Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ Y tế đã chọn ngẫu nhiên bệnh nhân/người nhà bệnh nhân để hỏi khảo sát ý kiến, đánh giá của các bệnh nhân về thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế đối với người bệnh và những thay đổi của các bệnh viện này trong công tác khám chữa bệnh sau khi giá dịch vụ y tế được điều chỉnh.

Tại khu vực chờ làm thủ tục nộp tiền xét nghiệm của Bệnh viện K, thấy sự bất hợp lý khi bên này một hàng dài người bệnh/người nhà bệnh nhân đang chờ để được nộp tiền, trong khi một vài cửa thu tiền khác lại vắng, nhân viên đang nhàn nhã. Bộ trưởng đã yêu cầu ban lãnh đạo Bệnh viện K cần chủ động điều phối ngay những tồn tại này để người bệnh đỡ vất vả vì phải chờ đợi.

Cũng tại bệnh viện này, khi thấy hàng loạt bệnh nhân cầm trên tay một số khám bệnh nhỏ như bao diêm bằng giấy, Bộ trưởng đã yêu cầu Ban lãnh đạo Bệnh viện K cần khẩn trương ứng dụng công nghệ thông tin, làm bảng số chờ khám điện tử để tạo nên sự công khai, minh bạch cho người dân yên tâm trong lúc chờ khám bệnh.

Thấy Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ Y tế đi kiểm tra thực tế tại khu vực siêu âm của Bệnh viện K, nữ bệnh nhân V.T.H đang chờ siêu âm đã chia sẻ những bức xúc của chị về tình trạng người bệnh vẫn phải bỏ ra 10.000 đồng để mua cái khăn mặt ngay sau khi nội soi dạ dày xong, đồng thời chị cho biết chỉ có quy trình siêu âm, chụp Xquang, lấy máu xét nghiệm mà bệnh viện không cho bệnh nhân làm trong 1 ngày mà mỗi ngày một công đoạn khiến cho bệnh nhân vất vả vì đi lại nhiều lần. Thêm nữa, người bệnh này phản ánh, có hiện tượng “cò nội” và thu tiền làm các quy trình nội soi, siêu âm cho bệnh nhân cao hơn với giá thực tế quy định của bệnh viện... Lắng nghe những phản ánh thực tế của người bệnh, quay sang đồng chí đại diện Ban giám đốc bệnh viện đang đi cùng đoàn, Bộ trưởng đã yêu cầu phải trao đổi với người bệnh để nắm bắt cụ thể sự việc, nếu đúng như người bệnh phản ánh thì phải kiên quyết khắc phục hạn chế và xử lý nghiêm đối tượng cán bộ vi phạm với hình thức cao nhất để làm trong sạch đội ngũ cán bộ y tế.

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, qua kiểm tra thực tế khu vực khám bệnh và làm các thủ tục cận lâm sàng, thấy bệnh nhân phải ngồi chờ đợi lấy kết quả xét nghiệm trong cảnh chật chội, mái che tạm bợ, nóng bức. Đồng thời qua thị sát tòa nhà BC đang xây dựng của Bệnh viện Phụ sản và nghe ý kiến báo cáo từ Giám đốc bệnh viện cho biết tiến độ xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, hạ tầng của tòa nhà còn quá chậm, khiến cho một số khoa phòng quá chật chội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã ngay lập tức gọi điện cho Ban Quản lý Dự án xây dựng các công trình trọng điểm của Bộ Y tế yêu cầu tìm mọi cách tháo gỡ những khó khăn cho Bệnh viện Phụ sản Trung ương để sớm hoàn thiện cơ sở vật chất, giúp bệnh viện có thêm giường bệnh và giảm tải.

Ðặt quyền lợi của người bệnh lên trước

Một vấn đề nữa được Bộ trưởng Bộ Y tế đặc biệt quan tâm trong chuyến khảo sát thực tế đột xuất tại các bệnh viện lớn của tuyến Trung ương là tinh thần, thái độ cũng như phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế. Bởi theo Bộ trưởng, “chúng ta có làm tốt đến đâu, có nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đến đâu nhưng tinh thần, phong cách phục vụ không tốt, tỏ thái độ thờ ơ, cáu gắt với người bệnh/người nhà bệnh nhân... cũng sẽ khiến  người bệnh không cảm thấy hài lòng về ngành y”. Chính vì thế, khi hỏi chuyện trực tiếp một số người bệnh/người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, được biết, vẫn còn có một bộ phận không nhỏ các cán bộ bác sĩ, điều dưỡng, y tá chưa có thái độ thân thiện, niềm nở với bệnh nhân, vẫn còn có hiện tượng gây khó dễ để vòi vĩnh tiền của người nhà bệnh nhân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu giám đốc các bệnh viện này cần chủ động hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa việc tập huấn liên tục về quy tắc ứng xử, về kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế để làm sao người bệnh ngày càng hài lòng hơn khi đến với bệnh viện.

Về báo cáo của lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương việc một số khoa phòng của bệnh viện thường xuyên quá tải một phần là do người bệnh đã vượt tuyến, Bộ trưởng cũng đề nghị, bệnh viện cần rà soát lại bộ máy nhân lực, xem lại mô hình hoạt động bệnh viện vệ tinh của chính bệnh viện, đồng thời tăng cường chuyển giao chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới để người dân được khám chữa bệnh kỹ thuật cao về sản khoa ngay tại địa phương mà tuyến trên cũng đỡ quá tải. Đối với một số khoa phòng quá tải của Bệnh viện K cũng như báo cáo về việc mua sắm thêm trang thiết bị để “giãn” bệnh nhân từ cơ sở 1 về cơ sở Tân Triều, Bộ trưởng đã đồng ý về chủ trương bởi theo Bộ trưởng: “Nhìn người bệnh vẫn còn vất vả, nằm chật chội, chúng ta càng cần phải quyết tâm đổi mới hơn nữa, sắp xếp lại quy trình khám chữa bệnh để người bệnh đỡ khổ hơn, hài lòng hơn về ngành y”...

Nỗ lực để người bệnh ngày càng hài lòng hơn khi đi khám chữa bệnh

Trên thực tế, không phải chỉ ở chuyến vi hành đột xuất này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã ngay lập tức có những chỉ đạo quyết liệt để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của các bệnh viện mà hầu như trong các chuyến công tác tại cơ sở, Bộ trưởng luôn lắng nghe để kịp thời tháo gỡ về cơ chế, chính sách và kinh phí phù hợp với thực tế của từng bệnh viện.

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống ngày 28/4, tức hơn 1 tuần sau chuyến thị sát của Bộ trưởng, đại diện Ban lãnh đạo Bệnh viện K cho biết, những chỉ đạo của Bộ trưởng đã được lãnh đạo bệnh viện nghiêm túc tiếp thu thực hiện. Đơn cử như việc Bộ trưởng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để lắp đặt bảng số khám điện tử tại Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ đã được lên kế hoạch triển khai để trong tháng 5/2016 sẽ đưa vào sử dụng; hay việc linh động luân chuyển việc thu tiền làm các thủ tục cận lâm sàng cũng đã được thực hiện để người bệnh không phải chờ đợi xếp hàng quá lâu...

Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, TS. Vũ Bá Quyết - Giám đốc BV cho biết, sau cuộc gọi điện thoại trực tiếp của Bộ trưởng, tiến độ lắp đặt, hoàn thiện hạ tầng của tòa nhà khám chữa bệnh mới đã được đẩy nhanh hơn, dự kiến giữa tháng 6/2016 sẽ đưa vào sử dụng trước 6 tầng dưới của tòa nhà. (* Sài Gòn Giải phòng, Sức khỏe & Đời sống (trang 2))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang