Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Chiều 24-2, tại Hà Nội, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư đến thăm và chúc mừng tập thể cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện K cơ sở 3 (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2). |
Đồng chí Võ Văn Thưởng biểu dương những kết quả tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân mà tập thể cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện K đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề nghị, bệnh viện tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống và phát hiện sớm bệnh ung thư để giảm tỷ lệ tử vong do căn bệnh này; tiếp tục quan tâm giáo dục, bồi dưỡng chuyên môn, y đức, cư xử trong quan hệ với bệnh nhân cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện. Chiều cùng ngày, đồng chí Võ Văn Thưởng đến thăm hỏi, chúc sức khỏe Trung tướng, GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Phạm Gia Khánh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ (năm 2006), Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Y, nguyên Giám đốc Học viện Quân y. * Sáng 24-2, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Bình tổ chức kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng. Khởi đầu với cơ sở vật chất lạc hậu, nhân lực thiếu thốn, đến nay Bệnh viện Tâm thần tỉnh Thái Bình có cơ ngơi khang trang, đồng bộ gồm 11 khối nhà trên diện tích 2,2 ha. Bệnh viện được trang bị đầy đủ máy móc hiện đại, thực hiện được hầu hết các kỹ thuật lâm sàng chuyên khoa. Mỗi năm, Bệnh viện khám cho gần 20 nghìn lượt người, điều trị nội trú cho khoảng ba nghìn người bệnh. * Ngày 24-2, Sở Y tế Hà Nội tổ chức kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam và phát động thi đua trong toàn ngành năm 2016. Năm 2015, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành y tế Hà Nội đã triển khai hiệu quả các chương trình chuyên môn đạt và vượt các chỉ tiêu, như: Không để xảy ra ổ dịch lớn; nhiều kỹ thuật, dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao trong lĩnh vực khám, chữa bệnh được triển khai và mở rộng; thực hiện các ca ghép tạng trên cơ thể người… Năm 2016, ngành y tế Hà Nội sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng, chủ động phòng, chống, dịch bệnh; quản lý chặt chẽ chất lượng hoạt động khám, chữa bệnh; tiếp tục cải cách hành chính, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh... * Ngày 24-2, ngành y tế Thanh Hóa tổ chức kỷ niệm 61 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Tại lễ kỷ niệm, ngành y tế Thanh Hóa xác định mục tiêu, phương châm hành động: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát triển khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; tăng cường năng lực y tế tuyến xã, khống chế dịch bệnh, kiểm soát tốt an toàn thực phẩm; thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực y tế, nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nhân dịp này, ngành y tế Thanh Hóa tổ chức vòng chung kết Hội thi đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, thu hút 17 đội tuyển đã lọt qua vòng thi cấp cơ sở tham gia. Hội thi là diễn đàn ôn lại 12 điều y đức, cùng học tập, trau dồi các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao tinh thần phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. * Ngày 24-2, Công ty Toyota Việt Nam phối hợp với Tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) của Mỹ tổ chức trao một xe ô-tô cứu thương và sáu xe đẩy cấp cứu, với tổng trị giá hơn hai tỷ đồng tặng sáu bệnh viện của tỉnh Hà Giang. Đây là chuỗi các hoạt động đóng góp xã hội của Công ty Toyota Việt Nam và Tổ chức VCF, với nỗ lực “trở thành công dân tốt trong cộng đồng sở tại”. Nhân dịp này, Công đoàn Công ty ô-tô Toyota Việt Nam cũng trao tặng số tiền 30 triệu đồng để đóng góp vào “Quỹ tình thương” trong các bệnh viện ở tỉnh Hà Giang, với mong muốn chia sẻ và đóng góp một phần nhỏ cho các bệnh nhân nghèo của tỉnh. (Nhân dân (trang 1), Thanh niên (trang 2): |
Xây dựng thương hiệu Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an
Chiều 24-2, nhân Kỷ niệm 61 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2016), Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã đến thăm, chúc mừng cán bộ, chiến sĩ (CBCS), y, bác sĩ, công nhân viên Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) Bộ Công an.
Báo cáo với đồng chí Thứ trưởng, Thiếu tướng Đỗ Thế Lộc, Giám đốc Bệnh viện YHCT cho biết: Những năm qua, Bệnh viện đã được Bộ Công an chú trọng đầu tư nâng cấp, nâng số giường bệnh lên quy mô 400 giường điều trị nội trú và 20 khoa, phòng… ngoài ra, bệnh viện đang triển khai xây dựng khu nhà điều trị 15 tầng.
Trong chuyên môn Dược, Bệnh viện đã sản xuất được trên 50 sản phẩm thuốc thành phẩm YHCT từ các bài thuốc cổ phương, các công trình nghiên cứu của y, bác sĩ trong viện vừa góp phần đảm bảo chủ động nguồn thuốc điều trị cho bệnh viện, vừa cung cấp những dược phẩm đông y có chất lượng phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe bệnh nhân trong và ngoài ngành. Với 686 cán bộ, công nhân viên, nhân lực Bệnh viện có trình độ chuyên môn sâu, đứng vào tốp đầu so với các bệnh viện trong hệ thống YHCT trong khu vực. Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Đoàn công tác, Thứ trưởng Bùi Văn Nam gửi tới các thầy thuốc, cán bộ quản lý, công nhân viên Y tế Công an nhân dân nói chung và Bệnh viện YHCT nói riêng lời chúc mừng tốt đẹp nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam. Để làm được điều đó, yêu cầu tập thể, Đảng ủy Ban Giám đốc Bệnh viện YHCT cũng như đội ngũ y, bác sỹ, cần tiếp tục nâng cao y đức, trách nhiệm với công việc, làm tốt công tác đoàn kết nội bộ. (Công an nhân dân (trang 3).
Gần 50 người được theo dõi viêm màng não do não mô cầu
Một học sinh lớp 12 trường THPT Lương Thế Vinh (thành phố Hải Dương), em Đỗ Thị X đã tử vong do viêm não mô cầu vào ngày 22/2 vừa qua. Hiện địa phương này đang theo dõi gần 50 người có nguy cơ nhiễm viêm não mô cầu.
Ông Bùi Huy Nhanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương, cho biết, trường hợp tử vong vì não mô cầu này là ca đầu tiên sau hơn 10 năm địa phương không ghi nhận ca nào.
Vì thế, ngay khi xác định ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này , Trung tâm đã tiến hành điều tra, lập danh sách những người tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc bệnh nhân, các học sinh học cùng lớp...
Theo đó, hiện có gần 50 trường hợp là người thân và học sinh cùng lớp với bệnh nhân bị tử vong được theo dõi sức khỏe chặt chẽ, giám sát tại gia đình để có thể xác định sớm bệnh khi có dấu hiệu; đồng thời hướng dẫn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân (rửa tay xà phòng, sử dụng nước súc miệng, họng thông thường), vệ sinh nơi ở; khử khuẩn lớp học, gia đình và các hộ lân cận.
Bởi viêm màng não mô cầu rất nguy hiểm do lây truyền qua đường hô hấp và chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh có thể xuất hiện sốc nhiễm khuẩn. Ở thể nặng, thể tối cấp, bệnh nhân sẽ nhanh chóng bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, rơi vào tình trạng sốc, suy đa thể tạng và có thể tử vong nhanh trong vòng 24 tiếng. Trong khi đó, phát hiện sớm, điều trị kháng sinh rất đặc hiệu với căn bệnh này.
Chiều 24/2, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chỉ đạo Sở Y tế Hải Dương nhanh chóng xử lý, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch não mô cầu nguy hiểm.
PGS Trần Đắc Phu cho biết: Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu. Nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất và cũng là nhóm người lành mang vi khuẩn nhiều nhất là lứa tuổi trẻ. Tại Việt Nam, bệnh này lưu hành ở nhiều nơi, có thể gây thành dịch.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ cần đến viện sớm. Đặc biệt, nếu 1 bệnh nhân có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc sống trong tập thể có người đã được xác định viêm não mô cầu, lại có các biểu hiện lâm sàng như sốt cao đột ngột, có thể có rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu, rồi thêm các triệu chứng màng não - não như đau đầu dữ đội, cứng gáy, buồn nôn, rối loạn ý thức, li bì, vật vã, kích thích… thì cần nghĩ đến nguy cơ viêm não mô cầu.
Còn tại bệnh viện, cần cách ly bệnh nhân và với những người tiếp xúc trực tiếp cần đeo khẩu trang, dùng thuốc dự phòng. (Thanh niên (trang 2), Lao động (trang 3).
Hà Nội xây dựng 3 tình huống đối phó với virus Zika
Ngày 24-2, Sở Y tế Hà Nội đã có thông báo về kế hoạch phòng chống dịch bệnh do virus Zika (gây hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh). Theo đó, kế hoạch phòng chống bệnh do virus Zika được xây dựng trên 3 tình huống: chưa ghi nhận ca bệnh tại Hà Nội; xuất hiện các ca bệnh nhiễm virrus Zika tại Hà Nội; dịch lây lan trong cộng đồng.
Khi chưa có ca bệnh cần phát hiện sớm ca bệnh để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng; khi xuất hiện ca bệnh phải khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng; trong trường hợp dịch lây lan ra cộng đồng phải đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan, hạn chế tử vong và biến chứng do bệnh dịch. (An ninh thủ đô (trang 2), Hà Nội mới (trang 7).
Hồi âm “Bát nháo chợ thuốc tân dược Hapu”: Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, làm rõ
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã giao cho các bộ phận chức năng khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định. Ông Hiền cam kết ngay sau khi có kết quả xử lý sẽ cung cấp cho cơ quan báo chí. Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay từ đầu giờ sáng ngày 24/2, sau khi đọc thông tin trên báo Tiền Phong về tình trạng bát nháo tại chợ thuốc tân dược Hapu, trong đó có việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, không hóa đơn, ông Hiền đã giao cho các bộ phận chức năng khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định. Ông Hiền cam kết ngay sau khi có kết quả xử lý sẽ cung cấp cho cơ quan báo chí.
Trước đó, trên số báo ra ngày 24/2, Tiền Phong đã phản ánh tình trạng bát nháo, lộn xộn trong kinh doanh, những dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý dược phẩm tại Trung tâm thương mại Hapulico số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Hà Nội, nơi nhiều người quen gọi là chợ thuốc tân dược Hapu có quy mô lớn nhất cả nước… (Tiền phong (trang 6).
Can thiệp DSA cứu sống một bé trai bị giập não
Sau một tai nạn giao thông (TNGT) gây tổn thương dập não, cháu Nguyễn Trọng Phúc (13 tuổi, ngụ tại Bình Dương) được cấp cứu và điều trị 13 ngày tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Bình Dương và xuất viện về nhà. Nhưng mới được 4 ngày, cháu Phúc có hiện tượng chảy máu mũi ồ ạt. Khi được chuyển vào BV Chợ Rẫy ngày 6- 2, cháu đã trong tình trạng ói, ộc ra máu. Mỗi lần lượng máu ra từ 0,5 tới 1 lít, và phải truyền máu liên tục.
Với sự phối hợp ăn ý và mục tiêu cao nhất là cứu sống bằng được bệnh nhân, việc ứng dụng kỹ thuật can thiệp nội mạch – DSA (chụp mạch máu xoá nền) đã cứu sống cháu Phúc được coi là ca bệnh rất hiếm gặp trong Y văn.
Trao đổi với BS Hoàng Bá Dũng - Trưởng khoa Tai-mũi-họng BV Chợ Rẫy ngày 24- 2, BS cho biết : “Trước đó, cứ 5 h sáng, bệnh nhân Phúc lại lên cơn đau bụng và ộc ra lượng máu cả lít. Nếu không xử trí nhanh, bệnh nhân sẽ nhanh chóng bị ngạt thở và cầm chắc tử vong. Ngoài việc truyền máu cho bệnh nhân, theo chỉ đạo của lãnh đạo BV Chợ Rẫy, các khoa phải cùng phối hợp, hội chẩn để cứu sống bệnh nhân”.
Tuy nhiên, theo BS Dũng, việc chẩn đoán rất khó khăn. Máu từ dạ dày do chấn thương vụ TNGT chảy ra hay từ vùng mũi, đó là những tình huống lúc đầu nghĩ tới.
Tuy nhiên khi nội soi dạ dày không thấy tổn thương, chụp DSA lần đầu cũng chỉ thấy có dấu hiệu bị tắc một động mạch. Ê kíp các BS quyết định hội chẩn lần thứ 2 với sự phối hợp của BS Tai mũi họng, Ngoại thần kinh, chẩn đoán hình ảnh … mà PGS-TS Trần Minh Trường, Phó GĐ BV trực tiếp chỉ huy.
Nói về quá trình hội chẩn, PGS-TS Trần Minh Trường phân tích : “Trong lần 2 hội chẩn Liên Chuyên khoa, chúng tôi đã nghĩ tới hướng bệnh nhân bị tổn thương một động mạch lớn trên sàn sọ. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân này cũng rất giống với những ca mà đã gặp trước đó, là với tổn thương động mạch lớn vùng sàn sọ rất khó phát hiện vị trí tổn thương, mà thường phải chụp DSA lần 2 mới tìm thấy.
Mạch máu động mạch cảnh nghi ngờ bị tổn thương cũng đã được tính tới. Trong đó, nguy cơ cao nhất sẽ gây tử vong cho bệnh nhân. Ê kíp đã lên phương án, nếu chụp lại DSA, tìm được tổn thương sẽ xử lý luôn ; nếu không tìm được qua chụp DSA, sẽ đưa bệnh nhân lên phòng mổ ngay và tìm thấy tổn thương ở đâu sẽ đốt, cầm máu ngay chỗ đó”.
Được biết, ê kíp các BS cũng đã tính tới 3 tình huống “tai biến” sẽ xảy ra với bệnh nhân trong quá trình xử lý can thiệp nội mạch DSA, đó là: Tử vong ngay trên bàn mổ, tai biến liệt nửa người và cả tình huống bị mù mắt. Một vấn đề không kém phần nan giải nữa, thực hiện một kỹ thuật cao như vậy kèm theo sẽ là chi phí tốn kém mà gia đình cháu Phúc lại nghèo và không có BHYT. Đơn vị Y xã hội ( hỗ trợ cho các trường hợp bệnh nhân khó khăn) của BV Chợ Rẫy cũng đã được mời vào cuộc.
Ngoài ra, kết quả chụp DSA lần 2 đã phát hiện vị trí dò rỉ của mạch máu nhưng vị trí tổn thương lại nằm trúng ngay một nhánh của động mạch não trước. Một tổn thương vô cùng hiếm gặp (chỉ chiếm 0,14% trong ghi nhận Y văn). Do đó, riêng chi phí cho can thiệp “chữa trị” vết dò, rỉ này sẽ tốn khoảng 50 triệu đồng.
Trưởng phòng Y xã hội của BV là kỹ sư Lê Minh Hiển kể : “Khi chúng tôi còn đang “cân nhắc” thì đúng 12h5 trưa ngày 7- 2, chúng tôi đã nhận được cuộc điện thoại từ PGS .TS Trần Minh Trường cho biết, lãnh đạo BV đã đồng ý “chi” cho ca can thiệp, chúng tôi hoàn toàn vững tâm”.
Trở lại vấn đề kỹ thuật áp dụng trong ca can thiệp DSA trên, PGS TS Minh Trường cho biết: DSA là một kỹ thuật cao. Chi phí riêng chụp DSA đã vào khoảng gần 10 triệu đồng/lần chụp. Tuy nhiên, tại BV Chợ Rẫy, để cứu sống được những ca bị tổn thương mạch máu não khó phát hiện như bệnh nhân trên, BV Chợ Rẫy đã có một qui định riêng áp dụng là bệnh nhân cứ có tổn thương chảy máu vùng mũi khẩn cấp sẽ cho chụp DSA lần 2.
Qui định này đã có khoảng 7-8 năm nay và đã cứu sống được không ít bệnh nhân. Dù với chi phí chụp DSA, nhiều bệnh nhân không có tiền thực hiện nhưng vì đặt mục tiêu cứu sống bệnh nhân lên trên hết, nên qui định này vẫn được duy trì tại BV Chợ Rẫy. (Công an nhân dân (trang 4).