Thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành trong tháng hành động An toàn thực phẩm
Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm Trung ương gồm các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức 06 đoàn thanh tra, kiểm tra, tiến hành thanh tra tại 12 tỉnh, thành phố.
Cụ thể như sau:
Đoàn số 1: Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì) (Bao gồm cả đơn vị kỹ thuật thuộc Cục) phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường- C49 (Bộ Công an) tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Hà Nam, Lào Cai.
Đoàn số 2: Cục Bảo vệ thực vật chủ trì phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường- C49 (Bộ Công an), Viện Vệ sinh y tế công cộng Tp. Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai.
Đoàn số 3: Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) chủ trì phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Cục Báo chí (Bộ Thông tin & truyền thông) Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Thanh Hóa, Nghệ An.
Đoàn số 4: Cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Thanh tra Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Lâm Đồng, Đắc Nông.
Đoàn số 5: Cục An toàn thực phẩm chủ trì phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ Bộ Công thương, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Viện Vệ sinh y tế công cộng Tp. Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Cần Thơ, Hậu Giang.
Đoàn số 6: Thanh tra Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Cục Thú y, Viện Pasteur Nha Trang tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Khánh Hòa, Bình Định.
Bên cạnh 06 Đoàn liên ngành Trung ương, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Du khách Úc nghi nhiễm Zika từ Việt Nam?
Thông tin từ Bộ Y tế ngày 23/3 cho biết, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo đối với phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika sau khi nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tại Australia (Úc) đã xác định một trường hợp nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam.
Thông tin từ Bộ Y tế ngày 23/3 cho biết, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo đối với phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika sau khi nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tại Australia (Úc) đã xác định một trường hợp nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam
Được biết, ngày 22/3, Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tại Australia (Úc) đã xác định một trường hợp nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Trường hợp này đến Việt Nam từ ngày 26/02/2016 và xuất cảnh về Úc ngày 06/3/2016; đến ngày 08/3/2016 có biểu hiện triệu chứng nhiễm vi rút Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn. Trong thời gian ở Việt Nam, trường hợp này đã đi đến TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.
Ngay sau khi nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối của WHO, Bộ Y tế đã thành lập Đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm Trưởng đoàn và Lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ Y tế đến các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận để làm việc với Ủy ban nhân dân và các Sở, ban, ngành liên quan để trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, xác minh và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo ngành y tế nâng mức cảnh báo đối với phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam và yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng tương tự như nhiễm vi rút Zika tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng do có thể có trường hợp nhiễm vi rút có biểu hiện nhẹ, vừa hoặc không có triệu chứng; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng dẫn người dân tự diệt muỗi, bọ gậy để phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.
Trước đó, để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống vi rút Zika và giám sát, xác minh sự lưu hành vi rút Zika tại Việt Nam, ngày 22/3/2016, Bộ Y tế đã chỉ đạo các Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang hỗ trợ các địa phương nơi trường hợp người Úc này đã từng đến tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm xác định; sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để đảm bảo việc giám sát, xử lý khi phát hiện ổ dịch Zika.
Ngày 22/3/2016, Cơ quan đầu mối quốc gia IHR, Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) của Bộ Y tế đã liên hệ qua email và điện thoại trực tiếp với Cơ quan đầu mối của WHO và Cơ quan đầu mối của Australia để đề nghị cung cấp thêm thông tin chi tiết về cửa khẩu, thời gian nhập/ xuất cảnh, địa điểm lưu trú và các khu vực cụ thể đã đến Việt Nam của trường hợp này.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết hiện chưa thể khẳng định được trường hợp này nhiễm virus Zika tại Việt Nam. Từ đó, chúng ta có thể xác định được liệu virus Zika có ở Việt Nam hay không. Thời gian ủ bệnh của virus này là từ 3-12 ngày. Do chưa có đầy đủ thông tin từ Cơ quan đầu mối của WHO và Australia về trường hợp người Australia trong thời gian lưu trú tại Việt Nam cũng như chưa loại trừ được các khả năng nhiễm vi rút Zika trước khi đến và sau khi rời Việt Nam của trường hợp này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đầu mối của WHO và Cơ quan đầu mối của Australia để làm rõ các thông tin liên quan, triển khai giám sát và xác minh để khẳng định sự lưu hành vi rút Zika tại Việt Nam.
Đến nay, WHO thông báo trên thế giới đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika, trong đó có một số quốc gia khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia,... cũng ghi nhận những trường hợp người nước ngoài nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ các nước này và được coi như là nước có sự lưu hành vi rút Zika; hiện các quốc gia này cũng đang tích cực triển khai các biện pháp giám sát xác minh sự lưu hành vi rút Zika và triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp. WHO cũng chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại đến các quốc gia đang có dịch bệnh vi rút Zika này. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Bệnh viện Chợ Rẫy không thu viện phí của bệnh nhân Huỳnh Văn Nén
Khi nắm được thông tin ông Huỳnh Văn Nén – “người tù thế kỷ” bị tai nạn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã liên lạc với PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Bệnh viện đề nghị hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân. Ngay sau đó, lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo các bác sĩ tiếp tục tích cực điều trị cho ông Nén và không thu viện phí của gia đình ông.
Chiều tối ngày 23/3, Ths. Lê Minh Hiển – Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu Phòng công tác xã hội liên hệ với gia đình của ông Huỳnh Văn Nén thăm hỏi, tìm hiểu những khó khăn vướng mắc của gia đình bệnh nhân để có phương án hỗ trợ. “Phòng công tác xã hội của bệnh viện đã tới thăm, tặng quà cho ông Nén. Đồng thời cũng đã trao đổi với vợ của bệnh nhân là bà Nguyễn Thị Cẩm để tìm ra phương án hỗ trợ tốt nhất cho gia đình”, Ths. Lê Minh Hiển cho biết.
Theo anh Hiển, bà Nguyễn Thị Cẩm đã chia sẻ, khi ông Nén bị tai nạn gia đình rất lo lắng. Gia đình khó khăn, không có tiền nên đã đi vay mượn được 20 triệu đồng mang vào bệnh viện dự tính để trả tiền viện phí cho chồng. “Nắm được tình hình như vậy, chúng tôi đã báo cáo với giám đốc bệnh viện. Và PGS.TS Nguyễn Trường Sơn đã chỉ đạo, các bác sĩ tiếp tục tích cực điều trị cho bệnh nhân Nén, bệnh viện không thu viện phí của gia đình và bệnh viện cũng sẽ trả lại số tiền tạm ứng mà thân nhân bệnh nhân Huỳnh Văn Nén đã đóng lúc vào nhập viện. Đồng thời, giám đốc bệnh viện cũng yêu cầu phòng công tác xã hội liên hệ với bà Nguyễn Thị Cẩm, đề xuất bà Cẩm nên gửi số tiền 20 triệu đồng vào phòng Bảo vệ của bệnh viện để tránh bị mất cắp. Khi nào gia đình bà Cẩm về lại Bình Thuận, phòng Bảo vệ sẽ trả lại 20 triệu đó cho gia đình mang về để trả nợ”, Ths. Hiển nói rõ.
Sáng ngày 23/3, BS. Trường Đà – Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, kết quả chụp CT (chụp cắt lớp) cho thấy bệnh nhân Huỳnh Văn Nén bị dập não thái dương bên trái và xuất huyết não. Các bác sĩ hiện đang theo dõi tình hình máu tụ trong não, nếu nguy hiểm sẽ tiến hành phẫu thuật.
Ông Nén được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng bị hôn mê, chấn thương ở tay, chân, đầu gối và trên đầu. Anh Huỳnh Thành Lượng (con trai ông Nén) cho biết, cha anh hiện đang nằm ở khoa Ngoại thần kinh. So với lúc vừa gặp nạn, lúc này ông đã đỡ hơn nhưng lúc tỉnh lúc mê.
Theo anh Thành Lượng, chiều ngày 22/3, ông Huỳnh Văn Nén mượn xe máy của người cháu để tập lái, nhưng bất ngờ tăng ga với tốc độ khá nhanh. Sau một đoạn ngắn ông bị ngã, bất tỉnh. Gia đình đưa nạn nhân đến bệnh viện địa phương cấp cứu, sau đó chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy.
Ông Huỳnh Văn Nén vừa được ra tù và được minh oan, xin lỗi trong hai vụ án giết người là vụ án “Vườn điều” và vụ án “giết chết bà Bông” ở thị trấn Tân Minh, H.Hàm Tân (Bình Thuận). Trước khi ra tù ông Nén đã bị giam gần 17 năm. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Ðề xuất đưa salbutamol vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt: Vì sao?
Salbutamol vốn là hoạt chất sử dụng làm thuốc điều trị cho người từ nhiều năm nay. Các thuốc thành phẩm chứa chất salbutamol được sử dụng trong ngành y tế chủ yếu trong khoa hô hấp.
Salbutamol vốn là hoạt chất sử dụng làm thuốc điều trị cho người từ nhiều năm nay. Các thuốc thành phẩm chứa chất salbutamol được sử dụng trong ngành y tế chủ yếu trong khoa hô hấp. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã sử dụng chất này phối trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm để kích thích tăng trưởng. Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã đề xuất đưa salbutamol vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng chất cấm này trong chăn nuôi.
Lạm dụng salbutamol trong chăn nuôi: Nguy hại tới sức khỏe vô cùng
Ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, các thuốc thành phẩm chứa chất salbutamol được sử dụng trong ngành y tế chủ yếu trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang. Đây là nguyên liệu rất cần thiết cho công tác điều trị.
Tuy nhiên ở Việt Nam, nhiều người chăn nuôi sử dụng salbutamol trộn vào thức ăn nhằm thúc heo, bò nhanh lớn, nhiều nạc, dễ bán, nhờ đó tăng lợi nhuận. Những năm gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện mẫu thịt lợn tồn dư chất cấm salbutamol. Chất này khi hấp thụ vào cơ thể động vật sẽ điều tiết quá trình sinh trưởng, thúc đẩy hình thành cơ bắp, phân giải mỡ nhanh. Hiện chất này bị cấm dùng trong chăn nuôi trên toàn thế giới do có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Vì tính nguy hại của salbutamol, Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung vào Luật Dược sửa đổi, theo đó đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như nguyên liệu salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào nhóm thuốc “phải kiểm soát đặc biệt”, cùng các nhóm thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc phóng xạ.
Nếu được “quản lý đặc biệt” sẽ giảm tình trạng lạm dụng salbutamol trong chăn nuôi
Theo ông Đông, các thuốc thuộc danh mục cần kiểm soát đặc biệt được quản lý chặt chẽ như sau: các cơ sở kinh doanh thuốc thuộc danh mục cần kiểm soát đặc biệt phải đáp ứng điều kiện kinh doanh quy định chung đối với thuốc, đồng thời phải đáp ứng các điều kiện về đảm bảo an ninh, đảm bảo kiểm soát không để xảy ra thất thoát hay sử dụng trái mục đích phòng bệnh, chữa bệnh. Đối với thuốc phóng xạ phải đáp ứng các điều kiện về an toàn bức xạ và phải có giấy phép về bảo đảm an toàn bức xạ. Cụ thể là điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất kỹ thuật, các quy trình liên quan đến hoạt động kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt, chế độ lưu giữ hồ sơ, chứng từ, chế độ báo cáo. Qua đó, cơ quan quản lý sẽ kiểm soát được đường đi của thuốc trong hệ thống phân phối, sử dụng thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Chính vì vậy, quy định về dự trù, duyệt dự trù và chế độ báo cáo đối với các thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc được quy định rất chặt chẽ. Bên cạnh đó các chế tài xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc phải kiểm soát đặc biệt cũng nặng hơn rất nhiều so với thuốc thông thường.
Ông Đông khẳng định: “Nếu Luật Dược sửa đổi được thông qua với quy định đưa salbutamol vào danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt, Bộ Y tế sẽ kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, phân phối và sử dụng. Việc cấp phép nhập khẩu mới sẽ căn cứ vào báo cáo cụ thể về số lượng sản xuất, tồn kho... và sẽ giảm được tình trạng lạm dụng salbutamol trong thức ăn chăn nuôi”.
Trước đó, trong năm 2015, khi có thông tin về việc nguyên liệu salbutamol có khả năng bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi, Bộ Y tế đã tích cực thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích nguyên liệu làm thuốc đặc biệt là salbutamol. Tháng 11/2015, cơ quan này cũng yêu cầu các đơn vị tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol. Đồng thời tiến hành kiểm tra đột xuất các đơn vị nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu salbutamol, phát hiện ra đơn vị sai phạm đã xử phạt nghiêm theo thẩm quyền, đồng thời chuyển hồ sơ sang Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an đề nghị điều tra, xử lý.
Salbutamol là hoạt chất sử dụng làm thuốc điều trị cho người từ nhiều năm nay. Bộ Y tế quản lý việc nhập khẩu nguyên liệu salbutamol về để sản xuất thuốc thành phẩm trong nước và nhập khẩu thuốc thành phẩm chứa salbutamol phục vụ nhu cầu điều trị bệnh. Như vậy, nguyên liệu salbutamol, thuốc chứa salbutamol rất cần thiết cho công tác điều trị, được sử dụng trong ngành y tế và không nằm trong danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt. Vì vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu salbutamol làm thuốc được ngành y tế thực hiện theo Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010. (Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Lập đoàn công tác khẩn đến các tỉnh du khách Úc nhiễm vi rút Zika lưu trú
Chiều 24.3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận bàn về công tác phòng chống vi rút Zika có thể xuất hiện tại VN. Ông Long cho biết ngay sau khi nhận được thông báo của Úc, Bộ Y tế đã thành lập các đoàn công tác khẩn cấp đến những tỉnh mà người này đã tạm trú; đồng thời đề nghị phải nâng mức cảnh báo để chúng ta phòng dịch cho tốt. Tuy nhiên, VN không cần thiết phải hạn chế triệt để việc cách ly nếu phát hiện Zika; cũng không cần thiết phải hạn chế các hoạt động của ngành du lịch…
Tại buổi làm việc, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Cơ quan Y tế Úc vừa thông báo công dân của họ bị nhiễm Zika vừa đi du lịch tại Nha Trang, Mũi Né, Đà Lạt và về nước qua sân bay Tân Sơn Nhất. "Tuy nhiên, chưa có gì khẳng định công dân Úc nhiễm Zika từ VN. Chưa biết trước khi đến VN, du khách này từng đến những vùng có nhiễm dịch hay chưa", ông Phu nói. Để phòng ngừa, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng kiến nghị các địa phương, nơi có công dân Úc đi qua cần khẩn trương lấy mẫu bệnh phẩm đối với người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Zika để xét nghiệm. Cần khuyến cáo người dân "không có muỗi đốt thì không có Zika" giống như công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Cùng ngày, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết Bệnh viện đa khoa tỉnh đã lập Ban Chỉ đạo và đường dây nóng 19009095 phòng chống dịch bệnh Zika. Trong khi đó, Bộ này khuyến cáo, người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị; liên lạc đường dây nóng: 0989671115. (Thanh niên (trang 2), Công an nhân dân (trang 1).
Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025. Đề án tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể, phấn đấu giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh xuống dưới mức 0,46 điểm phần trăm/năm, để tỷ số này dưới mức 115 vào năm 2020.
Ở các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh từ 115 trở lên, phải giảm ít nhất 0,4 điểm phần trăm/năm trong giai đoạn 2016-2020; giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107 sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Đề án đưa ra giải pháp thực hiện là truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất bằng giới tính khi sinh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh...
Đề án cũng sẽ xây dựng, thử nghiệm và thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội; nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các cặp vợ chồng sinh con một bề gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, người dân đang sống tại các xã đảo, huyện đảo; cho cha mẹ sinh con một bề gái khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu... (An ninh thủ đô (trang 2).
Xem như có ca bệnh Zika
Liên quan trường hợp một người Úc từng đến TPHCM, sau đó về nước có kết quả dương tính với virus Zika, Bộ Y tế đã tăng cường các biện pháp giám sát trong tư thế đã có ca bệnh tại Việt Nam.
Mỗi ngày lấy 200 mẫu bệnh phẩm
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong ngày 24/3, ông Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - cho biết, ngay khi nhận được thông tin từ Bộ Y tế, viện đã chủ động liên lạc và nắm bắt được một vài chi tiết về mặt dịch tễ đối với ca mắc Zika vừa phát hiện tại Úc.
Theo ông Lân, thông qua WHO và Bộ Y tế Úc, được biết du khách mắc Zika đã lưu lại Việt Nam từ ngày 26/2 đến 6/3. Sau đó, khi trở về Úc, người này bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của bệnh vào ngày 8/3. “Như thế, về mặt dịch tễ, khoảng thời gian bệnh nhân ở nước ta, cụ thể là tại TPHCM, trùng hợp với giai đoạn ủ bệnh của Zika từ 3 đến 12 ngày. Có thể nói, khả năng virus Zika đã lây nhiễm tại TPHCM”, ông Lân nhận định. Dù chưa rõ đường đi của người mang mầm bệnh, ông Lân cho biết, TPHCM sẽ phải nâng mức cảnh báo lên tình huống ứng phó thứ 2, tức xem như TPHCM đã có ca bệnh.
Trong tình huống này, Viện Pasteur TPHCM đã triển khai ngay 3 giải pháp mang tính tổng thể. Trước hết, sẽ liên tục cập nhật thông tin từ WHO, Bộ Y tế Úc về trường hợp nhiễm Zika nhằm xác định những nơi mà du khách đã đi qua tại Việt Nam. Song song đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho người dân ý thức thực hiện diệt muỗi, lăng quăng, loại bỏ tất cả khả năng đọng nước tại nhà và xung quanh. Lực lượng chức năng sẽ tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại những địa bàn trọng điểm, nhất là những nơi có nhiều khách du lịch.
Ông Lân cho biết, ngày 25/3, Viện Pasteur phối hợp Sở Y tế TPHCM để triệu tập cuộc họp với 30 cơ sở y tế gồm 23 bệnh viện quận huyện và 7 bệnh viện lớn trên địa bàn để tập huấn và triển khai giám sát lấy mẫu. Ngay sau tập huấn, mỗi ngày, 30 bệnh viện trên sẽ tiến hành sàng lọc. Bất cứ bệnh nhân nào đến khám có các biểu hiện lâm sàng tương đồng bệnh do virus Zika gây ra như sốt, phát ban… thì phải lấy mẫu bệnh phẩm. Các mẫu này sẽ được gửi về Viện Pasteur TPHCM để tiến hành xét nghiệm truy tìm virus Zika ngay trong ngày. Dự kiến, hằng ngày, sẽ có từ 100 đến 200 mẫu bệnh phẩm được gửi về viện.
Ông Lân cho biết thêm, khi xuất hiện dịch Zika, Viện Pasteur thành phố đã triển khai 8 điểm giám sát lấy mẫu cho toàn khu vực phía Nam. Khoảng 400 mẫu bệnh phẩm đã được gửi về viện nhưng chưa phát hiện mẫu nào dương tính với virus Zika. Ngoài ra, viện cũng rà soát lại các mẫu xét nghiệm năm 2015 âm tính với sốt xuất huyết để tìm Zika nhưng cũng không phát hiện. Ông khuyến cáo người dân, nếu về Việt Nam từ nước ngoài, nên theo dõi kỹ tình trạng sức khỏe trong 12 ngày, thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế tối đa việc bị muỗi đốt như dùng thuốc bôi ngoài da, mặc quần áo dài tay…
Nghi nhiễm cần đi khám ngay
Sáng 24/3, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có mặt tại Bình Thuận để chỉ đạo các Viện Pasteur TPHCM, Pasteur Nha Trang hỗ trợ công tác khám, xét nghiệm; tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ; sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để đảm bảo việc giám sát, xử lý khi phát hiện ổ dịch Zika.
Theo TS Trần Đắc Phu, những người nghi nhiễm virus Zika, sốt xuất huyết có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào để khám. Đặc biệt những bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhưng qua xét nghiệm lại cho kết quả âm tính cần phải nghĩ ngay tới việc nhiễm virus Zika. Hiện Bộ Y tế đã chỉ định 2 phòng xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur TPHCM chẩn đoán virus Zika. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ đưa vào hoạt động hai phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.
Bộ Y tế khuyến cáo để phòng tránh virus Zika, những phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika khi không cần thiết. Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.
Trước tình hình dịch bệnh do virus Zika tiếp tục diễn biến phức tạp, bên lề phiên họp Quốc hội, sáng 24/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: Du khách người Úc có thể bị nhiễm vi rút Zika từ trước khi đến Việt Nam, song cũng có khả năng người dân tại các vùng này bị nhiễm nhưng hiện giờ chưa phát hiện ra. Bởi trên thực tế có những người bị nhiễm nhưng không có biểu hiện lâm sàng, không có triệu chứng.
“Đây là bệnh dịch mới phát hiện nên là thách thức mới cho ngành y tế. Đến nay chưa phát hiện ra nhưng như thế không có nghĩa là không có. Chúng tôi hy vọng virus Zika sẽ không xảy ra ở Việt Nam”, Bộ trưởng Tiến bày tỏ, đồng thời cho biết trong khoảng một tuần nay đã huy động các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm dịch từ biên giới, hai cửa khẩu sân bay quốc tế và khuyến cáo người dân không nên đến vùng dịch nếu không cần thiết.
TS Trần Đắc Phu cho hay, người bệnh bị nhiễm virus Zika có những triệu chứng rất giống với sốt xuất huyết như: sốt, đau cơ, mỏi người nên rất khó phát hiện bệnh. So với sốt xuất huyết thì biểu hiện bệnh do virus Zika nhẹ hơn, 80% không có biểu hiện bệnh. Khi nhiễm virus Zika, các triệu chứng thường nhẹ và tự khỏi. Do đó, phụ nữ mang thai có thể không biết họ có bị nhiễm virus Zika hay không. Virus Zika có thời gian ủ bệnh 3-12 ngày, không trực tiếp gây ra tử vong và chưa có kiểm định rõ ràng, nhưng có mối tương quan lớn đối với 2 bệnh đó là: hội chứng não nhỏ và hội chứng viêm đa rễ thần kinh. Hiện cũng chưa có vắc-xin phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc đặc hiệu điều trị. (Tiền phong (trang 6).
Vùng nào ở Việt Nam có nguy cơ bị virus Zika xâm nhập và lây lan cao nhất?
Sau thông tin một người Úc xác định nhiễm virus Zika - loại virus nghi gây dị tật đầu nhỏ - sau khi trở về từ Việt Nam, nhiều người băn khoăn, ở Việt Nam, vùng nào dễ có nguy cơ lây lan loại virus nguy hiểm này nhất?
Trước đó, ngày 22/3, Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của Việt Nam nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối Điều lệ Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo tại Úc đã xác định một trường hợp nhiễm virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam.
Trường hợp này đến Việt Nam từ ngày 26/2/2016 và xuất cảnh về Úc ngày 6/3/2016. Hai ngày sau (8/3), bệnh nhân này có biểu hiện triệu chứng nhiễm virus Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn. Được biết, trong thời gian ở Việt Nam, trường hợp này đã đi đến 4 tỉnh, thành gồm: TP. HCM, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, muỗi truyền bệnh do virus Zika chính là muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết đang lựu hành phổ biến tại Việt Nam.
“Muỗi này ở Việt Nam lưu hành trên cả nước, nhưng đặc biệt lưu hành cao, nhiều, quanh năm ở khu vực miền Trung, ven biển và miền Nam, một số tỉnh Tây Nguyên - nơi có điều kiện khí hậu thích hợp cho muỗi sinh sôi phát triển” – PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Trong khi đó, một yếu tố cộng hưởng khác khiến nguy cơ Việt Nam xuất hiện và lan truyền lớn của dịch bệnh do virus Zika là trong năm 2015, dịch sốt xuất huyết đã bùng phát, chưa có dấu hiệu giảm vào những tháng đầu năm 2016 tại một số tỉnh, thành phố.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng chia sẻ, nguy cơ xâm nhập và phát triển bệnh do virus Zika vào Việt Nam là rất lớn còn do không chỉ là những người Việt Nam đi từ vùng dịch về, mà tất cả những khách đi từ vùng dịch về cũng có thể mang mầm bệnh do virus Zika từ nước đó về Việt Nam. Khi vào Việt Nam, nếu gặp muỗi đã lưu hành trước đó, đốt người, thì có thể lây lan ra cộng đồng và người Việt.
“Nơi nào sốt xuất huyết lưu hành, bùng phát thì đó là nơi có nguy cơ rất cao của sự lây lan, bùng phát bệnh do virus Zika, đặc biệt là các tỉnh Nam Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Tây Nguyên. Ở miền Bắc, vào dịp từ tháng 4-11 là khi muỗi phát triển mạnh, do đó, nguy cơ xâm nhập và lây lan virus Zika cũng cao” – PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Tính đến nay, WHO thông báo đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành virus Zika. Một số quốc gia khu vực Đông Nam Á với Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia,... đã ghi nhận những trường hợp người nước ngoài nhiễm virus Zika sau khi trở về từ các nước này và được coi như là nước có sự lưu hành virus Zika. (Gia đình & xã hội (trang 7).
Cảnh giác cao độ với Zika
Như báo Hànộimới đã đưa tin, tối 23-3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có thông báo khẩn, nâng mức cảnh báo phòng dịch Zika tại Việt Nam sau khi nhận được cảnh báo từ Tổ chức Y tế thế giới. Theo đó, Australia đã xác định một trường hợp nhiễm vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Du khách này đã tham quan TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng. Hiện tại, các địa phương được "khoanh vùng" đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra dịch.
Đề nghị nâng mức cảnh báo như đang có Zika tại Bình Thuận
Ngày 24-3, Đoàn công tác của Bộ Y tế tiếp tục làm việc và kiểm tra công tác sẵn sàng ứng phó với bệnh do vi rút Zika tại tỉnh Bình Thuận, nơi du khách người Australia có lưu trú. Sau khi kiểm tra trực tiếp tại Phòng khám Đa khoa khu vực Mũi Né, Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận và làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị địa phương nâng mức độ cảnh báo, phòng chống dịch, coi như đang có Zika để triển khai ngay các biện pháp phòng chống. Đối với tất cả bệnh nhân có biểu hiện của triệu chứng cúm - dấu hiệu của Zika - cần lấy mẫu máu ngay để gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận phải triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Zika tương tự phòng, chống sốt xuất huyết. Riêng Mũi Né phải mở rộng giám sát tại cộng đồng, nhất là nơi cư trú của du khách. Ngoài Bình Thuận, các địa phương du khách người Australia có lưu trú (Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh) cũng nâng mức cảnh báo như đang có dịch Zika. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hướng dẫn người dân tự diệt muỗi, bọ gậy để phòng, chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết, đồng thời tránh để người dân hoang mang, lo sợ.
Chiều 24-3, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, du khách người Australia có thể nhiễm vi rút Zika tại Việt Nam. Hiện tại, Bộ Y tế đã chỉ định 2 phòng xét nghiệm chẩn đoán vi rút Zika tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đưa vào hoạt động hai phòng xét nghiệm chẩn đoán vi rút Zika tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, triệu chứng khi mắc vi rút Zika không đặc trưng và có tới 80% không có biểu hiện lâm sàng. Người bệnh có những biểu hiện rất giống các bệnh lý khác như: sốt, đau cơ, mỏi người... Các triệu chứng thường nhẹ, tự khỏi nên rất khó phát hiện bệnh. Phụ nữ mang thai có thể không biết bị nhiễm vi rút Zika hay không. Để phòng dịch bệnh xâm nhập và lây lan, những người nghi nhiễm vi rút Zika có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào để khám. Đặc biệt, những bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhưng qua xét nghiệm lại cho kết quả âm tính cần phải nghĩ ngay tới việc nhiễm vi rút Zika.
Chưa xác định được nguồn lây nhiễm
Ông Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhận định, nếu căn cứ vào lời khai của du khách, TP Hồ Chí Minh nói riêng và các địa phương du khách đi qua phải nâng mức cảnh báo để can thiệp đồng bộ. Nếu căn cứ yếu tố dịch tễ, nguy cơ Việt Nam có Zika rất lớn, thời gian ủ bệnh tương ứng với thời gian du khách Australia đến Việt Nam. Dù chưa xác định được ổ dịch ở Việt Nam hay bên ngoài truyền vào nhưng trong bối cảnh thế giới đã có 59 quốc gia mắc Zika, sớm muộn Việt Nam cũng sẽ bị nhiễm Zika, vấn đề chỉ là thời gian. Nguyên nhân là Việt Nam có các điều kiện thuận lợi để dịch bệnh Zika tấn công như: Khí hậu thuận tiện để muỗi phát triển, nhân tố trung gian truyền bệnh Zika thuận lợi... Cũng theo ông Phan Trọng Lân, riêng TP Hồ Chí Minh xếp vào hàng nguy cơ nhiễm Zika rất cao do đặc thù khách du lịch quốc tế đến thành phố đông. Ngoài ra, dịch bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành nhiều năm chưa thuyên giảm trong khi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh Zika.
Trong bối cảnh chưa xác định được nguồn lây, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ dùng các biện pháp dịch tễ học, xét nghiệm và can thiệp tổng thể để ngăn ngừa. Dự kiến hôm nay 25-3, 24 bệnh viện tuyến quận, huyện cùng 6 bệnh viện trên địa bàn thành phố sẽ tập huấn về mức độ cảnh báo đối với Zika và lên phương án dập dịch nếu có. PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, những người đi, đến, về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
Điện thoại Đường dây nóng: 0989. 671. 115. Bệnh do vi rút Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi đốt, không lây qua tiếp xúc hoặc qua đường hô hấp. Vì vậy, biện pháp tốt nhất để phòng chống là ngăn ngừa muỗi đốt bằng những hoạt động thiết thực, đơn giản như mặc quần áo dài tay, nằm ngủ mắc màn, sử dụng kem xoa chống muỗi... *Hà Nội mới (trang 1):
Bệnh viện Bạch Mai: Cứu sống bệnh nhân Australia bị ngừng tuần hoàn
Chiều 24-3, theo tin từ Bệnh viện (BV) Bạch Mai, các bác sĩ tại khoa Cấp cứu của BV vừa cứu sống bệnh nhân (BN) quốc tịch Australia bị ngừng tuần hoàn khi đang tập gym.
Ngày 6-3, Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) tiếp nhận trường hợp BN 23 tuổi, quốc tịch Australia. Được biết, khoảng 15h45 ngày 6-3 trong lúc đang tập gym, BN đột ngột ngừng tuần hoàn, một nhân viên y tế đang tập bên cạnh đã tiến hành ép tim tại chỗ trong 5-7 phút. Sau đó, BN được đưa vào BV Đa khoa Hà Đông trong tình trạng đã ngừng tuần hoàn, đồng tử giãn. BV Đa khoa Hà Đông đã lập tức tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện nhiều lần. Khoảng 40 phút sau BN có hồi phục nhịp tim, huyết áp với liều thuốc vận mạch cao.
Đến 18h15 cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai) và được hồi sức tích cực và ngay lập tức được hội chẩn cấp cứu. Sau 3 ngày kết thúc liệu trình điều trị, ý thức BN cải thiện hơn, đã có thể nhận ra người thân.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Đạt, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, mặc dù BN vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn kéo dài, tiên lượng rất xấu, toàn bộ kíp trực nhanh chóng triển khai các biện pháp hồi sức tích cực, hội chẩn cấp cứu và triển khai kỹ thuật hạ thân nhiệt ngay lập tức. Bệnh nhân được theo dõi sát sao theo quy trình điều trị hạ thân nhiệt. Sự phục hồi của BN sau đó chính là phần thưởng rất có ý nghĩa tặng cho các nhân viên y tế chúng tôi.
TS. Nguyễn Văn Chi, Phó khoa Cấp cứu A9 cho biết, kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp sử dụng các kỹ thuật làm lạnh để kiểm soát thân nhiệt BN xuống mức dưới 36oC(33-36oC). Hạ thân nhiệt giúp giảm chuyển hoá cơ thể, giảm nhu cầu tiêu thụ ôxy, cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm sản sinh các chất ôxy hoá tự do để bảo vệ não và các mô cơ quan.
Được biết, kỹ thuật hạ thân nhiệt đã được triển khai ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Châu Âu. Năm 2015, khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai) là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật điều trị hạ thân nhiệt nội mạch. Đến nay trên 30 bệnh nhân đã được cứu sống, trở về cuộc sống bình thường như bệnh nhân JG. *Công an nhân dân (trang 3), Gia đình & Xã hội (trang 3).