Tăng viện phí ở nhóm bệnh nhân không có bảo hiểm y tế: Bệnh nặng là bán nhà, vay mượn…
Từ 1.6, viện phí ở nhóm không có bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ tăng tương đương người có BHYT. Với mức tăng 20-30%, thậm chí có dịch vụ tăng tới 4 lần, người bệnh và gia đình có thể khánh kiệt nếu không tham gia BHYT…(Nông thôn ngày nay, trang 5)
Tiếp tục thanh toán thuốc chữa Lupus ban đỏ cho bệnh nhân BHYT
Trước thông tin phản ánh về vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế đối với thuốc Mycophenolate uống và Tacrolimus tiêm, uống trong điều trị bệnh Lupus ban đỏ tại một số bệnh viện trên địa bàn TPHCM, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn gửi BHXH TPHCM đề nghị tiếp tục thanh toán BHYT các loại thuốc nêu trên nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT…(Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Đặt stent điều trị nhồi máu cơ tim cấp cho cụ bà 88 tuổi
Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết các bác sĩ Trung tâm can thiệp tim mạch của bệnh viện đã thực hiện can thiệp đặt stent mạch vành để điều trị nhồi máu cơ tim cho cụ bà T.T.S. 88 tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Đây là một trường hợp bệnh nhân rất lớn tuổi, bị nhồi máu cơ tim cấp, có thể nguy hiểm tính mạng bất cứ lúc nào…(Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Báo động trẻ dậy thì sớm
Liên tiếp những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM thường xuyên tiếp nhận những trường hợp phụ huynh đến cầu cứu bác sĩ vì … trẻ dậy thì sớm. Tuy chưa có thống kê cụ thể ở Việt Nam về số trẻ mắc bệnh lý này, nhưng theo các bác sỹ nhi khoa, tỉ lệ trẻ dậy thì sớm ở nước ta ngày càng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm sinh lý của trẻ và khiến cha mẹ vô cùng lo lắng…(Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Ngừng sử dụng dược liệu “Thần khúc”
Cục Quản lý y, dược cổ truyền (Bộ Y tế) vừa có công văn hỏa tốc gửi sở y tế các tỉnh thành, đề nghị ngừng lưu hành dược liệu “Thần khúc” chuyên chữa trị các triệu chứng liên quan tiêu hóa do nhà thuốc gia truyền Thọ Thế Đường (địa chỉ tại thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, H.Thanh Oai, Hà Nội) sản xuất. Các cơ sở sử dụng cần thu hồi và tiêu hủy các lô dược liệu trên. Trước đó, báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy qua kiểm tra nhà thuốc gia truyền Thọ Thế Đường, cơ quan chức năng phát hiện dược liệu “Thần khúc” không đảm bảo quy định về chất lượng. (Thanh niên, trang 2)
Yêu cầu hỗ trợ 3 chị em có mẹ hiến tạng cho y học
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Hà Tĩnh tạo điều kiện hỗ trợ chỗ ở và giải quyết các chế độ, chính sách xã hội cho 3 em hiến tạng mẹ cho y học có cuộc sống khó khăn. Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay đơn vị này vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc đảm bảo tương lai bền vững cho các cháu có người mẹ hiến tạng…(Thanh niên, trang 2; Công an nhân dân, trang 2)
Hơn 3.200 người mắc bệnh nghề nghiệp
Chiều 24/4, bà Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, dù bệnh nghề nghiệp để lại hậu quả lớn cho người lao động (NLĐ) và xã hội, nhưng doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều tới điều này. Theo đó, năm 2016, chỉ có hơn 60.000 doanh nghiệp có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp của người lao động thực hiện đúng quy định về giám sát điều kiện làm việc và khám sức khỏe cho người lao động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp và 20% tổng số lao động nhiều nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. Năm 2016, hơn 3.200 người khám phát hiện có bệnh nghề nghiệp, tăng gần 24% so với năm 2015. “Con số này vẫn chưa phản đúng thực trạng bệnh nghề nghiệp của người lao động đang mắc phải. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan liên quan tăng cường thanh, kiểm tra các doanh nghiệp về bảo vệ sức khỏe người lao động”, bà Mai Anh nói. Theo kế hoạch, tháng 5 tới được lấy làm tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2017. (Tiền phong, trang 3)
Tấm lòng vàng trên dãy Ngọc Linh
Nữ y tá người dân tộc Xơ Đăng Hồ Thị Hiếu, Trạm trưởng y tế xã Trà Cang, huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam), không chỉ làm tốt công việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân ở xã vùng sâu, mà còn dũng cảm xóa bỏ những hủ tục nơi đây. Tâm niệm “thương người như thể thương thân” luôn thôi thúc chị khắc phục mọi khó khăn, trở ngại…(Nhân dân, trang 3)
Gia tăng kháng thuốc vì “Bác sĩ Google”
Miền Bắc đang bước vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ trong ngày thay đổi đột ngột khiến số lượng bệnh nhi phải nhập viện gia tăng so với bình thường. Không ít bậc phụ huynh khi thấy con ho, sốt, sổ mũi… liền lên mạng tra cứu thông tin, sau đó tự mua thuốc kháng sinh cho uống. Chính sự trợ giúp của “bác sĩ Google” đã góp phần làm cho Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới…(Hà Nội mới, trang 1)
Bệnh viện phải mượn thuốc lẫn nhau vì … thiếu thuốc
Bệnh viện K cho hay đã nhận được hai đề nghị mượn loại thuốc Vincristine sử dụng điều trị ung thư vòm, ung thư hạch từ hai bệnh viện ở Hà Nội, trong đó có Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. Bệnh viện K đã cho bệnh viện Ung bướu Hà Nội mượn Vincristine và sau đó đã được trả lại thuốc…(Tuổi trẻ, trang 2)