Xuất hiện nhiều biến thể phụ COVID-19: Nguy cơ tăng cấp độ nguy hiểm
Chỉ trong thời gian ngắn ở TPHCM đã liên tiếp phát hiện thêm 4 biến thể phụ của Omicron. Những ngày qua, số trường hợp được xác định nhiễm bệnh và nhập viện đang tăng nhanh.
Ngày 24/4, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, 24 giờ qua, các bệnh viện trên địa bàn thành phố ghi nhận 56 ca mới mắc COVID-19, trong số đó có 42 ca nhập viện. Thành phố hiện có 180 ca đang điều trị. Dù chưa ghi nhận ca bệnh nặng và tử vong do dịch COVID-19 nhưng có tới 57 bệnh nhân đang phải hỗ trợ hô hấp.
BS Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc HCDC, cho biết, theo số liệu thống kê, khoảng 1 tháng qua, các trường hợp mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại trên địa bàn thành phố. Nếu tháng 3 trung bình mỗi ngày thành phố chỉ ghi nhận từ 1 - 3 ca mắc thì sang nửa đầu tháng 4 đã tăng lên trên dưới 10 trường hợp mỗi ngày. Hiện nay số ca mới mắc trong một ngày đã tăng lên trên dưới 50 trường hợp. Dự báo, số bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ tiếp tục tăng thời gian tới, đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
“Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát dưới sự theo dõi chặt chẽ của ngành y tế TPHCM. Trên thực tế, qua lấy mẫu bệnh phẩm giám sát dịch bệnh ngoài cộng đồng, thành phố vừa ghi nhận thêm nhiều biến thể mới của Omicron. Cụ thể, tuần qua HCDC đã lấy 13 mẫu bệnh phẩm từ các bệnh nhân nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng để tiến hành kiểm tra. Kết quả giải mã trình tự gien phát hiện 11 trong 13 mẫu giám sát dịch tễ là biến thể phụ mới, ngoài biến thể phụ mới đã được phát hiện tại thành phố gần đây (XBB.1.5), còn có 7 mẫu thuộc các biến thể phụ mới khác bao gồm: XBB.1.9.1, XBB.1.16, XBB.1.16.1” - bác sĩ Tâm thông tin.
Theo HCDC, XBB.1.5 hiện là biến thể trội trên thế giới, 3 biến thể phụ mới phát hiện tại thành phố cũng đã có mặt tại nhiều quốc gia. Các biến thể trên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm những biến thể đáng quan tâm hoặc biến thể cần được theo dõi. Điều đáng lo ngại là biến thể phụ XBB.1.16 vừa được WHO xếp vào nhóm biến thể cần được theo dõi. Biến thể phụ này đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia và đang là nguyên nhân dẫn tới làn sóng ca mắc COVID-19 tăng cao tại Ấn Độ.
“Những người được tiêm ngừa hoặc đã mắc COVID-19 trên địa bàn TPHCM ở mức cao nên thời điểm cuối năm 2022 kháng thể cộng đồng đạt tới 98,7%. Tuy nhiên, qua nghiên cứu đến nay kháng thể trong cộng đồng xuống còn 94,17%”, BS Tâm nói.
Đại diện Sở Y tế TPHCM cho rằng, sự xuất hiện đồng loạt nhiều biến thể phụ mới của Omicron đang thịnh hành trên thế giới đã dẫn tới hiện tượng gia tăng đột ngột số ca mắc mới COVID-19 ở TPHCM và ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ tăng theo nhu cầu đi lại của người dân. Trước tình hình trên, ông Nguyễn Hải Nam, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết, Sở đã kích hoạt trở lại chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ của dịch COVID-19.
Theo đó, từ nay đến ngày 30/6, ngành y tế thành phố sẽ cập nhật danh sách và quản lý người thuộc nhóm nguy cơ. Các cơ sở y tế sẽ tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo 90% người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn được tiêm mũi nhắc lại lần 2. Tất cả người sống chung với người thuộc nhóm nguy cơ phải được tiêm vắc xin COVID-19 đủ liều để hạn chế lây lan (Tiền phong, trang 3).
Thêm hơn 1.900 ca Covid-19, có 101 bệnh nhân phải thở ô xy
Chiều 24-4, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 1.908 ca mắc Covid-19 (tăng gần 200 ca so với ngày trước đó), trong đó có 1.907 ca trong nước và 1 ca nhập cảnh. Ngoài ra, có 101 bệnh nhân đang thở ô xy (tăng 40 ca so với ngày trước đó).
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, ngày 23-4, có 227 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.617.319. Ngoài ra, có 101 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó có 69 ca thở ô xy qua mặt nạ, 6 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 1 ca thở máy không xâm lấn và 25 ca thở máy xâm lấn.
Về số bệnh nhân tử vong, trong ngày 23-4, không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.187 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Về tình hình tiêm chủng, theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 23-4, có 282 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.144.411 liều, trong đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.530.598 liều; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.964.983 liều và tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.648.830 liều (Hà Nội mới, trang 7).
Không kỷ luật 3 Phó giám đốc CDC tỉnh Kon Tum ký mượn kít xét nghiệm Việt Á
Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Kon Tum đã tổ chức Kỳ họp lần thứ 17. Đồng chí Y Thị Bích Thọ, Uỷ viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì Kỳ họp.
Tại Kỳ họp này, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với các đồng chí: Nguyễn Thị Vân, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Phùng Mạnh Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Y Đứk, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
UBKT Tỉnh ủy nhận thấy: Với chức trách, nhiệm vụ được phân công, các đồng chí Nguyễn Thị Vân, Phùng Mạnh Dũng, Y Đứk đã có khuyết điểm trong công tác chỉ đạo, thực hiện và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực được phân công quản lý đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Tuy nhiên, khuyết điểm, vi phạm của các đồng chí diễn ra trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 rất phức tạp và cấp bách; bản thân các đồng chí là những người trực tiếp ký mượn kít xét nghiệm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á sau khi đã có chủ trương của Ban Thường vụ Đảng ủy Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cá nhân không trực tiếp ký các hồ sơ liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng đối với các gói thầu mua sắm kít xét nghiệm của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á.
Trong quá trình tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, bản thân các đồng chí thuộc lực lượng tuyến đầu chống dịch, góp phần tích cực và hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, tại kỳ họp đột xuất của UBKT Tỉnh ủy, sau khi xem xét báo cáo kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và đồng chí Nguyễn Lộc Vương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, UBKT Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức khiển trách đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và đồng chí Nguyễn Lộc Vương.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, căn cứ quy định của Đảng và Kết luận số 43-KL/TW, ngày 20/10/2022 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW, ngày 8/11/2022 của UBKT Trung ương, UBKT Tỉnh ủy đã kết luận không xử lý kỷ luật đối với các đồng chí: Nguyễn Thị Vân, Phùng Mạnh Dũng, Y Đứk và yêu cầu các đồng chí nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc (An ninh thủ đô, trang 14).
Mùa nắng nóng, nên coi chừng đột quỵ do nhiệt
Đột quỵ là một trong các vấn đề nguy cấp và nặng nhất có thể gặp trong thời tiết nắng nóng gay gắt. Tình trạng này dễ xảy ra khi cơ thể bị quá nóng do ở lâu hay tập thể lực căng thẳng tại nơi có nhiệt độ cao.
Làm sao phòng ngừa đột quỵ cũng như những tình trạng bất lợi cho sức khỏe khác do nhiệt (say nắng, sốc nhiệt, kiệt sức...) bởi nắng nóng gây ra?
Tỉ lệ tử vong tương đương đột quỵ tim, não
Bác sĩ CKII Nguyễn Viết Hậu - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) - cho hay nhiệt độ cơ thể chúng ta thích nghi nhất là khoảng 25oC. Trong khoảng từ 20oC đến 30oC, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là nhờ có hệ thống điều hòa thân nhiệt có trung tâm nằm ở vùng dưới đồi thị hoạt động cùng với các bộ phận khác (da, các tuyến mồ hôi và các mạch máu) làm nóng và làm lạnh cơ thể.
Trung tâm này có chức năng giúp chúng ta thích nghi được với bất kỳ nhiệt độ nào. Tuy nhiên, đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá thì cơ thể không thể điều chỉnh kịp do vượt quá khả năng hoạt động của trung tâm này.
"Đột quỵ do nhiệt là hình thái nặng nhất của các tai biến do nhiệt, xảy ra khi thân nhiệt lên tới 40oC hay cao hơn. Hậu quả thường là do ở lâu hay tập thể lực căng thẳng ở nơi có nhiệt độ cao, khiến cơ thể bị mất muối và nước kéo dài đi kèm với hoạt động quá tải của trung tâm điều hòa thân nhiệt nêu trên", bác sĩ Hậu nêu nguyên nhân.
Bác sĩ Hậu cho biết thêm, đột quỵ do nhiệt có tỉ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ gây tổn thương cho hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận và đặc biệt là hệ thần kinh với các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật và thậm chí hôn mê.
Người dễ bị đột quỵ nhất là người cao tuổi và người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp.
Phân biệt đột quỵ và kiệt sức do nắng nóng
Để phân biệt giữa đột quỵ và kiệt sức do nắng nóng, bác sĩ Hậu nêu rõ, triệu chứng của đột quỵ do nhiệt làm cho hệ thống điều hòa thân nhiệt bị hư hại khiến bạn không thể tiếp tục tiết mồ hôi nên da bạn bị nóng và khô. Còn với kiệt sức do nhiệt, bạn vẫn tiết được mồ hôi với khối lượng lớn nên da bạn lạnh và ẩm ướt.
Khi thấy người có triệu chứng của đột quỵ do nhiệt thì phải sơ cứu tạm thời bằng cách cho bệnh nhân nằm đầu thấp, di chuyển đến nơi có nhiệt độ mát. Sau đó làm giảm nhiệt cho bệnh nhân như dùng quạt, dùng khăn sũng nước lạnh hay nước đá đắp vào các vùng trên cơ thể có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn...
Đồng thời nhanh chóng gọi điện thoại cho bộ phận cấp cứu để chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay.
Chú ý bổ sung dinh dưỡng mùa nắng nóng
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), để bổ sung dinh dưỡng trong thời tiết nắng nóng, các gia đình cần thay đổi cách chế biến món ăn hằng ngày, tăng cường món canh để bổ sung nước.
Đối với trẻ em và người già nên lựa chọn bổ sung những món ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng, xúp và chia thành nhiều bữa ăn trong ngày. Cần chú ý bảo quản và chế biến thức ăn trong mùa nắng nóng, nhiệt độ cao khiến nhiều loại vi khuẩn xâm nhập dễ gây các bệnh về tiêu hóa.
Bên cạnh đó, ngoài việc uống nước lọc để bổ sung nước, có thể uống nhân trần, trà xanh, nước trái cây hoặc các loại nước khoáng bổ sung vi chất.
Đối với những người làm việc ngoài trời, ngoài việc uống nước lọc nên bổ sung các loại nước chứa muối và khoáng chất, nước pha oresol.
"Không nên đợi khi khát mới uống nước. Cần nhắc nhở người già, trẻ nhỏ uống nước thường xuyên sau 1-2 giờ. Nên hạn chế các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước.
Khi bị say nắng, say nóng, nạn nhân tăng thân nhiệt dẫn đến đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn. Nếu không bổ sung nước sẽ dẫn đến trụy tim mạch, rối loạn điện giải và có thể tử vong", bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Nên uống các loại nước có muối khoáng như các dung dịch nước điện giải trị tiêu chảy, nước chanh có pha muối, đường (Tuổi trẻ, trang 14).
Cấm sử dụng 14 loại thuốc ho chứa Diethylene gây nguy hại
Ngày 24-4, Bộ Y tế đã có công văn gửi sở y tế và các bệnh viện trong cả nước cảnh báo đối với một số sản phẩm siro ho bị cấm sử dụng sau khi nhận được công điện của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế cảnh báo các sản phẩm này có chứa chất Diethylene có thể dẫn đến tổn thương sức khỏe nghiêm trọng hoặc gây tử vong cho người sử dụng.
Theo đó, qua rà soát của Cục Quản lý dược, 14 sản phẩm siro bị cấm ở một số quốc gia đều chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam và cũng chưa được cấp giấy phép nhập khẩu vào Việt Nam, gồm: Promethazine Oral Solutinon, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup, Magrip N Cold Syrup, Termorex Syrup, Flurin DMP Syrup, Unibebi Cough Syrup, Unibebi Demam Paracetamol Drops, Unibebi Demam Paracetamol Syrup, Paracetamol Drops, Paracetamol Syrup (mint), Vipcol Syrup, Ambronol Syrup và Dok-1max Syrup. Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Bộ Y tế đề nghị sở y tế và các bệnh viện khẩn trương phổ biến, thông báo cho các cơ sở y tế, cơ sở dược trên địa bàn, các khoa, phòng tại đơn vị biết về các thông tin cảnh báo đối với 14 sản phẩm siro ho nêu trên để khuyến cáo về tác hại nghiêm trọng nếu sử dụng sản phẩm và nghiêm cấm sử dụng (Sài Gòn giải phóng, trang 7).