Điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ: Gỡ khó cho bệnh viện, giảm chi cho người dân
Cùng với việc ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT (Thông tư 13, có hiệu lực từ ngày 15-8-2023) quy định giá khám, chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu tại bệnh viện công, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật khám bệnh của gần 10.000 dịch vụ y tế. Đây là chiến lược tiến tới điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ, dự kiến áp dụng trong năm 2024-2025.
Chấm dứt “loạn giá”
Dù có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng lâu nay, khi ốm đau phải đi bệnh viện, chị Lê Thị H. (38 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) đều chọn bệnh viện tư hoặc khám theo yêu cầu tại các bệnh viện công. Tuy nhiên, điều chị H. và nhiều người băn khoăn là giá nhiều dịch vụ KCB theo yêu cầu tại các bệnh viện công không có sự thống nhất, thậm chí bệnh viện hạng 1 nhưng viện phí theo yêu cầu lại cao hơn hạng đặc biệt.
Cụ thể như Bệnh viện Bạch Mai có giá KCB cao nhất là 150.000 đồng/lượt (khám giáo sư), nhưng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giá khám theo yêu cầu tối đa là 450.000 đồng/lượt (gần đây đã điều chỉnh còn 300.000 đồng/lượt) và không phân biệt khám giáo sư hay bác sĩ giỏi. Trong khi đó, tại TPHCM, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Bệnh viện Nhân dân 115 có chi phí khám cao nhất là 500.000 đồng/lượt, nhưng ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM, giá khám tối đa là 200.000 đồng/lượt.
Ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết, qua khảo sát, tỷ lệ bệnh nhân lựa chọn KCB theo yêu cầu chỉ dưới 10% tại các bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh, còn ở tuyến huyện hầu như không có. Thời gian qua, các bệnh viện công triển khai cung ứng dịch vụ KCB theo yêu cầu dựa trên nhiều văn bản khác nhau và chưa có hướng dẫn cụ thể về khung giá chung. Do đó, Thông tư 13 ra đời nhằm thống nhất viện phí theo yêu cầu và các điều kiện khám dịch vụ cho bệnh viện công, không để tình trạng mỗi nơi một giá hoặc điều kiện vật chất, dịch vụ chưa tương xứng với giá mà bệnh viện quy định. Tuy nhiên, phải khẳng định viện phí theo yêu cầu chỉ áp dụng cho người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu và không ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT hoặc không có nhu cầu KCB tự nguyện.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, việc tính đúng, tính đủ cùng lộ trình thực hiện giá dịch vụ KCB là nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế công lập tự chủ, nâng cao chất lượng KCB, bảo đảm chế độ, chính sách để “giữ chân” cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao; đồng thời có thêm nguồn vốn đầu tư cho y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho rằng, Thông tư 13 là văn bản đầu tiên hướng dẫn cụ thể bằng luật về thực hiện KCB theo yêu cầu. Đây là thông tư quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển của các bệnh viện và nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân.
“Thông tư là tiền đề của việc thực hiện Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) chuẩn bị có hiệu lực về tính đúng, tính đủ giá KCB và là cơ sở pháp lý cho bệnh viện thực hiện tính đúng, tính đủ giá KCB. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, bệnh nhân ung bướu đều là bệnh nhân nghèo, phải điều trị lâu dài nên việc điều chỉnh giá cũng sẽ tác động không nhỏ đến người bệnh. Vì vậy, bệnh viện đang xây dựng và điều chỉnh mức giá sao cho phù hợp nhất để cả bệnh viện và người bệnh đều có lợi”, TS-BS Diệp Bảo Tuấn thông tin.
Còn theo TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Thông tư 13 rất “mở” cho các bệnh viện vì không quy định cố định giá mà có dải giá từ tối thiểu đến tối đa để các bệnh viện xây dựng giá phù hợp với từng bệnh viện và điều kiện cơ sở vật chất. Thông tư này cũng cho phép bệnh viện công thực hiện hợp tác công tư và liên doanh, liên kết với cơ sở y tế nước ngoài, chuyên gia y tế nước ngoài để nâng cao dịch vụ y tế phục vụ người dân.
Đảm bảo quyền lợi của người bệnh
Cùng với việc ban hành quy định thống nhất giá KCB theo yêu cầu ở bệnh viện công, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật khám bệnh của gần 10.000 dịch vụ y tế, tiến tới điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ. Dự kiến, danh mục này sẽ được ban hành và áp dụng tại các cơ sở y tế công lập khi Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.
Lý giải về việc này, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, kết cấu viện phí hiện chỉ gồm 4/7 yếu tố: thuốc, vật tư; điện, nước; bảo trì thiết bị; lương, phụ cấp. 3/7 yếu tố cấu thành viện phí vẫn chưa tính vào là sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Do đó, người bệnh vẫn phải chi tiền túi tới 40% trong tổng chi phí KCB.
Tính đến năm 2018, Bộ Y tế đã ban hành danh mục hơn 18.000 kỹ thuật KCB và trên cơ sở đó đã xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, giá các dịch vụ kỹ thuật (mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế). Tuy nhiên, qua thực tế triển khai có nhiều dịch vụ y tế bị trùng lặp nên Bộ Y tế đang cùng các bệnh viện sắp xếp lại, hoàn thiện xây dựng danh mục khoảng 10.000 định mức kinh tế kỹ thuật và đây là cơ sở để điều chỉnh viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ.
“Sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ thì sẽ từng bước giảm chi của người dân. Việc tính đúng giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Hà Nội ghi nhận tới 442 ca mắc sốt xuất huyết chỉ trong 1 tuần
Theo CDC Hà Nội, tuần qua (từ ngày 14 đến 21/7), trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 442 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần trước đó). Trong đó, huyện Thạch Thất có số lượng bệnh nhân nhiều nhất là 109; tiếp đến là quận Hoàng Mai có 35 bệnh nhân; quận Bắc Từ Liêm có 29 bệnh nhân; các huyện: Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín có 23 bệnh nhân; huyện Phú Xuyên và Thanh Oai có 20 bệnh nhân.
Từ năm 2023 tới nay, Hà Nội ghi nhận 1.556 ca mắc (tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 320/579 xã, phường, thị trấn.
Cũng trong tuần qua, Hà Nội có thêm 19 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11 quận, huyện. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm có 3 ổ dịch; 6 quận, huyện: Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Oai, Đan Phượng, mỗi nơi có 2 ổ dịch; còn lại 4 quận, huyện: Thường Tín, Hà Đông, Phúc Thọ, Thạch Thất có 1 ổ dịch.
CDC Hà Nội cho rằng, số mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 tuần gần đây; một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài. Kết quả kiểm tra giám sát tại các ổ dịch cho thấy, một số tồn tại như xử lý chưa triệt để, chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ, tỷ lệ phun hóa chất chưa đạt yêu cầu...
Dự báo, thời gian tới, số mắc sốt xuất huyết có th tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch các năm phức tạp. (Hà Nội mới, trang 5; Sức khoẻ & Đời sống, trang 1; Tiền phong, trang 6).
Bộ Y tế nỗ lực triển khai Đề án 06 gắn với chuyển đổi số để chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn
Bộ Y tế rất quan tâm, thúc đẩy triển khai thực hiện Đề án 06 gắn với chuyển đổi số ngành y tế, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lấy người dân, người bệnh làm trung tâm...
Chiều 21/7, tại trụ sở Bộ Y tế, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Y tế về việc triển khai Đề án 06.
Cùng tham gia đoàn có đại diện lãnh đạo BHXH Việt Nam, đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
Làm việc với đoàn, về phía Bộ Y tế có Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; đại diện văn phòng/vụ/cục/viện/bệnh viện.
Gắn triển khai Đề án 06 với chuyển đổi số y tế, lấy người dân, người bệnh làm trung tâm
Báo cáo của Bộ Y tế tại buổi làm việc cho biết, Bộ Y tế rất quan tâm, thúc đẩy triển khai thực hiện Đề án 06 gắn với chuyển đổi số ngành y tế, kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lấy người dân, người bệnh làm trung tâm; mục tiêu người dân được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe suốt đời, từ khi sinh ra đến khi không còn trên cõi đời.
Công tác triển khai Đề án 06 là một nội dung quan trọng trong tất cả các buổi giao ban và trong nhiều cuộc họp của Bộ Y tế. Để huy động cả hệ thống chính trị lĩnh vực y tế vào cuộc, Ban cán sự đảng Bộ Y tế đã ban hành Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ ngày 03/02/2023 về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Bộ Y tế hiện đã chuyển xong toàn bộ dữ liệu thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19 vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời duy trì việc chuyển ngay các dữ liệu thông tin tiêm chủng COVID-19 phát sinh mới theo ngày.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, thống kê, cập nhật thông tin dữ liệu nguồn lực y tế (dữ liệu về y sĩ, bác sĩ, bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, giường bệnh, trang thiết bị y tế…) vào cơ sở dữ liệu của ngành y tế; Kết nối xác thực, làm sạch dữ liệu về y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; Bộ Y tế đã cử đơn vị chuyên môn làm việc với Sở Y tế Hà Nam và TTYT thị xã Duy Tiên, để khảo sát thực trạng dữ liệu nguồn lực y tế, thống nhất biểu mẫu và phương án triển khai thí điểm thu thập dữ liệu nguồn lực y tế tại thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Dựa trên kết quả thí điểm tại tỉnh Hà Nam, đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế đã dự thảo các chỉ tiêu quy định nhóm thông tin cơ bản về nguồn lực y tế (thông tin, dữ liệu về y sĩ, bác sĩ, bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, giường bệnh, trang thiết bị y tế,…).
Về thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, trong đó có kết nối nhóm dữ liệu liên quan đến thủ tục cấp giấy chứng sinh, báo tử; giấy khám sức khoẻ phục vụ cấp đổi, cấp lại Giấy phép lái xe, tính đến ngày 19/7, đã có 1.085 cơ sở đã liên thông giấy khám sức khoẻ lái xe với tổng số 726.671 giấy khám sức khoẻ lái xe đã ký số; đã có 1.191 cơ sở khám chữa bệnh đã liên thông giấy chứng sinh với tổng số giấy chứng sinh đã liên thông là 226.126; đã có 386 cơ sở khám chữa bệnh liên thông giấy báo tử với tổng số Giấy báo tử đã liên thông là 2.378...
Đại diện Bộ Y tế cũng báo cáo, Bộ Y tế đã có Chỉ thị, nhiều văn bản chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ, các địa phương đẩy mạnh triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, các bệnh viện đã chủ động phối hợp với các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán để triển khai...
Bộ Y tế cũng đã thực hiện đơn giản hoá, cắt giảm nhiều thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực của ngành để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp...
Nỗ lực để thực hiện Đề án 06 hiệu quả hơn
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, những dịch vụ công hiện nay đã được cập nhật, công bố, xã hội đều đang dõi theo, kỳ vọng. Dữ liệu của Bộ Y tế chính là một trong những điểm mấu chốt, mắt xích quan trọng để đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, các dữ liệu của bộ, ngành khác nhằm triển khai hiệu quả Đề án 06. Vai trò của Bộ Y tế trong triển khai thực hiện Đề án 06 rất quan trọng.
Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Y tế cùng các đơn vị đã tập trung thảo luận, đánh giá những nhiệm vụ, nội dung, vấn đề có liên quan đến triển khai Đề án 06 của Bộ Y tế. Hiện trong những nhiệm vụ triển khai Đề án 06 của Chính phủ đang được Bộ Y tế thực hiện vẫn còn một số phần việc chưa hoàn thành so với tiến độ đặt ra.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Tổ Công an triển khai Đề án 06 của Chính phủ đã giải đáp và hướng dẫn, hỗ trợ Bộ Y tế biện pháp tháo gỡ, giải quyết hiệu quả những vướng mắc, hoàn thiện các thủ tục, qua đó thúc đẩy việc triển khai nhanh chóng những nhiệm vụ đặt ra trong Đề án 06.
Đánh giá, chia sẻ những khó khăn của Bộ Y tế đang gặp trong triển khai Đề án 06, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định Tổ Công tác triển khai Đề án 06, Bộ Công an luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ Bộ Y tế trong việc triển khai Đề án 06.
Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ tin tưởng với quyết tâm chính trị và vai trò quan trọng của người đứng đầu Bộ Y tế cũng như ngành y tế đối với đất nước, xã hội, việc triển khai Đề án 06 của Bộ Y tế sẽ góp phần mang lại lợi ích to lớn, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, chăm sóc ngày càng tốt hơn sức khỏe của nhân dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ, chia sẻ của Bộ Công an, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ đối với Bộ Y tế.
Thông tin thêm về tình hình, kết quả và các lộ trình đang triển khai thực hiện nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Trên cơ sở gợi mở, trao đổi kinh nghiệm của Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Y tế sẽ sớm thành lập, củng cố cơ quan giúp việc chuyên sâu về triển khai Đề án 06 tại Bộ Y tế, đồng thời đưa những nội dung triển khai Đề án 06 vào giao ban nhiệm vụ hàng tháng, nhằm đôn đốc, thực hiện hiệu quả hơn Đề án 06 của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất với Tổ Công tác triển khai Đề án 06, Bộ Công an một số nội dung có liên quan đến công tác phối hợp giữa nhiều bộ, ngành trong quản lý, khai thác, kết nối… dữ liệu, giúp Bộ Y tế triển khai hiệu quả Đề án 06.
"Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ Công an và các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện Đề án 06"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).
Dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp ở Gia Lai: Ngành Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng dịch
Gần 3 tháng qua, hai loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là sốt xuất huyết và tay chân miệng đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 79 trường hợp bị bệnh tay chân miệng và trên 1.400 ca mắc sốt xuất huyết, chiếm hơn 50% ca bệnh sốt xuất huyết toàn khu vực Tây Nguyên.
Dịch sốt xuất huyết đã xảy ra ở 146/220 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai. Các địa phương có số ca mắc nhiều nhất là Đức Cơ 244 ca, Krông Pa 219 ca, Chư Prông 186 ca, thành phố Pleiku 154 ca…
Bệnh viện Nhi Gia Lai là nơi tiếp nhận và điều trị cho hầu hết các ca bệnh nặng ở trẻ em của hai loại bệnh này. Trong 6 tháng đầu năm nay, bệnh viện này đã tiếp nhận hơn 200 ca bệnh sốt xuất huyết và 57 ca bệnh tay chân miệng. Hai loại bệnh này ở trẻ em trong 2 tháng trở lại đây đang có dấu hiệu gia tăng. Phần lớn các ca bệnh được gia đình đưa vào nhập viện đều trong tình trạng đã nặng.
Anh Nguyễn Văn Tiến trú tại xã Ia Kla, huyện Đức Cơ hiện đang chăm sóc cháu Nguyễn Ngọc Khánh Thy (10 tuổi), một trong những bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tại bệnh viện cho biết: Tuần trước, thấy cháu sốt cao, nôn ói, mệt mỏi nên đưa ra Trung tâm Y tế huyện để khám. Bác sĩ cho thuốc về nhà điều trị, theo dõi nhưng vẫn không khỏi. Đến ngày hẹn tái khám, thấy bệnh không tốt nên bác sỹ cho chuyển viện lên Bệnh viện Nhi.
Còn chị Bùi Thị Kim Oanh trú tại thành phố Pleiku, mẹ cháu Tô Ngọc Vân Hà (4 tuổi), một trong những bệnh nhân tay chân miệng nặng đang điều trị tại bệnh viện chia sẻ: Biểu hiện ban đầu của cháu chỉ sốt nhẹ, lở miệng và sau đó xuất hiện các nốt đỏ ở tay, chân. Gia đình đã mua thuốc cho cháu uống nhưng đến tối, bệnh trở nặng kèm theo tình trạng khi ngủ bị giật mình, chân tay run nên gia đình lập tức đưa cháu vào nhập viện cấp cứu. Các bác sỹ chẩn đoán bệnh đã chuyển biến nặng và được đưa vào khoa điều trị tích cực.
Theo BSCKI. Hoàng Ngọc Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai cho rằng, hai loại bệnh này có tính chất là gây nguy hiểm đến tính mạng. Sốt xuất huyết gây sốc, giảm thể tích tuần hoàn do thoát dịch huyết tương, gây suy đa cơ quan khiến bệnh nhân tử vong. Đối với bệnh tay chân miệng sẽ gây biến chứng thần kinh, biến chứng hô hấp tuần hoàn dẫn đến tử vong. Do đó, để tránh tử vong do 2 loại bệnh này gây ra, có phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, bác sỹ luôn cập nhật thường xuyên thông tin mới về hai loại bệnh này từ tuyến trên, đặc biệt là về chủng loại thuốc, phác đồ, phương pháp điều trị. Hiện thuốc điều trị cho bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tại bệnh viện tương đối đầy đủ.
Theo nhận định của ngành Y tế Gia Lai, nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng các ca bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng thời gian qua là do thời tiết mưa nắng đan xen, thay đổi bất thường tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai Nguyễn Văn Đồng, nhận định, qua nắm bắt tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới. Đơn vị đã báo cáo Sở Y tế và tiến hành thành lập đoàn công tác về các địa phương chỉ đạo quyết liệt hoạt động phòng - chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng; củng cố tổ y tế xã; tiến hành xử lý diệt lăng quăng, bọ gậy; khám, điều trị kịp thời.
Ngành Y tế Gia Lai khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường sống xung quanh nhà. Sử dụng các loại thuốc diệt muỗi, côn trùng có hiệu quả, an toàn cho sức khỏe. Khi có biểu hiện sốt cao, nôn ói, chóng mặt, sụt giảm tiểu cầu hoặc xuất hiện các nốt đỏ ở da hoặc niêm mạc miệng, nên sớm đi khám, điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất, không tự ý sử dụng thuốc hoặc chữa trị bằng các phương pháp thiếu khoa học… (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).
Hà Nội vẫn duy trì 7.330 giường điều trị COVID-19, sẵn sàng khi có bệnh nhân
Về điều trị Covid-19, tại các bệnh viện công lập của Hà Nội hiện vẫn dự trù 7.330 giường bệnh theo quyết định của UBND TP, trong đó có 1.240 giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu được ngành y tế Thủ đô triển khai hiệu quả như kỹ thuật ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy tại tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đức Giang; can thiệp mạch điều trị khối u, cắt hớt niêm mạc đường tiêu hóa điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội; ghép thận, ứng dụng công nghệ 3D trong phẫu thuật vi phẫu, chỉnh hình xương tại Bệnh viện Xanh Pôn…
Trong 6 tháng đầu năm, tổng số lượt khám chữa bệnh toàn ngành là 4.202.945 lượt, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2022; tổng số lượt điều trị nội trú là 498.891 lượt (giảm 4,6%), điều trị ngoại trú 1.128.920 lượt (tăng 20,87%).
100% cơ sở khám chữa bệnh của Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hệ thống khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân gắn chíp, triển khai bệnh án điện tử, kê đơn thuốc điện tử…
Đối với công tác thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, ngành y tế Hà Nội duy trì hệ thống cơ sở điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế; triển khai hiệu quả việc quản lý, giám sát người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà.
Cụ thể, công tác điều trị người bệnh Covid-19 tại 35/41 bệnh viện công lập trên địa bàn thành phố với tổng số 7.330 giường bệnh theo quyết định của UBND TP Hà Nội, trong đó có 1.240 giường bệnh điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trong 6 tháng đầu năm, ngành y tế đã điều trị cho 2.441 trường hợp tại bệnh viện (tử vong 01 trường hợp là người cao tuổi, có bệnh nền).
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Sở Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế chuyên môn và thực hiện kiểm tra, giám sát 15 bệnh viện trên địa bàn. (An ninh Thủ đô, trang 7).