Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 các đại biểu đều âm tính
Theo yêu cầu của Ban tổ chức Đại hội, Bộ Y tế đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các đại biểu, tổ phục vụ và các thành phần liên quan. Đến nay, hơn 10.000 mẫu đã cho kết quả âm tính lần 2.
Ngày 25-1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra hoạt động y tế tại Phòng ICU (phòng chăm sóc tích cực) của Bệnh viện Bạch Mai đặt tại Trung tâm Hội nghị quốc gia để phục vụ Đại hội XIII của Đảng.
Tại Phòng ICU Bạch Mai, công tác y tế đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, theo đúng hướng dẫn. Giao ban nhanh với các tổ công tác y tế phục vụ Đại hội, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, trong thời gian diễn ra Đại hội, mỗi buổi sáng, các bộ phận cần tập hợp đầy đủ số liệu ngày hôm trước gồm 3 khâu: khám chữa bệnh, giám sát dịch tễ và an toàn thực phẩm. Mọi hoạt động phải có báo cáo nhanh, cập nhật liên tục để phục vụ Đại hội tốt nhất.
Theo yêu cầu của Ban tổ chức Đại hội, Bộ Y tế đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho các đại biểu, tổ phục vụ và các thành phần liên quan. Đến nay, hơn 10.000 mẫu đã cho kết quả âm tính lần 2.
Đội ngũ nhân viên các khách sạn nơi đại biểu lưu trú đều được lấy mẫu xét nghiệm 2 lần theo đúng hướng dẫn và đều cho kết quả âm tính. Ở các khách sạn mà các đại biểu dự Đại hội lưu trú đều có phòng y tế (mỗi địa điểm có 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng, 1 xe cấp cứu túc trực 24/24 giờ) với cơ số thuốc đầy đủ, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho các đại biểu tham dự Đại hội tốt nhất (Sài Gòn giải phóng, trang 2).
Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững
Đây là chủ đề của Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm nay và cũng là thông điệp chủ đạo được đưa ra tại Hội thảo về Dân số và Phát triển do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức sáng nay (24/12) tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú; các Phó Tổng cục trưởng là bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và ông Phạm Vũ Hoàng, cùng lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Dân số cùng nhiều đại diện các Bộ, ban ngành Trung ương, lãnh đạo các Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ một số tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu việc chuyển trọng tâm trong công tác dân số từ DS-KHHGĐ sang
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW, công tác dân số nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 14 năm qua. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh chiếm 68%.
Cùng với đó, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi năm 2019, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em đều giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về dân số và kế hoạch hóa gia đình của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội.
"Các kết quả của công tác dân số đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của các địa phương và trên khắp cả nước", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, dù đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, song công tác dân số cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Đó là: Mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền, tỉnh, thành phố; mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn diễn ra và ngày càng lan rộng; lợi thế của dân số vàng chưa thực sự được khai thác và phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có hệ thống giải pháp chủ động thích ứng. Tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh chưa cao. Chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt, một trong những thách thức lớn của công tác dân số ở nước ta hiện nay được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ ra là: Ttổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ còn thấp; nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu.
Nhân Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm nay với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các đơn vị trong toàn ngành bám sát chủ đề của Tháng hành động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các nội dung, giải pháp về công tác Dân số và Phát triển.
Bên cạnh đó, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nhất là về công tác cán bộ, duy trì ổn định tổ chức bộ máy; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời để công tác dân số triển khai đạt mục tiêu các nội dung mới; đề nghị các ban, ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp, chia sẻ và đồng hành cùng ngành Dân số trong triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW đã đề ra.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe nhiều bài trình bày về các nội dung chương trình, đề án trọng tâm của công tác dân số trong tình hình mới như: Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030; Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030... cùng nhiều tham luận của một số Bộ, ban ngành về tình hình thực hiện công tác dân số tại đơn vị mình cũng như sự phối hợp liên ngành trong việc truyền thông thực hiện công tác dân số trong tình hình mới (Gia đình & Xã hội, trang 1).