Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/10/2015

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Bộ Y tế: Cá nhân tôi đã đăng ký hiến tạng từ năm 2013; Tham nhũng y tế là tội ác; Tử vong do bệnh tim mạch chiếm 30% các bệnh không lây nhiễm; Các giáo sư đầu ngành “tiếp lửa” cho tân sinh viên y, dược; Đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội; Thực hiện đề án luân phiên cán bộ y tế: Rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến bệnh viện

Bộ trưởng Bộ Y tế: Cá nhân tôi đã đăng ký hiến tạng từ năm 2013

Tối ngày 26/10/2015 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, diễn ra Chương trình truyền hình trực tiếp: “ Khi sự sống được sẻ chia” và Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến,... Báo SK&ĐS trân trọng gửi đến bạn đọc những chia sẻ của Bộ trưởng ngay trước sự kiện này.

PV: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể cho biết vài nét về nhu cầu ghép mô, tạng trên thế giới?

Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục. Cho đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển không ngừng và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, là 1 trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20. Hàng năm trên thế giới có hàng triệu người được ghép mô, tạng. Lượng bệnh nhân được ghép mô, tạng cũng ngày càng gia tăng qua các năm. Nhu cầu cần ghép mô, tạng ngày càng lớn.

Theo báo cáo của Mạng lưới chia sẻ mô, tạng Mỹ, hiện toàn nước Mỹ có 121.600 người trong danh sách chờ được ghép tạng, trong số đó 99.201 trường hợp trong danh sách chờ được ghép thận. Trung bình mỗi tháng có thêm khoảng 2.500 bệnh nhân mới bổ sung vào danh sách chờ được ghép thận, 20 phút có thêm 1 người vào danh sách chờ ghép thận. Khu vực Tây Âu có gần 40.000 bệnh nhân chờ được ghép thận, trong khi số các trường hợp hiến từ tử thi chỉ duy trì ở mức 5.000 ca mỗi năm. Danh sách người chờ được ghép tạng ở Trung Quốc cũng lên tới con số 1,5 triệu người. Tỷ lệ chết trong khi chờ ghép tim, gan hoặc phổi trong khoảng từ 15-30% tùy thuộc vào loại mô, tạng chờ được ghép. Chính việc thiếu nguồn cung trầm trọng đã dẫn đến sự bùng nổ của thị trường chợ đen và nạn buôn bán bộ phận cơ thể người trên thế giới hiện nay. Song hành với nó là tình trạng ghép mô, tạng trái phép trên quy mô toàn cầu, kéo theo nhiều hệ lụy về nhân quyền, kinh tế và đạo đức.

PV: Bộ trưởng đánh giá về tình hình và nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam như thế nào?

Theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 30/9/2015, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các con số khiêm tốn: ghép thận (1.116 ca), ghép gan (48 ca), ghép tim (13 ca), ghép thận - tụy (1 ca), ghép giác mạc riêng BV Mắt Trung ương từ 2005 đến nay đã ghép được 1.401 ca. Trong khi đó, nhu cầu người chờ ghép lại ở mức rất cao. Cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép. Riêng chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc, hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi... Mặc dù số người đăng ký hiến giác mạc cho đến nay đã tăng lên đến hơn 40.000 người, nhưng con số hiến thực tế vẫn rất thấp. Có thể thấy khó khăn trở ngại lớn nhất với ngành ghép mô, tạng của nước ta hiện nay không phải là vấn đề kỹ thuật mà là do thiếu nguồn mô, tạng để có thể thực hiện cấy ghép.

PV: Vậy những vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực ghép mô, tạng của nước ta hiện nay là gì, thưa Bộ trưởng?

Với lịch sử hơn 20 năm phát triển, ngành ghép tạng ở Việt Nam đã có những bước tiến dài về mặt công nghệ, đạt trình độ tương đương với thế giới. Tuy nhiên, về chính sách, tổ chức, quản lý và truyền thông thì chưa theo kịp yêu cầu. Nguồn cung mô, tạng thiếu trầm trọng. Bộ máy, nguồn nhân lực của cơ quan điều phối mới hình thành, còn thiếu kinh nghiệm, chưa đủ số lượng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Một khó khăn nữa là chi phí cho việc cấy ghép mô tạng và chăm sóc sau ghép là rất cao so với thu nhập của phần lớn người dân nước ta. Để tăng số lượng người được điều trị bằng phương pháp ghép tạng thì bên cạnh việc phát triển công nghệ, kỹ thuật, giảm chi phí điều trị; cần phải có sự điều chỉnh chính sách bảo hiểm y tế, thúc đẩy các hoạt động trợ giúp nhân đạo thông qua các hội, đoàn của xã hội dân sự bằng việc đẩy mạnh truyền thông và xã hội hóa. Song song với nó là việc xây dựng và phát triển mạng lưới cấy ghép, cơ quan điều phối quốc gia theo xu hướng chung của thế giới, đồng thời đảm bảo tính tương thích của nó với thực tiễn Việt Nam.

PV: Xin phép hỏi Bộ trưởng một câu riêng tư, Bộ trưởng đã đăng ký hiến tạng chưa và Bộ trưởng suy nghĩ gì về việc này?

Không có gì phải bí mật cả, cá nhân tôi đã đăng ký hiến tặng tất cả các mô, tạng sau khi chết, chết não, từ năm 2013. Gia đình cũng rất ủng hộ việc làm của tôi. Tôi nghĩ đây là một việc tốt, có thể giúp ích cho những người bệnh và cho khoa học, cho các đồng nghiệp của mình trong việc chữa bệnh cứu người. Cái cảm giác trái tim của mình vẫn tiếp tục đập thình thịch trong lồng ngực của một ai đó và có người được nhìn thấy bầu trời bằng đôi mắt của mình sẽ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất và là một cách để tôi tiếp tục sống nếu một mai không may qua đời.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! (Sức khỏe & Đời sống trang 3)

 

Tham nhũng y tế là tội ác

Chưa có thống kê nào tính đếm được trên cả nước tới nay đã có bao nhiêu tỉ đồng ngân sách bị dùng để mua các trang thiết bị y tế kém chất lượng, thiếu đồng bộ, vỏ Tây ruột Tàu về để đưa vào các bệnh viện, trạm xá, trung tâm y tế với danh nghĩa bảo vệ sức khỏe người dân. Nhưng sự thật cay đắng ai cũng biết, nếu còn người bệnh nhập viện “đụng” phải các loại máy chuyên tuồn ra các kết quả sai lệch này thì bệnh nhẹ sẽ thành nặng, thậm chí mất mạng như chơi!          

Rất có thể có những bé sơ sinh chết oan vì bệnh viện nọ thiếu các phương tiện cấp cứu, trong lúc hàng trăm loại trang thiết bị y tế chưa cần thiết khác lại được mua sắm vội vã, chất chồng phủ đầy bụi ở những bệnh viện khác, trên cùng địa bàn một tỉnh. Và không ai lạ gì việc bệnh nhân tới bệnh viện nào cũng phải đóng tiền làm lại từ đầu hàng loạt công đoạn chiếu, chụp, đong đếm, xét nghiệm, vô cùng vất vả tốn kém, vì máy móc mỗi nơi cho ra kết quả một khác, và rất hiếm bệnh viện nào chịu thừa nhận các kết quả xét nghiệm thăm khám của bệnh viện khác. Sự tắc trách, lãng phí khổng lồ này làm sao có thể quy ra tiền hết được ?

Công luận có quyền đặt câu hỏi: Ai đã cấp phép cho các “doanh nghiệp ma” nhập các loại trang thiết bị y tế hư hỏng, chắp vá, là rác thải ở các nước sản xuất, để tiếp tay cho kẻ tham nhũng, tiêu cực khi mua sắm trang thiết bị y tế? Cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc giám sát, quản lý việc mua bán các loại máy móc y tế “đầu Ngô mình Sở”, phân tích chỉ rõ được hậu quả và tác hại của nó, để tiêu hủy và xử lý nghiêm minh? Thậm chí không có chuyên môn về trang thiết bị y tế, lại có quyền chi tiền tỷ ngân sách để mua về các loại máy móc theo ý họ muốn chứ không phải nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của các bác sĩ điều trị?

Các bộ ngành từ lâu đã nhìn thấy hiểm họa, và Quốc hội cũng đã ban hành Luật Đấu thầu số 43/2013 bổ sung các quy định về mua sắm tập trung. Để cụ thể hóa nội dung này, Nghị định số 63/2014 của Chính phủ đã hướng dẫn chi tiết các nguyên tắc trong thực hiện mua sắm công sản. Trong đó, điểm b điều 71 quy định: hàng hóa, dịch vụ được đưa vào danh mục mua sắm phải có tính đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng trong mua sắm trang thiết bị y tế sẽ không thể nào chấm dứt, khi các nhóm lợi ích ngày càng câu kết chặt chẽ với nhau để trục lợi trên sinh mạng và nỗi khổ của người bệnh (Tiền phong trang 4).

Tử vong do bệnh tim mạch chiếm 30% các bệnh không lây nhiễm

Đó là thông tin được đề cập tại Hội nghị Tim mạch học can thiệp Toàn quốc lần thứ 4 do Bộ Y tế và Phân hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam tổ chức hôm nay (25/10) tại Hà Nội.

Hội nghị với sự tham gia của 3000 chuyên gia y tế trong và ngoài nước, với 130 bài báo cáo là diễn đàn để các bác sỹ chuyên ngành tim mạch can thiệp nước ta cập nhật, chia sẻ những kiến thức mới, các kỹ thuật tiến tiến nhất đang được ứng dụng trên thế giới. Đồng thời, tham mưu với Bộ Y tế xây dựng kế hoạch hành động và giải pháp đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và đào tạo con người để áp dụng những kỹ thuật hiện đại, góp phần giảm tử vong do các bệnh lý tim mạch gây ra. Bệnh lý tim mạch và ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người lớn. Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm chiếm 66% tổng số gánh nặng bệnh tật và 72% số trường hợp tử vong mỗi năm. Trong đó tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch chiếm 30%. Điều đáng báo động là tình trạng tử vong do các bệnh tim mạch chủ yếu là do không được can thiệp kịp thời. Cách đây 30 năm, nhồi máu cơ tim là bệnh lý rất hiếm gặp ở nước ta nhưng ngày nay đã trở nên phổ biến, gặp hàng ngày tại mọi bệnh viện trên toàn quốc. Do đó, tim mạch can thiệp đang và sẽ là ngành mũi nhọn của ngành tim mạch học Việt Nam. Ban đầu từ một chuyên ngành chỉ là thông tin chẩn đoán, nhưng nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, 20 năm qua, tim mạch can thiệp đã trở thành một chuyên ngành kỹ thuật cao. Nhiều bác sỹ can thiệp tim mạch Việt Nam đã được mời chuyển giao kỹ thuật, mổ trình diễn hoặc được thỉnh giảng tại nhiều nước trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Hiện nay, Bộ Y tế có chương trình bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc từ tuyến các bệnh viện trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, chuyển giao cho kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh, vì thế từ một vài trung tâm tim mạch can thiệp ở các thành phố lớn, đến nay đã có 50 đơn vị can thiệp tim mạch khắp cả nước, giúp cho người bệnh có thể chữa bệnh tại địa phương mà không cần chuyển lên tuyến trên và giúp nhiều người bệnh không phải ra nước ngoài chữa bệnh tốn kém tiền của”.

 20 năm qua, đội ngũ chuyên ngành tim mạch can thiệp đã nỗ lực làm việc, học tập với niềm đam, phấn đấu không ngừng vì sự nghiệp và tính mạng của người bệnh. Năm 2010 lần đầu tiên tổ chức trao giải thưởng Nhân tài đất Việt cho lĩnh vực y dược, giải nhất đã thuộc về kỹ thuật can thiệp động mạch vành qua ống thông. Đến nay, các kỹ thuật hiện đại khác được thực hiện thành công như: bít lỗ thông liên thất, can thiệp thân chung động mạch vành, phẫu thuật cầu nối chủ vành, can thiệp chỗ chia nhánh động mạch vành, điều trị rối loạn nhịp bằng 3D và can thiệp động mạch ngoại biên (vovgiaothong.vn, Tiền phong trang 6, Công an nhân dân trang 2).

 

Các giáo sư đầu ngành “tiếp lửa” cho tân sinh viên y, dược

Cuộc gặp mặt thân mật giữa 43 tân thủ khoa ngành y, dược năm học 2015-2016 và các chuyên gia y tế đầu ngành đã diễn ra ấm cúng và chứa chan nhiệt huyết. Buổi gặp mặt do Tổng Hội Y học Việt Nam tổ chức sáng nay, ngày 25/10, tại Hà Nội.
Vì sao lại chọn ngành y?

Mở đầu buổi giao lưu, Chủ tịch Tổng Hội y học Việt Nam, giáo sư Phạm Mạnh Hùng đặt câu hỏi với các tân sinh viên: Vì sao lại chọn ngành y? Trả lời câu hỏi này, em Ngô Vương Minh, sinh viên ngành Bác sỹ Đa khoa, Đại học Y Hà Nội cho biết em chọn y vì yêu thích ngành học này từ bé. Gia đình em cũng anh trai làm trong ngành y, bố làm về dược. “Nhưng vào trường, em thật sự choáng với lịch học dày đặc. Sáng học lý thuyết, chiều đến thực tập ở bệnh viện. Kiến thức không còn là những bài toán chỉ cần tư duy suy luận logic như ở trung học phổ thông mà rất trừu tượng, nhiều khi đọc đến hai lần vẫn không hiểu,” Minh chia sẻ.
Lương Thanh Bình, sinh viên Đại học Y, dược Thái nguyên thì cho biết em chọn ngành y để chữa bệnh cứu người. “Vẫn còn nhiều bệnh nhân khó khăn, nhất là ở vùng sâu vùng xa, điều kiện y tế thiếu thốn. Em muốn giúp đỡ họ và sẵn sàng đi bất kỳ đâu để giúp đỡ người bệnh,” Bình chia sẻ. Với Nguyễn Thị Minh Chi, Đại học Dược Hà Nội, em chọn dược ban đầu vì thích hóa học. “Nhưng càng tìm hiểu em lại càng muốn học dược. Dù làm việc thầm lặng hơn bác sỹ nhưng công việc của dược sỹ cũng quan trọng không kém để giúp người bệnh,” Chi nói. câu trả lời của các tân sinh viên đã phần nào làm ấm lòng các chuyên gia y tế lão thành. 
Sinh viên y nên học thế nào?

Bắt đầu phần chia sẻ của mình, giáo sư Phạm Mạnh Hùng cho rằng các tân sinh viên hãy coi buổi gặp gỡ hôm nay như một bài giảng, “nhưng là những bài giảng không có một, hai la mã mà chỉ là chia sẻ đầy tâm huyết của các thầy, các em lắng nghe và tự tổng hợp.” Theo giáo sư Hùng, điều cần ghi nhớ với sinh viên ngành y là phải luôn đặt mình vào vị trí người bệnh và luôn hết lòng phục vụ bệnh nhân.  “Có nhiều gương người tốt nhưng trong thực tế, các em sẽ có thể thấy những gương xấu ngay trong ngành của mình. Khi đó các em có làm theo không? Điều đó các em phải suy nghĩ ngay từ hôm nay, dù mới chỉ là sinh viên năm nhất,” thầy Hùng nói. Giáo sư Vũ Triệu An dù đã 92 tuổi nhưng vẫn đến tham dự buổi gặp mặt. Ông đã khiến các sinh viên ngỡ ngàng và cảm phục về tinh thần làm việc và học hỏi không ngừng khi cho biết mình đang viết một cuốn sách về những nhà khoa học đã đoạt giải Nobel y học. Giáo sư Triệu An khuyên các tân sinh viên phải giỏi ngoại ngữ để có thể học tập và làm việc hiệu quả hơn. Bản thân ông cũng là tấm gương cho tinh thần học tập không ngừng.

Bà Vi Thị Nguyệt Hồ lại chia sẻ về những vất vả của nghề điều dưỡng. Với hàng chục năm trong nghề, bà Hồ nhắn nhủ các sinh viên phải xác định đây là nghề nhiều khó khăn và đòi hỏi người điều dưỡng phải luôn lạc quan khi đến với bệnh nhân. “Lúc đau buồn, bệnh nhân với đến với chúng ta. Bác sỹ chỉ khám xong là đi, nhưng làm điều dưỡng, thời gian ở bên bệnh nhân rất nhiều nên phải chăm sóc, lắng nghe họ, chia sẻ với họ, động viên để họ vui và lạc quan hơn,” bà Hồ nói. Thầy Lê Ngọc Trọng nhắn nhủ các tân thủ khoa nên giữ vững phong độ, không chủ quan dẫn đến thụt lùi khi bước vào giảng đường đại học. Trong quá trình học cần nắm vững kiến thức nhưng phải gắn với lâm sàng và rèn luyện thực hành, tham gia nghiên cứu khoa học.

Mảnh đất y học còn nhiều khoảng trống

Các chuyên gia y học cũng chỉ cho các sinh viên thấy, ngành y vẫn đang còn nhiều khoảng trống cần các em nỗ lực để khai phá. Theo giáo sư Phạm Mạnh Hùng, cứ 100 bệnh thì hiện nay y học chỉ chữa được 10-15 bệnh. Khoảng 10-15 bệnh không chữa cũng khỏi, 15 bệnh không chữa được. Khoảng 50 bệnh còn lại chuyển từ cấp tính sang mãn tính kéo dài, ví dụ như viêm họng là bệnh rất dễ thành mãn tính.  “Đừng nghĩ y học hiện đại đã giải quyết được các vấn đề. Chúng ta vẫn không chữa được hết các b​ệnh và vẫn còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu,” thầy Hùng nói. Là người cả đời gắn bó với nghề y, giáo sư Hùng cũng khuyên các sinh viên luôn phải chuyên tâm trong điều trị bệnh nhân vì nghề y là chữa bệnh cho con người, và cùng một bệnh, tùy thuộc vào thể trạng từng người, lại có cách điều trị khác nhau. “Không có nghề nào đòi hỏi nhiều kinh nghiệm như nghề y. Chúng ta chữa khỏi cho 99 người nhưng người thứ 100 chưa chắc đã khỏi. Vì thế không được chủ quan,” thầy Hùng chia sẻ.

Thầy Trần Quỵ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thì cho rằng việc nghiên cứu để tìm cách nâng cao tầm vóc, giống nòi con người Việt Nam cũng đang là vấn đề cần phải quan tâm hơn nữa. Lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia y học lão thành, em Hoàng Thị Ngọc Anh, sinh viên trường Đại học Y Thái Bình cho biết em thực sự rất xúc động. “Đây là một ngày rất ý nghĩa với em. Các thầy đã không chỉ dạy cho chúng em phương pháp học tập mà còn tiếp thêm cho chúng em niềm tin, tình yêu với nghề. Chúng em hiểu sâu sắc hơn mình không chỉ trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn và cả đạo đức nghề nghiệp,” Ngọc Anh chia sẻ.

Theo giáo sư Phạm Mạnh Hùng, những buổi gặp mặt với tân sinh viên y, dược đã được Tổng Hội y học Việt Nam thực hiện từ năm 2011. “Chúng tôi muốn hướng đến đối tượng sinh viên năm nhất để giúp các em xác định được cho mình phương pháp học tập và tâm thế đến với nghề,” thầy Hùng nói (Vietnamplus.vn, Tuổi trẻ trang 3).

Đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội

Tối 25-10, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, ngành Y tế Thủ đô sẽ có thêm Bệnh viện (BV) Nhi Hà Nội. BV này được xây dựng theo tiêu chuẩn BV hạng I với 600 cán bộ, nhân viên y tế, 500 giường bệnh điều trị nội trú với 5 khối gồm: Khối khám và điều trị ngoại trú, nội trú, nghiệp vụ kỹ thuật, hành chính quản trị hậu cần, dịch vụ tổng hợp. Công trình có tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố là 200 tỷ đồng, số còn lại huy động từ nguồn vốn trái phiếu Thủ đô. BV Nhi Hà Nội giai đoạn I sẽ được khởi công xây dựng vào ngày 27-10 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Trong giai đoạn I sẽ xây mới các khối khám bệnh và điều trị ngoại trú, khối kỹ thuật nghiệp vụ cận lâm sàng, khối hành chính hậu cần theo quy mô công suất BV và nhu cầu sử dụng; khối điều trị nội trú với 200 giường bệnh, có chiều cao 6 tầng và một tầng hầm, tổng diện tích sàn 28.738m2... 
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, chủ trương của thành phố là xây dựng BV Nhi có hệ thống hạ tầng dịch vụ hoàn chỉnh, hiện đại, chất lượng cao theo hướng ưu tiên phát triển các dịch vụ khám, chẩn đoán và thực hiện các nghiệp vụ chữa trị chuyên sâu với công nghệ kỹ thuật cao; tạo tiền đề cho việc phát triển công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho trẻ em thành phố và các địa phương lân cận (Hà Nội mới trang 1).

Thực hiện đề án luân phiên cán bộ y tế: Rút ngắn khoảng cách giữa các tuyến bệnh viện

Để mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã thực hiện chính sách luân phiên cán bộ y tế. Sau thời gian thực hiện luân phiên cán bộ, tính đến nay, chất lượng chuyên môn ở một số bệnh viện (BV) tuyến huyện trên địa bàn Hà Nội đã có thay đổi lớn, thu hút được nhiều người dân địa phương đến khám, chữa bệnh và góp phần giảm tải BV tuyến trên. 

Nâng hiệu quả khám chữa bệnh ở tuyến dưới

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, những năm qua ngành Y tế Thủ đô đã triển khai nhiều biện pháp như: Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khoa khám chữa bệnh, phát triển kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị… Với những giải pháp đầu tư đồng bộ của thành phố, chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sự chuyển biến đó chưa đồng đều ở tất cả các đơn vị, nhất là có sự chênh lệch khá lớn về trình độ chuyên môn giữa các cơ sở y tế tuyến thành phố và tuyến huyện, đặc biệt là y tế cơ sở nên chưa thu hút được người bệnh đến khám, gây nên tình trạng quá tải ở BV tuyến thành phố. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai có hiệu quả Đề án 1816 "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh".Từng thiếu bác sĩ, trang thiết bị sử dụng không hiệu quả, không thu hút được bệnh nhân nhưng từ khi nhận được sự hỗ trợ chuyên môn của các BV tuyến trên (gồm: BV Đa khoa Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Việt Nam - Cu ba, Y học cổ truyền Hà Nội), BV Đa khoa huyện Phúc Thọ đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao, lượng bệnh nhân đến khám không ngừng tăng lên. Giám đốc BV Nguyễn Quang Mậu phấn khởi cho biết, vào thời điểm trước tháng 7-2014, hầu như BV phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, việc triển khai những ca phẫu thuật tại đây rất hiếm hoi. Thế nhưng, đến nay trung bình mỗi tháng, BV có trên 100 ca mổ ngoại và sản khoa. Riêng sản khoa, cao điểm có ngày lên đến 6-7 ca mổ (tương đương với cả tháng trước đây). Thậm chí, phẫu thuật nội soi - một kỹ thuật trước đây BV không dám nghĩ tới, thì đến nay kỹ thuật này được áp dụng thường quy cho các trường hợp chửa ngoài tử cung, thủng dạ dày, viêm ruột thừa, thoát vị bẹn... "Trong 9 tháng năm 2015, BV đã khám, chữa bệnh cho trên 66.000 lượt người, số bệnh nhân chuyển tuyến giảm rõ rệt. Riêng số bệnh nhân điều trị nội trú thường đạt 250-300 người, trong khi BV chỉ có 250 giường kế hoạch. Do vậy, BV phải kê thêm giường bệnh, không để bệnh nhân phải nằm ghép", Giám đốc Nguyễn Quang Mậu cho biết. 

Tương tự, sau khi được Sở Y tế Hà Nội đầu tư máy mổ nội soi, BV Đa khoa huyện Thạch Thất đã triển khai ca phẫu thuật nội soi đầu tiên vào đầu tháng 8 năm nay. Hiện nay, sau 2 tháng triển khai, BV đã có 28 bệnh nhân được mổ nội soi ruột thừa, u xơ tiền liệt tuyến, đứt dây chằng khớp gối, cắt túi mật, u xơ tuyến giáp. Cùng với đó, BV còn được các bác sĩ của BV Đa khoa Xanh Pôn chuyển giao kỹ thuật và phẫu thuật mổ u nang tuyến giáp, phẫu thuật nội soi túi mật, nội soi tuyến tiền liệt. BV cũng đã phối hợp với BV Việt Nam - Cu ba phẫu thuật nội soi về tai mũi họng, đồng thời phối hợp với BV Mắt Hà Nội tổ chức khám sàng lọc và phẫu thuật các bệnh về mắt. Giám đốc BV Vương Trung Kiên cho biết, trước đây, với phương pháp mổ mở, trung bình một bệnh nhân từ khi phẫu thuật đến khi ra viện phải mất từ 7 đến 10 ngày. Thế nhưng, với kỹ thuật mổ nội soi, bệnh nhân chỉ mất 3-4 ngày là được xuất viện, rút ngắn thời gian nằm điều trị và giảm chi phí cho người bệnh. Nhiều bệnh nhân trước đây phải chuyển tuyến nay đã được phẫu thuật tại BV huyện an toàn.

Giống như BV Đa khoa huyện Thạch Thất, BV Đa khoa huyện Mỹ Đức cũng được Sở Y tế Hà Nội trang bị máy nội soi hệ thống tiêu hóa và tiết niệu. Không chỉ được trang bị thiết bị, BV còn được BV Đa khoa Đức Giang chuyển giao kỹ thuật theo hướng "cầm tay chỉ việc" trong ca phẫu thuật nội soi u xơ tiền liệt tuyến đầu tiên cho bệnh nhân Nguyễn Văn Trực (69 tuổi, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức). Sau ca phẫu thuật thành công, sức khỏe bệnh nhân ổn định. Nhờ được chuyển giao nhiều kỹ thuật khó ở các BV tuyến thành phố, trong 8 tháng đầu năm nay, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV đã tăng cao. Cụ thể, BV đã khám cho gần 34 nghìn lượt người (tăng 25%); điều trị nội trú hơn 9 nghìn lượt (tăng 38,9%); cấp cứu 2.613 ca (tăng 80,2%); phẫu thuật 580 ca (tăng 64,6% so với cùng kỳ năm 2014). 
Thu hẹp khoảng cách

Có thể khẳng định việc thực hiện Đề án 1816 của ngành Y tế Thủ đô thời gian qua đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với dịch vụ y tế cao ngay tại tuyến y tế cơ sở. Đề án góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch chất lượng và mức hưởng dịch vụ y tế giữa các vùng. Đề án cũng giúp y tế địa phương phát triển và có cán bộ ngay tại chỗ mà không phải lên các BV tuyến trên, đồng thời góp phần giúp người bệnh hạn chế chi phí khám, chữa bệnh.

Trước những thành quả mà đề án trên mang lại, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, việc cử người hành nghề đi hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới sẽ góp phần giúp các BV huyện, trung tâm y tế huyện - là những đơn vị còn rất khó khăn về nhân lực, đặc biệt là thiếu các bác sĩ chuyên khoa có thêm đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn tốt để phát triển chuyên môn tại cơ sở. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm tiếp theo, đồng thời khắc phục những khó khăn thách thức, tới đây, ngành Y tế Thủ đô sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong việc luân chuyển cán bộ, đồng thời cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp lại quy trình làm việc, quy trình khám, chữa bệnh khoa học, cải tạo cơ sở hạ tầng… 

Hy vọng rằng, việc tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn từ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm công bằng trong khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân (Hà Nội mới trang 5).

 

Phẫu thuật bắc cầu không gây mê cho bệnh nhân 104 tuổi

Ngày 25-10, thạc sĩ - bác sĩ Lê Thanh Phong, trưởng đơn vị phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhân 104 tuổi bị tắc động mạch chi dưới cấp tính. Đó là cụ ông M.V.H., 104 tuổi, ở Bạc Liêu.

Trước đó, ngày 13-10, cụ H. được đưa vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược vì bị đau chân trái dữ dội. Khi khám bệnh, bác sĩ thấy chân trái của bệnh nhân tím lạnh từ cẳng chân xuống bàn chân, mạch chân không bắt được, cảm giác da bàn chân giảm, vận động của bàn chân và các ngón chân khó khăn.

Hình chụp mạch máu cho thấy các động mạch chân trái bị tắc hoàn toàn từ ngang gối trở xuống, chỉ còn lại một nhánh nhỏ động mạch ở bàn chân. Bệnh nhân được chẩn đoán thiếu máu chi dưới nguy kịch do tắc các động mạch nuôi chân cấp tính trên nền bệnh động mạch mãn tính do xơ vữa. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị rối loạn nhịp tim và bệnh phổi mãn tính.

Các bác sĩ đã tích cực điều trị bằng thuốc nhưng tình trạng thiếu máu chân ngày càng nặng, các ngón chân và bàn chân trái vẫn rất đau và bắt đầu xuất hiện những đốm hoại tử. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân vì đây là giải pháp duy nhất vừa giữ được chân vừa cứu mạng cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, bệnh nhân không thể gây tê tủy sống vì đang sử dụng thuốc chống đông máu, còn gây mê sẽ rất nguy hiểm vì bệnh nhân còn có bệnh tim, phổi kèm theo. Ngày 17-10, êkip điều trị đã gây tê tại chỗ, phẫu thuật lấy một phần cục máu đông, sau đó bắc cầu bằng tĩnh mạch để đưa máu từ phía trên chỗ tắc xuống phía dưới chỗ tắc ở mu bàn chân. Sau mổ một ngày, chân trái bệnh nhân hết đau, ấm và hồng hào. Một tuần sau, bệnh tim, phổi của bệnh nhân đã ổn định và bệnh nhân đã đi lại được. Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Theo bác sĩ Thanh Phong, đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất được phẫu thuật bắc cầu tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (Tuổi trẻ trang 4, Lao động trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang