Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/10/2022

  • |
T5g.org.vn - Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Bộ Y tế ra công văn khẩn; Bác sĩ cảnh báo 'bệnh chồng bệnh' sau mắc virus Adeno, làm gì để bảo vệ trẻ?; Nguy cơ cao cúm gia cầm lây sang người; Vì sao Bộ Y tế kiên quyết giữ quan điểm chưa công bố hết dịch Covid-19?...

 

Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Bộ Y tế ra công văn khẩn

Ngày 24/10, Bộ Y tế đã gửi Công văn khẩn số 5995/BYT-DP đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm.
Công văn của Bộ Y tế nêu rõ, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, ngày 17/10/2022 ghi nhận bệnh nhi nữ 5 tuổi, trú tại xã Đông Thanh, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ dương tính với cúm A/H5. Đây là ca bệnh cúm A/H5 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014.

Theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Để chủ động phòng chống cúm gia cầm lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung trọng tâm, cụ thể:

Tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút; điều tra các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm; xử lý sớm triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời

Cơ quan y tế, cơ quan thú y và chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát dịch cúm trên gia cầm, trên người để kịp thời xử lý triệt để ổ dịch.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao. Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT; Báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Cục Y tế dự phòng, điện thoại: 04.38456255, fax: 0437366241, email: baocaobtn@gmail.com.

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau

Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.
Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).


Bác sĩ cảnh báo 'bệnh chồng bệnh' sau mắc virus Adeno, làm gì để bảo vệ trẻ?

Các chuyên gia cho hay, virus Adeno đa phần gây biểu hiện từ mức độ nhẹ - vừa nhưng cũng có trường hợp suy hô hấp nặng phải thở máy... do bội nhiễm dẫn đến 'bệnh chồng bệnh'.
Có một số trường hợp gây biến chứng nặng, bội nhiễm vi khuẩn khi mắc virus Adeno 
Bé Na con gái chị Linh (quận Long Biên, Hà Nội) liên tục sốt cao trong vài ngày, kèm theo triệu chứng nôn và mệt mỏi. Ban đầu, gia đình chỉ nghi ngờ con bị bệnh liên quan tới sốt xuất huyết hoặc vấn đề về đường ruột, nên đã đưa trẻ đi siêu âm ổ bụng, test sốt xuất huyết. Tuy nhiên, trẻ không phát hiện bất thường, kết quả test cũng âm tính. 

Bé sốt cao đến ngày thứ 6 không đáp ứng thuốc, ho, đau họng, khó thở, gia đình đưa vào viện. Sau khi thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ cho biết bé không những nhiễm virus Adeno mà còn gặp phải tình trạng bội nhiễm vi khuẩn khiến tình trạng viêm phổi của trẻ trở nặng.

Hiện bé Na đang được điều trị tại Bệnh viện TW Quân đội 108. Trước khi nhập viện, trẻ không có những biểu hiện khác khi mắc virus Adeno như viêm kết giác mạc ở mắt, thở khò khè hay tiêu chảy... (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

Nguy cơ cao cúm gia cầm lây sang người

Sau hơn 8 năm vắng bóng tại Việt Nam, mới đây ca bệnh đầu tiên nhiễm virus cúm gia cầm - cúm A/H5 đã xuất hiện. Bệnh nhân là bé gái 5 tuổi ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh cúm gia cầm sang người nếu không phòng chống kịp thời.

Người nhà của bệnh nhi kể, khoảng một tuần trước khi trẻ nhập viện, gia đình có mổ ngan, gà có biểu hiện ốm để ăn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ cho biết, ngày 5/10, bệnh nhi xuất hiện ho, sốt, gia đình tự mua thuốc về uống nhưng không đỡ. Trẻ được đưa đi khám nhiều nơi, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ngày 10/10, trẻ được xét nghiệm xác định cúm A/H5. Ngày 17/10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định bệnh nhi dương tính với virus cúm A/H5. Ngày 22/10, sau gần 2 tuần nhập viện, bệnh nhi đã tỉnh táo, tiếp tục được theo dõi chức năng thận để có các biện pháp điều trị phù hợp.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ, xung quanh khu vực nhà bệnh nhi sinh sống chưa ghi nhận ca bệnh tương tự. Một chuyên gia dịch tễ cho biết, mẫu xét nghiệm mới chỉ khẳng định bệnh nhi nhiễm cúm A/H5 mà chưa đủ để đánh giá nhiễm kháng nguyên “N” nào.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, cúm A có 15 loại kháng nguyên H (từ H1-H15) và 9 loại kháng nguyên N (N1-N9). Những tổ hợp của 2 loại kháng nguyên này tạo nên các phân loại khác nhau của virus cúm A. Trong đó, virus A/H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao.

Hơn 20 năm qua, sự bùng phát của virus H5N1 đã làm hàng chục triệu gia cầm nhiễm bệnh và chết. Các nhà khoa học đánh giá H5N1 là loại virus có khả năng tự biến đổi hoặc tái tổ hợp rất cao. Chúng có thể kết hợp với virus cúm ở người tạo ra một loại virus mới có đầy đủ tính năng của 2 loại virus cũ, dễ dàng tạo ra đại dịch cúm cho người với tỉ lệ biến chứng nặng, nguy cơ tử vong rất lớn.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, bệnh cúm A trên người là bệnh lây qua gia cầm. Virus này lây sang người qua đường hô hấp, qua tiếp xúc vật dụng nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1; ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín kĩ.

“Nếu không xảy ra dịch trên gia cầm thì cũng không xảy ra dịch bệnh trên người”, ông Phu nói.

Giám sát, phát hiện sớm ca bệnh

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương nhấn mạnh: “Việc phát hiện kịp thời, khoanh vùng, kiểm soát ngay đã giúp cho ca bệnh cúm A(H5) mới nhất này không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị ngành y tế các địa phương: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lí sớm, triệt để ổ dịch tại các địa phương; Rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống cúm gia cầm trên người; Xây dựng phương án phòng, chống dịch. Tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao…

Theo các chuyên gia dịch tễ, Việt Nam là một trong những nước có sự lưu hành của nhiều chủng virus cúm, bao gồm các chủng cúm gia cầm A/H5, A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8. “Các chủng A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8 chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng luôn có nguy cơ xâm nhập thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu”, một chuyên gia cảnh báo.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết, hiện đã có thêm nhiều loại thuốc kháng virus để điều trị các bệnh do virus, trong đó có cúm gia cầm.

“Với các ca nhiễm cúm gia cầm, điều quan trọng là phát hiện và điều trị sớm để tránh tổn thương phổi, hạn chế tình trạng suy đa tạng. Vì thế, người nào từng tiếp xúc bệnh nhân mắc bệnh cúm gia cầm, gia cầm bị bệnh hoặc sống ở khu vực đang lưu hành bệnh cúm gia cầm, khi có biểu hiện sốt, ho, đau ngực, khó thở… nên đến cơ sở y tế thăm khám ngay”, bác sĩ Hà khuyến cáo.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường, dự báo trong thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo virus A/H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao, có thể gây diễn tiến khó lường theo chiều hướng phức tạp, tỉ lệ biến chứng và tử vong cao ở người (từ 50-60% trường hợp mắc). Do vậy, khi có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp người bệnh cần đến bệnh viện xét nghiệm khẳng định bị mắc virus cúm nào để có kế hoạch điều trị phù hợp. (Tiền phong, trang 15).

 

Vì sao Bộ Y tế kiên quyết giữ quan điểm chưa công bố hết dịch Covid-19?

Phát biểu tại Quốc hội mới đây, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề nghị cần tuyên bố hết dịch Covid-19. Tuy vậy, Bộ Y tế không đồng tình với quan điểm này. Trao đổi với báo chí về đề xuất tuyên bố hết đại dịch Covid-19 tại nước ta, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Y tế Dự phòng – Bộ Y tế cho biết, nếu tuyên bố hết đại dịch lúc này, Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn.

Ông Lân phân tích, có hai thách thức Việt Nam sẽ gặp nếu công bố hết dịch. Thứ nhất, khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vaccine, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân... trong tình trạng khẩn cấp, ảnh hưởng đến triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Vì thế, trong trường hợp xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn thì dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, khi đó sẽ vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Thứ hai, nếu công bố hết dịch thì việc huy động chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân tham gia phòng chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức. Như vậy, người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là. Việc kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội khi cần sẽ bị động.

Đại diện Bộ Y tế cũng nêu rõ, tình hình dịch Covid-19 hiện vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, chưa ổn định và khó dự đoán. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lúc này vẫn đánh giá "thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch Covid-19".

Còn tại nước ta, dù không công bố hết dịch nhưng hiện Bộ Y tế đã chủ động điều chỉnh theo hướng giảm dần các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình dịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Trên thực tế, dịch đang được kiểm soát, các biện pháp phòng chống cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh. (An ninh Thủ đô, trang 6; Tuổi trẻ, trang 14).

 

Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM: Điểm sáng về y tế thông minh của thành phố

Sáng 25-10, Ban Văn hóa-Xã hội (VH-XH), HĐND TPHCM có buổi khảo sát về tình hình triển khai thực hiện Đề án 'Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030' tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Ai cũng được hưởng lợi

Báo cáo với đoàn khảo sát, TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh viện đã thông qua 5 chương trình hành động phát triển trong giai đoạn 2021-2025, trong đó có Chương trình bệnh viện thông minh. Đơn vị đã ban hành kế hoạch số 201/KH-BVNĐ1 ngày 31-12-2020 để triển khai thực hiện chương trình này.

“Bệnh viện Nhi đồng 1 số hóa hầu hết chứng từ như giấy chuyển viện, tờ điều trị, bác sĩ kê toa thuốc, thí điểm bệnh án điện tử, áp dụng quy trình khám bệnh tiện lợi cho bệnh nhân… Rất mừng, sau gần 2 năm triển khai dự án, kết quả đạt được rất khích lệ”, TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh nói.

Nói về cách xây dựng bệnh viện thông minh, TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh chia sẻ, đơn vị hiện có 1.800 nhân viên (112 phòng khoa, phòng), mỗi ngày tiếp nhận khám chữa bệnh cho 5.000 - 8.200 người; số bệnh nhân nội trú đạt 1.500 người, cao điểm gần 2.200 bệnh nhi/ngày… Do đó, bệnh viện tập trung phát triển hạ tầng số y tế, dữ liệu dùng chung trong lĩnh vực y tế, bệnh án điện tử, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, kê đơn thuốc - liên thông đơn thuốc. Đồng thời bệnh viện triển khai các ứng dụng tiện ích cho người bệnh như: thẻ khám bệnh thông minh, thanh toán điện tử; ứng dụng telemedicine và AI trong telemedicine trong khám chữa bệnh; phần mềm kê đơn thuốc; AI và robot trong phẫu thuật...

Qua đó giúp cho công tác khám chữa bệnh ngoại trú có nhiều đột phá qua quy trình khám bệnh tiện lợi, còn gọi là quy trình “một điểm dừng” theo thứ tự: tiếp nhận - khám bệnh - xét nghiệm - kê đơn - lãnh thuốc - thanh toán một lần. Bệnh nhân không phải đóng tiền, di chuyển nhiều lần, giảm thời gian chờ đăng ký, tiếp nhận, khám bệnh. Ở khu vực điều trị nội trú, bệnh viện số hóa hầu hết chứng từ, giấy tờ chuyên môn như biên bản hội chẩn, giấy chuyển tuyến, tờ điều trị; chuyển đổi số hoạt động quản lý, giám sát; thí điểm bệnh án điện tử 4 khoa và dự kiến hai năm tới triển khai toàn viện. Các khoa phòng, đơn vị đều trang bị chữ ký số.

Trong khâu quản lý bệnh nhân, bệnh viện ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện bảng kiểm an toàn phẫu thuật. Để giảm nguy cơ nhầm người bệnh, nhầm bộ phận phẫu thuật, mỗi bệnh nhân mang lắc đeo tay có mã vạch, trước khi vào phòng mổ, trước khi rạch da hay phát thuốc sẽ được tra mã vạch... Phần mềm quản lý giường bệnh, máy thở, trong bối cảnh quá tải giường bệnh giúp bác sĩ biết khoa nào còn bao nhiêu giường, bao nhiêu máy thở. Ngoài ra, các phần mềm duyệt thuốc online, giám sát sử dụng kháng sinh, quản lý y lệnh, cấp phát thuốc tại khoa dược. Phần mềm giám sát kho thuốc thông minh với kiểm soát vào ra như sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, vân tay để xác thực mở cửa kho, giám sát trạng thái cửa đóng hay mở. Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng là một trong những bệnh viện đầu tiên của cả nước tự xây dựng được phần mềm đấu thầu thuốc thông minh, số hóa toàn bộ công đoạn của quy trình đấu thầu thuốc…

TS-BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 bày tỏ, ông làm việc tại bệnh viện 34 năm, cảm nhận được giá trị chuyển đổi trong công việc của mình, bác sĩ được giải phóng khỏi nhiều công việc thủ công, giúp cho ông và các BS trong bệnh viện có thời gian tập trung chuyên môn.

Còn nhiều khó khăn

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, bên cạnh kết quả tích cực đạt được trong xây dựng bệnh viện thông minh, đem lại tiện ích thuận lợi cho công tác khám chữa bệnh của đơn vị, hiện bệnh viện đang tìm mọi phương cách để thu hút, giữ chân nguồn nhân lực công nghệ thông tin do mặt bằng chung mức lương tại bệnh viện quá thấp. Song song đó, do phần mềm được bệnh viện xây dựng từ những năm 1994, dù có nhiều nâng cấp, bổ sung nhưng vẫn bị lỗi thời, hệ thống không mang tính tổng thể, các yêu cầu phát sinh được đáp ứng nhưng chỉ mang tính tạm thời.

Nguyên do lượng dữ liệu của bệnh viện rất lớn, việc chuyển đổi và tương thích với dữ liệu sang hệ thống mới cũng gặp nhiều khó khăn. Hệ thống máy tính không mua sắm kịp thời khi có phát sinh, do thiết bị này nằm trong danh mục mua sắm tập trung của thành phố. Cạnh đó, hệ thống RIS/PACs chưa có hướng dẫn đầu tư rõ ràng. Chưa có cơ chế chính sách khuyến khích nhân viên CNTT chất lượng cao làm trong môi trường bệnh viện. Hiện bệnh viện chỉ có 12 nhân sự để vận hành hơn 700 máy tính, gây nhiều khó khăn trong việc quản lý.

“Bộ Y tế, TPHCM cần đẩy nhanh xây dựng các hướng dẫn về pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư hệ thống RIS/PACs - là thành phần quan trọng để thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử. Chi phí công nghệ thông tin cần được cơ cấu trong giá dịch vụ kỹ thuật để bệnh viện có đủ kinh phí đầu tư hạ tầng và các phần mềm ứng dụng triển khai”, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng nêu đề xuất.

Bày tỏ ngưỡng mộ nhiều cách làm sáng tạo, đột phá của Bệnh viện Nhi đồng 1, đại biểu HĐND TPHCM Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP cũng khuyến nghị bệnh viện cần có sự liên kết, chia sẻ thông tin với bệnh viện bạn, rộng hơn là cho bệnh viện các tỉnh/thành. Đồng thời hệ thống phần mềm của bệnh viện phải chú trọng đảm bảo về bảo mật dữ liệu thông tin của người bệnh khi thời gian qua hệ thống của Việt Nam bị gần 6.000 đợt tấn công mạng.

Trưởng Ban VH-XH HĐND TPHCM Cao Thanh Bình khẳng định, Bệnh viện Nhi đồng 1 là một điểm sáng trong số ít cơ sở y tế đi đầu trong triển khai đề án y tế thông minh của thành phố với nhiều cách làm khoa học, sáng tạo, phát huy được thế mạnh nguồn lực tại chỗ, dù chỉ có 12 nhân viên công nghệ thông tin. Chia sẻ những khó khăn mà bệnh viện đang gặp, đó cũng là khó khăn chung của các bệnh viện trên địa bàn TPHCM, do đó Trưởng Ban VH-XH đề nghị, Sở Y tế TPHCM cần xây dựng chính sách đặc thù đối với y tế chuyên sâu để trình lên HĐND TPHCM xem xét. Ngoài ra, để việc ứng dụng CNTT hiệu quả cần có sự đầu tư và phát triển đồng bộ, các sở ngành liên quan cần sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cho các bệnh viện thực hiện, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống ngành y tế của thành phố. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang