Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/11/2015

  • |
T5g.org.vn - Việt Nam dùng thuốc, phác đồ mới trong điều trị lao kháng thuốc; Phòng chống sốt xuất huyết ở khánh hòa chưa hiệu quả…

Việt Nam dùng thuốc, phác đồ mới trong điều trị lao kháng thuốc

Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế, Việt Nam có thể nói là một trong những nước chuẩn bị sớm nhất cho áp dụng thuốc chống lao mới, phác đồ mới điều trị lao kháng thuốc.

Theo đó, phác đồ mới điều trị lao kháng thuốc mới với thời gian điều trị chỉ kéo dài 9 tháng, chi phí tiết kiệm hơn thay cho phác đồ điều trị lao đa kháng thuốc hiện nay kéo dài từ 20-24 tháng.

Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình phòng chống Lao quốc gia đã cho biết như vậy tại hội nghị triển khai áp dụng thuốc mới và phác đồ mới điều trị bệnh lao kháng thuốc tại Việt Nam diễn ra sáng 25/11 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố thuốc Bedaquiline, loại thuốc mới đầu tiên trong hơn 40 năm qua dùng để điều trị lao kháng thuốc, hiện đã có tại Việt Nam.

Bệnh lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ảnh hưởng đến cộng đồng nhất tại Việt Nam với 130.000 ca phát hiện mới, trong đó có khoảng 5.100 bệnh nhân lao đang kháng thuốc và 17.000 người tử vong vì bệnh lao mỗi năm.

Đặc biệt, sự bùng phát của bệnh lao kháng thuốc đang là mối đe dọa hàng đầu cho công tác phòng chống bệnh lao trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Do vậy, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới được trao tặng thuốc Bedaquiline để hỗ trợ những nỗ lực liên tục của Việt Nam trong phòng chống căn bệnh này.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, mặc dù Việt Nam là nước có kết quả điều trị lao kháng thuốc thành công cao, trên 70% nhưng phác đồ điều trị lao đa kháng thuốc hiện nay vẫn còn rất phức tạp và nặng nề, thời gian điều trị kéo dài từ 20-24 tháng, kết hợp của nhiều loại thuốc chống lao hàng hai có độc tính cao dẫn tới tỷ lệ không dung nạp thuốc và bỏ điều trị cao. Thêm vào đó, có một số lượng đáng kể người bệnh lao siêu kháng thuốc đến nay chưa có phác đồ điều trị hiệu quả.

Vì vậy, với sự ra đời của thuốc mới và phác đồ mới sẽ là cơ hội tốt cho những bệnh nhân đã kháng thuốc lao. Việc áp dụng những thành quả khoa học liên quan tới thuốc mới và phác đồ mới trong điều trị bệnh lao kháng thuốc đem lại cho người bệnh cơ hội được điều trị khỏi, giảm gánh nặng bệnh tật, vật chất và tinh thần cho không chỉ cá nhân người bệnh mà còn cho cả gia đình và cộng đồng. (Thanh niên (trang 2); Tuổi trẻ (trang 2):

Phòng chống sốt xuất huyết ở khánh hòa chưa hiệu quả

Tỉnh Khánh Hòa đang là một trong những điểm nóng về sốt xuất huyết (SXH) khi số người mắc ngày càng tăng. Tuy nhiên, công tác phòng, chống SXH của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, chưa hiệu quả.

Tính đến ngày 15-11, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 5.494 ca mắc SXH Dengue, cao gấp năm lần so với năm 2014. Trong đó, có 170 người bệnh nặng, hai người tử vong. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có người mắc bệnh. Điển hình tại thị xã Ninh Hòa có số lượng nhiều nhất với 98 ổ dịch được phát hiện và có tổng số 1.361 người mắc SXH (năm 2014 có 177 người mắc). Số ca mắc SXH tăng đột biến, cho nên Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa lâm vào tình trạng quá tải; bình quân mỗi ngày điều trị hơn 100 ca, trong đó có khoảng 30 ca mới. Bệnh viện phải tận dụng cả khu vực hành lang; làm thêm mái che ở khoảng sân trống trước Khoa Nhiễm để kê thêm giường cho người bệnh nằm mà vẫn không đủ giường. Nhiều người bệnh phải nằm ghép. Phó trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa Lê Lân cho biết, một trong những nguyên nhân khiến điều trị SXH khó khăn do nhiều người bệnh khi nhập viện đã rất nặng, có dấu hiệu choáng, tụt huyết áp, xuất huyết tiêu hóa... Những người bệnh này đã mất một thời gian điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân hoặc tự điều trị tại nhà. Việc điều trị tùy tiện như trên rất nguy hiểm vì không được chữa trị kịp thời, nguy cơ tử vong cao. Do đó, hễ thấy người nhà có dấu hiệu sốt, người dân cần đưa ngay đến bệnh viện để được khám, chữa trị kịp thời.

Không chỉ thị xã Ninh Hòa, nhiều huyện cũng có số ca mắc SXH cao hơn nhiều so với năm trước, như huyện Diên Khánh tăng 13,6 lần, huyện Vạn Ninh tăng 8,4 lần... Đầu tháng 11 vừa qua, kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại tỉnh Khánh Hòa, đoàn công tác của Bộ Y tế nhận định: Khánh Hòa đã triển khai sớm và kịp thời công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn theo quy định, như: Phun hóa chất; phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch; mở các đợt diệt bọ gậy tại hộ gia đình; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, trong nhà trường về việc diệt bọ gậy... Tuy nhiên, công tác phòng, chống SXH chưa đạt hiệu quả cao; tình hình dịch SXH trên địa bàn vẫn không giảm. Kết quả giám sát vec-tơ định kỳ tại các địa phương trọng điểm cho thấy, chỉ số mật độ muỗi, nhà có muỗi vẫn cao, là nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ SXH bùng phát thành dịch lớn.

Câu hỏi đặt ra là, công tác tuyên truyền đã làm mạnh; hóa chất diệt muỗi cũng được phun ở nhiều nơi; công tác dọn dẹp, làm vệ sinh môi trường cũng được vận động... nhưng tại sao muỗi vẫn cứ nhiều? Lý giải vấn đề nêu trên, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế cho rằng, sở dĩ công tác phòng, chống SXH ở Khánh Hòa chưa đạt hiệu quả cao là do các ngành, UBND cấp xã , phường chưa vào cuộc quyết liệt; công tác vệ sinh môi trường chưa triệt để, chưa đạt yêu cầu; kỹ thuật phun hóa chất chưa đạt... Tuy đã được tuyên truyền nhiều về nội dung trên nhưng ở một số địa phương, người dân không hợp tác, thậm chí gây cản trở việc phun hóa chất diệt muỗi. Vì vậy, ngành y tế tỉnh cần nghiên cứu kỹ hơn vấn đề tuyên truyền, để việc phun hóa chất diệt muỗi diễn ra thuận lợi, hiệu quả hơn. Người dân chưa chủ động tham gia diệt bọ gậy tại nhà, dù đã được cán bộ y tế đến tận nhà hướng dẫn nhiều lần; ý thức phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng chưa cao, cứ nghĩ đó là việc của ngành y tế, của chính quyền địa phương. Trong khi đó, nhân lực bộ phận phòng, chống dịch của ngành y tế còn mỏng; chưa thật sự chủ động giám sát, xử lý dịch trên địa bàn rộng và có số người mắc cao...

Đáng chú ý, hiện nay, các xã, phường của Khánh Hòa đều có ban chỉ đạo phòng, chống dịch SXH, có kế hoạch, phân công cụ thể nhưng khi triển khai thực hiện thì chưa có sự phối hợp tốt. Vẫn còn nhiều trạm y tế chưa phát huy được vai trò của mình trong việc tham mưu chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng, chống dịch; nhiều thành viên tham gia diệt bọ gậy còn bỏ sót nhiều ổ bọ gậy tại các ổ dịch. Kết quả phân lập vi-rút của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy, trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi lưu hành cả bốn type vi-rút D1, D2, D3, D4 làm tăng nguy cơ bùng phát dịch SXH.

Gần đây, có thông tin muỗi ở Khánh Hòa kháng thuốc. Bác sĩ Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa khẳng định, thông tin trên là chưa chính xác. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến của dịch SXH ngày càng phức tạp, ngành y tế tỉnh đang cân nhắc về việc tham mưu UBND tỉnh tiến hành thủ tục công bố dịch trên địa bàn. (Nhân dân (trang 7).

Trọng tài trong đánh giá chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm

Thực phẩm an toàn không chỉ cải thiện sức khỏe con người mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Được tiếp cận thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi người dân. Vì vậy, việc kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm đóng vai trò quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực quản lý và bảo đảm an ninh xã hội về lĩnh vực thực phẩm.

Mặc dù đã có những tiến bộ rõ rệt trong bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), song công tác quản lý vấn đề này vẫn còn những bất cập, hạn chế về nguồn lực, đầu tư kinh phí và chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở nước ta phần lớn là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên việc kiểm soát ATTP còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm vẫn có xu hướng tăng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho chăm sóc sức khỏe của người dân. Các tranh chấp về thực phẩm cũng diễn ra ngày càng gay gắt… Do vậy, ngay sau khi được thành lập (tháng 3-2009), Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã không ngừng đầu tư cả về đội ngũ nhân lực và trang thiết bị, nhanh chóng làm chủ kỹ thuật kiểm nghiệm, đáp ứng kịp thời các yêu cầu quản lý ATTP. Viện đã thực hiện tốt việc kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm trong nước và nhập khẩu; đánh giá được nguy cơ về vệ sinh ATTP; thực hiện tốt vai trò đầu ngành trong lĩnh vực kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh ATTP. Qua đó, kịp thời giải quyết các sự vụ, sự cố về ATTP như vấn đề melamin, các vụ ngộ độc nghiêm trọng gây tử vong, đấu tranh phòng, chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm...

Các hoạt động kiểm nghiệm, chứng nhận, giám định của Viện được công nhận phù hợp với yêu cầu của các tiêu chuẩn: ISO/IEC 17025, ISO/IEC 17065 và ISO/IEC 17020, cũng như tổ chức các chương trình thử nghiệm thành thạo theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO/IEC 17043 và hướng tới xin công nhận quốc tế theo tiêu chuẩn này. Kể từ khi thành lập, viện đã tham gia hơn 300 chương trình thử nghiệm thành thạo, so sánh liên phòng do các tổ chức trong và ngoài nước triển khai và các phòng thí nghiệm tham chiếu ASEAN, Vinalab, Quatest 3, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và phát triển môi trường bền vững, Cục An toàn thực phẩm… Hằng năm Viện tổ chức hàng chục chương trình thử nghiệm thành thạo ở cả lĩnh vực hóa sinh, vi sinh, các chương trình này được nhiều phòng thí nghiệm trong nước tham gia và đạt chất lượng chuyên môn cao.

Nâng cao năng lực kiểm nghiệm, cập nhật, cải tiến và phát triển phương pháp kiểm nghiệm mới, chuẩn hóa hệ thống chất lượng luôn được đơn vị ưu tiên để đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm của doanh nghiệp, cá nhân trong nước cũng như yêu cầu của cơ quan quản lý, cơ quan điều tra, hỗ trợ đơn vị kiểm nghiệm tuyến dưới với các chỉ tiêu kiểm nghiệm khó. Đến nay có 144 nhóm chỉ tiêu được công nhận VILAS, bao gồm cả lĩnh vực kiểm nghiệm thực phẩm biến đổi gien; tham gia xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam với 18 phương pháp thử được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phê duyệt. Đáng chú ý, từ năm 2014, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia được công nhận là phòng thử nghiệm chỉ định phục vụ công tác quản lý nhà nước với 178 chỉ tiêu, trong đó có 23 chỉ tiêu vi sinh và 155 chỉ tiêu hóa sinh.

Kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm là một hoạt động ưu tiên khi cán bộ của Viện tham gia tất cả các đoàn thanh tra, kiểm tra của các bộ: Y tế, Công an, Công thương, đoàn kiểm tra liên ngành trong các đợt cao điểm như: dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, dịp Tết Trung thu và các đợt thanh kiểm tra khác. Từ kết quả kiểm nghiệm, giúp các cơ quan quản lý đã ngăn chặn đưa ra thị trường rất nhiều loại thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Thực phẩm giả, thực phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng hoặc thực phẩm không đúng với chức năng được công bố là mối quan tâm lớn của cơ quan quản lý thị trường khi mức độ làm giả, làm nhái rất tinh vi, khó phân biệt. Chính vì vậy, Viện chủ động phối hợp cơ quan chức năng trong việc kiểm nghiệm chất lượng các sản phẩm. Các mẫu thực phẩm chức năng không đạt phần lớn là do các chỉ tiêu chất lượng cấu thành nên công dụng của sản phẩm (thí dụ: hàm lượng vitamin A, D, B, C, hàm lượng DHA, Protein)... Ngoài chỉ tiêu chất lượng, kết quả kiểm nghiệm cũng phát hiện một số thực phẩm chức năng không đạt các chỉ tiêu yêu cầu an toàn thực phẩm như: bào tử nấm mốc, nấm men, vi sinh vật gây bệnh; phát hiện một số thực phẩm chức năng giảm cân có chứa Sibutramine độc hại... Trong thời gian qua, Viện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước như Hải quan, Quản lý thị trường, Công an, Ban Chỉ đạo Phòng chống hàng giả và gian lận thương mại của cả nước, phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng với số lượng lớn để xử lý nghiêm minh. (Nhân dân (trang 6).

Sàng lọc bệnh từ phôi thai để loại bỏ bệnh di truyền

Theo GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng BYT, lĩnh vực hỗ trợ sinh sản ở VN đã có bước phát triển khá mạnh những năm qua, trở thành một trong những mũi nhọn của ngành Y tế. Vấn đề chất lượng con người ngày càng được quan tâm qua việc chẩn đoán trước sinh và giờ đây còn tiến sâu hơn nữa với phương pháp chẩn đoán phôi thai làm tổ để đảm bảo cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh (chi tiết xem báo) (Công an nhân dân (trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang