Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/11/2016

  • |
T5g.org.vn - Nối thành công dương vật và 2 tinh hoàn bị đứt rời; Tăng cường giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; TPHCM: Quy hoạch treo gây khó cho phòng chống dịch bệnh; “Cuộc chạy vì trẻ em Hà Nội 2016” chung tay góp sức giúp đỡ trẻ em mắc bệnh ung thư, tim...

Tăng cường giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Sáng 25-11, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã họp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội về tiến độ triển khai thực hiện chương trình phối hợp số 90 giữa Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.

Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã ban hành kế hoạch 217 triển khai Chương trình phối hợp số 90 về an toàn thực phẩm trong hai năm 2016-2017. Việc triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình phối hợp số 90 và Kế hoạch 217 về an toàn thực phẩm đã được hầu hết các bộ, ngành liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương ban hành văn bản thực hiện.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cuộc họp nhằm thảo luận về những công việc đã làm được, chưa làm được để trong năm 2017 có những bước khởi động thực hiện Chương trình phối hợp số 90 về an toàn thực phẩm, hướng tới mục tiêu 100% xã, phường tuyên truyền về an toàn thực phẩm, 100% hợp tác xã, 50% hộ dân đăng ký sản xuất an toàn thực phẩm. Tuy mới chỉ thực hiện trong sáu tháng, việc triển khai chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các bộ, ngành, địa phương, được người dân đồng tình hoan nghênh. Đến nay, 20 trong số 63 tỉnh đã có chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể. Trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chương trình. (Nhân dân, trang 5).

 

TPHCM: Quy hoạch treo gây khó cho phòng chống dịch bệnh

Ngày 25/11, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM có buổi giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại quận Bình Tân.

Theo báo cáo của UBND quận, bên cạnh các biện pháp truyền thông, vận động người dân tham gia chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi và lăng quăng, một khó khăn mà địa phương đang gặp phải trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika là còn nhiều dự án treo tồn tại. Trên địa bàn quận hiện có 83 dự án đang trong giai đoạn triển khai hoặc hoàn thiện cũng như dự án treo. Chưa kể, quận Bình Tân còn là địa bàn có nhiều nghĩa trang nhất thành phố. Điều kiện của những khu vực này dễ dàng làm phát sinh muỗi, lăng quăng.

Cùng ngày, Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM - cho biết, tính đến 8h 25/11, tại thành phố có thêm 5 trường hợp nhiễm Zika mới. Nâng số ca của TPHCM lên 74 trường hợp. Số ca nhiễm vi rút Zika đã ghi nhận ở 17/24 quận huyện. (Tiền phong, trang 2).

 

Số người chết do bệnh dại tăng cao

Tại hội nghị phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm, thủy sản ngày 25/11, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2015, có 78 người tử vong trong số gần 394.200 người bị chó cắn ở 29 tỉnh thành.

Nguyên nhân chính được xác định là do chó nuôi thả rông, ra đường không rọ mõm và cắn người nơi công cộng còn phổ biến; chó nuôi không tiêm phòng dại. Số người bị chó cắn và tử vong tập trung chủ yếu ở các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Trong khi đó, từ đầu năm 2016 đến nay cả nước ghi nhận 57 ca tử vong trên người do chó cắn tại 21 tỉnh thành, trong đó 5 địa phương có số ca tử vong nhiều nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Điện Biên, Bắc Giang, Sơn La.

Theo Cục Thú y, hiện cả nước có hơn 7,7 triệu con chó nuôi và gần 3,9 triệu hộ nuôi chó. Tuy nhiên số chó được tiêm phòng vắc xin dại chỉ đạt hơn 2,9 triệu con, chiếm 38,5% trên tổng đàn. (Tiền phong, trang 4).

Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay, trang 5: “Gần 400.000 người bị chó cắn, 78 người tử vong”

 

“Cuộc chạy vì trẻ em Hà Nội 2016” chung tay góp sức giúp đỡ trẻ em mắc bệnh ung thư, tim

Ngày 24-11, tại Hà Nội, Hội Hữu nghị Việt Nam – Canada tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin về ”Cuộc chạy vì trẻ em Hà Nội 2016”.  

 Bà Nguyễn Thị Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam – Canada cho biết, “Cuộc chạy vì trẻ em Hà Nội” ra đời từ mong muốn giúp đỡ những trẻ em mắc bệnh ung thư và bệnh tim, có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp tục điều trị hoặc phẫu thuật.

Kể từ năm 2009, cuộc chạy vì trẻ em đã trở thành điểm hẹn của người dân Thủ đô, cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế, những người có tấm lòng thiện nguyện mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình về tinh thần và vật chất giúp đỡ các bệnh nhi kém may mắn vượt qua khó khăn.

Tính đến nay, bằng nguồn quỹ vận động được thông qua cuộc chạy, đã có hơn 300 em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền đất nước. Cuộc chạy vì trẻ em đã trở thành hoạt động thể thao nhân đạo mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp thu hút được sự quan tâm và tham gia ngày càng đông đảo nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế… Đây cũng là một hoạt động đối ngoại nhân dân thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Canada cùng bạn bè quốc tế.

Theo đó, “Cuộc chạy vì trẻ em Hà Nội 2016” được tổ chức vào 7h sáng chủ nhật, ngày 11-12, tại cổng chính Công viên Thống nhất, đường Trần Nhân Tông, Hà Nội. (Công an Nhân dân, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 2: “Chạy để gây quỹ chữa trị cho những trẻ bị bệnh ung thư ”

 

Khám BHYT: Ngán trình giấy tờ nhiều lần

Bạn đọc Đức Nguyễn (ngụ quận 5, TP.HCM) viết: “Tôi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ở bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương, quận 5.

Gần đây BV đã cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính nhưng tôi nhận thấy bệnh nhân vẫn còn chờ đợi khá nhiều.

Đầu tiên, bệnh nhân phải xuất trình giấy CMND, thẻ BHYT cho nhân viên y tế làm thủ tục nhập thông tin người bệnh để lấy số thứ tự. Sau đó, bệnh nhân ngồi chờ gọi số thứ tự vào quầy nhập máy, vào sổ khám bệnh để chuyển đến phòng khám. Điều đáng nói là ở khâu làm thủ tục này, bệnh nhân phải tiếp tục xuất trình thẻ BHYT và giấy CMND của mình để nhân viên y tế đối chiếu, kiểm tra thông tin người bệnh. Bác sĩ thăm khám xong, bệnh nhân cầm toa thuốc đến quầy làm thủ tục nhập đơn thuốc và đóng tiền, tiếp tục bấm số thứ tự và ngồi chờ gọi tên. Ở khâu nhập máy đơn thuốc và đóng tiền, bệnh nhân rất ngán vì phải chờ đợi quá lâu.

Là một bệnh nhân thường xuyên khám chữa bệnh BHYT, tôi thiết nghĩ BV Nguyễn Tri Phương nên xem xét giảm bỏ thủ tục yêu cầu bệnh nhân phải tiếp tục xuất trình giấy CMND, thẻ BHYT tại quầy nhập máy, vào sổ khám bệnh.

Thêm nữa, BV cũng nên cân nhắc giảm bỏ thủ tục lấy số thứ tự ở quầy nhập đơn thuốc và đóng tiền để bệnh nhân nhận cấp phát thuốc. Chỉ cần sau khi có đầy đủ đơn thuốc, bệnh nhân bỏ vào quầy có số thứ tự từ 1 đến 7 và ngồi chờ để nhân viên y tế gọi đóng tiền là ổn. Vì việc bấm số thứ tự như đã nêu trên vô hình trung tạo ra rất nhiều số ảo vì nhiều bệnh nhân trước đó tranh thủ bốc số trước trong khi chưa khám xong các thủ tục khác, khiến nhân viên y tế phải liên tục gọi đi gọi lại nhiều lần và nhiều người bệnh như tôi phải mất thêm thời gian chờ đợi”.

Về phản ánh trên, bà Lê Thị Yến Oanh, Trưởng phòng Hành chính Quản trị - BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM, trả lời: Trước đây BV Nguyễn Tri Phương cũng thực hiện cho người dân lấy số thứ tự sau đó mới xuất trình CMND và thẻ BHYT khi vào khám. Tuy nhiên, có hiện tượng rất nhiều người đến từ sớm lấy hàng chục số cho mình, sau đó đi bán lại cho người bệnh với giá cao dẫn đến tình trạng “cò” trong BV hoành hành khó kiểm soát. “Do đó, biện pháp tích cực và hiệu quả nhất là khi người bệnh đến lấy số thứ tự phải nhập họ tên, số CMND và thẻ BHYT vào phần mềm quản lý của BV. Lúc này phần mềm quản lý sẽ xuất số thứ tự cho bệnh nhân và chờ đến lượt khám” - bà Oanh nói.

Quy trình tiếp theo khi bệnh nhân vào khám bệnh thì dữ liệu BV đã có những thông tin ban đầu khi nhập số thứ tự. Lúc này việc xuất trình CMND và thẻ BHYT chỉ là bước thủ tục xác nhận lại thông tin, sau đó bệnh nhân được chuyển đến phòng khám cho bác sĩ theo yêu cầu. Bệnh nhân được ghi số phòng khám, khám nội, khám ngoại hay khám chuyên khoa, thông tin sẽ được lưu lại thuận tiện cho BV trong việc phân luồng bệnh và thống nhất dữ liệu mỗi ngày. “Vẫn biết là có phần rắc rối và chờ đợi cho bệnh nhân nhưng việc làm này là để đảm bảo quyền lợi của mọi người đến với BV, tránh bị lợi dụng bởi những đối tượng xấu” - bà Oanh giải thích. (Pháp luật TP.HCM, trang 2).

 

Hơn 700 cán bộ, học viên Học viện CSND tham gia hiến máu

Ngày 25-11, tại Nhà thi đấu đa năng Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND), Phòng Y tế Học viện phối hợp với Viện huyết học truyền máu Trung ương tổ chức “Ngày hội hiến máu tình nguyện”.

Ngày hội thu hút hơn 700 cán bộ chiến sỹ, học viên tham gia hưởng ứng; nhằm nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng và nghĩa cử cao đẹp của việc hiến máu tình nguyện, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái sẵn sàng hiến máu vì đồng đội, vì cộng đồng.

Thường niên mỗi năm hai lần, Học viện CSND đóng góp hàng nghìn đơn vị máu vào hoạt động hiến máu cứu người. Hai lần đơn vị được nhận giải “ Giọt hồng” do Viện huyết học truyền máu Trung ương trao tặng, 1 cá nhân được Bộ Công an và 5 cá nhân được Trung ương Hội chữ thập đỏ tặng bằng khen về công tác hiến máu tình nguyện.

Thượng tá Đàm Thị Thu, công tác tại Phòng quản lý nghiên cứu khoa học, Học viện CSND chia sẻ: “ Tám năm qua, đây là lần thứ 16 tôi tham gia hiến máu, với suy nghĩ một giọt máu hồng để cứu người, hết sức có ích cho xã hội”.

Còn Đặng Thanh Quyền học viên lớp B5- D42, tâm sự về lần đầu tiên tham gia hiến máu với nhiều cảm xúc: “ Cảm giác của mình bây giờ rất hồi hộp. Được hiến máu cứu người là một việc tốt, nếu máu của mình có thể cứu được một mạng sống thì đó là một điều rất đáng quý. Mình mong mọi người hãy tiếp tục tích cực hiến máu tình nguyện để cứu giúp những người có hoàn cảnh khó khăn đang thiếu máu”. (An ninh Thủ đô, trang 2).

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 1: “Hàng trăm sinh viên cảnh sát nô nức hiến máu”

 

Hàng chục công nhân nhập viện cấp cứu nghi do ngộ độc thực phẩm

83 công nhân của Công ty TNHH may mặc First Team VN đã nhập viện trong tình trạng chóng mặt, nhức đầu, nôn ói liên tục; nhiều ca có biểu hiện tay chân co rút...

Tối 25.11, Khoa cấp cứu Trung tâm y tế H.Trảng Bàng (Tây Ninh) cho biết, đến tối cùng ngày đơn vị này đã tiếp nhận 83 ca nhập viện (đều là công nhân), nghi do ngộ độc thực phẩm.

Theo bác sĩ trực khoa cấp cứu, từ khoảng 16 giờ cùng ngày, lần lượt các công nhân đã nhập viện trong tình trạng chóng mặt, nhức đầu, nôn ói liên tục; nhiều ca có biểu hiện tay chân co rút.

Sau hơn 3 giờ cấp cứu, sức khỏe của một số công nhân đã ổn định và xin được xuất viện; số còn lại vẫn tiếp tục được điều trị tại các phòng, khoa.

Phần lớn các công nhân trên đang làm việc tại Công ty TNHH may mặc First Team VN, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên ngành dệt may, trụ sở tại KCN Thành Thành Công (thuộc xã An Hòa, H.Trảng Bàng).

Nhiều công nhân trình bày, sau khi ăn trưa tại công ty gồm các món thịt gà chiên, đậu bắp luộc, canh bầu sau đó đến xế chiều cùng ngày các công nhân phải nhập viện do các biểu hiện như trên. Riêng một số công nhân ăn các món chay không có biểu hiện bị ngộ độc. (Thanh niên, trang 5).

 

Cắt bỏ thành công khối phổi biệt lập hiếm gặp

Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vừa cắt bỏ thành công một khối phổi biệt lập và thùy dưới phổi trái nặng 0,5kg cho một  bệnh nhân 27 tuổi.

Trước đó, ngày 15-11, anh Nguyễn Ngọc Tài, 27 tuổi, ngụ xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng ho liên tục, sốt cao. Sau khi thăm khám, các bác sĩ tư vấn phẫu thuật cắt bỏ khối phổi biệt lập xuất phát từ thùy dưới phổi bên trái, kích thước 14-15 cm.

Ngày 24-11, sau 3 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt bỏ được khối phổi biệt lập và thùy dưới phổi trái nặng 0,5kg.

Bác sĩ Quản Minh Trị, Phó khoa ngoại lồng ngực, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, phổi biệt lập là căn bệnh bẩm sinh, phát triển trong thời kỳ bào thai dẫn đến hình thành một khối kén mô phổi không có chức năng, khối này được nuôi dưỡng bởi một động mạch bất thường. Và trường hợp này là một trường hợp hiếm gặp chỉ chiếm 2% trong những ca phải cắt khối u phổi vì nhánh động mạch của bệnh nhân xuất phát từ thùy dưới của phổi bên trái, trong khi đối với những bệnh nhân phải cắt u phổi thông thường nhánh động mạch xuất phát từ động mạch chủ ngực. (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 14: “Cắt bỏ khối biệt lập hiếm”

 

Nối thành công dương vật và 2 tinh hoàn bị đứt rời

Ngày 24-11, BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cho biết lần đầu tiên ca ghép, nối lại hai tinh hoàn và dương vật của một nam bệnh nhân bị đứt rời làm ba phần đã thành công sau hơn một tháng thực hiện và điều trị.

Bệnh nhân 26 tuổi, ở Thái Nguyên, có vấn đề về tâm lý nên đã tự cắt một bộ phận của cơ thể mình. Khi nhập viện, hai tinh hoàn và dương vật của bệnh nhân bị đứt rời hoàn toàn và tách thành ba khối riêng, không có chung mạch máu nuôi dưỡng.

ThS Vũ Trung Trực, khoa Phẫu thuật hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, cho biết người bệnh được sơ cứu tại y tế tuyến cơ sở, thắt mạch cầm máu, bảo quản bộ phận đứt rời sau đó chuyển đến BV Việt Đức. Sau đó các bác sĩ tiến hành cấp cứu cầm máu, truyền dịch, mời hội chẩn chuyên khoa tâm thần và hội chẩn đa chuyên khoa.

Theo TS. Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm Mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, BV Việt Đức, nối lại cả dương vật và tinh hoàn đứt rời là một thách thức đối với các phẫu thuật viên tạo hình; cần sự phối hợp nhịp nhàng nhiều khâu như: sơ cứu, bảo quản, kíp phẫu thuật vi phẫu chuyên nghiệp, trang thiết bị hiện đại…

Trường hợp này còn gặp nhiều khó khăn hơn vì người bệnh bị rối loạn tâm lý, đến viện muộn (10 giờ sau tai nạn). Ngoài ra, việc bảo quản bộ phận đứt rời chưa thực sự tốt, dương vật và tinh hoàn không chung mạch nuôi, coi như đây là 3 phần cơ thể đứt rời riêng rẽ. Các mạch máu cần khâu nối có kích thước  rất nhỏ.

“Dù vậy, vì người bệnh còn quá trẻ nên chúng tôi vẫn quyết định mổ vi phẫu nối lại cả hai tinh hoàn và dương vật dù biết rất khó” – TS. Hà nói.

Ca mổ kéo dài hơn 10 giờ với sự tham gia của nhiều bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình, tiết niệu, gây mê hồi sức. Dương vật và cả hai tinh hoàn đứt rời của bệnh nhân đều được phục hồi không chỉ mạch máu, thần kinh mà cả đường dẫn nước tiểu, ống dẫn tinh... Đến nay sau hơn một tháng, các vết mổ của bệnh nhân liền tốt, chức năng tiết niệu hoàn toàn bình thường, chức năng sinh dục đã có dấu hiệu cương. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi, đánh giá lâu dài. (Pháp luật TP.HCM, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang