Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/12/2023

  • |
T5g.org.vn - Nguy cơ trẻ bị viêm cơ tim; Ngày Dân số Việt Nam 26-12: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số; Hành động vì chất lượng dân số; Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết

 

Nguy cơ trẻ bị viêm cơ tim

Một trường hợp bệnh nhi 11 tuổi bị viêm cơ tim cấp vừa may mắn được các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cứu sống. Bác sĩ cảnh báo, thời tiết lạnh vào cuối năm làm tăng nguy cơ trẻ bị nhiễm siêu vi biến chứng dẫn tới viêm cơ tim.

Ngày 25/12, thông tin từ BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời can thiệp cứu sống một trường hợp đặc biệt nguy kịch. Bệnh nhân là bé gái V.L.P.V (11 tuổi, ngụ tại tỉnh Vĩnh Long) được bệnh viện địa phương chuyển đến cấp cứu.

Trước đó 2 ngày, trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, than mệt, nôn ói, vã mồ hôi, tay chân lạnh. Bệnh nhi được gia đình chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long điều trị. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sốc tim, viêm cơ tim.
Tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, kết quả xét nghiệm cho thấy men tim của bệnh nhi tăng cao, trên siêu âm ghi nhận, phân suất tống máu của trẻ chỉ còn 22-25% (bình thường 60-80%). Bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, ngày thứ hai.

Bác sĩ đã nỗ lực điều trị nội khoa tích cực nhưng bệnh không thuyên giảm, trẻ đối mặt với nguy cơ tử vong. Sau hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định can thiệp ECMO cho trẻ, đồng thời điều chỉnh rối loạn điện giải, hỗ trợ cơ quan gan thận. Sau hơn một tuần chạy ECMO bệnh nhi đã bình phục khả quan.

Trước đó, cuối tháng 9, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cũng đã tiếp nhận và can thiệp ECMO cứu sống cậu bé 15 tuổi (ngụ tại tỉnh Sóc Trăng) bị viêm cơ tim tối cấp dẫn tới sốc tim, suy đa cơ quan. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng nguy kịch của bệnh nhi được chẩn đoán là do tình trạng nhiễm siêu vi.

BS Tiến cảnh báo, giai đoạn cuối năm, thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm làm tăng nguy cơ xuất hiện các trường hợp nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim cấp ở trẻ em.

Theo BS Tiến, trẻ bị viêm cơ tim cấp thường bị sốt, người mệt mỏi, đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân và các đầu ngón tím tái. Ngoài ra, bệnh nhi có thể bị ngất hoặc đau ngực. Để tránh biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, khi trẻ gặp những biểu hiện trên, phụ huynh cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời (Tiền phong, trang 13).

 

Ngày Dân số Việt Nam 26-12: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM, cho rằng, việc gia tăng tỷ suất sinh cũng như kìm hãm tốc độ già hóa dân số, chăm lo tốt cho sức khỏe người cao tuổi là bài toán đang được đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Tỷ suất sinh thấp và già hóa dân số được xem là 2 thách thức lớn trong lĩnh vực dân số của TPHCM những năm gần đây, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong tương lai. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TPHCM (ảnh), cho rằng, việc gia tăng tỷ suất sinh cũng như kìm hãm tốc độ già hóa dân số, chăm lo tốt cho sức khỏe người cao tuổi là bài toán đang được đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

PHÓNG VIÊN: Ông có thể nêu thực trạng dân số tại TPHCM trong giai đoạn hiện nay?

Ông PHẠM CHÁNH TRUNG: Dân số TPHCM hiện nay là 9.367.066 người, mật độ dân số là 4.470 người/km2 và tổng tỷ suất sinh là 1,39 con/phụ nữ. Số người cao tuổi hiện nay là 1.033.355 cụ, chiếm 11,03% trên tổng dân số, tuổi thọ trung bình là 76,3 tuổi. Hiện nay tỷ số giới tính khi sinh được duy trì ở mức từ 107-108 bé trai/100 bé gái. Tỷ suất sinh của thành phố liên tục giảm, từ 1,76 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ xuống chỉ còn 1,39 con/phụ nữ (năm 2022), và TPHCM là một trong 21 địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước.

Đây là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai của TPHCM. Tình trạng chỉ sinh một con, thậm chí không kết hôn, không sinh con đang dần phổ biến trong phụ nữ trẻ hiện nay. Đây được dự báo sẽ là trở ngại cho vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong tương lai.

Nguyên nhân nào dẫn đến mức sinh tại TPHCM đang diễn ra đáng báo động như vậy, thưa ông?

Trước hết, xu hướng sinh một con của các cặp vợ chồng hiện nay trở nên phổ biến tại TPHCM. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ ngại sinh con, nhất là sinh con thứ hai. Bên cạnh đó nhiều cặp vợ chồng có quan điểm là kết hôn muộn hơn; chỉ có một con để đủ nguồn lực tài chính, thời gian, sức khỏe để chăm sóc và đầu tư tốt nhất cho con cái. Theo xu hướng này, các cặp vợ chồng trẻ, nhất là phụ nữ, muốn có thêm thời gian để nâng cao trình độ học vấn, năng lực chuyên môn và nắm bắt các cơ hội để phát triển bản thân.

Trước hết, xu hướng sinh một con của các cặp vợ chồng hiện nay trở nên phổ biến tại TPHCM. Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phụ nữ ngại sinh con, nhất là sinh con thứ hai. Bên cạnh đó nhiều cặp vợ chồng có quan điểm là kết hôn muộn hơn; chỉ có một con để đủ nguồn lực tài chính, thời gian, sức khỏe để chăm sóc và đầu tư tốt nhất cho con cái. Theo xu hướng này, các cặp vợ chồng trẻ, nhất là phụ nữ, muốn có thêm thời gian để nâng cao trình độ học vấn, năng lực chuyên môn và nắm bắt các cơ hội để phát triển bản thân.

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng dân số tại TPHCM giai đoạn hiện nay?

Hiện TPHCM đang nỗ lực từng bước nâng cao chất lượng dân số. Cụ thể, ngành dân số đang tập trung giải quyết các vấn đề: nâng cao tỷ lệ nam và nữ thanh niên tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, đẩy mạnh chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, duy trì cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao nhận thức của người dân về mức sinh thấp và độ tuổi kết hôn muộn, chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn TPHCM.

Đây được xem là những vấn đề trọng tâm trong công tác nâng cao chất lượng dân số của thành phố trong thời điểm hiện tại. TPHCM cũng đang thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 86,3%, tỷ lệ sơ sinh được sàng lọc đạt 83,4%.

Dân số TPHCM đang được đánh giá có tốc độ già hóa nhanh. Ông nhận định ra sao về vấn đề này, và TPHCM cần phải làm gì chăm sóc tốt hơn người cao tuổi?

TPHCM đã bước vào thời kỳ già hóa dân số vào năm 2017 và tốc độ già hóa dân số đang rất nhanh. Thực trạng này diễn ra khá mạnh mẽ, và chịu ảnh hưởng sâu sắc của mức sinh thấp cùng với tuổi thọ trung bình không ngừng được nâng cao. Năm 2022, tuổi thọ trung bình của người dân thành phố ở mức khá cao - là 76,3 tuổi, so với mặt bằng chung cả nước là 73,6 tuổi.

Để giải quyết bài toán già hóa dân số, ngành dân số thành phố đang thực hiện các biện pháp cấp thiết, có các giải pháp thích ứng để người cao tuổi có thể sống khỏe, sống có ích. Từ giữa tháng 8-2023, đồng loạt TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã triển khai thí điểm hoạt động khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi trên địa bàn. Người cao tuổi sẽ được khám và xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm tổng quát, xét nghiệm máu.

Đây là chương trình ở giai đoạn thí điểm, nằm trong kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo do UBND TPHCM ban hành, nhằm phát hiện sớm, kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính và tiết kiệm chi phí điều trị. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông về người cao tuổi cũng đang được đẩy mạnh để có thể thay đổi nhận thức của xã hội về vấn đề người cao tuổi và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, các cá nhân và tổ chức cùng chung tay chăm sóc người cao tuổi (Sài Gòn giải phóng, trang 4).


Hành động vì chất lượng dân số

Tháng Hành động quốc gia về dân số năm 2023 và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) có chủ đề “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”. Chủ đề này nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người dân về vai trò quan trọng của việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, giúp các cặp đôi chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân và có một sức khỏe tốt để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.

Thế hệ trẻ ngày nay cần có những kiến thức, sự hiểu biết về sức khỏe sinh sản để chuẩn bị cho mình một hành trang, một tương lai, một gia đình hạnh phúc với những đứa trẻ khỏe mạnh - đó chính là tương lai, sự phồn vinh của đất nước.

Giáo dục giới tính còn nhiều khoảng trống

Từ năm 1994, tại Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển, vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên đã chính thức được đưa vào chương trình nghị sự toàn cầu. Đến nay, vấn đề này vẫn là chủ đề rất đáng quan tâm của các hội nghị liên quan đến công tác dân số. Tại Việt Nam, theo TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng phụ trách quản lý, điều hành Cục Dân số (Bộ Y tế), kết quả điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên Việt Nam độ tuổi 10 đến 24 cho thấy, hiện vị thành niên, thanh niên được thụ hưởng chất lượng cuộc sống cao, tiếp cận thông tin ngày càng đa dạng, và dễ dàng hơn.

Hơn 90% thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 24 cho biết đã trao đổi và tiếp cận thông tin thông qua các kênh hiện đại như internet, truyền hình và mạng xã hội. Nhưng chỉ có một phần ba số đó tìm hiểu thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục… Cùng với đó, trong xã hội hiện đại hiện nay, mối quan hệ mở, lối sống phóng khoáng, tuổi trưởng thành được “trẻ hóa” khiến trẻ vị thành niên đứng trước nhiều nguy cơ, nhất là việc các trẻ em gái mang thai ngoài ý muốn hay mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hơn lúc nào hết, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên cần được quan tâm từ các cấp, các ngành tới mỗi gia đình và cộng đồng.

Hiện nay, một bộ phận thế hệ trẻ vẫn còn thiếu hiểu biết và thiếu quan tâm đến sức khỏe sinh sản, hôn nhân gia đình, trong khi các chương trình về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục vị thành niên, thanh niên tại các cấp học, các địa phương thì vẫn còn nhiều khoảng trống. Cách tiếp cận cung cấp thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho lứa tuổi này vẫn đang sử dụng phương pháp truyền thống. Việc áp dụng các hình thức truyền thông sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông tương tác qua mạng xã hội, đường dây nóng… vẫn đang dừng lại ở quy mô thử nghiệm.

Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong nhà trường còn sơ sài, đơn điệu. Hoạt động cung cấp thông tin và các dịch vụ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho các nhóm ưu tiên như nhóm vị thành niên, thanh niên chưa kết hôn, nhóm vị thành niên (độ tuổi từ 10-14), nhóm vị thành niên khuyết tật, di cư, nhóm công nhân trẻ tại các khu công nghiệp, nhóm dân tộc thiểu số và nhóm vị thành niên có xu hướng tính dục khác nhau còn gặp nhiều thách thức.

Em Nguyễn Văn Thạch, học sinh lớp 12, Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn, quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, trong các giờ sinh học chúng em cũng được học về giới tính; nhà trường cũng có tổ chức buổi tư vấn, nói chuyện về hệ luỵ của quan hệ tình dục sớm và cách quan hệ tình dục an toàn. Nhưng em thấy trong những buổi tư vấn đó, các bạn còn thờ ơ, không quan tâm nhiều. Theo em, có thể là do cách truyền thông, tư vấn về vấn đề này chưa sinh động và phong phú, cho nên không nhận được sự quan tâm của các bạn.

Bạn Hoàng My, sinh viên năm thứ 3, Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội cho rằng, đây là vấn đề tế nhị, nhưng lại rất cần cho hành trang cuộc sống hôn nhân trong tương lai. Là giới nữ, cho nên My luôn quan tâm để chuẩn bị cho mình những kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn, để khi bước vào hôn nhân sẽ có được một gia đình hạnh phúc với những đứa con khỏe mạnh. Trong trường cũng có một số các trường hợp mang thai ngoài ý muốn các bạn đã phải ngậm ngùi rời ghế nhà trường để bước vào hôn nhân khi đang ở “tuổi ăn, tuổi học”. Nhưng cũng có bạn lặng lẽ đi “bỏ thai” và hệ lụy của nó sẽ là không nhỏ tới cuộc sống hôn nhân về sau. Theo My, để các buổi tuyên truyền về đề tài này thu hút được các bạn trẻ, có lẽ nhà trường nên mời các chuyên gia đến tư vấn với nội dung thú vị, lôi cuốn và sát thực tế hơn…

Chi cục trưởng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bắc Giang Lê Thị Tố Quyên chia sẻ: Rào cản lớn nhất trong việc triển khai thực hiện các mô hình lồng ghép truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên là sự vào cuộc của các cấp, các ngành chưa thật sự tích cực. Ngay với doanh nghiệp do ảnh hưởng thời gian lao động của công nhân, dây chuyền sản xuất… một số đơn vị chưa tạo điều kiện phối hợp phát triển mô hình, chưa quan tâm đến vấn đề này. Với cộng đồng cũng chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này, nhất là đối với các bậc cha mẹ của vị thành niên, thanh niên. Việc tiếp cận dịch vụ dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên, thanh niên chưa thuận lợi, thân thiện với lứa tuổi. Nhiều vị thành niên, thanh niên thiếu kiến thức và kỹ năng sống thiết yếu, chưa cởi mở trong tìm hiểu, tiếp cận dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hòa Bình phân tích thêm, khác với những tỉnh đồng bằng, các tỉnh miền núi có những đặc thù như có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với những phong tục tập quán, ngôn ngữ khác nhau. Điều đó gây ra không ít những khó khăn, cản trở khi thực hiện công tác tuyên truyền về dân số; nhất là công tác tư vấn, tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân gia đình. Phong tục của người dân tộc thường kết hôn sớm; thậm chí có một số trường hợp kết hôn cận huyết thống, và đã có những em bé bị bệnh do hôn nhân cận huyết thống.

Không chỉ là truyền thông

Công tác dân số là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, là yếu tố nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Muốn tăng trưởng kinh tế thì yếu tố đầu tiên phải là con người và phải là con người có sức khỏe và trí tuệ. Nghị quyết 21/NQ-TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới đã nhấn mạnh việc chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số. Xác định nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, các địa phương đã và đang triển khai nhiều hoạt động, đẩy mạnh công tác truyền thông, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và sự hưởng ứng của người dân.

Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về dân số năm 2023 và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) các địa phương cần triển khai các hoạt động gắn với chủ đề “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước” với mục đích nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò quan trọng của việc tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, giúp các cặp đôi chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cuộc sống hôn nhân.

Thực tế thời gian qua, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho công tác dân số, nhất là chăm lo, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng cho thế hệ dân số tương lai, Chi cục Dân số tỉnh Bắc Giang đã thay đổi cách truyền thông, tư vấn, triển khai thí điểm mô hình cung cấp thông tin và dịch vụ dân số-kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên/thanh niên tại 66/230 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Nhiều mô hình được mở rộng ở các xã, phường, thị trấn và các trường học, doanh nghiệp trong tỉnh như: Câu lạc bộ dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên tại các xã, phường, thị trấn; Câu lạc bộ dân số-chăm sóc sức khỏe sinh sản tại 15 doanh nghiệp; mô hình lồng ghép truyền thông dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính, bình đẳng giới cho vị thành niên, thanh niên trong nhà trường, doanh nghiệp, cộng đồng thu hút sự tham gia tích cực, hứng thú của vị thành niên/thanh niên. Qua đó các em tích cực tìm hiểu kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống tạo hành trang vững vàng cho tương lai.

Tuy vậy, để góp phần giải quyết những “lỗ hổng” về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục ở vị thành niên, thanh niên cũng như giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, các địa phương cần đẩy mạnh việc mở rộng các mô hình đã, đang phát huy hiệu quả trong công tác dân số; đẩy mạnh sân khấu hóa trong truyền thông, giáo dục dân số, quan tâm việc lồng ghép thông qua các chương trình, sân chơi như phim truyền hình... Mặt khác, phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo đưa nội dung giáo dục dân số, giới tính và kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh khối các trường từ trung học cơ sở đến đại học, cao đẳng dưới nhiều hình thức phong phú, phù hợp từng lứa tuổi, như nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa… Khi các nền tảng mạng xã hội ngày càng chiếm ưu thế thì việc phát động hưởng ứng các cuộc thi, đưa vào câu chuyện cuối tuần, truyền thông sâu rộng hơn trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, TikTok… cũng là cách làm hay, đem lại kết quả… Tuy nhiên, các địa phương vẫn phải tiếp tục tổ chức các chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân tại các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp, khu nhà trọ; cho học sinh, sinh viên trong trường học và các cặp vợ chồng, nam nữ thanh niên ở các xã đông dân, có mức sinh cao và vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, công tác dân số vừa cấp bách, nhưng cũng vừa cơ bản và lâu dài, có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo, nhất là về công tác cán bộ, sớm kiện toàn ổn định tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác dân số, bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ dân số; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kịp thời cho công tác dân số, tiếp tục phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo dân số và phát triển ở các cấp, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, các chương trình, đề án, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền các cấp. Bộ Y tế cũng đề nghị các ban, bộ, ngành, đoàn thể và từng người dân tăng cường phối hợp, chia sẻ, đồng hành và hưởng ứng tích cực góp phần cùng với ngành y tế-dân số triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu về công tác Dân số trong tình hình mới đã đề ra.

Bộ Y tế cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức ngành dân số cả nước đẩy mạnh triển khai thực hiện mục tiêu tập trung giải quyết toàn diện và đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương và đất nước. Mặt khác đổi mới, đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn đến bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện một cách thuận tiện, gần dân. Cung cấp các dịch vụ dân số, nhất là chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống vô sinh cho các nhóm đối tượng đặc thù như vị thành niên, thanh niên, người di cư (Nhân dân, trang 8).


Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết

Sáng 25-12, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tại khu vực miền Bắc đang vào giai đoạn mùa đông - xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm. Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng… và một số bệnh có vắc xin dự phòng ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.

Đặc biệt, thời gian tới là dịp Tết 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Để tiếp tục chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa đông - xuân năm 2023-2024, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo UBND các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; bảo đảm kinh phí, nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương và các đơn vị y tế trên địa bàn phải thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút.

Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh. Đồng thời, chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; duy trì thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng.

“Các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các viện: Vệ sinh dịch tễ, Pasteur và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp”, Bộ Y tế lưu ý.

Riêng với dịch bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức diệt bọ gậy, lăng quăng; tuyên truyền vận động người dân giảm dụng cụ chứa nước không cần thiết, lật úp, thu gom loại bỏ dụng cụ phế thải. Huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc loại bỏ bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình với thông điệp “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy”.

Ngoài ra, các địa phương cần chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; tăng cường truyền thông phòng bệnh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe. Mặt khác, tiếp tục bảo đảm hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động, gồm: Vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, các trường học (Hà Nội mới, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang