Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 2/6/2016

  • |
T5g.org.vn - Phẫu thuật tim thành công cho bệnh nhân 85 tuổi; Khám miễn phí cho 11.000 người sống quanh bãi rác Nam Sơn; TPHCM ghi nhận ca tử vong đầu tiên do viêm não mô cầu; Thay Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình y tế

Phẫu thuật tim thành công cho bệnh nhân 85 tuổi

Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội vừa phẫu thuật thành công ca mổ tim phức tạp cho một cụ ông đã 85 tuổi, nhập viện trong tình trạng suy tim, suy thận, khó thở. Trước đó, cụ Nguyễn Xuân Toàn, 85 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội trong khi nằm viện để điều trị tràn dịch màng phổi vào khoảng đầu năm 2016 được phát hiện 1 động mạch bị tắc 90%. Hai tháng sau, những triệu chứng khó thở, tức ngực bắt đầu xuất hiện đã khiến cụ Toàn phải cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện có những biểu hiện khó thở, suy tim và đau ngực nhiều nên ngay lập tức các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội đã làm các xét nghiệm, phát hiện bệnh nhân bị hở van hai lá, hẹp van động mạch chủ, giãn động mạch chủ lên, kèm theo hẹp động mạch vành nặng. 

Trước bệnh tình của bệnh nhân nếu không tiến hành phẫu thuật ngay, tình trạng suy tim có thể diễn biến nặng hơn và dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, có một trở ngại lớn đối với các bác sĩ, đó là bệnh nhân đã 85 tuổi, sức khỏe không được thuận lợi cho việc phẫu thuật. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của Ban Giám đốc bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ cùng sự tin tưởng của bệnh nhân và người nhà, ca phẫu thuật tim cho bệnh nhân Nguyễn Xuân Toàn do Phó Giám đốc bệnh viện - TS. BS Nguyễn Sinh Hiền trực tiếp thực hiện để được tiến hành vào ngày 23-5. Theo đó, các bác sĩ đã thay van động mạch chủ, sửa động mạch chủ lên và bọc lại bằng một động mạch nhân tạo, sửa van hai lá, bắc cầu nối mạch vành. 

TS. BS Nguyễn Sinh Hiền cho biết: “Mỗi năm, bệnh viện thực hiện từ 1.500 đến 1.700 ca mổ. Tuy nhiên, những ca mổ tim mà bệnh nhân ở độ tuổi cao và có nhiều tổn thương phức tạp như trên thì tương đối hiếm. Do đó, để thực hiện ca mổ khó này, kíp mổ đã phải thay đổi một số kỹ thuật, mọi khâu đều không được phép để xảy ra sai sót, nhằm làm sao thích ứng với một người đã 85 tuổi với những tổn thương tại nhiều cơ quan”.  

Với sự kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các khâu cùng trình độ và tinh thần quyết tâm của các bác sĩ, sau 3 giờ phẫu thuật, ca mổ đã thành công và sau 1 ngày, bệnh nhân đã tỉnh và có thể rút nội khí quản.

TS. BS Nguyễn Sinh Hiền cũng khẳng định: “Chúng tôi luôn quan niệm, con người là vốn quý nhất, do đó phải không ngừng trau dồi cả chuyên môn hành nghề lẫn thái độ y đức để làm sao bệnh nhân vào viện có thể được hưởng sự chăm sóc tốt và an toàn”. Chia sẻ về ca mổ tương đối hiếm gặp này, Ths. BS Nguyễn Đình Thái - Phòng Hồi sức, Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: “Ngay từ đầu chúng tôi xác định đây là một bệnh nhân nặng, có nhiều tổn thương, tuổi cao, thể trạng rất kém, chính vì vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho ca phẫu thuật cũng như hồi sức sau mổ.

Nhưng với việc chuẩn bị kỹ lưỡng và bệnh nhân được trực tiếp TS.BS Nguyễn Sinh Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện tiến hành phẫu thuật thì ca mổ đã thành công và bệnh nhân đã hồi sức tích cực sau 2 ngày. Đây là một trong những trường hợp khó mà đòi hỏi chúng tôi phải có một quyết tâm cao, sự cẩn trọng, chuẩn bị mọi khâu và kỹ lưỡng, đồng  thời áp dụng những kỹ thuật mới trong chuyên môn”.

Xúc động trước tinh thần trách nhiệm của các y, bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hồng Hải, con gái bệnh nhân tâm sự: “Khi nghe về tình trạng bệnh của bố tôi, gia đình đã rất lo lắng và từng quyết định không mổ nữa. Thế nhưng, với quyết tâm của bố tôi và của các y bác sĩ, chúng tôi đã tin tưởng vào các bác sĩ để tiến hành ca mổ này. Giờ gia đình đều rất vui mừng vì ca mổ đã thành công và bố tôi đang hồi phục từng ngày. Chúng tôi xin cảm ơn các bác sĩ đã cứu sống thành công và giúp bố tôi vượt qua cơn bạo bệnh” (An ninh thủ đô trang 4).

 

Khám miễn phí cho 11.000 người sống quanh bãi rác Nam Sơn

Sáng 1-6, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Sóc Sơn phối hợp với Sở Y tế Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô, các bệnh viện tuyến Trung ương và thành phố (gồm Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Bắc Thăng Long) đã tổ chức khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hơn 11.000 người dân trong vùng ảnh hưởng môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn thuộc 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).  Trong đợt khám sức khỏe này, nhân dân trong vùng  được khám miễn phí tổng thể nhằm phát hiện kịp thời những bệnh mắc phải và được các bác sĩ hướng dẫn cách phòng và điều trị bệnh. TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua khám tổng thể, những người dân có bệnh lý đều được lập hồ sơ quản lý theo mô hình bác sĩ gia đình. Trường hợp bệnh nặng sẽ được viết giấy hẹn và chuyển lên tuyến trên khám chuyên sâu (An ninh thủ đô trang 4, Hà Nội mới trang 1). 

 

TPHCM ghi nhận ca tử vong đầu tiên do viêm não mô cầu

Bệnh nhân là bé gái V.H.N.Y. (5 tháng tuổi, ngụ ở Quận 11, TPHCM). Bé gái được gia đình đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, nôn ói, da tím tái và có những mảng xuất huyết trên da, nhiễm trùng máu…Bệnh nhân đã tử vong sau vài giờ nhập viện. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện cho thấy bệnh nhi đã nhiễm vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu - Neisseria meningtidis. Đây là ca bệnh đầu tiên tại TPHCM từ đầu năm đến nay. 

Viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, với nhiều type gây bệnh và thường gặp nhất là type A, B và C. Theo các bác sĩ, bệnh dễ lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh và có thể gây thành dịch. Trong khi, ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn.

Vì vậy, khi thấy bệnh nhân xuất hiện đột ngột với triệu chứng: Sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước… thì đến ngay cơ sở y tế.

Được biết, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM đã tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý, kiểm soát dịch bệnh (Lao động trang 2, An ninh thủ đô trang 4, Tuổi trẻ trang 2). 

 

Thay Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình y tế

Hôm qua (1.6), tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết sở này bổ nhiệm ông Nguyễn Thượng Võ giữ chức vụ Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình y tế (thuộc Sở Y tế), thay cho ông Huỳnh Văn Biết. Trước đó, ông Nguyễn Thượng Võ là Giám đốc Ban Quản lý công trình Thủ Thiêm thuộc Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ông Biết tiếp tục giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Y tế. Từ khi thành lập (năm 2012) đến nay, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình y tế, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của ông Biết, các công trình y tế xảy ra nhiều sai phạm, bị tố cáo từ việc lập dự án đến đấu thầu. Điển hình là công trình Bệnh viện Nhi đồng TP (ở H.Bình Chánh, đang thi công), Bệnh viện Ung bướu cơ sở ở Q.9 (đã hai lần khởi công hụt, hiện vẫn chưa khởi công), Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức bị đối tác nước ngoài tố ăn cắp thiết kế phải hủy làm lại nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì (Thanh niên trang 2).

 

Cấp cứu một phụ nữ khi ăn vô tình nuốt luôn... hàm răng giả

Sáng ngày 1.6, bà Đặng Thị V. (65 tuổi, ngụ TT. Chi Lăng, H. Tịnh Biên, An Giang) khi ăn uống đã vô ý nuốt luôn hàm răng giả. Sau đó bà V. có các triệu chứng khó chịu, khó thở nên người nhà đưa đi Bệnh viện đa khoa Tịnh Biên cấp cứu. Qua chẩn đoán nơi đây đã làm thủ tục chuyển bà V. đến, Bệnh viện khoa khu vực Châu Đốc tỉnh An Giang. Các bác sĩ của Khoa chẩn đoán chỉnh hình đã nội soi vùng họng bà V. phát hiện hàm răng giả kích thước 4x5cm mắc kẹt ở 1/3 thực quản nên gắp lôi dị vật ra rồi cho xuất viện trong ngày hôm nay (Thanh niên trang 2).

 

Nắng nóng gay gắt ở miền Bắc và miền Trung: Nguy cơ bùng phát bệnh tật

Hai ngày nắng nóng vừa qua khiến cho tình trạng quá tải ở các bệnh viện càng ngột ngạt hơn. Nắng nóng gay gắt cũng báo hiệu những ngày sắp tới, các bệnh lý do nắng nóng sẽ có nguy cơ bùng phát, đe dọa người dân, đặc biệt là các em nhỏ. Ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, đồng thời tham khảo ý kiến các chuyên gia cảnh báo về dịch bệnh mùa nắng nóng. 

Chớm nắng nóng, các bệnh viện đã ngột ngạt

Ghi nhận của PV Báo Lao Động tại một số bệnh viện khu vực Hà Nội trong những ngày nắng nóng này, lượng bệnh nhân tăng lên khá nhiều. Nhiệt độ ngoài trời ngày 1.6 có khi lên tới 400C. Thời tiết khá oi bức, các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tỏ ra khá mệt mỏi khi phải chờ đợi tới lượt khám-chữa bệnh và lấy kết quả. Nhiều khu vực bệnh viện trở nên quá tải… Khảo sát tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương… khắp các gốc cây, hành lang, vỉa hè… chỗ nào có bóng râm là những người bệnh lại tập trung lại đó. Chờ đợi tới lượt khám, chờ đợi tới lượt lấy kết quả, vạ vật qua cái nắng như lửa đốt giữa buổi trưa là trạng thái chung của hàng trăm người bệnh.

Tại Khoa khám-chữa bệnh theo yêu cầu - Bệnh viện Bạch Mai, dưới tiết trời nóng bức, những nỗi mệt mỏi của người bệnh lại càng hiện rõ hơn.

Chị Lê Thị Thanh (46 tuổi, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) đang ngồi chờ lấy kết quả tại BV Bạch Mai, cho biết: “Vợ chồng tôi lên Hà Nội từ hôm trước sau đó phải thuê nhà trọ để ngủ lại 1 đêm. Thời tiết nắng nóng quá, người thì lại rất đông, chỗ nghỉ ngơi thì không có nên cứ vật vã ở ghế đá, gốc cây thế này đây”.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6 nhưng không phải cháu bé nào cũng được hưởng trọn vẹn cái tết tuổi thơ của mình. Nhiều cháu bé cùng người thân của mình phải đón tết trong bệnh viện. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cảnh tượng chủ yếu là hình ảnh những mẹ bồng con đi khám bệnh.

Chị Đinh Thị Chiến đưa bé là Linh Đan (4 tháng tuổi, Nam Định) đi khám bệnh đã phải trọ lại 1 hôm để hôm nay có thể được khám sớm. Cho đến chiều nay, chị và bé vẫn đang ngồi đợi để lấy kết quả khám bệnh và chờ chỉ dẫn của bác sĩ.

Trao đổi với phụ huynh bé Anh Thư (2 tuổi, Định Công, Hà Nội) thì được biết, cháu bé đã phải nhập viện cách đây 3 hôm để đợi và tiến hành phẫu thuật dị tật ở tay. “Nắng nóng khiến các cháu càng khổ. Vậy là năm nay hai bố con đón Tết Thiếu nhi trong viện” - vị phụ huynh này chia sẻ thêm.

Ghi nhận của PV tại các Khoa Cấp cứu - Chống độc, Khoa Chỉnh hình nhi, phòng khám bệnh… cũng rất đông bệnh nhân và người nhà.

Phòng bệnh do nắng nóng

PGS-TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết: “Bệnh viện những ngày này tiếp nhận trên 3.000 lượt khám mỗi ngày. Trong mùa nắng nóng chúng ta cần chú ý đến 2 vấn đề là thời tiết, đồ ăn thức uống và những cháu bé được nghỉ hè. Đối với mùa nắng nóng này thì các cháu bé được nghỉ hè, các cháu cứ ra ngoài nắng nóng nhiều và tắm biển nhiều, các cháu dễ gặp phải hiện tượng say nóng. Say nóng khá nguy hiểm nếu chúng ta không biết cách xử lý. Với mùa hè là mùa của các bệnh lý do virus, vi khuẩn viêm, các cháu dễ mắc phải viêm hô hấp trên và rối loạn tiêu hóa kèm theo. Khi các cháu nghỉ hè, vấn đề chăm sóc ăn uống, ngủ nghỉ cho các cháu không được đầy đủ, vì bố mẹ phải đi làm. Nên các cháu dễ nhiễm phải các hiện tượng nhiễm độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, tai nạn thương tích trong nhà”.

Bác sĩ Điển cũng đưa ra lời khuyên đối với các bậc phụ huynh: “Mùa hè không nên cho các cháu ra ngoài trời quá nhiều, ở trong bóng râm, uống nhiều nước và ăn đồ ăn lỏng ra hơn. Đồ ăn cho các cháu phải hết sức sạch sẽ, vệ sinh và chất xuất tiết thì phải thu gom thật sạch sẽ, tránh những bệnh lây nhiễm. Các bậc phụ huynh cần chú ý khi đi chơi xa thì phải chú ý, khi bé tắm biển thì thời gian từ 10h - 16h phải tránh, vì rất dễ say nắng. Khi bị say nắng thì phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất” (Lao động trang 2, Hà Nội mới trang 1).

 

Khuyến cáo viêm não mô cầu “tấn công” trẻ

Ngày 1-6, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã phát đi thông báo về ca tử vong đầu tiên kể từ đầu năm đến nay do mắc phải vi khuẩn viêm não mô cầu.

Đó là trường hợp bé V.H.N.Y. (5 tháng tuổi, ngụ tại quận 11, TPHCM) nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM trong tình trạng sốt cao, nôn ói, xuất huyết trên da, kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn viêm não mô cầu. Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết khi nhập viện, cháu bé trong tình trạng lơ mơ. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ xác định bệnh nhi bị nhiễm trùng huyết, nhiễm vi khuẩn gây bệnh viêm não mô cầu (Neisseria meningtidis) và tử vong sau đó không lâu. Hôm qua, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cũng đã tiến hành các bước điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý ổ dịch. BS Nguyễn Vũ Minh Thư, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho hay sau khi nhận thông tin về trường hợp tử vong do não mô cầu, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã phối hợp Trung tâm Y tế quận 11 nhanh chóng xuống nhà ca bệnh điều tra dịch tễ, tiến hành những biện pháp xử lý và phòng chống dịch như phát thuốc, khử khuẩn bằng Chloramin B; phát thuốc kháng sinh dự phòng cho người nhà và những người đã tiếp xúc với bệnh nhi, đồng thời tư vấn người nhà tăng cường vệ sinh cá nhân, chủ động tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh…
Phân tích về chuyên môn, TS Nguyễn Huy Luân, phụ trách Phòng khám Nhi - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết não mô cầu là loại bệnh do vi trùng Neisseria meningitidis gây nên. Đây là loại vi trùng trẻ em dưới 2 tuổi cũng có thể gặp, nhưng thường gặp ở trẻ em từ 2 tuổi. Trẻ em mắc bệnh này thường bị viêm màng não, triệu chứng cũng giống như viêm màng não khác, trẻ bị sốt, nhức đầu, nôn ói và có những biểu hiện ở thần kinh đi kèm cảm giác bứt rứt, kích thích. Khi khám, đầu trẻ sẽ có dấu hiệu là hóp một phần, không cúi xuống được. Trong y khoa gọi là cổ gượng, dân gian thường gọi là cứng gáy… Bệnh bùng phát trong cộng đồng thường xuất phát từ một ổ gây bệnh trong tự nhiên gây nên tình trạng nhiễm trùng nhiều bệnh nhân. Tại nơi cư trú có trẻ bị bệnh nếu không có giải pháp khoanh vùng dập dịch kịp thời, não mô cầu sẽ lây nhiễm cho trẻ khác qua đường hô hấp như ho, hắt hơi…

Để phòng ngừa, cần cho trẻ tiêm ngừa vaccine viêm não mô cầu (thường là AC và BC); các bậc phụ huynh cần hạn chế đưa con đến chỗ đông người, trong trường hợp bắt buộc phải đi thì nên mang khẩu trang cho trẻ, che mũi miệng khi ho, nhảy mũi; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, rửa tay thường xuyên cho trẻ và người chăm sóc trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước sạch để hạn chế vi trùng gây bệnh (Sài gòn giải phóng trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang