Nhiều bệnh viện lớn chưa tăng viện phí ngay từ 1-6
Theo khảo sát của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, hôm qua 1-6, hầu hết các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội chưa điều chỉnh tăng viện phí theo quy định tại Thông tư 02 của Bộ Y tế.
Trao đổi với chúng tôi, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện đang chờ chỉ đạo của Bộ Y tế chứ chưa triển khai tăng viện phí ngay từ 1-6 như quy định.
“Chủ trương chúng tôi đã có rồi nhưng trước khi thực hiện thì phải có sự chuẩn bị chu đáo, phải triển khai bài bản, có lộ trình. Vì thế, một mặt bệnh viện vẫn đang theo sát các chỉ đạo của Bộ Y tế, mặt khác cũng lên kế hoạch tổ chức triển khai làm sao để ít ảnh hưởng nhất tới người bệnh. Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai sẽ thực hiện việc tăng viện phí đợt này theo lộ trình. Chúng tôi sẽ phân nhóm bệnh nhân, tổ chức thành từng giai đoạn, tức tăng viện phí với từng nhóm và tiến dần tới tăng viện phí với tất cả người bệnh” - ông Dương Đức Hùng nói.
Tương tự, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương ngày 1-6, các hoạt động khám chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường, viện phí chưa tăng.
Bà Dương Thị Thanh Mai, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính - Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, Bệnh viện hiện chưa triển khai việc tăng viện phí từ 1-6 do còn chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, dự kiến, trong tháng 6 sẽ triển khai. (An ninh Thủ đô, trang 8)
Những mảnh đời đắng cay ở "xóm chạy thận"
Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một quê hương, nhưng hơn 20 năm nay, họ đã chọn những căn nhà tuềnh toàng, nhếch nhác nằm trong con ngõ 121 phố Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội để làm “mái ấm” của đời mình.
Đó là câu chuyện chung của gần 130 bệnh nhân suy thận hiện phải ngày ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh tật, nghèo túng khiến cuộc sống của họ đôi khi cũng bé mọn và giản đơn đến nao lòng.
Những người muôn năm cũ
Đối với người dân trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị, cái tên “xóm chạy thận” lâu nay đã trở nên quá quen thuộc. Ban đầu, xóm này chỉ có vài ba người bệnh tìm tới thuê trọ để ngày ngày sang Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Thế rồi, số người bệnh cứ đông dần, đông dần. Người nọ mách người kia, họ tìm thuê những căn phòng nhỏ nhất, rẻ nhất, hòng tiết kiệm chút tiền còm bù đắp vào chi phí chữa bệnh.
Cư dân của xóm từ chỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay, sau 20 năm đã gia tăng chóng mặt. Tới mức, chính họ cũng tự bầu cho mình một vị “trưởng xóm” để thay mặt những bệnh nhân thực hiện các quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Người giữ chức vụ “trưởng xóm” lâu năm nhất là ông Nguyễn Văn Tấn (quê ở Bắc Giang). Sau chừng ấy thời gian lăn lóc ở đây chữa bệnh, cho tới năm ngoái, ông Tấn đã mất.
“Cấp phó” của ông Tấn là anh Mai Anh Tuấn (quê ở Ba Vì) lên thay. Anh Tuấn bảo, xưa nay người ta vẫn nói, bệnh thận là bệnh “con nhà giàu” bởi nó khiến người không may mắc bệnh phải tiêu tốn những món tiền khổng lồ cho việc chạy chữa. Thế nhưng oái oăm là 100% cư dân của “xóm chạy thận” đều là những người nghèo. Mà mắc bệnh này thì giàu cũng thành nghèo trong chớp mắt.
Anh Tuấn mắc bệnh đã 22 năm và cũng đã có chừng ấy thời gian cư ngụ tại đây. Anh tâm sự: “Bệnh suy thận bắt buộc bệnh nhân phải chạy thận, lọc máu 3 lần/tuần thì mới có thể duy trì sự sống. Với những ai ở xa thì riêng việc tàu xe đi đi, về về cũng mất đứt 1 ngày trời. Nghỉ ngơi chưa xong, hôm sau lại tất tả từ quê quay lại bệnh viện chuẩn bị cho buổi lọc máu kế tiếp thì thà thuê luôn nhà trọ ở gần bệnh viện còn hơn. Vừa đỡ tốn kém chi phí, vừa đỡ mệt. Xóm chạy thận tồn tại vì lý do ấy”.
Trầm ngâm một lát, anh thở dài: “Thực ra, chúng tôi ai cũng có quê hương bản quán, ai cũng có tổ tiên, họ hàng và đều muốn về nhà. Nhưng căn bệnh quái ác này khiến tất cả phải chấp nhận cuộc sống ăn nhờ ở đậu”.
Cả xóm chạy thận là những căn phòng tồi tàn, ẩm thấp lợp phibro-ximang, mỗi phòng rộng chưa tới 10m2. Ngày nắng thì nóng như thiêu, ngày mưa thì nước ngập, mưa dột tứ phía. “Nhưng bù lại, giá thuê chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Hầu hết cư dân ở đây đều biết điều kiện sống như vậy là không đảm bảo, đặc biệt là với người bệnh, thế nhưng hầu hết vẫn chấp nhận bởi có muốn thì họ cũng không thể có tiền để đi thuê chỗ khác tốt hơn” - anh Tuấn nói.
Chung một số phận
Đại đa số cư dân của “xóm chạy thận” đều là những người nông dân chân lấm tay bùn. Họ giống nhau ở chỗ chẳng có bất kỳ khoản thu nhập nào. Cách đây 9 năm, bà Lê Thị Hoài (63 tuổi, quê ở xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) phát hiện mình bị suy thận. Lúc lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị, chồng bà - ông Dương Xuân Chiên (69 tuổi) vội vã đi theo để phục vụ “công tác hậu cần”. Thế rồi khi biết vợ phải chạy thận hàng tuần, ông bà chẳng còn cách nào khác là bỏ lại toàn bộ nhà cửa ruộng vườn dưới quê để lên Hà Nội thuê trọ.
Suốt 9 năm qua, căn nhà ở quê của 2 ông bà đã thành hoang phế, trong khi nơi ở mới vẫn là tạm bợ và chẳng biết bao giờ mới có thể an cư. Bà Hoài bảo, ngày mới lên Hà Nội, những món tiền mà 2 vợ chồng dành dụm bao năm chỉ tiêu vài tháng là hết sạch. Cũng may sau đó bà được cấp thẻ BHYT hộ nghèo, chi phí chạy thận hàng tuần được nhà nước chi trả toàn bộ nên mới sống được đến bây giờ.
Nhưng đất Hà Nội, không thể hít khí trời mà sống được, vợ chồng già lại chẳng biết nghề gì ngoài làm ruộng. Thế nên, sau khi chạy thận, bà Hoài kiếm một góc đường ngồi bán vài ấm chè chén, dăm bao thuốc, gói kẹo lạc làm kế mưu sinh. Còn ông Chiên thì kiêm thêm nghề đánh giày. Tiền thu nhập từ quán nước chè và hòm đánh giày đủ để ông bà trả tiền phòng trọ và ngày 2 bữa cơm.
Tai ương chưa hết, cuối năm ngoái, ông Chiên phát hiện ra mình đã mắc bệnh ung thư đại tràng. Cứ mỗi lần đi truyền hóa chất về là ông lại nằm bệt không thể nào dậy nổi. Những lúc ấy, bà Hoài chỉ biết đưa cánh tay gày guộc với những đường tĩnh mạch nổi to như sợi chão sờ lên trán chồng rồi thở dài.
Bây giờ thì ngay cả đánh giày hay bán quán nước ông bà cũng không đảm đương được nữa. Bà Hoài bảo: “Thu nhập của chúng tôi chỉ trông vào sự trợ giúp của họ hàng và mấy đứa con. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo chứ biết làm sao. Không chỉ có chúng tôi mà tất cả cư dân của “xóm chạy thận” này đều giống nhau như vậy cả”. (An ninh Thủ đô, trang 8)
Hà Nội: Cán bộ y tế vòi vĩnh, nhũng nhiễu người bệnh, bệnh viện sẽ bị trừ điểm
Từ 31-5 đến 6-6, Sở Y tế Hà Nội sẽ tổ chức đoàn kiểm tra tại 18 bệnh viện thuộc thành phố để chấm điểm, đánh giá việc đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.
Theo Sở Y tế Hà Nội, đây là hoạt động nhằm tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh các sai sót tại các đơn vị y tế trong toàn ngành. 18 bệnh viện sẽ được Sở Y tế kiểm tra trong đợt này gồm: Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Đan Phượng, Hoài Đức, Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Oai, Mỹ Đức, Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Y học cổ truyền Hà Nội, Y học cổ truyền Hà Đông, Tâm thần ban ngày Mai Hương…
Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội cũng sẽ kiểm tra đột xuất tại một số đơn vị khác. Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác tổ chức thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh tại các đơn vị.
Cùng đó, sẽ đánh giá kết quả hài lòng của người bệnh về phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế; về thời gian khám chữa bệnh;về hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh trong khám chữa bệnh; tiếp nhận và phản hồi ý kiến góp ý của người bệnh và người nhà bệnh nhân.
TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị có tình trạng cán bộ y tế vòi vĩnh, nhũng nhiễu, hay bị người bệnh gửi đơn thư tố cáo sẽ bị trừ vào điểm đánh giá chất lượng. Ngược lại, các đơn vị có nhiều biện pháp, sáng kiến hay, áp dụng hiệu quả trong công tác phục vụ người bệnh sẽ được cộng thêm điểm. (An ninh Thủ đô, trang 8)
Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay trang 2: “Chấm điểm bệnh viện tại Hà Nội”
Những giấy khám sức khỏe được bán với giá 160.000 đồng
Ngày 31-5, CQĐT CAQ Kiến An (Hải Phòng) cho biết, đơn vị đã thực hiện lệnh bắt đối với Phan Quốc Văn (22 tuổi, trú tại thôn Tam Kiệt, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đầu tháng 3-2017, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng CSKT, CAQ Kiến An phát hiện một đối tượng có nghi vấn sản xuất và tiêu thụ giấy khám sức khỏe giả. Danh tính đối tượng là Phan Quốc Văn. Ngày 25-5, tại khu vực cổng trường Đại học Hải Phòng, lực lượng công an bắt quả tang đối tượng Văn đang bán 2 giấy khám sức khỏe ghi của bệnh viện Kiến An, có đóng dấu đỏ của bệnh viện cùng chữ ký của lãnh đạo bệnh viện và các bác sỹ chuyên khoa (riêng phần ghi tên, tuổi của người khám đều để trống). Qua giám định, đây là các giấy khám sức khỏe giả.
Tại CQĐT, Phan Quốc Văn khai nhận, do thấy nhiều người có nhu cầu cần giấy khám sức khỏe nên Văn đã truy cập Internet tìm mẫu giấy khám sức khỏe, tìm các cơ sở khắc dấu để đặt làm, với mục đích làm giả loại giấy này bán kiếm lời. Về dấu tròn của bệnh viện, Văn chế bản trên máy tính rồi đến quán photocopy ở thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy, thuê in màu trên khổ giấy A3, với giá 7.000 đồng/tờ.
Sau khi có trong tay các phôi giấy khám sức khỏe, Văn tự điền các thông số, ký tên các bác sỹ, đóng các dấu; riêng mục thông tin về cá nhân người sử dụng thì để trống. Để tiêu thụ các giấy khám sức khỏe giả, Phan Quốc Văn lập tài khoản Facebook mang tên “Duong Hoang” cùng số điện thoại và sẵn sàng phục vụ tận nơi với giá mỗi tờ giấy khám sức khỏe là 160.000 đồng.
Cho đến khi bị bắt, Văn khai nhận đã tiêu thụ trót lọt hơn 80 tờ giấy khám sức khỏe. Vụ việc đang được CAQ Kiến An tiếp tục điều tra làm rõ. (An ninh Thủ đô, trang 8)
Gia đình hiến tạng cô gái 18 tuổi cứu sống 4 người bệnh
Biết cô gái 18 tuổi bị tai nạn giao thông không thể cứu sống, gia đình đã đồng ý hiến tạng cô gái để cứu sống 4 người bệnh khác đang trong cơn hiểm nghèo.
Ngày 1/6, bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM cho biết, vừa thực hiện thành công 4 ca phẫu thuật ghép tạng từ người chết não cho bệnh nhân, trong đó ghép tim là lần đầu tiên được thực hiện tại đây.
Theo các bác sĩ, ngày 19/5, khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận nữ bệnh nhân 18 tuổi, bị tai nạn giao thông ở tỉnh Đồng Nai chuyển đến trong tình trạng dập não, xuất huyết hai bên, xuất huyết dưới nhện.
Sau nhiều ngày nhập viện điều trị, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân hôn mê với tiên lượng tử vong. Các bác sĩ khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh đã báo với đơn vị điều phối biết để thu xếp tiếp cận với gia đình hỏi xin tạng hiến và được gia đình đồng ý.
Ngày 29/5, các ekip ghép tạng của bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành song song hành trình nhận tạng và ghép cho 4 bệnh nhân tại 5 phòng mổ của bệnh viện. Ca ghép tim đã hoàn thành lúc 22h, hai ca ghép thận hoàn thành lúc 21h và 23h cùng ngày, ca ghép gan hoàn thành lúc 5h sáng 30/5.
Sau khi ghép tạng, tình trạng sức khỏe của 4 bệnh nhân đã ổn định, bệnh nhân ghép tim đã được rút nội khí quản vào 10h sáng hôm sau; bệnh nhân ghép gan cũng được rút nội khí quản sau 24 tiếng ghép và chức năng thận của hai bệnh nhân ghép thận cũng gần như trở về bình thường.
Đây là ca ghép tim đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện Chợ Rẫy dưới sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ ekip ghép tim của bệnh viện Việt Đức. (Tiền phong, trang 6)
Sốt xuất huyết bùng phát lên ở Nhơn Trạch, Đồng Nai
Thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, 19 tuần đầu năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận 1.365 ca mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong. Tuy có giảm số người mắc bệnh nhưng hiện tại, dịch bệnh do sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Nhơn Trạch lại tăng đột biến, đang ở mức nghiêm trọng đủ để có thể công bố dịch... (Tuổi trẻ, trang 14)
Viện phí tăng từ 1.6: Không thẻ bảo hiểm y tế, bệnh nhân mất thêm 10% tổng chi phí
Từ ngày 1.6, khi giá viện phí tăng, theo ước tính tổng chi phí khám-chữa bệnh của người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ tăng trung bình khoảng 10% so với trước đây. Số này chiếm khoảng 18% dân số, tức là khoảng 20 triệu người chưa tham gia BHYT. Đây thực sự là một gánh nặng lớn cho họ.
Tổng chi phí chi trả của người chưa có BHYT sẽ tăng khoảng 10%
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện nay có 81,7% dân số với gần 76 triệu người đã có thẻ BHYT. Như vậy, còn khoảng 18% dân số chưa tham gia BHYT sẽ chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí này, tức khoảng 20 triệu người.
Từ thực tiễn của bệnh viện (BV), ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc BV Bạch Mai - cho biết, từ tháng 3.2016, BV đã áp dụng mức viện phí này với người bệnh có BHYT. Trong hơn 1 năm qua, tổng tiền mà BHYT chi trả cho BV tăng khoảng 10%. “Mức tăng này chủ yếu là tăng ở giá dịch vụ kỹ thuật, còn lại 60-65% chi phí y tế là tiền thuốc và vật tư y tế vẫn giữ ổn định. Điều này chứng tỏ mức tăng giá dịch vụ kỹ thuật khá cao và khi áp dụng với người bệnh chưa có bảo hiểm, nhiều người sẽ khó khăn” - ông Hiền nói. Cũng theo ông Hiền, người chưa có BHYT chiếm khoảng 20% số người điều trị nội trú, nhiều người trong số này bệnh nặng, chi phí lớn, có người không có khả năng chi trả. Theo lộ trình, BV Bạch Mai sẽ áp dụng viện phí mới thì sau ngày 1.6 những người bệnh này sẽ càng khó khăn hơn.
Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) - Thông tư của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2017 (gọi tắt là Thông tư 02/2017/TT-BYT) nhưng không phải là từ ngày 1.6.2017 tất cả các BV trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này, mà Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các BV thuộc Bộ Y tế, BV hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc các bộ, ngành quản lý; UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các BV thuộc địa phương quản lý và các BV do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng 2 trở xuống.
Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, theo ước tính, so với giá dịch vụ KCB hiện đang áp dụng cho người không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT khi tăng từ 1.6 có tính thêm chi phí tiền lương (bao gồm cả phụ cấp đặc thù theo Quyết định 73/QĐ-TTg), thì tổng chi phí khi KCB với người tự chi trả ước tăng trung bình khoảng 10%.
Thời điểm thực hiện tại, mỗi đơn vị, địa phương sẽ khác nhau tùy thuộc vào sự quyết định của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, Thông tư 02 có quy định đến hết 2017 phải thực hiện mức giá này trên cả nước. Trước mắt, từ ngày 1.6, khoảng 50 BV hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ ngành sẽ điều chỉnh tăng.
Theo lộ trình, có 30 tỉnh thực hiện vào tháng 8.2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10.2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12.2017. Hà Nội cũng sẽ triển khai thực hiện Thông tư 02 trong tháng 8 tới đây và TP.Hồ Chí Minh sẽ thực hiện vào tháng 10.2017.
Làm sao để không rơi vào “thảm họa” chi phí y tế?
Bộ Y tế cho biết, Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người có thẻ BHYT, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội vì các đối tượng này đã được Nhà nước mua thẻ BHYT và được bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí KCB theo quy định. Nhà nước cũng đã thực hiện một số giải pháp như: Nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người cận nghèo; nâng mức hỗ trợ mua BHYT cho người làm nông-lâm-ngư-diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50 - 70%; khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các bộ/ngành báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh sử dụng ngân sách y tế của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo...
Tuy nhiên, đối với các đối tượng chưa có thẻ BHYT đây quả thực là gánh nặng rất lớn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, giải pháp chính để giảm thiểu số người có thể nghèo hóa hoặc rơi vào tình huống chi trả chi phí y tế ở mức “thảm họa” là tham gia BHYT. Thời gian vừa qua, việc thực hiện đối với người chưa có thẻ BHYT chậm hơn, nhằm để họ có thêm một khoảng thời gian cân nhắc, thấy được tính nhân văn, lợi ích của BHYT để tham gia BHYT.
Vì vậy, việc ban hành Thông tư 02 cũng nhằm mục tiêu để mọi người dân thấy cần phải tham gia BHYT để đề phòng không may ốm đau sẽ được Quỹ BHYT chi trả, hạn chế chi trả từ tiền túi khi KCB. Song song với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, Bộ Y tế cũng đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở KCB tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy tắc ứng xử để giảm phiền hà cho người bệnh, tăng cường giáo dục y đức…
Bộ Y tế và các địa phương đã và đang thực hiện đề án giảm tải BV, đề án BV vệ tinh, ban hành Thông tư quản lý chất lượng BV với 83 tiêu chí, sửa đổi phân hạng BV trên nguyên tắc hạng bệnh viện gắn với chất lượng, trình độ chuyên môn…
Hiện nay, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phối hợp chặt chẽ để điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình thích hợp; đồng thời đề nghị các cơ sở KCB tiếp tục đẩy mạnh các chương trình nâng cao chất lượng, hướng tới sự hài lòng của người bệnh cho cả người có thẻ và không có thẻ BHYT. (Lao động, trang 2)
Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay trang 4: “Từ ngày 1.6, viện phí được điều chỉnh ở nhóm không có bảo hiểm y tế: Không nhiều tiền, khó trị bệnh ”; An ninh Thủ đô trang 7: “Ngày đầu tiên tăng giá viện phí: Áp lực lớn cho những bệnh nhân chưa có thẻ bảo hiểm y tế”
Ca ghép tim đâu tiên thành công tại bệnh viện Chợ Rẫy
Ngày 1-6, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên từ người cho chết não. Ca ghép có sự hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật từ ê-kíp ghép tim của bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).
Trước đó, vào ngày 19-5-2017, một bệnh nhân nữ 18 tuổi bị tai nạn giao thông tại Đồng Nai đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng dập não, trán xuất huyết 2 bên. Sau nhiều ngày điều trị, do tình trạng quá nặng bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, tiên lượng tử vong.
Các bác sĩ khoa Hồi sức Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy đã báo với đơn vị Điều phối ghép các bộ phận chơ thể người (đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy) biết để thu xếp tiếp cận với gia đình hỏi xin tạng hiến. Người mẹ của bệnh nhân bị tai nạn giao thông đã đồng ý hiến tạng con gái bị tai nạn, chết não để cứu sống nhiều người.
Ngay khi nhận được sự đồng ý của gia đình nạn nhân, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã chỉ đạo triệu tập Hội đồng ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy đến để tiến hành chọn lựa người nhận tạng và tổ chức các kíp phẫu thuật nhận và ghép tạng.
Ngày 29-5-2017, các ê-kíp ghép tạng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành song song việc nhận tạng từ nạn nhân 18 tuổi chết não được người nhà đồng ý hiến tạng gồm 1 quả tim, 2 quả thận và gan. Có 4 ca phẫu thuật ghép tạng được triển khai cho 4 bệnh nhân tại bệnh viện Chợ Rẫy gồm: 1 ca ghép tim, 2 ca ghép thận, 1 ca ghép gan.
Sau ghép, tình trạng sức khỏe của 4 bệnh nhân nhận nguồn tạng hiến từ cùng 1 người cho chết não đã ổn định. Bệnh nhân được ghép tim đã được rút nội khí quản vào 10 giờ sáng hôm sau, bệnh nhân được ghép gan cũng được rút nội khí quản sau 24 giờ phẫu thuật. Hai bệnh nhân được ghép thận thì quả thận đã hoạt động tốt, chức năng thận đã đạt gần như bình thường.
Ca ghép tim đầu tiên thành công đã đánh dấu sự khởi đầu cho lĩnh vực ghép tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy, góp phần gia tăng cơ hội cho các bệnh nhân chờ ghép tim tại miền Nam cũng như cả nước. (Hà Nội mới, Công an Nhân dân trang 2)
Cùng chủ đề: Báo Sức khỏe & Đời sống trang 4: “Ca ghép tim đầu tiên tại BV Chợ Rẫy đã thành công”