Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 02/6/2023

  • |
T5g.org.vn - Bệnh tay chân miệng, đừng nghĩ do nắng nóng; TPHCM: Xuất hiện chủng virus gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy hiểm; Bộ trưởng Y tế kiểm tra chiến dịch bổ sung vitamin A tại trường Tiểu học ở Hà Nội; Các phòng khám ở Đồng Nai bán giấy nghỉ bệnh, trục lợi bảo hiểm hàng trăm tỉ đồng; Lộ thông tin người bệnh, bác sĩ bị xử phạt

 

Bệnh tay chân miệng, đừng nghĩ do nắng nóng

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng, đặc biệt là ca bệnh nặng. Đáng lưu ý Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa ghi nhận một trường hợp tử vong nghi ngờ do mắc bệnh tay chân miệng độ 4 sau bốn ngày bệnh.
Đáng cảnh báo, nhiều phụ huynh nhầm lẫn các biểu hiện của bệnh tay chân miệng là do nắng nóng, khiến trẻ nhập viện trễ, chuyển nặng, nguy kịch.

Nhanh chuyển nặng, tử vong

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 1-6, vào sáng 31-5 đơn vị có tiếp nhận bé N.H.D. (nam, 5 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) trong tình trạng hôn mê sâu, co gồng, chi mát, mạch nhanh nhẹ, sốt rất cao 41,2 độ C.

Khai thác bệnh sử, bé D. đã bệnh bốn ngày với triệu chứng lở môi, ăn uống kém, ói. Đến tối ngày bệnh thứ tư, bé sốt 39 độ C kèm run toàn thân 10 phút, gọi không biết, vã mồ hôi, được gia đình đưa đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, chẩn đoán tay chân miệng độ 3.

Bé D. được đặt nội khí quản, bóp bóng, sử dụng thuốc vận mạch, thuốc an thần và chuyển Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé D. mắc bệnh tay chân miệng độ 4 và được xử trí tích cực chống sốc, hỗ trợ hô hấp - tuần hoàn, lọc máu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên do tình trạng bệnh nhân rất nặng nên đã tử vong vào chiều cùng ngày. Về nguyên nhân tử vong, các bác sĩ nghĩ nhiều do bệnh tay chân miệng. Hiện bệnh viện đang chờ kết quả xét nghiệm PCR xác định.

Ghi nhận tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 sáng 31-5, nhiều trẻ mắc tay chân miệng nhập viện điều trị, trong đó có hai ca bệnh nặng được các bác sĩ theo dõi và điều trị sát sao.

Dù được gia đình đưa đi điều trị tại bệnh viện địa phương bốn ngày vì mắc tay chân miệng nhưng tình trạng sức khỏe bé T. (17 tháng tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) chuyển biến sang mức độ nặng 2B. Bệnh viện địa phương đã chuyển bé T. đến Bệnh viện Nhi đồng 1 vào trưa 30-5 tiếp tục điều trị.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk thông báo trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một bệnh nhi 1 tuổi đã tử vong vì bệnh tay chân miệng độ 4. Tại bệnh viện địa phương, các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm cơ tim cấp.

Ca bệnh nặng sẽ còn tăng

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) chiều 1-6 cũng đang điều trị hai ca mắc tay chân miệng nặng. Trong đó có một bệnh nhi rất nặng phải thở máy, nguy kịch và một bệnh nhi độ 2B. Về số trẻ mắc tay chân miệng đến khám ngoại trú là 5-10 ca/ngày - đại diện bệnh viện thông tin.

Theo Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 5 tháng đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận 1.349 lượt điều trị ngoại trú, 158 bệnh nhân điều trị nội trú vì mắc bệnh tay chân miệng. 

So với cùng kỳ năm ngoái, hiện số lượng bệnh tay chân miệng bình thường nhưng số bệnh nhân nặng lại tăng (đã có 5 trường hợp nặng; trong đó 2 ca ở TP.HCM và 3 ca ở các tỉnh, 1 ca ở tỉnh tử vong).

Bác sĩ CKII Dư Tuấn Quy, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết ngày 31-5, khoa điều trị 15 bệnh nhi, trong đó có 3 ca mắc bệnh độ nặng (2 ca độ 3 và 1 ca độ 2B). Vài ngày trước, khoa đã cho xuất viện 1 ca mắc tay chân miệng độ 3 và 2 ca độ 2B.

"Thời điểm này vào năm ngoái thì bệnh viện chưa ghi nhận ca bệnh nặng. Tuy nhiên năm nay lại ghi nhận nhiều hơn. Đặc biệt hai ngày gần đây khoa tiếp nhận hai ca độ 3 cùng ở tỉnh Bình Dương. 

Phụ huynh hai bé chia sẻ cả hai học chung lớp, rồi cùng đưa con đến bệnh viện điều trị. Đây là điều phụ huynh và cộng đồng cần quan tâm nhiều hơn để phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ", bác sĩ Quy nói.

Bác sĩ Quy cho biết thêm, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm. Đỉnh dịch của bệnh thường rơi vào tháng 4 đến 6 và tháng 8 đến 12 hằng năm. Dự báo bệnh có khả năng tăng cao khi thời tiết đang nắng nóng như hiện nay, khi người dân dần quên đi thói quen rửa tay, khử khuẩn, đeo khẩu trang so với trước đây (Tuổi trẻ, trang 13).

 

TPHCM: Xuất hiện chủng virus gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy hiểm

Ngày 1-6, Sở Y tế TPHCM cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 1.670 trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 270 ca điều trị nội trú. Đáng lo, qua xét nghiệm PCR ở một số trường hợp nặng, các chuyên gia nhận định virus Enterovirus 71 (EV71) gây bệnh TCM nặng ở trẻ em đã xuất hiện.

Theo Sở Y tế TPHCM, hiện các bệnh viện chuyên khoa Nhi của thành phố đang điều trị 33 trẻ mắc bệnh TCM, tất cả đều là dưới 5 tuổi, trong đó có 9 ca nặng, trong đó 4 ca xác định do mắc EV71. Tại thời điểm của năm bùng phát EV71 với nhiều trường hợp nặng và tử vong (năm 2011) chủ yếu là type C4, đến năm 2018, số ca nặng có giảm và chủ yếu là type B5.

Các bệnh viện tại thành phố đều thực hiện được các xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh TCM. Tuy nhiên, theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế thì chẩn đoán dựa vào lâm sàng. Chỉ xét nghiệm tìm tác nhân đối với các trường hợp bệnh nặng để phân biệt với các bệnh lý khác và nghiên cứu dịch tễ. Quan trọng hơn trong công tác điều trị là phát hiện sớm các dấu hiệu nặng để kịp thời nhập viện và điều trị theo phác đồ.

“Sở Y tế TPHCM đã thành lập Tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn các trường hợp bệnh nặng và tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch TCM. Các bệnh viện chuyên khoa Nhi của thành phố đã sẵn sàng các trang thiết bị hồi sức các trường hợp nặng (lọc máu, ECMO…) và sẵn sàng thuốc điều trị theo phác đồ”, Sở Y tế TPHCM thông tin và cho biết, để chủ động hơn trong ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị (nhất là 2 loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch).

Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) kích hoạt các đội phản ứng nhanh cùng tất cả các trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức khởi động ngay các hoạt động phòng chống và kiểm soát dịch bệnh TCM trên địa bàn, nhất là tại các hộ gia đình và các trường học (Sài Gòn giải phóng, trang 1).


Bộ trưởng Y tế kiểm tra chiến dịch bổ sung vitamin A tại trường Tiểu học ở Hà Nội

Sáng 1-6, trong ngày đầu Hà Nội triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ em, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trực tiếp đi kiểm tra công tác tổ chức ở một điểm trường Tiểu học…Cụ thể, từ sáng nay, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Đào Hồng Lan làm Trưởng đoàn đến thăm và kiểm tra công tác tổ chức Chiến dịch bổ sung Vitamin A cho trẻ em của thành phố Hà Nội tại điểm Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (số 40 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình). Tại điểm kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội đã báo cáo công tác chuẩn bị tổ chức Chiến dịch trên địa bàn thành phố và đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra việc chuẩn bị bố trí, sắp xếp các bàn uống Vitamin A tại điểm trường. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá cao Sở Y tế Hà Nội trong thời gian rất ngắn đã chỉ đạo hệ thống y tế tuyến quận, huyện và y tế cơ sở chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng về nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị để tổ chức cho các cháu được uống Vitamin A kịp thời, đúng lịch.

Để chiến dịch bổ sung Vitamin A đợt 1 được tổ chức thành công, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, giám sát việc thực hiện triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A theo đúng hướng dẫn chuyên môn, đảm bảo cơ số thuốc, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho trẻ.

Nhân ngày vi chất dinh dưỡng (tổ chức ngày 1 và 2-6), Bộ Y tế đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục chung tay với ngành y tế tuyên truyền vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng chống suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em như tăng cường đảm bảo an ninh lương thực hộ gia đình, cải thiện chất lượng bữa ăn, sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày, ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng…

Đối với trẻ nhỏ, cần thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn dặm đảm bảo đủ các thành phần dinh dưỡng và phù hợp với độ tuổi. Đối với bà mẹ mang thai và trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cần được bổ sung các sản phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng hằng ngày (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Các phòng khám ở Đồng Nai bán giấy nghỉ bệnh, trục lợi bảo hiểm hàng trăm tỉ đồng

Theo điều tra của công an, hàng loạt phòng khám trên địa bàn các phường Tân Hiệp, Long Bình, Long Bình Tân, Trảng Dài, Bửu Hòa, TP Biên Hoà, Đồng Nai đã thực hiện việc xác nhận khống cho công nhân bị bệnh để hưởng bảo hiểm xã hội, trục lợi hàng trăm tỉ đồng. Làm “khống” giấy nghỉ bệnh, “phù phép” hồ sơ bảo hiểm y tế 

Công nhân muốn có giấy nghỉ bệnh, đã đi đến phòng khám mua giấy xác nhận nghỉ bệnh hưởng bảo hiểm xã hội. Khi có giấy xác nhận bệnh, công nhân nộp cho doanh nghiệp. Từ đây, doanh nghiệp lập danh sách công nhân bị bệnh gửi cho bảo hiểm xã hội để được chi trả lương, trục lợi bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, công an phát hiện chủ một số phòng khám không chỉ bán giấy khám chữa bệnh khống, mà từ việc khám bệnh khống, họ “phù phép” hồ sơ để trục lợi cả bảo hiểm y tế.

Quá trình điều tra bước đầu cơ quan công an xác định, ngoài việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân hàng ngày, các phòng khám còn mua bán, làm “khống” các loại giấy tờ như: giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe để bán cho người lao động, chủ yếu là công nhân trong các công ty. Các phòng khám còn lập hồ sơ để được quyết toán tiền bảo hiểm y tế.

Giấy nghỉ bệnh hưởng BHXH bán từ 70.000 đồng - 150.000 đồng

Ngày 1.6, Công an TP Biên Hòa cho biết, đang tiếp tục lấy lời khai các đối tượng liên quan để phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án làm giả giấy tờ để trục lợi tiền bảo hiểm xã hội xảy ra tại các phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn TP Biên Hoà.

Từ giữa năm 2022, Thanh tra Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc sau khi nhận được thông tin có tình trạng làm khống giấy chứng nhận bệnh án để hưởng bảo hiểm xã hội. Qua xác minh, phát hiện có 69 công nhân tại một công ty ở huyện Trảng Bom mua gần 350 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Các giấy này được mua với mệnh giá là 70.000 đồng, 100.000 đồng và 150.000 đồng/giấy, tùy vào thời gian nghỉ từ 1 ngày đến 5 ngày tại Phòng khám Đa khoa Tân Long, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa.

Sau đó, BHXH tỉnh Đồng Nai đã tiến hành kiểm tra đối với 3 phòng khám Tân Long, Tam Đức và Long Bình Tân, phát hiện một số trường hợp khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, cấp giấy chứng nhận nghỉ bệnh không đúng quy định. Từ đó, cơ quan chức năng đã thu hồi số tiền 7,2 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Phạm Minh Thành - Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai - cho biết: BHXH tỉnh Đồng Nai sau khi thanh tra kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm. Sau đó BHXH tỉnh Đồng Nai đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai về vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra và bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan. Ông Thành khẳng định cán bộ ngành hoàn toàn không liên quan đến đường dây mua, cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.

Vài chục ngàn người đã mua giấy nghỉ bệnh hưởng bảo hiểm

Trước đó, ngày 29.5, Công an TP Biên Hòa tiến hành kiểm tra, phát hiện và bắt giữ 2 đối tượng gồm: L.T.H (43 tuổi) và H.T.Đ (36 tuổi - cùng ngụ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa), khi các đối tượng đang thực hiện việc tàng trữ các giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe đã được làm khống nội dung chuẩn bị giao cho những người đặt mua. Đồng thời, công an tạm giữ hàng trăm giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội do nhiều phòng khám khác nhau lập khống nội dung.

Công an TP Biên Hòa đã tổ chức nhiều tổ công tác đồng loạt kiểm tra, khám xét 6 phòng khám tại các phường: Tân Hiệp, Long Bình, Long Bình Tân, Trảng Dài, Bửu Long... để phục vụ công tác điều tra về hành vi làm giả các loại giấy tờ trong khám, chữa bệnh tại các cơ sở này.

Quá trình khám xét, Phòng khám Đa khoa Tam Đức (phường Tân Hiệp), Phòng khám Đa khoa quốc tế Mỹ Đức (phường Long Bình),  Phòng khám Đa khoa Tân Long, Phòng khám Đa khoa Long Bình Tân (phường Long Bình Tân)... Công an TP Biên Hòa đã thu giữ hàng trăm nghìn giấy chứng nhận bệnh nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội, giấy khám sức khỏe (đã ghi khống kết quả, chưa có thông tin người khám) và nhiều máy móc, tài liệu liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh tại các phòng khám. Ngoài ra, Công an TP Biên Hòa đã tiến hành triệu tập hơn 30 người liên quan đến việc làm các giấy tờ giả để xác minh, làm rõ.

Lãnh đạo Công an TP Biên Hòa cho biết: Đây là vụ án có quy mô rất lớn, ước lượng có vài chục ngàn người mua giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội để trục lợi bảo hiểm xã hội lên đến vài trăm tỉ đồng. Hiện, Công an TP Biên Hòa đang tiến hành điều tra, làm rõ và xử lí theo quy định của pháp luật (Lao động, trang 4).

 

Lộ thông tin người bệnh, bác sĩ bị xử phạt

Ngày 1-6, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết vừa có quyết định xử phạt bác sĩ Cao Hữu Thịnh (bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa; địa chỉ 141 Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5) 24,5 triệu đồng vì vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh. Cụ thể, bác sĩ Cao Hữu Thịnh đã làm lộ tình trạng bệnh, thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.

Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Thanh tra Sở Y tế TPHCM, yêu cầu tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo mà nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.

Cũng tại Phòng khám ở địa chỉ 141 Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5, Thanh tra Sở Y tế cũng đã có quyết định xử phạt bác sĩ Lê Som Lan (Som Champa Serey) 9 triệu đồng. Lý do: người hành nghề không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật; hoạt động có biển hiệu không có đủ các thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật; ghi tên các khoa, phòng trong cơ sở khám chữa bệnh không đúng với hồ sơ giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Thanh tra Sở Y tế TPHCM cũng có quyết định xử phạt chi nhánh Công ty TNHH Bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ Korean Star - Sao Hàn (781/C5-C7 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10) 90 triệu đồng, đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 18 tháng vì cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Cắt bỏ khối u nặng hơn 5 kg trên lưng cụ bà 95 tuổi

Ngày 1/6, Bệnh viện Bình Định (ở TP Quy Nhơn, Bình Định) cho biết đã phẫu thuật cắt bỏ thành công khối u phì đại trên lưng một cụ bà ở Phú Yên. Trước đó, ngày 15/5, cụ bà N.T.R (95 tuổi, ở Phú Yên) nhập viện với khối u to nặng trên lưng.

Theo gia đình, cụ R. đã sống chung với khối u lớn trên lưng đã nhiều năm, khối u to nặng và đau khiến bệnh nhân không thể nằm ngửa, gây khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ Bệnh viện Bình Định chẩn đoán bệnh nhân bị u phì đại vùng lưng. Khối u phát triển nhanh, ngày càng lớn dần trên nền bệnh nhân lớn tuổi và thể trạng gầy yếu.

Các bác sĩ Khoa Ngoại tại Bệnh viện Bình Định đã hội chẩn cùng các bác sĩ gây mê giàu kinh nghiệm của bệnh viện và quyết định tiến hành phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u.

Trong ngày 16/5, sau hơn 60 phút, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật bóc tách tỉ mỉ và lấy thành công khối u với kích thước 30 cm x 30 cm, trọng lượng 5,1 kg.

Do bệnh nhân có khối u khá lớn trên vùng lưng nên quá trình mổ, các bác sĩ đã sử dụng những thiết bị, dụng cụ hiện đại để bóc tách khối u một cách khéo léo, hạn chế tối đa chảy máu.

Sau gần nửa tháng điều trị, sức khỏe cụ R. đã ổn định, nằm ngủ bình thường, không đau và cũng đã được cho xuất viện (Tiền phong, trang 2).

Xử nghiêm nhân viên bệnh viện tiếp tay mua bán trứng, tinh trùng

Sau tuyến bài 'Bát nháo mua bán trứng, tinh trùng' của báo Tuổi Trẻ, Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu tuân thủ nghiêm quy định về hỗ trợ sinh sản.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã có những bước phát triển đáng khích lệ, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Tuy nhiên tại một số địa phương đã xuất hiện những tình trạng không tuân thủ pháp luật như buôn bán tinh trùng, noãn (trứng), phôi; mang thai hộ vì mục đích thương mại và đã bị cơ quan công an điều tra, xử lý theo pháp luật.

Để bảo đảm việc thực thi các quy định của pháp luật, phòng tránh tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại, buôn bán giao tử xảy ra trong cơ sở y tế, hoặc các hành vi tiếp tay, tham gia vào những đường dây phi pháp nêu trên của cán bộ y tế, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nêu trên nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về hỗ trợ sinh sản.

Trong trường hợp phát hiện cán bộ, nhân viên có sai phạm; các bệnh viện báo cáo ngay về Bộ Y tế để giải quyết theo thẩm quyền (Tuổi trẻ, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang