Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/3/2016

  • |
T5g.org.vn - Trên 99% hộ gia đình được kê khai tham gia bảo hiểm y tế; Chia sẻ, nâng cao trình độ chuyên môn chuyên ngành cấp cứu; Bốn công ty bị đình chỉ hoạt động vì bán nguyên liệu Salbutamol trái quy định...

Chia sẻ, nâng cao trình độ chuyên môn chuyên ngành cấp cứu

Ngày 25/3, Hội nghị quốc tế về y học cấp cứu 2016 đã khai mạc tại Hà Nội.

Đây là diễn đàn khoa học để các GS, bác sĩ, cán bộ y tế của Việt Nam và thế giới học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn về chuyên ngành cấp cứu.

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết: Cấp cứu là một chuyên ngành luôn phải đối mặt với những khó khăn nhất của y học lâm sàng, người cán bộ làm công tác cấp cứu luôn phải chạy đua với thời gian, với giờ vàng để tìm kiếm cơ hội sống cho người bệnh. Sự phát triển mạnh mẽ của các khoa cấp cứu đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các chuyên ngành phát triển các kỹ thuật chuyên sâu và ngược lại các chuyên ngành lâm sàng cũng hỗ trợ cho chuyên ngành cấp cứu thực hiện được nhiều kỹ thuật can thiệp cấp cứu chuyên sâu. Thông qua các chương trình đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, chuyên ngành cấp cứu đã chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các bệnh viện tỉnh, huyện và TP lớn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên, Hội nghị lần này đánh dấu sự lớn mạnh không ngừng của chuyên ngành cấp cứu đã đóng góp lớn cho nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Bộ Y tế đánh giá cao những thành tựu của chuyên nghành cấp cứu trong những năm qua, trong đó phải kể đến Bệnh viện Bạch Mai, khoa cấp cứu  A9, Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam.

Bộ Y tế mong rằng chuyên ngành cấp cứu tiếp tục phối hợp với các Tổ chức quốc tế, tăng cường đào tạo và nghiên cứu khoa học giúp cho chuyên ngành cấp cứu phát triển ở tầm cao mới.

Tại Hội nghị lần này, các đại biểu trình bày các báo cáo khoa học với nhiều chủ đề bổ ích nhằm cập nhật kiến thức, tiến bộ mới trong y học cấp cứu như: Cấp cứu và cấp cứu chấn thương, Siêu âm trong hồi sức cấp cứu, Đột quỵ cấp, Thông khí nhân tạo, Thăm dò huyết động trong Hồi sức cấp cứu, Hội thảo cấp cứu trước viện; Hội thảo mạng lưới toàn cầu GREAT;  Hội thảo đào tạo điều dưỡng và paramedic. Hội thảo sinh viên đại học y về Y học cấp cứu.

Nhân dịp này, thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên  trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” của Bộ Y tế cho GS Joseph Rohan Lex - người đã có  nhiều đóng góp cho hệ thống cấp cứu Việt Nam. Trong 7 năm qua GS Joseph Rohan Lex đã thực hiện  nhiều chương trình hội thảo khoa học cấp cứu, nhiều chương trình đào tạo tại các bệnh viện.

Thứ trưởng cũng cảm ơn các GS, bác sĩ của chuyên ngành cấp cứu trong nước và quốc tế đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong nhiều năm qua, đóng góp hiệu quả cho những thành tựu chung của ngành Y tế. (* Nhân dân  (trang 5))

Bốn công ty bị đình chỉ hoạt động vì bán nguyên liệu Salbutamol trái quy định

Theo tin từ Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ đã triển khai công tác hậu kiểm đối với các cơ sở nhập khẩu Salbutamol và phát hiện 4 công ty có bán loại nguyên liệu này cho những cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc (KDT) theo quy định.

Bộ Y tế đã ban hành quyết định đình chỉ hoạt động KDT, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện KDT, ngừng xem xét tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc; đồng thời, đề nghị Sở Y tế địa phương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện KDT, nguyên liệu làm thuốc của các đơn vị vi phạm nói trên. Bộ đã chuyển hồ sơ vi phạm của Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông, Công ty CP Dược Minh Hải, Công ty TNHH Hóa dược Minh Anh sang Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) để tiếp tục làm rõ.

Salbutamol là nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thuốc điều trị hen suyễn, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Trong năm 2014 và 2015, Bộ Y tế cho nhập hơn 9.000kg Salbutamol. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã sử dụng chất này để phối trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm nhằm kích thích tăng trưởng. Bộ Y tế đã đề nghị đưa các nguyên liệu, thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (như nguyên liệu Salbutamol đối với ngành nông nghiệp) vào danh mục "thuốc phải kiểm soát đặc biệt". (* Hà Nội mới (trang 5))

50% người bị tai nạn, thương tích không được cấp cứu ban đầu

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị quốc tế về y học cấp cứu, diễn ra ngày 25-3 tại Hà Nội.

Theo ý kiến chuyên gia, kỹ năng sơ cứu cho người bị nạn của người dân Việt Nam hiện vẫn còn kém. Có tới 50% số người bị tai nạn thương tích không được cấp cứu ban đầu, hoặc cấp cứu không đúng cách trước khi được đưa đến bệnh viện (BV), dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Trong nhiều trường hợp, người gặp nạn được sơ cứu tại chỗ nhưng do không được vận chuyển cấp cứu đúng cách nên đã tử vong trên đường đến BV hoặc tình trạng bệnh nặng thêm...

Theo PGS.TS Nguyễn Đạt Anh, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, để giảm thiểu tình trạng nói trên, cần mở các lớp tập huấn tại BV, trong cộng đồng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng sơ - cấp cứu cho người dân.. (* Hà Nội mới (trang 5))

Trị 'tận gốc' tiêu cực trong kê đơn thuốc

Thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Dược (sửa đổi) hôm qua (25.3), nhiều đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về quản lý giá thuốc.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Dược (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày cho biết dự thảo lần này đã tiếp thu, sửa đổi nhiều, với nhiều chính sách mới, như ưu tiên phát triển y học cổ truyền; siết chặt quản lý việc bán rộng rãi một số loại thuốc có nguy cơ dễ bị lạm dụng hoặc dễ gây kháng thuốc.

Siêu thị có thể bán thuốc

Đáng chú ý, dự thảo lần này quy định mở rộng dịch vụ bán thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân như cho phép bán một số loại thuốc theo danh mục hạn chế tại các cơ sở kinh doanh như siêu thị, cửa hàng tiện ích...

Tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nói: “Đã cho phép thì dễ lợi dụng bán tràn lan và khó quản lý, hệ quả không tốt cho sức khỏe người dân. Tôi thấy các siêu thị chỉ nên bán các thực phẩm chức năng hoặc mỹ phẩm. Còn bây giờ đưa thuốc tây vào đó sẽ rất khó”. Bên cạnh đó, ĐB Tính đề cập đến quy định bán thuốc kèm theo đơn bác sĩ đã có từ rất lâu nhưng không mấy hiệu thuốc thực hiện.

 “Ở VN mua thuốc dễ hơn rau ngoài chợ. Hệ lụy là thuốc gây hậu quả không tốt cho sức khỏe người dân. Tôi đề nghị phải có quy định tăng thẩm tra chặt chẽ vấn đề này. Quy định xử phạt nặng, thậm chí đóng cửa thu hồi giấy phép vĩnh viễn những cơ sở vi phạm, như vậy mới nền nếp”, ĐB này đề nghị.

Hạn chế các tầng lớp trung gian

Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), mặc dù trong luật không có quy định nào về việc độc quyền nhập khẩu thuốc nhưng trong thực tế lại có chuyện hạn chế về cấp phép. Tình trạng này dẫn đến khan hiếm thuốc và thuốc qua nhiều tầng lớp trung gian nên đã đẩy giá thuốc lên cao. “Một hộp thuốc điều trị viêm gan C, giá các nhà thuốc lớn nhập về VN chỉ khoảng 200 USD, tương đương hơn 4 triệu đồng, trong khi đó người bệnh VN hiện giờ phải mua hộp thuốc này với giá 14 triệu đồng. Thật vô lý khi người dân ta còn nghèo mà phải dùng thuốc giá cao. Tôi đề nghị rà soát quy định ở trong luật, bổ sung, làm thế nào đó để không có kẽ hở cho việc hạn chế độc quyền nhập khẩu thuốc, dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc và nâng giá thuốc”, ĐB Cương nhấn mạnh.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chỉ rõ: “Tình trạng một số loại thuốc có giá còn cao, nguyên nhân là do độc quyền nâng giá, thuốc qua nhiều tầng lớp trung gian cũng như tiêu cực trong kê đơn”. Từ đó ĐB này đề nghị bổ sung quy định hạn chế các tầng lớp trung gian. “Nếu chúng ta làm được điều này thì sẽ góp phần sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá thừa, với gần 2.000 công ty phân phối thuốc và một loại thuốc nếu như từ lúc nhập khẩu hay sản xuất ra đến tay người bệnh mà trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian thì chắc chắn giá thuốc sẽ đội lên”, ĐB Lan nói đồng thời đề nghị không chỉ có một giải pháp đấu thầu mà còn mở hướng về định suất với khung giá thuốc do Bộ Y tế hay bảo hiểm y tế đàm phán được. Về chuyên môn, phải lưu ý đồng bộ xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, chống lạm dụng thuốc cũng như tăng vai trò của hội đồng thuốc và điều trị thì mới trị tận gốc được vấn đề tiêu cực trong kê đơn.

Đề cập đến quy định công bố giá thuốc trúng thầu, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), bày tỏ: “Trên thực tế đang có tình trạng hai địa phương gần nhau, cùng một loại thuốc, cùng chất lượng, địa phương này mua giá 1 đồng, địa phương kia mua giá 1,5 đồng, về lý rất đúng nhưng về tình rất gian. Tức là mọi sự đúng quy trình, đúng pháp luật, chỉ có nhà nước mất tiền. Trong luật Đấu thầu chúng tôi kiểm tra cũng không có điều nào quy định sau khi đấu thầu xong kết quả khác nhau thì xử lý như thế nào. Cho nên chúng tôi đề nghị trong luật Dược quy định khi giá thuốc đã được công bố bởi Bộ Y tế nếu cảm thấy chênh lệch bất hợp lý thì báo cáo Chính phủ xử lý để điều chỉnh cho phù hợp. Chúng ta không thể đầu hàng chuyện đấy được”. (* Thanh niên (trang 4))

Công bố 6 cơ sở đủ khả năng xét nghiệm virus Zika

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, trên cả nước hiện nay có 6 cơ sở có thể xét nghiệm một cách chính xác bệnh nhân có nhiễm virus Zika hay không.

Cụ thể gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và sắp tới đây là Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội.

Những bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhưng qua xét nghiệm cho kết quả âm tính cần phải nghĩ ngay tới việc nhiễm virus Zika và nên đến 6 cơ sở y tế trên để làm xét nghiệm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, hiện đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn vẫn đang tiếp tục kiểm tra, làm việc tại 4 tỉnh/thành phố nơi bệnh nhân người Úc nhiễm virus Zika đã đến trong thời gian ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu cả 4 địa phương này phải nâng cao mức độ cảnh báo, mức độ phòng chống dịch và tăng cường triển khai các hoạt động phòng chống dịch.  (* An ninh Thủ đô (trang 2))

Trên 99% hộ gia đình được kê khai tham gia bảo hiểm y tế

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh đã có 199.029 hộ đã được lập danh sách kê khai tham gia bảo hiểm y tế theo mẫu DK01 (mẫu kê khai theo quy định được lập tại các xã, phường, thị trấn), đạt 99,3% trong tổng số 200.447 hộ trên địa bàn.

Ngay khi bước vào thực hiện việc kê khai, Yên Bái đã sớm thành lập Ban chỉ đạo từ tỉnh đến xã để tham mưu cho UBND tỉnh và chỉ đạo triển khai đầy đủ công tác lập danh sách hộ gia đình và cấp thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế... Đồng thời Yên Bái đã triển khai đầy đủ công tác tuyên truyền, tập huấn cho toàn bộ thành viên tham gia thực hiện việc lập danh sách kê khai các hộ gia đình từ các thôn bản để chuyển lên Ban chỉ đạo ở cấp xã.

Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng phòng cấp sổ - thẻ bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái cho biết: Việc triển khai lập danh sách kê khai hộ gia đình tại Yên Bái bước đầu cũng gặp không ít khó khăn như, trình độ của cán bộ thôn bản ở vùng cao còn hạn chế; dân cư vùng cao sống thưa thớt, phân tán nên việc đi lại rất mất thời gian; nhận thức của người dân về việc lập danh sách hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế chưa được đầy đủ. Bên cạnh đó, nhiều trưởng thôn, cộng tác viên chưa hiểu hết về việc kê khai nên chất lượng mẫu DK01 không đạt yêu cầu; việc khai báo và quản lý nhân khẩu tại địa phương thực hiện chưa đúng quy định, tình trạng người dân có tên trong sổ hộ khẩu, nhưng đi làm ăn xa khỏi địa bàn mà không khai báo tạm vắng vẫn còn xảy ra...

Cũng theo bà Dung, để khắc phục được những khó khăn trên, ngay sau khi triển khai thực hiện nhiệm vụ này, cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái đã bám sát vào Ban chỉ đạo triển khai lập danh sách, cấp thẻ bảo hiểm y tế tại các cơ sở để tham mưu cho ban chỉ đạo tuyển chọn cán bộ trẻ ở thôn bản tham gia vào tổ công tác để giúp việc cho những già làng, trưởng bản (đặc biệt là người không biết chữ) thực hiện việc lập danh sách theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Yên Bái cũng tổ chức tập huấn cho những người tham gia lập danh sách theo phương châm "cầm tay chỉ việc" vì vậy đã từng bước giảm thiểu được những sai sót kỹ thuật theo đúng yêu cầu của mẫu DK01...Công tác tuyên truyền cũng được chú trọng với nhiều hình thức để người dân hiểu được quyền lợi, mục đích, yêu cầu của việc kê khai Bảo hiểm y tế.

Nhờ sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, sự nỗ lực của các ngành thành viên, việc lập danh sách kê khai, cấp thẻ Bảo hiểm y tế ở Yên Bái đã đạt được mục đích, yêu cầu về việc thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân theo Luật đã đề ra./. (* Công an Nhân dân (trang 1) )

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang