Bé gái sinh non nặng gần 900 gram mắc bệnh tim bẩm sinh đã xuất viện
Sáng 25-4, bé gái sinh non có cân nặng gần 900 gram đã được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 phẫu thuật tim thành công vào ngày 23-3 hiện sức khỏe đã được ổn định và xuất viện sau 1 tháng điều trị. Theo Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, BV Nhi Đồng 1, sau khi được phẫu thuật và hồi sức tốt, sức khỏe bé gái đã ổn định. Hiện cân nặng hiện tại của bé là 1740 gram, tuy bé có tăng cân nhưng vẫn chưa đạt đến cân nặng bình thường của một đứa trẻ 37 tuần tuổi (cân nặng thông thường 2,5 ký). Vì bé gái sinh non và nhẹ cân nên khi bé được về nhà, gia đình cũng phải theo dõi sức khỏe bé thật chặt chẽ. Bác sĩ Thanh Tâm cho biết, “Đến nay, sức khỏe của bé đã ổn định nhưng sự miễn dịch của bé gái còn tương đối kém nên cần phải theo dõi thật kỹ, bé đã cai được máy thở nhưng sức bú vẫn còn yếu, vì vậy song song với việc tự bú sữa, bé gái còn được hỗ trợ ăn qua ống thông dạ dày. Việc lo ngại nhất hiện nay là với bất kỳ trẻ sinh non tình trạng trào ngược dạ dày (sặc sữa) là không thể tránh khỏi. Vì vậy khi cho bé bú sữa xong, mẹ phải luôn bên cạnh phòng khi bé bị sặc sữa để có những xử lý kịp thời. Ngoài việc uống sữa, bé phải được bổ sung thêm sắt và các loại vitamin cần thiết để bổ sung dinh dưỡng. Bên cạnh đó, khi bé về nhà gia đình cần phải để bé trong một môi trường an toàn, không có bệnh lây nhiễm, chú ý đến cách chăm sóc, cách tắm cho bé…”. Phát biểu tại buổi tiễn cháu bé xuất viện, Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1 cho rằng, đây là công sức và cũng là niềm vui chung của ê kíp phẫu thuật cùng tập thể y, bác sĩ BV Nhi Đồng 1. Trong thời gian tới khoa Hồi sức sơ sinh tiếp tục theo dõi tình hình sức khỏe của bé đến khi cháu hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng trước thực trạng thời gian qua xuất hiện nhiều bệnh nhi mắc các dị tật tim bẩm sinh nguy hiểm, UBND TPHCM đã phê duyệt cho BV Nhi Đồng 1 xây dựng Trung tâm can thiệp phẫu thuật tim mạch nhi với quy mô 13 tầng, trang bị cơ sở vật chất hiện đại với tổng kinh phí lên đến 2000 tỷ đồng dự kiến khởi công vào cuối năm 2017 (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Biệt dược gốc bảo hộ độc quyền bán giá cao: Người bệnh “oằn mình” gánh chịu
Theo thông tin từ Cục quản lý dược (Bộ Y tế), hiện tại 447/698 thuốc biệt dược gốc hết hạn bảo hộ độc quyền. Điều kỳ lạ là hàng trăm loại biệt dược gốc trong danh sách này đã hết hạn bảo hộ độc quyền từ lâu nhưng vẫn tiếp tục được bảo hộ độc quyền và được bán với giá rất cao, cao hơn so với các thuốc nhóm 1 cùng hoạt chất, cùng nồng độ, cùng hàm lượng trên thị trường. Đau lòng hơn, trong số đó có những loại thuốc được dùng dùng để chữa các bệnh ung thư. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 4.2017 được tổ chức ngày 25.4 tại Hà Nội (Lao động, trang 1).
Giám đốc Bệnh viện K cam kết xử lý nghiêm nạn "cò mồi" chèo kéo bệnh nhân
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K cho biết, sau khi báo chí phản ánh tình trạng cò mồi tại cơ sở 1 Quán Sứ, bệnh viện đã mời CATP Hà Nội phối hợp với Sở Y tế vào cuộc điều tra, xác minh các cơ sở khám chữa bệnh, dụ dỗ người bệnh xét nghiệm, khám để trục lợi hoặc móc nối đưa người bệnh vào bệnh viện một cách không hợp pháp.
“Nếu phát hiện có tình trạng đó, bệnh viện sẽ kiên quyết xử lý ngay. Đồng thời chúng tôi đã quán triệt toàn bộ cán bộ thực hiện đúng quy chế chuyên môn” - ông Thuấn khẳng định.
Những ngày gần đây, trên một số diễn đàn mạng chia sẻ câu chuyện về một trong số nhiều trường hợp đi khám ở Bệnh viện K, cơ sở 1 ở đường Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gặp cảnh “chăn dắt” của rất nhiều “cò mồi” bên ngoài bệnh viện.
Theo phản ánh, ngay tại cổng chính của cơ sở 1 Bệnh viện K thường xuyên xuất hiện 3, 4 người phụ nữ trên tay cầm sổ ghi chép, luôn miệng chèo kéo người bệnh đến khám và hứa hẹn được “khám nhanh”, đánh vào tâm lý mệt mỏi của người bệnh vì phải xếp hàng đợi khám rất lâu. Sau đó, một số người bệnh còn bị “cò mồi” dẫn đến một phòng khám tư khác gần bệnh viện để làm xét nghiệm.
Giám đốc Bệnh viện K cho biết thêm, bệnh viện chỉ có 3 cơ sở, không có phòng khám ngoài hay phối hợp với bất kỳ phòng khám, tổ chức, cá nhân nào ngoài bệnh viện để thu giá cao rồi đưa trở lại bệnh viện khám, xét nghiệm. Bệnh viện cũng không công nhận các xét nghiệm của phòng khám ngoài. Nhằm hạn chế những tiêu cực nói trên, cơ sở 1 hiện bắt đầu giờ khám sớm 1,5 tiếng (đón bệnh nhân từ 5h30 và khám lúc 6h với 9 phòng khám). Với số lượng 800-1.300 bệnh nhân khám 1 ngày, cơ sở 1 chiếm 80% tổng số bệnh nhân của bệnh viện nên cũng là nơi xảy ra nhiều biểu hiện tiêu cực nhất (An ninh Thủ đô, trang 2).
Bộ Y tế yêu cầu chặt bỏ cây chứa chất gây độc
Bộ Y tế chính thức đề nghị các trường học rà soát, chặt bỏ và không trồng các loại cây, hoa chứa hợp chất gây độc trong khuôn viên trường. Nguyên nhân đưa ra yêu cầu này là do ngày 20-4, 20 em học sinh Trường tiểu học Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng đau bụng, đi ngoài, nôn ói.
Ban Giám hiệu nhà trường thì có 49 em học sinh khối 2 của trường này đã ăn hạt quả ngô đồng vì tưởng đây là hạt quả óc chó. Đến tối 20-4, các học sinh còn lại cũng được đưa đến bệnh viện kiểm tra và theo dõi sức khỏe. Tối ngày 21-4, 37 học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Quỳ Châu (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) cũng phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn hạt của quả cây ngô đồng.
Được biết, loại cây ngô đồng chứa protein độc gọi là toxalbumin. Đây không phải là lần đầu tiên học sinh bị ngộ độc do ăn quả cây trồng. Thời gian qua, nhiều địa phương đã xảy ra ngộ độc do trẻ em ăn quả của loài cây, hoa có trong khuôn viên trường học. Các loài cây, hoa này được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại, song chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng gây độc cho cơ thể khi ăn phải.
Vì thế, để bảo đảm sức khỏe cho học sinh, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị cơ quan chức năng địa phương xảy ra ngộ độc điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả.
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường học rà soát, loại bỏ ngay và không trồng các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc. Nếu trường phải trồng các cây này với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có bảng cảnh báo và biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp đối với mỗi cây, hoa này. Các trường tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đồng thời giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe học sinh nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc (An ninh Thủ đô, trang 6).
Máy lọc methanol có lọc được độc tố trong rượu
Sau hàng loạt vụ ngộ độc rượu chứa methanol gây chết người thời gian qua, nhiều người đã tỏ ra lo ngại khi sử dụng rượu. Nắm bắt được điều này, một số cá nhân đã quảng cáo bán máy lọc độc tố trong rượu với những lời có cánh, song công dụng của chúng đến đâu thì ngay cả người dùng cũng rất mơ hồ…Sản phẩm trên được giới thiệu khá rầm rộ trên mạng xã hội với nhiều tác dụng thần kỳ: “Với tính năng lọc khử, máy lọc loại bỏ hết các độc tố có trong rượu, đưa các hàm lượng các chất này về mức cho phép, đảm bảo các chỉ số của Bộ Y tế. Rượu sau khi lọc vẫn đảm bảo các hương vị, mùi vị vốn có của rượu. Máy được thiết kế bằng inox, thiết kế nhỏ gọn, hiện đại dễ sử dụng”…
Đảm bảo khử hết độc trong rượu ?!
Cũng theo quảng cáo của đơn vị sản xuất, sau khi được lọc qua máy này, rượu sẽ đảm bảo các thông số theo tiên chuẩn quy định (hàm lượng andehit <50mg/l, hàm lượng methanol <0.03%) song vẫn giữ nguyên màu sắc và hương vị ban đầu. Về cấu tạo, máy lọc rượu thường có hệ thống khung sườn inox gồm các cột lọc khử và cột lọc thô (máy có công suất khác nhau sẽ có số lượng các cột lọc, hệ thống bơm đẩy, dây dẫn khác nhau)…Rượu cần lọc sẽ được đổ vào một bình chứa. Dưới sức hút của bơm điện, rượu sẽ được di chuyển qua hệ thống lọc đa tầng chứa các hạt vật liệu. Tại đây, các độc tố có trong rượu sẽ bị hấp thụ lại. Tiếp theo đó, rượu sẽ chảy qua các cột lọc thô. Những cột lọc này có tác dụng loại bỏ tạp chất, tạo độ trong của rượu.
Quảng cáo là vậy , song hiện vẫn còn không ít người tỏ vẻ hoài nghi về công dụng thực sự của sản phẩm này. Chị Vũ Thị Hường ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội – người kinh doanh nhà hàng ăn uống có nhu cầu mua loại máy này cho rằng, để loại bỏ methanol trong rượu, từ xưa đến nay, những người nấu rượu theo phương pháp thủ công thường bỏ “nước” đầu. Hơn nữa, chất này sẽ bay hơi ở nhiệt độ nhất định. Do vậy nếu đổ rượu vào máy lọc như máy lọc nước mà không tiến hành phương pháp chưng cất thì sẽ khó có tác dụng như mong muốn.
Giá máy lọc độc tố trong rượu phụ thuộc vào dung tích, máy nhỏ sử dụng cho gia đình giá khoảng chục triệu đồng, máy to dùng cho nhà hàng, cơ sở sản xuất rượu thủ công lên tới vài chục triệu đồng. Gọi điện đến một cửa hàng đăng tin bán máy khử độc tố trong rượu ở Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội chúng tôi được nhân viên bán hàng cho biết, hiện của hàng bán nhiều loại máy với dung tích khác nhau, loại nhỏ nhất là máy lọc mini có thể lọc được 20l rượu/giờ, giá bán là 11 triệu/đồng, loại lọc 50l rượu/giờ có giá 13 triệu đồng. Tuy vậy, khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Máy đã được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng chưa, có được bảo hành không” thì nhân viên này ngập ngừng: “Do sản xuất theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ nên không làm kiểm định chất lượng nhưng máy được cửa hàng bảo hành 1 năm. Rượu sau khi được lọc qua máy đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng để sử dụng, hàm lượng chất methanol, andehit và các chất độc hại khác có trương rượu đạt tiêu chuẩn cho phép”!
Thận trọng kẻo “tiền mất, tật mang”
Về loại máy trên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện công nghệ sinh học và thực phẩm – ĐH Bách Khoa Hà Nội, chưa thể khẳng định các loại máy lọc độc tố trong rượu có loại bỏ được chất độc hay không song trước khi mua bất cứ sản phẩm nào người tiêu dùng cần thận trọng kiểm tra xem sản phẩm đã được kiểm định chất lượng chưa, có được bảo hành không, tuyệt đối không nên nghe theo quảng cáo, mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, methanol, andehit có thể bị loại bỏ khi rượu được chưng cất ở nhiệt độ nhất định. Trong quá trình nấu rượu, đặc biệt là bằng phương pháp thủ công, chất lượng rượu phụ thuộc vào việc lựa chọn nguyên liệu ban đầu, công nghệ lên men, công nghệ chưng cất. Nguyên nhân khiến rượu có chứa methanol là do dùng nguyên liệu có nhiều tạp chất. Đặc biệt, việc dùng cồn công nghệp có lượng methanol cao để pha chế nhằm hạ giá thành rượu là vô cùng nguy hiểm vì loại rượu này có độ độc rất cao, người uống có nguy cơ tử vong.
Để chống ngộ độc methanol thay vì việc người dân bỏ tiền triệu đổ xô đi mua máy lọc độc tố trong rượu thì các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất rượu, hướng dẫn cho người dân nấu rượu thủ công về quy trình công nghệ để sản xuất rượu đảm bảo chất lượng, đồng thời xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc. “Điều quan trọng nhất là người tiêu dùng chỉ nên mua và uống rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Để đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng bản thân, đặc biệt là khi tham gia giao thông, mỗi cá nhân cần kiềm chế và giảm dần lượng rượu sử dụng xuống càng thấp càng tốt” – PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra lời khuyên (An ninh thủ đô, trang 8).
Vụ cắt chân oan uổng: Đình chỉ công tác êkíp trực
Ngày 25-4, thông tin từ Sở Y tế Đồng Tháp, Sở đã đình chỉ công tác ê kíp trực trong vụ việc liên quan đến em Trần Trúc Giang, 16 tuổi, nhập viện này 11.4.2017 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Hồng. Văn bản này cũng nêu rõ việc đình chỉ công tác cho đến khi có kết luận của hội đồng chuyên môn, ngành y tế sẽ có hướng dẫn xử lý tiếp theo (Tuổi trẻ, trang 14).