Bộ Y tế bàn giao thêm 24 bác sĩ trẻ cho các huyện nghèo
Ngày 25/4, tại Trường ĐH Y Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 24 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp loại khá giỏi khóa Đào tạo bác sĩ chuyên khoa I khóa 4 trong tổng số 354 bác sĩ đang được đào tạo tại trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y- Dược Huế và ĐH Y- Dược Hải Phòng. Đây là hoạt động Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: "Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Bàn giao bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn”
Hà Nội: Tăng cường kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Để ổn định tổ chức bộ máy và cán bộ cơ sở thực hiện công tác dân số, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã phối hợp với thành phố thực hiện theo Công văn số 406/SYT-CCDS để nâng cao hiệu quả hoạt động đội ngũ cộng tác viên và cán bộ chuyên trách của đơn vị trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
Đẩy mạnh chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ
Tại hội nghị giao ban công tác y tế cơ sở quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2019 do Sở Y tế Hà Nội tổ chức, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, quý I/2019, toàn thành phố có số sinh là 23.960 trẻ, tăng 1.146 trẻ so với cùng kỳ năm 2018, 24/30 đơn vị có số sinh tăng (trong đó, số đơn vị tăng cao so với cùng kỳ năm 2018 như huyện Mỹ Đức, quận Hoàng Mai, huyện Ứng Hòa, quận Cầu Giấy, huyện Thạch Thất…).
Số trẻ là con thứ 3 trở lên là 1.889 trẻ, tăng 142 trẻ so với cùng kỳ năm 2018 (Một số đơn vị tăng sinh con thứ 3 trở lên cao so với cùng kỳ như các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Sóc Sơn…). Tỷ số giới tính khi sinh là 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2018 là 113trẻ trai/100 trẻ gái). Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 70,19%, sàng lọc sơ sinh đạt 82,02%.
Quý I/2019, Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ đến tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Tính đến hết tháng 3, có 30/30 quận, huyện, thị xã có kế hoạch và đã triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Tổng số xã, phường thị trấn thực hiện chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ là 548/584 xã phường, trong đó có 403/584 lồng ghép cung cấp dịch vụ kỹ thuật về dân số.
Bên cạnh đó, 18 huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch tọa đàm tìm giải pháp hoàn thành chỉ tiêu công tác dân số. Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội chỉ đạo điểm tại 6 huyện có tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao và tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh thấp như huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Hoài Đức... đẩy mạnh các giải pháp thực hiện tốt công tác dân số.
Đồng thời, toàn thành phố đã triển khai thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số như xây dựng kế hoạch của Ban Chỉ đạo công tác dân số về hoạt động của các Ban, ngành, đoàn thể về công tác DS-KHHGĐ năm 2019; thực hiện kế hoạch triển khai Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; kế hoạch Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; kế hoạch phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030.
Tăng cường kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Trong quý I, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ thành phố cũng đã thực hiện kiểm tra, giám sát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân số năm 2019, tình hình giao chỉ tiêu và dự toán ngân sách chương trình DS-KHHGĐ năm 2019, công tác tổ chức cán bộ tại 6 quận/huyện gồm: Đan Phượng, Sóc Sơn, Đông Anh, Mỹ Đức, Hà Đông, Nam Từ Liêm.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ những tháng tiếp theo, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh đề nghị các quận, huyện, thị xã có số sinh và số sinh con thứ 3 trở lên tăng cần tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát tháo gỡ khó khăn thực hiện tốt các chỉ tiêu thành phố giao. Đồng thời, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng dân số theo Kế hoạch số 133/KH-SYT về thực hiện Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Kế hoạch số 136/KH-SYT về triển khai thực hiện “Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025”; Kế hoạch số 115/KH-SYT về triển khai các hoạt động phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội năm 2019; Kế hoạch số 117/KH-SYT về triển khai các hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh...
Đối với các quận, huyện có tỷ số giới tính khi sinh cao như quận Bắc Từ Liêm, huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh, quận Hà Đông, thị xã Sơn Tây, huyện Hoài Đức, huyện Quốc Oai… PGS.TS Hoàng Đức Hạnh yêu cầu các đơn vị cần tập trung công tác tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các cơ sở dịch vụ có ứng dụng kỹ thuật sàng lọc giới tính thai nhi.
Để ổn định tổ chức bộ máy và cán bộ cơ sở thực hiện công tác dân số, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh đề nghị các quận, huyện, thị xã phối hợp với thành phố thực hiện theo Công văn số 406/SYT-CCDS ngày 28/01/2019 để nâng cao hiệu quả hoạt động đội ngũ cộng tác viên và cán bộ chuyên trách của đơn vị trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Lãnh đạo Sở Y tế cũng đề nghị Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các xã, phường, thị trấn còn yếu kém trong công tác tổ chức, triển khai hoạt động về DS-KHHGĐ... đưa ra các giải pháp thực hiện tốt các chỉ tiêu DS-KHHGĐ năm 2019.
Đặc biệt, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông, lồng ghép cung cấp dịch vụ về DS-KHHGĐ. Trong đó, tập trung hoạt động truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số đến người cao tuổi, đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, đối tượng là các học sinh tại các cơ sở giáo dục… để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hưởng ứng thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới. (Gia đình & Xã hội, trang 1)
Xô xát trong bệnh viện, 6 người bị thương tích
Khoảng 12h30’ ngày 24-4, ông Vĩnh Hưng (Sn 1972, ngụ Tân Phú) điều khiển xe cấp cứu tư nhân BKS 51B-23872 lưu thông vào khuôn viên Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh) để di chuyển một bệnh nhân tử vong trong bệnh viện về chùa Pháp Vân mai táng.
Khi xe vào trong khuôn viên, bảo vệ của bệnh viện đã yêu cầu ông Hưng di chuyển ra khu vực khác, ông Hưng nói chỉ dừng để di chuyển thi thể nạn nhân rồi đi ngay nhưng tổ bảo vệ không đồng ý dẫn đến mâu thuẫn, ông Hưng dùng điện thoại ghi lại hình ảnh trên và giữa bên xảy ra xô xát.
Ông Hưng bị 5 bảo vệ khống chế. Con trai ông Hưng là Thịnh (Sn 1998) chạy vào tấn công giải vây cho ông Hưng. Thịnh bị tổ bảo vệ bắt trói đưa vào phòng và dùng bình chữa cháy xịt bọt chữa cháy vào mặt.
Vụ xô xát gây náo loạn khu vực khuôn viên bệnh viện, Công an quận 10 đã có mặt tại hiện trường để giải quyết vụ việc. Thịnh được đưa về trụ sở Công an làm rõ, riêng 6 người bị thương, trong đó có ông Hưng được đưa vào bệnh viện kiểm tra.
Qua kiểm tra 5 bảo vệ bị thương vùng tay, mặt, chấn thương nội sọ. Theo ông Đinh Phú Huynh (Sn 1969, ngụ Tân Phú, người nhà của nạn nhân tử vong), ông Hưng có nói với bảo vệ dừng xe chút xíu để phụ người nhà đưa thi thể người nhà tôi xuống nhưng tổ bảo vệ "khăng khăng" không cho nên xảy ra xô xát. Chuyện bảo vệ giải quyết quá cứng nhắc khiến nhiều người không đồng tình.
Ông Nguyễn Ngọc Phú-Trưởng Phòng Hành chính Quản trị Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, việc tài xế Hưng điều khiển xe ô tô vào khu vực tiếp nhận bệnh cấp cứu khiến cản trở lối vận chuyển bệnh nhân vào khoa cấp cứu. Khi bảo vệ phát hiện đã yêu cầu ông Hưng điều khiển phương tiện đi nơi khác và không được quay phim chụp hình thì bị ông Hưng chống đối. Lúc này, bảo vệ áp sát khống chế thì bị ông Hưng cắn vào tay nên xảy ra mâu thuẫn. Phía bệnh viện cũng rút kinh nghiệm trong việc xử lý các vụ việc tương tự. (Công an Nhân dân, trang 5)
Nhiều ca viêm màng não nhập viện nặng do không tiêm vaccine
Không tiêm phòng vaccine hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ đã khiến nhiều trẻ em bị viêm não - màng não do vi khuẩn có thể gây tử vong trong 24 giờ, hoặc có thể gây tàn tật suốt đời. Đây là thời gian cao điểm của bệnh viêm não - màng não, đặc biệt là viêm não Nhật Bản, nên người dân phải hết sức đề phòng, đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ.
Trẻ lớn cũng bị mắc viêm não
Có mặt tại Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương vào sáng 24/4, chúng tôi chứng kiến khoảng 30 ca bệnh viêm não - màng não đang được điều trị tại đây. Các bệnh nhi hầu hết đều bị biến chứng nặng, có bé bị tổn thương thần kinh.
Đáng thương nhất là cháu bé hơn 6 tháng tuổi ở xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhập viện đến nay đã được 2 tháng 10 ngày. Mẹ cháu – chị Nguyễn Thị Dung cho biết: “Khi cháu được 4 tháng tuổi có biểu hiện li bì, không quấy khóc, tôi cho con tới bệnh viện huyện khám, bác sĩ bảo cháu bị viêm phổi. Điều trị 2 ngày chuyển lên bệnh viện tỉnh vẫn bảo viêm phổi. Hôm sau cháu sốt và được chuyển lên BV Nhi Trung ương. Kết quả chọc dịch não tủy cháu bị viêm màng não mủ do phế cầu, biến chứng não thất. Cháu bỏ bú, nằm li bì suốt 2 tháng. Cháu mới tỉnh lại một tuần nay, bác sĩ bảo để hồi phục được là rất khó khăn”.
Nhập viện đã 3 ngày, bé Nguyễn Tấn Lộc (19 tháng tuổi, ở Nho Quan, Ninh Bình) đỡ sốt hơn nhưng bệnh vẫn diễn biến nặng. Chị Đinh Thị Mận (mẹ bé Lộc) cho biết, tuần trước bé bị sốt cao li bì, đã khám và điều trị ở BV tỉnh Ninh Bình nhưng không đỡ, bé được chuyển lên BV Nhi Trung ương. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bé được chẩn đoán giãn não thất/viêm màng não. Ngày 23/4 bé được mổ dẫn lưu. “Cháu chưa tiêm phòng viêm não mô cầu cũng như viêm não Nhật Bản”- chị Mận ân hận cho biết.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới, BV Nhi Trung ương, không chỉ trẻ nhỏ mà trẻ lớn cũng có thể bị viêm màng não. Nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt hơn 1 tháng, bệnh nhân Nguyễn Tiến Đ (14 tuổi) được chẩn đoán là viêm não, viêm màng não, tổn thương thần kinh, phải thở máy. Theo các bác sĩ, đến nay vẫn chưa tìm ra căn nguyên vi sinh gây bệnh cho bệnh nhân. Hiện cháu Đ đã tỉnh, cai máy thở, có phản xạ nhưng không nhận thức được xung quanh.
Hầu hết các ca đang điều trị đề diễn biến bệnh nhanh, nhiều cháu không được chẩn đoán đúng bệnh ở tuyến dưới, đã lỡ mất “thời gian vàng” trị liệu. Chị Phạm Thị Định (Thanh Hóa) là bác của bệnh nhân Ngô Văn Đức (12 tuổi) kể: “Cháu đi học về sốt cao, gia đình đưa tới bệnh viện tỉnh nhưng không chẩn đoán ra bệnh.
Cháu sốt liên tục 6 ngày, co giật, hôn mê gia đình sợ quá xin chuyển cháu ra BV Nhi Trung ương. Ở đây chẩn đoán cháu bị viêm não Nhật Bản. Ba ngày trước cháu vẫn còn mê sảng, la hét, chỉ nhận ra mẹ. Hôm nay cháu đỡ rồi, không la hét nữa nhưng bác sĩ bảo phải điều trị lâu dài, trí nhớ chưa khôi phục được”. Theo chị Định, cháu Đức chưa tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cũng như các loại viêm não khác.
Tiêm phòng để ngừa bệnh
Tại buổi gặp mặt các gia đình có con đang mắc và từng mắc viêm não - màng não tổ chức ngày 24/4, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trung bình mỗi năm bệnh viện điều trị từ 300-500 ca viêm não- màng não. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm não, hàng đầu là virus viêm não Nhật Bản B (chiếm 70% trường hợp); viêm não do virus herpes, các virus đường ruột (như EV 71 gây bệnh chân tay miệng), sởi, quai bị và các virus khác.
Tuy nhiên, bệnh nhân mắc viêm não còn hơn 30% chưa rõ căn nguyên, có căn nguyên hiếm gặp và rất khó tìm thấy. Mức độ biến chứng sau khi viêm não - màng não tùy theo nguyên nhân.
Chẳng hạn viêm não Nhật Bản B chỉ có 50% khỏi và hồi phục hoàn toàn, 20% là để lại di chứng nhẹ, 3% tử vong, và gần 30% di chứng nặng về tinh thần và vận động. Còn một số virus khác, như do herpes di chứng có thể lên tới 60%-70%. Còn loại virus gây bệnh tay chân miệng ở ngay giai đoạn cấp của bệnh có thể gây ra tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Theo TS Nguyễn Văn Lâm, nhiều trường hợp bác sĩ đa khoa tuyến dưới bỏ sót triệu chứng bệnh nên đã bỏ qua “thời điểm vàng” điều trị, dẫn tới di chứng cho trẻ. “Cách phát hiện sớm trẻ viêm màng não là sốt kèm theo đau đầu, cứng gáy, thóp phồng, li bì – hôn mê, dễ kích thích, co giật, nôn. Riêng trẻ sơ sinh có thể không sốt hoặc có sốt và có kèm theo một trong các triệu chứng trên. Cha mẹ nên đưa con đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”- TS Lâm khuyến cáo.
Viêm não - màng não do vi khuẩn là một trong những bệnh nhiễm trùng nặng nhất ở trẻ vì tỷ lệ tử vong cao và để để lại nhiều chứng nặng nề về tinh thần và vận động. Theo PGS.TS Trần Minh Điển, có trẻ 5-10 năm sau mới xuất hiện di chứng về tinh thần. Do tỷ lệ di chứng cao, việc phục hồi sẽ rất vất vả và khó khăn. Đây là gánh nặng trực tiếp lên mỗi gia đình. Hiện Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho các cháu bại não mỗi tháng bằng 1 tháng lương cơ bản. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này chưa đầy đủ cho các cháu, cần có sự chung tay hỗ trợ thêm của cộng đồng.
PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, bệnh viêm não - màng não hoàn toàn có thể phòng được bằng tiêm vaccine. Tuy nhiên, hầu hết các cháu nhập viện tại BV Nhi Trung ương đều không tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ, không tiêm nhắc lại sau 3 năm. Hiện đang là thời kỳ cao điểm của bệnh viêm não - màng não, do vậy, phụ huynh hãy đưa con đi tiêm phòng vaccine đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ con mình và cho cộng đồng. (Công an Nhân dân, trang 7)
Khởi tố bị can đường dây làm giả giấy khám sức khỏe, giấy ra viện
Công an thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh quyết định khởi tố hình sự đường dây chuyên làm giả giấy khám sức khỏe, giấy ra viện của Bệnh viện Bạch Mai.
Qua công tác nghiệp vụ, nắm tình hình, Công an thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh phát hiện đường dây làm giả giấy ra viện, giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để bán cho các cá nhân, chủ yếu là công nhân và người lao động tại các Khu công nghiệp trên địa bàn có nhu cầu làm hồ sơ xin việc, hưởng chế độ phúc lợi, bảo hiểm….Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Công an thị xã Từ Sơn xác lập Chuyên án để phối hợp đấu tranh triệt phá.
Sau quá trình thu thập thông tin, tài liệu, hồi 09h30’ ngày 17/4/2019, tại khu vực vòng xuyến cầu vượt Đại Đình thuộc Phù Chẩn, TX Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Công an thị xã Từ Sơn bắt giữ đối tượng Hà Lương Thường, sinh năm 1986 ở Tây Lương, Tiền Hải, Thái Bình có hành vi mua bán giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức, thu giữ: 08 giấy ra viện, 04 giấy khám sức khỏe, 05 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm và 01 giấy chứng nhận nằm viện mang danh Bệnh viện Bạch Mai (đều chưa ghi nội dung, có đóng dấu tròn, dấu chức danh, chữ ký của Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh và chữ ký của một số bác sĩ khác nghi là giả).
Khám xét khẩn cấp nơi ở của Thường, thu giữ 70 giấy khám sức khỏe; 46 giấy ra viện; 13 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội và 15 giấy chứng nhận nằm viện.
Điều tra mở rộng, đã làm rõ bắt giữ Lê Thị Tỵ, sinh năm 1965 ở Kiôt Chợ Vàng, Cổ Bi, Gia Lâm, TP Hà Nội là đối tượng bán các giấy tờ giả trên cho Thường. Khám xét khẩn cấp nơi ở của Tỵ thu giữ 30 giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, 29 giấy chứng nhận nằm viện, 08 giấy khám sức khỏe giả.
Ngày 22/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Từ Sơn đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can đối với Hà Lương Thường và Lê Thị Tỵ về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341, Bộ luật hình sự 2015 và đang tiếp tục tập trung phối hợp đấu tranh mở rộng vụ án.
Qua vụ việc trên, Công an tỉnh Bắc Ninh khuyến cáo người dân tuyệt đối không tiếp tay, mua bán các loại giấy tờ giả, nhất là nâng cao cảnh giác, không mua, sử dụng các loại giấy khám sức khỏe, giấy nằm viện, giấy ra viện… đã có sẵn chữ ký, con dấu. Mọi hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả phải chịu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Khi nghi vấn hoặc phát hiện các đối tượng, vụ việc làm giả giấy tờ, tài liệu, đề nghị thông báo ngay cho cơ quan Công an để giải quyết. (Sức khỏe & Đời sống, trang 11)
Nắng nóng: Bảo vệ sức khỏe để tránh mắc bệnh
Liên tiếp trong những ngày qua, nhiệt độ tại nhiều địa phương lên tới hơn 38 - 39oC. Nắng nóng liên tục đã khiến số bệnh nhân đến khám, điều trị tại các bệnh viện gia tăng, đặc biệt là người già và trẻ em.
Những người có yếu tố nguy cơ, cẩn trọng bị đột quỵ khi nắng nóng
Mỗi ngày Khoa Cấp cứu A9 - BV Bạch Mai đã tiếp nhận hàng chục trường hợp đến cấp cứu do bị đột quỵ. Đây mới là thời điểm đầu hè và con số này sẽ còn gia tăng khi theo dự báo tình hình nắng nóng năm nay sẽ đạt mức kỷ lục.
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9 - BV Bạch Mai, nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ mà nó chỉ là yếu tố thuận lợi khiến những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, tim mạch... có thể bị đột quỵ.
PGS. Chi cũng lưu ý người dân trong điều kiện nắng nóng bất thường như hiện nay cần chú ý đến điều kiện tập luyện, nên tránh thời điểm nắng nóng nhất thường từ 12 - 16 giờ, nên chọn sau thời điểm này, nhiệt độ dịu hơn. Bởi trong môi trường nắng nóng nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ cơ thể tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sẽ có nguy cơ gây ra đột quỵ hoặc sốc nhiệt.
Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động chống nắng, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời. Đặc biệt cần lưu ý uống đủ nước để phòng mất nước.
Theo BS. Đào Việt Phương - Khoa Cấp cứu A9, có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để hạn chế đột quỵ xảy ra thì đó là dự phòng cấp 1. Còn khi đã bị đột quỵ được xuất viện thì phải dự phòng cấp 2, sử dụng thuốc và các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ đều đặn. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã không theo chỉ định của bác sĩ, tự ý bỏ thuốc và đã bị đột quỵ lần 2 với mức độ nặng tăng lên. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ lần 2 đến Khoa Cấp cứu trong tình trạng nặng và khó có cơ hội phục hồi hoàn toàn.
Hiện BV Bạch Mai đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đối với bệnh nhân đột quỵ như kỹ thuật tiêu sợi huyết đối với bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ... giúp cứu sống và phục hồi tốt cho rất nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân đến BV Bạch Mai cấp cứu sớm trong “khung giờ vàng” - 6 giờ đầu chỉ chiếm gần 10%.
Trẻ nhỏ, người già đều đổ bệnh vì nắng nóng
Tại phía Nam, theo số liệu thống kê từ BV Nhi đồng 1- TP.HCM, trong khoảng hơn 1 tuần trở lại đây, mỗi ngày Khoa Khám bệnh của BV tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhi đến khám liên quan đến bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi và tiểu phế quản. Trong đó, các bệnh hô hấp chiếm từ 10-20%, tiêu hóa chiếm khoảng 5-10%. Còn tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM, trong tuần giữa tháng 4 đến nay, BV tiếp nhận khoảng 3.500 đến 7.000 bệnh nhi đến khám.
Theo BSCKII. Vũ Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Thống Nhất, TP. HCM, trong những ngày nắng nóng gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại khoa có dấu hiệu gia tăng, trong đó nhiều nhất là người cao tuổi.
Trong những ngày gần đây số bệnh nhân đến khám và điều trị do bệnh cúm gia tăng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (BV Bạch Mai). Trong 3 tháng qua có 170 bệnh nhân cúm điều trị, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng phải thở máy. PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, trong số 35 bệnh nhân người lớn đang điều trị các bệnh lây qua đường hô hấp, có hơn 20 bệnh nhân cúm, đặc biệt có 4 bệnh nhân cúm rất nặng phải thở máy. Ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận vài ca cúm nặng phải nhập viện. Đáng chú ý trong đó có bệnh nhân viêm phổi nặng do cúm trên nền bệnh xơ gan, đái tháo đường dù được cứu chữa tích cực nhưng bệnh quá nặng, gia đình xin về.
Một điểm được cho là khác lạ là thời tiết đang nóng (gần 40oC) nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân cúm nhập viện vì thông thường khi nhiệt độ thấp virut mới phát triển. Các ca mắc bệnh cúm năm nay chủ yếu là cúm mùa như A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Bệnh rất dễ trở nặng nếu bệnh nhân có nền bệnh tật phức tạp, mắc nhiều bệnh phối hợp khác.
Ngoài ra, các bệnh nhân vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới khám và điều trị vì các bệnh sởi, thủy đậu... cũng gia tăng đáng kể. Những người phải nhập viện đều trong tình trạng nặng có biến chứng suy hô hấp hoặc đã mắc các bệnh khác như tim phổi mạn, suy thận, đái tháo đường, hoặc đang mang thai. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Quy định việc thu phí đối với thân nhân người bệnh
Thời gian gần đây, việc thu phí đối với thân nhân người bệnh (người nuôi người bệnh đang được chữa trị trong bệnh viện) của một số bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh đã gây ra nhiều luồng thông tin, ý kiến trái chiều trong dư luận. Câu chuyện xảy ra tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Ðức gây nhiều bức xúc nhất, do bệnh viện này tiến hành thu phí 30 nghìn đồng/ngày đối với thân nhân người bệnh (TNNB). Tuy nhiên, việc thu phí chỉ triển khai được một ngày thì ngưng lại vì vấp phải phản ứng của nhiều TNNB, đồng thời, bệnh viện cũng đã có báo cáo lên Sở Y tế thành phố.
Lý do thu phí là để hạn chế và đề phòng kẻ gian trà trộn vào bệnh viện, gây mất an ninh trật tự hoặc trộm cắp; để phục vụ TNNB tốt hơn cũng như có thể bù đắp phần nào chi phí hoạt động của bệnh viện do các bệnh viện đã tự chủ về tài chính. Thực tế cho thấy, không chỉ bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Ðức mà lâu nay, cũng với những lý do nêu trên, nhiều bệnh viện ở thành phố đã thu phí TNNB ở một số loại hình dịch vụ, tiện ích với nhiều mức độ khác nhau. Chẳng hạn, Bệnh viện Từ Dũ thu phí đối với TNNB là người thứ hai trở đi, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như một số bệnh viện khác thì thu phí đối với TNNB sử dụng nhà lưu trú…
Không phải đến bây giờ mà trước đây, việc thu phí đối với TNNB ở một số bệnh viện tại thành phố từng bị phản ánh và Sở Y tế thành phố đã yêu cầu các bệnh viện ngưng thu. Tuy nhiên, cho đến nay thì ngành y tế thành phố cũng chưa có văn bản hoặc hướng dẫn cụ thể, chi tiết nào về việc thu phí đối với TNNB. Cùng với đó, quy định hiện hành của Bộ Y tế (Thông tư 37/2018/TT-BYT, ngày 30-11-2018) cũng chưa đề cập đầy đủ cơ cấu giá dịch vụ y tế hoặc tính hết những tình huống phát sinh trong quá trình người bệnh được chữa bệnh ở bệnh viện. Vì vậy, để có thể cân đối hoặc bù đắp thu -
chi trong bối cảnh đã tự chủ về tài chính, các bệnh viện buộc phải thu phí đối với TNNB. Ðồng thời, do chưa có "chuẩn mực" nào, cho nên cách thu phí ở mỗi bệnh viện mỗi kiểu, mỗi mức giá và mức độ đáp ứng dịch vụ, tiện ích cũng muôn mầu muôn vẻ. Do vậy, việc thu phí TNNB cũng nhận được phản ứng khác nhau, có nơi phản đối nhưng cũng có nơi đồng tình. Việc thu phí nêu trên không có sự giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh triệt để của các ngành, cơ quan chức năng liên quan như y tế, tài chính…
Rõ ràng, việc thu phí TNNB, dù là hợp lý ở một mức độ nhất định, nhưng là chuyện nhạy cảm và chưa hợp tình, nhất là trong bối cảnh chi phí chữa bệnh ngày càng tăng trong những năm gần đây. Ðể bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người bệnh và bệnh viện, nhất là góp phần tạo môi trường chăm sóc và điều trị tốt nhất cho người bệnh, ngành y tế cần có quy định, khung pháp lý rõ ràng và cụ thể, đưa việc thu phí vào khuôn khổ pháp lý chứ không thể "thả nổi" như trong thời gian vừa qua. Ðiều gì bất cập, bất hợp lý thì cần nhanh chóng điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tế, đặc điểm của từng khu vực, vùng miền, từng địa phương cụ thể. Bộ Y tế nên xem xét có hướng dẫn cụ thể hoặc HÐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể ban hành nghị quyết quy định việc thu phí này. Việc thu phí nên linh hoạt, sử dụng dịch vụ gì thì đáp ứng và thu phí dịch vụ đó chứ không nên thu phí trọn gói một cách cứng nhắc. Trong đó, không nên thu phí ở những dịch vụ, tiện ích tối thiểu như nhà vệ sinh, nước rửa tay, nước uống, thang máy, sạc điện thoại… và các dịch vụ, tiện ích khác đã có trong cơ cấu giá dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, cần có chính sách, cơ chế khuyến khích, ưu đãi để các bệnh viện đẩy mạnh việc nâng cấp và cung cấp các dịch vụ, tiện ích tối thiểu không thu phí; nhất là đầu tư, triển khai thêm những dịch vụ, tiện ích khác để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người bệnh và TNNB như nhà lưu trú, thực phẩm, giặt quần áo, giường, ghế…
Ðể việc thu phí đối với TNNB bảo đảm hợp lý, hợp tình vừa khả thi thì ngành y tế cần công khai, minh bạch và tuyên truyền rộng rãi giúp cho người bệnh và TNNB hiểu rõ và đồng thuận. (Nhân dân, chuyên trang TPHCM)
Bài toán tài chính và biên chế cho các cơ sở y tế tại Nghệ An
Thời gian gần đây, ngành y tế tỉnh Nghệ An triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tự chủ tài chính gắn với tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách cũng như đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Khó khăn tinh giản biên chế
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An Dương Ðình Chỉnh cho biết: Ngành y tế Nghệ An đang tập trung sắp xếp lại bộ máy, sáp nhập các đơn vị, đầu mối theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương đề ra. Trong hai năm qua, ngành y tế đã giảm 11 đơn vị thuộc sở trên cơ sở hợp nhất trung tâm y tế 10 huyện với 10 bệnh viện (BV) đa khoa tuyến huyện; sáp nhập Trung tâm Giám định pháp y tâm thần vào BV Tâm thần Nghệ An; ngoài ra giải thể 14 phòng khám đa khoa khu vực do hoạt động không hiệu quả. Chỉ tính riêng việc hợp nhất 10 trung tâm y tế với các BV, không chỉ giảm được 10 đầu mối mà còn giảm được 332 biên chế và quan trọng nhất là tập trung được nguồn lực để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo bác sĩ Hồ Sơn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Nam Ðàn, việc thống nhất một đầu mối quản lý về chuyên môn từ xã lên huyện đã giúp công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân và việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế thuận tiện, nhịp nhàng và hiệu quả hơn. Nhiều trang thiết bị cấp cho trung tâm y tế huyện trước đây chưa được khai thác hiệu quả thì nay đã được phát huy; đồng thời huy động tối đa lực lượng để làm công tác phòng, chống dịch bệnh khi cần thiết.
Theo lộ trình, trong hai năm 2019 -2020, ngành y tế Nghệ An sẽ thực hiện bốn đề án, trong đó có hai đề án lớn là sáp nhập trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện, thị, thành vào trung tâm y tế huyện và thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh (trên cơ sở sáp nhập sáu đơn vị thuộc hệ thống dự phòng). Sau khi sắp xếp lại, tổ chức bộ máy sẽ giảm 37 đầu mối. Song song với đó, từ nay đến năm 2021, sẽ tăng các đơn vị khám, chữa bệnh (KCB) thực hiện tự bảo đảm chi thường xuyên, chuyển 520 biên chế hưởng lương ngân sách sang đơn vị tự trả lương; giảm 68 cấp phó. Lĩnh vực dự phòng tăng dần mức độ tự chủ hằng năm; đồng thời, giảm 10% số biên chế so với năm 2015 đối với các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng. Số biên chế này điều chỉnh bổ sung tăng cho các đơn vị KCB quá tải về số giường bệnh (đơn vị chưa tự chủ chi thường xuyên)… Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Ðình Chỉnh khẳng định: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm phải làm cho bằng được trong thời gian tới.
Nghệ An có 12 trong số 21 trung tâm y tế huyện thực hiện hai chức năng vừa KCB vừa thực hiện công tác y tế dự phòng, sắp tới sáp nhập thêm phần dân số - kế hoạch hóa gia đình dễ dẫn đến tình trạng các đơn vị này tập trung vào mảng KCB mà xem nhẹ mảng dự phòng và dân số, nhất là khi được giao tự chủ tài chính. Theo đó, cơ chế tự chủ tài chính sẽ giao cho phần KCB, còn phần dự phòng và dân số thì ngân sách vẫn phải cấp, dẫn đến công việc, thu nhập giữa cán bộ, nhân viên người lao động trong một đơn vị sẽ không đồng đều. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ dân số có trình độ y tế ít và yếu, khi nhập vào sẽ khó khăn khi hoạt động chuyên môn. Bên cạnh đó, mô hình hoạt động cũng chưa rõ ràng vì chưa có hướng dẫn của cấp trên về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm y tế huyện khi sáp nhập thêm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Việc sáp nhập sáu đơn vị thuộc hệ thống dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật cũng sẽ dôi dư nhiều cán bộ từ cấp phó và những người làm công tác hành chính, phục vụ… Khi mới sáp nhập, việc thực hiện từng nhiệm vụ, bộ phận bước đầu gặp khó khăn trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Ðáng chú ý, khi sáp nhập, cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối, trong lúc cấp T.Ư lại nhiều đầu mối cho nên hoạt động khó hiệu quả.
Ðể giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên, đòi hỏi ngành y tế Nghệ An phải tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông, quán triệt các chủ trương, chính sách về kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế; làm tốt công tác tư tưởng cho người lao động. Các đơn vị hợp nhất phải sớm xây dựng đề án vị trí, việc làm phù hợp; có phương án giải quyết số lao động dôi dư cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn phù hợp cho số viên chức dân số huyện chuyển sang. Cần lựa chọn được người đứng đầu, thật sự có tâm, có tầm, năng động thì mới phát huy được tính tích cực, chủ động của các đơn vị sau khi sáp nhập, nhất là các trung tâm y tế đa chức năng…
Bài toán tự chủ tài chính
Bên cạnh tập trung tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy việc thực hiện tự chủ tài chính tại các BV công lập tại Nghệ An đã tạo ra tác dụng kép, vừa giảm được biên chế vừa tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh về chất lượng KCB. Muốn thu hút được người bệnh, các BV phải thay đổi toàn diện, từ chất lượng KCB đến cách ứng xử, giao tiếp.
BV đa khoa TP Vinh là đơn vị tiên phong của ngành y tế Nghệ An thực hiện tự chủ tài chính. Bác sĩ Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc BV chia sẻ: Nhờ tự chủ tài chính, BV có điều kiện phát triển cơ sở vật chất và thiết bị y tế hiện đại. BV đã hoàn thành năm trong bảy tiêu chí "bệnh viện thông minh", góp phần tạo bước đột phá trong hoạt động KCB, nhất là tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận những dịch vụ kỹ thuật cao. Cơ chế tự chủ tài chính giúp BV giải bài toán nhân lực, có điều kiện thu hút bác sĩ giỏi về làm việc và thực hiện kế hoạch phát triển kỹ thuật mới, chuyên sâu… Ba năm trước, BV chỉ có 50 bác sĩ, nay đã tăng lên 150 người, trong đó có 10 bác sĩ nội trú, 22 bác sĩ tốt nghiệp bằng giỏi. Nhiều bác sĩ được gửi đi đào tạo, nâng cao trình độ và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới, chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến T.Ư, theo hình thức cầm tay chỉ việc...
Nhờ đó, đến nay, BV đa khoa TP Vinh đã làm chủ nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu như: phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da bằng đường hầm nhỏ; phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng khớp gối; kỹ thuật siêu lọc trong lọc máu nhân tạo... Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyển sang tư duy phục vụ, tạo sự hài lòng cho người bệnh. Hiện, trung bình mỗi ngày BV thực hiện khám cho 2.000 người bệnh ngoại trú và điều trị nội trú cho khoảng từ 650 đến 700 người bệnh; tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn khoảng 1%… góp phần giảm tải cho BV tuyến trên. Với kết quả đạt được và lộ trình đã đề ra, đến năm 2020, BV đa khoa TP Vinh sẽ tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và đầu tư, hoạt động giống như mô hình doanh nghiệp.
Tương tự, BV Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An cũng đã có nhiều thay đổi lớn nhờ sự góp sức của tự chủ tài chính. BV chủ động trong việc thực hiện các kế hoạch, nhất là tuyển dụng nhân sự, thành lập các phòng, khoa mới theo yêu cầu; hợp đồng thuê chuyên gia, bác sĩ đầu ngành tuyến T.Ư để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cao. BV hiện có đội ngũ bác sĩ được đào tạo bài bản, trong đó gần 50% có trình độ sau đại học, làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên môn cao như: Phẫu thuật tim mạch, thụ tinh nhân tạo… BV đang phấn đấu trở thành BV khu vực Bắc Trung Bộ.
Không chỉ các BV trên địa bàn TP Vinh, mà cả các BV ở vùng đồng bằng như các huyện: Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Thanh Chương đến vùng miền núi như Con Cuông, Nghĩa Ðàn… đều thực hiện tự chủ tài chính gắn với đổi mới tinh thần thái độ phục vụ, cải cách thủ tục hành chính. Sự đổi mới một cách rõ nét về mọi mặt ở các BV đã được người dân đánh giá cao. Nhờ tự chủ tài chính, sau hơn hai năm, Nghệ An đã có 10 BV tuyến tỉnh và năm BV tuyến huyện dứt "bầu sữa" ngân sách nhà nước, giảm chi ngân sách hơn 429 tỷ đồng; cùng với đó, giảm 4.238 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Rõ ràng, tự chủ tài chính đã xóa bỏ cơ chế xin, cho tạo nên sự công bằng, hiệu quả. (Nhân dân, trang 1)
Bác sĩ tận tâm với công việc
Trong câu chuyện đời, chuyện nghề của bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Ðức Hậu, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế TP Tam Ðiệp (Ninh Bình), người đã gắn bó với ngành y tế hơn 30 năm nay, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả của người bác sĩ nói chung và bác sĩ ngoại khoa nói riêng.
Bác sĩ Hậu quan niệm, công tác điều trị phải gắn với nghiên cứu khoa học, không ngừng ứng dụng các kỹ thuật cao vào công tác khám và điều trị bệnh; làm bất cứ việc gì cũng luôn nhớ lời Bác Hồ căn dặn "lương y phải như từ mẫu". Tay nghề vững và y đức tốt, bác sĩ Hậu dành cả tình yêu của mình cho người bệnh.
Sinh năm 1960, là người con quê hương Nghĩa Hưng (Nam Ðịnh), nhưng bác sĩ Nguyễn Ðức Hậu có mối nhân duyên lớn và gắn bó với mảnh đất Tam Ðiệp như quê hương thứ hai của mình. Tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội năm 1985 chuyên ngành Ða khoa ngoại sản, anh được điều động làm bác sĩ quân y Lữ đoàn 299 - Quân đoàn 1. Từ năm 1988, anh chuyển về công tác tại Bệnh viện Ðồng Giao (nay là Trung tâm Y tế TP Tam Ðiệp), công tác trong ngành y tế TP Tam Ðiệp đến nay. Gắn bó với đất và người Tam Ðiệp hơn 30 năm qua, bác sĩ Hậu không nhớ hết đã thực hiện bao nhiêu ca phẫu thuật, bao nhiêu bệnh nhân được cứu sống. Chia sẻ về nghề, anh cho biết: Với bác sĩ ngoại khoa, mỗi ca bệnh là một cuộc sát hạch khác nhau, nếu không chú ý hoặc không nghiên cứu kỹ kỹ thuật mổ thì chỉ trở thành thợ mổ, bác sĩ không chỉ mổ bằng tay mà phải mổ bằng cả cái đầu. Vì cùng vào cuộc phẫu thuật như nhau, nhưng nếu phán đoán giỏi, phát hiện nhanh tổn thương, đưa ra được kỹ thuật hợp lý thì sẽ có được đường mổ đẹp, rút ngắn thời gian mổ, giảm nhiều rủi ro cho bệnh nhân.
Nhớ hồi về Bệnh viện Ðồng Giao công tác, đúng vào những ngày đầu xuân, có chị công nhân người xã Quang Sơn đi làm khai xuân chẳng may bị liềm mắc đứt mạch nách. Bác sĩ Hậu cùng các đồng nghiệp phải nỗ lực khắc phục khó khăn khi trang thiết bị chưa thật đầy đủ và hiện đại, máy gây mê chưa có, phải gây mê nội khí quản, cuối cùng cũng đã phẫu thuật nối thành công mạch nách cho bệnh nhân. Rồi những năm đầu công tác ở Bệnh viện Ðồng Giao, chỉ có hơn 10 bác sĩ đảm nhận chăm sóc sức khỏe cho công nhân Nông trường Ðồng Giao, Nông trường Phùng Thượng, Nông trường Hà Trung, Trung tâm Giống của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cả nhân dân trên địa bàn thị xã Tam Ðiệp, cho nên bác sĩ ngoại cũng thường xuyên mổ phiên, mổ cấp cứu. Bác sĩ Hậu chia sẻ: "Có năm, vào phút Giao thừa, chúng tôi vẫn đang thực hiện ca mổ cấp cứu. Xong việc, ngước mắt lên nhìn đồng hồ thì Giao thừa đã đi qua từ khi nào. Lịch trực cứ quay vòng, bệnh nhân vẫn luôn chờ chúng tôi. Hoàn thành ca cấp cứu cho bệnh nhân xong, tôi và các đồng nghiệp trong kíp trực mới thở phào nhẹ nhõm".
Không chỉ là bác sĩ ngoại khoa có tay nghề cao, bác sĩ Hậu còn là người quản lý tốt. Với vai trò là trưởng khoa, anh luôn cùng các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa đoàn kết, nêu cao y đức người thầy thuốc, tận tụy với công việc, hết lòng với bệnh nhân. Khoa Ngoại tổng hợp hằng năm đều vượt chỉ tiêu Trung tâm giao, nhiều năm là khoa dẫn đầu của Trung tâm Y tế thành phố. (Nhân dân, trang 8)