Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/6/2019

  • |
T5g.org.vn - Phẫu thuật thành công sản phụ sanh 3 có nguy cơ tiền sản giật; Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội giảm; Công an Nghệ An điều tra vụ việc điều dưỡng viên bị hành hung...

 

Biểu dương 106 gia đình tiêu biểu ngành Y tế Thủ đô năm 2019

Nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), ngày 25-6, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đã tổ chức Ngày hội gia đình-biểu dương gia đình tiêu biểu ngành Y tế Thủ đô năm 2019.

Ông Trịnh Tố Tâm, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội cho biết, y tế là ngành lao động đặc thù bởi liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Những người làm việc trong ngành dành phần lớn thời gian, trí lực của mình tại bệnh viện, phòng khám, trạm y tế, phòng nghiên cứu… Điều đó đã ảnh hưởng lớn tới đời sống hằng ngày của họ, đặc biệt là việc nuôi dạy và chăm sóc con, xây dựng hạnh phúc gia đình. Chính vì vậy, trong những năm qua, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đã thường xuyên tổ chức, phát động các phong trào thi đua xây dựng gia đình “Ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”…

Các phong trào này đã động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, lao động không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, chăm lo xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nuôi dạy con chăm ngoan, học giỏi.

Để xây dựng gia đình cán bộ, công nhân, viên chức, lao động ngày một tốt hơn, đồng chí Trịnh Tố Tâm yêu cầu, thời gian tới, hoạt động của các cấp công đoàn cần tập trung vào công tác truyền thông về giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho cán bộ, nhân viên; nâng cao chất lượng và gắn các phong trào thi đua yêu nước, danh hiệu chiến sĩ thi đua, người tốt việc tốt… với xây dựng gia đình văn hóa hiệu quả, thiết thực.

Dịp này, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội đã biểu dương 106 gia đình tiêu biểu và khen thưởng 64 học sinh giỏi năm học 2018-2019 là con cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trong ngành. (Hà Nội mới, trang 6)  

 

Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội giảm

Chiều 25-6, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội tổ chức hội thảo nâng cao hiệu quả tuyên truyền về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, sau nhiều nỗ lực trong công tác dân số, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm từ 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2015 xuống còn 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái trong 6 tháng đầu năm 2019.

Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhờ triển khai sâu rộng nhiều giải pháp tại 30/30 quận, huyện, thị xã, như: Giảm sinh con thứ 3, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, nâng cao chất lượng dân số, động viên, tuyên dương các gia đình sinh con một bề là gái... đã giúp cho tỷ lệ giới tính khi sinh của Hà Nội giảm rõ rệt. Tuy nhiên, hiện một số huyện ngoại thành, như Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức..., tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao. (Hà Nội mới, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Khoa học & Đời sống, trang 2: “Hà Nội giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”

 

Công an Nghệ An điều tra vụ việc điều dưỡng viên bị hành hung

Ngày 25-6, Công an huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An cho biết đang điều tra sự việc chị Nguyễn Thị Phương, điều dưỡng viên của Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu, bị nhóm thanh niên hành hung tại nơi làm việc mấy ngày trước đó.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu: Sự việc diễn ra vào hồi 21’30 ngày 21-6-2019, Trung tâm Y tế Quỳ Châu có tiếp nhận bệnh nhân bị vết thương ở bàn tay do một nhóm thanh niên đưa vào viện.

Nhóm này đưa bệnh nhân đi thẳng vào khu vực phòng tiểu phẫu của Khoa ngoại. Thời điểm này, phòng tiểu phẫu đang khóa nên nhóm người đứng ngoài chửi bới. Nghe tiếng ồn, kíp trực Khoa Ngoại Sản đi sang, xem xét tình hình và đưa bệnh nhân vào Phòng tiểu phẫu để kiểm tra và xử lý vết thương.

Mặc dù kíp trực có mặt kịp thời và không hề có phản ứng gì trước những lời lẽ và hành động của nhóm thanh niên nhưng có một đối tượng có những lời lẽ xúc phạm đến các cán bộ y tế.

Sau khi đưa bệnh nhân vào trong phòng tiểu phẫu, kíp trực gồm 1 bác sỹ và 2 điều dưỡng đều vào làm thủ thuật cho bệnh nhân. Khoảng 5 phút sau, có 1 bệnh nhân khác lại vào viện (bệnh nhân này không liên quan nhóm trước). Do đang làm thủ thuật nên bác sỹ Lô Thanh Ngọc cử điều dưỡng Nguyễn Thị Phương ra đón và xem xét bệnh nhân.

Khi ra khỏi phòng tiểu phẫu, do có nhiều người đang ở khu vực nên điều dưỡng Phương đi tìm bệnh nhân. Nhóm thanh niên lại tiếp tục có lời lẽ xúc phạm điều dưỡng Phương.  Một nam thanh niên trong nhóm đã tiến tới dùng chân đạp, tay đấm, túm tóc, bóp cổ điều dưỡng này. Sau khi có cán bộ y tế, bảo vệ đến can ngăn thì hai đối tượng mới dừng lại và bỏ đi. Bị hành hung, điều dưỡng Nguyễn Thị Phương đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị và theo dõi. Đại tá Mai Hồng Hà - Trưởng Công an huyện Quỳ Châu cho biết đơn vị đã tiếp nhận sự việc, tiến hành triệu tập các đối tượng để điều tra, làm rõ. (Công an Nhân dân, trang 7)

 

Tỉnh táo trước thuốc lá điện tử

Rít một hơi thật mạnh dòng thuốc lá điện tử mới toanh đang được chào hàng, Nguyễn Hoàng Vĩnh (ngụ quận 5, TPHCM) ngửa cổ thả làn khói đặc quánh với một tâm trạng rất phấn kích, rồi chốt: “Lấy dòng này, tinh dầu vẫn loại hương cũ”.

Thuốc lá điện tử giúp cai thuốc?

Vĩnh mới 18 tuổi nhưng đã có thâm niên 3 năm hút thuốc lá và hơn 1 năm hút thuốc lá điện tử (hay còn gọi là e-cigarette, vaporizer hoặc vape). Vĩnh hút thuốc từ năm học lớp 10, sau một cuộc tỏ tình thất bại. Ngày Vĩnh tuyên bố bỏ hút thuốc lá thông thường, chuyển sang thuốc lá điện tử, cả gia đình cậu rất ủng hộ.

Chị Phạm Thị Trúc (mẹ Vĩnh) chi hẳn 5 triệu đồng để Vĩnh sắm bộ đồ thuốc lá điện tử thật chất lượng và sẵn sàng chu cấp cả triệu đồng mỗi tháng cho con mua tinh dầu với mong muốn cậu con trai duy nhất tránh xa thuốc lá độc hại.

Theo chị Trúc và Vĩnh, thuốc lá điện tử rất lành mạnh, tinh dầu cũng được chiết xuất từ các loại trái cây trong thiên nhiên nên vô tư hút. Tuy vậy, trong thâm tâm chị Trúc vẫn mong thuốc lá điện tử chỉ là biện pháp tạm thời để Vĩnh ngưng hút thuốc hẳn. Hơn 1 năm ngưng hút thuốc lá, cũng là ngần ấy thời gian Vĩnh gắn bó với thuốc lá điện tử.

Chỉ cần đến một quán cà phê bất kỳ tại Hà Nội, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những thanh niên vừa ngồi cà phê vừa có những màn nhả khói thuốc điện tử dày đặc sành điệu.

Anh Lê Ngọc Toàn (28 tuổi, ở Quán Thánh) nghiện thuốc lá gần 10 năm nay. Dù nhiều lần thử “cai” thuốc lá bằng các cách như uống sữa trước khi hút thuốc để giảm vị ngon của thuốc lá, hay uống nước mật ong chanh giải độc nicotine nhưng không thấy hiệu quả rõ rệt và vẫn bức bối, vật vã mỗi khi nghĩ đến thuốc hay làm việc căng thẳng.

Sau khi được bạn bè giới thiệu, anh quyết định tìm mua thuốc lá điện tử trên mạng. Với những lời quảng cáo “có cánh” như: “Một lần sạc pin dùng nhiều ngày”, “hương vị trái cây giúp thơm miệng”, đặc biệt là “không gây hại cho bạn và những người xung quanh”, anh Toàn đặt mua một cây thuốc lá điện tử với giá 1,2 triệu đồng và mua thêm 2 lọ tinh dầu trái cây với giá 200.000 đồng/lọ để thử nghiệm.

Sau khi sử dụng, anh Toàn mới vỡ lẽ, không những không cai được thuốc lá mà giờ đây anh lại bị nghiện cả hai. Mỗi ngày anh phải hút cả thuốc lá thường lẫn thuốc lá điện tử vì bỏ đi một thứ, lại thấy thiếu thiếu.

“Hôm đưa vợ đi khám thai, trong lúc vợ chờ khám thì mình hút một hơi, ngay lập tức có một cô bác sĩ ra yêu cầu tắt thuốc. Tôi thắc mắc thì cô bác sĩ giải thích, thuốc lá điện tử còn hại hơn thuốc lá thường vì không chỉ có chất nicotine mà còn có chất tạo hương rất độc hại. Không những hại cho người hút mà người xung quanh cũng bị ảnh hưởng nhiều”, anh Toàn kể lại.

Cũng giống như anh Toàn, rất nhiều người lầm tưởng thứ mình đang hút là an toàn vì nghe những lời quảng cáo hấp dẫn nhưng mập mờ về thông tin. Những điếu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn tấp nập “kẻ mua người bán” mỗi ngày trên các tài khoản mạng xã hội.

Mua - bán tấp nập

Thuốc lá điện tử không mới, xuất hiện ở Việt Nam vài năm nay và được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử đều bị “bén hơi” với loại thiết bị này nên mục tiêu cai nghiện thuốc lá chỉ chuyển từ dạng thông thường sang dạng điện tử mà thôi.

Thuốc lá điện tử rất đa dạng về mẫu mã, được thiết kế nhỏ gọn, thời trang. Một điếu thuốc lá điện tử gồm tẩu hút, ống chứa tinh dầu, bộ làm nóng, pin sạc và mạch điện. Khi người dùng hút, bộ pin sẽ cấp điện cho thiết bị để đun nóng chất tinh dầu và làm cho nó bay hơi, tạo mùi vị và có khói như thuốc lá bình thường.

Giá của thuốc lá điện tử từ vài trăm ngàn đồng đến cả chục triệu đồng/bộ. Giá tinh dầu 100.000 - 500.000 đồng, tùy xuất xứ, chất lượng và thể tích. Dù khá đắt đỏ nhưng giới trẻ vẫn chịu chi bởi nhiều lý do.

Trần Mạnh Phúc, 26 tuổi (ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) có hẳn một nhóm bạn chuyên dùng thuốc lá điện tử. Nhóm còn tổ chức gặp mặt hàng tuần để cùng nhau thử những loại tinh dầu mới, hay những sản phẩm thuốc lá điện tử hiện đại nhất.

Phúc cho biết, trước đây không hút thuốc lá nhưng thấy bạn bè cai thuốc bằng cách hút thuốc lá điện tử coi bộ sang sang, hay hay nên cũng thử, riết thành quen, giờ không có thì rất thèm.

Trong nhóm của Phúc có cả những bạn nữ cũng nhả khói rất điêu luyện với thuốc lá điện tử, họ cho rằng hút để giải khuây hoặc để… khỏi phải dùng nước hoa vì mùi tinh dầu ngấm vào cơ thể tỏa ra mùi thơm rất đặc trưng.

Fanpage Thuốc lá điện tử nhận được gần 29.000 lượt yêu thích, là một trong những tụ điểm mua bán thuốc lá điện tử lớn nhất nhì trên mạng xã hội. Mỗi bài đăng về thuốc lá điện tử, lượt khách hàng bình luận hỏi mua rất đông đảo, đa số là các bạn trẻ, thậm chí là học sinh, sinh viên.

Không nguồn gốc xuất xứ cũng chẳng có đơn vị nào quản lý, mỗi ngày hàng trăm điếu thuốc lá điện tử được bán ra thị trường, đồng nghĩa với việc hàng ngàn người đang sử dụng nhưng không hề biết tác hại khôn lường của nó… (Sài Gòn giải phóng, trang 5)

 

Nhiều trẻ nhập viện cấp cứu do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc

Từ đầu năm 2019 đến nay, Khoa Cấp cứu chống độc, BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho 6 trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam. Phần lớn các ca ngộ độc chì ở trẻ em đều liên quan đến sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc nhằm tẩm bổ, tăng cân, chữa tưa lưỡi, viêm loét miệng…

Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc, nhiều phụ huynh vẫn quá tin tưởng vào loại “thần dược” này. Họ cho rằng thuốc này có thể giúp trẻ tăng cân, chữa lành một số bệnh thông thường. Một số cha mẹ dùng thuốc để vệ sinh lưỡi cho trẻ. Những sai lầm này có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Trẻ bị co giật sau 7 ngày được dùng thuôc cam chữa loét miệng

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho 6 trẻ ngộ độc chì do dùng thuốc cam. Phần lớn các ca ngộ độc chì ở trẻ em đều liên quan đến sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc nhằm tẩm bổ, tăng cân, chữa tưa lưỡi, viêm loét miệng…

Trường hợp nhập viện mới đây nhất là bé Nguyễn Phan Bảo N. (7 tháng tuổi, Thanh Hóa) được chuyển đến Khoa cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng li bì, nôn trớ, đi ngoài. Theo lời kể của người nhà, trước đó hai tuần, bé bị viêm loét miệng, bà Nội nghe hàng xóm mách một thầy lang ở gần nhà có bài thuốc cam gia truyền có thể chữa bệnh rất tốt, nên đã tìm mua thuốc cho cháu bôi và uống.

Sau 7 ngày dùng thuốc cam bé xuất hiện nôn trớ, đi ngoài, co giật, li bì  nên được người nhà đưa đến bệnh viện tỉnh khám và điều trị. Sau đó bé được chuyển tiếp lên khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, qua khai thác bệnh sử và các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ đã nghĩ đến bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam. Bệnh nhi được lấy mẫu máu định lượng nồng độ chì. Kết quả: nồng độ chì trong máu lên đến 384.2 microgam/dL (mức cho phép là >10 microgram/dL).

Trực tiếp điều trị cho bé N, bác sĩ Đinh Thị Hồng  –  Khoa cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi bị hội chứng não cấp do ngộ độc chì mức độ nặng, ngoài ra còn có tổn thương gan (xét nghiệm men gan tăng rất cao), thiếu máu nặng phải truyền máu. Hiện tại, sau hơn hai tuần điều trị bằng thuốc thải chì đặc hiệu, bệnh nhi đã có những tiến triển rõ ràng, xét nghiệm máu cho thấy nồng độ chì đã giảm nhiều.

Tuy không còn nguy hiểm đến tính mạng song những di chứng mà ngộ độc chì để lại, hiện tại chưa thể xác định được do bệnh nhi còn quá nhỏ, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, vận động IQ và việc thải độc chì sẽ vẫn phải tiếp tục sau khi bệnh nhi được xuất viện.

Coi chừng ngộ độc chì do thuốc cam

Các bác sĩ cho biết, chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây tổn thương trên nhiều cơ quan như thần kinh, huyết học, gan, thận, dạ dày - đường ruột, tim mạch,… Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này sẽ được hấp thu vào máu, từ đó phân tán vào các mô trong cơ thể đặc biệt là xương, chì từ xương sau đó sẽ giải phóng từ từ vào máu gây ngộ độc kéo dài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm từ các khu công nghiệp, nguồn nước nhiễm chì, sơn tường, xăng dầu nhiễm chì, hoặc sử dụng đồ chơi bằng nhựa có sơn chì.

Các loại thuốc nam được dân gian gọi là “thuốc cam” không rõ nguồn gốc dùng để bôi, uống cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc. Tuy nhiên, do phần lớn trẻ bị nhiễm độc không có biểu hiện điển hình, nên nhiều gia đình thường chủ quan khi sử dụng thuốc.

Thực tế tại các bệnh viện, các bác sĩ tiếp nhận rất nhiều trẻ ngộ độc chì do uống thuốc cam. Đây là điều đáng báo động, dù đã được giới chuyên môn y tế cảnh báo rất nhiều xong vẫn thường xuyên xảy ra những ca ngộ độc đáng tiếc do kiểu chữa bệnh truyền miệng gây nên. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho đồng chí Nguyễn Quốc Triệu

Ngày 24/6, tại Hà Nội, Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương phối hợp cùng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức lễ trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Đến dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương; Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội; Đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, các đồng chí lãnh  đạo bộ, ban,ngành trung ương và địa phương.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất cho đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng và đánh giá cao những đóng góp của đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, với 48 năm công tác liên tục trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và quân đội, 47 năm tuổi Đảng, đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong quá trình công tác, đạt nhiều thành tựu trong xây dựng phát triển Thủ đô và ngành y tế, trong công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ trung cao cấp, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Chủ tịch nước đã có Quyết định số 990/QĐ-CTN, ngày 11/6/2019 về việc tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất cho đồng chí Nguyễn Quốc Triệu.

Đồng chí Nguyễn Quốc Triệu đã trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ ban ngành trung ương và địa phương, bạn bè, đồng đội và gia đình...đã giúp đỡ, phối hợp để đồng chí hoàn thành nhiệm vụ từ khi là người lính cho đến các vị trí Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XIII, XIV, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khóa X, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ Y tế khóa XII, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Bỗng dưng già đi chục tuổi

Gần đây, khoa da liễu - thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tiếp nhận nhiều trường hợp người trẻ bị lão hóa da sớm đột ngột. Đặc biệt, các đấng mày râu cũng có những 'ám ảnh' về làn da...

Việc chống lão hóa cho một làn da khỏe mạnh không khó, nhưng điều trị hồi phục cho một làn da "bệnh và nghiện" là rất khó khăn bởi tính chất của da đã hoàn toàn thay đổi, trở nên "nhạy cảm và khó chịu" với bất kỳ phương thức điều trị nào.

Da "già" xọp

Anh L.M.T., 33 tuổi, ngụ tại TP.HCM là trường hợp điển hình. Anh T. đến khám tại khoa da liễu - thẩm mỹ da trong tình trạng lỗ chân lông to, mụn, nhiều sẹo rỗ, làn da thô ráp, nhiều nếp nhăn. Nhìn anh trông già hơn rất nhiều so với tuổi.

Bác sĩ chẩn đoán anh T. bị lão hóa da sớm do tự ý điều trị mụn bằng thuốc bôi trôi nổi, không biết bảo vệ da chống ánh sáng mặt trời. Anh T. còn hút thuốc lá, ít uống nước, không thường xuyên tập thể dục.

Những sai lầm này đã làm cho những vấn đề da của anh ngày càng nặng hơn, già đi, làm anh mất tự tin khi tiếp xúc với khách hàng, bạn bè và những người xung quanh.

Không chỉ các nam thanh niên mắc bệnh lão hóa da sớm mà nhiều phụ nữ trẻ cũng "đau đầu" vì da phút chốc lão hóa rất nhanh.

Chị Phạm Thị Thanh V. là chủ một quán cơm tại Long An. Do công việc, chị thường xuyên phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và nhiệt nóng từ bếp lò, nhưng chị lại không có thói quen chăm sóc, bảo vệ da.

Điều này khiến làn da của chị như một phụ nữ trên 35 tuổi (trong khi chị mới 28 tuổi) với các dấu hiệu lão hóa như khô, nám, nhiều vết nhăn ở vùng trán và mắt.

Tại khoa da liễu - thẩm mỹ da của bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán chị V. bị lão hóa da sớm do tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cao.

Chị V. phải điều trị tăng sắc tố da, tư vấn sử dụng thuốc, chăm sóc da tại nhà, dùng liệu trình trẻ hóa da. Sau một tháng điều trị, tình trạng da của chị mới được cải thiện, giảm đỏ, giảm các "gân máu dưới da", lỗ chân lông thu nhỏ lại.

Không chỉ những phụ nữ như chị V. mà anh T. cũng được điều trị bằng trị liệu laser kết hợp thuốc thoa, thuốc uống theo đúng phác đồ, đồng thời được bác sĩ tư vấn phương pháp bảo vệ da, điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý để nâng cao sức khỏe cho làn da.

Coi chừng da lão hóa từ tuổi 20

TS.BS Lê Thái Vân Thanh, trưởng khoa da liễu - thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết lão hóa da là do các sợi collagen và elastin trong da giảm dần, làm cho da giảm săn chắc, độ đàn hồi kém hơn.

Quá trình lão hóa xảy ra trong tất cả các lớp da. Những thay đổi trong các lớp này sẽ thể hiện lên bề mặt da. Khi cơ thể già đi, quá trình tăng sinh cũng như tái tạo tế bào chậm dần và sự sản sinh lipid suy giảm khiến cho làn da bị thô ráp, sần sùi hơn.

Ngoài ra, từ độ tuổi 25 trở đi, mỗi năm làn da bị mất đi 1% lượng collagen. Độ đàn hồi của da suy giảm, các nếp nhăn, tình trạng chảy xệ, chùng nhão da, vấn đề về sắc tố da với các thương tổn sạm nám, đốm nâu xuất hiện, đặc biệt trên da vùng "mặt tiền".

Quá trình lão hóa của cơ thể, đặc biệt là lão hóa da, diễn ra từ khá sớm, ngay khi bước sang ngưỡng tuổi 20 - 25.

Đừng tin vào "phép mầu"!

Theo BS Vân Thanh, nhiều người khi nghe quảng cáo hoặc các lời "rỉ tai" về những cách làm đẹp da nhanh chóng, như một phép mầu có thể biến một làn da xù xì, sạm màu thành da của một nàng tiên nên đã vội vàng tìm đến những phương thức đó.

Tuy nhiên, trong thực tế những phương thức làm đẹp không chính thống này đã gây ra tai biến da cho khách hàng.

Đặc biệt, vấn nạn lạm dụng các sản phẩm bôi có trộn corticoids, các hóa chất "tẩy trắng da" mạnh như có chứa chất axit hoặc kiềm mạnh. Hệ lụy là gây tai biến da với các biểu hiện của một làn da "trắng xỉn và bị nghiện", đó là teo da, giãn mạch, sạm da, rối loạn sắc tố loang lổ, mỏng da, dễ bị ngứa hay đỏ da, rất khó điều trị.

Ngoài ra, việc điều trị lột da, lăn kim, laser, tiêm chất làm đầy... tại những cơ sở không đảm bảo chuyên môn và an toàn có thể dẫn đến những biến chứng thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng, gây tổn hại da vĩnh viễn.

Khi nghi ngờ có vấn đề về da, người bệnh nên tìm đến cơ sở y tế có các bác sĩ chuyên khoa da liễu giỏi chuyên môn, thấu hiểu bệnh để có thể tư vấn, hỗ trợ và lập phác đồ điều trị "đặc hiệu" cho tất cả các vấn đề của da đang mắc phải. (Tuổi trẻ, trang 13)

 

Phẫu thuật thành công sản phụ sanh 3 có nguy cơ tiền sản giật

Chiều 25-6, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa cứu chữa thành công ca sanh 3, trong trường hợp sản phụ có yếu tố nguy cơ tiền sản giật.

Theo đó, bệnh viện tiếp nhận sản phụ Lâm Thị Ánh N. (31 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng con so, tam thai 34 tuần 2 ngày, tăng huyết áp, dọa sanh non. Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định đây là trường hợp mang thai có yếu tố nguy cơ tiền sản giật; sản phụ lập tức được các bác sĩ dùng thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc giảm gò, kích thích trưởng thành phổi và thực hiện các xét nghiệm tầm soát bệnh lý tiền sản giật.

Sau khi sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ sanh, ối vỡ sớm… Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn và quyết định xử trí phẫu thuật lấy thai. Ca phẫu thuật được tiến hành với sự phối hợp nhịp nhàng của các khoa chuyên môn; sau 40 phút tập trung, ca phẫu thuật “mẹ tròn con vuông”, với sự chào đời của 3 bé (2 trai, 1 gái), có cân nặng lần lượt là 1,8 kg; 1,5 kg và 2,2 kg trong niềm vui của gia đình và các bác sĩ.

Sau sanh, 3 bé được tiếp xúc da kề da với mẹ và kẹp dây rốn muộn. Hiện tại, tình hình sức khỏe của mẹ và bé ổn định. Cả 3 bé da hồng hào, khóc to, thở đều tự nhiên và đang được thực hiện phương pháp Kangaroos…

 Theo BS CKII Phạm Thị Linh, Trưởng khoa Hậu sản (Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ) cho biết: “Trường hợp tam thai tự nhiên rất hiếm gặp với tỉ lệ 1/8000 ca. Các trường hợp đa thai thường gặp phải nhiều nguy cơ tiềm ẩn như dọa sanh non, thai chậm tăng trưởng và đặc biệt là tiền sản giật, đe dọa sức khỏe, tính mạng của cả mẹ và bé. Vì vậy, các sản phụ đang mang thai, đặc biệt mang đa thai nên khám thai định kỳ, kiểm tra huyết áp thường xuyên, thử nước tiểu, tầm soát tiền sản giật sớm… nhằm xử trí kịp thời những khó khăn, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé”. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)

 

Cứu sống bé gái 13 tuổi mắc bệnh hiếm

Đó là bệnh Mucha–Habermann, đến nay trên thế giới mới ghi nhận 38 bệnh nhi mắc bệnh này, bé gái được cứu sống là bệnh nhi đầu tiên ở Việt Nam.

Ca bệnh hiếm gặp này đã được báo cáo tại Hội thảo Khoa học da liễu khu vực phía Nam được tổ chức ngày 25-6 tại TP.HCM.

Đó là trường hợp của bé gái N.T.N.Đ, 13 tuổi, ngụ ở Bến Tre. Lúc đầu bệnh nhi có biểu hiện da sẩn màu hồng, có vẩy kèm đau rát, sẩn có chấm nhỏ ở trung tâm sau đó diễn tiến thành mụn nước, mụn mủ, hoại tử và loét kèm màu nâu đen, phân bố đối xứng, ở mặt, da đầu, mặt, thân, chi, các nếp lớn, lòng bàn tay, chân; ngoài ra còn có ở niêm mạc: môi, mũi, mi mắt, bộ phận sinh dục.

Bệnh kèm theo sốt cao, mệt mỏi, đau khớp, đau bụng, ho khan, gan to. Bệnh nhi đã đến nhiều bệnh viện trước đó nhưng không được chẩn đoán ra bệnh. Sau đó, bệnh nhi đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, tại đây đại diện bệnh viện đã mời các bác sĩ chuyên khoa da liễu sang hội chẩn.

BS Trần Thế Viện (ĐH Y Dược TP.HCM) đã chẩn đoán bệnh nhi mắc bệnh Mucha–Habermann kèm loét hoại tử và sốt cao, bé được đưa về Bệnh viện Da liễu TP.HCM điều trị với sự hợp tác của các bác sĩ Trần Thúy Ngà, Nguyễn Trọng Hào, Hoàng Văn Minh.

Theo y văn thế giới, các bác sĩ đã điều trị bệnh nhi bằng thuốc điều trị bệnh ung thư Methotrexate, sau khi bệnh nhân không đáp ứng điều trị với thuốc kháng sinh, corticoid. Bệnh nhi đã đáp ứng với loại thuốc này và đã khỏi bệnh sau hơn hai tháng điều trị.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Minh, bệnh Mucha–Habermann kèm loét hoại tử và sốt cao (Febrile ulceronecrotic Mucha-Habermann disease) là một thể lâm sàng tối cấp của vẩy phấn dạng lichen và dạng đậu mùa cấp tính có đặc điểm lâm sàng diễn tiến nhanh với những sang thương loét hoại tử nổi bật kèm theo sốt và biểu hiện hệ thống.

Theo y văn, có 72 trường hợp Mucha–Habermann được báo cáo, trong đó 38 trường hợp là trẻ em và 34 trường hợp là người lớn. (Tuổi trẻ, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang