Tri ân các thươn, bệnh binh và gia đình chính sách
Nhân Kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2016), ngày 25-7, tại Hà Nội, Thượng tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng Đoàn công tác đã đến thăm hỏi, tặng quà động viên bệnh nhân là thương, bệnh binh đang điều trị tại Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an.
Bộ trưởng Tô Lâm đã thăm hỏi sức khỏe, tặng quà các bệnh nhân là thương, bệnh binh đang điều trị tại Bệnh viện 19-8 và Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an, bày tỏ sự trân trọng trước những đóng góp, cống hiến to lớn của các thế hệ Anh hùng liệt sỹ, thương binh trong sự nghiệp cách mạng của đất nước và trong sự nghiệp đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Đồng chí Bộ trưởng chúc các đồng chí bệnh nhân là thương binh, bệnh binh tiếp tục vượt qua khó khăn, yên tâm tích cực điều trị, giữ gìn sức khỏe, sớm bình phục trở về đơn vị công tác, chiến đấu, có nhiều đóng góp hơn nữa vào công tác đảm bảo an ninh, trật tự.
Bộ trưởng Tô Lâm chúc các đồng chí cán bộ hưu trí đang chữa bệnh tại hai Bệnh viện mau chóng phục hồi sức khỏe, nêu cao tinh thần người Công an cách mạng, là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.
Nhân dịp này, đồng chí Bộ trưởng đã thăm hỏi, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngân, 94 tuổi, đang được Bệnh viện 19-8 phụng dưỡng, chăm sóc.
Thay mặt cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên lực lượng CAND, Bộ trưởng Tô Lâm kính chúc mẹ Nguyễn Thị Ngân mạnh khỏe, minh mẫn để Bệnh viện 19-8 được tiếp tục phụng dưỡng, chăm sóc lâu dài.
Nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, y, bác sỹ tại hai Bệnh viện, Bộ trưởng Tô Lâm biểu dương thành tích đạt được của hai Bệnh viện trong thời gian qua. Đồng thời bày tỏ mong muốn cán bộ, chiến sỹ, bác sỹ, y sỹ, công nhân viên hai Bệnh viện tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được; không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn; nghiên cứu, áp dụng những thành tựu y học và kỹ thuật tiên tiến; tích cực chăm sóc, điều trị và nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CAND và nhân dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ tận tụy phục vụ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân; hết lòng, hết sức chữa bệnh, cứu người; là địa chỉ tin cậy cho cán bộ, chiến sỹ Công an, người dân đến chăm sóc sức khỏe; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần vào sự nghiệp đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND…
Công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc các thương, bệnh binh luôn được hai Bệnh viện quan tâm; tổ chức nhiều đợt khám, phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, người có công, thân nhân liệt sỹ và các hộ gia đình chính sách tại nhiều vùng trên cả nước.
Bộ trưởng Tô Lâm mong muốn, hai bệnh viện tiếp tục phát huy hơn nữa mặt công tác xã hội từ thiện, tổ chức nhiều hơn các đợt thăm, khám chữa bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào khó khăn. Bên cạnh đó, hai bệnh viện cũng đã và đang tích cực điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhiều đồng chí là cán bộ hưu trí trong lực lượng Quân đội. Bộ trưởng Tô Lâm đặc biệt khen ngợi tinh thần phục vụ người bệnh, hỗ trợ lực lượng Quân đội thăm khám, điều trị, chăm sóc cho các thương bệnh binh, cán bộ hưu trí… (* Công an Nhân dân (trang 2))
Đưa máy xạ trị áp suất liều cao hiện đại nhất thế giới điều trị cho bệnh nhân ung thư
Chiều ngày 25-7, Bệnh viện K đã chính thức đưa hệ thống máy xạ trị áp sát suất liều cao hiện đại nhất của thế giới vào điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Xạ vú –Phụ khoa.
Theo PGS.TS. Bùi Công Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, đây là hệ thống máy xạ trị có liều cao gấp ba lần máy xạ trị thông thường và điều trị bằng cách áp luôn liều phóng xạ vào bề mặt khối u, có tổng giá trị đầu tư 58 tỷ đồng.
Ưu điểm nổi bật là kỹ thuật này sẽ làm cho khối u nhỏ đi nhanh chóng và ngưng chảy máu ngay với khối u đã chảy máu, cứu bệnh nhân thoát khỏi tử vong. Đặc biệt, bằng việc xạ trị áp sát, chỉ có khối u chịu xạ trị, còn các vùng lành xung quanh được đảm bảo an toàn. Hệ thống thiết bị này phù hợp trong điều trị cho bệnh nhân bị ung thư tử cung, ung thư lưỡi, vú và tới đây là điều trị ung thư tụy vv…
Ths. Đặng Thị Việt Bắc, Phó Trưởng khoa Khoa Xạ vú –Phụ khoa cũng cho biết, thiết bị mới này có tính nhân văn, đặc biệt với phụ nữ. Bởi sẽ giúp những phụ nữ bị ung thư vú không phải cắt bỏ vú, hoặc vú không bị teo, xơ do xạ trị từ xa, nên sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống, đảm bảo tính thẩm mỹ. Khối u được các bác sĩ tính toán chi tiết trên máy tính, để xác định chính xác từng vị trí, từng khối u rồi từ đó, lập kế hoạch phân bố liều xạ.
Với phương pháp xạ trị thông thường, bệnh nhân phải mất 2 ngày cho một lần xạ trị, thì nay thời gian chỉ còn 8-10 phút. Toàn bộ đợt xạ trị ngoài mất 5 tuần, nay bệnh nhân chỉ mất 5 ngày để điều trị. Vì thế bệnh nhân không bị ảnh hưởng đến sức khỏe do tác dụng phụ của thuốc, dẫn đến chán ăn, mệt mỏi, cũng không bị rụng tóc.
Chi phí cho mỗi lần xạ trị khoảng 3-4 triệu, được bảo hiểm y tế chi trả. Hiện, chỉ có một số bệnh viện trong cả nước có máy xạ trị áp sát suất liều cao, nhưng duy nhất cơ sở 3 của Bệnh viện K có hệ thống máy xạ trị áp sát suất liều cao hiện đại này.
Ths. Tô Anh Dũng, Phó Trưởng khoa Khoa Xạ vú –Phụ khoa cho biết thêm, với máy xạ trị áp sát suất liều cao hiện đại, việc điều trị nhẹ nhàng, thời gian ngắn, nhưng tỉ lệ thành công cao. Bệnh nhân đã từng phẫu thuật vì ung thư nay có nguy cơ tái phát, điều trị bằng kỹ thuật này cũng hiệu quả.
Máy xạ trị áp sát suất liều cao này có nhiều kênh nhất, cho phép bác sĩ xác định được nhiều mô hình bệnh khác nhau, nâng cao chất lượng điều trị từ việc tối ưu hóa từng người bệnh, từng giai đoạn của bệnh, khối u đến đâu điều trị đến đó. Hơn nữa, hệ thống điều khiển tự động sẽ đảm bảo an toàn cho bác sĩ điều trị.
Tuy nhiên, hệ thống máy móc hiện đại cũng đòi hỏi bác sĩ, nhân viên kỹ thuật và kỹ sư phải có kinh nghiệm và làm chủ được kỹ thuật, để tính toán liều xạ chính xác, cắm kim trực tiếp không gây chảy máu và không biến chứng.
Trước nhu cầu rất lớn của người bệnh, Bệnh viện K đã được Nhà nước đầu tư máy xạ hình xương toàn cơ thể (PECT), để chẩn đoán ung thư và giúp xác định chính xác vị trí các khối u di căn để điều trị và thăm dò chức năng tim, phổi, gan, thận. Từ nay, bệnh nhân cấp cứu không phải chuyển lên cơ sở 1 của Bệnh viện K để được chẩn đoán, nên được điều trị kịp thời, giảm tử vong.
Theo PGS.TS. Bùi Công Toàn, hệ thống máy móc hiện đại này đã trở thành phương tiện chẩn đoán và điều trị thường qui ở châu Âu và đã có các báo cáo quốc tế khẳng định kết quả. Vì thế, Bệnh viện hy vọng sẽ mang đến cho bệnh nhân những kỹ thuật tiên tiến nhất, giúp họ không chỉ kéo dài sự sống mà còn có quá trình điều trị nhẹ nhàng, giảm tối đa thời gian điều trị.
Để triển khai rộng rãi hơn nữa các kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại vào công tác điều trị, phục vụ bệnh nhân, Bệnh viện đã và đang tiếp tục đào tạo đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu thực tế. (* Công an Nhân dân (trang 6))
Bộ Y tế tặng bằng khen 3 bác sỹ hiến máu cứu sống sản phụ
Sáng 25-7, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Nguyễn Viết Đồng, Phó Giám đốc Sở Y tế - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã trao Bằng khen cho 3 bác sỹ đã hiến máu kịp thời cứu sống sản phụ bị mất máu nặng.
Trước đó, ngày 6-7, sản phụ Võ Thị Lượng (26 tuổi, ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh trong tình trạng lơ mơ, da niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, tim thai rời rạc, âm đạo ra nhiều máu tươi và máu cục, tử cung co cứng liên tục. Kết quả xét nghiệm cho thấy, hồng cầu xuống còn 1.400.000g/l (chỉ số bình thường là 3.800.000 - 5.300.000g/l), huyết sắc tố 40g/l (chỉ số bình thường 120 - 160 g/l)… Sau khi thăm khám các bác sỹ khoa sản đã tiến hành cấp cứu, truyền dịch trợ sức, đồng thời chuyển thẳng Khoa phẫu thật gây mê hồi sức. Trong quá trình phẫu thuật lấy thai nhi, bệnh nhân bị mất máu nặng cần phải được truyền 5 đơn vị máu (nhóm máu O) cấp cứu để cứu sống mẹ và bé, nhưng lượng máu dự trữ của bệnh viện chỉ còn 2 đơn vị, trong khi đó người nhà không có ai trùng với nhóm máu của sản phụ Lượng.
Trước tình thế cấp bách này, bác sỹ Nguyễn Viết Thọ (Phó Khoa sản); bác sỹ Lâm Phúc Công (Khoa sản) và bác sỹ Trương Ngọc Anh (Phó Khoa Gây mê) đang có mặt tại Khoa phẫu thuật gây mê và cùng nhóm máu với sản phụ; không chút ngần ngại, 3 bác sỹ đã tự nguyện hiến trực tiếp 3 đơn vị máu để kịp thời cứu sống sản phụ. Ca phẫu thuật thành công, sản phụ sinh được bé trai nặng 2,1kg.
Bác sĩ Nguyễn Viết Đồng cho biết: Trong những năm qua, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã có hàng trăm cán bộ, y, bác sỹ tình nguyện hiến máu cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, việc hiến máu cứu bệnh nhân trong trường hợp này là khá đặc biệt vì 3 bác sỹ trên đang tiến hành làm phẫu thuật cho một bệnh nhân khác ngay tại Khoa phẫu thuật gây mê hồi sức. Nếu như lúc đó phải đi huy động máu ở nơi khác đến hoặc không có nguồn máu trực tiếp của 3 bác sỹ trên thì tính mạng của 2 mẹ con sản phụ Lượng rất nguy hiểm.
Nhân dịp này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục kêu gọi trong toàn thể cán bộ, y, bác sỹ hãy phát huy tinh thần tương thân, tương ái với mục đích “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” để từng bước xây dựng hình ảnh cán bộ y tế đẹp trong lòng nhân dân. (* Sài Gòn giải phóng (trang 3))
Ung thư dạ dày đang trẻ hóa
Theo thống kê cho thấy, ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, tỉ lệ người bệnh dưới 40 tuổi mắc bệnh ngày càng tăng, đặc biệt có những trường hợp mắc ung thư dạ dày dưới 30 tuổi.
ThS BS Võ Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu Hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Riêng tại BV Đại học Y dược TP.HCM, hàng năm có khoảng 300 - 400 trường hợp ung thư dạ dày đến khám, trong số này có gần 2/3 trường hợp còn chỉ định phẫu thuật triệt để".
(CAO) Hiện nay, ngày càng có nhiều người bị viêm loét dạ dày, tá tràng. Theo thống kê, có đến hơn 70% người Việt trưởng thành bị nhiễm khuẩn gây đau dạ dày và nếu không chữa trị sẽ tăng nguy cơ dẫn đến ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp, thuộc 10 vị trí ung thư thường gặp nhất. Tại Việt Nam, căn bệnh này đứng hàng thứ hai ở nam giới sau ung thư phổi và hàng thứ ba ở nữ giới sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung.
Khoảng 2/3 người bệnh ung thư dạ dày tại Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn tiến triển, bướu đã xâm lấn và di căn hạch lympho hay di căn xa.
Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm thì người bệnh bình phục rất nhanh.
Mới đây, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho trường hợp ung thư dạ dày, chị Võ Thị L. (33 tuổi, Quảng Ngãi). Sau khi được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi, chị đã bình phục và hiện đang mang thai được 12 tuần.
Bác sĩ Long cho biết: "Trong 2 năm gần đây, đã có hơn 250 trường hợp ung thư dạ dày được phẫu thuật nội soi, chiếm hơn 50% số bệnh nhân ung thư dạ dày. Mổ nội soi giúp người bệnh giảm đau sau mổ, hồi phục nhanh, thẩm mỹ… và kết quả sống còn sau mổ tương đương, thậm chí tốt hơn mổ mở". (* Lao động (trang 5))
Phẫu thuật miễn phí tìm lại nụ cười cho 120 trẻ em
Ngày 25.7, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội (BV RHM TƯ HN) tổ chức Lễ khai mạc Tháng phẫu thuật nụ cười cho trẻ em khe hở môi- vòm miệng.
Bệnh viện cho biết đã tiếp nhận các trẻ em để khám, sàng lọc và làm các xét nghiệm cần thiết chuẩn bị cho đợt mổ. Phục vụ cho tháng phẫu thuật này, Bệnh viện đã có kế hoạch chuẩn bị để các trẻ em được chuẩn bị và chăm sóc chu đáo cả trước, trong mổ và chăm sóc hậu phẫu. Bệnh viện đã huy động các phẫu thuật viên, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có trình độ của các khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm Mặt, khoa Phục hình Hàm Mặt, khoa Phẫu thuật Chỉnh hình Hàm Mặt, khoa Phẫu thuật thẩm mỹ Hàm Mặt và khoa Gây mê hồi sức tham gia. Bệnh viện dành 90 giường bệnh, 4 phòng mổ và khu chăm sóc hậu phẫu với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, tiên tiến phục vụ mổ và chăm sóc hậu phẫu.
Với sự tài trợ của tổ chức Operation Smile tại Việt Nam, toàn bộ các phẫu thuật đều được miễn phí hoàn toàn. Hơn nữa, các cháu còn được hỗ trợ thêm một phần kinh phí đi lại và sinh hoạt. (* Lao động (trang 2))
Kiểm soát ổ dịch bạch hầu tại Bình Phước
Hơn một tuần qua, ổ dịch bạch hầu tại huyện Đồng Phú, Bình Phước không xuất hiện thêm ca bệnh mới. Phần lớn người dân trong vùng dịch đã được cho uống kháng sinh và chích ngừa vắc xin phòng bệnh.
Ngày 25/7, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Phước cho hay, sau khi rốt ráo triển khai các biện pháp phòng chống, ổ dịch bạch hầu trên địa bàn huyện Đồng Phú đã bước đầu được kiểm soát. Thống kê cho thấy, từ khi xảy ra dịch tại Đồng Phú đến nay đã ghi nhận 10 ca bệnh bạch hầu, trong số đó có 3 ca tử vong, 3 ca lâm sàng và 4 ca cho kết quả xét nghiệm dương tính.
Qua công tác giám sát, phân loại bệnh, đã có 49 trường hợp khác có các triệu chứng của bạch hầu đã được chuyển đến các bệnh viện với chỉ định điều trị theo phác đồ. Các kết quả xét nghiệm tại Viện Parteur, TPHCM chỉ ra, có 47 trường hợp cho kết quả âm tính với bạch hầu, 2 ca còn lại đang chờ kết quả. Hiện chỉ còn 16 trường hợp đang được theo dõi, điều trị tại các bệnh viện, số bệnh nhân còn lại đã được xuất viện sau 2 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh bạch hầu.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bình Phước, sau khi ghi nhận ca bệnh nhân Điểu Thị Cẩm T. (ngụ ấp 2, xã Đồng Tiến, Đồng Phú) vào ngày 15/7, đến nay trên địa bàn huyện Đồng Phú không xuất hiện thêm ca bệnh mới.
Bên cạnh đó, nỗ lực cho người dân trong vùng dịch uống kháng sinh dự phòng và chích ngừa vắc xin phòng bệnh đã đạt được kết quả khả quan. Sau khi nhận 10.000 liều vắc xin từ Bộ Y tế, đến nay, hơn 90% đối tượng ưu tiên tại 2 xã trọng điểm của dịch là Thuận Lợi và Thuận Phú đã được chủng ngừa bạch hầu.
Dự kiến, trong thời gian 3 tuần kể từ khi xuất hiện ca bệnh cuối, nếu không ghi nhận trường hợp mới nhiễm bệnh, tỉnh Bình Phước sẽ chính thức công bố hết dịch bạch hầu trên địa bàn huyện Đồng Phú. (* Nông thôn Ngày nay (trang 2))