Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/8/2016

  • |
T5g.org.vn - Bệnh viện tuyến huyện được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu; Thẻ bảo hiểm in thiếu quyền lợi của người tham gia; Cập nhật các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực răng hàm mặt; Bác sĩ của buôn làng

Bệnh viện tuyến huyện được xét nghiệm nồng độ cồn trong máu

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến vừa có văn bản gửi các đơn vị y tế, bệnh viện trực thuộc về việc tăng cường xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. 

Theo đó, để triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BYT-BCA, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên có đủ các điều kiện thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được phép thực hiện xét nghiệm này. Tại cơ sở khám chữa bệnh, các bác sĩ được chỉ định những trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu theo Điều 3 của Thông tư số 26 và của người bị tai nạn giao thông khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh (An ninh thủ đô trang 4, Hà Nội mới trang 2). 

 

Thẻ bảo hiểm in thiếu quyền lợi của người tham gia

Gần đây, một số người dân phản ánh bức xúc về việc họ đã tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đủ 5 năm nhưng trên thẻ BHYT của mình chưa được in thông tin “thời điểm đủ 05 năm liên tục”, dẫn đến bị phiền hà trong việc khám, chữa bệnh BHYT. Ngày 25-8, thông tin đến báo chí về vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, theo quy định về mẫu thẻ BHYT được ban hành cuối năm 2014, những người đã đóng đủ 5 năm BHYT liên tục không gián đoạn thì trên thẻ BHYT sẽ in dòng chữ “Thời hạn đủ 05 năm liên tục:…” ở phía cuối thẻ. Còn với những người chưa nộp BHYT 5 liên tục, trên thẻ BHYT sẽ không được in dòng chữ này. Khi người tham gia BHYT đã có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến) sẽ được cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm” và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các lần khám chữa bệnh tiếp theo. Khi được cấp giấy chứng nhận này, người tham gia BHYT không phải thanh toán phần cùng chi trả 5% hoặc 20% chi phí khám chữa bệnh.

“Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, do cơ quan BHXH chưa thực hiện cấp số định danh cá nhân cho người tham gia BHYT; chưa có cơ sở dữ liệu tập trung về quá trình đóng BHYT; nhiều người tham gia BHYT, có quá trình tham gia BHYT ở nhiều tỉnh, nhiều đơn vị, nhiều nhóm đối tượng… Vì vậy, nhiều thẻ BHYT chưa được in thông tin “thời điểm đủ 05 năm liên tục” trên thẻ BHYT” – ông Phạm Lương Sơn lý giải.

Để khắc phục thiếu sót này và giảm phiền hà trước mắt cho người tham gia BHYT đủ 5 năm trở lên, ngày 25-8, BHXH Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát dữ liệu thống kê danh sách hộ gia đình để in bổ sung thông tin “thời điểm đủ 05 năm liên tục” trên thẻ BHYT. Những trường hợp khi khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả thì thực hiện ngay việc đổi thẻ BHYT có in thêm thông tin “thời điểm đủ 05 năm liên tục” trả cho người tham gia BHYT.

Cùng đó, BHXH Việt Nam đang thực hiện việc thống kê danh sách người tham gia BHYT theo hộ gia đình và triển khai việc cấp số định danh cá nhân cho người tham BHYT. Dự kiến trong thời gian tới sẽ đồng loạt triển khai việc cấp thẻ BHYT theo số định danh cá nhân cho người tham gia BHYT (An ninh thủ đô trang 4, Gia đình & Xã hội trang 7).

 

Cập nhật các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực răng hàm mặt

Sáng 25/8, Hội Răng hàm mặt Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Nha khoa Thế giới tổ chức hội nghị khoa học và triển lãm răng hàm mặt quốc tế lần thứ IX với chủ đề kiến thức tiên tiến trong răng hàm mặt. Hội nghị có sự tham gia của hàng trăm đại biểu quốc tế đến từ 20 quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đây là dịp để các chuyên gia chia sẻ, cập nhật các kỹ thuật và phương tiện mới hiện đại.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nhấn mạnh, trong những năm qua, Hội răng hàm mặt Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Hội đã không ngừng nâng cao chất lượng, góp phần quan trọng trong việc giảm đáng kể số bệnh nhân phải ra nước ngoài điều trị.

Đặc biệt, Hội răng hàm mặt Việt Nam đã tham gia tư vấn cho Bộ Y tế trong xây dựng chuẩn năng lực cơ bản cho bác sỹ chuyên khoa răng hàm mặt và lần đầu tiên xác định các năng lực cơ bản cho bác sỹ răng hàm mặt Việt Nam trên cở sở hội nhập với khu vực và phù hợp với mô hình bệnh tật của Việt Nam.

Giáo sư Trịnh Đình Hải - Chủ tịch Hội Răng hàm mặt Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt Trương ương Hà Nội cho hay, nhờ cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại mà trong những năm qua, ngành răng hàm mặt Việt Nam đã không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Chẳng hạn như kỹ thuật vi phẫu thuật ghép xương hàm, ghép tái tạo một phần khuôn mặt đã trở thành kỹ thuật thường quy, làm hàng tuần tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội đã mang lại kết quả tốt cho 500 bệnh nhân.

Trong ba ngày diễn ra hội nghị, có 60 chuyên đề do các nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế trình bày về các lĩnh vực chuyên sâu, cập nhật trong lĩnh vực răng hàm mặt gồm: cấy ghép nha khoa, vi phẫu ghép xương hàm và ghép tái tạo một phần khuôn mặt, nắn chỉnh răng, phẫu thuật chỉnh hình xương mặt hàm, bệnh lý miệng-hàm mặt, dự phòng nha khoa, phẫu thuật tạo hình nha chu…

Tại hội thảo khoa học, bài trình bày của giáo sư Michael McCullough - giáo sư Bệnh học miệng tại trường Nha Melbourne, Đại học Melbourne với chủ đề: Tính chất thay đổi của ung thư miệng, sự cần thiết phải phát hiện sớm và các công cụ nhận biết ung thư mới trên lâm sàng thu hút được sự quan tâm của nhiều người.

Bài thuyết trình của giáo sư Michael McCullough tóm tắt những quan điểm về ung thư miệng và các tổn thương niêm mạc miệng có nguy cơ ác tính, biểu hiện trên lâm sàng, sự thay đổi các bệnh của ung thư miệng và sự cần thiết phát hiện sớm để có tiên lượng tốt hơn. Giáo sư Michael McCullough cũng phân tích những tiến bộ gần đây trong việc sử dụng các công cụ lâm sàng để giúp phát hiện sớm ung thư miệng.
Cùng với chương trình khoa học là triển lãm quốc tế với trên 200 gian hàng trưng bày các trang thiết bị, dụng cụ và vật liệu nha khoa tiên tiến của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc (Vietnamplus.vn, Nhân dân trang 5, Lao động trang 2).

Bác sĩ của buôn làng

 

Năm 1997, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Y Bình Định, y sĩ Phan Thị Thái rời quê hương Hoài Ân (Bình Định) về công tác tại Trạm Y tế xã Ia Pết, một xã thuộc vùng sâu, vùng xa, có nhiều người dân là đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Đác Đoa, tỉnh Gia Lai. Nơi đây, điều kiện đi lại, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, các dịch bệnh như sốt rét, sốt xuất huyết, dịch hạch, tiêu chảy thường xuyên xảy ra… Song, cái khó nhất ở đây là các hủ tục lạc hậu vẫn còn ảnh hưởng khá nặng nề. Trong suy nghĩ của bà con, khi đau bệnh chỉ đưa đến thầy cúng làm phép, không đến cơ sở y tế. Không nản chí, y sĩ Thái cùng các đồng nghiệp tranh thủ ngày đêm, hết khám bệnh ở trạm lại đi xuống làng, lên nương rẫy để khám bệnh, chữa trị cho bà con; kết hợp tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Một lần, có người dân ở làng Bông La bị bệnh thương hàn, gia đình mời thầy cúng về nhà cúng bốn ngày liền mà không khỏi. Hay tin, y sĩ Thái tìm đến nhà thì người bệnh đã đến hồi nguy kịch…, vận động mãi gia đình mới chịu đưa đến trạm y tế. Sau gần một tuần tích cực điều trị ở trạm, người bệnh được chữa khỏi, lúc đó dân làng mới tin tưởng những lời nói của cán bộ y tế và khi đau bệnh thì đến trạm y tế để được hướng dẫn chữa trị.

Gắn bó với đồng bào từ những ngày còn gian khó, thông thạo tiếng địa phương cho nên y sĩ Thái hiểu và đồng cảm với những nỗi khổ của đồng bào mỗi khi đau ốm. Hằng ngày, chị vừa khám, chữa bệnh vừa tranh thủ thời gian tìm hiểu, sưu tầm thêm các bài thuốc nam, các loại lá cây rừng mà dân làng vẫn truyền tai nhau chữa bệnh có hiệu quả, để áp dụng vào thực tế chữa bệnh cho bà con.

Năm 2001, chị Phan Thị Thái được cử đi học bác sĩ đa khoa tại Trường đại học Tây Nguyên, sau đó học thêm định hướng nội khoa và siêu âm ở Trường đại học Y dược Huế. Từ những kiến thức đã học được, cộng với tấm lòng của người thầy thuốc, chị đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe người dân vùng sâu, vùng xa. Chị tâm sự: "Đồng bào sống gần gũi, thủy chung. Mình đến với họ bằng tấm lòng tận tâm, yêu thương thì họ cũng quý mến và tin tưởng, đó chính là động lực để mình hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao". Bác sĩ Thái đã và đang được đồng bào xã Ia Pết xem như người con thân thuộc của buôn làng (Nhân dân trang 8).

 

Khi cái chết là quà tặng cho sự sống

Ngày 25.8, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) đã tổ chức lễ tri ân những người hiến tạng và kỷ niệm 500 ca ghép thận thành công. Quan niệm “chết phải toàn thây” vốn ăn sâu của người Việt, vì vậy, hiến tạng khi qua đời vẫn là một vấn đề chưa được nhiều người đồng thuận. Thế nhưng, sau hơn 2 năm Bộ Y tế phát động chương trình vận động hiến tạng khi chẳng may qua đời, tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhận được gần 2.000 lá đơn xin hiến tạng sau khi qua đời của người dân. “Ông xã tui bảo chết rồi mang chôn 4 - 5 năm cũng phải cải mả thấy phí quá trời. Từ trước giờ, vợ chồng mình nghèo có tiền giúp được ai cái gì đâu. Sau này anh chết, tạng, giác mạc, cái nào còn xài được phải tặng cho người ta, phải tặng họ sự sống” - bà Minh Phụng, vợ một người hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ trong buổi lễ tri ân những người hiến tạng. Nhiều người khác, cũng như chồng bà Phụng, sẵn sàng cho đi một phần cơ thể mình sau khi họ qua đời, dù không biết ai sẽ nhận sự sống quý giá đó.

Người phụ nữ không dám mang hoa về nhà

Ngày 25.8, BV Chợ Rẫy đã tổ chức lễ tri ân những người hiến tạng và kỷ niệm 500 ca ghép thận thành công. Trong số những gia đình được tri ân, chúng tôi gặp bà A.P - mẹ một thanh niên 20 tuổi đã hiến toàn bộ nội tạng. Tháng 5 vừa qua, con trai bà bất ngờ bị tai nạn giao thông, bị chấn thương nặng và không còn cơ hội sống. Khi con trai sắp trút hơi thở cuối cùng, trong cơn đau đớn tột cùng, bà cố nuốt nước mắt và đồng ý để con được hiến toàn bộ nội tạng gồm 2 thận, 2 giác mạc, tim và gan. 2 thận của anh được ghép cho 2 bệnh nhân suy thận đang nguy hiểm tính mạng tại BV Chợ Rẫy. Lá gan và trái tim được chuyển nhanh chóng ra BV Việt - Đức (Hà Nội) ghép cho 2 bệnh nhân bị suy tạng giai đoạn cuối, 2 giác mạc cũng được ghép cho 2 bệnh nhân nghèo. Cả 6 ca ghép đều thành công. Con trai bà P đã đem lại sự sống cho 6 người không hề quen biết, không cùng huyết thống.

Lần đầu tiên chúng tôi gặp bà P là ở buổi lễ tri ân của Bộ trưởng Bộ Y tế. Lần ấy, bà P lên nhận hoa, nhận bằng khen của Bộ trưởng nhưng bà không dám mang bó hoa đẹp ấy về nhà vì… sợ. Quyết định để con trai hiến tạng đã khiến bà P phải đối mặt với sự gay gắt của gia đình nhà chồng, của hàng xóm: “Có người nói tui nghèo quá nên bán tạng của con. Tui thanh minh kiểu gì họ cũng không tin” - Bà P rơm rớm nước mắt có lẽ bởi nỗi đau mất con cộng với nỗi oan ức bà vừa trải qua.

Nhà bà P ở quận 2, TPHCM. Nói là nhà nhưng cũng chỉ là cái chòi che nắng che mưa. Bà P kiếm sống bằng nghề bán nước sâm, nước rong biển. Hiến tạng cho con trai, bà chỉ nhận một ít tiền hỗ trợ vừa đủ để về lo ma chay cho con. Ai đề nghị giúp đỡ thêm, bà cũng từ chối. Chuyện của bà P khiến anh Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội, BV Chợ Rẫy phải thao thức: “Tôi chẳng biết phải làm cách nào để giúp đỡ người phụ nữ nghèo mà tử tế ấy”. Hôm nay bà lại được nhận hoa và bằng khen từ Bộ Y tế. Lần này, bà bảo sẽ mang hoa và bằng khen về nhà vì :“Ai nói gì thì nói, tui thấy tui vừa giúp con trai mình làm được một việc ý nghĩa”.

Trong buổi lễ tri ân, giây phút cảm động nhất là phút mặc niệm dành cho những người hiến tạng sau khi qua đời. Bà Minh Phụng (nhà ở huyện Hóc Môn, TPHCM) đã bật khóc sau giây phút ngắn ngủi ấy. Cách đây hơn 1 năm, chồng bà đã qua đời đột ngột vì bệnh tim và kịp hiến 2 giác mạc. “Tiếc là tui không giúp ổng hiến được toàn bộ nội tạng. Nhưng dù sao, giúp 2 người mù thấy đường là tui thấy tròn trách nhiệm với ổng. Ngày xưa, khi đi đường, ổng thấy ai mù ổng tội nghiệp lắm. Ổng hay biểu tui, anh mà trúng số độc đắc, anh giúp mấy người mù trước tiên”.

Chồng bà Phụng mắc bệnh tim và từng coi Bệnh viện Chợ Rẫy như ngôi nhà thứ 2 vì phải ra vào không biết bao nhiêu lần. Biết sự sống của mình quá mong manh, ông đăng ký xin hiến tạng sau khi qua đời. Thế nhưng, căn bệnh tim khiến ông ra đi quá đột ngột. Khi nhận được điện báo từ gia đình, các bác sĩ BV Chợ Rẫy xuống thì ông đã ngừng tim 30 phút nên chỉ còn hiến được 2 giác mạc: “Hôm bác sĩ Thu (TS - BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối hiến ghép các bộ phận cơ thể người của BV Chợ Rẫy - PV) cho tui coi hình 2 người được ghép giác mạc từ chồng, thấy họ khỏe mạnh, tui thấy nhẹ lòng và thầm cảm ơn họ. Cảm ơn vì đã nhận giác mạc của chồng tui, giúp ổng hoàn thành tâm niệm”.

Ngày lễ tri ân cũng là một ngày đặc biệt đối với bà Vũ Thị Nương (58 tuổi, nhà ở Lâm Đồng) - tròn một năm ngày mất con trai bà. Con trai bà tử vong ở tuổi 31 khi rơi từ tầng 3 của một công ty chăn nuôi gia súc ở Bình Dương. Suốt gần bảy ngày hôn mê, anh không nói được với bà câu nào mà đã ra đi vĩnh viễn. Trong lúc đau buồn, lại nghe việc hiến tạng cứu người sẽ giúp con trẻ thanh thản ra đi, bà quyết định hiến tạng con trai cho y học. Từ thân xác của anh, các bác sĩ đã cứu được 6 bệnh nhân khác, gồm một ca ghép tim, ca ghép gan ở Hà Nội, hai ca ghép thận, hai ca ghép giác mạc tại TPHCM.

Những lá đơn đặc biệt xin hiến tạng

Bên cạnh buổi tri ân những người hiến tạng, BV Chợ Rẫy cũng công bố 500 ca ghép thận thành công. Tính đến nay, BV Chợ Rẫy đã ghép thận thành công cho hơn 500 trường hợp. Trong đó, nhận từ người cho sống là 489 trường hợp và 27 ca ghép nhận từ người cho chết não hoặc ngừng tim.

PGS - TS Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc BV Chợ Rẫy bộc bạch: “Ghép mô - tạng, không thể thực hiện thành công được nếu không có người hiến tạng. Nguồn tạng hiến từ người cho sống không đủ đáp ứng nhu cầu của những bệnh nhân suy tạng. Chúng tôi không thể nào không nhắc đến sự hy sinh của những người hiến tạng sau khi chết não, ngừng tuần hoàn. Họ đã sẵn sàng cho đi một phần cơ thể quý giá của mình, cho những người không quen biết, không cùng huyết thống”.

Quan niệm “chết phải toàn thây” vốn ăn sâu của người Việt, vì vậy, hiến tạng khi qua đời vẫn là một vấn đề chưa được nhiều người đồng thuận. Thế nhưng, sau hơn 2 năm Bộ Y tế phát động chương trình vận động hiến tạng khi chẳng may qua đời, tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhận được gần 2.000 lá đơn xin hiến tạng sau khi qua đời của người dân. Có những lá đơn đặc biệt. TS - BS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng đơn vị điều phối hiến ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy kể về câu chuyện của 3 cô gái mù đưa nhau đi… đăng ký hiến toàn bộ mô tạng sau khi qua đời. 1 trong 3 cô gái đó vẫn còn nhìn thấy lờ mờ do bệnh lý về mắt nhưng giác mạc còn tốt. Cô đã đề nghị được hiến giác mạc cho người bạn mù của mình, chấp nhận mù thay bạn. Thế nhưng, ý định của cô không được đồng ý. Vì nguyên tắc hiến mô tạng là người hiến sẽ không bị bệnh tật, di chứng nào sau cuộc hiến.“Tôi rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh 3 cô gái ấy từ mò mẫm đi lên cầu thang, hỏi đường đến phòng đăng ký hiến tạng. Cả 3 người đều không thể tự viết đơn vì không thấy đường. Chúng tôi phải nhờ đơn vị pháp chế viết đơn giúp” - BS Thu nói.

Trong số những lá đơn xin hiến tạng tại BV Chợ Rẫy, lá đơn đầu tiên là của PGS-TS Nguyễn Trường Sơn và TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, những BS đang làm việc từ nhiều BV. Đã có nhiều trường hợp đặc biệt, cả gia đình cùng đăng ký hiến tạng, có người được “hồi sinh” từ tạng người thân cũng đăng ký đáp đền tiếp nối. Họ đăng ký vì nhiều duyên cớ khác nhau, nhưng cùng một thành ý - mong cái chết của mình là quà tặng cho sự sống (Lao động trang 7).

 

Phẫu thuật lấy khối u “khủng” từ bụng cụ bà 85 tuổi

Chiều 25.8, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) cho biết, vừa phẫu thuật thành công lấy khối u có kích thước “khủng” từ bụng một cụ bà 85 tuổi. Bệnh nhân là cụ bà P.T.C (trú Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), nhập viện trước đó trong tình trạng vùng bụng phình to, đau bụng vùng hạ vị. Sau khi siêu âm, các bác sỹ đã phát hiện một khối u vùng hạ vị có kích thước lớn và tiến hành phẫu thuật để lấy khối u ra ngoài. Theo BS CK2 Phan Xuân Khôi – Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới; người trực tiếp phẫu thuật –  thì sau khi phẫu thuật khối u đã được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh, hiện sức khỏe người bệnh ổn định, khối u có kích thước 20 x 20 cm và nặng hơn 4kg. Đây là khối u có kích thước lớn nhất từ trước đến nay được phát hiện ở người lớn tuổi.

Theo bà C, trước đó bà ít đi kiểm tra sức khỏe nên không biết có khối u lớn ở vùng bụng, bà tưởng mình… mập nên bụng mới to như vậy (Lao động trang 2).

 

Cấp phép cho 2 công ty nhập khẩu nguyên liệu salbutamol để sản xuất thuốc

Ngày 25.8, Cục Quản lý dược – Bộ Y tế đã chính thức thông báo, Cục đã ra quyết định cho phép 2 đơn vị sản xuất thuốc được nhập khẩu nguyên liệu salbutamol để sản xuất thuốc

Như vậy sau 9 tháng Cục Quản lý dược có công văn tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol làm thuốc nhằm tăng cường quản lý và tránh việc sử dụng không đúng mục đích, đến nay đã có nhiều đơn vị thiếu thuốc Salbutamol để điều trị. Trước tình hình này, để không xảy ra tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh, Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho 2 đơn vị sản xuất thuốc được nhập khẩu nguyên liệu salbutamol để sản xuất thuốc của chính đơn vị đó.

Đó là Công ty cổ phần Dược Vacopharm và hai là Công ty cổ phần Trung ương I - Pharbaco. Mỗi đơn vị được nhập khẩu số lượng là 50 kg nguyên liệu salbutamol để sản xuất thuốc.

Để quản lý chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng sử dụng nguyên liệu làm thuốc Salbutamol không đúng mục đích, ngày 23.8.2016 Cục Quản lý Dược đã có công văn gửi Cục Chăn nuôi, Cục Thú Y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi và cơ sở sản xuất thuốc thú y để không sử dụng nguyên liệu Salbutamol.

Cục cũng đã gửi công văn tới Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về Môi trường (C49) - Bộ Công an để chỉ đạo phối hợp kiểm tra chặt chẽ việc nhập khẩu, sử dụng nguyên liệu Salbutamol nhằm đảm bảo nguyên liệu Salbutamol không bị thất thoát, chỉ được sử dụng để sản xuất thuốc phục vụ nhu cầu chữa bệnh của nhân dân (Sức khỏe & Đời sống trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang