Trao thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng cho 465 nhân viên y tế
Chiều 25-8, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư và Hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã tổ chức ngày hội đăng ký hiến tặng mô, tạng.
GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, chỉ trong hai tuần thực hiện ngày hội đăng ký hiến tặng mô, tạng, đã có 465 cán bộ, nhân viên y tế của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đăng ký hiến đa tạng. Từ niềm vui này, ông bày tỏ hy vọng, tương lai, công tác vận động hiến tặng mô, tạng sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam.
Với gần 500 cán bộ y tế đăng ký hiến mô, tạng ngày hôm nay, GS Sơn bày tỏ hy vọng: “Tôi tin rằng, ba năm nữa, phong trào hiến tạng tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn. Lúc đó, những người suy thận, ung thư phổi, đặc biệt người suy gan giai đoạn cuối có cơ hội được cứu sống. Một người hiến tạng, sẽ cứu được 10 người khác”. (Nhân dân, trang 5)
Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống sốt xuất huyết
Chiều tối 25-8, Bộ Y tế có cuộc họp bàn về các giải pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH) và các bệnh truyền nhiễm. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 100 nghìn người mắc SXH, trong đó có 26 người chết. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 47,9%; số chết tăng chín người.
Tại Hà Nội đã có gần 20 nghìn người mắc SXH, trong đó có bảy người chết và trở thành địa phương có số người mắc cao nhất cả nước. Bên cạnh dịch bệnh SXH, hiện nay bệnh tay, chân, miệng (TCM) đang có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương. Từ đầu năm đến nay cả nước có gần 52 nghìn người mắc bệnh TCM, trong đó có hơn 23 nghìn người nhập viện… Trước tình hình dịch bệnh SXH tiếp tục có những diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trong phòng, chống dịch như: giám sát phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng; huy động người dân tham gia tích cực hơn nữa trong công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy tại gia đình và cộng đồng. Đối với Hà Nội, cần tăng cường giám sát, xử lý ổ dịch tại các huyện ngoại thành, vì thời gian gần đây số người mắc SXH gia tăng tại khu vực này. Các địa phương cần tăng cường giám sát đối với những người mắc SXH tại Hà Nội trở về địa phương.
Bộ Y tế đề nghị, các bộ, ngành trong phạm vi, trách nhiệm của mình phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH; các địa phương cần triển khai đồng bộ giải pháp trong phòng, chống bệnh dịch như: TCM, viêm não vi-rút, dại... một cách hiệu quả.
* Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Bắc Ninh, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 449 người mắc SXH (cao nhất từ năm 2000 đến nay). Đáng chú ý, phần lớn người mắc SXH trên địa bàn tỉnh đi từ vùng có dịch bệnh SXH về địa phương. Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo toàn hệ thống y tế dự phòng tăng cường giám sát, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh công tác giám sát, tập huấn cho cán bộ phòng chống dịch; các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền; tuyên truyền về biện pháp phòng, chống SXH trên các phương tiện thông tin đại chúng… (Nhân dân, trang 8)
Bất cập chống dịch sốt xuất huyết: Đội xung kích nhiều nơi toàn người già
Chiều 25/8, tại cuộc họp giao ban phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã thẳng thắn chất vấn những người có trách nhiệm của y tế Hà Nội. Đáng chú ý, qua giám sát đã phát hiện nhiều đội xung kích diệt bọ gậy toàn người già, có những đội thay vì phụ trách 30 - 50 hộ thì được giao phụ trách lên tới 100, thậm chí 190 hộ/đội.
Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Bộ Y tế về nguyên nhân vì sao sau phun hoá chất muỗi vẫn bay ra, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nhấn mạnh, kết quả giám sát của 3 tổ cán bộ của Viện về hoạt động phun hoá chất của Hà Nội khẳng định: hoá chất hiệu quả, muỗi bị tiêu diệt. Ông Dương cho biết thêm, giám sát độc lập các hoạt động của Hà Nội từ ngày 14 - 21/8, 3 đội phụ trách đã đánh giá trước và sau phun thuốc diệt muỗi tại phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai), phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng), phường Khương Thượng (Đống Đa).
Kết quả tại cả 3 phường này, chỉ số muỗi trưởng thành bằng 0 sau phun hoá chất 24 giờ. Theo lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, điều này cho thấy muỗi trưởng thành đều chết hết sau phun hoá chất. Ông Dương nhận định: “Chỉ số bọ gậy rất quan trọng, phải làm đồng bộ với phun, điều này giải thích cho hiện tượng sau phun hoá chất muỗi vẫn bay vào nhà. Tại phường Thịnh Liệt chỉ số nước chứa bọ gậy là 26%, nhưng sau diệt bọ gậy vẫn còn 12%. Tại Thanh Lương trước 40%, sau diệt trở về 30%. Điều này cho thấy bọ gậy có giảm nhưng chưa triệt để”.
Theo ông Dương, do diệt bọ gậy chưa triệt để, ở tuổi loăng quăng trưởng thành, thậm chí sau vài giờ nở ra ngay thành đàn muỗi mới, bay vào nhà, do đó phải diệt bọ gậy mới diệt được muỗi. Phun hoá chất chỉ diệt ngay, nhất thời đàn muỗi trưởng thành đang mang virus.
Kết quả giám sát mật độ muỗi trước và sau phun hoá chất do Viện sốt rét ký sinh trùng T.Ư thực hiện tại phường Thanh Xuân Nam, Khương Đình cũng cho kết quả tương tự. Theo các chuyên gia dịch tễ, chỉ số bọ gậy giảm không nhiều, lý giải tại sao sau phun lại vẫn có muỗi, do còn các ổ bọ gậy mới, nở ra thành đàn muỗi mới.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, dù số ca mắc SXH tại Hà Nội đã chững lại, nhưng vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng của dịch SXH nên ngành y tế phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn dịch bệnh. Theo lãnh đạo Bộ Y tế, diệt bọ gậy là nhiệm vụ của đội xung kích, người dân, các cấp chính quyền, nếu không làm tốt sẽ khó dập được dịch sớm. Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: “50% hộ gia đình chỉ cho phun tầng 1, vài tiếng sau muỗi từ tầng trên bay xuống, nên không diệt được muỗi. 10% hộ gia đình vẫn từ chối phun. Hoá chất không riêng Việt Nam sử dụng, tất cả các nước đều sử dụng đã được tổ chức Y tế thế giới khẳng định an toàn”.
Tại cuộc họp PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, cả nước đã ghi nhận trên 100.000 ca mắc SXH, hơn 84 nghìn trường hợp nhập viện. Số mắc SXH so với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 48%, tử vong tăng 9 trường hợp.
Các đội xung kích hoạt động không hiệu quả
Trên thực tế, các thành viên đội xung kích vẫn rất thiếu kinh nghiệm trong việc tìm, diệt bọ gậy. Đơn cử như mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi kiểm tra công tác diệt bọ gậy, phòng chống SXH tại phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhận thấy, dù mới được thành viên đội xung kích hỗ trợ diệt bọ gậy, nhưng khi giám sát, các chuyên gia Viện Sốt rét ký sinh trùng T.Ư vẫn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, muỗi truyền bệnh SXH. TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, qua kiểm tra hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy tại một số xã phường cho thấy, chưa thực hiện đúng quy định không quá 50 hộ gia đình/một đội. Với số lượng này mới đảm bảo đi hết, đến từng nhà để kiểm tra, diệt bọ gậy. Sau khi phát hiện, ngành đã yêu cầu bổ sung để đảm bảo quân số, đảm bảo mỗi đội chỉ phụ trách 40 – 50 hộ gia đình. Theo ông Cảm, trước khi triển khai diệt bọ gậy 30 – 50% số hộ gia đình có bọ gậy, sau diệt đã mang lại hiệu quả nhưng vẫn chưa được triệt để.
Về vấn đề này PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị Hà Nội sớm chấn chỉnh hoạt động của các đội xung kích diệt bọ gậy vì hoạt động chưa hiệu quả, chưa đạt yêu cầu.
Qua giám sát cũng phát hiện, việc thành lập các đội xung kích ở cấp cơ sở khác hẳn so với quy định. Nhiều nơi do các tổ trưởng, tổ phó dân phố tuổi đã cao, sức đã yếu đảm nhiệm. Có những đội thay vì phụ trách 30 - 50 hộ thì được giao phụ trách lên tới 100, thậm chí 190 hộ/đội. Theo quy định mỗi đội xung kích có 2 hoặc 3 người, phụ trách từ 30 - 50 hộ gia đình. Tiêu chí là có sức khỏe, có tinh thần trách nhiệm, thông thạo địa bàn, được tập huấn và có kỹ năng hướng dẫn người dân tìm bọ gậy, diệt bọ gậy, diệt muỗi...
Một thành viên trong đoàn giám sát SXH của Bộ Y tế khẳng định, không chỉ đơn thuần là vấn đề người dân, các đội xung kích còn lúng túng, chưa được hướng dẫn cách phát hiện ổ bọ gậy và cách xử lý triệt để, công tác phòng chống SXH ở Hà Nội còn bất cập ở các khâu như dự báo dịch yếu, chưa chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị chống dịch, truyền thông, tập huấn không cụ thể, chung chung, xử lý phun hóa chất hời hợt, đặc biệt là không giám sát và đánh giá. (Tiền phong, trang 4)
Nguyên Tổng Giám đốc VN Pharma lãnh 12 năm tù
Ngày 25-8, sau 5 ngày xét xử và nghị án, TAND TPHCM đã tuyên án vụ buôn lậu thuốc chữa bệnh và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma. Hai bị cáo chủ mưu lãnh mức án 12 năm tù.
Theo hội đồng xét xử, qua diễn biến phiên tòa và các chứng cứ, tài liệu cho thấy bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) đã bàn bạc với Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty Thương mại và hàng hải quốc tế H&C) nhập thuốc H-Capita 500mg Caplet chữa ung thư về Việt Nam.
Do thiếu một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc mà phía công ty ở Canada không cung cấp được nên Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả các giấy tờ nêu trên.
Bị cáo Hùng cũng chỉ đạo nâng giá thuốc trên thực tế 27 USD/hộp lên 75 USD/hộp trên hợp đồng. Hành vi của bị cáo nguy hiểm cho xã hội, cần phải xử lý nghiêm.
Hội đồng xét xử không chấp nhận lời bào chữa của bị cáo Hùng cùng các luật sư rằng bị cáo chỉ sai sót trong thủ tục hành chính, không biết thuốc nhập khẩu là giả.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử cũng xem xét các tình tiết giảm nhẹ: ngay khi phát hiện thuốc không đạt chất lượng, bị cáo đã niêm phong và chủ động thông báo cơ quan chức năng đưa thuốc đi giám định chất lượng, kịp thời ngăn chặn hậu quả xảy ra; bị cáo phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo…
Hội đồng xét xử nhận định bị cáo Võ Mạnh Cường đóng vai trò tích cực trong việc cung cấp hai giấy tờ giả quan trọng, để bị cáo Hùng làm hồ sơ xin phép nhập khẩu thuốc. Hội đồng xét xử cũng bác đề nghị của luật sư, cho rằng không cần thiết phải thành lập hội đồng giám định lại lô thuốc vì đây là vụ án về buôn lậu.
Các bị cáo tham gia vụ án với vai trò đồng phạm giúp sức cũng được hưởng các tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình như thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, không được hưởng lợi hoặc đã trả lại tiền hưởng lợi bất chính, thực hiện việc phạm tội theo chỉ đạo của cấp trên…
Từ những nhận định trên, hội đồng xét xử tuyên phạt: Nguyễn Minh Hùng 12 năm tù về tội “Buôn lậu”; Võ Mạnh Cường 12 năm tù về tội “Buôn lậu”; Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) 5 năm tù về tội “Buôn lậu”; Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) 4 năm tù về tội “Buôn lậu”; Phan Cẩm Loan (nguyên Phó Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu Công ty cổ phần VN Pharma) 3 năm 6 tháng tù về tội “Buôn lậu”; Lê Thị Vũ Phương (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần VN Pharma) 3 năm tù về tội “Buôn lậu”; Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu và Phát triển - Công ty cổ phần VN Pharma) 1 năm 6 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; Phạm Văn Thông (dược sĩ) 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; Phạm Anh Kiệt (Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn - viết tắt Công ty Sapharco) 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm về tội”"Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Ngoài ra, hội đồng xét xử kiến nghị Bộ Công an, Viện KSND Tối cao điều tra làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân liên quan, việc Công ty cổ phần VN Pharma chi hoa hồng cho bác sĩ để các bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân dùng sản phẩm công ty này cung cấp; và làm trõ trách nhiệm của các cán bộ Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, nếu đủ căn cứ xử lý thì truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các bị cáo nghe tuyên án
Theo cáo trạng, Công ty cổ phần VN Pharma chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc chữa bệnh. Từ năm 2013, thông qua bị cáo Cường, bị cáo Hùng đã đặt mua thuốc tân dược có nhãn mác Công ty Helix Pharmaceuticals Inc Canada để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam. Trong đó, có thuốc H-Capital 500mg Caplet chữa ung thư. Công ty cổ phần VN Pharma nhập về 9.300 hộp thuốc chữa bệnh ung thư. Do nghi ngờ nguồn gốc thuốc, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế yêu cầu hai bị cáo Hùng, Cường giải trình; đồng thời tiến hành thanh, kiểm tra, niêm phong lô hàng trên, không cho bán ra thị trường.
Kết quả điều tra xác định bị cáo Cường mua thuốc chữa bệnh ung thư từ một người nước ngoài tên Raymundo (chưa rõ lai lịch) với giá 18 USD/hộp, và bán lại cho bị cáo Hùng theo giá 27 USD/hộp.
Raymundo cung cấp Giấy chứng nhận bán hàng tự do (FSC) tại Canada của thuốc H-Capital 500 mg Caplet và Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) do Bộ Y tế Canada cấp cho Công ty Helix Canada. Những giấy tờ này được đóng dấu hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Canada. Tuy nhiên, kết quả giám định cho thấy tất cả những giấy tờ trên là giả.
Không có hồ sơ kỹ thuật thuốc để nộp cho Cục Quản lý Dược, bị cáo Hùng chỉ đạo nhân viên thuê bị cáo Thông viết hồ sơ thuốc chữa bệnh ung thư. Hồ sơ này được Thông đưa cho bị cáo Duy đóng dấu Công ty Helix Canada và chuyển cho bị cáo Loan đi xin giấy phép nhập khẩu.
Với hồ sơ giả này, bị cáo Hùng chỉ đạo nhân viên cấp dưới sử dụng để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu, chứng từ thanh toán tiền nhập khẩu trái phép 9.300 hộp thuốc chữa bệnh ung thư không rõ nguồn gốc vào Việt Nam tiêu thụ. Thực tế, lô thuốc chữa bệnh ung thư này chứa 97% hoạt chất capecitabine, là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người. Trị giá lô hàng buôn lậu hơn 5 tỷ đồng. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)
Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay trang 7: “Tuyên án vụ buôn thuốc ung thư kém chất lượng: Nguyên Giám đốc VN Pharma lĩnh án 12 năm tù”; Báo Hà Nội mới trang 7: Buôn lậu thuốc điều trị ung thư, nguyên Tổng Giám đốc VN Pharma lãnh án 12 năm tù”
Chi phí điều trị sốt xuất huyết khá tốn kém
Theo Bộ Y tế, qua một cuộc điều tra về chi phí điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) cho thấy, chi phí điều trị trung bình cho một trường hợp mắc SXH giao động từ 900.000 đồng tới 3 triệu đồng, tùy theo mức độ nặng của bệnh và tuổi của người bệnh.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phải chi phí tới trên 10 triệu đồng/ca do bệnh nặng, biến chứng nguy hiểm.
Ngoài chi phí về điều trị trong trường hợp người bệnh không có thẻ BHYT thì người mắc SXH còn phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị bệnh, người thân phải nghỉ làm để chăm sóc người bệnh.
Gánh nặng kinh tế, xã hội, người dân phải chịu không hề nhỏ so với thu nhập của mỗi hộ gia đình, ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Nghiên cứu của Bộ Y tế ở một số bệnh viện đã chỉ ra, trung bình mỗi người bị SXH sẽ phải nghỉ để điều trị bệnh từ 7-14 ngày, người thân cũng phải nghỉ việc để chăm sóc người bệnh từ 7-9 ngày.
Cùng với đó, do số người mắc SXH tăng cao như hiện nay, khiến cho nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, làm tăng gánh nặng cho công tác điều trị, gây áp lực lớn cho y, bác sĩ.
Dịch SXH bùng phát mạnh cũng đã khiến quỹ BHYT phải dành một khoản chi phí không nhỏ cho các bệnh nhân SXH.
Theo Trung tâm Giám định và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ từ tháng 5 đến đầu tháng 8-2017, cả nước đã có 93.126 lượt bệnh nhân SXH được thanh toán khám chữa bệnh BHYT với số tổng số tiền trên 82,2 tỷ đồng.
Riêng tháng 7 vừa qua, dịch SXH bùng phát mạnh nhất với 38.967 lượt bệnh nhân nhập viện, khiến chi trả từ BHYT cũng tăng tới hơn 36,9 tỷ đồng. Trong đó, riêng Hà Nội là địa phương có số người mắc SXH cao nhất cả nước với gần 20.000 ca, quỹ BHYT đã chi trả số tiền gần 30 tỷ đồng cho việc điều trị. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
6 đoàn liên ngành trung ương kiểm tra thực phẩm dịp trung thu
Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho biết, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Trung thu năm 2017, Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm đã phân công các đơn vị chức năng thuộc các bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và các ngành thành viên ban chỉ đạo tham gia 6 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương.
Các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, TP trọng điểm từ ngày 11 đến 30-9, nhằm đánh giá thực trạng chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống.
Đối tượng thanh tra, kiểm tra là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, tập trung ưu tiên vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như: bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt…
Trong đó, các đoàn trung ương và cấp tỉnh, TP sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như: cơ sở sản xuất lớn, chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở thương mại tập trung, cơ sở nhập khẩu thực phẩm.
Các đoàn thanh kiểm tra khi phát hiện vi phạm sẽ thực hiện xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không nhãn mác và có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường. Đồng thời, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm và các thông tin liên quan để cảnh báo cho cộng đồng. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Phun thuốc diệt muỗi xong muỗi “vẫn vù vù” do bọ gậy không bị diệt
Chiều 15-8, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên người ở Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt câu hỏi: Dân phản ánh phun hóa chất diệt muỗi xong muỗi không chết, vẫn “bay vù vù”, thậm chí còn nhiều hơn, vậy vì sao?
Trả lời câu hỏi này, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, loại thuốc muỗi đang sử dụng phun trong phòng chống SXH ở Hà Nội hiện nay là delta methrin - đây là loại thuốc đầu tay do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo dùng cho phòng chống các bệnh do muỗi, trong đó có SXH.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã đưa hoá chất này vào danh phục các thuốc phòng chống các bệnh do muỗi. Trước khi cho phép sử dụng, Viện Vệ sinh dịch tễ đã cho đánh giá khảo nghiệm thực địa, hiệu lực của thuốc rất tốt. Đơn cử, tại Hà Nội, ở hai phường Ngọc Hà (Ba Đình) và Thịnh Liệt (Hoàng Mai), muỗi chết sau phun 24 giờ đều đạt từ 98-98,7%.
Cũng theo ông Dương, từ ngày 14 đến 21-8 vừa qua, Viện đã cử các đội đi giám sát tại 3 phường ở Hà Nội gồm Thịnh Liệt (Hoàng Mai), Thanh Lương (Hai Bà Trưng) và Khương Thượng (Đống Đa) để đánh giá chỉ số muỗi sau phun hóa chất. Kết quả cho thấy, chỉ số muỗi ở các điểm này trước phun tương đối cao, sau phun 24 giờ các muỗi trưởng thành đều chết, chỉ số về 0, chứng tỏ thuốc có hiệu quả.
“Phun muỗi là biện pháp “hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”, trong khi muốn không còn muỗi SXH thì cái gốc là phải là diệt loăng quăng, bọ gậy. Việc phun thuốc xong muỗi bay ra không phải do chất lượng thuốc mà nguyên nhân là do ở đó vẫn còn bọ gậy, muỗi trưởng thành chết nhưng bọ gậy không bị diệt lại nở thành muỗi” – TS Dương khẳng định.
TS Dương cho biết thên, cùng một loại hoá chất nhưng cách phun khác nhau thì hiệu quả khác nhau. Cụ thể, nếu phun tồn lưu (phun vào tường nhà) thì có tác dụng diệt muỗi được tới vài tháng, còn phun sương (phun vào không gian) thì chỉ có tác dụng trong thời gian rất ngắn. Do loài muỗi truyền SXH không bám ở tường nhà mà thích bám vào các giá vật (giá quần áo, trong xó nhà, bay trong không gian) nên buộc phải phun dạng sương vào không gian. (An ninh Thủ đô, trang 6)
Bắt đối tượng hành hung cán bộ y tế đi phun thuốc muỗi
Công an phường Trung Hòa đang hoàn tất hồ sơ để chuyển giao đối tượng Tạ Đình Thái (39 tuổi, HKTT tại 123 Láng Hạ, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) cho Công an quận Cầu Giấy để điều tra, khởi tố đối tượng này về hành vi chống người thi hành công vụ.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 15h30 chiều 24-8, các cán bộ thuộc Trung tâm Y tế Cầu Giấy phối hợp với UBND phường Trung Hòa tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chống sốt xuất huyết tại tổ 4 phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Khi tổ công tác phun đến số nhà 75A, ngõ 125 phố Nguyễn Ngọc Vũ, thì bất ngờ Tạ Đình Thái xuất hiện, buông lời thóa mạ các cán bộ trong tổ công tác. Không chỉ vậy, đối tượng còn xông vào đánh anh Danh Hùng Anh (cán bộ UBND phường Trung Hòa) và đấm vào mặt chị Lê Thị Toan (cán bộ y tế phường Trung Hòa) khiến chị Toan bị rách miệng, chảy nhiều máu phải đi bệnh viện cấp cứu.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an phường Trung Hòa khẩn trương bắt giữ đối tượng để nhanh chóng điều tra, làm rõ. (Công an Nhân dân, Tuổi trẻ, trang 4)