Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/8/2022

  • |
T5g.org.vn - Bệnh nhân phải mua thuốc, vật tư mang vào bệnh viện: Chuyện chưa từng có; Hoàn thành sớm việc tiêm vaccine cho các lứa tuổi; Cán bộ, viên chức nghỉ việc hàng loạt: Cải thiện chính sách, đãi ngộ xứng đáng; Hơn 43 triệu người dân đã được ký xác nhận Hộ chiếu vaccine; 'Con đường mới nổi' lây nhiễm HIV tại Việt Nam

 

Bệnh nhân phải mua thuốc, vật tư mang vào bệnh viện: Chuyện chưa từng có

“Đọc những thông tin trên báo chí về việc bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc, vật tư mang vào bệnh viện để bác sĩ điều trị cho mình, tôi rất đau lòng. Đây là vấn đề chưa từng có trong lịch sử ngành y tế”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ trong buổi làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) chiều 25/8.

Bà Lan cho biết, Bộ Y tế đang khẩn trương trình Chính phủ các phương án nhằm sớm tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu.

Ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện chợ Rẫy cho hay, bệnh viện đang đối mặt nhiều khó khăn trong công tác đấu thầu, ảnh hưởng chất lượng điều trị, gây khó khăn trong nâng cao chuyên môn và vị thế của bệnh viện trong tình hình mới. Ông Thức kiến nghị Bộ Y tế cần bổ sung nhân viên chuyên sâu chuyên cho hoạt động đấu thầu, mua sắm. Khẩn trương ban hành nghị quyết chi tiết về liên doanh, liên kết, xã hội hóa y tế. Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan cần chấp nhận hình thức mượn máy đặt để sử dụng hóa chất trúng thầu trong y tế.

Người đứng đầu Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đề xuất cần nhanh chóng triển khai phương án tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, cải thiện thu nhập phụ cấp, bổ sung công nghệ thông tin trong giá dịch vụ y tế. “Tính đúng tính đủ không phải là lạm thu từ người bệnh, mà thu vừa đủ để tồn tại và tích lũy và phát triển. Phải rà soát lại các quy định và phải có giá trần, để bệnh viện không phải muốn tính bao nhiêu thì tính”, ông Thức đề nghị.

BS Bùi Phú Quang, đại diện Công đoàn Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay, các khoa, phòng trong bệnh viện đang có nhu cầu rất lớn để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn nhưng trang thiết bị, máy móc chưa đủ đáp ứng, gần như 80% nhu cầu các khoa đề xuất chưa tìm được phương án giải quyết.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, mục tiêu ưu tiên của ngành lúc này là phải có thuốc, vật tư để phục vụ người bệnh. Bà cho biết: “Vừa qua, Chính phủ họp phiên xây dựng pháp luật tháng 8, trong đó có đề cập luật về giá. Bên cạnh đó trong luật đấu thầu có những vấn đề mang tính chất đặc thù của ngành y, bản dự thảo 90% đã được tiếp thu”.

Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ xem xét, tháo gỡ vấn đề cấp bách hiện nay là vướng mắc trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế. Bộ Y tế sẽ cùng các bộ, ngành xem xét sửa đổi, bổ sung các thông tư, nghị định liên quan và có hướng dẫn sớm cho các đơn vị thực hiện. Về việc thanh toán chi phí đối với các loại máy mượn, máy đặt, Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp Bộ Tài chính để tìm phương án tháo gỡ. Bộ Y tế cũng sẽ tập trung giải quyết tình trạng nợ thanh toán, tồn đọng liên quan bảo hiểm xã hội (Tiền phong, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Hoàn thành sớm việc tiêm vaccine cho các lứa tuổi

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khẳng định đến thời điểm hiện tại, tiêm vaccine vẫn là giải pháp chiến lược nhằm kiểm soát dịch bệnh Covid-19. 

Trong nước, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có chiều hướng gia tăng; nhiều địa phương đã ghi nhận các biến thể mới của virus với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc; xuất hiện nhiều bệnh dịch như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng...

Để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng chống dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang có nguy cơ gia tăng, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, ngày 25-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Công điện số 755/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm, có hiệu quả việc tiêm vaccine theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hoàn thành sớm nhất việc tiêm vaccine cho các lứa tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thủ tướng giao Bộ Y tế tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện tiêm vaccine, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với các địa phương không bảo đảm tiến độ.

Về việc ứng phó với các biến thể mới, Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, tăng cường trao đổi, thông tin, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và ý kiến các chuyên gia để có đánh giá, dự báo diễn biến dịch bệnh do biến thể mới gây ra, triển khai đánh giá miễn dịch cộng đồng, chủ động tham mưu các giải pháp ứng phó phù hợp và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh thành chỉ đạo rà soát, cập nhật kịch bản, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở; kiên quyết ứng phó kịp thời, hiệu quả trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại. Cơ quan, địa phương nào không kịp thời kiểm soát, để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh, nhất là nguy cơ do các biến thể mới gây ra, các biện pháp phòng, chống dịch. Bộ TT-TT, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, tích cực tiêm vaccine phòng Covid-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Cán bộ, viên chức nghỉ việc hàng loạt: Cải thiện chính sách, đãi ngộ xứng đáng

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, cho rằng, nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt tác động tiêu cực đến an sinh xã hội, đặc biệt là với nhóm người có thu nhập thấp, yếu thế, vì vậy cần cải thiện chính sách, có giải pháp cụ thể.

Theo PGS.TS Phong Lan, với những bác sĩ là sinh viên mới ra trường, khi chưa có nền tảng trong tay, có thể họ sẽ chịu nhịn và “cày kéo” ở bệnh viện công một số năm để thăng tiến về mặt chuyên môn. Khi đã vững chuyên môn, có chỗ đứng trong nghề thì khả năng họ tìm đến một môi trường phù hợp hơn là rất lớn. Tình trạng bác sĩ bỏ y tế công chuyển sang y tế tư nhân không phải là “lọt sàng xuống nia” mà trái lại còn tác động tiêu cực đến an sinh xã hội. Người nghèo, người yếu thế trong xã hội phải có được sự chăm sóc tối thiểu cả về y tế lẫn giáo dục. Hệ thống công lập chính là cốt lõi để chăm lo cho đối tượng yếu thế”, bà nói.
“Nhiều người lý luận rằng, nhân viên y tế nghỉ việc ở bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư thì thực chất cũng là phục vụ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý rằng, đối tượng họ phục vụ ở bệnh viện tư là bệnh nhân giàu, chỉ người có nhiều tiền mới đủ điều kiện điều trị ở bệnh viện tư. Nếu tất cả nhân viên y tế đều ra bệnh viện tư thì ai sẽ làm ở hệ thống y tế công lập, ai sẽ đảm bảo chất lượng cho hệ thống y tế công, tính mạng của bệnh nhân, đặc biệt là nhóm người bệnh yếu thế sẽ ra sao?”, bà Lan trăn trở.
Vấn đề về bảo hiểm
PGS.TS Phong Lan cho biết, nếu chi trả theo mức của bảo hiểm y tế ở bệnh viện công hiện nay, một ca khám bệnh là 20.000 đồng, chỉ bằng tiền công vá một chiếc săm xe máy bị thủng thì công việc của ngành y chẳng thể so sánh được với ngành nào. Trong khi, cũng là bác sĩ đó, cũng khám cho ca bệnh tương tự nhưng ở bệnh viện tư nhân thì mức giá khám bệnh có thể từ 800.000 - 900.000 đồng.

“Cả đầu vào lẫn đầu ra đều đòi hỏi trình độ rất cao nhưng cơ chế tiền lương thì cũng như các ngành nghề khác là bất cập. Tôi cho rằng, phải khẩn trương xem lại chính sách cho nhân viên y tế. Ở các nước, lương của bác sĩ là một trong những bảng lương cao nhất trong các ngành nghề. Đó chính là sự thừa nhận trình độ và giá trị của những người được gọi là thầy thuốc”, bà nói.

Ở các nước hệ thống y tế công phát triển phải căn cứ vào hệ thống bảo hiểm trên cơ sở tính toán nguồn thu, nguồn chi phù hợp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mức thu bảo hiểm y tế đang thấp nhất thế giới. Mức đóng đã ít, các mức chi cũng muốn chi càng ít càng tốt, dẫn tới tình trạng giá thuốc cũng phải thấp nhất và giá khám chữa bệnh cũng phải thấp nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nhân viên y tế.

Theo một số chuyên gia, nguyên tắc của bảo hiểm là nhiều người đóng cho một người dùng. Ở các nước, bảo hiểm hoạt động như một doanh nghiệp, phải tính toán cân đối quỹ bảo hiểm. Mức đóng bảo hiểm sẽ phân biệt ra thành nhiều đối tượng. Bảo hiểm cơ bản ai cũng phải mua chỉ bao phủ 80% viện phí. Thuốc đặc trị chỉ được trả 35%, thuốc thông thường trả 65%. Người bệnh khi có bệnh tật nguy hiểm cần phải mua thêm các bảo hiểm phụ nhưng chi phí bảo hiểm phụ rất đắt. Do đó, cần xem lại mức thu bảo hiểm y tế, đảm bảo Nhà nước có đủ điều kiện tập trung đầu tư cho hệ thống công lập để lo cho người dân đúng nghĩa, đúng giá trị thực tế. Cần phải nâng định mức chi trả để chi phí khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế và mức giá dịch vụ bằng nhau trong một bệnh viện. Điều đó sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho nhân viên y tế, tạo môi trường làm việc tích cực.

Muốn giữ nhân lực y tế, Nhà nước nên khẩn trương thay đổi cơ chế tiền lương. Thu nhập của nhân viên y tế cần phải có sự khác biệt, tương xứng với trình độ, công sức và độ hiếm của nghề nghiệp. Tiếp đến, phải giúp nhân viên y tế có môi trường làm việc tốt nhất để họ an tâm công tác, phát huy được y đức, sự thiện lương hướng về người bệnh. Các cơ chế mua bán, đấu thầu cần phải rõ ràng để tránh sai sót cho người làm công tác quản lý y tế cơ sở.

Giải pháp cụ thể của địa phương

Trước thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc, gây khó khăn cho hoạt động chuyên môn, BS Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, để thu hút nguồn nhân lực, ngành y tế tỉnh đang triển khai chính sách riêng, đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua. Cụ thể, người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú được hỗ trợ trực tiếp 600 triệu đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I (500 triệu đồng); bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng hàm mặt tốt nghiệp loại giỏi trở lên (450 triệu đồng), tốt nghiệp loại khá (420 triệu đồng) và tốt nghiệp loại trung bình, trung bình khá (400 triệu đồng). Người có trình độ cử nhân, kỹ sư chuyên ngành bảo trì trang thiết bị y tế hoặc vật lý kỹ thuật y sinh (chuyên ngành bảo trì thiết bị y tế) được hỗ trợ 50 triệu đồng. Ngoài ra, người có chuyên môn về y tế khi được thu hút về Trường Cao đẳng Y tế Bình Dương được hưởng chế độ thu hút: tiến sĩ - giảng viên chính (600 triệu đồng); tiến sĩ (550 triệu đồng); bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú (500 triệu đồng); thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I (450 triệu đồng).

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định về “Hỗ trợ cho viên chức và nhân viên y tế cơ sở”. Theo đó, Bình Dương hỗ trợ hàng tháng cho nhân viên hợp đồng công tác tại trạm y tế lưu động ở xã, phường, thị trấn với mức 5 triệu đồng/bác sĩ, 3 triệu đồng/chức danh chuyên môn y tế, 2 triệu đồng/chức danh khác không có chuyên môn y tế. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ mỗi tháng 3 triệu đồng cho viên chức công tác tại trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực xã, phường, thị trấn đối với bác sĩ; 2 triệu đồng đối với các chức danh còn lại. Với mức hỗ trợ này, các bác sĩ, nhân viên y tế công tác tại trạm y tế thu nhập từ 8 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài chính sách trên, ông Chín, cho biết, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch và đề xuất tăng mức phụ cấp cho y tế công lập với mức lương ban đầu cao gấp 3 lần mức lương cơ sở vùng 1 (từ 4,68 triệu đồng đồng/người/tháng lên mức 14 triệu đồng/người/tháng đối với chức danh bác sĩ). Đối với điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ tại tuyến y tế cơ sở, mức lương tiếp nhận ban đầu cao gấp 1,5 - 2 lần mức lương cơ sở vùng 1.

Tại TPHCM, đầu tháng 7, HĐND TPHCM thông qua chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường xã đến năm 2025. Theo đó, các bác sĩ đang trong giai đoạn thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế sẽ được hưởng mức hỗ trợ 60 triệu đồng; điều dưỡng là 30 triệu đồng trong thời gian thực hành 18 tháng. Bên cạnh đó, TPHCM còn có chính sách tiền lương để thu hút người lao động có chuyên môn y tế đã về hưu tiếp tục cống hiến với khoản tiền từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những chính sách ở phạm vi nhỏ hẹp. Chính sách lớn đối với toàn ngành y tế thành phố vẫn đang còn bỏ ngỏ. PGS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nói: “Sở Y tế xác định, xu hướng nhân viên y tế nghỉ việc hoặc chuyển công tác là nguy cơ đang ảnh hưởng đến hoạt động chung của ngành sau đại dịch COVID-19. Vấn đề này vượt ngoài khả năng của Sở Y tế, đòi hỏi cơ chế chính sách mang tầm vĩ mô để nhân viên y tế an tâm công tác tại các cơ sở y tế công lập” (Tiền phong, trang 4).

 

Hơn 43 triệu người dân đã được ký xác nhận Hộ chiếu vaccine

Sáng 25-8, báo cáo kết quả triển khai nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 tại Hội nghị trực tuyến về công tác tiêm chủng phòng Covid-19, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế cho biết, tính tới ngày 18-8, cả nước tiêm được hơn 251,6 triệu mũi tiêm.

Trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 đã ghi nhận thông tin của từng người dân với 234,8 triệu mũi. Hiện còn khoảng 16,7 triệu mũi tiêm chưa được cập nhật lên hệ thống.

Số liệu do Bộ Công an báo cáo đã liên thông với nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 đã ghi nhận thông tin tiêm chủng của từng người dân với 147.041.099 mũi tiêm.

Hiện có 37 triệu mũi tiêm có mã số CCCD/CMTND nhưng sai thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Có khoảng 4 triệu người tương ứng với 10 triệu mũi tiêm không có thông tin CCCD/CMTND.

Bộ Y tế lý giải, nguyên nhân của việc sai thông tin nói trên là do ngành y tế địa phương đã bàn giao dữ liệu cho công an địa phương thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công an để làm sạch dữ liệu nhưng chưa có kết quả.

Hơn nữa, trong thời gian đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Việc khai thác và cập nhân thông tin CCCD/CMTND tại các cơ sở tiêm chủng chưa được đầy đủ.

Ngoài ra có hơn 15 triệu mũi 4 và hơn 116.000 mũi 5 chưa gửi được từ nền tảng Quản lý tiêm chủng sang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cùng đó, thông tin tiêm bị trùng trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 do nhiều cơ sở tiêm cùng cập nhật hoặc người dân khai báo không nhất quán giữa các lần tiêm.

Nhằm hỗ trợ các cơ sở tiêm chủng trong việc làm sạch dữ liệu, Bộ Y tế đã bàn giao dữ liệu 17 triệu đối tượng, tương ứng với 37 triệu mũi tiêm có thông tin CCCD/CMTND nhưng sai thông tin cho Bộ Công an rà soát, đối chiếu và gửi lại Bộ Y tế để cập nhật trên hệ thống. Đến nay, Bộ Công an đã rà soát, đối chiếu được hơn 10,729 triệu đối tượng.

Tính tới 24-8, Bộ Y tế cho biết đã có hơn 43 triệu người dân tiêm chủng được ký xác nhận Hộ chiếu vaccine (An ninh thủ đô, trang 6).

 

'Con đường mới nổi' lây nhiễm HIV tại Việt Nam

HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Đáng lưu ý, lây nhiễm HIV qua đường tình dục trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng nhanh những năm gần đây.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trước đây lây nhiễm HIV tại Việt Nam chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, lây truyền qua đường quan hệ tình dục, trong đó có nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (gọi tắt: MSM), đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây.

Đã ghi nhận người nhiễm HIV ở lứa tuổi học sinh

Năm 2014, tỷ lệ nhiễm HIV trung bình trong nhóm MSM là 6,7%; đến năm 2017 tăng lên 12,2%; và đến năm 2020 là 13,3%. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

Tại một số địa phương, người nhiễm HIV mới được phát hiện có tới hơn 50% là nhóm MSM. Trong thời gian tới, MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hằng năm.

Tại Long An, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh này cho biết tỷ lệ lây nhiễm HIV do hành vi tiêm chích giảm rõ. Thay vào đó, xu hướng quan hệ tình dục là đường lây chính, đặc biệt trong nhóm MSM. Số ca lây nhiễm HIV trong những năm gần đây ở Long An chủ yếu là qua đường tình dục. Tỷ lệ lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn năm 2018 là 63,7%; năm 2019 là 79,2%; năm 2021 tăng lên 94,7%. Số người nhiễm HIV trong nhóm MSM có chiều hướng gia tăng. Năm 2018 có 16,2% người nhiễm HIV trong nhóm MSM; năm 2021 tăng lên 69,9%. Riêng 6 tháng đầu năm nay, 67,9% người nhiễm HIV được phát hiện là nhóm MSM.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo báo cáo của CDC tỉnh, những năm gần đây tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục đã tăng rõ rệt (17,27% năm 2000; 52,89% năm 2010; 66,66% năm 2019). Tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng mạnh từ 2,25% (2011) lên 16,5% (2018).

Đáng lưu ý, một số địa phương gần đây đã ghi nhận người nhiễm HIV trong nhóm MSM ở độ tuổi học sinh trung học 16 - 17 tuổi.

Kiểm soát nồng độ vi rút ngừa nguy cơ lây nhiễm

Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Duy Minh, phụ trách Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Bà Rịa-Vũng Tàu, những năm gần đây đường lây truyền HIV đang có sự thay đổi rõ rệt. Trong đó, lây nhiễm qua đường tình dục tăng nhanh, trở thành phương thức lây truyền HIV chủ yếu. Do đó, việc duy trì, tuân thủ điều trị đối với bệnh nhân HIV/AIDS vô cùng quan trọng, bảo đảm cho nồng độ vi rút trong máu đạt dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu), thì sẽ không có nguy cơ lây qua đường tình dục.

Nhìn nhận về nguyên nhân gia tăng người nhiễm HIV trong nhóm MSM, Th.S-BS Nguyễn Ngọc Linh, Phó giám đốc CDC Long An, cho rằng trước đây nhóm này hạn chế công khai danh tính, rất khó tiếp cận vì họ lo sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Tuy nhiên, những năm gần đây, với các dự án tài trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS tập trung vào nhóm này, địa phương đã tổ chức được mạng lưới các đồng đẳng viên tiếp cận, giúp họ xét nghiệm HIV; nếu nhiễm HIV, được cấp thuốc điều trị sớm. “Do đó nhóm MSM đã cởi mở hơn; họ cũng tiếp cận sớm với xét nghiệm, điều trị”, BS Linh chia sẻ.

Cũng theo BS Nguyễn Ngọc Linh, việc tiếp cận điều trị sớm và duy trì thuốc giúp người nhiễm HIV có sức khỏe tốt, đặc biệt giúp giảm tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện, là điều kiện quan trọng để không còn nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Tuy nhiên, các trường hợp MSM được tư vấn về tình dục an toàn, không chỉ ngừa lây nhiễm HIV, mà còn ngừa lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục (Thanh niên, trang 15).

 

Tìm nguồn vắc xin Moderna tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết hiện một số địa phương đang thiếu khoảng 274.000 liều vắc xin Moderna để tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Nguyên nhân, khi triển khai tiêm vắc xin Moderna cho trẻ em, nhiều gia đình có trẻ đã tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna không đưa trẻ đi tiêm tiếp mũi 2 hoặc trẻ bị ốm, mắc Covid-19 nên phải hoãn tiêm. Trong khi đó, vắc xin Moderna chỉ được sử dụng tối đa trong 30 ngày kể từ khi rã đông. Do đó, để sử dụng hiệu quả vắc xin Moderna, nhiều địa phương đã tiêm nhắc cho người lớn, dẫn tới thiếu hụt vắc xin Moderna tiêm mũi 2 cho trẻ.

Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang liên hệ các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước để đề nghị hỗ trợ vắc xin Moderna. Dự kiến trong tháng 9 sẽ tiếp nhận và cung ứng vắc xin Moderna cho các địa phương để tiêm mũi 2 cho trẻ đã tiêm mũi 1 Moderna.

Đáng lưu ý, trước thực tế hàng loạt biến thể phụ Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1) xâm nhập, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tuân thủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo đầy đủ các trường hợp mắc Covid-19 ngay sau khi có chẩn đoán đảm bảo trong vòng 24 giờ; phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur lấy mẫu, giải trình tự gien, phát hiện sớm các biến thể mới của SARS-CoV-2 (Thanh niên, trang 15).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang