Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 26/9/2015

  • |
T5g.org.vn - Cả nước ghi nhận 25 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết; Hai bệnh nhân ghép tạng Bệnh viện Việt Đức được xuất viện; Không được chủ quan với sốt xuất huyết; Trung thu ấm áp đến với bệnh nhi ung thư Huế.

Cả nước ghi nhận 25 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Chiều 25-9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 39.547 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tại 51 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có 25 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, khu vực miền nam ghi nhận được 29.506 trường hợp mắc SXH (chiếm 74,6% số mắc cả nước), nhất là các tỉnh Đông Nam Bộ. Mặc dù số ca mắc SXH giảm 17,7%, so với trung bình giai đoạn 2010 - 2014, nhưng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, Bộ Y tế đang tập trung chỉ đạo các bệnh viện tuyến T.Ư, tuyến cuối tổ chức các lớp tập huấn và hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, nhằm giảm tối đa các trường hợp diễn biến nặng và tử vong do SXH.Phối hợp với các Bộ, ngành để triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống dịch SXH, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo về phòng, chống dịch bệnh SXH trong nhà trường, để thông qua nhà trường nâng cao việc truyền thông cho cộng đồng, đối với dịch bệnh này.

* Ngày 25-9, bác sĩ Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đác Lắc cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa có một người bệnh tử vong do bệnh SXH. Người bệnh được xác định là bé trai N.N.G.H (SN 2002, trú tại thôn 4, xã Ea H'leo, huyện Ea H'leo). Người bệnh tử vong ngày 20-9 do SXH Dengue nặng sau năm ngày mắc bệnh (Nhân dân (trang 5).

Hai bệnh nhân ghép tạng Bệnh viện Việt Đức được xuất viện

Chiều 25-9, Bệnh viện Việt Đức đã tiễn hai bệnh nhân được ghép gan và tim thành công vào ngày 5-9 vừa qua ra viện. Đây là hai bệnh nhân được ghép tim, gan từ nguồn tạng của người cho chết não được vận chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) ra Hà Nội. PGS, TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức vui mừng cho biết, hai ca ghép tạng đã thành công. Hiện nay, sức khỏe bệnh nhân được ghép gan là Trần Văn Hải, 59 tuổi, và bệnh nhân được ghép tim là Nguyễn Văn Hải, 37 tuổi, đã dần hồi phục, đi lại, ăn uống và giao tiếp bình thường.

Theo PGS, TS Nguyễn Tiến Quyết, các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên đã phải trải qua hơn 7 tiếng rưỡi cho ca phẫu thuật ghép gan và 6 giờ cho ca ghép tim. Thành công của ca ghép tim, gan này thêm một lần nữa khẳng định trình độ và kỹ thuật ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới. Bệnh nhân hoàn toàn có thể yên tâm vào năng lực của các bác sĩ trong nước mà không cần phải ra nước ngoài để ghép tạng. Bên cạnh đó, ca ghép tim, gan đã thể hiện sự phối kết hợp nhịp nhàng của chuyên ngành trong cấp cứu từ xét nghiệm, gây mê hồi sức, truyền máu, thuốc, dịch truyền… đến những kỹ thuật ngoại khoa chính xác đến tuyệt đối của các thầy thuốc. Mặc dù vậy, khó khăn nhất của Việt Nam hiện nay là thiếu nguồn tạng hiến, tặng. Hiện các trung tâm ghép tạng trên thế giới mỗi năm thực hiện được trên 2.000 ca, trong khi ở Việt Nam, mỗi năm chỉ thực hiện được số lượng rất nhỏ. “Mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 ca tai nạn giao thông và các bệnh lý về não, chỉ cần 1.000 ca hiến tặng thì đã rất nhiều người được cứu”, PGS, TS Nguyễn Tiến Quyết nói. PGS,TS Nguyễn Tiến Quyết cũng mong muốn thành lập Quỹ cho bệnh nhân cần ghép tạng, bởi hiện nay, dù ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/10 so với giá trên thế giới, khoảng từ 1-2 tỷ đồng, song với mặt bằng thu nhập người Việt Nam thì đây cũng là khoản kinh phí không nhỏ... Tại buổi gặp gỡ báo chí trước khi ra viện, hai bệnh nhân bày tỏ lòng biết ơn đối với gia đình đã hiến tặng nguồn tạng và tài năng, sự nỗ lực hết lòng của y bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy (Nhân dân trang 5, Lao động trang 3, Hà Nội mới trang 1).

Không được chủ quan với sốt xuất huyết

Ngày 25.9, Báo Lao Động phối hợp với Bộ Y tế tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến về “Phòng, chống sốt xuất huyết”. 3 chuyên gia đầu ngành về lĩnh này của Bộ Y tế gồm PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, PGS-TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư và GS-TS Vũ Sinh Nam - chuyên gia cao cấp của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - tham gia giải đáp các thắc mắc của bạn đọc về dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát này.

Chưa thể thanh toán được sốt xuất huyết

Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết (SXH) là bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu nên chưa thể thanh toán căn bệnh này... Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - PGS-TS Trần Đắc Phu - cho biết, SXH đang lưu hành khoảng hàng trăm quốc gia trên thế giới. Hiện nay, dịch ở ta xảy ra ở miền Bắc thường từ tháng 4 - tháng 10 và ở miền Nam là tất cả các tháng quanh năm. Song số mắc nhiều là từ tháng 4 - tháng 11, đó là những tháng có nhiệt độ phù hợp 25-350C và là mùa mưa, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản và phát triển để truyền bệnh. Bệnh tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và các tỉnh duyên hải miền Trung chiếm khoảng 80-90% số trường hợp mắc trong năm.

Cũng như băn khoăn của nhiều bạn đọc là tới nay đã có 24 người chết vì SXH, trong khi đây không phải bệnh nguy hiểm, PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết, SXH là bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu nên chúng ta chưa thể thanh toán được căn bệnh này. Do vậy, việc xử lý bọ gậy và muỗi truyền bệnh vẫn là biện pháp chính trong công tác phòng, chống bệnh SXH. sao đưa số tử vong về 1 chữ số - đây là một thách thức lớn, PGS-TS Trần Đắc Phu nói.

Trước hàng chục nghìn ca bệnh hiện nay, nhiều bạn đọc lo ngại SXH đang có những biến đổi nguy hiểm, PGS-TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư - cho biết, bệnh SXH do virus Dengue gây nên, cho đến nay virus chưa có biến đổi về gene, các bệnh cảnh lâm sàng vẫn giống như nhiều năm trước đây. Các bệnh nhân bị tử vong phần nhiều do đến bệnh viện muộn, ở giai đoạn sốc không hồi phục.

Sốt xuất huyết trong tầm kiểm soát

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, hằng năm cả nước có từ 50.000 - 100.000 ca SXH. Tính từ đầu năm 2015 tới nay, cả nước ghi nhận hơn 39.000 trường hợp mắc SXH tại 51 tỉnh, thành phố.

Trong năm 2014-2015, nguồn lực dành cho chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống SXH đã bị cắt giảm đi 40% nhưng theo PGS-TS Trần Đắc Nhu, nhờ phân bổ nguồn lực tốt, kết cấu vào các hoạt động ưu tiên như việc phun hóa chất để dập dịch, tổ chức các hoạt động truyền thông… tới nay số ca tử vong đã giảm mạnh, hiện nay năm 2015 là 24 trường hợp tử vong.

Ngoài ra, Việt Nam cũng triển khai biện pháp sinh học như một số nước, như Australia, Indonesia, Brazil đã thử nghiệm, đó là thả muỗi có đề kháng lại với bệnh SXH ra môi trường. GS-TS Vũ Sinh Nam - chuyên gia cao cấp Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - cho biết, những con muỗi được thả từ dự án này mang vi khuẩn Wolbachia - loại vi khuẩn ngăn cản sự phát triển của virus SXH trong muỗi làm cho muỗi không truyền virus này. Tại Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đang thử nghiệm tại đảo Chí Nguyên của tỉnh Khánh Hoà. Đến thời điểm này, quần thể muỗi Wolbachia phát triển rất tốt trên thực địa và đang thay thế quần thể muỗi hoang dại. Nếu kết quả trên thực địa cho phép sẽ mở rộng việc áp dụng phương pháp này tới thành phố Nha Trang (Lao động trang 8).

Trung thu ấm áp đến với bệnh nhi ung thư Huế

57 bệnh nhi mắc bệnh ung thư máu đang điều trị tại Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện TW Huế vừa được nhận những phần quà trung thu từ chương trình Ước mơ của Thúy do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Chiều 25-9, Văn phòng thường trú báo Tuổi Trẻ tại Huế đã đến thăm các bệnh nhi bị ung thư và trao những suất quà trung thu cho các em. Mỗi suất quà trị giá 860.000đ, bao gồm 2 hộp sữa bột Dumex 800gr và tiền mặt 200.000đ.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình Ước mơ của Thúy do báo Tuổi Trẻthực hiện từ năm 2007, bao gồm các hoạt động nhân ái cho các bệnh nhi trong dịp Tết Nguyên đán, Tết thiếu nhi 1-6 và Tết Trung thu.

Bác sĩ Châu Văn Hà, trưởng khoa Nhi tổng hợp II (Trung tâm Nhi khoa) nói: “Món quà không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất, mà qua đó các bệnh nhi và gia đình bệnh nhi cảm thấy mình không đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư. Đây còn là dịp để các gia đình bệnh nhi ung thư hội tụ, gần gũi và hiểu nhau hơn” . 

Ngoài 57 suất quà, Báo Tuổi Trẻ còn trao 90 hộp sữa Dumex (380.000đ/hộp) cho 90 bệnh nhi ung thư đang điều trị ngoại trú của Trung tâm Khoa nhi và các bệnh nhi có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Đây là năm thứ ba chương trình Ước mơ của Thúy đến với bệnh nhi ung thư điều trị tại Bệnh viện Trung Ương Huế. Tổng kinh phí cho đợt trao lần này là 89 triệu đồng (Tuổi trẻ trang 2).

Tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế: Cấp thiết nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

 Từ nay đến cuối năm 2015, TP Hà Nội khó có thể đạt mốc 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) như mục tiêu đã đề ra. Kết quả đợt giám sát về lĩnh vực này trên địa bàn của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hà Nội) cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn đang đặt ra…

Mới đạt 71,3%

Qua khảo sát, tính đến tháng 6-2015, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn mới đạt 71,3% dân số, trong đó nhóm đối tượng hộ gia đình đạt thấp (23,5%). Huyện Ứng Hòa đến nay mới có 61% người dân tham gia BHYT, trong đó nhóm hộ gia đình mới đạt 16,6%. Ở huyện Gia Lâm, số người tham gia BHYT cũng mới đạt 70%. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần, ngoài chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa đáp ứng được yêu cầu, thủ tục khám, thanh toán phiền hà, thái độ đối xử với người bệnh có thẻ BHYT khác với khám dịch vụ, thì còn có yếu tố thủ tục mua BHYT theo hộ gia đình rườm rà. Thực hiện Luật BHYT sửa đổi bổ sung (từ 1-1-2015), đối tượng tự nguyện nhân dân phải tham gia bắt buộc theo hộ gia đình, phương thức mua chuyển đổi từ chỗ một người tham gia sang cả hộ gia đình tham gia. Thủ tục hành chính cũng gây khó khăn cho người dân, như nếu không phải photocopy sổ hộ khẩu thì phải kê khai biểu mẫu và xin xác nhận của thôn, xã.

Cùng với đó, việc triển khai một số quy định của Luật BHYT sửa đổi còn chậm. Cụ thể như việc hỗ trợ đóng BHYT của đối tượng cán bộ không chuyên trách cấp xã; hỗ trợ đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và chi hỗ trợ (mức 1.500 đồng/người) cho UBND cấp xã để thực hiện lập danh sách tham gia BHYT chưa được thực hiện. Do quy định phân tuyến nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, nên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng những khu vực giáp ranh, người dân sống gần khu vực bệnh viện tuyến thành phố, nhưng không được tham gia BHYT tại bệnh viện đó, mà phải tham gia tại tuyến cơ sở xa hơn. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác đại lý BHYT tại các xã, phường, thị trấn còn kiêm nhiệm, thiếu thống nhất, không chuyên nghiệp, đa số là cán bộ làm công tác thương binh xã hội, cán bộ hội phụ nữ... Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp ở các địa phương, nhất là khu vực ngoại thành.

Thủ tục rườm rà

Qua giám sát, nhiều quận, huyện đề xuất các giải pháp để thúc đẩy nhanh tỷ lệ người tham gia BHYT như cần có cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT cấp xã, vì hiện tại mới ở mức độ làm đại lý do UBND cấp cơ sở phân công làm, nếu như họ không tâm huyết thì không có chính sách nào ràng buộc. Đối với nhóm BHYT hộ gia đình, ngành Bảo hiểm cần giảm nhẹ thủ tục hành chính, giảm bớt phần chủ hộ phải kê khai phụ lục, mà chỉ cần kê khai theo mẫu (hiện tại chủ hộ gia đình phải kê khai cả phụ lục và mẫu). Mặt khác, bỏ bớt chữ ký của UBND xã, phường, thị trấn, mà thay vào đó là chữ ký của đại lý bảo hiểm, để trong trường hợp cần thiết cơ quan BHXH tổ chức kiểm tra được thuận lợi.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hà Nội) Nguyễn Thị Thùy cho biết, với những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách BHYT, Đoàn giám sát của HĐND thành phố đã kiến nghị với TP Hà Nội tăng cường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT nhằm tiến tới thực hiện BHYT toàn dân trên địa bàn. Trong đó, đề xuất thành phố nên đưa chỉ tiêu số người tham gia BHXH, BHYT là một trong những chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từ năm 2016. Đoàn giám sát cũng đề nghị cơ quan BHXH thành phố tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT để người dân hiểu rõ quyền lợi khi tham gia BHYT, tránh hiện tượng như hiện nay, ở một số địa phương, người dân khi có bệnh nặng mới tham gia BHYT. Đồng thời phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác BHYT, nhất là công tác thống kê, lập danh sách, cấp và đổi thẻ; quy định đưa các thủ tục hành chính về thực hiện chế độ, chính sách BHYT vào mô hình "một cửa", từ việc cấp, đổi thẻ đến các thủ tục, giấy tờ, hồ sơ thanh toán BHYT, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Cùng với các giải pháp trên, ngành Y tế và các bệnh viện cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các trạm y tế cơ sở cần được quan tâm đầu tư hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân, cần linh hoạt xử lý tình huống và tạo điều kiện về thủ tục chuyển viện tuyến trên khi bệnh nhân yêu cầu. Chỉ khi cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng có sự quan tâm đúng mức, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt nhằm khắc phục các tồn tại đang đặt ra thì số người tham gia BHYT mới tăng, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển BHYT toàn dân (Hà Nội mới trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang