Bệnh viện thiếu dụng cụ y tế, thuốc kéo dài
Nhiều bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Dương dù có bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn phải bỏ tiền túi ra bên ngoài mua dụng cụ y tế, thuốc điều trị. Trong khi ngành y tế địa phương loay hoay tìm giải pháp thì bệnh nhân nơi đây đang phải chịu cơn đau thể xác cộng thêm gánh nặng chi phí điều trị.
Nằm điều trị tại khoa Thận, BVĐK tỉnh Bình Dương suốt mấy tháng nay, ông T.V.L (50 tuổi) cho biết, hoàn cảnh gia đình của ông khó khăn, lại mắc bệnh nặng nên tốn kém rất nhiều tiền. “Ở đây, bệnh nhân đều giống nhau, phải tự đi mua dụng cụ y tế, một số thuốc để điều trị, bất kể người có BHYT hay không”, ông L. nói và cho biết, mỗi lần chạy thận tại BVĐK tỉnh Bình Dương, người bệnh phải tự bỏ ra từ 200 đến 300 nghìn đồng để mua dụng cụ y tế.
Đối với những gia đình khá giả, vài trăm nghìn đồng không lớn, song đây lại là áp lực, gắng nặng cho bệnh nhân nghèo, mắc bệnh mãn tính phải điều trị thời gian dài. Đáng nói, chi phí này lẽ ra bệnh nhân được BHYT chi trả. Theo lời các bệnh nhân đang điều trị tại BVĐK tỉnh Bình Dương, tình trạng bệnh nhân phải tự bỏ tiền đi mua dụng cụ, thuốc điều trị đã diễn ra từ lâu, song đến nay bệnh viện vẫn chưa khắc phục được.
Ông D.V.T. (42 tuổi) điều trị tại bệnh viện này cho biết, ông có tham gia bảo hiểm y tế, tuy nhiên trong quá trình điều trị, ông phải tự mua nhiều vật tư y tế. “Tôi đang điều trị bệnh suy thận, thường phải đến BVĐK tỉnh Bình Dương. Bác sĩ kê đơn xong, tôi phải tự mua găng tay y tế, dây truyền dịch, kim luồn tĩnh mạch, bơm tiêm vô trùng, băng keo và bông gòn. Mỗi lần mua dụng cụ tốn khoảng 250 nghìn đồng. Mỗi tuần 3 lần chạy thận, tốn kém nhiều tiền, người nghèo như tôi vất vả lắm”, ông T. chia sẻ.
Khi được hỏi, vì sao có BHYT nhưng vẫn chấp nhận tự đi mua dụng cụ y tế bên ngoài? Ông T. nói: “Bác sĩ nói sao thì tôi nghe vậy, có bệnh phải chấp nhận thôi. Bác sĩ điều trị họ cũng chia sẻ thật là bệnh viện đang thiếu vật tư y tế chứ không phải cố tình gây khó cho bệnh nhân”.
Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, việc thiếu thuốc, vật tư y tế thực tế đã xảy ra tại các BV công lập trên địa bàn. Một số đơn vị đã chủ động mua, nhưng tới giai đoạn phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phê duyệt dự toán, thì nhà cung cấp không cung cấp được nên... rút. Có trường hợp đã trúng thầu nhưng một đơn vị không thể cung cấp tất cả danh mục vật tư y tế cho toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh nên cũng phải dừng lại.
“Ngành y tế mong được thông cảm, chia sẻ do có nhiều nguyên nhân, cơ chế mà anh em không dám mua. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 khi có Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ cũng đã tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế rất nhiều. Hiện tại, ngành đang vận dụng quy định này từng bước, từng khâu để tổ chức đấu thầu và mua vật tư y tế cho bệnh viện sử dụng”, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín nói.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương không đưa ra thời gian cụ thể về việc hoàn thành đấu thầu bởi vì khi mở thầu, làm hết một giai đoạn dài nhưng sợ không có công ty nào tới đấu thầu. “Vừa rồi, việc thiếu thuốc y học cổ truyền cũng vậy. Trong một thời gian dài, Sở Y tế, Bệnh viện Y học Cổ truyền Bình Dương và nhiều bệnh viện tuyến huyện đã làm từng bước, từng khâu tới giai đoạn tổ chức mở thầu, thế nhưng chờ 2 đợt không có công ty nào tới bán”, ông Chín nêu dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Hiểu, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 87 cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng bảo hiểm y tế và đang gặp vướng mắc. Đối với cơ sở y tế tư nhân thì không có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế (Tiền phong, trang 5).
Hà Nội có thêm 95 ổ dịch sốt xuất huyết
Theo tin từ CDC Hà Nội vào chiều 25-9, trong tuần (từ ngày 15 đến 22-9), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2.404 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Hà Đông (174 ca), Phú Xuyên (161 ca), Cầu Giấy (150 ca), Đan Phượng (145 ca), Hoàng Mai (141 ca), Đống Đa (138 ca), Thanh Oai (135 ca), Ba Đình (124 ca), Nam Từ Liêm (120 ca), Chương Mỹ (107 ca), Thanh Trì (101 ca), Thanh Xuân (100 ca).
Nếu tháng 7 và tuần đầu tháng 8-2023, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội chỉ khoảng 500-600 ca/tuần, thì từ tuần thứ 2 tháng 8 trở đi, số ca mắc tăng lên 1.000 ca. Từ giữa tháng 9-2023 đến nay, số ca mắc tăng đột biến từ 2.200 đến 2.400 ca/tuần. Tuần qua là tuần ghi nhận số ca mắc kỷ lục từ đầu năm đến nay (hơn 2.400 ca/tuần).
Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 12.776 trường hợp sốt xuất huyết (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 ca tử vong. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là: Hoàng Mai (968 ca), Thạch Thất (889 ca), Thanh Trì (828 ca), Hà Đông (781 ca), Phú Xuyên (764 ca), Đống Đa (715 ca), Cầu Giấy (708 ca), Nam Từ Liêm (643 ca), Đan Phượng (593 ca), Bắc Từ Liêm (549 ca), Thanh Oai (533 ca).
Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 95 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã; trong đó quận Bắc Từ Liêm có tới 14 ổ dịch; tiếp đến là quận Hoàng Mai có 13 ổ dịch; Đống Đa có 11 ổ dịch… Đây cũng là tuần ghi nhận số ổ dịch nhiều nhất từ đầu năm đến nay.
Như vậy, từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 870 ổ dịch. Hiện còn 257 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Hữu Bằng - huyện Thạch Thất có 327 bệnh nhân; xã Phùng Xá - huyện Thạch Thất có 74 bệnh nhân; thôn Đống - xã Cao Viên - huyện Thanh Oai có 65 bệnh nhân…
Theo nhận định của CDC Hà Nội, thành phố đang bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết. Với điều kiện khí hậu và thời tiết như hiện nay, dự báo tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới (Hà Nội mới, trang 7).
Tuyệt đối không tự ý điều trị đau mắt đỏ
Hiện đang là đỉnh dịch đau mắt đỏ khi số người mắc bệnh xuất hiện tại nhiều tỉnh thành phố. Khoảng 50% số ca đến khám cơ sở chuyên khoa Mắt là bệnh nhân đau mắt đỏ. Bệnh nhân cần được các bác sĩ thăm khám để không nhầm lẫn giữa đau mắt đỏ và các nguyên nhân khác, tránh biến chứng đáng tiếc.
Bác sĩ, TS. Đặng Xuân Nguyên, Hội Nhãn khoa Việt Nam, cho biết năm nay, nguyên nhân chủ yếu gây dịch đau mắt đỏ là Adenovirus, Coxsakievirus và Enterovirus với tỉ lệ khác nhau tùy theo vùng dịch tễ. Với những người có biến chứng, bệnh lâu khỏi hơn bình thường, tuy chỉ chiếm khoảng 10-20%.
Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội - Hà Nam mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhân đau mắt đỏ trong số 200 ca đến khám. Gần đây, Bệnh viện Mắt Trung ương ghi nhận trung bình khoảng 700 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám mỗi tuần. Riêng tuần qua, bệnh viện tiếp nhận 800 ca bệnh, trong đó có một số ca biến chứng. Các chuyên gia nhận định, thời gian này là đỉnh dịch, số ca mắc nhiều có thể sinh ra miễn dịch cộng đồng nên sắp tới dịch giảm dần. Điều khác biệt năm nay mà bác sĩ chuyên khoa 1 Vũ Quang Thiện, Hội Nhãn khoa Việt Nam, nhận thấy là một ngưởi có thể mắc 2 lần với 2 loại virus khác nhau trong 1 vụ dịch đau mắt đỏ. “Số biến chứng tăng do nhiều người mắc mọi người sử dụng chung đơn thuốc của nhau mà không có sự thăm khám, chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Thiện nói.
Theo TS Nguyên, virus dễ thâm nhiễm vào tròng đen gây biến chứng viêm giác mạc. Xuất hiện đốm đục nên ánh sáng đi vào sẽ bị khúc xạ dẫn tới loá, mờ mắt. Bệnh dễ tái phát do độc tố của virus gây ra kéo dài 3-6 tháng, thậm chí cả năm.
TS Nguyên lưu ý: “Việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng khá dễ dàng. Tuy nhiên cần chú ý đến các nguyên nhân khác gây bệnh có triệu chứng gần tương tự nhưng lại có khả năng gây mù lòa. Điều này hay xảy ra đối với bệnh nhân tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị mà không được khám bởi các bác sĩ chuyên khoa”.
Điều trị bệnh đau mắt đỏ thường không có các loại thuốc đặc hiệu, bởi nguyên nhân thường là do virus không chịu tác dụng của các loại kháng sinh. Tuy nhiên các bác sĩ thường kê đơn kháng sinh tra mắt liều trung bình để phòng ngừa bội nhiễm. Các thuốc kháng viêm dạng corticoid có thể được xem xét để điều trị một số trường hợp cụ thể để điều trị các tình trạng viêm quá mức. “Tuy nhiên việc dùng các loại thuốc này phải được các bác sĩ kê đơn và được theo dõi cẩn thận, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua để sử dụng vì thuốc có thể làm giảm miễn dịch của kết mạc, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như viêm loét giác mạc, làm bệnh tiến triển kéo dài… Mới đây một bệnh nhân 21 tuổi bị mù 2 mắt vì nhỏ thuốc chứa corticoid”, bác sĩ Thiện nói (Tiền phong, trang 6).
Bình Dương phát hiện một ca bệnh đậu mùa khỉ
Chiều tối 25-9, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ, tạm trú tại khu phố Cổng Xanh, xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên.
Theo báo cáo ban đầu, ngày 23-9, Viện Pasteur TPHCM thông tin về trường hợp chị N.K.L. (22 tuổi) có tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ đã được xác định trước đó (ngụ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, làm việc ở TPHCM), Sở Y tế đã thành lập đoàn giám sát tiến hành điều tra, giám sát ca bệnh ngay trong tối cùng ngày.
Sở Y tế tỉnh cũng có văn bản gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các cơ sở y tế nhằm tuyên truyền, chủ động phòng chống bệnh đậu mùa khỉ sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn. Các cơ sở y tế trong địa bàn Bình Dương được yêu cầu thực hiện điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý xử lý kịp thời ổ dịch, không để lây lan ra cộng đồng; tổ chức cách ly với những trường hợp dương tính, tránh tử vong và không để lây nhiễm với nhân viên y tế; tổ chức giám sát và báo cáo ca bệnh theo quy định (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Người Việt sống thọ hơn nhưng lại lắm bệnh tật
Trong Đông Nam Á, xét về sống thọ, phái nam người Việt đứng thứ 5, còn nữ đứng thứ 2 nhưng trung bình có tới 10 năm phải sống với các bệnh tật như: tim mạch, ung thư và đái tháo đường.
Cần chính sách gì để giảm bệnh không lây nhiễm? Theo dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân do Bộ Y tế soạn thảo nêu ra những bất cập, tồn tại của sức khỏe người Việt.
Tuổi thọ cao nhưng nhiều bệnh tật
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ 2. Trong 15 năm qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi. Bên cạnh đó, nhiều chỉ số cũng được cải thiện như giảm tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em…
Tuy nhiên, Bộ Y tế nhận định mặc dù tuổi thọ người Việt cao hơn các nước trong khu vực nhưng số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh tật là do sự gia tăng mắc các bệnh không lây nhiễm, phổ biến là tim mạch, ung thư và đái tháo đường.
Bộ Y tế cũng nêu rõ Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc, và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Theo các chuyên gia, có ba nguyên nhân quan trọng khiến số năm sống chung với bệnh tật của người Việt ở mức cao, đó là chế độ dinh dưỡng, lối sống và môi trường ô nhiễm.
Hút thuốc lá và "đại dịch" béo phì
Theo điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021 do Bộ Y tế chủ trì thực hiện cho thấy có tới gần 21% dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên hút thuốc lá, có 1/3 dân số từng tiếp xúc với khói thuốc lá. Có tới gần 2/3 nam giới uống rượu bia.
Đặc biệt, mức độ hoạt động thể lực của người dân còn thấp, gần 1/4 dân số thiếu hoạt động thể lực (không đạt mức theo khuyến nghị của WHO) và có tới gần 1/5 dân số bị thừa cân, béo phì.
Trong các nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm thì hút thuốc lá và thừa cân, béo phì là hai nguyên nhân hàng đầu.
Theo bác sĩ Đỗ Hùng Kiên, trưởng khoa nội 1 Bệnh viện K, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi và hàng loạt các loại ung thư khác như ung thư bàng quang, hạ họng, khoang miệng…
Ngoài việc hút thuốc lá chủ động thì hút thuốc lá thụ động cũng bị ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe.
Các chuyên gia khuyến cáo hút thuốc còn gây ra bệnh tim mạch, đột quỵ, phình tách động mạch chủ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, loãng xương và có nguy cơ bị lao, các nhiễm trùng khác.
PGS Nguyễn Anh Tuấn - trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết béo phì là nguồn gốc của hơn 200 bệnh, làm tăng nguy cơ các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh…
Bên cạnh đó, béo phì cũng làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường khác.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh thừa cân, béo phì liên quan đến nhiều loại ung thư thường gặp như ung thư vú, ung thư đại trực tràng, tử cung, thận, tụy, thực quản, gan, đường mật, buồng trứng, u tủy, màng não...
Theo bác sĩ Tuấn, béo phì đang là một "đại dịch" gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, vì vậy cần có những giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng béo phì.
Bên cạnh đó, môi trường sống ở Việt Nam nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải sinh hoạt, sản xuất cũng là nguyên nhân gây bệnh tật. Ngoài những nguyên nhân khách quan thì còn có yếu tố chủ quan là ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế (Tuổi trẻ, trang 14).