Coi chừng biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết ngày mưa
Dịch sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng ở một số tỉnh phía nam nước ta, so với cùng kỳ năm 2021, tại TP HCM số ca mắc sốt xuất huyết nặng tăng gấp 5 lần, số ca tử vong tăng gấp đôi do có nhiều biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, số bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng do mùa mưa đang đến.
So với cùng kỳ năm 2021, tại TP HCM, số ca mắc sốt xuất huyết nặng tăng gấp 5 lần, đặc biệt số mắc bệnh nhiều nhất là ở trẻ em trên 5 tuổi và số bệnh nhân sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng do mùa mưa đang đến, muỗi có điều kiện phát triển, trong khi muỗi là căn nguyên mang virus gây bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, không được xem thường, nhất là trẻ em rất dễ mắc sốt xuất huyết, tỷ lệ biến chứng lại cao.
Tình hình dịch sốt xuất huyết ở một số tỉnh phía nam nước ta
TP HCM ghi nhận 79 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 51 phường, xã, nâng số ổ dịch tích lũy từ đầu năm lên 446. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), các ổ dịch mới được ghi nhận nhiều ở Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn, quận 12, Tân Phú, Bình Tân, quận 8... Thêm trường hợp tử vong vừa được ghi nhận tại huyện Củ Chi, nâng số người mất do sốt xuất huyết từ đầu năm lên 7, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận hơn 8.400 trường hợp mắc bệnh, tăng 28% với cùng kỳ năm ngoái. Trong tuần qua, gần 950 ca bệnh được phát hiện, tăng 20% so với trung bình tháng trước.
Một số phường xã có số ca bệnh tăng cao là phường Tân Thới Hiệp, Thạnh Xuân (quận 12); phường Phú Thạnh, Sơn Kỳ (Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn). Trong khi đó, quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận 8, quận 10, quận 11, Phú Nhuận có số ca bệnh trong tuần giảm so với trung bình tháng trước.
Dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng do mùa mưa đang đến. Mùa mưa là mùa phát triển của muỗi, đặc biệt là muỗi truyền bệnh, trong đó đáng chú ý nhất là muỗi vằn mang virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, cho nên được gọi là sốt xuất huyết Dengue (SXHD)
Nguyên nhân và đường lây truyền của bệnh SXHD
Bệnh SXHD là do một loại virus có tên là Dengue lây lan cho người bởi muỗi vằn mang virus Dengue đốt người. Virus Dengue có 4 typ huyết thanh (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4). Ở Việt Nam có cả 4 typ huyết thanh này, có nghĩa là một người đã mắc SXHD typ1 (DEN-1) vẫn có thể nắc các typ huyết thanh khác. Người bị nhiễm virus Dengue do muỗi mang virus Dengue đốt, qua vết đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ vào máu người rồi gây bệnh SXHD.
Có hai loại muỗi truyền bệnh SXHD là Aedes aegypti (muỗi vằn) hoặc muỗi Aedes albopictus (muỗi hổ châu Á). Đặc biệt, muỗi vằn đốt, hút máu và truyền virus Dengue cả ban ngày, cả ban đêm nhất là sáng sớm và chiều tối.
Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết Dengue
SXHD thường trải qua 3 giai đoạn.
Đầu tiên (giai đoạn 1), các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường, đó là biểu hiện sốt cao (39 – 40 o C), đột ngột trong 1 hoặc 2 ngày đầu, sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2, tức từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng (xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới…).
Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn 3, đó là giai đoạn hồi phục (người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường). Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường.
Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết Dengue
Trước hết phải kể đến là sốc do mất máu, thoát huyết tương. Bởi vì, virus Dengue làm tăng tính thấm mao mạch gây thoát huyết tương, làm cô đặc máu dẫn đến sốc khiến máu bị đẩy ra ngoài. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến dịch huyết tương có thể ứ đọng trong màng não qua các thành mạch, gây phù não và các hội chứng về thần kinh, dẫn đến hôn mê. Thoát huyết tương có thể bị tràn, xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp, nếu không được cấp cứu, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.
Tiếp đến là biến chứng gây tụt huyết áp đột ngột do mất máu và thoát huyết tương nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến xuất huyết não, rất dễ vong. Và cũng từ các biến chứng này có thể dẫn đến suy tim do chảy máu liên tục, khiến tim không đủ máu tuần hoàn.
Một khi tim không đủ sức bơm máu, cộng với dịch huyết tương xuất huyết khiến màng tim bị tràn dịch gây ứ đọng, thêm vào đó thận phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua nước tiểu. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy thận cấp.
SXHD có thể dẫn đến 2 biến chứng về mắt, đó là mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, làm cho mạch máu của võng mạc tổn thương khiến thị lực giảm sút hoặc xuất huyết trong dịch kính mắt (dịch kính mắt là một loại chất nhầy trong nhãn cầu giúp con người nhìn rõ mọi vật). Khi bị xuất huyết, lớp dịch này sẽ bị che phủ và hòa tan khiến người bệnh gần như mù mắt.
Với phụ nữ đang mang thai, nếu bị SXHD trong những ngày đầu mắc bệnh, bà bầu có thể bị sốt cao, khiến nhịp tim thai đập nhanh hơn, làm ảnh hưởng đến thai nhi. Những ngày tiếp theo, bà bầu có nguy cơ giảm tiểu cầu dẫn đến hiện tượng chảy máu. Nếu bị sốt xuất huyết trong những tháng đầu của thai kỳ, bà bầu rất dễ bị sẩy thai. Vì vậy, biến chứng do SXHD là cực kỳ nguy hiểm không được chủ quan, xem nhẹ.
Nên làm gì để hạn chế biến chứng khi mắc SXHD?
Khi nghi ngờ bị SXHD, nhất là trong gia đình, tổ dân phố, làng xóm, thôn bản đã có người bị SXHD cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm báo chất lượng để được điều trị trị kịp thời, bởi đây có thể là thể bệnh nặng nhất, gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Trong trường hợp được bác sĩ khám bệnh cho điều trị tại gia đình cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể và các hiện tượng xuất huyết của người bệnh (nếu có) cũng như các dấu hiệu bất thường xuất hiện, trong các trường hợp này cần phải cho người bệnh đến bệnh viện ngay. Điều trị và theo dõi SXHD tại gia đình cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt không được dùng Aspirin, chỉ dùng Paracetamol đơn chất theo chỉ định của bác sĩ điều trị. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).
Dịch đậu mùa khỉ phức tạp, Việt Nam giám sát người đến từ 12 quốc gia lưu hành ca bệnh
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ: Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Công gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Công gô, Sierra Leone và Nam Sudan
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã gửi Công văn 551/DP-DT đến các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đợt bùng phát dịch bệnh đầu mùa khỉ gần đây, từ ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5/2022, tính đến 25/5/2022, thế giới đã ghi nhận hơn 158 trường hợp mắc bệnh, 117 trường hợp nghi ngờ tại 19 quốc gia và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ trước đây.
Các trường hợp mắc bệnh được xác định là bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi và có đặc điểm giống vi rút đậu mùa khỉ lây truyền từ Nigeria sang một số quốc gia năm 2018, 2019. WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, trường hợp mắc bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Công gô. Bệnh có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6 đến 13 ngày). Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, định nghĩa các ca bệnh mắc đậu mùa khỉ cụ thể như sau:
Trường hợp nghi ngờ: là người ở mọi lứa tuổi, đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2022: Đau đầu, sốt (> 38,5oC), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược.
Trường hợp có thể: là trường hợp nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ: tiếp xúc trực tiếp với người mắc; tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da, bao gồm cả quan hệ tình dục; hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường hoặc đồ dùng của ca bệnh có thể hoặc xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ trong 21 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng; có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng; có nhiều bạn tình trong 21 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng; có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với vi rút orthopoxvirus (trong trường hợp chưa tiêm phòng bệnh đậu mùa hoặc chưa tiếp xúc với các chủng vi rút orthopoxvirus đã biết khác); có các triệu chứng nêu trên đến mức phải nhập viện.
Trường hợp xác định: là trường hợp nghi ngờ hoặc có thế và có kết quả xét nghiệm Realtime PCR dương tính với vi rút đậu mùa khỉ.
Trường hợp loại trừ: là trường hợp nghi ngờ hoặc có thế nhưng có kết quả xét nghiệm Realtime PCR âm tính với vi rút đậu mùa khỉ. Theo khuyến cáo của WHO, các trường hợp bị nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phải được điều tra và nếu được chẩn đoán xác định phải cách ly cho đến khi các tổn thương trên da của người mắc khô, bong vảy và lành hẳn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế tại Công văn số 2668/BYTDP về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng đề nghị, Sở Y tế tập trung chỉ đạo các nội dung, cụ thể:
Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Công gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Công gô, Sierra Leone và Nam Sudan).
Các cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới). Khi phát hiện, báo cáo ngay Sở Y tế để phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.
Tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng chống tạm thời:
+ Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
+ Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường.
+ Che miệng khi ho, hắt hơi.
+ Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
+ Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.
+ Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).
Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác y tế với Pháp
Chiều ngày 26-5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp GS. Stewart Cole, Chủ tịch Viện Pasteur Paris đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định y tế là lĩnh vực hợp tác truyền thống tốt đẹp, một trong những điểm sáng góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam và Pháp ngày càng phát triển; Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hợp tác y tế với Pháp nói chung và với Viện Pasteur nói riêng, góp phần đưa quan hệ hai bên đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn nữa.
Thủ tướng cảm ơn phía Pháp đã luôn quan tâm hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực ngành y, trong đó, Chương trình bác sĩ nội trú Pháp ngữ đã tiếp nhận hơn 3.000 bác sĩ Việt Nam đến thực tập tại các bệnh viện của Pháp; cũng như hỗ trợ vắc xin và thiết bị y tế phòng, chống Covid-19 thời gian qua.
Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ hợp tác lịch sử giữa Viện Pasteur Pháp với các Viện Pasteur tại Việt Nam được xem là biểu tượng và cũng là điểm nhấn trong hợp tác y tế giữa hai nước. Thủ tướng cảm ơn Viện Pasteur đã dành những hỗ trợ quý báu cho các Viện Pasteur của Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua, đặc biệt là khoản viện trợ nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát và xét nghiệm SARS-CoV-2 với tổng mức đầu tư khoảng 10,7 tỷ đồng (405.000 euro). Các Viện Pasteur tại Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các ngành dịch tễ học, y tế công cộng và y học nhiệt đới của Việt Nam.
Nhấn mạnh cách tiếp cận toàn cầu, tăng cường hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương với các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng đề nghị Viện Pasteur Paris và Mạng lưới các Viện Pasteur tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam để đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu y học, đặc biệt là về Covid-19 và các vấn đề hậu Covid-19, cũng như các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, trong đó, đề nghị phía Pháp cấp thêm học bổng đào tạo tiến sĩ/sau tiến sĩ cho Việt Nam và đào tạo cán bộ quản lý ngành y theo hướng hiệu quả, chuyên nghiệp, hiện đại hơn; thúc đẩy chuyển đổi số trong y khoa, khám chữa bệnh tại vùng sâu, vùng xa qua hệ thống trực tuyến; khai thác, phát triển các cây dược liệu, nghiên cứu, sản xuất thuốc chữa bệnh; hợp tác về trang thiết bị y tế...
Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều loại dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam là quốc gia nhiệt đới gió mùa, có dân số đông, đang phát triển, Thủ tướng đề nghị Viện Pasteur Paris hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong triển khai chiến lược mang tính nền tảng về nghiên cứu, sản xuất các loại vắc xin bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, nhằm kịp thời ứng phó các vấn đề phát sinh khi xuất hiện các loại dịch bệnh mới, không bị động, lúng túng, bất ngờ; coi đây là một trụ cột trong hợp tác giữa hai bên, với sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
GS. Stewart Cole cho biết Việt Nam có vị trí đặc biệt đối với những người làm công tác dịch tễ tại Pháp và với Viện Pasteur Paris, bởi không có quốc gia nào trên thế giới có tới 3 Viện Pasteur như Việt Nam, kể cả Pháp, và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh cũng là Viện Pasteur đầu tiên được thành lập ở nước ngoài (năm 1891); đánh giá các hoạt động hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua là rất quan trọng và hiệu quả, trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, hai Chính phủ.
Nhất trí với các đề nghị của Thủ tướng, trong đó đánh giá cao tầm nhìn, quan điểm của Thủ tướng về chiến lược vắc xin để chuẩn bị cho các tình huống tương lai, GS. Stewart Cole khẳng định Viện Pasteur Paris mong muốn và sẵn sàng tăng cường hợp tác với phía Việt Nam trong lĩnh vực y tế, nhất là trao đổi, đào tạo nhân lực, thực hiện các công trình nghiên cứu chung, chia sẻ kết quả nghiên cứu, đặc biệt là trong lĩnh vực vắc xin, quản lý khủng hoảng y tế, thúc đẩy quan hệ hợp tác y tế giữa hai bên ngày càng hiệu quả, thực chất, phục vụ đời sống và sức khỏe người dân.
Trong đó, GS. Stewart Cole cho rằng, các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu của Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để hợp tác với phía Pháp tiến hành và đăng tải các nghiên cứu về Covid-19 trên các tạp chí uy tín. (Hà Nội mới, trang 1; Nhân dân, trang 2; Thanh niên, trang 3).
Sốt xuất huyết hoành hành tại các tỉnh phía nam
Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 33.000 ca mắc sốt xuất huyết; số ca mắc cao và hiện đang tập trung tại các tỉnh phía nam.
Theo Bộ Y tế, hiện đã ghi nhận 15 ca tử vong tại các tỉnh, thành. Đáng lưu ý, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết (SXH) nặng hiện gấp 3 lần cùng kỳ 2021.
Nhiều tỉnh, thành liên tục ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết
Tại Hà Nội, chuyên gia dịch tễ cảnh báo sau đợt mưa, khi có nắng lên là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH tăng mạnh, là yếu tố khiến cho SXH lây lan rộng. Số mắc ghi nhận thấp, nhưng xu hướng tăng, và dự báo còn tăng trong thời gian tới. Cụ thể, kết quả giám sát tuần qua (14 - 20.5) đã ghi nhận 15 ca mắc tại nhiều quận, huyện như: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Ba Vì, Mê Linh, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phúc Thọ. Như vậy, số mắc đã tăng gấp hơn 2 lần so với tuần trước đó (7 ca).
Nhưng ở các tỉnh phía nam, dịch SXH căng thẳng hơn nhiều. Tại TP.HCM, ngày 25.5, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống SXH tại
H.Hóc Môn. Tại khu vực tổ 125, ấp Tam Đông 3, xã Thới Tam Thôn, dù là nơi có ca bệnh SXH tử vong, nhưng những người dân trong khu vực vẫn chưa chấp hành chống dịch; người dân để nhiều vật chứa nước xung quanh nhà; trong các chuồng nuôi gà chọi có nhiều lọ nước lăng quăng lúc nhúc. Tại Trường tiểu học Tam Đông, phía sau bếp ăn có thùng nước đầy lăng quăng.
Bác sĩ (BS) Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 8.481 ca mắc SXH, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021 (6.639 ca). Trong tuần 20 (từ ngày 13 - 19.5), TP ghi nhận 943 ca SXH, tăng 156 ca (20%) so với trung bình 4 tuần trước. Từ đầu năm đến nay TP đã có 7 ca tử vong do SXH. Một số phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước, như: P.Tân Thới Hiệp, P.Thạnh Xuân (Q.12); P.Phú Thạnh, P.Sơn Kỳ (Q.Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn). Có 8 quận, huyện trọng điểm về SXH của TP cần tập trung phòng chống, gồm: Q.8, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Hóc Môn, Tân Bình, Tân Phú và TP.Thủ Đức. Trong đó, có 5 quận, huyện có số ca mắc SXH dẫn đầu, gồm: Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú, Hóc Môn và Q.12.
Tại TP.Đà Nẵng, CDC TP.Đà Nẵng ghi nhận những tuần gần đây, số lượng bệnh nhân (BN) mắc SXH trên địa bàn có xu hướng gia tăng và xuất hiện thêm nhiều ổ bệnh nhỏ. Đến nay, TP.Đà Nẵng ghi nhận khoảng 1.400 ca SXH với khoảng 100 ổ bệnh, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. Địa phương có số ca mắc tăng gồm: Q.Sơn Trà, Q.Liên Chiểu, H.Hòa Vang... Ngoài ra, TP.Đà Nẵng cũng ghi nhận số ca mắc tay chân miệng tăng hơn so cùng kỳ với khoảng 300 ca mắc và xuất hiện ở tất cả các quận, huyện.
Tại Thừa Thiên-Huế, theo ghi nhận của ngành y tế, từ đầu năm đến ngày 23.5 toàn tỉnh phát hiện 48 ca bệnh SXH.
Trong đó, TP.Huế chiếm đến 50% (24 ca), xác định tại 22 điểm, phân bố ở 14 xã/phường, có 14 ca bệnh chưa qua 14 ngày.
Tại Quảng Nam, ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc CDC Quảng Nam, cho biết tính đến ngày 25.5, toàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận 641 ca SXH tại 17/18 huyện, thị xã, TP (tăng 219 ca, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2021). CDC Quảng Nam đã phối hợp với các trung tâm y tế xác minh ca bệnh và xử lý 18 ổ dịch và không có ca tử vong. Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện (BV) Đa khoa Quảng Nam ghi nhận số BN nhập viện vì SXH bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Ông Nguyễn Ngọc Võ Khoa, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, cho biết theo chu kỳ, dịch SXH thường rơi vào các tháng 5, 6, 7. Bên cạnh đó, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra trước đây, người dân ngại đến thăm khám tại cơ sở y tế. Sau khi BV thực hiện các biện pháp “mở cửa”, không xét nghiệm Covid-19 thì cũng bắt đầu ghi nhận BN tăng, trong đó có BN SXH.
Tăng cường phát hiện sớm để điều trị
Theo BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 1, và BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, năm nay trẻ mắc SXH ít hơn người lớn, chỉ chiếm 1/3, nhưng bệnh nặng lại cao hơn nên cần cảnh báo. Trong đó, đặc biệt lưu ý dịch cao phân tử điều trị SXH cũng đang rất hiếm, ngay cả các BV nhi và Sở Y tế cũng lo lắng. Loại dung dịch này hiện khó tiếp cận để phục vụ đầy đủ cho BN. Nguồn nhập khẩu rất khó khăn, phải đặt hàng, do đó cần tăng cường hội chẩn và chuyển tuyến trên.
Các BS khuyến cáo các BV tuyến dưới phải phát hiện SXH sớm, nhận biết sốc và điều trị theo phác đồ; tập huấn cho BS trẻ, nên lập các nhóm để hội chẩn, hỗ trợ từ xa và chuyển viện tuyến trên ngay ca bệnh nặng để hạn chế tối đa ca tử vong.
Lý giải vì sao SXH gia tăng ca nặng, BS Lê Hồng Nga cho biết yếu tố môi trường không có thay đổi, chủng vi rút gây bệnh SXH không thay đổi, số ca mắc không cao hơn nhưng bệnh cảnh nặng cao hơn. Nguyên nhân khi người dân bị bệnh thì không đến BV công lập mà đi khám bệnh ở phòng khám tư, tự mua thuốc uống; khi bệnh nặng mới vào BV.
Theo BS Nga, để kiểm soát được SXH phải nắm bắt được thật sự số ca bệnh đang có. Theo định nghĩa của Bộ Y tế, 1 địa phương, 1 nơi, 1 thôn xóm, 1 khu vực dân cư có từ 2 ca bệnh SXH được khám lâm sàng trở lên thì tính là 1 ổ dịch. Khi có 1 ca tử vong, 1 ca được chẩn đoán xác định bằng kỹ thuật xét nghiệm thì gọi là ổ dịch. Việc định nghĩa ổ dịch SXH như vậy là để kiểm tra, giám sát sớm để kiểm soát, ngăn chặn sớm để dịch không lan rộng ra cộng đồng.
TP.HCM cũng ứng dụng hệ thống thông tin địa lý để quản lý ca bệnh SXH, cũng như quản lý các yếu tố nguy cơ, điểm nguy cơ gây dịch SXH. Theo đó, mỗi ca bệnh SXH hay điểm nguy cơ sẽ được định vị ngôi nhà nơi họ ở (thể hiện bằng dấu chấm trên bản đồ). Từ đó, ngành y tế sẽ có kế hoạch giám sát định kỳ, phân tích và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.
Đánh giá về dịch SXH, GS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lưu ý số ca mắc đang tăng tại TP.HCM và một số tỉnh phía nam. GS Lân lưu ý 3 yếu tố bùng phát dịch. Cụ thể: SXH trở thành dịch khi mất cân bằng 3 yếu tố: tác nhân gây bệnh (vi rút SXH), véc tơ truyền bệnh (muỗi vằn) và khối cảm thụ (con người). Trong năm 2022 nếu chúng ta không chủ động ngay từ đầu đối với hộ gia đình, người dân trong phát hiện, loại trừ lăng quăng, bọ gậy thì nguy cơ không chỉ ở khu vực phía nam mà đặc biệt là các TP lớn trên cả nước. Nguy cơ dịch bùng phát rất lớn nếu không chúng ta kiểm soát không chặt chẽ, nghiêm túc, thường xuyên đối với véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn.
“Hiện chưa có ghi nhận bất thường về chủng vi rút gây bệnh SXH, nhưng các giám sát cho thấy mật độ lăng quăng, muỗi truyền bệnh tăng cao; sự giao lưu đi lại lớn rất dễ khiến SXH lây lan và bùng phát”, một chuyên gia về dịch tễ lo ngại.
Bất cứ ai cũng có thể bị sốt xuất huyết
“2 năm vừa qua, TP.HCM trải qua đại dịch Covid-19. Đôi khi chữ “Covid-19” lớn quá, do đó không tránh khỏi tâm lý chủ quan, lơ là của người dân với các bệnh khác. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy còn một bộ phận người dân chưa quan tâm, chưa nhận định đúng về sự nguy hiểm của dịch bệnh SXH. Bất cứ ai cũng có thể bị SXH, nên phải tự phòng bệnh bằng diệt muỗi, lăng quăng trong chính ngôi nhà của mình”, BS Lê Hồng Nga nhận định. Còn BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thì cho rằng cần đánh động người dân vì họ có tâm lý chủ quan xem SXH năm nào cũng có, “không sao đâu” thì rất nguy hiểm (Thanh niên, trang 2+3).