Lãnh đạo bệnh viện đừng tơ hào thì sẽ giảm bức xúc
Trong khi ngành y tế đang nỗ lực nâng cao y đức để hướng tới sự hài lòng của người bệnh thì có một sự thật đáng buồn là không ít người khi đến bệnh viện chưa kịp gặp y, bác sĩ đã bị “quát” từ vòng gửi xe cho đến “ông” bảo vệ. Để khắc phục, Bộ Y tế vừa yêu cầu các bệnh viện rà soát, chấn chỉnh ngay những hợp đồng thuê dịch vụ, song theo nhiều người trong cuộc, việc này không dễ.
Giám đốc bệnh viện cũng “bất lực”?
Với chủ trương khuyến khích các bệnh viện tự chủ, tự hạch toán, hiện nay, phần lớn bệnh viện công lập đã tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng thuê khoán dịch vụ đi kèm phục vụ bệnh nhân như trông giữ xe, bảo vệ, vận chuyển cấp cứu, căng tin bệnh viện, kể cả những dịch vụ như xử lý chất thải y tế, bảo quản tử thi, tang lễ... Ngày 26-7, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho rằng, việc thuê khoán này là xu thế phát triển tất yếu và “thoạt nhìn thì tưởng đơn giản song đây lại chính là khu vực rất dễ nảy sinh sai trái, gây bức xúc cho người bệnh và cộng đồng”. Theo ông Nguyễn Anh Trí, vụ việc bảo vệ của Công ty AZ do Bệnh viện Nhi Trung ương hợp đồng thuê chặn xe cứu thương chở bệnh nhi hấp hối khiến dư luận phẫn nộ thời gian qua không phải cá biệt. Khâu quản lý các dịch vụ đi kèm này cũng không đơn giản bởi trong nhiều trường hợp nó không hoàn toàn thuộc quyền quản lý của giám đốc bệnh viện. Ông Nguyễn Anh Trí phân tích, bệnh viện ký hợp đồng với một đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ, trông giữ xe… và đơn vị này thường cam kết làm việc nghiêm túc song khi triển khai mới nảy sinh phức tạp. “Ngay ở bệnh viện chúng tôi cũng từng gặp hiện tượng 2 hãng xe vận chuyển cứu thương đánh nhau để tranh giành người bệnh, rồi một vụ khác là 2 tổ bảo vệ xích mích dẫn đến công kích, đánh nhau chỉ vì công ty này trúng thầu được bệnh viện ký hợp đồng còn công ty kia trượt thầu. Câu chuyện nhân viên trông giữ xe, bảo vệ bệnh viện quát mắng người bệnh cũng có thật”, GS.TS Nguyễn Anh Trí dẫn ví dụ.
Cũng về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, hiện nay, bức xúc nhất chính là dịch vụ vận chuyển cấp cứu vì nếu các bệnh viện không kiểm soát được thì sẽ xảy ra tranh giành khách hàng, tranh giành người bệnh. Bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, ký hợp đồng thuê khoán dịch vụ đi kèm với các công ty bên ngoài là quyền tự chủ của mỗi bệnh viện song không có nghĩa là các bệnh viện được phép “khoán trắng”. Khi thuê dịch vụ đi kèm bên ngoài, bệnh viện phải đảm bảo rằng những đối tác cung cấp dịch vụ do mình thuê khoán phải minh bạch, phải đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, để bệnh nhân được toàn quyền lựa chọn dịch vụ chứ không có chuyện gây sức ép hay “độc quyền”, ép người bệnh phải sử dụng dịch vụ.
Nâng cao trách nhiệm và minh bạch
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan thừa nhận, đảm bảo được tiêu chí nói trên không dễ dàng. “Khi đã thuê khoán dịch vụ bên ngoài, tức là thị trường, thì sẽ có cạnh tranh giữa các đơn vị tham gia đấu thầu và sẽ dẫn đến nhiều biến tướng, sai phạm. Vấn đề là các bệnh viện phải chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, có uy tín và giám sát chặt chẽ để các đơn vị này phải thực hiện đúng cam kết. Bệnh viện phải có kiểm soát với dịch vụ do mình thuê khoán, không phải bỏ tiền thuê rồi cho họ muốn làm gì thì làm bởi khi sự việc xảy ra sẽ gây tác động trực tiếp đến người bệnh, ảnh hưởng đến uy tín của cả bệnh viện, cả ngành y tế”, bà Phạm Khánh Phong Lan nói. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Trí nêu giải pháp: “Muốn chấn chỉnh được những sai phạm trong quản lý các dịch vụ đi kèm tại bệnh viện, từ khâu trông giữ xe đến căng tin… thì trước hết Giám đốc bệnh viện phải từ bỏ ngay suy nghĩ “việc này mình đã thuê họ rồi thì họ phải chịu toàn bộ trách nhiệm”. Thứ hai, phải đảm bảo tính minh bạch khi thuê mướn dịch vụ bên ngoài, lãnh đạo bệnh viện đừng có tơ hào gì từ việc ký hợp đồng thuê khoán này. Phải yêu cầu các đơn vị được bệnh viện thuê khoán công khai giá dịch vụ để cho người bệnh toàn quyền lựa chọn, nhất là phải cam kết tuyệt đối không được “chặt chém” người bệnh”. Lãnh đạo bệnh viện phải thường xuyên quan tâm đến tập huấn, chấn chỉnh thái độ đón tiếp người bệnh của nhân viên trong toàn bệnh viện, không để bệnh nhân ức chế, bức xúc ngay từ… vòng gửi xe mỗi khi đến bệnh viện. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng chia sẻ, cũng đã nhận được nhiều phản ánh người bệnh bức xúc vì khi đến bệnh viện không có chỗ trông giữ xe, bị thu phí trông giữ xe máy lên tới 20.000 đồng/lượt, thậm chí bị nhân viên trông giữ xe quát mắng. Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước khẩn trương rà soát các hợp đồng đã ký kết giữa bệnh viện với tổ chức cá nhân bên ngoài, nhằm phát hiện những sai sót. Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện đơn vị nào vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh thì chấm dứt hợp đồng ngay. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, khi xảy ra sai phạm, người đứng đầu bệnh viện phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. (An ninh Thủ đô (trang 7).
Hà Nội: Đặc cách bác sỹ nội trú và thủ khoa xuất sắc vào viên chức
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3991/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch xét tuyển đặc cách bác sỹ nội trú bệnh viện và thủ khoa xuất sắc vào viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Y tế. Theo đó, chỉ tiêu xét tuyển đặc cách vào viên chức năm 2016 là 10 chỉ tiêu, trong đó: Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn: 1 chỉ tiêu; Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội: 2 chỉ tiêu; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội: 2 chỉ tiêu; Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cuba: 1 chỉ tiêu; Bệnh viện Da liễu Hà Nội: 1 chỉ tiêu; Bệnh viện đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội: 1 chỉ tiêu; Bệnh viện Mắt Hà Đông: 2 chỉ tiêu.
Đối tượng tham gia xét tuyển đặc cách là người tốt nghiệp Bác sỹ nội trú bệnh viện, người tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc được UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen có chuyên ngành đào tạo và các yêu cầu khác phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Hình thức xét tuyển đặc cách: Sát hạch thông qua phỏng vấn.
Thời gian xét tuyển: Trong quý III năm 2016.
Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, kiểm tra công tác xét tuyển đặc cách vào viên chức của các đơn vị sự nghiệp có nhu cầu và tổng hợp kết quả tuyển dụng của các đơn vị báo cáo UBND Thành phố qua Sở Nội vụ. (An ninh Thủ đô (trang 8).
Sốt xuất huyết tăng mạnh, 12 trường hợp đã tử vong
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 6 tháng năm 2016, sốt xuất huyết gia tăng mạnh với 12 trường hợp tử vong. Riêng tháng Sáu có 3 người tử vong.
Cụ thể, trong tháng 6 năm 2016 cả nước ghi nhận 6.564 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 39.298 trường hợp mắc tại 46 tỉnh, thành phố, trong đó có 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2015 (13.750 ca mắc/12 tháng) số mắc tăng 2,8 lần.
Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế ông Trần Đắc Phu yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quan tâm và chỉ đạo UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo duy trì, triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh.
Ông Phu cũng yêu cầu tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình tại các ổ dịch theo chỉ định của ngành Y tế và xử lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Xác định các điểm nóng để tập trung nguồn lực, giải quyết triệt để, bảo đảm không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.
“Các cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, tránh trường hợp bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, dẫn đến tình trạng khi nhập viện thì đã nặng, nguy cơ tử vong cao.
Đồng thời, có kế hoạch hỗ trợ cán bộ có kinh nghiệm điều trị cho tuyến dưới để hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong”, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng yêu cầu.
Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết do vi rút Dengue là bệnh do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Do vậy Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân nên đến bệnh viện sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ, không nên chủ quan, đặc biệt những trường hợp đã mắc vẫn có thể tái mắc.
Biểu hiện của sốt xuất huyết: Trong giai đoạn đầu tiên, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như sốt cao đột ngột, liên tục; đau nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; đau nhức mỏi cơ bắp, nhức hai hố mắt. Đặc biệt, người bệnh thường xuất hiện những chấm xuất huyết ở dưới da kèm theo triệu chứng chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Bệnh phát triển đến giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Khi bệnh đã diễn biến nặng, người bệnh có thể có một số biểu hiện như: ngủ li bì, vật vã, lạnh ở đầu ngón tay ngón chân, mạch nhanh nhỏ, tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.
Bểu hiện sốt xuất huyết đặc trưng nhất là triệu chứng xuất huyết dưới da: các chấm xuất huyết thường ở mặt trong hai cánh tay và mặt trước hai cẳng chân, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Ngoài ra, triệu chứng xuất huyết ở niêm mạc như: chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hay xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn.
Trong giai đoạn hồi phục, thường sau 24-48 giờ của giai đoạn nguy hiểm, người bệnh không còn sốt, thèm ăn và tiểu nhiều hơn. An ninh Thủ đô (trang 8), Lao động (trang 2), Sức khỏe & Đời sống (trang 2):
Xác minh vụ bệnh nhân bị cắt cụt chân do bác sĩ chẩn đoán sai
Ngày 26-7, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu Sở Y tế TP.HCM khẩn trương xác minh vụ việc báo chí phản ánh về trường hợp bệnh nhân Lê Hoàng L. (27 tuổi, ở Long An) bị bác sĩ tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM chẩn đoán sai, dẫn đến phải cưa chân phải.
Theo thông tin ban đầu, bệnh nhân Lê Hoàng L. được gia đình đưa đến Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh hình TP HCM trong tình trạng chân lạnh bất thường, sưng phù, đau dữ dội và được bác sĩ khám rồi kết luận “chấn thương phần mềm gối phải”, chỉ định về nhà uống thuốc và tái khám sau 1 tuần. Tuy nhiên mới chỉ gần 3 ngày uống thuốc, bệnh nhân đau đớn càng dữ dội, trở lại bệnh viện khám thì chân đã hoại tử, phải cắt cụt 1/3 dưới đùi phải.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP HCM chỉ đạo Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM xác định nguyên nhân xảy ra sự cố, chấn chỉnh các hoạt động chuyên môn của bệnh viện và nghiêm khắc xử lý tập thể, cá nhân nếu có sai phạm.
Bộ Y tế cũng yêu cầu bệnh viện công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý và báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 31-7 (An ninh Thủ đô (trang 8), Gia đình & Xã hội (trang 7), Sức khỏe & Đời sống (trang 2).
Bệnh viện Chợ Rẫy- TP.HCM: đưa vào vận hành hệ thống xét nghiệm tự động
Bệnh viện Chợ Rẫy vừa tiếp nhận và triển khai hoạt động hệ thống xét nghiệm tự động hiện đại Accelerator a3600, lắp đặt tại Phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm Ung bướu.
PGS-TS.Nguyễn Trường Sơn- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Đây là hệ thống máy xét nghiệm có tốc độ băng chuyền nhanh nhất hiện nay, có tính năng tích hợp Sinh hóa- Miễn dịch- Huyết học và hứa hẹn sẽ mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân.
Theo đó, thông thường, mỗi mẫu xét nghiệm trung bình có 10 chỉ số và thời gian tiến hành phân tích một mẫu này phải qua nhiều quy trình và thời gian để có kết quả trung bình từ 2- 3 giờ. Hệ thống máy xét nghiệm Accelerator a3600 với cơ chế vận hành tự động hoàn toàn sẽ giúp loại bỏ các bước không cần thiết trong quy trình xét nghiệm và với tốc độ băng chuyền nhanh nhất hiện nay, lên đến 3.600 mẫu/giờ giúp trả kết quả nhanh, chính xác và tăng số lượng bệnh nhân được phục vụ. Ngoài ra, hệ thống thực hiện được đến 200 loại xét nghiệm khác nhau trong đó có nhiều xét nghiệm chuyên sâu giúp chẩn đoán và phát hiện sớm nhiều loại bệnh cho bệnh nhân.
PGS-TS.Nguyễn Trường Sơn cũng khẳng định, việc đưa vào khai thác hệ thống xét nghiệm tự động hiện đại Accelerator a3600 không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân của Trung tâm Ung bướu, mà cho tất cả các bệnh nhân của Bệnh viện, chuẩn hóa các quy trình xét nghiệm cũng như góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Hiện nay, mỗi ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khám và điều trị cho gần 10.000 lượt bệnh nhân nội và ngoại trú. Vì vậy, quá tải luôn là thực trạng của Bệnh viện nói chung và khoa Sinh Hóa nói riêng. Việc đưa vào ứng dụng hệ thống xét nghiệm tự động hiện đại Accelerator a3600 sẽ giúp giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân đồng thời góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị tại Bệnh viện. (Đời sống pháp luật (trang 13).
Chuyển giao kỹ thuật khám, chẩn đoán và điều trị co cứng cơ do bại não
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng (BVNĐ) TP Cần Thơ, trong hai ngày (29 và 30/6 vừa qua), các bác sĩ của Tổ chức hành động vì trẻ em (Children Action) sẽ khám và tầm soát bại não cho trẻ em tại bệnh viện. Có trên 50 trẻ đã được khám. Dịp này, các chuyên gia cũng hướng dẫn cán bộ y tế của BVNĐ TP Cần Thơ thực hành khám, tiêm thuốc giãn cơ cho bệnh nhi.
Trước đó, ngày 27 và 28/6/2016, các chuyên gia đã giảng dạy lý thuyết cho cán bộ y tế của BVNĐ TP Cần Thơ. Theo các bác sĩ, tùy theo mức độ bệnh, các cháu bị co cứng cơ do bại não sẽ được tiêm thuốc giãn cơ (Botulinum toxin type A), phẫu thuật và tập vật lý trị liệu. Đây là hoạt động nằm trong chương trình ký kết đào tạo, chuyển giao kỹ thuật khám, chẩn đoán và điều trị co cứng cơ do bại não giữa Children Action và BVNĐ TP Cần Thơ. Hoạt động đào tạo, chuyển giao diễn ra trong thời gian 4 năm.
Dự kiến mỗi năm các chuyên gia của Children Action qua làm việc với BVNĐ TP Cần Thơ 2 lần. Đây là đợt đầu tiên. Sau hai năm chuyển giao, BVNĐ TP Cần Thơ tự điều trị và các chuyên gia của Children Action theo dõi kết quả điều trị trong hai năm tiếp theo. Kết thúc 4 năm, BVNĐ TP Cần Thơ hoàn chỉnh kỹ thuật và tự điều trị hoàn toàn cho bệnh nhi. *Gia đình & xã hội (trang 7):
Thấy gì qua 2 ca biến chứng sau điều trị ở nước ngoài?
BV Việt Đức vừa tiếp nhận điều trị 2 trường hợp bị biến chứng sau phẫu thuật khi ra nước ngoài điều trị ung thư trực tràng và polip đại tràng. Theo các bác sĩ, may mắn là cả 2 bệnh nhân đều đến viện kịp thời, nếu không các biến chứng sau phẫu thuật đó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của họ. Được biết, dù không có gì liên quan đến nhau nhưng 2 bệnh nhân này đều phẫu thuật tại 1 cơ sở y tế của Singapore (chi tiết xem báo). (Sức khỏe & Đời sống (trang 1).
Bệnh viện nợ tiền thuốc bệnh nhân bị cắt thuốc
Ngày 26.7, theo nguồn tin của Thanh niên, Thanh tra SYT TP. HCM đã công bố kết luận thanh tra hoạt động tài chính trong mua sắm thuốc và tổ chức hoạt động dược tại BV Nguyễn Tri Phương. Theo kết quả thanh tra do Giám đốc SYT TP. Nguyễn Tấn Bỉnh ký, BV Nguyễn Tri Phương chậm thanh toán công nợ tiền thuốc cho các công ty dược. Nguyên nhân do các năm 2012-2013, BV đã mượn tiền dùng mua thuốc vật tư để chi cho các cán bộ, vc vượt chênh lệch thu chi trong năm dẫn đến nợ tiền thuốc các công ty gần 103 tỷ đồng (chi tiết xem báo). (Thanh niên (trang 5).
Cứu sống bệnh nhân 3 lần ngừng thở, 4 lần ngừng tim
Ông Hồ Tấn Lai (60 tuổi, ngụ Sóc Trăng) được Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống dù ông ngưng thở, ngưng tim nhiều lần do bị nhồi máu cơ tim. Ngày 23-7, bác sĩ Nguyễn Minh Nghiêm - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết ê kíp cấp cứu tim mạch của bệnh viện vừa thực hiện can thiệp thành công, cứu sống một bệnh nhân ngưng thở, ngưng tim nhiều lần do bị nhồi máu cơ tim.
Trước đó ông Hồ Tấn Lai (60 tuổi, ở phường 7, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) bị đau ngực, nôn ói… nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp thành dưới, tại đây ông được cấp cứu do ngưng tim, ngưng thở 3 lần.
Ngay sau đó bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng thở máy, đến khi còn cách bệnh viện khoảng 500m, bệnh nhân bị ngưng tim lần thứ 4.
Ê kíp chuyển viện tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực liên tục, đưa đến khoa cấp cứu của bệnh viện, tiếp tục sốc điện 2 lần. Lúc này bệnh nhân có tim trở lại, huyết áp tụt phải dùng thuốc vận mạch liều cao.
Bác sĩ Trần Văn Triệu - khoa tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: kết quả hội chẩn cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp thành dưới, có biến chứng ngưng tim 4 lần.
Ngay sau khi giải thích tình trạng bệnh với gia đình, bệnh nhân được chuyển đến phòng thông tim, các bác sĩ vừa nâng huyết áp, vừa cho thở máy và chụp mạch vành.
Ghi nhận bị hẹp 90% đoạn gần động mạch vành phải, tắc đoạn giữa kèm huyết khối, hẹp 80% đoạn giữa nhánh liên thất trước, 60% đoạn giữa nhánh mũ, bác sĩ đã đặt một stent vào đoạn gần và đoạn giữa động mạch vành phải.
Sau đó huyết áp bệnh nhân được cải thiện dần và ổn định.
Hiện nay, tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, đã ngồi và tiếp xúc tốt, tình trạng huyết áp ổn định và hết đau ngực. (Tuổi trẻ, Sức khỏe & Đời sống (trang 4).