Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/9/2021

  • |
T5g.org.vn - Cần tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế "Vì một Việt Nam vững vàng và khoẻ mạnh"; Bệnh viện tuyến cuối phân luồng, điều trị bệnh nhân nhiễm virus Adeno; Căn bệnh khó nói cần được chữa trị; Cảnh báo: Nhiều bệnh nhân nhiễm một loại nấm đen hiếm gặp sau làn sóng dịch Covid-19…

 

Cần tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế "Vì một Việt Nam vững vàng và khoẻ mạnh"

Bộ Y tế đề nghị người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, tuân thủ tiêm vaccine COVID-19, không phát tán tuyên truyền thông tin xấu – độc, vì "Một Việt Nam vững vàng và khoẻ mạnh"...
Bộ Y tế vừa đề nghị tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương ký ban hành gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, các đơn vị y tế bộ, ngành hướng dẫn về Thông điệp "2K (Khử khuẩn, khẩu trang) + Vaccine + Thuốc + Điểu trị + Công nghệ + Ý thức người dân" và các biện pháp khác để phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới như sau:

- Khẩu trang: Khuyến khích đeo khi đến nơi công cộng.

Bắt buộc đeo đối với:

Người có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh COVID-19;

Các đối tượng (trừ trẻ dưới 5 tuổi) khi đến nơi công cộng cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc 4;

Áp dụng cụ thể với một số địa điểm, đối tượng theo Quyết định 2447/QĐ-BYT ngày 06/9/2022 của Bộ Y tế gồm:

Tại cơ sở y tế; nơi cách ly; nơi lưu trú có người đang cách ly hoặc đang theo dõi, giám sát y tế: Áp dụng với tất cả đối tượng (trừ người cách ly ở phòng đơn; người bị suy hô hấp, người bệnh đang thực hiện thủ thuật y tế, trẻ dưới 5 tuổi). Đối với nhân viên y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện theo Hướng dẫn về lựa chọn và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng, chống bệnh dịch COVID-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được ban hành kèm theo Quyết định số 2171/QĐ-BYT ngày 05/8/2022 của Bộ Y tế.
Khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng: Áp dụng với cả hành khách, người điều khiển, người phục vụ, nhân viên phục vụ, người quản lý, lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ khi tiếp xúc với hành khách.
Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối: Áp dụng với nhân viên phục vụ, quản lý, lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Tại nơi có không gian kín, thông khí kém như quán bar, vũ trường, karaoke, làm đẹp, phòng tập thể dục, quán ăn, rạp chiếu phim, nhà hát, trường quay... Áp dụng với nhân viên, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng.
Tại cơ sở văn hóa, du lịch, những nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người: Áp dụng với nhân viên phục vụ, quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc với khách hàng và người tham dự.
Tại những nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch: Áp dụng với nhân viên tiếp nhận hồ sơ, nhân viên giao dịch khi tiếp xúc với khách hàng.
- Khử khuẩn: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường tại nơi ở, nơi làm việc, học tập

- Đối với vacccine, Bộ Y tế khuyến cáo thực hiện tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp về Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp khác, cụ thể:

+ Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

+ Tuân thủ các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường sau mắc COVID-19.

+ Sử dụng các ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

+ Ý thức người dân: chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không phát tán tuyên truyền thông tin xấu – độc, tham gia và tuân thủ các quy định về hoạt động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng.

+ Các biện pháp khác: theo hướng dẫn của cơ quan y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị lồng ghép nội dung truyền thông Thông điệp "2K (Khẩu trang, Khử khuẩn), Vaccine, Thuốc, Điều trị, Công nghệ, Ý thức người dân và các biện pháp phòng, chống dịch khác" với tài liệu, hướng dẫn chuyên môn của đơn vị phù hợp với đặc điểm và nguồn lực của địa phương, đơn vị.

Đồng thời phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động của Chiến dịch truyền thông "Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh" từ nay đến ngày 31/10/2022.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tình hình dịch bệnh COVID-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch và chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn hết sức quan trọng.

"Để tiếp tục đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thích ứng an toàn, linh hoạt, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới gồm 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vaccine + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác, cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị) đồng thời chỉ đạo quán triệt thực hiện quan điểm tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nói. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bệnh viện tuyến cuối phân luồng, điều trị bệnh nhân nhiễm virus Adeno

Trước tình hình gia tăng ca nhiễm virus Adeno, Bệnh viện Nhi Trung ương đã xây dựng phác đồ điều trị phù hợp; tăng cường sàng lọc, phân loại ca bệnh; bố trí thêm giường điều trị; hỗ trợ tuyến dưới ứng phó với bệnh.
Trước tình hình số lượng ca nhiễm virus Adeno tăng cao, nhiều ca nhập viện khiến bệnh viện quá tải; tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tuyến cuối về điều trị nhi khoa đã có những giải pháp ứng phó kịp thời.

Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Hiện, Bệnh viện đã tổ chức phân luồng, cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm Adenovirus hoặc các trường hợp các xác định nhiễm Adenovirus. Các đơn vị có khám bệnh trong Bệnh viện tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, chỉ định xét nghiệm xác định căn nguyên phù hợp; kê đơn và hướng dẫn chăm sóc đối với bệnh nhi nhẹ, bệnh nhi điều trị ngoại trú.

Để đảm bảo điều trị, Bệnh viện đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm Adenovirus nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng. Các bệnh nhi nằm viện được chăm sóc và điều trị tại khu vực riêng, không phải nằm ghép, đảm bảo mỗi trẻ một giường bệnh. Phòng bệnh thông thoáng, khoảng cách giữa các giường bệnh phù hợp, theo quy định; hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Theo đó, dựa trên việc tổng hợp các số liệu về dịch tễ học, lâm sàng và các kết quả điều trị thực tế, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chủ động xây dựng và cập nhật phác đồ điều trị các ca nhiễm virus Adeno theo mức độ nặng- nhẹ của bệnh, giúp mang lại hiệu quả cao và rút ngắn thời gian điều trị cho trẻ.

Bệnh viện cũng đã xây dựng tiêu chuẩn nhập viện và chuyển tuyến dưới đối với người bệnh Adenovirus tại các khoa lâm sàng. Cụ thể, tiêu chuẩn nhập viện điều trị với trẻ viêm phổi nhiễm Adenovirus gồm một trong các tiêu chuẩn như: Khó thở (thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản); suy hô hấp hoặc giảm oxy máu (tím tái, chỉ số SpO 2 < 94%); bệnh nhân có dấu hiệu toàn thân nặng như: Nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng; có bệnh lý nền nặng (bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng…); có tổn thương trên X-quang phổi…

Tiêu chuẩn để chuyển tuyến dưới điều trị trẻ viêm phổi nhiễm Adenovirus điều trị ổn định gồm: Không suy hô hấp (SpO2 từ 94% trở lên, không tím tái); giảm khó thở; hết sốt; ăn được bằng đường miệng; các rối loạn nặng đã được kiểm soát.

Bên cạnh việc tổng hợp, thông báo về Bộ Y tế tình hình trẻ nhiễm Adenovirus; Bệnh viện Nhi Trung ương cũng phối hợp với các bệnh viện tuyến dưới; tổ chức tập huấn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Adenovirus cho các bệnh viện tuyến dưới, đồng thời phối hợp phân loại, chuyển tuyến dưới điều trị những trường hợp bệnh nhi đủ điều kiện.

Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khẳng định, hiện vẫn đảm bảo công tác thu dung và điều trị người bệnh Adenovirus; không xảy ra tình trạng quá tải, đảm bảo mỗi trẻ một giường bệnh, không phải nằm ghép với các bệnh nhi khác.

Trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương rà soát, điều tra, phân tích dịch tễ học các trường hợp mắc, tử vong do virus Adeno tại Bệnh viện Nhi Trung ương, kịp thời báo cáo và đề xuất các giải pháp phòng chống.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống bệnh do virus Adeno. Đồng thời, yêu cầu ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch do virus Adeno, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Căn bệnh khó nói cần được chữa trị

Thông tin từ Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), tỉ lệ rối loạn tình dục trong dân số chung rất cao, có tới 43% nữ giới và 31% nam giới mắc ít nhất một loại rối loạn tình dục.
Vốn có tiền sử khỏe mạnh, là người vui vẻ, hòa đồng nhưng thời gian gần đây, anh L.N.H. (24 tuổi, ở Quảng Bình) bỗng thay đổi tính cách. Anh hưng phấn, nói nhiều, hay trêu đùa các bạn nữ thái quá và lại cáu gắt vô cớ. Hành vi của H. ngày một rối loạn hơn, thậm chí anh còn đi lang thang nhiều ngày không rõ lí do, lười vệ sinh cá nhân và không ăn uống cùng gia đình. Gia đình đã đưa anh vào bệnh viện thăm khám.

Tại đây, khai thác tiền sử bệnh nhân cho thấy, H. có sử dụng chất kích thích MDMA, ketamine thường xuyên 1 năm nay (1 lần/tuần). Đặc biệt, nhiều năm nay, anh hay có suy nghĩ về tình dục, đòi hỏi tình dục cao đối với bạn gái, thường xuyên xem phim khiêu dâm. Khi ở một mình, bệnh nhân thường thủ dâm nhiều lần trong ngày. Những suy nghĩ và việc làm trên gây gián đoạn các hoạt động và công việc trong ngày của anh. Bạn gái hay phàn nàn về việc anh có nhu cầu tình dục quá cao, từ đó dẫn đến xích mích, chia tay.

Bác sĩ Bùi Văn Lợi, Phòng điều trị các rối loạn stress và sức khỏe tình dục (Viện Sức khỏe Tâm thần) thông tin thêm, bệnh nhân H. được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng đa chất MDMA, ketamine. Sau 1 tuần điều trị thuốc tiêm, anh L. đỡ hưng phấn, bớt cáu gắt, tuy nhiên vẫn ít giao tiếp, lười vệ sinh cá nhân. Bệnh nhân vẫn có những hành vi trêu đùa các bệnh nhân nữ cùng phòng, lấy nhiều lí do để có những hành vi đụng chạm không thích hợp, mặc dù các bệnh nhân nữ bày tỏ thái độ khó chịu, phản đối. Bên cạnh điều trị thuốc, bệnh nhân được kết hợp điều trị tâm lí cá nhân nhằm có thể nhận thức rõ ràng hơn về triệu chứng của mình. Việc điều trị này cũng giúp bệnh nhân cải thiện những sai lệch về tư duy cũng như hành vi liên quan đến tình dục.

Thông tin thêm về xu hướng tình dục quá mức (cuồng dâm), các bác sĩ cho biết từng tiếp nhận và điều trị cho nữ bệnh nhân 20 tuổi là sinh viên năm thứ 2 một trường đại học ở Hà Nội. Bệnh nhân cho biết nhu cầu tình dục của chị rất cao (3-5 lần/ngày) và thường xuyên thay đổi bạn tình. Tình trạng này kéo dài đã ảnh hưởng tới sức khoẻ, tâm lí và công việc của chị rất nhiều.

Căn bệnh cần được thăm khám, điều trị sớm

Bác sĩ, TS Nguyễn Thị Phương Mai, Phòng Điều trị Rối loạn stress và sức khỏe tình dục, cho biết thêm trước đây, nhiều người nghĩ rằng cuồng dâm là do suy đồi đạo đức, nhưng đây là biểu hiện của bệnh rối loạn tâm thần hay do biến đổi gene. “Cuồng dâm có thể xảy ra do tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc có thể là biểu hiện trong bệnh lí sa sút trí tuệ. Người mắc bệnh thường có một biểu hiện dai dẳng về việc không kiểm soát được các xung động hoặc thôi thúc tình dục dữ dội, dẫn đến hành vi tình dục lặp lại. Có trường hợp, bệnh nhân cố kiểm soát các hành vi nhưng không thành công, vẫn không giảm được và tiếp tục các hành vi lặp đi lặp lại đó”, bác sĩ Mai nói.

Các chuyên gia cảnh báo, cuồng dâm để lại nhiều hậu quả cho người bệnh. Về sinh lí, bệnh khiến ảnh hưởng sức khỏe thể chất bệnh nhân. Khi có hành vi tình dục quá mức người bệnh sẽ băn khoăn, đấu tranh tâm lí gây nên lo âu, trầm cảm. Do đó, nếu có các biểu hiện bất thường nêu trên, bệnh nhân cần tới các chuyên khoa tâm thần để được kiểm tra và thăm khám, điều trị kịp thời, tránh gây ảnh hưởng về mặt tâm lí, xã hội, tác động tới học tập, lao động và các mối quan hệ xã hội…

Để xác định một người mắc chứng rối loạn hành vi tình dục cưỡng bức có thể dựa trên một số yếu tố sau: Hành vi tình dục lặp đi, lặp lại trở thành trọng tâm trong cuộc sống khiến người bệnh bỏ bê sức khỏe và chăm sóc cá nhân hoặc các sở thích, hoạt động trách nhiệm khác. Bản thân cá nhân đó có nhiều nỗ lực để kiểm soát hoặc giảm đáng kể hành vi tình dục lặp đi lặp lại nhưng không thành công.

Tình dục trở thành tâm điểm trong cuộc sống khiến nó có thể trở thành nguyên nhân của xung đột hôn nhân, ảnh hưởng đến tài chính hoặc pháp lí và tác động tiêu cực đến sức khỏe. Bên cạnh đó, bệnh còn có các đặc điểm sau: thủ dâm, sử dụng nội dung khiêu dâm, cybersex (quan hệ tình dục trên internet), quan hệ tình dục qua điện thoại và các dạng hành vi tình dục lặp đi lặp lại khác. Những người bị bệnh thường tham gia vào hành vi tình dục để đáp lại cảm giác lo lắng, buồn chán, cô đơn hoặc các trạng thái tình cảm tiêu cực khác.

Một điều đáng chú ý, cuồng dâm ở tuổi trưởng thành liên quan đến tỉ lệ cao các chấn thương thời thơ ấu gồm lạm dụng tình dục. Với phụ nữ, tỉ lệ lạm dụng và mức độ nghiêm trọng cao hơn. Thanh thiếu niên và người lớn bị bệnh thường rất hay gặp các rối loạn phát triển tâm thần, hành vi hoặc thần kinh, gồm rối loạn do sử dụng chất gây nghiện. Nó cũng có thể xuất hiện dưới dạng tác dụng phụ của thuốc, như các loại thuốc điều trị bệnh Parkinson. (Tiền phong, trang 10).

 

Cảnh báo: Nhiều bệnh nhân nhiễm một loại nấm đen hiếm gặp sau làn sóng dịch Covid-19

 Nấm đen là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp, thế nhưng, sau các làn sóng dịch Covid-19 bùng phát thì lượng bệnh nhân nhiễm loại nấm nguy hiểm này nhập viện điều trị đang gia tăng…
Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai ngày 26-9 cho biết, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện này đang điều trị cho một bệnh nhân nhiễm nấm đen biến chứng nguy kịch.

Người bệnh là bà L.T.N (SN 1959, ở Nghi Sơn, Thanh Hóa). Sau gần 20 ngày bị đau mắt phải và sưng nề, uống thuốc không khỏi, bà N. bỗng nhiên ý thức chậm. Khi được đưa vào bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh nhân đã rơi vào hôn mê.

Sau khi điều trị, cải thiện ý thức, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, các bác sĩ phát hiện, bệnh nhân bị nhiễm nấm đen gây nhiễm trùng toàn bộ vùng xoang và mắt. Khai thác bệnh sử, được biết bệnh nhân mắc Covid-19 cách đây 6 tháng và đã tiêm 3 mũi vaccine

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai), nấm đen - hay còn gọi là Mucormycosis - là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nguy hiểm do nhóm nấm mốc có tên Mucormycetes gây ra.

Đáng lưu ý, bệnh nhân nhiễm nấm đen đang gia tăng sau làn sóng dịch Covid-19. Từ đầu năm 2020 đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận khoảng hơn 20 trường hợp nhiễm nấm đen. Đa số các bệnh nhân đều có bệnh nền và nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng, có các tổn thương nhiễm nấm ăn từ xoang lan lên xương hàm, ổ mắt, hệ thần kinh…

Loại nấm này đã được y văn thế giới nhắc đến, đặc biệt là tại Ấn Độ trong giai đoạn vừa qua với số lượng bệnh nhân tăng đột biến, là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao sau khi nhiễm Covid-19.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết thêm, người có nguy cơ cao mắc bệnh là người từng mắc Covid-19, người mắc bệnh đái tháo đường type 2 đặc biệt là có tình trạng nhiễm toan ceton, người mắc bệnh ung thư, người cấy ghép tạng, cấy ghép tế bào, sử dụng Corticosteroid kéo dài, người có tình trạng suy giảm miễn dịch, trẻ sinh non, nhẹ cân và suy dinh dưỡng…

Nấm đen có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và bộ phận cơ thể, gây ra nhiễm trùng xoang và não, viêm phổi, nhiễm trùng da và niêm mạc khiến sưng tấy, hoại tử, nhiễm trùng đường tiêu hóa gây nôn hoặc xuất huyết dạ dày.

PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, hiện tại, không có thuốc hay vaccine ngăn chặn bệnh nấm đen. Do đó, để phòng bệnh, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh nền cần chú ý tránh đến khu vực có nhiều khói bụi, công trường, đeo khẩu trang khi phải đến khu vực có nhiều khói bụi; tránh các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với bụi hoặc đất… (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Số ca mắc Covid-19 trên cả nước tăng lên 1.432 ca

Chiều 26-9, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 1.432 ca mắc Covid-19 (tăng 471 ca so với ngày trước đó). Ngoài ra, hiện có 103 bệnh nhân nặng đang phải thở ôxy và không có thêm ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.473.733 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.951 ca nhiễm).

Về tình hình điều trị, có thêm 700 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.587.561 ca. Ngoài ra, hiện có 103 bệnh nhân đang thở ôxy, trong đó có 92 ca thở ôxy qua mặt nạ, 2 ca thở ôxy dòng cao HFNC, 2 ca thở máy không xâm lấn và 7 ca thở máy xâm lấn.

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong. 

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.146 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 quốc gia, vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 138/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 3 ASEAN); tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 5 ASEAN).

Về tình hình tiêm chủng, theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 259.911.110 liều, trong đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 220.387.467 liều; tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là 22.926.367 liều và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 16.597.276 liều. (Hà Nội mới, trang 7).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang