Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/10/2022

  • |
T5g.org.vn - Cảnh báo: Tỷ lệ trở nặng và tử vong ở người lớn mắc sốt xuất huyết cao hơn nhiều so với trẻ em; Công bố hết dịch COVID-19 sẽ gặp những thách thức gì?; Báo động dịch bệnh lây truyền từ động vật; Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin bại liệt mũi 2 cho trẻ dưới 1 tuổi…

 

Cảnh báo: Tỷ lệ trở nặng và tử vong ở người lớn mắc sốt xuất huyết cao hơn nhiều so với trẻ em

Bệnh sốt xuất huyết có thể diễn tiến rất nhanh, khả năng bệnh nhân sốc, gặp các biến chứng nặng và tử vong rất cao đặc biệt là người lớn.
Tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã có gần 26.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 102 ca tử vong. Riêng TP.HCM, tính từ đầu năm tới nay Thành phố đã ghi nhận 66.699 ca bệnh. Chỉ trong tuần 42, Thành phố có gần 2.000 ca bệnh sốt xuất huyết. Dù số ca sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm nhưng tính tới hiện nay, số ca mắc đã tăng gấp 7 lần, số ca nặng tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đã có 29 ca tử vong. Số ca mắc cao, sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp
Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 150-200 bệnh nhi tới thăm khám do mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có khoảng 120 trường hợp nặng cần nhập viện điều trị nội trú. Đa phần các bệnh nhân nặng đều không được phát hiện sớm, nhập viện trễ.

Tại bệnh viện nhi đồng 2, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhi tới thăm khám do mắc sốt xuất huyết. Hiện bệnh viện đang điều trị cho hơn 60 ca bệnh nội trú do mắc sốt xuất huyết.

Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, tính từ đầu năm tới nay, bệnh viện đã tiếp nhận gần 40.000 trường hợp đến thăm khám. Trong đó, có hơn 11.000 bệnh nhân phải điều trị nội trú. Đã có tới 25 trường hợp tử vong so sốt xuất huyết.

Theo BS.CK2 Phan Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, trước đây sốt xuất huyết chủ yếu gặp ở trẻ em, nhưng những năm gần đây tỷ lệ bệnh nhân người lớn mắc sốt xuất huyết lại cao hơn cả trẻ em. Đặc biệt, tỷ lệ trở nặng gây khó khăn trong điều trị và tử vong ở người lớn khi mắc sốt xuất huyết cũng cao hơn rất nhiều so với trẻ em. Theo thống kê của HCDC, 75% ca tử vong do sốt xuất huyết là người lớn.

So với năm 2019 - năm bùng phát sốt xuất huyết gần nhất thì năm 2022 số ca mắc đã tăng gấp đôi so với năm 2019. Tuy nhiên, đây cũng là tình trạng bình thường do theo chu kỳ dịch mỗi 3-5 năm sẽ bùng phát 1 lần. Các chuyên gia cũng dự đoán, từ nay tới cuối năm tình hình dịch sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Phát hiện sớm, giảm tỷ lệ tử vong

Theo BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), ngay khi trẻ xuất hiện dấu hiệu sốt, phụ huynh cần nghĩ ngay tới trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết. Nếu trẻ không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi, suy đa tạng, xuất huyết não...thậm chí là tử vong.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), người dân tuyệt đối không được chủ quan vì sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi đối tượng từ trẻ em cho tới người già. Người đã từng mắc sốt xuất huyết vẫn có khả năng tái nhiễm các lần sau.

Để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết, chúng ta có thể dựa vào các dấu hiệu điển hình như sốt cao đột ngột 39-40 độ C từ 2-7 ngày. Đồng thời, bệnh nhân sẽ kèm theo các dấu hiệu như da xung huyết, ửng đỏ (như cháy nắng), mệt mỏi, ăn uống kém, buồn nôn, sang ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 thì sẽ xuất hiện các dấu xuất huyết tự nhiên ngoài da, chảy máu răng, chảy máu mũi, ói ra dịch lợn cơn đen, ói ra máu, đi cầu phân đen hoặc xuất huyết âm đạo bất thường ở trẻ gái dậy thì.

Để chắc chắn rằng các nốt ban đỏ trên da là dấu hiệu của sốt xuất huyết Dengue, người dân có thể đặt máy đo huyết áp trên cánh tay hoặc buộc cánh tay bằng dây garo. Sau khoảng 5 phút, dưới vùng da đặt máy hoặc buộc dây xuất hiện các dấu chấm li ti thì đây là dấu hiệu xuất huyết da do sốt xuất huyết gây ra.

Phụ huynh cũng có thể phát hiện các vết xuất huyết trên da sớm bằng cách căng vùng da bị ban ra hoặc lấy vật dụng trong suốt như kính, đáy ly để ấn vào các vết đỏ trên da. Nếu các vết đỏ vẫn xuất hiện màu đỏ mà không bị đổi màu sang màu trắng thì đây chính là xuất huyết da do sốt xuất huyết.

Khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu như đau bụng nhiều, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết ngoài da nhiều, vật vã, li bì, đau vùng gan, tiểu ít.. đồng nghĩa với việc bệnh nhân đang chuyển nặng.

Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, các trường hợp nặng và tử vong do sốt xuất huyết thường được phát hiện và đưa vào viện trễ hoặc bệnh nhân cũng được đưa tới các phòng mạch và được chẩn đoán sai bệnh dẫn tới bệnh trở nặng.

Trước số ca nặng và tử vong do sốt xuất huyết ngày càng tăng, Sở Y tế TP.HCM đã có các phương án để giảm ca tử vong do sốt xuất huyết xuống mức thấp nhất. Sở Y tế TP.HCM đã quyết định phân tầng điều trị các bệnh nhân sốt xuất huyết. Theo đó, các cơ sở y tế tại Thành phố sẽ được chia thành 3 tầng để điều trị các bệnh nhân từ nhẹ tới nặng.

Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM cũng đã yêu cầu các cơ sở trên địa bàn Thành phố triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue nặng, nguy kịch có nguy cơ tử vong để kịp thời cứu sống bệnh nhân.

Ngành y tế TP.HCM cũng đã thành lập Tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết với 33 thành viên với nhiệm vụ hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết; phân tích, rút kinh nghiệm từ các trường hợp nặng, tử vong; tham gia tập huấn, tư vấn từ xa, hội chẩn, xử trí bệnh nhân sốt xuất huyết nặng... (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Công bố hết dịch COVID-19 sẽ gặp những thách thức gì?

Bộ Y tế nhấn mạnh trong trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế...
ờng hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch COVID-19 có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế...
Thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19, các nước vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, chưa ổn định và khó dự đoán; miễn dịch đáp ứng do mắc phải hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus SARS-CoV-2 liên tục có sự biến đổi với các biến thể mới, biến thể phụ của virus tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ khả năng làm tăng nặng, tử vong. Do đó, Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức họp định kỳ 3 tháng/lần để đánh giá tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu và có những khuyến cáo đối với các quốc gia thành viên.

Mới đây nhất, tại cuộc họp gần nhất lần thứ 13 (ngày 13/10/2022), Ủy ban Khẩn cấp đánh giá "Thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19 và các nước vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, vaccine cho các đối tượng nguy cơ cao; đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó quốc gia với đại dịch COVID-19". Công bố hết dịch COVID-19 sẽ gặp những thách thức gì?
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, có những thách thức khi công bố hết dịch COVID-19 tại Việt Nam:

Thứ nhất, trong trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế;

Thứ hai, việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân trong phòng chống dịch sẽ không còn được quan tâm đúng mức; người dẫn có thể có tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ đông thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; việc kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội sẽ bị động.

Các biện pháp phòng chống dịch COVD-19 đã bảo đảm sự linh hoạt theo diễn biến dịch
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết thêm, thực hiện Nghị quyết 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; phòng chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro; bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng, chống dịch với các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Y tế đã chủ động điều chỉnh theo hướng giảm dần các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình dịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể tạm dừng khai báo y tế; dừng cách ly đối với người nhập cảnh, người tiếp xúc; mở rộng việc điều trị tại nhà; việc khoanh vùng ổ dịch được thực hiện ở phạm vi hẹp nhất có thể;

Đồng thời cập nhật các hướng dẫn về tiêm vaccine cho trẻ em; cập nhật hướng dẫn an toàn, vệ sinh lao động cho nhân viên y tế; cập nhật quy định về sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm, thu dung, điều trị người bệnh trong cơ sở khám, chữa bệnh; điều chỉnh hướng dẫn phòng chống dịch đối với người dân từ 5K sang 2 K + (gồm khẩu trang, khử khuẩn), …

Cũng theo GS.TS Phan Trọng Lân, các biện pháp phòng chống dịch đã bảo đảm sự linh hoạt theo diễn biến dịch; trong tình hình hiện nay, dịch đang trong tình trạng được kiểm soát, các biện pháp phòng chống dịch cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh;

"Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát trở lại ở địa phương nào đó thì các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt sẽ được nhanh chóng áp dụng trở lại (kể cả biện pháp 5K) để kịp thời khống chế không để dịch tác động lớn tới an sinh xã hội, sức khỏe, tính mạng của người dân"- Cục trưởng Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Bộ Y tế luôn phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, cùng các chuyên gia, các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ và thường xuyên đánh giá tình hình dịch COVID-19; trong trường hợp tình hình dịch COVID-19 diễn biến ổn định, có thể dự báo và kiểm soát được, các biện pháp phòng chống dịch sẽ được kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động đáp ứng với dịch COVID-19 và bảo đảm sức khỏe người dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3 ).

 

Báo động dịch bệnh lây truyền từ động vật

Một người ở Hà Nội vừa tử vong vì bệnh dại sau khi tham gia giết thịt chó. Cúm gia cầm cũng đã tái xuất hiện ở Việt Nam sau 8 năm. Các chuyên gia báo động dịch bệnh có thể sẽ bùng phát trong thời gian tới. Điều này như là một lời cảnh báo về tình trạng dịch bệnh lây truyền từ động vật đang diễn biến phức tạp, gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Tử vong vì lây bệnh từ động vật

Theo báo cáo của CDC Hà Nội, bệnh nhân nam, 50 tuổi (trú tại thôn Yên Nội, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã tử vong vì lây nhiễm bệnh dại. 

Qua khai thác bệnh sử, trong vòng hai tháng nay, bệnh nhân có tham gia giết mổ chó cùng một số người họ hàng trong thôn.

Cả hai con chó đều khỏe mạnh được nuôi hơn năm tháng trong thôn, không được tiêm phòng, không rõ có bị cắn hay vết thương khi mổ chó. Bệnh nhân chưa tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại.

Những ngày qua, dịch cúm gia cầm lây sang người cũng đã bất ngờ tái xuất hiện ở Việt Nam sau 8 năm. Sau khi 1 bệnh nhân bị nhiễm virus cúm gia cầm chủng A/H5 tại Phú Thọ, ngày 21.10.2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã có công điện khẩn về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé gái mắc cúm gia cầm A(H5) đã may mắn qua cơn nguy kịch. Bác sĩ Đỗ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viên Nhi Trung ương cho biết, sau một thời gian được điều trị tích cực, bệnh nhi đã may mắn vượt qua cơn nguy kịch: "Rất may mắn bệnh nhân phục hồi được, chúng tôi đã rút được nội khí quản cho cháu. Bé tỉnh táo bình thường nhưng chức năng thận của cháu, chúng tôi vẫn phải theo dõi để điều trị phù hợp".

Trước đó, điều tra cho thấy, yếu tố dịch tễ rất điển hình trước khi bệnh nhân phát bệnh thì đàn gia cầm nuôi của gia đình chết hàng loạt không rõ nguyên nhân và gia đình đã giết mổ gia cầm cùng chuồng nuôi nhốt làm thực phẩm. 

"Nhà chúng tôi có nuôi đàn gia cầm quy mô phục vụ gia đình chứ không phải trang trại. Khi gia cầm chết gia đình vứt không ăn, nhưng có mổ con gia cầm nuôi cùng chuồng vẫn khỏe chứ không ăn con ốm, con chết", người nhà bệnh nhân cho biết.

Ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhi sinh sống để phối hợp với Cục Thú y, Bộ NNPTNT và địa phương cùng điều tra dịch tễ. Đoàn điều tra đã rà soát và lấy mẫu bệnh phẩm của 65 người là những người tiếp xúc gần hoặc là có liên quan dịch tễ tới cháu bé và rất may cả 65 người này đều âm tính với cúm A/H5. 

Phối hợp phát hiện, ngăn chặn các ổ dịch

Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, cúm gia cầm có thể xuất hiện khi buôn bán gia cầm qua đường biên giới hay chim di cư từ quốc gia này sang quốc gia khác. Vì vậy, việc phối hợp giữa hai cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn các ổ dịch rất quan trọng.

Theo Bộ Y tế, bệnh nhi đang điều trị là ca bệnh cúm A/H5 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2.2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A/H5. Hiện nay, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Dự báo trong thời gian tới, nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao.

Để phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không giết mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.  

Không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương. Trường hợp xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh cúm gia cầm A/H5, đồng thời để chủ động ngăn chặn các ổ dịch cúm gia cầm trên gia cầm, hạn chế thấp nhất virus cúm gia cầm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Bộ NNPTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và các chủng virus cúm gia cầm khác theo quy định của Luật Thú y. 

Các địa phương này tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xã có dịch và các địa phương có nguy cơ cao; chỉ đạo các cơ quan thú y, y tế phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân ổ dịch trên gia cầm, trên người và xử lý ổ dịch...

Những dịch bệnh nguy hiểm vừa qua, phần lớn đều xuất phát từ động vật hoang dã

Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm  tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là trên 77.000 con gia cầm. Nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao.

Ngoài ra, nguy cơ xuất hiện một số chủng virus cúm gia cầm (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N5,…) xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong vòng 60 năm qua đã có 335 bệnh mới nổi xảy ra trên người, trong đó 144 tác nhân gây bệnh (chiếm 43%) có nguồn gốc từ động vật hoang dã; đặc biệt từ các loài linh trưởng, thú ăn thịt (cầy, cáo), dơi, chim hoang dã, tê tê,… (Lao động, trang 1).

 

Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin bại liệt mũi 2 cho trẻ dưới 1 tuổi

Sở Y tế Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 4673/KH-SYT về việc triển khai tiêm vắc-xin bại liệt IPV mũi 2 cho trẻ dưới 1 tuổi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo đó, với mục tiêu tăng cường bảo vệ đối với bại liệt tuýp 2 cho trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn Thủ đô, bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc; Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu 90% trẻ từ 9 tháng đến dưới 1 tuổi trên địa bàn đã tiêm mũi 1 vắc-xin IPV sẽ được tiêm mũi 2 vắc-xin IPV trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trường hợp trẻ đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc-xin có thành phần bại liệt IPV trong tiêm chủng dịch vụ sẽ không tiêm mũi 2 trong Tiêm chủng mở rộng.

Đối tượng trong tháng đầu tiên triển khai sẽ bao gồm trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi. Vì vậy, ước tính số đối tượng trong tháng đầu tiên triển khai sẽ bằng số đối tượng tiêm chủng của tháng nhân ba.

Về thời gian tổ chức tiêm chủng từ tháng 11/2022 hoặc triển khai ngay khi tiếp nhận vắc-xin. Tổ chức tiêm chủng tại 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, triển khai ngay khi tiếp nhận vắc xin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội thường trực, tham mưu, tổ chức thực hiện toàn bộ công tác triển khai tiêm chủng vắc-xin IPV mũi 2 cho trẻ dưới 1 tuổi; xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai hoạt động chuyên môn, hướng dẫn các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã thực hiện; hướng dẫn các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tổ chức hoạt động truyền thông trên địa bàn.

Đồng thời, tập trung truyền thông cho các đối tượng các bà mẹ có con trong độ tuổi từ 9 tháng đến dưới 1 tuổi về lợi ích, đối tượng, lịch tiêm chủng, hướng dẫn các bà mẹ theo dõi và phát hiện phản ứng sau tiêm vắc-xin.

CDC Hà Nội hướng dẫn chuyên môn cho các tuyến về tiếp nhận bảo quản vắc-xin, tổ chức buổi tiêm chủng; giám sát và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng, biểu mẫu danh sách đối tượng cần tiêm; biểu mẫu báo cáo, theo dõi tiến độ triển khai kế hoạch sau khi phê duyệt; hướng dẫn các đơn vị rà soát dây chuyền lạnh phục vụ cho công tác bảo quản vắc-xin.

CDC Hà Nội thực hiện tiếp nhận vắc-xin, bơm kim tiêm, hộp an toàn từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chủ động điều phối cấp phát vắc-xin hợp lý cho các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã. Đảm bảo quy trình vận chuyển, tiếp nhận, cấp phát, bảo quản vắc-xin theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Cùng với đó, phân công cán bộ phụ trách từng quận, huyện, thị xã để theo dõi, giám sát, hỗ trợ. Tham gia các đoàn của Sở Y tế, đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra giám sát hoạt động tiêm chủng. Tổng hợp kết quả báo cáo với Sở Y tế và Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia và miền Bắc.

Các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, xây dựng kế hoạch tiêm IPV mũi 2 và triển khai đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn để thực hiện;

Đặc biệt là phải dự trù, tiếp nhận vật tư, vắc-xin và cung cấp cho các trạm y tế; tập huấn cho 100% cán bộ y tế tuyến xã, phường, thị trấn tham gia tiêm chủng về tiêm vắc-xin IPV mũi 2; kiểm tra, giám sát hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn đối với các điểm tiêm chủng, đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng.

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông về tiêm chủng vắc-xin IPV mũi 2 để người dân biết và đến tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Các Phòng y tế quận, huyện, thị xã phối hợp với các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã giám sát việc thực hiện tiêm chủng tại các điểm tiêm, phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp kịp thời để tiêm chủng đảm bảo an toàn và chất lượng. (Thanh niên, trang 15).

 

Chọc hút ối có gây nguy cơ cho thai nhi?

Chẩn đoán sớm các dị tật bẩm sinh của thai giúp đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời nhằm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh, tỷ lệ trẻ bị dị tật, khuyết tật nặng nề.

Siêu âm chẩn đoán dị tật thai nhi

Theo PGS-TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phụ sản T.Ư (Hà Nội), hiện với kỹ thuật siêu âm, đa số dị tật thai về hình thái lớn của hệ thống ống thần kinh, hệ thống cơ xương khớp hoặc của lồng ngực (tim, cơ hoành) hoặc của thành bụng, ruột, rốn… có thể chẩn đoán được, thậm chí chẩn đoán rất sớm, từ 12 - 18 tuần tuổi. “Những bất thường nhỏ hơn, tinh tế hơn, sâu hơn, ví dụ ở tim hay thận, bất thường tiến triển muộn hơn, chúng ta cũng hoàn toàn có thể chẩn đoán được. Một số bất thường về chức năng cũng chẩn đoán được trước sinh”, PGS Cường cho biết.

Theo Giám đốc BV Phụ sản T.Ư, cùng với phương pháp siêu âm hình thái chẩn đoán dị dạng thai, hiện nay chẩn đoán trước sinh phát triển rất mạnh, đặc biệt chẩn đoán bệnh lý bằng các kỹ thuật di truyền lấy bệnh phẩm bằng nước ối. Chọc hút dịch ối lấy bệnh phẩm từ thai nhi không chỉ cung cấp bệnh phẩm của thai để làm tế bào di truyền mà còn cung cấp để thực hiện các kỹ thuật khác về di truyền học phân tử, làm tăng khả năng phát hiện bệnh lý của thai. Hiện nay, Trung tâm Chẩn đoán trước sinh của BV Phụ sản T.Ư còn có kỹ thuật phát hiện bệnh lý sâu ở mức độ gien.

Khi nào có chỉ định chọc hút ối?

Trước băn khoăn của phụ nữ mang thai về nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi khi can thiệp lấy nước ối để xét nghiệm di truyền, PGS Cường chia sẻ: Trước kia, khi kỹ thuật còn thô sơ và chúng ta làm không có hướng dẫn của siêu âm, kim chọc ối có kích thước tương đối lớn thì biến chứng hoàn toàn có thể. Nhưng ngày nay với kỹ thuật sâu sắc hơn và thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm, kim chọc ối là kim rất nhỏ, lượng nước ối lấy rất phù hợp với các xét nghiệm cần thiết. Chính vì vậy, các biến chứng sau khi chọc ối rất rất thấp, dường như không xảy ra.

“Trong 5 năm gần đây, tại BV Phụ sản T.Ư có hơn 11.000 ca chọc ối, tỷ lệ biến chứng rất rất thấp, và biến chứng ghi nhận được là rỉ một ít máu hoặc đau. Biến chứng mất em bé dường như không xảy ra bất kỳ trường hợp nào”, TS Cường cho biết.

Về chỉ định chọc hút ối chẩn đoán dị tật thai nhi, TS Cường cho biết: Tất cả các bất thường, ví dụ như sàng lọc có kết quả trả lời là thai có nguy cơ cao; tất cả các phương pháp sàng lọc (sàng lọc huyết thanh, sàng lọc bằng ADN tự do hoặc các phương pháp siêu âm) khi phát hiện một bất thường hình thái, dù nhỏ nhất, thì đều có chỉ định lấy nước ối để tìm hiểu xem những bất thường đó có nguyên nhân của di truyền không, và những bệnh lý đó có thể tồn tại không, có chữa được không; sau khi trẻ ra đời có ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của em bé không; hoặc những bệnh lý đó, sau khi em bé ra đời có sửa chữa được không? Tất cả những câu hỏi đó, tại Trung tâm Chẩn đoán trước sinh (BV Phụ sản T.Ư), các bác sĩ sẽ thực hiện và tư vấn từng trường hợp cụ thể.

“Những phụ nữ sinh đẻ ở lứa tuổi ngoài 35 là nhóm nguy cơ mà chúng ta cần sàng lọc trước hoặc chúng ta lấy bệnh phẩm thai nhi để chẩn đoán”, PGS Cường lưu ý.

Hội nghị Sản phụ khoa Việt - Pháp 2022 đã được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 9 - 10.10. Đây là hội nghị thường niên lần thứ 22 với nhiều công trình nghiên cứu của Pháp, VN và các nước Thái Lan, Ý, Tây Ban Nha, Phần Lan… được công bố. Năm nay hội nghị có hơn 60 báo cáo, trong đó 50% là do các nhà khoa học trong nước trình bày. Cùng với các báo cáo về lĩnh vực sản phụ khoa, những năm gần đây, rất nhiều lĩnh vực mới về hỗ trợ sinh sản, chẩn đoán trước sinh, y học thai nhi, sức khỏe sinh sản... được trình bày tại hội nghị. Đó là những nghiên cứu được thực hiện rất tốt tại các trung tâm lớn, kết quả chắc chắn được ứng dụng. (Thanh niên, trang 15).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang