Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/12/2015

  • |
T5g.org.vn - Sau vụ hỗn loạn tại điểm tiêm chủng 182 - Lương Thế Vinh (Hà Nội): Cố gắng để đủ vắc xin; Khủng hoảng văcxin dịch vụ: Không hứa có thêm văcxin

Sau vụ hỗn loạn tại điểm tiêm chủng 182 - Lương Thế Vinh (Hà Nội): Cố gắng để đủ vắc xin

Vụ hỗn loạn xảy ra tại điểm tiêm 182 - Lương Thế Vinh (Hà Nội) là hậu quả của tình trạng thiếu vắc xin dịch vụ "5 trong 1" Pentaxim trong suốt thời gian dài. Ngày 26-12, tại cuộc họp báo liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, Bộ Y tế đang cố gắng để có đủ vắc xin tiêm cho trẻ.
Nơi nào tăng giá, sẽ dừng phân phối
Dù Bộ Y tế đã thông báo từ nay đến tháng 2-2016 có khoảng 200.000 liều vắc xin "5 trong 1" Pentaxim, trong đó 160.000 liều được nhập về trong tháng 12 này và 40.000 liều nhận vào tháng 2-2016 nhưng vẫn không làm người dân yên tâm. Trước sự việc hỗn loạn ở điểm tiêm 182 Lương Thế Vinh, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Trương Quốc Cường chia sẻ, không có vắc xin dịch vụ cũng khổ mà có thì cứ kiểu hỗn loạn như vậy còn khổ hơn.

Theo ông Trương Quốc Cường, hiện trên thế giới có 3 nhà sản xuất có công nghệ sản xuất vắc xin dịch vụ có thành phần ho gà vô bào, đó là Nhật Bản, hãng GSK và Sanofi Pasteur. Tuy nhiên, hiện Nhật Bản không xuất khẩu, chỉ sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Còn hãng GSK năm trước đã tự kiểm tra và phát hiện một số lô không đủ hiệu giá kháng thể, do đó, hãng này cũng ưu tiên cung cấp cho quốc gia dùng trong tiêm chủng mở rộng. Chính vì khó khăn trong việc nhập khẩu nên kế hoạch trong năm 2016 sẽ còn 40.000 liều vắc xin dịch vụ được nhập về vào tháng 2, ngoài ra không có nguồn nào khác. 

"Để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra như điểm tiêm chủng trên, chúng tôi yêu cầu công khai, minh bạch danh sách 161 điểm tiêm vắc xin "5 trong 1" trên toàn quốc. Nếu điểm nào ngoài danh sách này cũng tổ chức tiêm chắc chắn có vấn đề "bất thường" và cơ quan chức năng cần vào cuộc. Còn giá thì bán buôn đã có giá trần là 630.000 đồng/liều. Có thể giá bán lẻ sẽ khác nhau ở mỗi điểm tiêm nhưng không được quá cao so với mức giá này. Người dân nếu phát hiện ở đâu bán giá cao hơn đề nghị thông báo cho chúng tôi. Nếu đúng là sự việc như vậy, chúng tôi sẽ đề nghị ngừng hợp đồng phân phối với đơn vị đó ngay lập tức", ông Trương Quốc Cường khẳng định.

Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng thiếu vắc xin thời gian qua chỉ chủ yếu ở 2 vắc xin "5 trong 1" và "6 trong 1" dịch vụ. Tuy nhiên, chương trình Tiêm chủng mở rộng vẫn bảo đảm cung cấp đủ vắc xin "5 trong 1" có thành phần tương đương dịch vụ. Một năm có 4,5 triệu mũi Quinvaxem được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng, trong khi vắc xin dịch vụ chiếm 10% thị trường. Người dân quan ngại với vắc xin miễn phí, theo ông Trần Đắc Phu là do Quinvaxem có thành phần toàn tế bào ho gà nên khiến trẻ đau, sốt hơn là vắc xin vô bào "5 trong 1" Pentaxim. Chính vì thế, thời gian qua nhiều bà mẹ muốn chuyển sang tiêm vắc xin dịch vụ cho con. Dù khan hiếm vắc xin dịch vụ nhưng Bộ Y tế vẫn cố gắng để có vắc xin cho những người chưa thật sự tin tưởng vắc xin của chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Triển khai đăng ký qua mạng

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, sáng 26-12, Cục Y tế dự phòng đã tổ chức họp với tất cả các điểm tiêm. Để không xảy ra lộn xộn, trung tâm đã có phương án đăng ký qua điện tử, trang web để tránh việc người dân phải xếp hàng. Phương án cụ thể như thế nào, thời gian tiêm, khi đi cần mang theo những gì, làm thủ tục gì… đơn vị sẽ công khai trên trang web các đơn vị liên quan hoặc các phương tiện truyền thông để tránh gây phiền hà cho người dân. Hà Nội có khoảng 150 nghìn trẻ dưới 1 tuổi. Nếu tiêm đủ mũi thì cần 450 nghìn mũi tiêm "5 trong 1". Như vậy, số vắc xin "5 trong 1" dịch vụ đã và sẽ có đáp ứng được 60-70% nhu cầu nhưng đó là chưa tính được số trẻ ở tỉnh, thành khác về Hà Nội tiêm. 

Còn theo ông Trần Đắc Phu, để tránh tình trạng chen lấn hỗn loạn như những ngày vừa qua, sắp tới cơ quan chức năng sẽ triển khai việc đăng ký tiêm chủng qua mạng. Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm chỉ khi nào người dân đăng ký xong mới được triển khai tiêm. Mặt khác, chúng tôi cũng quán triệt rõ ràng, dù đăng ký dưới hình thức nào cũng phải bảo đảm an toàn công bằng cho người dân, đặc biệt là phụ huynh không thuê, không nhờ "cò" xếp hàng… "Các điểm tiêm dịch vụ cũng phải tiêm vắc xin Quinvaxem miễn phí. Các điểm tiêm phải tuyên truyền phụ huynh thiếu thuốc dịch vụ thì phải quay sang tiêm Quinvaxem đúng lịch, không được chờ thuốc. Điều khiến ngành Y tế lo lắng nhất hiện nay là nếu vì lý do chờ đợi vắc xin dịch vụ, không tin tưởng vắc xin của chương trình Tiêm chủng mở rộng mà tỷ lệ tiêm chủng dưới 60% thì chắc chắn dịch bệnh sẽ bùng phát", ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Để bảo đảm sức khỏe và an toàn cho trẻ, ông Trần Đắc Phu đưa ra khuyến cáo, khi đi xếp hàng tiêm chủng, các bậc phụ huynh đặc biệt không đưa trẻ đi cùng. Nếu ở đâu, người dân phát hiện trường hợp cán bộ y tế đến tận nhà tiêm, tiêm vắc xin "xách tay" hay đẩy giá lên hàng triệu đồng thì hãy báo ngay cho cơ quan chức năng để có phương án xử lý. Hà nội mới (trang 1)

Khủng hoảng văcxin dịch vụ: Không hứa có thêm văcxin

TT - “Chúng tôi đã làm hết cách, đã đi khắp nơi, đến bây giờ tôi nghĩ việc đàm phán được 200.000 liều 5 trong 1 này không biết là tốt hay xấu nữa. Nếu có kiếp sau, tôi không muốn làm ngành y nữa”.

Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường đã nói như trên trong cuộc họp báo sáng 26-12 về sự cố thiếu văcxin 5 và 6 trong 1 dịch vụ.

Quá nhiều câu hỏi đặt ra cho ngành y tế khiến thời gian họp báo đã lố hơn dự định gần một giờ, nhưng những vấn đề xung quanh tình trạng thiếu văcxin vẫn còn đó.

Tuổi Trẻ lược ghi các câu hỏi:

Tuổi Trẻ: Quá trình đàm phán được số lượng văcxin này diễn ra thế nào vì tình trạng thiếu văcxin 5 trong 1 xảy ra khắp thế giới, nhưng nhiều nước xung quanh VN lại thừa văcxin này và sử dụng tiêm chủng dịch vụ rất rộng rãi?

- Ông Trương Quốc Cường: Cách đây hơn một năm, chúng tôi có công văn cho nhà sản xuất đề nghị điều phối văcxin cho VN thì họ đã cố gắng điều phối bằng cách co kéo ở các thị trường khác cho VN, như họ nói đây là nỗ lực hết sức và không thể có hơn.

Như vậy ngoài 160.000 liều về VN trong tháng 12-2015 và 40.000 liều về tháng 2-2016, chúng tôi không còn cam kết nào khác.

Còn những thông tin có thể nhập khẩu văcxin ở thị trường các nước xung quanh, tôi cho là các nước đó không sản xuất được văcxin, mà nếu mua văcxin ấy về VN thì tôi cũng khuyên các bà mẹ là không cho con sử dụng các văcxin nhập khẩu trôi nổi bởi không đảm bảo quy trình bảo quản, vận chuyển.

Ở đây, việc thiếu văcxin không phải là vấn đề giá, bởi chúng tôi trao đổi với các công ty nhập khẩu và thông báo cho họ nếu nguyên nhân tỉ giá ngoại tệ thay đổi ảnh hưởng đến việc nhập khẩu, chúng tôi sẵn sàng chấp thuận cho họ điều chỉnh giá nếu mức điều chỉnh phù hợp.

Tuy nhiên nay văcxin đã về, các nhà nhập khẩu đều cam kết bán buôn đúng như giá kê khai là 630.000 đồng/liều, nếu phát hiện ai bán quá mức này thì hãy báo cho chúng tôi, chúng tôi sẽ đề nghị công ty sản xuất ngưng hợp đồng phân phối với công ty bán văcxin giá cao ngay.

Khám Phá: Ông lý giải thế nào về việc Singapore rất nhiều văcxin 5 trong 1 dịch vụ và họ mở rộng cửa cho người VN sang tiêm, trong khi VN lại không có hàng?

- Singapore có hàng vì họ dùng văcxin này trong tiêm chủng mở rộng, còn VN là tiêm dịch vụ. Tiêm chủng mở rộng thì phải cam kết đủ 4 mũi văcxin, còn VN nếu không đủ thì có thể dùng Quinvaxem.

Trước đây khi không có dịch, thị trường bình ổn thì Singapore có thể chuyển 50.000 - 100.000 liều văcxin cho VN, nhưng nay có dịch, toàn thế giới hết hàng thì họ không chuyển nữa.

* VOV: Vì sao chỉ phân bổ cho khu vực phía Bắc 15.000 liều văcxin, còn lại phía Nam lượng văcxin về lần này lại cao gấp 8 lần phía Bắc? Nếu phía Bắc không đủ liệu có chuyện mua bán lòng vòng rồi chuyển văcxin từ phía Nam ra không?

- Đây là vấn đề của nhà sản xuất ký hợp đồng với công ty nhập khẩu. Bộ Y tế không can thiệp. Bộ Y tế chỉ quản lý giá, chất lượng, công khai minh bạch. Còn anh bán cho ai là việc của anh.

Nguy cơ tăng giá thì tôi cho là không ai dại gì lại tăng giá trong đợt này, bởi đây đang là trung tâm chú ý của xã hội, toàn xã hội đang giám sát từng động tĩnh trong việc mua bán văcxin.

Thanh Niên: Lượng văcxin 5 trong 1 dịch vụ đã có đáp ứng được bao nhiêu so với nhu cầu?

- Ông Nguyễn Nhật Cảm (giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội): Đợt này Hà Nội được nhận hơn 12.000 liều văcxin 5 trong 1 dịch vụ. Năm ngoái chúng tôi đã tiêm khoảng 400.000 mũi Quinvaxem, nếu so với số lượng trẻ dưới 1 tuổi của Hà Nội là 150.000 cháu, mỗi cháu tiêm 3 mũi thì cần 450.000 liều văcxin 5 trong 1 các loại.

Đã tiêm 400.000 mũi Quinvaxem thì còn 50.000 mũi dịch vụ. Nay có hơn 12.000 liều, sắp tới sẽ có 28.000 liều nữa cập cảng. Giả sử Hà Nội được sử dụng hết thì cũng đáp ứng được 60 - 70% nhu cầu của các cháu đã đăng ký, nhưng nên nhớ số lượng trẻ em luôn thay đổi vì lại có thêm các cháu mới sinh ra. Tuổi trẻ (trang 1)

Đăng ký tiêm vắc-xin qua mạng

TP - Lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế hôm qua cho biết, do việc đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ dễ xảy ra lộn xộn, nên giờ thống nhất đăng ký qua website, qua email. Trong khi đó, lãnh đạo Cục Quản lý Dược thông báo đang tìm cách nhập thêm vắc-xin, đồng thời công khai minh bạch 161 điểm tiêm dịch vụ trên toàn quốc.

Sau sự cố hỗn loạn vì chen chúc đăng ký tiêm vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim xảy ra tại Hà Nội, sáng 26/12, Bộ Y tế tổ chức họp báo. TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho rằng, tâm lý người dân chỉ tin vào vắc-xin dịch vụ cộng với việc trên thế giới chỉ có 2 nhà sản xuất vắc-xin “5 trong 1” là nguyên nhân dẫn tới khan hiếm nguồn cung loại vắc-xin tổng hợp này.

Vẫn thiếu vắc-xin dịch vụ

Theo ông Cường, thiếu vắc-xin “5 trong 1” dịch vụ là do nhu cầu sử dụng tăng trên toàn cầu, nhà sản xuất không đủ để cung ứng. Hiện trên thế giới có 3 nhà sản xuất vắc-xin “5 trong 1”, “6 trong 1” dịch vụ là một hãng của Nhật Bản, hãng GSK của Bỉ và hãng Sanofi của Pháp. Cả 3 nhà sản xuất này đều thông báo không đủ nguồn vắc-xin để cung cấp cho Việt Nam vì phải ưu tiên cho những nước sử dụng vắc-xin Pentaxim trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Ông Cường nói: “Nguồn cung không đủ, các nước đều thiếu, nhưng họ linh hoạt không dùng vắc-xin vô bào thì tiêm loại toàn tế bào. Trong khi đó, người Việt Nam lo ngại tai biến vắc-xin, lại có tâm lý cho rằng, vắc-xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng không tốt, còn vắc-xin dịch vụ là tốt, nên chỉ muốn tiêm loại vô bào, càng làm tình trạng khan hiếm hơn”.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, thừa nhận, công tác tổ chức tiêm chủng mở rộng miễn phí chưa được tốt, nên dẫn đến sự so sánh, cho rằng tiêm vắc-xin dịch vụ thì tốt hơn. Ông Phu cho hay, đúng là vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào gây tỷ lệ phản ứng sốt, đau tại chỗ tiêm nhiều hơn, trẻ quấy khóc nhiều hơn so với vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim, khiến nhiều người có tâm lý e ngại. Trước đây, khi chưa có vắc-xin thế hệ mới thành phần vô bào, người dân không có sự so sánh.

Trả lời câu hỏi vì sao hiện nay có sự phân bố không đều vắc-xin, đại diện Bộ Y tế cho biết chỉ kiểm soát về giá, còn việc phân bổ bao nhiêu liều vắc-xin và bán cho ai là do nhà sản xuất và nhà phân phối. Trước nhu cầu vắc-xin dịch vụ tăng cao, ông Cường cho biết, Cục Quản lý Dược đã đàm phán hơn 1 năm nay với Sanofi và công ty này hứa sẽ có thêm vắc-xin cho Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì điều phối thêm vắc-xin cho Việt Nam trong năm nay với số lượng 40.000-50.000 liều, họ lại điều phối đến nước khác, như Thái Lan và Malaysia, trong khi số lượng vắc-xin phân phối cho Việt Nam chỉ khoảng 160.000 liều.

Ông Cường nói: “Các vắc-xin mới về là do Cục đã đi đàm phán từ năm trước. Năm 2016 không cam kết có thêm vắc-xin “5 trong 1”, ngoài 40 ngàn liều sẽ về Việt Nam vào tháng 2/2016. Tình trạng thiếu vắc-xin là thiếu thật, trên toàn hệ thống. Rất khó để 1 cháu bé được tiêm cả 4 mũi dịch vụ”.

Tìm thêm nguồn cung

Lãnh đạo Cục Quản lý Dược cho biết đang tính đến phương án thương thuyết với cơ quan quản lý dược Thái Lan, Malaysia để có thêm nguồn vắc-xin. “Ngoài ra, để đảm bảo, chúng tôi yêu cầu công khai minh bạch 161 điểm tiêm vắc-xin dịch vụ toàn quốc. Ngoài các điểm này mà có vắc-xin để tiêm là bất thường. Còn giá hiện nay vẫn là 630.000 đồng/liều, không có tăng. Nếu phát hiện chỗ nào bán giá cao hơn, chúng tôi sẽ ngừng cấp phép. Nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến tình trạng không có vắc-xin cũng khổ mà có rồi thì còn khổ hơn như hiện tượng của mấy ngày vừa qua”, ông Cường nói. Cục Quản lý Dược đề nghị giám đốc các Sở Y tế căn cứ số điểm được phân phối vắc-xin để kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng cò mồi như ở TPHCM.

Ông Cường cho biết đang chờ vắc-xin mới “6 trong 1” do Sanofi sản xuất, được Bộ Y tế thử nghiệm lâm sàng ở Thái Bình với 354 trẻ từ 61 đến 91 ngày tuổi, đến tháng 2/2016 sẽ tiêm đủ 3 mũi cơ bản thử nghiệm trên những trẻ này. Sau 28 ngày sẽ kiểm tra hiệu giá kháng thể, nếu được Hội đồng Y đức chấp nhận thì có thể nghiệm thu vào tháng 6/2016. Nếu chưa đạt thì đến tháng 2/2017 tiêm thêm mũi thứ 4 cho trẻ thử nghiệm, sau đó đánh giá lại.

Đăng ký online

Về việc hỗn loạn xảy ra tại điểm tiêm 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, trách nhiệm thuộc về Phòng tiêm chủng và dịch vụ Polyvac vì sắp xếp việc đăng ký không khoa học. “Hiện nay, chúng tôi thấy rằng việc đăng ký tiêm dịch vụ là khó nhất, dễ lộn xộn nhất. Sáng chúng tôi đã họp bàn, thống nhất là đăng ký qua website, không thể đáp ứng được 100% nhu cầu và cũng không phân biệt ngoại tỉnh được”, ông Phu nói.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, cho biết, sẽ tổ chức đăng ký qua trang web hoặc email để đảm bảo người dân không phải đến xếp hàng. Trung tâm sẽ chốt, ngày giờ tiêm và thông báo công khai trên website các đơn vị và công khai với báo chí. Để chống đăng ký ảo, khi đăng ký cần khai rõ họ tên, ngày sinh của trẻ, họ tên và số chứng minh thư nhân dân của cha mẹ. Khi tới tiêm, cần mang đầy đủ giấy tờ trên để đối chứng.

“Tôi xin khẳng định không có quy định nào phải mang con đến đăng ký tiêm. Chúng tôi cũng đã có khuyến cáo không mang trẻ con đến vì rét buốt như này dễ nhiễm các bệnh hô hấp… Chúng tôi yêu cầu chỉ khi nào đăng ký xong mới được triển khai tiêm, còn không thì không được tiêm… Phải tuyệt đối tránh cò mồi”, ông Phu nói. Nếu bất cứ người dân nào phát hiện cán bộ y tế tuồn vắc-xin ra ngoài để tiêm dịch vụ, tiêm xách tay với giá cao thì cần phản hồi ngay lại Bộ Y tế, ngành y tế sẽ đề nghị cả công an vào cuộc.

Bộ Y tế khuyến cáo, nếu tiêm không đủ mũi mà hết vắc-xin dịch vụ thì có thể tiêm Quinvaxem. Ông Phu lưu ý, khi tiêm phải đảm bảo khám sàng lọc kỹ, trong quá trình tiêm chủng, nếu xảy ra vấn đề gì thì phải giải quyết ngay. Các cơ sở phải mở thêm bàn tiêm, bàn tư vấn và tiếp tục duy trì tiêm Quinvaxem miễn phí song song với tiêm vắc-xin dịch vụ. Tiền phong (trang 12), An ninh thủ đô (trang 4)

2017 mới hết khan hiếm vắc xin!

“Ngoài 200.000 liều vắc xin “5 trong 1” Pentaxim có từ nay đến tháng 2.2016, trong đó 40.000 liều về VN vào tháng 2.2016, chúng tôi không cam kết sẽ có thêm nữa”.

Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cho biết như trên tại cuộc gặp mặt với báo chí vào hôm qua 26.12 ở Hà Nội, để thông báo về công tác tiêm chủng. 

Theo ông Cường, nguyên nhân không phải là do “giá đắt hay rẻ, vấn đề là không có nguồn cung”. Ông Cường giải thích: Trong năm qua, nguồn cung giảm do một số lô được nhà sản xuất phát hiện không đạt yêu cầu về chất lượng, do thay đổi công nghệ, ưu tiên cung cấp cho các nước thực hiện tiêm chủng mở rộng quốc gia. Tại Pháp cũng đang thiếu hụt vắc xin này. Nếu thiếu vắc xin có thành phần ho gà vô bào (Pentaxim), có thể thay bằng vắc xin ho gà toàn tế bào (Quinvaxem).

Ông Cường cũng cho biết sớm nhất trong tháng 6.2016, hội đồng xét duyệt sẽ xem xét cấp số đăng ký lưu hành cho vắc xin Hexaxim - vắc xin “6 trong 1” phòng bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm màng não do Hib và có thành phần ho gà vô bào, do GSK sản xuất. Vắc xin này sẽ hoàn thành thử nghiệm trong quý 1/2016, trước khi chính thức đăng ký lưu hành tại VN.

Theo nhận định của ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tình hình khan hiếm vắc xin dịch vụ có thành phần ho gà vô bào như Pentaxim sẽ được cải thiện hơn vào 2017. 

Hiện tại, lo ngại nhất là dịch sẽ bùng phát nếu người dân cố chờ vắc xin dịch vụ, trì hoãn cho trẻ tiêm. Nếu miễn dịch cộng đồng giảm xuống còn 60 - 70% (trong năm qua chúng ta liên tục đạt 90%), bệnh sẽ bùng phát. Đặc biệt là ho gà, phải tiêm 3 mũi mới đủ miễn dịch, chứ không như vắc xin sởi - chỉ 1 mũi đã có khả năng bảo vệ, tiêm nhắc lại thì được bảo vệ bền vững. 

“Với nguy cơ dịch bệnh như vậy, nếu người dân không tin tưởng tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng thì tôi rất đau buồn”, ông Phu bày tỏ.

Ông Phu cho rằng, việc lập kế hoạch với vắc xin dịch vụ rất khó khăn, bởi nhu cầu không ổn định. Những năm trước, chỉ có khoảng 100.000 - 150.000 trẻ được gia đình cho tiêm vắc xin dịch vụ trong năm, không dồn vào như hiện nay. Nhu cầu vắc xin dịch vụ không ổn định, nên nhà nhập khẩu - các công ty tư nhân phải cân nhắc, không để tồn đọng, vì đã có tình trạng vắc xin dịch vụ hết hạn phải tiêu hủy.

Hà Nội sẽ cải tiến việc đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ

Liên quan đến triển khai tiêm vắc xin “5 trong 1” trong những ngày tới, Bộ Y tế đã thống nhất với các phòng tiêm chủng, chỉ được tiêm sau khi hoàn thành việc đăng ký, lên lịch hẹn, không để tình trạng bồng bế trẻ nhỏ xếp hàng chờ tiêm. 

“Trời mưa, rét ở miền Bắc, nếu không làm chu đáo, có khi trẻ ốm, sưng phổi mà chưa kịp tiêm”, ông Phu nhấn mạnh.

“Về phương án đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim lần này, chúng tôi vẫn đang cân nhắc, trước mắt có thể đăng ký qua website hay email. Quan điểm là không phân biệt trẻ ngoại tỉnh hay trẻ có gia đình sống ở Hà Nội, bởi cháu nào cũng có quyền như nhau. Sau khi tiếp nhận đăng ký, chúng tôi sẽ thông báo cụ thể ngày, giờ đưa trẻ đến tiêm để tránh ùn tắc và đảm bảo các trẻ được khám sàng lọc, theo dõi phản ứng sau tiêm, vì vắc xin nào cũng có nguy cơ gây phản ứng không mong muốn”, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, cho biết.

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết thêm: “Với số vắc xin được cung cấp, đáp ứng khoảng 60 - 70% số trẻ đang chờ tiêm. Chúng tôi sẽ tiêm thay thế vắc xin Quinvaxem với các trường hợp không có đủ vắc xin Pentaxim. Trong năm 2015, riêng phòng tiêm chủng dịch vụ tại 70 Nguyễn Chí Thanh, chúng tôi đã tiêm 22.000 liều Quinvaxem an toàn”.

TP.HCM: Hàng trăm người xếp hàng chờ

Từ sáng sớm 26.12, khi biết Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM (P.1, Q.5) có tiêm vắc xin “5 trong 1”, hàng trăm người đã đến xếp hàng chờ. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người dân TP.HCM và cả những người từ các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai… đều tranh thủ đi rất sớm, thậm chí có người đưa con đi từ 2 giờ sáng. 

Chị Vân (30 tuổi, quê Long An) đang bế con 4 tháng tuổi đứng chờ tiêm vắc xin, cho hay: “Tối qua hai vợ chồng nghe tin trên này mới về vắc xin “5 trong 1” nên tranh thủ chở bé lên sớm để tiêm, không ngờ quá đông phải xếp hàng, cũng may đứng đoạn đầu, không là phải về tay không rồi”. Do lượng người đến ngày càng đông, để đảm bảo an ninh trật tự cũng như tránh tình trạng chen lấn, lực lượng Công an P.1 (Q.5) và dân phòng đã có mặt để hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hoàng Thiện Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch - Hành chính, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, đã đích thân ra thông báo trấn an mọi người rằng đợt này chỉ riêng trung tâm đã nhập về 2.000 liều vắc xin “5 trong 1” nên đáp ứng được nhu cầu của mọi người. Tuy nhiên, ông Tâm cho biết vì lượng trẻ đến quá đông nên những ngày đầu tiên sẽ ưu tiên cho những trẻ dưới 3 tuổi và những trẻ chưa tiêm đủ 3 mũi vắc xin “5 trong 1” cơ bản. Riêng những trường hợp trẻ đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin “5 trong 1” cơ bản rồi sẽ được sắp xếp tiêm 1 mũi bổ sung cuối cùng sau.

Đến hơn 10 giờ cùng ngày, lượng người chờ tiêm vắc xin tại trung tâm vẫn khá đông. Dưới áp lực của phụ huynh, đặc biệt là những người đã chờ từ sáng sớm, lãnh đạo trung tâm đã phải tăng thêm 30 mũi tiêm vắc xin “5 trong 1” nữa để giải tỏa nhu cầu thay vì chỉ tiêm 150 mũi/ngày theo thông báo ban đầu.

Trao đổi về việc tiêm vắc xin hiện nay trên địa bàn TP, ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết theo kế hoạch sẽ có 74 điểm tiêm vắc xin “5 trong 1” tại các bệnh viện lớn, trung tâm y tế dự phòng trên toàn TP bắt đầu từ ngày 28.12. Viện Pasteur sẽ tùy vào tình hình cụ thể mà chọn lựa thời gian phù hợp nhất để mở tiêm. Đặc biệt Viện sẽ cân đối, đảm bảo 22 loại vắc xin khác vẫn tiêm đúng lịch, đủ lịch.

Cũng theo ông Lân, nếu các điểm tiêm vắc xin trong TP thiếu hàng, Viện Pasteur sẽ chia sẻ đến các điểm đó thông qua nhà cung ứng. "Điều này nhằm giúp giảm tình trạng người dân đổ xô đến Viện sẽ gây hỗn loạn, không thể đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng các vắc xin còn lại”, ông Lân nói. Thanh niên (trang 1)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang