Bộ Y tế chi viện khẩn cho nhiều địa phương
Trước diễn biến dịch Covid- 19 phức tạp, diễn tiến nhanh, các ca F0 tăng nhanh, BYT đã lập các đoàn chi viện cho nhiều tỉnh, thành. Ngày 1.7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Bình Dương ghi nhận thêm 90 ca dương tính với Covid-19, trong đó phần lớn liên quan đến ổ dịch tại Công ty TNHH Wanek (P.Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một).
Ông Nguyễn Văn Ân, Chủ tịch UBND P.Hòa Phú, cho biết liên quan đến số ca dương tính Covid-19 tại Công ty TNHH Wanek, chính quyền đã phong tỏa 13 điểm, cách ly y tế hơn 1.000 người dân trên địa bàn phường. Ngoài ra, có khoảng trên 1.500 công nhân (CN) Công ty TNHH Wanek bị ảnh hưởng phải cách ly tập trung. Cùng ngày 1.7, Bộ Y tế đã có quyết định chi viện nhân lực cho Bình Dương phòng chống dịch Covid-19 do ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, làm trưởng đoàn. Đoàn công tác của Bộ Y tế có nhiệm vụ hỗ trợ triển khai các hoạt động lấy mẫu, hướng dẫn xét nghiệm; hỗ trợ công tác điều trị; đảm bảo an toàn sinh học và phòng chống dịch; xử lý dịch trong các khu cách ly, khu công nghiệp, công sở, trường học... UBND tỉnh Bình Dương cũng đã quyết định thành lập 450 tổ lấy mẫu xét nghiệm (350 đội tuyến huyện và 100 tổ tuyến tỉnh) để lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, dự kiến khoảng 1 triệu người (kinh phí khoảng 70 tỉ đồng do Becamex IDC tài trợ). Thời gian thực hiện trong khoảng 14 ngày.
Tại Quảng Ngãi, trong ngày 1.7 ghi nhận thêm 9 trường hợp dương tính với Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 lên 81 người, tất cả đều ở TX.Đức Phổ. Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết từ 29.6 đến nay, đơn vị đã tăng cường nhân lực cho việc xét nghiệm Covid-19. Theo đó, đã triển khai 32 tổ phản ứng nhanh, khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm ở xã Phổ Châu và P.Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ. Với năng lực sàng lọc 8.000 - 10.000 mẫu/ngày, cố gắng đến hết ngày 2.7, công tác xét nghiệm cho toàn bộ hơn 33.000 người dân trong khu vực phong tỏa xã Phổ Châu và P.Phổ Thạnh sẽ hoàn thành. Bộ Y tế đã thành lập Tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho tỉnh Quảng Ngãi với 13 thành viên do bà Lê Hồng Phương Nga, Phó viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, làm tổ trưởng. Tổ công tác này làm việc tại Quảng Ngãi kể từ ngày 1.7.
Tại Phú Yên, tính đến 17 giờ ngày 1.7, tổng ca nhiễm tại tỉnh này là 178 ca, trong đó nhiều nhất là TP.Tuy Hòa với 133 ca. Chiều 1.7, có thêm xã An Phú (TP.Tuy Hòa) và một nửa thôn Diên Hội, xã An Hòa Hải (H.Tuy An) phải cách ly theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 1.7.2021. Bộ Y tế cũng đã ra quyết định thành lập tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Phú Yên gồm 18 thành viên do ông Đỗ Thái Hùng, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, làm tổ trưởng. Các tổ phó và thành viên đều là nhân sự của Viện Pasteur Nha Trang và Bệnh viện (BV) T.Ư Huế.
Tương tự, Sở Y tế Đồng Tháp cho biết tính đến 18 giờ ngày 1.7, toàn tỉnh đã ghi nhận 105 ca mắc Covid-19, nhiều nhất là TP.Sa Đéc với 29 ca, H.Châu Thành 21 ca, H.Lai Vung 12 ca, H.Lấp Vò 8 ca. Hiện toàn tỉnh có 4 chùm ca bệnh, gồm: BV đa khoa Sa Đéc, xã Tân Khánh Trung (H.Lấp Vò), BV Quân dân y Đồng Tháp và Xí nghiệp May 6 (TP.Sa Đéc).
Trong đó, các ổ dịch tại BV đa khoa Sa Đéc và Xí nghiệp May 6 - nơi có 1.200 công nhân làm việc, diễn biến dịch rất phức tạp. Tỉnh đã phong tỏa BV đa khoa Sa Đéc, BV Quân dân y Đồng Tháp và tạm dừng hoạt động Xí nghiệp May 6… Bộ Y tế đã cử tổ công tác của Bộ đến tỉnh này để hỗ trợ dập dịch. Bên cạnh đó, trưa ngày 1.7, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cũng đã cử 44 giảng viên và sinh viên của trường đến Đồng Tháp để hỗ trợ, xử lý các ổ dịch đang bùng phát, lây lan nhanh tại địa phương này (Thanh niên, trang 3).
Trong ngày 1-7 có thêm 713 ca mắc mới, 407 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh
Theo tin từ Bộ Y tế, tính từ 12h30 đến 18h ngày 1-7, nước ta có 264 ca mắc mới, gồm 18 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại 4 tỉnh, thành phố: Tây Ninh (12), An Giang (3), Đà Nẵng (2), Hà Nội (1) và 246 ca ghi nhận trong nước tại 10 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (152), Bình Dương (42), Tiền Giang (22), Quảng Ngãi (9), Phú Yên (8 ), An Giang (5), Đà Nẵng (3), Hà Tĩnh (2), Bắc Ninh (2), Bắc Giang (1); trong đó 189 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy, trong ngày 1-7, Việt Nam ghi nhận thêm 713 ca mắc mới, trong đó có 20 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 693 ca ghi nhận trong nước tại 16 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh (464), Bình Dương (90), Tiền Giang (38), Long An (28), Phú Yên (26), Hưng Yên (11), Quảng Ngãi (9), Bắc Giang (5), Hà Tĩnh (5), An Giang (5), Nghệ An (3), Bắc Ninh (3), Đà Nẵng (3), Vĩnh Long (1), Bình Phước (1), Đồng Tháp (1); trong đó 584 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính đến 18h ngày 1-7, Việt Nam có tổng cộng 15.758 ca ghi nhận trong nước và 1.818 ca nhập cảnh. Riêng số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27-4 đến nay là 14.188 ca, trong đó có 4.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Về tình hình điều trị, nước ta có thêm 407 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca điều trị khỏi là 7.247 (Hà Nội mới, trang 7).
Nhiều ổ dịch cộng đồng, chưa xác định nguồn lây
Ngày 1/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt tại Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh. Riêng tại TPHCM và một số tỉnh miền Ðông, dịch đang diễn biến nhanh, phức tạp; số ca mắc tăng cao với nhiều ổ dịch trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây.
Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp liên tục gia tăng số mắc tại cộng đồng do địa bàn tiếp giáp TPHCM, có nhiều khu công nghiệp, nhà máy với số lượng lớn người lao động có mật độ giao lưu, đi lại cao. Một số nơi, người dân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Các tỉnh như Phú Yên, Quảng Ngãi đã có nhiều nguồn lây từ các khu vực đang có dịch do mật độ giao thương, đi lại liên tỉnh qua địa bàn cao.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, đợt dịch lần thứ 4 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, xảy ra cùng lúc tại nhiều địa phương với nhiều nguồn lây, nhiều ổ dịch. Chủng virus Delta lây nhanh, mạnh hơn làm bệnh tăng nặng. Cùng với đó, dịch không chỉ lây nhiễm theo chuỗi mà còn lây nhanh, rộng theo chùm. Ông Long nhìn nhận: “Các địa phương đã rất nỗ lực, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, giãn cách, cách ly kịp thời, phù hợp nên các chuỗi lây nhiễm nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát, nhờ đó công tác phòng, chống dịch hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát”.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói rằng, trên thế giới, dịch bệnh vẫn còn kéo dài, chưa có khả năng được kiểm soát trên quy mô toàn cầu trong năm 2021; các biến chủng mới có khả năng tiếp tục xuất hiện, các làn sóng bùng phát dịch có thể quay lại bất kỳ lúc nào, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao. Trong nước, dịch bệnh kéo dài và sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc tại cộng đồng, trong các khu công nghiệp, nơi tập trung đông người và có thể lây lan thành ổ dịch lớn hơn. Do đó, các nguyên tắc phòng, chống dịch cơ bản là ngăn chặn, phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch cần tiếp tục được thực hiện kịp thời, phù hợp, triệt để. Ông Long yêu cầu, thời gian tới, TPHCM, Bình Dương và một số địa phương lân cận cần thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội theo quy mô phù hợp; nâng cao năng lực và áp dụng chiến lược xét nghiệm, siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, tổ chức chiến dịch tiêm chủng an toàn, hiệu quả (Tiền phong, trang 2).
Mắc COVID-19, tự khỏi, lại mắc
Ngày 1/7, TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, thông tin, qua điều tra truy vết, ngành chức năng xác định nguồn lây của chùm ca bệnh ở xã Thạch Long, huyện Thạch Hà bắt nguồn từ nhà tắm nước ngọt ở khu vực bãi biển Xuân Hải (thị trấn Lộc Hà) chiều 3/6. Điều tra cho thấy, có 4 thanh niên từ 17h30-19h chiều 3/6 đi qua bãi tắm này, vào phòng tắm nước ngọt. Trong khung giờ này có 27 người liên quan. Chiều 13/6, một trong 4 thanh niên này bị sốt, không đi khám mà tự mua thuốc về uống. Dù đến bãi tắm và điểm tắm nước ngọt, nhưng người này không khai báo y tế. Anh này thuộc diện nghi ngờ do tiền sử dịch tễ từng đến điểm tắm nước ngọt trong thời gian được khuyến cáo có người nhiễm.
Mẫu xét nghiệm của trường hợp này được gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư xét nghiệm, phát hiện anh có kháng thể SARS-CoV-2 (nghĩa là đã nhiễm và đã khỏi bệnh). Tuy nhiên, người đàn ông này chưa từng được ghi nhận là bệnh nhân COVID-19. Cơ quan chuyên môn nhận định, trong thời gian nhiễm SARS-CoV-2, người này đã lây cho một số người khác (có thể là 19 người), đến nay đã qua 2-3 chu kỳ dịch (12-14 ngày). Đến trưa 1/7 kết quả xét nghiệm của người đàn ông này dương tính trở lại với SARS-CoV-2.
Chuyên gia Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng, việc một người “tự nhiễm SARS-CoV-2 rồi tự khỏi là chuyện bình thường”. “Có tới 60-80% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng. Các bệnh nhân này tự nhiễm, tự khỏi nhưng trong người vẫn sinh ra kháng thể, cũng như tiêm vắc-xin xong thì cơ thể sinh ra kháng thể”, ông Phu nói. Ông nhấn mạnh việc luôn có những ca lẩn khuất trong cộng đồng mà không biết.
Những người này không có triệu chứng, lại không xét nghiệm nên không biết, nếu không tuân thủ 5K thì sẽ lây cho người khác. Thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho thấy, trong số 60-80% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng khởi phát trong giai đoạn này, khoảng 20% người sau đó (đến tuần thứ 2) bệnh chuyển nặng, có biểu hiện bệnh; nghĩa là vẫn có khoảng 40-50% không có triệu chứng, không cần điều trị (Tiền phong, trang 4).
Dịch Covid-19 tại TPHCM dự báo kết thúc vào tháng 8-2021
Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TPHCM vừa báo cáo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong về tổng hợp các phân tích, đánh giá, dự báo và giải pháp đối với dịch Covid-19 tại TPHCM.
Theo đó, Sở TT-TT đã cung cấp dữ liệu kết quả của 2 nhóm nghiên cứu gồm: nhóm nghiên cứu của Đại học Fulbright do tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright làm trưởng nhóm; và nhóm nghiên cứu Tech4Covid do tiến sĩ Đinh Bá Tiến, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học tự nhiên làm trưởng nhóm.
Qua đánh giá tính tương đồng về kết quả nghiên cứu của 2 nhóm, Sở TT-TT cho rằng, việc áp dụng Chỉ thị 10 đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh tại TP. Kết quả mô phỏng cho thấy dịch đã có xu hướng đạt đỉnh ở cuối tháng 6 và giảm nhẹ vào đầu tháng 7. Việc tiếp tục Chỉ thị 10 sẽ giúp cho việc kiểm soát dịch bệnh hoàn toàn vào tháng 8-2021. Việc nhanh chóng triển khai áp dụng công nghệ (xét nghiệm nhanh diện rộng, tiêm vaccine, khai báo y tế điện tử,…) sẽ rút ngắn thời gian áp dụng Chỉ thị 10 tại TPHCM.
Sở TT-TT đề xuất Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP xem xét các khuyến nghị của 2 nhóm nghiên cứu. Đối với phân loại quận, huyện, sở đề xuất xem xét đưa quận 1, 4, 12 vào nhóm có nguy cơ rất cao; đưa quận 7, 10, 11, quận Thủ Đức cũ vào nhóm nguy cơ cao. Hiện tại, UBND TPHCM phân loại nhóm nguy cơ rất cao gồm quận 8, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn và quận Thủ Đức cũ. Nhóm nguy cơ cao gồm các quận 1, 4, 5, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, huyện Củ Chi và quận 2, 9 cũ. Nhóm có nguy cơ là các quận, huyện còn lại (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Thêm trân trọng những tấm lòng
Những ngày qua, nhiều tỉnh thành đã chung tay gửi yêu thương đến TPHCM qua những chuyến xe nông sản, đặc sản địa phương và hỗ trợ hiện kim. Và sáng 1-7, hơn 300 cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, hỗ trợ TPHCM chống dịch Covid-19.
Đi xíu là về mà!
Hình ảnh các chiến sĩ áo trắng trong lễ xuất quân, chuẩn bị hành lý lên máy bay vào TPHCM, được nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ cùng những bình luận cảm ơn và tự hào về tinh thần của các bạn trẻ. Chia sẻ đoạn video ghi lại hình ảnh của đoàn ở sân bay Tân Sơn Nhất, phía dưới là bình luận hỏi thăm của bạn bè: “Lại đi nữa hả bạn?”, “Chúc em hoàn thành nhiệm vụ, giữ gìn sức khỏe nhé”, “Đi tiếp hả em?”... Đáp lại sự quan tâm và yêu thương của bạn bè và người thân, Trần Mỹ Hảo (sinh viên năm 4 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) để lại dòng bình luận nhẹ nhàng: “Cảm ơn mọi người, đi xíu là về mà”.
Mỹ Hảo tham gia chống dịch ở Bắc Giang, rồi nhận được tin báo quê nhà (huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Phòng) có ca mắc Covid-19 và đã hơn 2 tháng, Hảo vẫn chưa về thăm nhà. Nhưng khi nhận nhiệm vụ vào Nam, bạn trẻ vững vàng: “Lần đầu tiên em được đi máy bay, lần đầu tiên em vào TPHCM nên cảm xúc cũng hồi hộp lắm nhưng tự hào nhiều hơn vì mình là những sinh viên đầu tiên vào hỗ trợ TPHCM. Dân ngành y mà chị, tụi em được học và tập huấn kỹ càng kiến thức, kỹ năng chống dịch, nhất định cùng TPHCM chiến thắng dịch”.
Ngay trong chiều 30-6, khi nhận được công văn khẩn của Bộ Y tế, lãnh đạo Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương nhanh chóng chỉ đạo và thành lập đoàn cán bộ giảng viên, sinh viên hỗ trợ TPHCM. Tối 30-6, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tổ chức lễ ra quân cho 319 thành viên (gồm 9 cán bộ giảng viên và 310 sinh viên) chi viện cho TPHCM.
Xúc động và trân quý
Chuyến đi này với Nguyễn Thị Thủy Tiên (sinh viên năm cuối Khoa Xét nghiệm, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương) là lần đầu vào TPHCM. Đây là quyết định hết sức mạnh mẽ, bởi bạn là sinh viên năm cuối, lịch thi tốt nghiệp dự kiến từ ngày 5 đến 9-7 tới. Tham gia đoàn hỗ trợ, đồng nghĩa Tiên chấp nhận tốt nghiệp trễ. Thủy Tiên chia sẻ: “Tối hôm qua cả phòng em mất ngủ, vì rất mong đến TPHCM để hỗ trợ kịp thời cho mọi người. Trước đó tụi em đã tham gia chống dịch ở Hải Dương, Bắc Ninh, dù vậy lần này tụi em suy nghĩ rất nhiều do lịch thi tốt nghiệp cận kề. Nhưng hơn hết vẫn mong được chia sẻ với mọi người trong lúc khó khăn này, tụi em xác định sẽ hoãn lại và đăng ký vào hỗ trợ TPHCM. Xong việc trở về, tụi em sẽ thi tốt nghiệp sau”. Xuống sân bay về khách sạn nhận phòng và ngay trong chiều 1-7, Thủy Tiên cùng các bạn được phân công có mặt ở địa bàn quận Gò Vấp lấy mẫu xét nghiệm. “Em có mệt không khi hôm nay phải di chuyển nhiều và buổi chiều bắt tay vào việc ngay?”, tôi hỏi. Thủy Tiên nói nhanh: “Tụi em vào đây, tâm thế sẵn sàng lắm!”.
Phải đến 3 lần kết nối chúng tôi mới liên lạc được với ThS Ngụy Đình Hoàn (Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương). Đầu dây bên kia, giọng thầy gấp gáp vì có nhiều việc đang chờ: “Chúng tôi mong muốn chia sẻ và hỗ trợ hết mình để cùng TPHCM chống dịch”. Trong khi đó, đầy niềm tin, thầy Nguyễn Khắc Tú (giảng viên) chia sẻ: “Chúng tôi đã từng tham gia chống dịch ở Hải Dương, Bắc Giang và Bắc Ninh nên vào hỗ trợ TPHCM với tinh thần sẵn sàng cao”. Thầy Tú kể: “Chiều 30-6 có thông báo, nhà trường chỉ đạo và thành lập đoàn cán bộ giảng viên, sinh viên hỗ trợ TPHCM, ngay trong đêm làm lễ xuất quân. Có sinh viên chỉ kịp gọi về báo tin cho bố mẹ. Gia đình các em rất yên tâm và sẵn lòng để con mình đi tham gia chống dịch, vì các em học ngành y, được tập huấn kỹ năng rất nhiều, có kinh nghiệm tham gia chống dịch”. Trong câu chuyện với những thầy giáo và sinh viên nhà trường, tôi cảm nhận được niềm tự hào của các bạn và đó cũng chính là sự xúc động và trân quý của người dân TPHCM, bởi trong lúc này, mỗi một tấm lòng, một sự chung tay cùng thành phố vượt qua dịch bệnh đều rất đáng trân trọng (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Nên tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 cùng hãng để đảm bảo an toàn
Tính đến hết tháng 6-2021, cả nước đã tiêm hơn 3,7 triệu liều vaccine AstraZeneca (Anh), trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine là gần 195.000 người. Tuy nhiên, trước việc Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành thêm một số loại vaccine Covid-19 khác ngoài AstraZeneca và một số thông tin trên thế giới cho rằng việc tiêm 2 loại vaccine Covid-19 khác nhau sẽ an toàn, hiệu quả hơn nên nhiều người đang có tâm lý trì hoãn tiêm vaccine AstraZeneca để chờ các vaccine khác. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, hiện nay, Việt Nam đang triển khai tiêm vaccine AstraZeneca cho đối tượng ưu tiên và người dân ở những điểm nóng về dịch. Tiêm loại nào phải đủ liều loại đấy.
Trước những lo ngại của người dân về phản ứng sau tiêm vaccine, đặc biệt là một số trường hợp tử vong sau tiêm, PGS-TS Trần Đắc Phu chỉ rõ: rủi ro của việc mắc Covid-19 lớn hơn rất nhiều rủi ro của tai biến, phản ứng sau tiêm vaccine. Đến nay, hiệu quả của vaccine Covid-19 đã được chứng minh khi một số nước trên thế giới tiêm đủ liều vaccine cho người dân và không phải giãn cách xã hội. Nếu không may mắc Covid-19 sau tiêm vaccine, bệnh nhân sẽ giảm được các triệu chứng nặng và nguy cơ tử vong. “Tuy nhiên, sau khi tiêm đủ liều vaccine Covid-19, người dân phải thực hiện tốt khuyến cáo 5K vì tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở nước ta chưa cao”, PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện một số quốc gia ở châu Âu vẫn đang nghiên cứu việc tiêm 2 mũi vaccine của 2 hãng nhưng chưa có kết quả khẳng định cuối cùng. Do vậy, Việt Nam khuyến cáo người dân rằng chỉ nên tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 cùng hãng để đảm bảo an toàn. GS-TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết, việc tiêm 2 loại vaccine ở 2 thời điểm khác nhau đã được nghiên cứu ở một số nước châu Âu và Mỹ. Đánh giá bước đầu rất khả quan. “Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo người dân, nếu chúng ta có vaccine nào thì hãy tiêm vaccine đó vì phản ứng sau tiêm giữa các loại vaccine có tỷ lệ gần như nhau và không có vaccine nào tuyệt đối an toàn”, GS-TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh (Sài Gòn giải phóng, trang 7).