Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/2/2016

  • |
T5g.org.vn - “Bảo lãnh cấp cứu”; Nỗi ám ảnh của người bệnh; Kỷ niệm ngày thầy thuốc việt nam (27-2): Chung sức, đồng lòng chăm lo sức khỏe nhân dân; Ngăn chặn não mô cầu lây chéo trong bệnh viện...

Nỗi ám ảnh của người bệnh

Những tính toán của cơ quan chức năng cho thấy, việc tăng viện phí theo lộ trình đã được cân nhắc để giảm áp lực cho người chi trả viện phí. Tuy nhiên, với người bệnh, gánh nặng sẽ đỡ oằn vai hơn, nếu như công tác khám, chữa bệnh tại các bệnh viện được chú trọng vào chất lượng và thật sự lấy người bệnh làm trung tâm.

Chuyện đời nơi bệnh viện

Vừa qua, liên Bộ Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định giá của 1.887 dịch vụ thanh toán từ quỹ BHYT. Theo đó, bình quân mức giá của các dịch vụ thực hiện từ ngày 1-3-2016, sẽ tăng khoảng 30% so với hiện nay. Và từ ngày 1-7-2016, khi tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế, mức tăng sẽ vào khoảng 50%.

Với những người bệnh mà chúng tôi có dịp tiếp xúc khi đi thực tế viết bài này, mỗi ngày trôi qua, họ càng ám ảnh bởi con số 30% và 50%. Bệnh nhân Nguyễn Ngọc Quang (quê Kim Bảng, Hà Nam) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo diện đồng chi trả 20%, hiện đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai. Tháng nào anh cũng phải cùng chi trả 1,8 triệu đồng viện phí, chưa kể tiền thuốc để hỗ trợ điều trị. Vợ chồng anh Quang đều là lao động thời vụ, giờ viện phí tăng, anh và vợ cũng không còn biết xoay trở cách nào nữa.

Cám cảnh không kém là trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Khiết, 61 tuổi, quê ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đang trông cháu nhỏ điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bà nói trong nước mắt, từ ngày phát hiện ra cháu Nguyễn Thị Anh Thư mắc bệnh nặng hở van tim hai lá, phải chạy chữa trường kỳ, chi phí bỏ ra hàng trăm triệu đồng thì gia đình kiệt quệ. Khi nghe thông tin giá viện phí sắp tăng từ ngày 1-3, bà bảo cả nhà bất an, lo lắng.

Nghe chuyện bà Khiết đã thấy xót xa, khi biết được tình cảnh của mẹ con chị Đặng Anh Phương (Cẩm Phả, Quảng Ninh), hẳn ai cũng phải đau lòng. Chỉ được hơn hai tuổi bé Anh Phương đã phải trải qua năm lần phẫu thuật mổ trực tràng, giờ lại đang phải chạy thận nhân tạo. “Bệnh này chưa xong đã phải lo chữa bệnh khác khiến gia đình tôi kiệt sức” - chị Thuận bật khóc. Nếu giờ số tiền chi trả cho bệnh viện tăng lên, số nợ của gia đình chị cũng theo đó mà tăng, hành trình chữa bệnh cho con chưa biết bao giờ dừng lại...

Tăng viện phí có tăng được chất lượng khám, chữa bệnh?

Để tìm hiểu thực tế việc tác động của điều chỉnh viện phí lên chi trả cụ thể của bệnh nhân, chúng tôi được bác sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với bệnh nhân chạy thận nhân tạo được BHYT chi trả 95%, phải đồng chi trả 5%, khi giá dịch vụ y tế có sự điều chỉnh, tổng chi phí người bệnh phải trả tăng từ 9 triệu đồng lên 10 triệu đồng, trong đó BHYT chi trả 9,5 triệu đồng, còn lại người bệnh sẽ phải chi trả 500 nghìn đồng. Như vậy một năm người bệnh sẽ phải chi trả tăng cao so với thời gian trước khoảng 500-600 nghìn đồng. “Với bệnh nhân nghèo, 500 nghìn đồng cũng là rất quý, do vậy việc điều chỉnh lần này có thể ảnh hưởng tới một số đối tượng bệnh nhân nghèo, song nếu xét về tổng thể xã hội, cái được nhiều hơn mất” - bác sĩ Dũng phân tích.

Từ góc độ quản lý, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Chủ trương, lộ trình tính đúng tính đủ giá viện phí, mục tiêu đầu tiên là vì người bệnh, hướng tới phục vụ người bệnh tốt hơn. Khi tính đúng, tính đủ chi phí, bắt buộc bệnh viện phải tự chủ về tài chính, đây là một áp lực rất lớn đối với các bệnh viện.

Khẳng định việc tăng giá dịch vụ sẽ tăng dần chất lượng khám, chữa bệnh, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho rằng, giá dịch vụ y tế chưa được chi trả đúng với năng lực, sự cống hiến do vậy đã ảnh hưởng đến sự tâm huyết và mức độ cống hiến của nhân viên y tế, không đủ chi phí để tái đầu tư sức lao động, bệnh viện không đủ kinh phí để bổ sung biên chế phù hợp với định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế. Do vậy, việc điều chỉnh giá viện phí chắc chắn sẽ có tác dụng thúc đẩy nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Do vậy, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu ngay bây giờ cần thay đổi khái niệm “ban ơn” cho người bệnh của nhân viên y tế, bệnh viện phải lấy người bệnh là trung tâm và nhân viên y tế là người phục vụ. Tuy nhiên, điều này về cơ bản chỉ đúng trên lý thuyết, còn áp dụng vào thực tiễn thì rất khó để bảo đảm tăng viện phí đi liền với tăng chất lượng khám, chữa bệnh.

Xét thực chất, công tác khám, chữa bệnh trong hệ thống hiện nay cần phải được nhận diện những bất cập, những vô lý còn tồn tại để giải quyết, qua đó mới có thể giúp người bệnh thật sự được chăm sóc y tế đúng với những gì họ xứng đáng được hưởng. Việc đưa ra những chuẩn mực công nhận kết quả xét nghiệm y tế trong hệ thống là một thí dụ. Bệnh viện này không công nhận kết quả của bệnh viện khác, yêu cầu người bệnh làm lại, đó thực chất là một sự lãng phí thời gian, sức lực và tiền bạc của bệnh nhân. Hay như việc xã hội hóa đầu tư vào bệnh viện, rồi bệnh viện tự chủ, đời sống y bác sĩ được nâng cao, nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc khai thác người bệnh như một nguồn thu đầy tiềm năng. Đó là giới hạn của y đức và điều đó được tạo nên không chỉ từ mỗi bác sĩ, mỗi bệnh viện mà cần đến các thiết chế quản lý của bộ chủ quản. Chỉ như vậy, tin viện phí lại tăng mới không trở thành nỗi ám ảnh với người bệnh! (* Nhân dân Cuối tuần  (trang 7))

Bình dị nghề y

Vì yêu nghề, mong muốn giúp người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, mà nhiều cán bộ y tế không quản ngại khó khăn, thậm chí là chịu thua thiệt để làm được điều đó. Ngành y tế tự hào khi có những cán bộ như thế.

Ở xóm Cộp My, một trong những xóm khó khăn nhất của xã Quang Trung, huyện Hòa An (Cao Bằng), nơi có 100% số hộ nghèo là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, ai cũng quý mến cô đỡ La Thị Dân. Không chỉ là người con của xóm, chị luôn là người đồng hành cùng nhiều bà mẹ trong suốt giai đoạn thai kỳ đến khi vượt cạn, mẹ tròn con vuông. Ở xa khu trung tâm, giao thông đi lại khó khăn nên từ xưa đến nay phụ nữ đều sinh đẻ tại nhà. Chính chị Dân cùng năm người anh, chị, em trong gia đình cũng được sinh ra như thế. Tới lượt mình, chị Dân cũng sinh hai con theo “thông lệ” đó, nên chị hiểu phụ nữ khó khăn, nguy hiểm thế nào khi sinh đẻ mà không có người trợ giúp.

Thật tình cờ và may mắn, năm 2011, Dân là một trong ba người được xã chọn tham gia lớp học làm cô đỡ thôn, bản tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng. Sau sáu tháng, chị được trang bị kỹ năng cơ bản về sản khoa cũng như cách xử lý ban đầu các tai biến sản khoa và sơ sinh. Dân chia sẻ: Đến lúc ấy mới biết mình “điếc không sợ súng”, nên quyết tâm phải giúp bà con quê mình thay đổi nhận thức về sinh đẻ an toàn. Trở về địa phương chị bắt tay ngay vào công việc, đi vận động các sản phụ khám thai và sinh con tại trạm y tế. Đồng thời, với kiến thức mới được trang bị, chị tự tin tham gia một số ca đỡ đẻ và tư vấn, khám thai cho nhiều phụ nữ mang thai trong xóm, xã; phát hiện thai phụ có nguy cơ cao để tư vấn chuyển tuyến kịp thời.

Gần năm năm làm cô đỡ thôn, bản, rất nhiều lần chị Dân không quản ngại mưa nắng, băng núi, vượt đèo đến tận những ngôi nhà tít trên núi cao thăm khám cho sản phụ. Chị thường xuyên có mặt tại các xóm, bản để nắm bắt số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai để tuyên truyền, vận động họ thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh đẻ tại cơ sở y tế. Không ít bữa, giữa đêm khuya, khi có người gọi là chị lại tất tả chuẩn bị túi đồ nghề lên đường. Có bà mẹ được vận động thế nào cũng không đến cơ sở y tế, thế là chị lại “xắn tay” thực hiện ca đỡ đẻ ngay tại nhà sản phụ; chăm sóc sau đẻ cho cả mẹ và con... Trưởng Trạm Y tế xã Quang Trung Triệu Văn Tuyên cho biết: Do địa hình giao thông đi lại khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ về làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh rất hạn chế, số lượng cán bộ làm công tác sản khoa chưa nhiều, nên hầu hết phụ nữ, nhất là đồng bào người Mông ở xã vùng cao Quang Trung đều sinh đẻ tại nhà. Do vậy, hoạt động của các cô đỡ thôn, bản như chị Dân đã có tác động tích cực đến cộng đồng, cải thiện nhận thức của phụ nữ về chăm sóc sức khỏe sinh sản; góp phần làm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm suy dinh dưỡng trẻ em ở địa phương. Đáng chú ý, các cô đỡ thôn, bản là người địa phương, sử dụng chính ngôn ngữ của dân tộc mình, cho nên những thông tin quan trọng về chăm sóc bà mẹ và trẻ em, cung cấp các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh được truyền đạt khá đầy đủ mà không gặp trở ngại nào.

Tham gia đỡ đẻ cho hàng chục ca, tuy nhiên trường hợp mà cô đỡ Dân nhớ nhất, đó là ca đỡ một trẻ sơ sinh bị dị tật hở hàm ếch. Khi cháu bé được sinh ra, người nhà thấy dị tật, không ai dám bế ẵm và không muốn nuôi dưỡng bé. “Khi ấy tôi rất buồn bởi nhận ra quan niệm của bà con mình còn lạc hậu quá!”- Dân nhớ lại. Nhưng chị cùng với chính quyền và trạm y tế xã kiên trì giải thích, tuyên truyền giúp người nhà sản phụ hiểu tình trạng bệnh của đứa trẻ để tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc bé như những đứa trẻ bình thường khác.

Vượt qua những trở ngại về cơ sở vật chất, điều kiện giao thông, quan niệm của người dân đã khó, với Dân phải vượt qua thêm một rào cản từ chính gia đình mình. Ban đầu, bố, mẹ và chồng đều không ủng hộ đi học đào tạo cô đỡ, vì như thế tốn thời gian lại không giúp được gia đình. Rất mừng, đến nay, gia đình đã hoàn toàn ủng hộ, những khi phải đến các xóm xa, chị được chồng lấy xe máy chở đi, rồi lại đón về. Trong khi đó, cô đỡ thôn, bản mỗi tháng chỉ có duy nhất khoản hỗ trợ 200 nghìn đồng. Có lẽ vì thế mà ba người đi học nhưng chỉ còn Dân là người duy nhất gắn bó với công việc. Nhưng có lẽ lý do giữ chị ở lại được là: “Nghe thấy tiếng tim thai cũng thấy vui cả ngày; nhìn thấy sự khỏe mạnh của người mẹ, lớn lên từng ngày của đứa trẻ mình đỡ chào đời cũng đủ thấy hạnh phúc”. Dân bảo: Được mọi người tin tưởng, tôi cảm thấy ấm lòng, càng làm càng yêu công việc, bởi mình đã góp một phần nhỏ vào công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào mình!

Về xã Kim Sơn, xã bãi ngang, vùng sâu, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer của huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, hỏi y sĩ Mỹ Trinh hay Trưởng trạm y tế xã thì mọi người đều biết. Người dân nơi đây ai cũng mến yêu cô y sĩ giỏi việc nước, đảm việc nhà, luôn hết mình vì công việc. Sau khi học xong lớp y sĩ đa khoa khóa 2003 - 2005 của Bệnh viện quân y 121, cô y sĩ trẻ Mỹ Trinh được phân công về Trạm y tế xã Thanh Sơn. Khi Thanh Sơn tách ra để thành lập xã mới Kim Sơn, Mỹ Trinh được điều về Trạm y tế xã Kim Sơn từ đó. Ở tuổi 32, Mỹ Trinh đã là Bí thư chi bộ, Trưởng trạm y tế, hằng ngày có nhiệm vụ: Quản lý và chỉ đạo công tác trạm và chi bộ; khám và điều trị bệnh; chuyên trách HIV/AIDS, vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý và điều trị người bệnh tâm thần. Thành tích của Trạm y tế xã Kim Sơn là khá đáng nể: bình quân bốn năm qua, lượt khám bệnh luôn đạt 166% chỉ tiêu; số lượt khám thai đạt 91,4%; số phụ nữ đến tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai được quản lý theo dõi đạt 100%; 99,4% số trẻ dưới một tuổi được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh; trẻ từ 6 đến 36 tháng uống Vitamin A đạt tỷ lệ 99,77%...

Chia sẻ với chúng tôi, Mỹ Trinh thẳng thắn bộc bạch: Mặc dù đã được trang bị đầy đủ các kiến thức, nhưng về trạm, khi được phân công khám bệnh độc lập, lúc đầu cũng hơi lúng túng, thiếu tự tin trong chẩn đoán bệnh. Nhờ người bệnh đến trạm y tế xã phần lớn là những bệnh thông thường, bệnh nhẹ nên mình cũng vững tin hơn. Rồi tích cực trao đổi, học hỏi thêm từ đồng nghiệp, tích lũy thêm kinh nghiệm để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Chính vì lẽ đó, dự định sắp tới của y sĩ Mỹ Trinh là sẽ thi vào đại học để thỏa ước mơ trở thành bác sĩ, vì một lẽ rất đơn giản, quê mình chưa có bác sĩ và nghề đã chọn mình rồi! Trinh khẳng định, nếu được học lên bác sĩ thì khi học xong sẽ trở về phục vụ lâu dài cho bà con mình, vì quê hương mình ở đây! (* Nhân dân (trang 1))

Kỷ niệm ngày thầy thuốc việt nam (27-2): Chung sức, đồng lòng chăm lo sức khỏe nhân dân

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) năm nay được tổ chức ngay sau dấu ấn thành công của Đại hội lần thứ XII của Đảng; cũng là năm đầu thực hiện Nghị quyết của Đại hội và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Toàn ngành y tế sẽ chung sức đồng lòng, phát huy sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu và sứ mệnh cao cả về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó.

Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2011 - 2015 của đất nước, ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, chính sách để đạt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Ngành y tế không ngừng được củng cố, mở rộng và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng; hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao, góp phần quan trọng cùng các bộ, ngành thực hiện mục tiêu an sinh xã hội.

Theo đó, không có dịch lớn xảy ra, các bệnh dịch mới, nguy hiểm được phát hiện, khống chế, ngăn chặn và đẩy lùi, trong đó ngăn chặn không để các dịch nguy hiểm như: Ebola, MERS-CoV… xâm nhập vào Việt Nam. Các đơn vị trong nước cũng đã sản xuất được 11 trong số 12 loại vắc-xin phục vụ Chương trình tiêm chủng mở rộng. Việt Nam là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về lĩnh vực y tế, được LHQ và cộng đồng thế giới đánh giá cao.

Giảm quá tải bệnh viện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cả hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước tích cực triển khai bằng những giải pháp quyết liệt. Đến thời điểm này, tình trạng nằm ghép cơ bản được giải quyết. Các bệnh viện tuyến trung ương như: K, Nội tiết, Nhi, Chợ Rẫy... trước đây phải hai, ba người bệnh nằm một giường thì đến nay không còn tình trạng đó. Nhờ được sự đầu tư kịp thời của Nhà nước, và sự tham gia của xã hội, mà hàng loạt cơ sở khám, chữa bệnh được xây mới, cải tạo giúp tỷ lệ giường bệnh tăng từ 21,5 giường (năm 2011) lên 24 giường bệnh/10 nghìn dân (năm 2015), vượt chỉ tiêu đề ra (là 23,5 giường/10 nghìn dân). Trong năm 2016 này, cơ sở hai, khu điều trị kỹ thuật cao của nhiều bệnh viện sẽ tiếp tục được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Các giải pháp giảm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cải tiến quy trình khám bệnh cũng được triển khai để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Đến nay, quy trình khám bệnh đã giảm từ 12 đến 14 bước xuống còn bốn đến tám bước (tùy theo loại hình khám bệnh). Đồng thời, ngành y tế đẩy mạnh phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ để nâng cao năng lực cho bệnh viện tuyến dưới.

Đổi mới cơ chế tài chính các đơn vị sự nghiệp y tế công lập được thực hiện theo hướng từng bước giao quyền tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân; tăng cường xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển y tế. Nghị định số 85/2012/NĐ-CP đã đưa ra lộ trình đến năm 2018, giá dịch vụ khám, chữa bệnh sẽ được tính đủ bảy yếu tố cấu thành giá. Việc thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế giúp các cơ sở khám, chữa bệnh có thêm nguồn thu trang trải các chi phí phục vụ người bệnh, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ; quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được nâng lên. Đi liền với đó là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHYT. Đến hết năm 2015, 76,52% số dân đã tham gia BHYT, vượt chỉ tiêu đề ra.

Là “xương sống” của hệ thống y tế, mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được ưu tiên phát triển tại khắp các vùng, miền trong cả nước để phát huy thế mạnh y tế cơ sở là nơi gần dân nhất, cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho người dân, gắn với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Thông qua mạng lưới y tế cơ sở để triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia: Tiêm chủng mở rộng; Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em; Dân số - kế hoạch hóa gia đình; Giám sát dịch bệnh... Đến nay, các chỉ số sức khỏe của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.

Tuy nhiên, ngành y tế cũng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng thì mô hình bệnh tật thay đổi, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại, các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương tích ngày càng nhiều, các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường; nhiều yếu tố như môi trường, biến đổi khí hậu, xã hội và lối sống có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhân dân. Quy mô dân số vẫn tiếp tục gia tăng và cơ cấu dân số đã có sự thay đổi lớn, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số… Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chỉ rõ mục tiêu của ngành y trong 5 năm tới là “Phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân” với những chỉ tiêu cụ thể: “có 9 - 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên một vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số”. Ngành y tế cũng đã xác định phương hướng hoạt động để xây dựng một nền y tế Việt Nam công bằng - chất lượng - hiệu quả phục vụ nhân dân được tốt hơn. Đây là những nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, đòi hỏi toàn ngành y tế phải không ngừng phấn đấu, chung sức đồng lòng, phát huy sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn trở ngại để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu và sứ mệnh cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho.

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành đã xác định hàng loạt nhiệm vụ cụ thể để tập trung thực hiện. Đó là tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao; hiện đại hóa và kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, giữa phòng bệnh và chữa bệnh. Ưu tiên đầu tư để tạo bước chuyển biến toàn diện về tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ chế hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu; phát triển đội ngũ bác sĩ gia đình.

Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu phù hợp tình hình mới, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản có chất lượng. Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong công tác phòng bệnh và khám, phát hiện và điều trị bệnh. Đổi mới công tác đào tạo cán bộ y tế, phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng. Tiếp tục đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, lấy người bệnh làm trung tâm và hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện tốt Quy tắc ứng xử và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cán bộ, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế.

Đổi mới cơ chế tài chính y tế, hoàn thành việc chuyển ngân sách cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và thực hiện BHYT toàn dân. Đổi mới mô hình tổ chức, quản lý an toàn thực phẩm, dược, vắc-xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế theo hướng cơ quan quản lý dược - thực phẩm, trang thiết bị y tế. Tập trung đổi mới, củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế từ Trung ương đến địa phương theo Quy hoạch phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng giảm đầu mối, phù hợp bối cảnh hội nhập quốc tế nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực các tuyến. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe; phát huy sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, ngành y tế mong muốn tiếp tục được Đảng, Nhà nước dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời có những ưu tiên trong đầu tư phát triển bệnh viện từ tuyến Trung ương xuống tuyến tỉnh, tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã. Song song với đó cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với cán bộ y tế theo tinh thần Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị đã đề ra. (* Nhân dân (trang 2))

Thành công mới của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Sáng 18-1-2016, vào thăm người bạn đang điều trị tại Bệnh viện đại học Y Hà Nội, chúng tôi chứng kiến một người bệnh cứ ôm chặt các điều dưỡng của Khoa Ngoại, thổn thức đến rơi nước mắt mà không nói nên lời trước khi được xuất viện. Đó là câu chuyện về Lang-xeng, 35 tuổi, người Bắc Lào (sát biên giới với Thái-lan).

Qua những lời cảm ơn tràn đầy niềm vui trước lúc chia tay của người phiên dịch, chúng tôi được biết Lang-xeng đã trải qua một cuộc phẫu thuật rất đặc biệt và vô cùng khó khăn. Đây cũng là lần phẫu thuật thứ tám của Lang-xeng, kể từ lần mổ đầu tiên lúc 12 tuổi tại Lào. Theo lời kể của Lang-xeng, lúc đó chị bị viêm ruột thừa, sau khi phẫu thuật tại bệnh viện ở quê nhà thì vết mổ lại không liền hẳn, sưng tấy, chảy dịch kéo dài và được xác định rò đường tiêu hóa. Lang-xeng phải tiếp tục phẫu thuật lần thứ hai rồi thứ ba tại Lào. Những năm sau này, chị lại tiếp tục đi sang Thái-lan và Trung Quốc điều trị phẫu thuật ba lần nữa, nhưng vết rò vẫn không hết. Người bệnh vô cùng bi quan. Những vết sẹo chằng chịt trên bụng và vết rò suốt ngày cứ chảy dịch tiêu hóa; bởi thế vợ chồng chị không dám sinh con.

Cuối năm 2015, thông qua một người bạn giới thiệu sang Việt Nam điều trị, chị được một số cơ sở y tế tại Hà Nội xác định bị rò ruột non và có một khối u nang trong ổ bụng khá lớn. Do khả năng phẫu thuật rất khó giải quyết hết chỗ rò, nên các cơ sở này không dám nhận điều trị. Lang-xeng được giới thiệu đến Bệnh viện đại học Y Hà Nội và đã được GS, TS Hà Văn Quyết trực tiếp khám xác định là một trường hợp viêm phúc mạc kết bọc và rò tiêu hóa nặng, kéo dài.

Qua thăm khám cũng như kết quả chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ xác định đây là bệnh lý hiếm gặp và phải biết xử trí mới giải quyết dứt điểm được. Khi phẫu thuật sẽ có nhiều tình huống xảy ra: người bệnh do mổ nhiều lần nên rất dính, dễ thủng ruột hoặc bị cắt nhiều đoạn ruột; viêm phúc mạc kết bọc khi cắt hoặc bóc sẽ dễ gây tổn thương các tạng khác trong ổ bụng... Việc xử lý lỗ rò ruột cho hợp lý cũng là bài toán khi người bệnh có thể không chịu nổi ca phẫu thuật lần thứ tám. Đó là những điều mà GS Hà Văn Quyết đã trao đổi trực tiếp với người bệnh cũng như qua điện thoại với người chồng, một sĩ quan bộ đội biên phòng Lào, do đang làm nhiệm vụ nên không sang cùng vợ được.

Ca mổ được tiến hành trong bốn giờ, GS Hà Văn Quyết và kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt bỏ khối u kết bọc, gỡ dính ruột và xử lý rò tiêu hóa hợp lý. Diễn biến sau mổ nặng nề, bác sĩ các khoa: Ngoại, Gây mê hồi sức và Hồi sức tích cực đã tập trung điều trị, chăm sóc người bệnh. Với tất cả khả năng, sự nhiệt tình và sự tận tụy đã giúp cho người bệnh vượt qua những ngày tưởng như cái chết đã cận kề. Lang-xeng đã hoàn toàn bình phục, vết mổ và lỗ rò tiêu hóa mang trên người hơn 20 năm với tám lần phẫu thuật đã hoàn toàn khỏi.

Đó là một niềm vui lớn cho người bệnh, gia đình cũng như tập thể các thầy thuốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Chúng tôi cũng vui lây niềm vui của người bệnh, tự hào với đội ngũ thầy thuốc của Trường đại học Y Hà Nội, bằng tài năng và kinh nghiệm, sự tận tụy với nghề nghiệp, với trình độ tay nghề cao đã mang lại nhiều niềm vui cho người bệnh trong nước cũng như nước bạn Lào, ghi thêm nét son cho tình hữu nghị Việt - Lào ngày càng thắm tươi. (* Nhân dân (trang 5))

Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam

Chiều 26-2, Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt - Đức đã tổ chức kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động dành cho Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự và trao phần thưởng cao quý cho đơn vị.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư; Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Thượng tướng Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an, gửi lẵng hoa chúc mừng.

Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa BV Việt - Đức được thành lập vào năm 2011, là cơ sở gây mê hồi sức có quy mô lớn nhất nước theo tiêu chuẩn quốc tế, dẫn đầu về số lượng bệnh nhân mổ và hồi sức tích cực với 43 phòng mổ, 48 giường hồi tỉnh, 48 giường hồi sức, 350 nhân viên trình độ cao. Trung tâm còn là nơi đầu tiên của cả nước nghiên cứu, công bố quy trình chẩn đoán và hồi sức bệnh nhân chết não, gây mê hồi sức ghép đồng thời nhiều tạng từ người cho chết não với chất lượng vượt trội.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa, trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và Ba cho 2 cá nhân của BV Việt - Đức vì đã có thành tích xuất sắc trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 * Cùng ngày, TP Hà Nội và Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật các giáo sư, bác sĩ thành viên Hội đồng chuyên môn miền Bắc, một số chuyên gia và giám đốc các bệnh viện khu vực Hà Nội. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy và đồng chí Nguyễn Đức Chung, UVTƯ Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đến dự.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định, suốt chặng đường 61 năm phấn đấu trưởng thành, cùng với ngành Y tế cả nước, y tế Thủ đô đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Mạng lưới y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, năng lực chuyên môn, trình độ khoa học của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ nghiên cứu về sức khỏe… đều có bước phát triển vững mạnh. Ngành y tế Thủ đô không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn có đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học Việt Nam và khu vực. Một số lĩnh vực y học kỹ thuật cao có nhiều tiến bộ, dẫn đầu cả nước như can thiệp tim mạch, ghép tạng…, ngày càng phục vụ chu đáo bệnh nhân.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải gửi lời cảm ơn sâu sắc tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức y tế Thủ đô và yêu cầu ngành y tế Thủ đô tiếp tục đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng, thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Lương y phải như từ mẫu", lấy niềm tin tưởng và sự hài lòng của nhân dân làm mục tiêu, động lực và thước đo để cống hiến và phấn đấu, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.

Đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương khẳng định, do gánh vác trách nhiệm vị trí trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước, hệ thống ngành y tế Thủ đô chịu nhiều áp lực. Để tiếp tục phát triển lớn mạnh, cùng với nỗ lực tự thân, sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, ngành y tế Thủ đô rất cần sự chung vai gánh vác, hỗ trợ, giúp đỡ của các giáo sư, bác sĩ, cán bộ ngành Y tế cả nước.

 * Trước đó, nhân dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã tới thăm và chúc mừng tập thể cán bộ y, bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội và BV Đa khoa Xanh Pôn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương những kết quả mà tập thể y, bác sĩ hai BV đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh với xuất phát điểm gặp nhiều khó khăn nhưng BV Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội đã vươn lên, trở thành BV tuyến đầu với cơ sở vật chất ngày càng hiện đại, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân Thủ đô và cả nước. Hà Nội sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ y, bác sĩ phát huy tốt chuyên môn, nghiệp vụ.

* Ngày 26-2, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2. Tại buổi lễ, 1 cá nhân đã đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, 1 cá nhân đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và 6 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, còn có 8 tập thể được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Y tế, 4 tập thể được nhận Cờ thi đua của UBND TP Hồ Chí Minh. (* Hà Nội mới (trang 2))

Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 2: “Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam”

Những hy sinh thầm lặng

Không thể phủ nhận, ở đâu đó vẫn còn có những lời phàn nàn về thái độ phục vụ, về sự "sách nhiễu" của một số y bác sĩ đối với người bệnh, người nhà bệnh nhân. Thế nhưng, so với những thầy thuốc đang ngày đêm tận tụy, hy sinh, âm thầm cống hiến trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, mang lại niềm tin và sự sống cho người bệnh thì những hiện tượng trên chỉ là thiểu số.

Sát cánh bên bệnh nhân "đặc biệt"

Nhắc đến HIV/AIDS, ai cũng có suy nghĩ là cần đề phòng hoặc tránh xa. Vậy mà, cán bộ y tế của Bệnh viện (BV) Chăm sóc và Điều trị bệnh nhân HIV/AIDS Hà Nội (BV 09, tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) vẫn từng ngày, từng giờ sát cánh cùng bệnh nhân, thầm lặng chiến đấu với căn bệnh thế kỷ với nguy cơ phơi nhiễm cao.

Gắn bó 20 năm với công việc chăm sóc bệnh nhân HIV, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp (BV 09 Hà Nội) kể, cách đây hơn một năm, BV tiếp nhận một nữ bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, nhập viện trong tình trạng "phê" thuốc. Khi vào viện, bệnh nhân liên tục chửi bới, đòi ma túy. Không những thế, bệnh nhân còn hung hãn giật xi lanh từ tay y tá, lấy máu từ cơ thể, vẩy khắp phòng và dọa tiêm máu nhiễm HIV vào mọi người xung quanh. Sau khi các bác sĩ kiên trì khuyên nhủ, bệnh nhân đã chịu về phòng và hợp tác chữa trị. Sau quá trình điều trị, nhờ được chăm sóc tốt nên bệnh nhân khỏe trở lại, tăng cân và xin lỗi về hành vi của mình…

Kể về một "tai nạn" gặp phải trong quá trình làm việc, bác sĩ Hưng nhớ lại: "Một lần cấp cứu bệnh nhân sử dụng ma túy, khi bị tiêm thuốc, bệnh nhân giãy đạp, làm kim tiêm cắm vào tay. Sau 2 tháng, người nhà bệnh nhân đến BV, các bác sĩ mới biết bệnh nhân đang bị HIV giai đoạn cuối. Lúc đó, tôi có hơi giật mình nhưng không quá lo sợ, vì khi bước chân vào nghề, tôi luôn thường trực tinh thần lúc nào cũng có thể bị lây nhiễm bệnh. Tôi luôn tâm niệm mình là thầy thuốc đứng trước người bệnh, nếu có thể chữa trị, giúp đỡ thì chữa cho họ và làm đúng bổn phận, trách nhiệm của mình".

Là Bệnh nhân gắn bó 2 năm với BV, chị Nguyễn Thị H. (29 tuổi, ở Yên Bái) coi đây là ngôi nhà thứ 2. Nói về các bác sĩ nơi đây, chị H. tâm sự, các bác sĩ ở đây thân thiện, gần gũi, không có sự kỳ thị với chúng tôi. Khi vào đây tôi không thấy sợ sệt, e ngại. Không chỉ điều trị, các bác sĩ còn quan tâm chăm sóc, động viên, tiếp thêm sức mạnh để người bệnh có thêm nghị lực sống.

Giống với những thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân có "H", bác sĩ tâm thần cũng là một nghề cực kỳ vất vả. Gắn bó 14 năm với bệnh nhân tâm thần, trải qua không ít buồn vui cùng với họ, bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Phụ trách Khoa Bệnh nhân cấp và bán cấp nữ (BV Tâm thần Hà Nội) cho biết, xã hội càng phát triển thì càng có nhiều người bị rối loạn tâm thần sau những sang chấn tâm lý.

Trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận 5-6 bệnh nhân. Những người vào đây thường xuyên có biểu hiện kích động, gào thét, chạy nhảy, đập phá… Bình thường phụ nữ yếu ớt là vậy, nhưng khi họ phát bệnh thì có đến 4-5 người cũng khó mà giữ. Không chỉ vậy, công tác chăm sóc những bệnh nhân nữ cũng vô cùng khó khăn. Các bác sĩ phải trợ giúp đối với hầu hết sinh hoạt thường ngày của họ, từ việc ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân, kể cả vấn đề "tế nhị" mà phụ nữ gặp phải hằng tháng. "Nếu không có sự cảm thông với người bệnh thì khó có thể trụ lại với nghề" - anh Đỗ Văn Thắng tâm sự.

Đối với những bác sĩ điều trị cho những bệnh nhân rối loạn tâm thần do nghiện chất như bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, BV Tâm thần Hà Nội, thì việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần như chăm con mọn, từ việc hướng dẫn họ những việc nhỏ nhặt: Vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, ăn… đến việc tâm sự với họ. Song, người bị bệnh tâm thần chẳng khác nào "bom nổ chậm" có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Hầu hết bệnh nhân tính tình bất thường, dễ xúc động, nóng nảy, chỉ cần một cơn xung chấn nhẹ là trở nên manh động. Bởi thế, chuyện bác sĩ bị đánh, điều dưỡng đang đút cơm bị người bệnh phun thức ăn vào mặt không có gì là lạ ở đây.

Nỗi lòng người bác sĩ

Chịu nhiều áp lực nhưng các y bác sĩ làm việc tại các BV 09, BV Tâm thần gặp nhiều khó khăn về đời sống, về nhà ở, về các chế độ... Tất cả những khó khăn càng tạo thêm áp lực trong công việc đối với họ. Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội Lý Trần Tình chia sẻ, nhiều người không chọn nghề bác sĩ tâm thần chính là vì họ biết đó là nghề nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Khó khăn, vất vả là thế nhưng xã hội lại chưa nhìn nhận đúng vai trò của những người thầy thuốc đảm nhận công việc đặc biệt này. Chế độ đãi ngộ thấp, khiến việc tuyển dụng bác sĩ vào các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa tâm thần rất khó khăn.

Dù chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS có nhiều đặc thù và thiệt thòi hơn so với các lĩnh vực khác, song dường như duyên nợ, nhiều lần định "dứt áo ra đi", bác sĩ Hưng lại không đành. Bác sĩ Hưng bộc bạch, nhiều lần muốn chuyển công tác và bỏ nghề vì thấy ngành Y vốn quá khắc nghiệt. Có thể chữa cho cả nghìn người, đó cũng là hiển nhiên, không ai tính, nhưng sơ sẩy chết một người thì cả xã hội lên án. Bản thân tôi cũng có nhiều cơ hội công việc ở môi trường tốt hơn với thu nhập cao hơn, vị trí cao hơn, nhưng cứ khi nào có ý định chuyển thì lại không dứt áo đi được. Phần vì gia đình lại động viên, phần vì như có điều gì đó cứ níu kéo.

Dẫu biết rằng, công việc hiểm nguy, vất vả nhưng "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…", những cán bộ y tế chọn việc gian khổ để làm, đã làm thắm thêm hình ảnh người thầy thuốc áo trắng. (* Hà Nội mới (trang 5))

Thời tiết đông-xuân thuận lợi cho não mô cầu lây lan

Chiều 26-2, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh đã ký công văn khẩn về tăng cường giám sát và phòng, chống bệnh do não mô cầu. Theo đó, thời tiết đông xuân như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh não mô cầu phát triển và lây lan. Trước đó, tại Hải Dương, ngày 22-2, một nữ sinh lớp 12 đã tử vong vì bệnh này.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đầu năm 2016 đã ghi nhận các trường hợp mắc não mô cầu tại một số tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Hải Dương… Hiện nay, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc, tuy nhiên thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh não mô cầu phát triển và lây lan.

Vì vậy, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động giám sát dịch gồm giám sát tại các cơ sở y tế và giám sát tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh do não mô cầu, các ổ dịch mới phát sinh để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.

Mặt khác, quản lý chặt, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với người bệnh mắc não mô cầu và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm người lành mang trùng nhằm có các biện pháp điều trị dự phòng và cách ly không để dịch bệnh lan rộng. Đảm bảo đủ trang thiết bị, hoá chất và kháng sinh uống dự phòng cho công tác phòng chống dịch. Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý ổ dịch cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã.

Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ phối hợp với các cơ quan báo, đài của trung ương và Hà Nội tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh não mô cầu. Mặt khác, tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh như: khi tiếp xúc với người bệnh, ở tại nơi có ổ dịch cần đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh mũi họng và rửa tay bằng xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở và nơi làm việc; khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời; tích cực đi tiêm chủng phòng bệnh do não mô cầu.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu tăng cường khám sàng lọc để phát hiện sớm ca bệnh, thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng hoặc Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã để điều tra, xử lý ổ dịch tại cộng đồng theo quy định. Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, có các biện pháp phòng hộ cho nhân viên y tế nhằm tránh lây bệnh cho nhân viên y tế trong quá trình khám, chữa bệnh. Ngoài ra, các cơ sở khám, chữa bệnh cần đáp ứng đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị cho bệnh nhân nhằm hạn chế thấp nhất tử vong. (* Hà Nội mới (trang 7)

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2: Trăn trở ở nơi không bác sĩ nào muốn đến

Trong bối cảnh ngành y đang được xã hội thừa nhận như một ngành thu hút nhất cả về danh vọng lẫn yếu tố kinh tế, ít ai biết rằng ngay giữa Thủ đô vẫn có những bệnh viện công lập dù được xếp là đầu ngành nhưng lại phải đối mặt với bài toán không sao tuyển dụng nổi bác sĩ. Càng ngạc nhiên hơn khi nguyên nhân không phải vì bệnh viện yêu cầu quá cao, tiêu chuẩn quá chặt mà chỉ vì… không bác sĩ nào muốn đến.

10 năm không tuyển được bác sĩ

Cuối năm 2015, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tuyển mới được một số bác sĩ trẻ về công tác. Đây là điều hết sức bình thường để đảm bảo hoạt động của một bệnh viện nói riêng cũng như bất cứ một cơ quan, đơn vị nào nói chung, nhằm đảm bảo kết quả công tác cũng như để bù đắp cho số lượng cán bộ về hưu, nghỉ chế độ.

Thế nhưng với Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, đợt tuyển dụng bác sĩ vừa qua lại được coi như một sự kiện trọng đại. Đơn giản bởi bệnh viện này đã trải qua một giai đoạn tròn 10 năm không tuyển dụng thêm được một bác sĩ nào, trong khi lượng bệnh nhân đến khám và điều trị cứ đều đặn tăng lên qua từng năm và ngày càng có xu hướng tăng nhanh hơn do sự thay đổi của mô hình bệnh tật.

Trong một lần đến làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội mới đây, chúng tôi có dịp trò chuyện với bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Phụ trách Khoa Bệnh nhân cấp và bán cấp nữ - người đã gắn bó hơn 14 năm với bệnh nhân tâm thần. Xã hội càng phát triển, sức ép công việc cũng như sức ép từ cuộc sống, sinh hoạt và học tập càng lớn thì bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần càng gia tăng, công việc của những thầy thuốc tâm thần càng thêm bận rộn.

Bác sĩ Đỗ Văn Thắng trải lòng: Những người vào viện này thường xuyên có biểu hiện kích động, gào thét, chạy nhảy, đập phá… Chuyện bác sĩ bị đánh, điều dưỡng đang đút cơm bị người bệnh phun thức ăn vào mặt không có gì là lạ ở đây. Ngay đến những bệnh nhân nữ, ngày thường vốn yếu ớt là vậy nhưng khi họ phát bệnh thì 4-5 người cũng khó mà giữ nổi. Nếu không có sự cảm thông với người bệnh và tinh thần trách nhiệm thì khó ai có thể trụ lại lâu dài với nghề.

Bác sĩ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội thẳng thắn chia sẻ với chúng tôi về một nguyên nhân quan trọng khác (có thể nói là nguyên nhân hàng đầu) dẫn đến thực trạng bệnh viện khó tuyển mới bác sĩ, dù có mác là bệnh viện công lập chuyên khoa tuyến cuối của thành phố về tâm thần, đó chính là yếu tố kinh tế.

 “So với bác sĩ công tác ở các bệnh viện khác, chuyên ngành khác thì thu nhập của bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần chúng tôi rõ ràng thua xa. Lượng bệnh nhân đã tăng gấp đôi trong chục năm qua nhưng lượng bác sĩ của bệnh viện thì thậm chí lại… giảm đi vì 10 năm không tuyển mới được ai, thế nên quá tải, một bác sĩ phải làm việc gấp hai mà lương thì không tăng lên được. Đó là chưa kể nhận thức của xã hội về bác sĩ ngành tâm thần, về bệnh nhân tâm thần chưa đúng, còn mặc cảm…” - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội chia sẻ với phóng viên Báo ANTĐ.

Tâm tư và cả những mặc cảm

Không đến nỗi khó khăn trong tuyển dụng bác sĩ như Bệnh viện Tâm thần Hà Nội song Bệnh viện Chăm sóc và Điều trị bệnh nhân HIV/AIDS Hà Nội - thường gọi là Bệnh viện 09, cũng là địa chỉ không nhiều bác sĩ trẻ mặn mà. Lý do không khó giải thích bởi nhắc đến HIV/AIDS, ai cũng có suy nghĩ là cần đề phòng hoặc tránh xa, trong khi bác sĩ nếu về công tác tại bệnh viện này thì đương nhiên phải chấp nhận từng ngày, từng giờ sát cánh cùng bệnh nhân.

Họ không chỉ phải cùng bệnh nhân thầm lặng chiến đấu với căn bệnh thế kỷ mà còn phải chiến đấu với chính mình bởi nguy cơ phơi nhiễm có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Kể về một “tai nạn” gặp phải trong quá trình làm việc, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện 09 Hà Nội) - người đã gắn bó 20 năm với công việc chăm sóc bệnh nhân HIV cho biết, trong một lần cấp cứu một bệnh nhân sử dụng ma túy, bệnh nhân giãy đạp khiến anh bị kim tiêm cắm vào tay. Sau 2 tháng, người nhà bệnh nhân đến bệnh viện, anh và các bác sĩ mới giật mình khi biết bệnh nhân đang bị HIV giai đoạn cuối nhưng rất may không ai bị phơi nhiễm.

Và cũng giống như tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, các bác sĩ công tác tại Bệnh viện 09 Hà Nội đa số chịu thiệt thòi hơn về đời sống, thu nhập so với các đồng nghiệp ở những chuyên ngành khác. Vì thế, không ít bác sĩ trẻ sau một thời gian về công tác tại các cơ sở này đều muốn xin chuyển đi. Do đó, đội ngũ bác sỹ ở các bệnh viện này rất cần sự quan tâm, động viên, chia sẻ của nhà nước và xã hội. (* An ninh Thủ đô (trang 1))

Chủ tịch nước chúc mừng Bệnh viện Việt Đức nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam

Chiều qua, 26-2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động cho Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa của bệnh viện.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự lễ kỷ niệm và trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa - Bệnh viện Việt Đức.

Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa - Bệnh viện Việt Đức được thành lập năm 2011, là cơ sở gây mê hồi sức có quy mô lớn nhất cả nước theo tiêu chuẩn quốc tế; là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng bệnh nhân mổ và hồi sức tích cực với 43 phòng mổ, 48 giường hồi tỉnh, 350 nhân viên trình độ cao, giàu kinh nghiệm, sáng về y đức và là cơ sở giảng dạy, thực hành gây mê hồi sức của Đại học Y Hà Nội, Viện Nghiên cứu Y dược 108…

Trung tâm cũng là nơi đầu tiên trong cả nước nghiên cứu đưa ra quy trình chẩn đoán và hồi sức bệnh nhân chết não, gây mê hồi sức, ghép đồng thời nhiều tạng từ người cho chết não với số lượng, chất lượng vượt trội. Số lượng ghép tạng chết não đứng đầu cả nước, 29 ca hiến tạng, 52 ca ghép thận, 7 ca ghép van tim, 13 ca ghép tim, 27 ca ghép gan…

Cũng trong dịp này, GS.TS Trần Bình Giang - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; TS Đỗ Mạnh Hùng - Trưởng khoa Phẫu thuật gan mật, Bệnh viện Việt Đức được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều tập thể, cá nhân của bệnh viện được nhận cờ thi đua của Bộ Y tế và nhiều hình thức khen thưởng cao quý khác. (* An ninh Thủ đô (trang 3))

"Khắc tinh" của bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh

Điều trị uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh đòi hỏi người thầy thuốc phải có “nghệ thuật”, là bởi với chứng bệnh này, thuốc điều trị không phải là điều kiện tiên quyết mà quan trọng nhất là điều chỉnh lượng thuốc cho phù hợp với từng bệnh nhân. 25 năm qua, vị bác sỹ ấy đã cứu sống được rất nhiều trẻ sơ sinh bị uốn ván rốn, chặng đường dài đôi lúc cũng lắm tréo ngoe…

Động lực chiến đấu với căn bệnh đáng sợ

Người chúng tôi nhắc đến là bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Lây - Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Bác sỹ Sơn được biết đến như là “khắc tinh” của bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh. Năm 1990, bác sỹ Sơn chuyển về công tác tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.

Dù không có báo cáo hay giấy tờ nào lưu lại nhưng vào thời điểm đó, bệnh nhi nào mắc phải uốn ván rốn thì coi như cầm chắc cái chết. Nguyên nhân dẫn đến uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh là do việc vệ sinh rốn và dụng cụ cắt rốn không đảm bảo. Bệnh nhi càng nhỏ, càng ít ngày tuổi thì càng dễ nhiễm bệnh. Uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh có biểu hiện rất đặc thù với những biểu hiện là các cơn co giật liên tục, chỉ kích thích nhẹ, tiếng động nhẹ cũng khiến bệnh nhi co giật, tăng tiết đờm dãi, tím tái.

Việc điều trị cho các bệnh nhi bị uốn ván rốn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Sử dụng thuốc để chữa trị không tuân theo một liều lượng cụ thể nào vì mỗi bệnh nhi cần liều lượng thuốc riêng cho phù hợp. Bác sỹ Sơn cho biết: “Sử dụng thuốc để điều trị uốn ván rốn cho các bệnh nhi rất phức tạp bởi nếu cho đúng liều thì mới cắt được cơn co giật, không đủ liều thì cơn co giật không dứt mà quá liều thì bệnh nhi sẽ lịm dần và hôn mê. Bởi vậy, việc dùng thuốc điều trị uốn ván rốn ở bệnh nhi đòi hỏi các bác sỹ phải có “nghệ thuật”.

Ngoài việc sử dụng thuốc, việc chăm lo ăn uống ở các bệnh nhi này cũng rất phức tạp. Thông thường, các bệnh nhi đều được đặt ống xông để đưa thức ăn trực tiếp vào dạ dày. nhưng chỉ cần tiếng động nhẹ cũng kích thích trẻ co giật, gây co thắt dạ dày dẫn đến nguy hiểm trong lúc bệnh nhi được cho ăn.

Thời điểm bác sỹ Sơn vừa về công tác tại bệnh viện, ông đã cứu chữa cho hai bệnh nhi là cháu Nguyễn Thị Quỳnh 7 ngày tuổi và cháu Nguyễn Thị Duyên 5 ngày tuổi đều trú ở huyện Nghi Lộc. Bé Quỳnh và Duyên lúc đó đều bị uốn ván với biểu hiện co giật, tím tái, không bú được. Sau khi nhập viện, hai bệnh nhi này được bác sỹ Sơn điều trị và chăm sóc. Sau gần 1 tháng điều trị, hai bệnh nhi này đã bình phục và xuất viện. “Việc điều trị, cứu sống hai bệnh nhi Quỳnh và Duyên đã đem lại niềm vui và động lực để chúng tôi chinh chiến với căn bệnh đáng sợ này”, bác sỹ Sơn cho biết.

Có lần dọa báo công an để giữ bệnh nhi lại

Điều trị uốn ván rốn sơ sinh cần rất nhiều thời gian và kiên trì. Bởi lẽ đó, có nhiều trường hợp các bé bị bệnh khi được đưa xuống bệnh viện vài hôm thấy không đỡ bố mẹ đòi đưa về. Những lúc này, các bác sỹ lại kiên quyết giữ các bệnh nhi lại để cứu chữa. “Có trường hợp chúng tôi phải “dọa” báo công an thì người nhà mới chịu để các bệnh nhi lại”, bác sỹ Sơn giãi bày.

Trong cuộc hội thảo truyền nhiễm toàn quốc tại Đà Lạt mới đây, bác sỹ Sơn gây ngạc nhiên khi mang đến video clip ghi lại hình ảnh bệnh nhi bị uốn ván rốn được chữa khỏi mà không cần máy thở. Theo ông, những bệnh nhi này được để co giật trong phạm vi phù hợp để tăng tiết đờm dãi, không bị bít đường thở. Suốt 25 năm chiến đấu với căn bệnh nhiễm trùng uốn ván rốn, bác sỹ Nguyễn Văn Sơn và các đồng nghiệp ở Khoa Lây - Truyền nhiễm Bệnh viện Sản - Nhi đã cứu sống 30 trẻ sơ sinh.

Trong số những bệnh nhi nhập viện điều trị do uốn ván rốn sơ sinh từ ngày bác sỹ Sơn về công tác, ước chừng khoảng 90% số ca bệnh được chữa khỏi. Đây là con số đáng mơ ước và là thành quả của người bác sỹ tận tâm với nghề. (* An ninh Thủ đô (trang 4))

Bác sĩ đi 'nghĩa vụ'

Hàng trăm kỹ thuật y tế đã được chuyển giao cho bệnh viện tuyến dưới thông qua triển khai đề án bệnh viện vệ tinh và chương trình 1816 đã giúp hàng chục ngàn người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế ngay tại quê nhà.

 “Bệnh viện chỉ tồn tại khi được người bệnh tin tưởng”

Còn mang vẻ lúng túng, vụng về, ông bố trẻ 20 tuổi nhẹ nhàng kéo tấm chăn mỏng ấp bé gái con mình vào ngực. Em bé rướn mình rồi say sưa ngủ ngon lành trên ngực bố. Ở giường bên, người mẹ trẻ cũng đang “ấp ngủ” bé trai. Hai bé là cặp song sinh (sinh tại bệnh viện (BV) Sản Nhi Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh) của cặp vợ chồng mới ở tuổi đôi mươi. Các bác sĩ cho biết, hai bé sinh non, sau khi chào đời đã được chăm sóc trong phòng chăm sóc đặc biệt và chuyển ra ngoài với bố mẹ khi đã cứng cáp hơn.

“Chúng em được bác sĩ, điều dưỡng hướng dẫn chăm bé bằng phương pháp da kề da, các bé được đặt trên ngực, áp sát với da của bố, mẹ. Nhờ phương pháp này, các con giữ thân nhiệt, luôn được ấm áp, an tâm, giấc ngủ của bé ngon lành”, bà mẹ trẻ bày tỏ niềm vui khi hai con đang cứng cáp hơn từng ngày.

Bác sĩ Đặng Hồng Duyên, công tác tại Khoa Sơ sinh của BV Sản Nhi Quảng Ninh cho biết trẻ sinh non rất nhiều nguy cơ, trong đó các bé dễ bị hạ thân nhiệt, bú kém, phản xạ thở yếu nên cần được duy trì thân nhiệt bằng nằm lồng ấp, được nuôi dưỡng đặc biệt bằng tĩnh mạch. Khoa Sơ sinh đã sử dụng thuốc điều trị đặc biệt và với thiết bị hiện đại khai thông đường thở cho các trường hợp sinh non yếu ớt giúp bé phát triển bình thường như các bé sinh đủ tháng.

“Chúng tôi đã có đơn nguyên riêng với trang thiết bị giúp cho việc chăm sóc trẻ sinh non. Các bệnh lý sơ sinh có thể gây tử vong như: vàng da nhân não, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, trẻ bị dị tật không có hậu môn, não úng thủy... đã được điều trị, chăm sóc, phẫu thuật thành công ngay tại BV”, bác sĩ Duyên cho biết.

Chia sẻ về những ngày đầu khó khăn, bác sĩ Trần Thị Minh Lý, Phó giám đốc BV Sản Nhi Quảng Ninh không khỏi xúc động: “BV đặt ở xa khu dân cư đến 25 km, những ngày đầu, mỗi bác sĩ trong BV đều huy động ô tô của gia đình, bạn bè đón, đưa bệnh nhân đến khám. Hai tuần đầu tiên, không có một bệnh nhi nào; cả tháng đầu chỉ có 34 bệnh nhân, tháng thứ hai nhích lên 105”. Đến lúc này, sau 18 tháng hoạt động, BV Sản Nhi Quảng Ninh đã đón tiếp 17.000 bệnh nhân trong năm 2015, trung bình hơn 1.400 bệnh nhân/tháng. Riêng trong 2015, công suất giường bệnh đạt 152%.

“Chúng tôi đã được đầu tư trang thiết bị, tiếp nhận kỹ thuật mới từ chương trình 1816, BV vệ tinh từ tuyến T.Ư giúp đỡ nên đã giải quyết được các ca bệnh khó, chỉ 2,14% bệnh nhân phải chuyển tuyến, góp phần giảm tải BV tuyến T.Ư và bệnh nhân được điều trị ngay gần nhà”, bác sĩ Lý nói.

Ngay tại quầy đón tiếp của BV, chúng tôi gặp cặp vợ chồng người Nga và Thụy Điển đăng ký khám, tư vấn về sức khỏe, họ chia sẻ: “Chúng tôi công tác tại Quảng Ninh, được bạn bè giới thiệu về BV này nên đã tìm đến đây”. Trước nơi thu viện phí, một tấm biển ngay ngắn, đẹp mắt được ghi rõ 10 tiêu chuẩn về tác phong của nhân viên y tế về: trang phục, nụ cười, tư thế đứng ngay ngắn; ngồi thẳng lưng, hai chân vuông góc và cả yêu cầu giữ cơ thể sạch sẽ tránh nặng mùi, hạn chế đeo nhiều đồ trang sức…”.

Những chi tiết tưởng như rất nhỏ nhưng thể hiện sự tôn trọng người bệnh. “Chúng tôi xác định BV chỉ tồn tại khi được người bệnh tin tưởng về chuyên môn và hài lòng về thái độ”, Giám đốc BV Sản Nhi Quảng Ninh Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

BV Sản Nhi Quảng Ninh đã nhận được sự hỗ trợ tối đa của các chuyên gia từ BV Phụ sản T.Ư, BV Nhi T.Ư (Hà Nội). Các “bác sĩ T.Ư” đã đi “nghĩa vụ” về công tác tại địa phương, giúp BV tuyến tỉnh nắm vững về chuyên môn, phục vụ tốt hơn cho người dân. Nhờ đó, BV Sản Nhi Quảng Ninh đã thực hiện điều trị vô sinh thành công cho nhiều cặp vợ chồng với 25 trẻ ra đời, chỉ sau 18 tháng hoạt động.

Bác sĩ hiến máu cứu bệnh nhân

Còn tại BV Sản Nhi Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), sau 5 năm đi vào hoạt động luôn hoàn thành xuất sắc và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch. Trong năm 2015, công suất giường bệnh tại đây đạt 140%; phẫu thuật 6.000 trường hợp (180%); tổng số sản phụ 15.000 (đạt 210%), tỷ lệ mổ lấy thai 25%. Lượng máu sử dụng 800 lít/năm trong đó BV tự túc được 200 lít máu (25%).

‘‘Máu cho cấp cứu rất cần thiết, nó quyết định sinh mạng với nhiều bệnh nhân vào cấp cứu về sản khoa. Ở BV xa xôi như Bắc Giang nguồn máu điều trị vô cùng khó khăn, do đó BV đã thành lập ngân hàng máu sống là các nhân viên y tế sẵn sàng hiến máu cứu người bệnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có được các trang thiết bị hiện đại xuất các chế phẩm máu, giúp cho truyền máu an toàn’’, TS-BS Đinh Văn Thành, Giám đốc BV, chia sẻ. Nhờ chủ động nguồn máu, mới đây, BV đã cứu sống hai trường hợp bị rối loạn đông máu, với số máu truyền tổng cộng lên đến 6 lít. BV đã làm chủ các kỹ thuật mổ nội soi điều trị phụ khoa, phẫu thuật cắt tử cung theo đường âm đạo, phẫu thuật những trường hợp bệnh lý phức tạp, nặng nguy kịch đã thành công. Những kỹ thuật này trước đây phải chuyển lên BV tuyến trên. Với việc làm chủ kỹ thuật, trong năm 2015, BV thực hiện mổ nội soi 550 ca (trong đó nội soi cắt tử cung 108 ca) và xử trí nhiều ca bệnh khó. BV Sản Nhi Bắc Giang đã được công nhận là BV hạng 1.

“BV “quê” nên thiếu bác sĩ lắm, bởi vậy đã được cử đi học ở BV Nhi T.Ư nhưng bác sĩ vẫn “trốn” về BV để trực đêm rồi sáng ra phải nhanh chóng lên đường về lại “lớp học” ở thủ đô”, bác sĩ Đinh Văn Thành chia sẻ.

Với sự vượt khó không ngừng, sự hỗ trợ tối đa của BV Nhi T.Ư, nhờ đó BV Sản Nhi Bắc Giang đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số bác sĩ tăng từ 37 lên 103, trong đó 75% có trình độ sau đại học; 1/3 số điều dưỡng có trình độ đại học. (* Thanh niên (trang 1))

Ngăn chặn não mô cầu lây chéo trong bệnh viện

Chiều 26.2, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đã ký công văn khẩn yêu cầu trung tâm y tế dự phòng thành phố và các quận, huyện tăng cường giám sát dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng.

Động thái nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh do não mô cầu, các ổ dịch mới phát sinh để kịp thời triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; quản lý chặt, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc với người bệnh mắc não mô cầu và các thành phần nguy cơ để phát hiện sớm người lành mang trùng nhằm có các biện pháp điều trị dự phòng và cách ly không để dịch bệnh lan rộng; đảm bảo đủ trang thiết bị, hóa chất và kháng sinh uống dự phòng cho công tác phòng chống dịch.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị điều trị chú trọng khám sàng lọc để phát hiện sớm ca bệnh, thông báo cho trung tâm y tế dự phòng điều tra, xử lý ổ dịch tại cộng đồng theo quy định; đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, có các biện pháp phòng hộ cho nhân viên y tế nhằm tránh lây bệnh cho nhân viên y tế, bác sĩ trong quá trình khám, chữa bệnh; đáp ứng đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, tổ chức tốt việc tiếp nhận, cách ly, điều trị cho bệnh nhân nhằm hạn chế thấp nhất tử vong.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, cho biết những năm gần đây, mỗi năm Hà Nội ghi nhận 2 - 3 ca bệnh nói trên, nhưng đều được phát hiện sớm, xử lý ổ dịch kịp thời, không bùng phát thành dịch lớn. Hà Nội hiện chưa ghi nhận ca mắc, tuy nhiên thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh não mô cầu phát triển và lây lan. Mới đây có 1 bệnh nhân tại Hải Dương tử vong do bệnh não mô cầu. (* Thanh niên (trang 4))

Ngày thầy thuốc nói về quá tải bệnh viện

Quá tải bệnh viện, một cụm từ chỉ hình ảnh xấu xí của các bệnh viện hiện nay. Nói quá tải bệnh viện như một lời trách cứ ngành y, nhưng ít ai nhìn thực tế này bằng góc nhìn ngược lại, mỗi một công dân có trách nhiệm giảm tải bệnh viện và đó cũng là thái độ ứng xử có trách nhiệm với chính bản thân mình.

Không quá tải sao được khi mấy ngày tết có gần 6.000 người đánh nhau bị thương tích phải nhập viện. Không quá tải sao được khi mấy ngày tết có mấy ngàn người bị thương vì tai nạn giao thông và do nhiều nguyên nhân khác như ngộ độc thực phẩm, say rượu. Ở các quốc gia văn minh, họ không bị quá tải bệnh viện một phần là vì dân trí cao, không có hàng ngàn bệnh nhân nhập viện có nguyên nhân từ thói côn đồ và say rượu lái xe bạt mạng.

Một năm có nhiều dịp lễ, mỗi dịp như thế số người bị thương như nêu trên ập vào các bệnh viện làm tăng lượng bệnh nhân đột biến. Chưa kể, hằng ngày, bệnh nhân bị tai nạn giao thông, bị thương do đánh nhau, bị ngộ độc thực phẩm vẫn là nguồn “khách hàng” dồi dào cho các bệnh viện. Bệnh nhân tai nạn giao thông điều trị kéo dài, ngày nào cũng có thêm người nhập viện, lớp này chưa ra lớp khác dồn đến. Vậy thì chỗ đâu mà chứa cho xuể.

Nhìn thêm góc khác, với lượng bệnh nhân khủng khiếp như vậy, bệnh viện tất nhiên quá tải và tất nhiên bác sĩ sẽ quá tải. Một bác sĩ thay vì thăm khám chục bệnh nhân một ngày thì phải làm việc gấp nhiều lần hơn. Họ không thể nghỉ ngơi khi bệnh nhân đang gặp nguy hiểm, cần đến sự cứu chữa kịp thời của bác sĩ. Một bệnh nhân, cho dù họ là côn đồ chém nhau, say rượu đâm xe thì cũng là bệnh nhân, việc của bác sĩ là cứu người, không có lựa chọn nghỉ ngơi khi mạng sống của con người đang bị đe dọa.

Giảm tải bệnh viện, giảm tải cho bác sĩ để chất lượng khám-chữa bệnh được nâng lên trước hết là trách nhiệm của ngành y, nhưng mỗi công dân đều có thể tham gia chương trình “giảm tải bệnh viện” với quyết tâm “giảm” chính bản thân mình. Tham gia giao thông đúng luật, lái xe không phóng nhanh vượt ẩu sẽ hạn chế tối đa tai nạn. Ăn uống cẩn thận để đừng bị ngộ độc thực phẩm, chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt để ngăn ngừa bệnh tật. Mỗi người đều ý thức và hành động như vậy thì lợi cho bản thân, lợi cho xã hội.

Mỗi công dân tự bảo vệ sức khỏe và sự an toàn cho bản thân là góp phần giảm tải bệnh viện. (* Lao động (trang 1))

Coi bệnh nhân như người thân

Nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, GS.TS Nguyễn Viết Tiến (ảnh), Thứ trưởng Bộ Y tế đã dành cho phóng viên Tiền Phong cuộc trao đổi khá cởi mở về những trăn trở của ông với việc khám chữa bệnh cho người nghèo, những sự cố nghề nghiệp, việc thực hiện y đức và cả “nạn phong bì”.

Ông Tiến cho hay: Tôi tương đối yên tâm và cũng chưa thật sự yên tâm, nói góc độ nào cũng đúng cả. Vì nếu anh thực sự trau dồi, lo lắng thì được thế hệ này nhưng thế hệ sau anh lơ là đi một chút thì lại xảy ra những sự cố.  Chúng ta phải biết đến mức độ nào đấy là tương đối hài lòng, chấp nhận được. Ngay cả những sự cố về y khoa thì ngay cả nước tiên tiến như Mỹ hằng năm có hàng trăm ngàn trường hợp.

Trong y tế có y lý, y thuật, y đạo. Y lý là anh phải nắm được kiến thức, y thuật là kỹ thuật y học, anh biết nhưng phải làm được, chứ biết mà không làm được là chưa đủ. Còn y đạo là đạo đức nghề nghiệp vì chữa cho con người thì phải thể hiện tình cảm. Anh làm bác sĩ mà vô cảm thì không được, nên đòi hỏi y đức rất quan trọng, chỉ cần tình cảm rất chân thật của bác sĩ thì người bệnh đã vợi đi phần nào rồi. Vì thế, dù giỏi mà không tận tâm thì hiệu quả không cao bằng anh thật tận tâm mà chưa giỏi.  Thế hệ trước mà tốt thì làm gương cho thế hệ sau. Tất nhiên nhìn lại thì nhân viên y tế cũng phải chân thực, trung thành. Những sự cố thì cứ phải nói thẳng ra, gì mà phải nói thế này, thế nọ. Phải nhìn nhận vấn đề thẳng thắn thì sự việc bao giờ cũng êm hơn, dễ chia sẻ với nhau hơn.

Ông nghĩ sao về những ý kiến cho rằng y đức đang đi xuống, nhân viên y tế vẫn cầm phong bì từ bệnh nhân?

Theo phong tục của người Á Đông, khi chúc mừng hay cảm ơn ai đó một điều gì thường hay tặng quà. Nhiều bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân cũng chọn cách cảm ơn kiểu này (quà bằng phong bì) với bác sĩ. Nhưng theo thời gian, hình thức này bị lạm dụng khiến biến mối quan hệ bác sĩ – bệnh nhân thành mối quan hệ như mua-bán. Để hạn chế tình trạng này tại bệnh viện chúng tôi cho dán giấy ghi rõ quy định nhân viên y tế không được nhận tiền của bệnh nhân và ngược lại bệnh nhân không được đưa tiền cho nhân viên y tế. Thật ra những người biến mối quan hệ “Lương y” thành quan hệ thương mại đó không chỉ là người làm trong ngành y mà cả bệnh nhân. Có những ứng xử từ phía bệnh nhân khiến thầy thuốc chúng tôi chạnh lòng, thậm chí thấy bị xúc phạm.

Ông có thể nói cụ thể hơn về những lúc chạnh lòng đó không?

Làm trong ngành y đã quá lâu nên tôi có đủ kinh nghiệm để phân biệt đâu là cách bệnh nhân cảm ơn thật lòng, đâu là cảm ơn kiểu mua-bán. Tôi cũng chia sẻ thật là với những người cảm ơn chân thành không bao giờ chúng tôi từ chối phong bì của họ. Là bác sĩ, chúng tôi hiểu số tiền ít ỏi nhưng trong đó là tất cả tình cảm, sự trân trọng đối với những người làm thầy thuốc như chúng tôi. Nếu chúng tôi từ chối họ, nghĩa là chúng tôi làm họ tủi thân và lo lắng vì mắc vào tâm lý sẽ không được điều trị đến nơi đến chốn. Mặc dù trong nghề y, tôi khẳng định rằng không bao giờ xảy ra chuyện này do bản năng nghề nghiệp, lương tâm của một con người và quan trọng là danh dự trước đồng nghiệp không cho phép thầy thuốc làm như vậy. Tôi đã từng từ chối thẳng thừng  kiểu cảm ơn “tiền nào của nấy”. Bác sĩ học bao nhiêu năm trời, rèn luyện khổ sở không phải ra hành nghề để nhận mấy đồng bạc ấy. Những nhân viên y tế tiêu cực chỉ là số rất ít, kiểu “con sâu bỏ rầu nồi canh”.

Ông đánh giá thế nào về việc giảm tải bệnh viện, sắp tới có gì đột phá trong lĩnh vực này?

“Thật ra những người biến mối quan hệ “Lương y” thành quan hệ thương mại đó không chỉ là người làm trong ngành y mà cả bệnh nhân. Có những ứng xử từ phía bệnh nhân khiến thầy thuốc chúng tôi chạnh lòng, thậm chí thấy bị xúc phạm”

Thời gian qua giảm tải rất tốt. Hiện các bệnh viện tuyến tỉnh bệnh nhân đến khám rất đông, trung ương giảm rất nhiều vì nâng cao được năng lực bệnh viện tuyến dưới. Hệ thống bệnh viện vệ tinh thường lấy các bệnh viện trung ương làm hạt nhân, bệnh viện tuyến tỉnh làm bệnh viện vệ tinh. Khi nâng cấp được họ thì một bệnh viện có thể vừa vệ tinh, vừa là hạt nhân và Bộ Y tế đã làm như thế khá nhiều rồi. 

Trước trung ương chỉ đến tỉnh, tức là bệnh viện tỉnh làm vệ tinh, nhưng giờ trung ương có thể xuống tận huyện thì huyện cũng gọi là bệnh viện vệ tinh được. Giờ tuyến tỉnh đã được nâng cấp lên cao thì có thể tỉnh A giỏi hơn tỉnh B nên tỉnh A có thể làm hạt nhân, giúp cho bệnh viện tỉnh B, hoặc bệnh viện tỉnh xuống giúp bệnh viện huyện. Như vậy, một bệnh viện có thể là vệ tinh, có thể là hạt nhân. Giờ hệ thống đó lan tỏa thì sẽ giảm tải được các bệnh viện tuyến trên, nhưng cái quan trọng nhất là người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, không phải đi đâu.

Giá thuốc và viện phí luôn là vấn đề người bệnh nghèo quan tâm, theo ông cần làm gì để giảm bớt gánh nặng cho dân?

Việc tăng viện phí đúng là tạo được nguồn lực cho các bệnh viện, nhất là những bệnh viện tự chủ, nhưng trong bối cảnh hiện tại thì lãnh đạo bệnh viện phải quan tâm, sâu sát, thậm chí phải thông minh để có những giải pháp phù hợp. Ví dụ như các loại vật tư tiêu hao, trang thiết bị thì lẽ ra ở mức độ này đã điều trị đạt yêu cầu rồi mà cứ đòi vươn ra như những nước rất giàu, cứ đòi hỏi mua những cái đó áp vào cho bệnh nhân thì là quá sức, rất nặng nề. Thứ hai nữa, đối với người bệnh, với bác sĩ, với các kỹ thuật viên phải thực hiện thế nào cho tiết kiệm nhất. Ví dụ có bác sĩ chỉ khâu hết 1 sợi chỉ nhưng có người khâu hết 2-3 sợi chỉ. Như thế anh nào mổ kém thì phải phê bình người ta. Tôi cho rằng có nhiều giải pháp chứ không phải hô hào không.

Rất nhiều loại hình chăm sóc sức khỏe người dân, công, tư, xã hội hóa, bác sĩ gia đình... theo ông nên duy trì và phát triển như thế nào?

Dù bệnh viện gì thì cũng phải kiểm soát tốt, không phải thích gì làm nấy trên sức khỏe con người. Thứ hai, trong lĩnh vực khám chữa bệnh hiện người dân tiếp cận các dịch vụ y tế cũng đang tương đối khó khăn, cũng chưa phải ở đâu cũng tốt, thì phải tạo ra một cơ chế thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh để bệnh viện công, bệnh viện tư đều phát triển. Ngay cả giá viện phí của bệnh viện công hay tư cũng phải được kiểm soát để giá chấp nhận được, vừa có thể cho bệnh viện tái đầu tư, trả công được cho nhân viên.

Thứ trưởng muốn nhắn gửi gì với đội ngũ ngành y trong ngày đặc biệt này?

Không phải với tư cách thứ trưởng, mà với tư cách một bác sĩ, tôi cho rằng không bao giờ thỏa mãn với mình mà cho rằng trình độ như thế đã đạt rồi. Trong nghề y thì thận trọng bao nhiêu cũng chưa đủ nên không được chủ quan, phải coi người bệnh như người nhà của mình để ứng xử, có hành vi thân thiện, tốt đẹp và luôn hỗ trợ đồng nghiệp. Thực tế vẫn có những người tự kiêu tự phụ, coi thường đồng nghiệp. Đối với người làm ngành y thì phải thẳng thắn, chân thành, trung thực. Nhưng với người dân thì tôi cũng mong muốn sự chia sẻ vì ngành y rất vất vả và không bao giờ tránh được những tai biến, chỉ cố gắng giảm đến mức tối thiểu nên khi xảy ra chuyện gì, người dân chia sẻ một cách khách quan, nhân văn để anh em làm việc tốt hơn, đừng đẩy người ta vào đường cùng, bất mãn, chán nản...

Cảm ơn Thứ trưởng.

(* Tiền phong (trang 1))

Tư vấn dinh dưỡng cho 1 triệu bệnh nhân

Ngày 26/2, tại TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và Vinamilk ký kết dự án “Tư vấn dinh dưỡng cho 1 triệu bệnh nhân trong 3 năm từ 2016 - 2018”.

Dự án nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và chất lượng điều trị cho bệnh nhân, đồng thời nâng cao kiến thức điều trị dinh dưỡng lâm sàng cho nhân viên y tế bệnh viện Chợ Rẫy, bởi theo khảo sát, có từ 40- 50% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, trong đó có 50% suy dinh dưỡng nặng. Việc tầm soát nguy cơ dinh dưỡng sẽ giúp bác sĩ tiên lượng được kết quả trong điều trị, kê toa chế độ dinh dưỡng phù hợp cho từng bệnh nhân nhằm giảm tần suất biến chứng, tăng khả năng phục hồi, rút ngắn thời gian nằm viện và chi phí điều trị. (* Công an Nhân dân, Tiền phong (trang 1))

Cứu người trước, viện phí tính sau

Trước những ca bệnh hiểm nghèo nhưng người bệnh không thể trả viện phí, nhiều bác sĩ (BS) đã quyết định không tiền vẫn mổ để cứu người.

"Nghe đọc bài Cứu người trước, viện phí tính sau"

Còn việc bảo lãnh hoặc đi xin tiền bạn bè, người quen giúp bệnh nhân nghèo trả viện phí thì tính sau. Đó là chuyện thường diễn ra tại các bệnh viện ở TP.HCM, Hà Nội.

Trốn viện vì không có tiền đóng viện phí

Gần bốn tháng trôi qua nhưng nhiều BS ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Q.5) vẫn nhớ câu chuyện chị Trần Thị Ngọc Quý (Q.8) bỏ trốn viện do không có tiền đóng viện phí.

Lúc đó chị Quý mang thai tháng thứ 8, thấy người mệt nên đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khám. Đang khám bệnh bỗng nhiên chị ngất xỉu. Bệnh viện quyết định mổ ngay để cứu cả mẹ lẫn con. BS Võ Đức Chiến - giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết lúc nhập viện nghe người nhà nói chị Quý không có tiền mổ, bệnh viện liền gọi một số mạnh thường quân giúp đỡ.

Nhưng chưa kịp thông báo thì bệnh nhân trốn viện. Bệnh viện phải cử người tức tốc đến tận nhà gọi chị Quý cùng cháu bé tái khám, lấy thuốc miễn phí. Chị Quý òa khóc và yên tâm đưa con đến bệnh viện. Mùng 2 tết, chị Quý trở bệnh phải nhập viện, chi phí nằm viện trong 10 ngày cũng được miễn phí.

Căn nhà trọ lụp xụp của gia đình chị Ngọc Quý nằm trên đường Nguyễn Duy (P.9, Q.8). Cả gia đình sáu người chật vật trong căn trọ chưa đầy 4m2. Nhà thấp, mái lợp tôn nóng hừng hực.

Chị Quý người đen ốm, mệt mỏi nằm ở một góc phòng. Bà Nở - mẹ chị Quý - nói bà có đến phường xin mua bảo hiểm y tế cho con. Phường yêu cầu mua cả nhà, không có tiền nên bà không mua. Con đổ bệnh bà phải xoay xở, vay mượn hết xóm làng cũng chỉ đủ đóng tiền tạm ứng viện phí. Chị Quý vừa tỉnh, trong túi bà không còn đồng nào.

Xót con nhưng bà đành bất lực đưa con trốn viện, chấp nhận số phận “tới đâu hay tới đó”. “Nghe BS nói có người cho tiền trả viện phí mà mừng chảy nước mắt” - bà Nở gạt nước mắt.

Theo BS Võ Đức Chiến, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân khó khăn không có được thẻ bảo hiểm cho người nghèo. Nghe bệnh nhân kể mới biết họ phải sống nay đây mai đó, không có hộ khẩu để đăng ký bảo hiểm. Khi tới điều trị, những bệnh nhân này chỉ có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của bệnh viện.

Trường hợp của anh Phan Thanh Hà là một ví dụ. Anh Hà ở quê lên Sài Gòn mưu sinh bằng nghề xe ôm. Không may anh bị tai nạn giao thông, người dân đưa anh đến cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Khi nhập viện anh chỉ có vài trăm ngàn đồng trong túi. Các BS chỉ định anh cần phẫu thuật sọ não gấp. Khi nghe báo cáo có trường hợp như vậy, ban giám đốc bệnh viện lập tức chỉ đạo phải cứu chữa anh Hà bằng mọi giá. Ban giám đốc còn gặp một mạnh thường quân của Hội chữ thập đỏ là chủ khách sạn trình bày về hoàn cảnh anh Hà để có được tài trợ toàn bộ viện phí cho anh Hà.

Hoặc trường hợp chị Võ Thị V. ngụ ở huyện Bình Chánh cũng vậy. Chị nhập viện ngày 15-2, đang điều trị tại bệnh viện do gãy cổ xương đùi, phải phẫu thuật. Biết bệnh nhân khó khăn, các nhân viên trong bệnh viện cùng các cơ quan báo chí đưa hoàn cảnh lên truyền thông, mong nhận được sự giúp đỡ. Ngày 24-2, bệnh viện nhận sự hỗ trợ của nhóm ACE (Anh Chị Em) với số tiền 50 triệu đồng để chi trả viện phí cho người bệnh. (* Tuổi trẻ (trang 1))

“Bảo lãnh cấp cứu”

Sáng 27 tết (5-2-2016), chị Nguyễn Thị Hoa, 33 tuổi, được chồng là Nguyễn Văn Thưởng, 40 tuổi, đưa ra viện sau hơn hai tháng điều trị tại Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Bị phình động mạch chủ thể nặng, chị từng chữa trị chi phí lên tới 400 triệu đồng năm 2012, nhưng từ đó đến trước khi vào viện lần này, mỗi năm chị Hoa phải ở bệnh viện 5-7 tháng vì những biến chứng.

Lần này chị ho ra máu, soi thấy máu vào phổi, vào dạ dày và thực quản, sốt cao vì phần động mạch bị phình đã biến thành một ổ viêm lớn sưng tấy, các bác sĩ quyết định phải mổ mới có cơ may cứu sống bệnh nhân. Nhưng ca mổ năm xưa chi phí quá lớn với một gia đình nông dân, nếu lần này chị phải mổ, gia đình chạy ngược chạy xuôi cũng không đủ, chồng chị quyết định xin cho vợ về để điều trị bằng thuốc, may nhờ rủi chịu.

“Hôm ấy chồng bệnh nhân ngồi đây tâm sự với tôi rằng nếu chạy vạy hết khả năng, gia đình chỉ lo được 100 triệu đồng, tôi biết chắc số tiền ấy không đủ cho ca mổ. Nhưng đây là một mạng người, chị ấy vẫn còn trẻ, nếu được cứu sống thì đó là cơ hội cho các con chị ấy được sống cùng mẹ, cháu bé con út chị ấy đúng 10 tuổi bằng con trai tôi. Thế là chúng tôi quyết định: không đủ tiền cũng mổ. Lúc ấy tôi đã nghĩ đến đi xin bạn bè, mà còn thiếu nữa thì xin bệnh viện miễn giảm. Ca mổ kéo dài sáu giờ. Ca bệnh của chị Hoa là sự phối hợp của cả ba chuyên khoa tim mạch, tiêu hóa và hô hấp” - bác sĩ Dương Đức Hùng, phẫu thuật viên thực hiện ca mổ cho bệnh nhân Hoa, cho hay.

Lúc ấy các bác sĩ cho rằng bảo hiểm y tế sẽ không thanh toán tối đa cho ca mổ này nên quyết định “không tiền cũng mổ” của họ xem như đơn bảo lãnh cho chị Hoa.

Hơn một tháng rưỡi sau ca mổ (ca phẫu thuật thực hiện ngày 15-12-2015), chị Hoa đã nói và ăn trở lại bằng đường miệng. Mái tóc cắt ngắn và giọng nói còn run, chị tâm sự trước kia mình không bao giờ đau ốm, rồi đột ngột một ngày của năm 2012, chị thấy một cơn đau thắt xuyên qua lưng, đau đến muốn ngất đi.

Vào viện, các bác sĩ chẩn đoán chị bị phình động mạch chủ, đoạn phình rất lớn và phải can thiệp mới có thể tạm cứu sống. Cả nhà chị chạy vạy khoản tiền khoảng 200 triệu đồng, chưa kể khoản bảo hiểm thanh toán cũng tương đương như vậy để chị được sống về với gia đình.

“Nhưng từ sau lần ấy thì tôi đi viện suốt, và lần gần nhất thì trước khi đến viện, tôi thường ho ra máu. Hai vợ chồng nông dân mà mỗi năm đi viện 5-7 tháng nên chúng tôi kiệt quệ. Lần này sống được và về với con là công các bác sĩ. Hôm kia con út gọi lên khóc, nói con nhớ mẹ. Tôi có nói với cháu mấy ngày nữa là mẹ được về với con” - chị Hoa rơm rớm nước mắt tâm sự.

Ca mổ lần này của chị Hoa có tổng chi phí 539 triệu đồng. Ngoài bàn tay vàng của các bác sĩ và sự sẵn sàng của họ trước giây phút sinh tử của chị là sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế: bảo hiểm chi trả hầu hết chi phí điều trị toàn bộ ca bệnh của chị, anh Thưởng chồng chị chỉ phải chi trả viện phí 38 triệu đồng.

Trước khi chị Hoa ra viện, khoa C8 Viện Tim mạch quốc gia đã trích quỹ đời sống của khoa trao cho vợ chồng chị 5 triệu đồng để vợ chồng chị lo cho các cháu một cái tết tươm tất. Hôm nay chị Hoa nói được dù còn run là nhờ công sức hơn hai tháng của một tập thể gần 80 thầy thuốc, y tá, phẫu thuật viên trong khoa, chưa kể sự hỗ trợ của các bác sĩ hô hấp và tiêu hóa trong Bệnh viện Bạch Mai.

Dù giọng nói còn run, chị Hoa vẫn hứa sẽ gửi cho các bác sĩ một túi khoai ngứa, nghe đến đây ai cũng bật cười. Họ nghĩ rằng người Việt vốn tự trào ai đó nói nhiều là vì ăn khoai ngứa đây mà. Nhưng chị Hoa nhẹ nhàng giải thích đó là loại khoai ăn rất ngon và không hề ngứa, có nhiều ở vườn nhà ở Giao Thủy, Nam Định. (* Tuổi trẻ (trang 1))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang