Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/4/2017

  • |
T5g.org.vn - Bảo hiểm y tế sẽ tiếp tục thanh toán các loại thuốc vừa bị dừng; Bộ Y tế đã đạt được thoả thuận mua thuốc điều trị viêm gan C giá rẻ; Ung thư vú phổ biến nhất, cao nhất ở nữ giới

 

Bảo hiểm y tế sẽ tiếp tục thanh toán các loại thuốc vừa bị dừng

Đây là tin mừng với người bệnh khi những ngày qua, người dân bức xúc về việc bảo hiểm xã hội (BHXH) dừng thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) với một số thuốc...

Việc dừng chi trả này khiến bệnh nhân kêu trời còn bác sĩ cũng không thể kê đơn để điều trị. Trước sự quan tâm của dư luận, chiều 25-4, Vụ BHYT (Bộ Y tế) đã thông tin chính thức về hướng giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân.

TS. Hà Văn Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, thực tế có tình trạng các thuốc thương mại cùng hoạt chất nhưng các nhà sản xuất khác nhau sẽ có các chỉ định trong hồ sơ đăng ký thuốc khác nhau, trong khi việc đấu thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) lại thực hiện theo tên hoạt chất.

Các bác sĩ ngoài việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất, còn sử dụng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, của cơ sở KCB, Dược thư Quốc gia hoặc các tài liệu y khoa khác như Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của WHO, của Hiệp hội chuyên khoa quốc tế vv…

Trong các tài liệu này hầu hết thuốc được hướng dẫn sử dụng theo tên hoạt chất. Do đó xảy ra tình trạng bác sỹ chỉ định sử dụng thuốc theo tên hoạt chất, nhưng có thể một số chỉ định không có trong nội dung chỉ định đã đăng ký (theo tên thương mại của từng công ty đăng ký với Cục Quản lý Dược).

Ngoài ra, trong thực tế, nhiều trường hợp dù không có trong chỉ định đã đăng ký của nhà sản xuất, nhưng vẫn cần sử dụng thuốc cho người bệnh, đặc biệt trong các tình huống cấp cứu người bệnh. Vì thế, việc BHXH dừng thanh toán một số thuốc được sử dụng không phù hợp với chỉ định trong hồ sơ đăng ký thuốc đã phê duyệt, dẫn đến tình trạng bệnh nhân đang điều trị không tiếp tục được thanh toán thuốc, hoặc một số cơ sở KCB đã thanh toán thuốc cho người bệnh nhưng bị xuất toán, gây bức xúc trong dư luận.

TS. Hà Văn Thúy cho biết hướng giải quyết của Bộ Y tế trong vấn đề này là chỉ đạo các cơ sở KCB, cơ quan BHXH tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư 40/2014/TT-BYT. Cơ sở KCB, các bác sĩ cần nắm rõ quy định để mua sắm, quản lý, lựa chọn thuốc và chỉ định hợp lý, cũng như thông tin để người bệnh biết.

Ngay sau khi có thông tin BHXH TP. Hồ Chí Minh dừng thanh toán 2 loại thuốc Mycophenolat và Tacrolimus, Bộ Y tế đã họp với đại diện các Vụ, Cục, BHXH Việt Nam và cơ sở KCB để tìm biện pháp giải quyết. Sau đó, BHXH Việt Nam đã có công văn đề nghị BHXH TP Hồ Chí Minh tiếp tục thanh toán 2 loại thuốc trên. Tới đây, Bộ Y tế sẽ có công văn chính thức chỉ đạo giải quyết vấn đề này.

Việc một số cơ quan báo chí đưa thông tin sử dụng kháng sinh Cefepim chỉ được BHYT thanh toán khi có kết quả kháng sinh đồ, TS. Hà Văn Thúy giải thích: Cefepim là thuốc kháng sinh Cafalosporin thế hệ 4, có đánh dấu (*) trong danh mục ban hành, là thuốc cần cân nhắc trước khi sử dụng, thực hiện theo hướng dẫn sử dụng kháng sinh của Bộ Y tế nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc cũng như lạm dụng thuốc. Tuy nhiên, Bộ Y tế không có quy định làm kháng sinh đồ trước khi sử dụng Cefepim.

TS. Hà Văn Thúy cũng cho biết, về lâu dài, Bộ Y tế sẽ tổng hợp các vướng mắc cụ thể của cơ sở KCB về việc sử dụng thuốc ngoài chỉ định đã đăng ký để giải quyết, dựa trên các hướng dẫn điều trị chuẩn đã được Bộ Y tế ban hành, Dược thư Quốc gia, tài liệu chuyên môn và bằng chứng thực tiễn chứng minh tính phù hợp, sự cần thiết và hiệu quả trong điều trị. 

Bộ Y tế sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn xem xét từng trường hợp cụ thể để làm căn cứ thanh toán, bảo đảm tính an toàn, hiệu quả và quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT.

Đại diện Vụ BHYT cho biết, từ 2016 Vụ đã tổ chức thu thập thông tin, cử các đoàn đi 6 tỉnh khảo sát, đánh giá những vướng mắc trong thực hiện Thông tư 40, đồng thời có công văn đề nghị các đơn vị có gì vướng mắc trong thực hiện Thông tư 40 thì báo về. Con số báo về cho thấy số lượng các loại thuốc vướng mắc không nhiều, vì có nhiều nhóm thuốc thay thế chỉ định được đăng ký trong hồ sơ. Nhưng Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát để tổng hợp và sửa đổi cho phù hợp.

Về việc có một số thuốc được BHYT thanh toán nhưng BV lại không còn để điều trị, khiến bệnh nhân phải ra ngoài mua thì có được thanh toán hay không, đại diện Vụ BHYT cho biết: Theo Thông tư 40, BV phải chịu trách nhiệm cung ứng đủ thuốc cho bệnh nhân. 

Nhưng vì lý do khách quan mà thiếu thuốc, sẽ có 3 phương án: BV vay của các nhà cung cấp thuốc để điều trị cho bệnh nhân; chuyển bệnh nhân đi BV khác; sử dụng cơ chế thanh toán trực tiếp với BHYT theo hóa đơn mua và BV sẽ cung cấp đầy đủ hóa đơn chứng từ liên quan cho BHXH.

Tuy nhiên, BHYT chỉ thanh toán (cho bệnh nhân hoặc BV) theo giá thuốc BV đã thắng thầu, nên nếu người bệnh mua giá cao hơn giá trúng thầu tại BV thì cơ quan BHXH sẽ xử lý từng trường hợp cụ thể. (Công an nhân dân, trang 7; Lao động, trang 3).

 

Bộ Y tế đã đạt được thoả thuận mua thuốc điều trị viêm gan C giá rẻ

Ngày 26.4, TS. Trương Quốc Cường – Thứ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với địa diện của Công ty dược phẩm Gilead Sciences, Hoa Kỳ - hiện đang là chủ sở hữu bằng sáng chế một số thuốc mới điều trị viêm gan C và là một trong các công ty dược phẩm hang đầu thế giới chuyên cung cấp thuốc điều trị viêm gan C. Tại buổi làm việc, Công ty Gilead Sciences đảm bảo cung cấp đủ thuốc điều trị viêm gan C (thuốc Sovaldi, Havorni, Epcluse) do chính công ty sản xuất cho Việt Nam, với giá thấp nhất, chỉ bằng 1% giá thuốc phát minh hiện đang bán cho thị trường Mỹ. (Lao động, trang 2).

 

Ung thư vú phổ biến nhất, cao nhất ở nữ giới

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Ung thư vú Việt – Pháp do Bệnh viện K, cơ sở tân Triều, Hà nội, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các trường đại học y khoa và các bệnh viện chuyên ngành ung bướu hàng đầu nước Pháp và Việt Nam. Theo báo cáo ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2012 trên thế giới có 14,1 triệu trường hợp mắc mới và 8,2 triệu ca tử vong do ung thư và 32,6 triệu người hiện đang sinh sống cùng bệnh ung thư (trong vòng 5 năm sau chẩn đoán)… (Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

35% số ca ung thư do ăn uống

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, trong 15 năm qua hầu hết các loại ung thư tại Việt Nam đều gia tăng. Có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó đáng chú ý 30% do thuốc lá và 35% do thực phẩm không an toàn và chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

Trẻ hóa bệnh nhân ung thư

Bệnh nhân ung thư không chỉ gia tăng mà còn đang trẻ hóa. GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chuyên gia đầu ngành về nghiên cứu ung thư cho biết, tại một số cơ sở điều trị ung bướu đầu ngành ở Hà Nội và TPHCM tiếp nhận nhiều bệnh nhân ung thư ở độ tuổi 20, thậm chí không ít trường hợp là trẻ em. Đáng lo ngại, một số loại ung thư như dạ dày, phổi, trực tràng, vú cũng có chiều hướng tăng cao. Trong đó, chỉ riêng ung thư dạ dày ở Việt Nam có tỷ lệ tử vong cao gấp năm lần so một số quốc gia trong khu vực.

Đáng chú ý ung thư phổi đã tăng gấp đôi sau 10 năm, nghiên cứu của ngành y tế cho thấy, năm 2000 số mắc ung thư phổi là 17/100.000 dân, đến 2010 đã tăng lên gấp đôi, tới mức 34 người/100.000 dân. Ung thư đường tiêu hóa cũng gia tăng gấp rưỡi sau 10 năm. Ung thư ngày càng gia tăng trên khắp thế giới chứ không riêng Việt Nam. Theo ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có tối thiểu 190.000 ca ung thư mắc mới mỗi năm.

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết có 4 nguyên nhân chính khiến ung thư tại Việt Nam ngày càng tăng gồm tuổi thọ người Việt Nam ngày càng cao. Tuổi càng cao, tỷ lệ phơi nhiễm với các nguy cơ ung thư càng lớn. Tiếp đến do nhận thức, tuyên truyền tăng lên, người dân đi khám ngày càng nhiều hơn nên phát hiện thêm nhiều người mắc ung thư. Cùng với đó là các phương tiện chẩn đoán ngày càng tốt hơn giúp tỷ lệ phát hiện bệnh cao hơn. Và cuối cùng là do tác động của các nguyên nhân hiện hữu gồm nguyên nhân bên ngoài và bên trong.

80% ung thư do môi trường bên ngoài tác động

GS.TS Mai Trọng Khoa nhận định, hơn 80% trường hợp ung thư là do yếu tố môi trường bên ngoài tác động vào như không khí ô nhiễm, thực phẩm, nước uống mất vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường làm việc độc hại.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, ung thư là bệnh lý gây ra do nhiều nguyên nhân kết hợp, trong đó chỉ có dưới 10% ung thư phát sinh do các rối loạn trong cơ thể, bao gồm các rối loạn nội tiết, tổn thương có tính di truyền. TS Thuấn đưa ra ví dụ, trong gia đình có mẹ, chị em gái mắc ung thư vú thì người đó có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn 4-6 lần người bình thường. Con số này gấp 2-4 lần ở những phụ nữ uống thuốc tránh thai liên tục hơn 10 năm.

Theo TS Thuấn: “80% ung thư do liên quan yếu tố môi trường sống. Trong 80% này thì 35% ung thư do thực phẩm, 30% ung thư do hút thuốc, 15% nguyên nhân khác”.

Có nhiều nhóm bệnh nghề nghiệp dễ dẫn đến các dạng ung thư như: Ung thư phổi do tiếp xúc với amiăng và hít phải bụi amiăng; tiếp xúc với các chất asen, cadmi, crôm, niken, silic. Một số dạng ung thư nghề nghiệp phổ biến khác như: Ung thư da, mũi, miệng, gan do tiếp xúc với hóa chất sử dụng trong công nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia về ung thư, dinh dưỡng không hợp lý và không an toàn chiếm khoảng 35% căn nguyên gây ung thư như ăn nhiều chất béo, đạm, đặc biệt là mỡ động vật, ít rau quả, sử dụng thực phẩm bẩn, thực phẩm ô nhiễm hóa chất bảo quản. Các ung thư đường tiêu hóa như đại trực tràng, ung thư vú liên quan chặt chẽ căn nguyên này. Những thực phẩm chứa chất độc hại khi vào cơ thể thông qua ăn uống sẽ đi qua máu, tác động vào từng tế bào gây ra nhiều loại bệnh ung thư hơn.

Khi cơ thể bị nhiễm hóa chất có thể gây ngộ độc lập tức nhưng nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể, đến một lúc nào đó, đủ lượng sẽ gây đột biến tế bào. Nếu đột biến nhẹ, tế bào có thể tự điều chỉnh. Nhưng bị đi bị lại nhiều lần, tế bào sẽ nhờn, mất khả năng điều chỉnh trở thành tế bào đột biến ác tính. Giám đốc Bệnh viện K nhận định, các chất bảo quản thực phẩm, nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hoá học, các chất trung gian chuyển và sinh ra từ thực phẩm nấm mốc, lên men (cà, dưa muối) gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hoá như: Dạ dày, gan, đại tràng, thực quản...

Các chuyên gia đầu ngành về ung thư cho rằng, các chất tăng trọng, thuốc trừ sâu, kháng sinh, chất phụ gia... có trong thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người sử dụng, có thể gây ngộ độc cấp tính, nhiễm trùng, sán não nhưng để phát triển thành bệnh lý ung thư thường phải sau thời gian dài tiếp xúc.

PGS.TS Trần Văn Thuấn khuyến cáo, để phòng ngừa ung thư, phòng tránh nguy cơ tử vong thì bệnh nhân ung thư được phát hiện sớm, điều này sẽ dẫn đến khả năng điều trị thành công và kéo dài cuộc sống rất cao. Bên cạnh đó, mỗi người cần thực hiện lối sống điều độ, lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia và thường xuyên vận động, luyện tập thể dục - thể thao. Không ăn các ngũ cốc và các loại thực phẩm đã bị mốc; hạn chế các loại thức ăn dạng xông khói hay muối như: thịt xông khói, thịt muối, cá muối…; không hút thuốc lá (chất hắc ín có trong thuốc lá chính là nhân tố gây bệnh ung thư phổi và ung thư tuyến tụy)… (Tiền phong, trang 6).

 

Nhiều bệnh viện tư “chết” lâm sàng

Sau hơn hai năm hoạt động, ngày 26/4, Bệnh viện quốc tế Ipak ở quận 2 chính thức đóng cửa. Trước đó tại TPHCM, hàng loạt bệnh viện tư khác cũng lâm vào tình trạng “chết lâm sàng”, rao bán hoặc cầm cự sống lay lắt qua ngày...

Sống không bằng chết

Một tuần trước, ông Diệp Văn Phát, Chủ tịch HĐQT Bệnh viện quốc tế Ipak bất ngờ tuyên bố ngày 28/4 này sẽ đóng cửa bệnh viện đồng thời yêu cầu các khoa phòng nơi đây “ngưng tiếp nhận bệnh nhân”. Là bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam được chuyển đổi công năng từ 5 bock chung cư cao cấp sang mô hình bệnh viện với vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng, Bệnh viện quốc tế Ipak được kỳ vọng sẽ giảm tải cho các bệnh viện quận 2, 9, Thủ Đức và đón bệnh nhân từ Đồng Nai sang. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm hoạt động, nay lãnh đạo nơi đây tuyên bố bệnh viện chính thức “chết lâm sàng”. Hàng trăm bác sĩ và nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện tá hỏa vì đến thời điểm này họ vẫn chưa được nhận lương tháng 2-3/2017.

Bác sĩ Mai Tiến Dũng, Giám đốc Bệnh viện quốc tế Ipak thừa nhận việc đóng cửa bệnh viện là do không đảm bảo được tiềm lực tài chính. “Có hai tập đoàn được mời vào đầu tư tiếp nhưng mọi chuyện diễn ra không như mong đợi”- ông cho biết và nói thêm: Hiện bệnh viện đang gánh khoản lỗ là hơn 60 tỷ đồng. Ngay khi đóng cửa, nơi đây đã làm việc với bảo hiểm y tế quận 2 để chuyển 4.000 người đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nơi đây về cho các bệnh viện khác. Trong khi đó, 50% cán bộ nhân viên vẫn chưa xin được việc làm mới.

Được xây dựng 72 tầng trên tổng diện tích 9.800 m2, sau 6 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện tư nhân Phú Thọ ở đường Độc Lập, quận Tân Phú cũng ngưng hoạt động mấy năm nay. Không có khả năng thanh toán lương thưởng cho nhân viên, số tiền lãi mẹ lãi con huy động từ các cổ đông bên ngoài để xây dựng bệnh viện lên đến hàng trăm tỷ đồng cũng không được giải quyết khiến “bà chủ” của bệnh viện này... bỏ của chạy lấy người.

Mới đây, bệnh viện này đã được rao bán với giá khởi điểm 390 tỷ đồng. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại chưa có một doanh nghiệp nào “hỏi thăm”. “Mua để đầu tư bất động sản thì giá quá cao, còn đầu tư bệnh viện thì không thể thu hút bệnh nhân được” - một doanh nghiệp bất động sản nói khi hỏi về ý định mua lại bệnh viện này. Một bác sĩ từng được thuê làm phó giám đốc điều hành bệnh viện này tiết lộ, bệnh viện đầu tư gần cả nghìn tỷ đồng, máy móc thiết bị hiện đại nhưng bệnh nhân đến khám lèo tèo.

Lý giải về nguyên nhân, vị bác sĩ này cho rằng, do mấy năm trước, bệnh viện tư chưa được tham gia vào khám bảo hiểm y tế khiến người bệnh thực hiện các dịch vụ y tế kỹ thuật cao phải chi trả giá cao. “Không được bảo hiểm “chia sẻ” một phần viện phí, người dân dần xa lánh bệnh viện tư”- bác sỹ này bộc bạch.

Không bị đóng cửa nhưng nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vũ Anh ở quận Gò Vấp cũng hoạt động lay lắt. Lượng bệnh nhân ít ỏi, cộng với đội ngũ bác sĩ giỏi lần lượt ra đi khiến cho nơi đây không còn là một “bệnh viện - khách sạn” 5 sao như nó vốn được gắn mác trước đó. Những năm mới ra đời, với mức lương 50 -100 triệu đồng/tháng, hàng loạt bác sĩ giỏi ở bệnh viện được chiêu mộ về đây. Thế nhưng sau một vài năm hoạt động ban đầu, lần lượt bệnh nhân ra đi vì chi phí điều trị quá cao, trong khi bảo hiểm y tế dù có thanh toán một phần vẫn đắt đỏ hơn các bệnh viện công ở cùng khu vực.

Cùng cảnh ngộ là Bệnh viện quốc tế City ở quận Bình Tân. Đi vào hoạt động đầu năm 2014 với vốn đầu tư 80 triệu USD theo chuẩn Singapore. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm ngoái, bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm, sở hữu bệnh viện này thông báo với đoàn làm việc gồm ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TPHCM và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rằng, mỗi tháng nơi đây phải bù lỗ 1 triệu USD để vận hành bệnh viện.

Bà Lâm nói dù được đầu tư đạt chuẩn 5 sao, đội ngũ bác sĩ giỏi với máy móc hiện đại nhưng khi đi vào hoạt động vẫn thua lỗ. Người đứng đầu tập đoàn Hoa Lâm mong muốn được UBND TPHCM và Bộ Y tế giúp đỡ bệnh viện tiếp cận nguồn vốn để duy trì bệnh viện, đồng thời xin có cơ chế hợp tác với bệnh viện công...

BV công “xã hội hóa” tràn lan

Trong khi bệnh viện tư ngắc ngoải thì hệ thống bệnh viện công lại “ăn nên làm ra”. “Xã hội hóa” đang diễn ra tràn lan trong bệnh viện công bằng hình thức cho tư nhân, các công ty vào đặt máy móc, thiết bị chụp chiếu... để “ăn - chia” khiến cho nơi đây cũng dần trở thành bệnh viện tư dưới vỏ bọc bệnh viện công. PGS-TS Nguyễn Hoài Nam - Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM từng cảnh báo “đã xuất hiện tình trạng không công bằng giữa công- tư hiện nay”. Lấy dẫn chứng để cho thấy, các bệnh viện công hiện đã cho bác sĩ dùng cơ sở vật chất có sẵn của nhà nước để “khám dịch vụ”, “mổ dịch vụ”, “chụp chiếu, xét nghiệm dịch vụ” hay “phòng dịch vụ”... thu tiền của bệnh nhân mức cao hơn cả ở bệnh viện tư. 

“Việc làm này vô tình phân hoá, tạo bất công trong y tế, trong người bệnh” - PGS Hoài Nam nói. Tuy nhiên, nhiều giải pháp và kiến nghị của ông và cả Hiệp hội bệnh viện tư đến nay vẫn chưa được lắng nghe một cách thấu đáo.

Dù các chuyên gia y tế nhìn nhận công cuộc xã hội hóa này giúp người hưởng lợi đầu tiên là bệnh nhân nhưng thực tế, người bệnh đang trở thành miếng mồi ngon cho hàng loạt kiểu kinh doanh dịch vụ trong bệnh viện công hiện nay. Ông Nguyễn Văn Tuấn, 61 tuổi, một cán bộ về hưu ở quận 7 nói, ông cảm thấy “tủi thân” khi đi khám bảo hiểm y tế ở bệnh viện công. “Khám bảo hiểm chờ đợi từ sáng đến trưa mới được gọi tên, khám qua loa. Trong khi đó, những người có tiền, đi khám dịch vụ, khám VIP được nhân viên y tế dẫn đi và chăm sóc chu đáo. Các khâu từ khám đến xét nghiệm, chụp chiếu diễn ra rất nhanh khiến mình thấy phân biệt quá” - ông Tuấn nói.

Từng công tác ở bệnh viện công ở quận 5, nhưng mới đây bác sĩ Lê Văn Toàn đã xin nghỉ về mở phòng khám tư nhân. Nói về nở rộ xã hội hoá trong bệnh viện, bác sĩ Toàn thừa nhận mấy năm trở lại đây đang xuất hiện “hai thế giới khác trong bệnh viện công”. Ông dẫn chứng ở khu khám dịch vụ là “một bệnh viện tư” được đầu tư khang trang, bệnh nhân được phục vụ như “thượng đế”. Còn ở khu khám, điều trị thường là tình cảnh quá tải, bệnh nhân nằm ngồi la liệt, ăn ở hành lang hay ngồi ở gốc cây. “Hai thế giới” này chúng tôi ghi nhận xuất hiện ở hầu như các bệnh viện công  tại TPHCM hiện nay. (Tiền phong, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang